Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Lại chuyện quy kết chụp mũ văn nghệ

Nam Đông

Ở Việt Nam, chuyện nhân danh cái này cái kia để quy kết một cá nhân, tập thể hay hội đoàn xảy ra như cơm bữa, đặc biệt là trong lĩnh vực văn nghệ báo chí, bởi đối tượng bị quy kết, dưới mắt họ là những kẻ xấu, những kẻ chống phá chế độ, thậm chí là kẻ thù dân tộc.

Một Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau, hai bài thơ Tiếng hát ngày vềNgọn cỏ tịch điền của Trần Huiền Ân ở Phú Yên, Đồng Nai thì có Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân của Đàm Chu Văn… xa hơn là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh hay Miền hoang tưởng của Đào Nguyễn…

Những người lên tiếng công kích, phản đối, quy chụp… thường có cái nhìn phiến diện xuất phát từ trình độ “thẩm thấu” nghệ thuật non kém, cảm thụ văn học theo lối chặt câu bẻ chữ hoặc nhìn hiện tượng để quy chiếu bản chất, v.v.

Mới đây, trên tờ Văn nghệ Bình Thuận số 180 tháng 7-8/2014 có bài viết của ông Nguyễn Văn Hóa có tựa: Điều gì ẩn trong một bài viết đăng trên tập san Quán Văn số 017. Nội dung bài viết cố tình xuyên tạc công việc làm của Quán Văn, một tập san thuần túy văn chương, tập hợp nhiều cây bút trong và ngoài nước, được cấp giấy phép xuất bản định kỳ. Ông Hóa đã dựa vào một bài phê bình văn học của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên viết về nhà thơ Hạc Thành Hoa, để vừa quy kết bài viết vừa cho Quán Văn như một nơi tập hợp những người làm văn nghệ để đả kích chống đối chế độ!?

clip_image002

clip_image004 clip_image006

Sau khi lập luận dông dài về vai trò lãnh đạo văn nghệ của Đảng, ông Hóa chỉ ra: “Tác giả bài viết (kể cả thơ và văn xuôi) hầu hết là những người từng cầm bút và sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam, một số văn nghệ sĩ của Bình Thuận, trong đó có một bộ phận là những người đã từng cầm vũ khí (hoặc cầm bút) bảo vệ chế độ chính trị cho ngụy quyền Sài Gòn, một số (tác giả) khác có bài viết được in trong tập san này hiện đang định cư tại Mỹ và các nước phương Tây khác. Tôi tự hỏi sự hình thành bút nhóm này có phải hoàn toàn mang tính ngẫu nhiên hay có động cơ mục đích gì khác? Hẳn nhiên theo tôi, sự thành lập bút nhóm có ngẫu nhiên hay không cũng không quan trọng, nếu nội dung sách này hoàn toàn trong sạch, bởi nó chỉ là một sản phẩm cho văn nghệ thuần chất của một nhóm văn nghệ sĩ cũng hoàn toàn thuần chất (Văn nghệ Bình Thuận, số 180, tr. 56).

Tôi, là độc giả của Quán Văn cũng như một số tạp chí văn nghệ trong nước, rất ngạc nhiên khi ông dùng cụm từ “trong đó có một bộ phận là những người đã từng cầm vũ khí (hoặc cầm bút) bảo vệ chế độ chính trị cho ngụy quyền Sài Gòn”. Về điểm này, xin ông hãy tìm lại các văn bản về văn hóa văn nghệ của Đảng và chính phủ Việt Nam và đọc thật kỹ để xem Đảng và chính phủ Việt Nam có cấm những người cầm bút trước năm 1975 sáng tác hay không. Thứ đến khi ông dùng cụm từ này, vô hình trung ông kêu gọi mọi người xóa bỏ chính sách Đại Đoàn Kết Dân Tộc mà Đảng đã tốn biết bao công sức sức xây dựng trong nhiều năm dài, xóa bỏ luôn tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, và tiếp tục gây chia rẽ hận thù! Đất nước trải qua cuộc chiến đau thương là nỗi đau không dễ gì xóa nhòa trong một sớm một chiều; tiếp tục khơi gợi hận thù, chia rẽ là điều không thể tha thứ.

Tôi nghĩ rằng có lẽ ông hiếm khi đọc các tạp chí văn học trong nước, như tuần báo Văn nghệ chẳng hạn. Nếu cứ như suy luận và có cái nhìn nông cạn và hời hợt như ông thì can cớ gì, tuần báo Văn nghệ với tiêu chí “Vì Tổ Quốc, Vì Chủ Nghĩa Xã Hội” được in trang trọng trên chữ Văn nghệ, đã đăng lại các truyện ngắn, thơ của những người đã từng cầm vũ khí (hoặc cầm bút) bảo vệ chế độ chính trị cho ngụy quyền Sài Gòn như Thanh Tâm Tuyền, Viên Linh, Trần Hoài Thư, Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng…?

Cái mà ông cố tình gán ghép tập san Quán Văn là một bút nhóm trong ngoặc kép là những suy diễn vô căn cứ, hoàn toàn bịa đặt theo cảm quan và thiên kiến theo tư tưởng tiểu nông, bởi Quán Văn được nhà xuất bản Thanh Niên cấp giấy phép, có người chịu trách nhiệm, có biên tập… hẳn hoi, nghĩa là có sự kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy định của Cục Xuất Bản, của Bộ Thông Tin &Truyền Thông. Ông hãy chịu khó tìm đọc lại toàn bộ 26 số của tập san Quán Văn xem coi có chỗ nào kêu gọi thành lập bút nhóm hay có ý định thành lập bút nhóm như ông nghĩ? Và hơn hết, trong tất cả các số bào này, xin ông tìm cho ra những bài, những đoạn viết có tính chất đả kích chế độ, “chống phá cách mạng”… hay chỉ thuần túy văn chương? Hơn nữa, Quán Văn như tôn chỉ đã ghi trên trang bìa là một Tập san Văn học Nghệ Thuật, với sự cộng tác của các nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ từ Lạng Sơn cho tới Cà Mau chứ không riêng gì và duy nhất anh em cầm bút ở Bình Thuận. Ông chịu khó đọc lại 26 số Quán Văn để thấy có những bài viết của các nhà phê bình, nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Trương Đăng Dung, Nguyễn Quang Thân, Huỳnh Như Phương, Nhật Chiêu, Hoàng Kim Oanh, Đỗ Hồng Ngọc, Lê Hữu Khóa… thì chẳng lẽ các giáo sư tiến sĩ chuyên ngành văn học, các nhà văn không ý thức được cái mà ông gọi là bút nhóm (theo ý nghĩ xấu của ông) để cộng tác, gửi bài? Hay họ cũng từng a tòng để bảo vệ chế độ chính trị cho ngụy quyền Sài Gòn?

Còn việc Quán Văn có sự cộng tác của một số (tác giả) khác có bài viết được in trong tập san này hiện đang định cư tại Mỹ và các nước phương Tây khác, xin thưa: Họ là những nhà văn chân chính, từng đóng góp và làm rạng rỡ cho nền văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 đã được xã hội thừa nhận, kể cả xã hội hiện nay và quốc tế, như giáo sư tiến sĩ Lê Hữu Khóa hiện giảng dạy về bộ môn văn hóa Việt Nam tại Paris cũng như các đại học tại Sài Gòn, Hà Nội.

Ông viết: “…Hẳn nhiên theo tôi, sự thành lập bút nhóm có ngẫu nhiên hay không cũng không quan trọng, nếu nội dung sách này hoàn toàn trong sạch, bởi nó chỉ là một sản phẩm cho văn nghệ thuần chất của một nhóm văn nghệ sĩ cũng hoàn toàn thuần chất”.

Cái mà ông gọi “văn nghệ thuần chất” và “văn nghệ sĩ cũng hoàn toàn thuần chất” là loại văn nghệ và văn nghệ sĩ gì vậy? Văn nghệ thuần chất ở đâu ra để sản sinh loại “văn nghệ sĩ cũng hoàn toàn thuần chất”? Một cụm từ hoàn toàn mơ hồ và vô nghĩa chỉ có thể viết ra từ một sở học không có nền tảng, bị mất gốc, xa rời văn hóa Việt và truyền thống đạo đức tổ tiên dày công xây dựng hàng ngàn năm nay!

Tiếp theo, trong bài viết phê bình của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên, có tựa: Hạc Thành Hoa, Những ám ảnh trăng vàng nguyệt đăng trên Quán Văn số 17, ông Hóa phán một câu (đến nỗi chính tôi cũng phải tìm bài viết về Hạc Thành Hoa để đọc lại): “Và bài viết của Nguyễn Lệ Uyên (được đăng trong tập san Quán Văn số 017, từ trang 245 đến trang 253), theo tôi thật sự có nội dung không tốt, nếu không muốn nói là có ý đồ đen tối (tuyệt nhiên không phải là vô tình hoặc nhầm lẫn trong cách biên tập và chọn bài), cụ thể: … thời kỳ sau (ý tác giả muốn nói là sau 1975) là sự thay ngôi đổi chủ đột ngột, phũ phàng, cứ ngỡ ông có những vần thơ véo von như chim hót. Đọc mãi, tìm mãi cũng chỉ có những rung động tả tơi trước sau, luôn tự nhìn chính mặt mình với cô đơn bất khả, luôn chất chứa những u uất trong lòng”.

Sau năm 1975, sự sụp đổ của chế độ miền Nam là một sự thật hiển nhiên. Thay ngôi đổi chủ là cách nói trong văn chương, tương ứng với thay đổi chế độ. Và một khi, con người được thụ hưởng một nền giáo dục nhân bản và khai phóng của miền Nam tự do, hiển nhiên con người đó cảm thấy ngỡ ngàng trước sự thay đổi của một thiết chế giáo dục và văn hóa khác biệt với những gì họ được thụ hưởng trước đó. Ông cứ đọc những bài viết chính luận về sự so sánh đối chiếu giữa nền giáo dục của miền Nam trước kia và nền giáo dục hiện nay trên báo chí và các trang mạng chính thống, để thấy các học giả, các chuyên gia nghiên cứu về giáo dục Việt Nam hiện nay nói những gì.

Trong lĩnh vực văn nghệ, không hiếm các trường hợp những người cầm bút trước 1975 ở miền Nam đã “hồ hởi” hòa vào dòng chảy của văn học miền Bắc, văn học giải phóng, nói chung là nền văn học xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bản thân họ không cầm súng diệt Mỹ Ngụy, không đào hầm khoét núi, cũng chẳng là thanh niên xong phong… nghĩa là họ chưa từng sống với thực tế chiến tranh giải phóng nhưng lại có những bài thơ, những truyện ngắn nêu lên những cảm xúc gượng gạo, thậm chí còn tung hô, ca ngợi Đảng, Bác Hồ một cách sống sượng, phải chăng đó là sự véo von mang tính bầy đàn? Một bài thơ, một truyện ngắn như vậy thì ông vui lòng chỉ ra giá trị văn học ở điểm nào?

Cũng cần nói thêm rằng, không phải ở miền Nam thời kỳ đó không có những nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ viết những bài ca ngợi chế độ, đả kích cộng sản nhưng chỉ là một dúm nhỏ được Cục Chiến tranh Chính trị đặt hàng. Nhưng cuối cùng, những tác phẩm đó không ai buồn đọc, chẳng ai thèm nhớ đến, bởi nó nặng nề chất tuyên truyền, rỗng tuếch không có chút giá trị về mặt văn chương nào trong đó và bị quên lãng ngay. Nó chỉ là những bào thai dị dạng!

Ông Hóa dẫn tiếp: “Tại trang 251 (Quán Văn số 017) có đoạn tác giả ghi: Sau năm 1975, cũng như bao nhiêu nhà văn khác, Hạc Thành Hoa bị rơi vào vùng hẫng hụt của những nghị quyết bo bo, sắn mì. Cả bối cảnh xã hội và hoàn cảnh cá nhân đã đặt ông vào tình cảnh trì trệ, đầu óc khô cứng – Song thú thật tôi có cảm giác như thơ ông sắp ngừng hơi thở những cơn mộng mị đẹp, đối mặt với thực tế có phần khắc nghiệt hơn nhiều, bởi hoàn cảnh xã hội đã chọn chúng ta, chứ chúng ta không có quyền chọn lựa gì cả…”.

Giai đoạn từ 1975 đến sau 1986, chuyện nhân dân cả nước ăn bo bo, sắn mì; chuyện ngăn sông cấm chợ, tem phiếu, mậu dịch… là sự thật thường ngày, không thể phủ nhận, nó tồn tại suốt nhiều năm liền, là hệ quả từ những quyết sách của Trung ương về kinh tế tập trung, về hợp tác hóa nông nghiệp. Cái lỏng lẻo và rập khuôn mẫu từ Liên Xô, Trung Hoa khiến nền kinh tế trì trệ, hàng hóa khan hiếm, đời sống người dân vô vàn khó khăn, khốn đốn. Nhiều lãnh đạo cấp cao đã nhìn ra và ông Kim Ngọc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc là người đầu tiên đã nhìn thấy vấn nạn này để cuối cùng tự quyết định đổi mới nông nghiệp, nông thôn ở Vĩnh Phúc bằng cách đề ra khoán 10 tức khoán trực tiếp đến từng hộ gia đình nông dân nhằm tăng cao hiệu quả trong sản xuất, hạn chế tối đa vấn đề tiêu cực… vốn dĩ trước đó sao chép nguyên xi của Liên Xô. Cách làm của ông Kim Ngọc đã mang đến cho nông dân Vĩnh Phúc một đời sống “sung túc” hơn trước nhiều lần, nhưng còn ông ông thì bị kỷ luật, bị cách chức. Thời kỳ đó, không một lãnh đạo Trung ương nào chấp nhận chuyện cầm đèn chạy trước ô tô. Nhưng rồi mấy năm sau, Trung ương nhận thấy việc khoán hộ là hợp lý và cho thực hiện trên phạm vi cả nước. Tổng sản lương lương thực từ 17 triệu tấn/năm đã tăng lên 25 triệu tấn rồi 32 triệu tấn/năm là xuất phát từ “sáng kiến” khoán 10 của ông Kim Ngọc.

Ông cũng cần biết thêm, sau năm 1975, người dân miền Nam bỏ nước ra đi trên những chiếc thuyền mỏng manh, bất chấp hải tặc, chấp nhận biển cả mênh mông là “thủy mộ quan” cũng chỉ vì đói, vì kinh tế mới, vì bo bo sắn mì… Có đến 90% người dân bỏ nước ra đi là vì kinh tế, vì đói khổ; số còn lại thuộc những vấn đề khác trong đó có chính trị. Đó là một sự thật mà cả Đảng và chỉnh phủ Việt Nam thời kỳ đó và bây giờ đều biết rất rõ (có dạo những người vượt biển từng bị quy kết tội phản bội tổ quốc, nhưng rồi lại được xóa tội, được tôn vinh).

Kết luận bài viết của mình, ông Hóa viết: “…tác giả Nguyễn Lệ Uyên khi muốn giới thiệu hình ảnh của một tay bút (Hạc Thành Hoa) đã từng làm thơ từ năm 1961, đã đăng nhiều thơ trên các báo tạp chí văn học miền Nam trước năm 1975 chúng ta có thể thấy rõ được dụng ý của tác giả, muốn thông qua bài viết này, thông qua tập san và bút nhóm Quán Văn này là để làm gì rồi…, với nội dung bài viết nêu trên, rõ ràng tác giả hoàn toàn phủ nhận và quay lưng lại với những cái đẹp, chính là tinh thần tự do sáng tạo mà Đảng ta bao giờ cũng thật sự ưu ái dành cho giới văn nghệ sĩ…”.

Và dòng cuối cùng: “Tờ tập san và bút nhóm (bút nhóm không còn đặt trong ngoặc kép) Quán Văn này có cần thiết được tiếp tục tồn tại nữa không? Và Ban biên tập Nxb Thanh Niên sẽ nghĩ gì về công tác biên tập và cấp phép xuất bản của mình qua một bài viết có nội dung đáng lo ngại này???”.

Tôi, Nam Đông, là một độc giả (như nói ở trên) nói thẳng với ông rằng: Do kiến thức hạn hẹp cùng những hạn chế hiểu biết về hoàn cảnh xã hội, lịch sử, văn hóa trong một giai đoạn nên ông có những suy nghĩ và lý luận một chiều và rất hàm hồ.

Trước hết ông dùng cụm từ “hình ảnh của một tay bút (Hạc Thành Hoa) đã từng làm thơ” là không văn hóa trong ứng xử, nhất là trong một bài viết chính luận có tính chất tranh biện, chỉ trích. Người có học, không ai dùng từ tay bút để chỉ cho những người viết văn làm thơ dù thành danh hay chưa thành danh, trừ phi ở chỗ thân tình quen biết nhau. Tay bút là cách nói mang tính báng bổ, coi khinh (xin ông tìm quyển Việt Nam văn hóa sử cương của học giả Đào Duy Anh đọc lại).

Tôi đã đọc hết bài của Nguyễn Lệ Uyên viết về Hạc Thành Hoa, nhưng không tìm thấy chỗ nào “rõ ràng tác giả hoàn toàn phủ nhận và quay lưng lại với những cái đẹp, chính là tinh thần tự do sáng tạo mà đảng ta bao giờ cũng thật sự ưu ái dành cho giới văn nghệ sĩ”. Tác giả bài viết phủ nhận điểm nào, phủ nhận cái gì trong bài viết đối với sự “ưu ái của Đảng dành cho giới văn nghệ sĩ”, xin ông vui lòng chỉ ra để độc giả hiểu, hay chỉ là ba điểm ông nêu ra trong bài viết của ông? Cũng xin ông chỉ ra toàn bộ bài viết của Nguyễn Lệ Uyên về Hạc Thành Hoa có nội dung không tốt, ý đồ đen tối ở chỗ nào, đoạn nào như ông viết: theo tôi thật sự có nội dung không tốt, nếu không muốn nói là có ý đồ đen tối”? Nếu chỉ là một người bình thường nói nhăng cuội để có nói thì khác, đằng này ông đường đường là Tổng biên tập của một tờ báo văn nghệ địa phương mà chỉ nhìn thấy chữ nghĩa trong phạm vi hẹp, tìm kiếm lôi ra và bóp méo theo suy diễn, tôi e nó không xứng tầm với cương vị mà “Đảng ta bao giờ cũng thật sự ưu ái dành cho giới văn nghệ sĩ”.

Ông cũng cần nhớ một điều, trên thế gian này, các đảng chính trị, các bậc chân tu, các văn nghệ sĩ đều luôn luôn đi tìm cái đẹp để mang đến cho mọi người: Đảng chính trị thì tìm con đường hạnh phúc, cơm no áo ấm, đất nước phồn vinh; bậc chân tu tìm cho con người tiếp cận với sự bình yên về tâm hồn, và văn nghệ sĩ mang cái đẹp đến cho thiên hạ qua ngôn ngữ, đường nét, âm thanh… Chẳng vì thế mà văn hào Dostoevsky có câu nói bất hủ: “Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế gian này”.

Còn riêng phần ông lên tiếng với Nxb Thanh Niên về việc Quán Văn tồn tại hay không tồn tại cũng là ý kiến khá độc đáo thuộc loại xưa nay hiếm. Có điều, khi ông GĐ Nxb Thanh Niên cấp phép cho một tác phẩm hay tập san nào đó, họ biết phải làm gì, bởi trên đầu họ còn có Cục Xuất bản, có Bộ Thông Tin & Truyền Thông. Ông chớ lo. Ôm rơm nặng bụng, cha ông đã từng dặn dò con cháu từ rất lâu rồi. Vả lại, cũng chính từ tay ông viết ra: “chính là tinh thần tự do sáng tạo mà đảng ta bao giờ cũng thật sự ưu ái dành cho giới văn nghệ sĩ thì tập san Quán Văn đang được hưởng sự ưu ái đó.

Chào ông với lời cảm ơn được đọc bài viết nhập nhằng, non nớt nhưng khá “thú vị” của ông. Bởi khi đọc xong, độc gỉa không biết phải khóc hay cười với ông, cùng ông.

(tháng 9/2014)

Đính kèm bài viết trên Văn chương Việt:

Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=15619

Chân dung

Hạc Thành Hoa, những ám ảnh trăng vàng nguyệt

Nguyễn Lệ Uyên

clip_image007

Đến nay, Hạc Thành Hoa đã có 4 tập thơ được công chúng đón nhận: 2 trước năm 75 (Trong Nỗi Buồn Vàng, Một Mình Như Cánh Lá), và 2 sau 75 (Khói Tóc, Phía Sau Một Vầng Trăng).

Ở 2 tập trước do Văn và Giao Điểm ấn hành là những bài thơ viết về tình yêu, về thân phận con người luôn cô đơn trong nhịp sống ồn ào phố phường và bụi phấn, về những thấp thỏm trước cuộc chiến đang hồi lan rộng cùng nỗi ám ảnh về cây súng, quân trường, ba lô, giày trận…

Thời kỳ sau là sự thay ngôi đổi chủ đột ngột, phũ phàng, cứ ngỡ ông sẽ có những vần thơ véo von chim hót một bầy trước cung đình tráng lệ như một số (không nhiều) nhà thơ khác, nên tôi cố công đọc 2 tập sau, cố công “bới lông tìm vết” vì đầu óc luôn nghĩ đã là nhà giáo ưu tú được phong tặng, hẳn nhiên giọng điệu thơ sẽ có khác đi.

Đọc mãi, tìm mãi cũng chỉ có những rung động tơi tả trước sau, luôn tự nhìn chính mặt mình với cô đơn bất khả, luôn chất chứa những ưu uất trong lòng. Những cô đơn và ưu uất kia thánh thiện và thuần khiết như những giọt sương long lanh buổi sớm mai được dẫn dắt bởi nguyệt, trăng cùng với màu vàng buồn thê thiết.

Có thể nói, cả 4 tập thơ đã ấn hành của ông luôn thấp thoáng Trăng là Nguyệt là màu vàng rụng xuống hồn ông. Có cả hàng chục tựa bài thơ và hàng trăm câu thơ dát bóng trăng lạnh xa gần chiếu dọi như là những nỗi niềm trải dài, che kín cả một màu chia ly ở đôi bờ khắc khoải, nhớ nhung. Chừng như với ông, Trăng là nỗi ám ảnh một kiếp lưu đày, là nguyệt vàng nhuốm màu thời gian trước và sau của những mất mát, tìm kiếm, khao khát… vây phủ cả đời cuộc ông vậy. Trăng với ông là mối tình câm lạnh. Nguyệt vàng trăng là tâm cảm triền miên những con sóng vỗ vào bờ đá “tình người”:

Tình người bờ đá trăm năm

Sóng tình tôi cuộn trên dòng nước trôi. (Trên bờ đá tình người)

Bờ đá không còn là ẩn ngữ với ông, trong thơ ca, mà chính là hiện hữu phận người. Đó cũng là nỗi cô đơn của thời gian không thể đo đếm bằng những con số hữu cơ và phải chăng “tình” trong uẩn khúc nguyệt vàng trăng cứ mãi mê trườn cuộn trên phận người “trăm năm cô đơn” kia?

Nếu như những ngày lang bạt ở sông nước miền Tây, không gặp ông, không ăn đậu ngủ nhờ ở căn gác trọ của ông thì tôi không thể tin nổi ông là một con người đa cảm, đa đoan đến vậy. Mà căn gác ấy, căn nhà bên con rạch Cái Sơn, Sa Đéc đâu chỉ riêng mình tôi, còn có cả Vũ Hữu Định, Nguyễn Tôn Nhan, Hà Nghiêu Bích, Yên Bằng… kẻ trước người sau đến với ông như chút ấm áp của những que củi nhỏ buổi tàn đông, như hơi thở nguội sau những đêm dài đông cứng những cốc rượu tràn. Căn phòng nhỏ nhìn ra con rạch êm đềm, đầy bóng râm mát, đầy tiếng tiếng ve trên những tàn cây cổ thụ và tiếng đàn và thơ. Thơ như khí trời bám khắp bốn bức vách loang lổ, đổ xuống nền gạch tàu, treo lủng lẳng trên xà ngang, ám vào mái ngói âm dương rêu phong. Thơ quấn quít bên kệ sách, ngập ngừng chao lượn trên sàn gạch màu lá bàng bay lơ lửng trong không. Tiếng mái chèo quẫy nhẹ như chiếc vây bơi con cá chẽm bên dưới dòng Cái Sơn. Xa hơn chút, tiếng máy đuôi tôm khua động mặt sóng sông Tiền. Và nữa, tiếng đạn pháo ngoài lung xa, vũng sáng nhơm nhớp hỏa châu che khuất ánh trăng… đã đẩy ông vào góc tường tróc lở từng mảng vôi. Ông rưng rưng sợi dây đàn căng. Ông ngậm ngùi lưng tròng nhìn qua dòng sông đang với tay níu choàng con rạch nhỏ đặc sệt một dòng trăng vàng thấu đáy (nhưng cái đám bằng hữu “nhìn thấy cơm sôi chợt nhớ nhà” kẻ trước người sau, lần lượt quay về xó cũ bỏ ông lại một mình với cảnh “Gã giang hồ vẫn gác trọ cô đơn…Thân ta đôi lúc cơn gió lạnh/Thổi tạt mùa đông xuống đáy mồ”!).

Khoảng thời gian ấy, không bao giờ những vò rượu Lai Vung, Lấp Vò nhấn lút được những câu thơ từ chốn sâu thẳm tâm hồn ông tha thướt bước ra như một thiếu nữ khuê các. Nàng đẹp đến não nùng. Nàng Lục Bát của ông khoác áo màu hoàng yến tắm trăng. Mảnh xiêm y rơi nhẹ. Trăng ướt đẫm nàng, ve vuốt nàng rồi trần truồng phơi ra những thiên hà ngập ngừng bên cạnh con nước sông Tiền lên xuống.

Bên kia con rạch là Trăng vàng và bên này là nhà thơ, để trăng chụp úp lên thơ, quấn quít nhau hơi thở dồn dập của đôi tình nhân.

Một đời con suối lang thang

Mây thu cánh mộng trong khoang thuyền tình (Vàng đôi cánh biếc)

Màu trăng lạnh huyễn hoặc kia chừng như không bao giờ rời xa ông, chỉ vì nó thật gần, cách nhau bằng tiếng thở của con sóng nhỏ lăn tăn, cách nhau chỉ mấy bước chân ngập ngừng, nửa quen nửa lạ. Lúc trăng xa, ông ngỡ như gần. Lúc trăng ẩn nấp đâu đó trong khoảng lặng của thời gian thì ông tưởng như Trăng đã Vàng Nguyệt rời xa ông mãi mãi, khiến ông sợ hãi cái thời khắc kinh khủng kia, thời khắc của mộng mị và những ảo giác mệt nhoài trong cơn mê lú, để, khi tỉnh lại, nỗi trống vắng càng lồ lộ như cảnh “người đàn bà ngoại tình” của Alberrt Camus trên terrasse quán trọ vùng sa mạc cận Alger, một mình, hoàn toàn cô độc. Nếu như người đàn bà của Camus cô đơn giữa bầu trời đầy sao trong đêm sâu thăm thẳm, thì ông, Hạc Thành Hoa bị người tình là Trăng vàng Nguyệt kia quay gót, bỏ lại cái hình hài thực giữa muôn trùng giun dế về đêm.

Hồn từ giã biệt cơn mê

Trăng đi bỏ lại bốn bề quạnh hiu

Đèn lu lòng ngại không khêu

Sợ trăng lên cánh rừng treo áo vàng

(Trong cánh rừng thiên thu)

Trăng vàng Nguyệt cũng giống như cái ảo giác mộng mị chìm lún trong cõi chiêm bao khiến ông cứ rơi mãi rơi hoài vào chiếc hố đen ngòm chuyển hóa từ cái màu vàng đậm đặc và huyễn hoặc kia.

Mù mưa trắng xóa chiêm bao

Mây qua biển rộng non cao tiếp trời

Áo em vàng nửa hồn tôi

Ngồi ru nắng mỏng trên đồi cây khô

(Mù khuya tiếng vạc lưng trời)

Câu thơ sang trọng, đẹp khiến tôi cứ ngỡ như bên tai vang lên điệu slow ngập ngừng, buồn man mác cùng mảng màu vàng muôn thuở trong những bức tranh của Van Gogh.

Không rõ Trăng đã nói gì, hẹn hò gì với ông mà ánh mắt và cõi lòng luôn ném về chốn xa xăm đến nỗi ông bị mất thăng bằng, từ hẹn hò mộng tưởng chuyển thành nỗi tuyệt vọng như thể Trăng đã phụ tình ông.

Tìm em sau giấc mơ tàn

Mùa thu nếp áo nguyệt vàng trong mây

Đêm đêm gió chở trăng đầy

Rơi theo nước mắt từng bầy sao khuya

(Trong tà huy bay)

Ông chưa hề phụ mảnh tình thoi thóp Trăng vàng Nguyệt, mà chỉ có trăng vàng nguyệt lạnh hờ hững với ông, từ cõi nào xa tít ông phải mãi kiếm tìm, như thể kẻ bị sa lầy. Đã một lần ông sa lầy khi chọn nghề dạy học ( nghề giáo là một nghề sa lầy – Camus), ngày hai buổi rút hết kiến thức phơi ra trên bảng đen; rồi lại phải làm kiếp “con tằm nhả tơ” khiến sự sa lầy nơi ông càng quay quắt, khốn đốn hơn.

Nay còn lại trong tay nùi giẻ rách

Đời mòn theo từng viên phấn ngu ngơ

Hồn ta rộng mà chỗ ngồi quá chật

Suốt một đời không vẽ nổi ước mơ…

…Chiều hôm nay không dưng buồn quá đỗi

Ta hôn mê đầu gục trước bảng đen

Khu trường rộng một bãi lầy quá lớn

Ta thấy mình ngày một lún sâu thêm

(Bậc thang thứ nhất)

Hay:

Mười năm bụi phấn hòa nước mắt

Đem đắp thành pho tượng thạch cao

(Pho tượng thạch cao)

Có thể tạm mượn tựa những “Điêu tàn, Mê hồn ca…” để làm nền lý giải cho một giai đoạn sáng tác trước 75 của Hạc Thành Hoa, giai đoạn của những u uẩn vì thất vọng, vì hoài nghi, vì những âu lo hoảng loạn màu hỏa châu che lấp nguyệt vàng, nên trong hồn ông, hình như chỉ còn khoảng không hẹp của sự thoi thóp, dãy dụa: “Trăng úa vàng hấp hối giữa cô đơn” hay “Từng đêm trăng múa trên đầu sóng/Trăng cười khiêu vũ với yêu ma/Men nhạt không mờ đôi mắt héoNghe trời tê dại nhớ thương em”.

Những yêu ma, men nhạt, mắt héo…có thể không còn là những mảnh vỡ lăn tăn nhạt nhòa mà là những mảnh vỡ quặn đau, tê điếng thẩm nhập tận cùng nơi sâu thẳm tôm hồn ông: Vì bên kia sông Trăng vẫn vàng Nguyệt còn bên này sông thì Nguyệt bắt đầu che khuất ánh trăng vàng! Một bên vẫn rực rỡ tung tăng một khoảng không vô tình đến trống rỗng, còn một bên thì vỡ tung những khối u lạnh câm. Kiêu sa hay hờ hững dáng cao sang?

Nàng Trăng luôn ám hồn ông là ai để đến nỗi thành những ám ảnh nặng nề trong suốt quãng dài thời dài rộng đến mênh mông, đến vô cùng tận? Trăng là Nguyệt là Trăng viễn mộng chăng?

Ông yêu tha thiết cái màu vàng trăng là nguyệt kia đến độ gần như phát cuồng

Có con rắn lục nằm trong lá

Rít một hơi dài lạnh buốt xuân…

Trăng bỏ người đi đêm nguyệt tận

Ly rượu hề môi chạm tảng băng…

Ai mang áo lụa vàng năm ấy

Mỗi cánh mai giờ một nỗi đau

(Đêm nguyệt tận)

Ông viết bài này năm 1990 bằng những hồi tưởng về một nỗi đau, mất mát đã ám suốt cuộc đời như lớp bồ hóng đen bóng trên gác bếp. Ông như một người chiến binh ngoài mặt trận, đang ngã ngựa. Bóng trăng đã xô ông té nhào đến thê thảm:

Ta chẳng còn là mây mùa thu trước

Em không còn là trăng của thu xưa

(Lại một mùa mưa sắp đến)

Không, rõ ràng ông không là một Hàn Mặc Tử thứ hai để say trăng, để điên vì trăng. Bởi màu trăng của Hàn Mặc Tử là màu trăng huyết, nhuốm đỏ cả khung trời, trước mắt nhà thơ. Đó là những cơn đau đớn vật vã đến cuồng loạn. Còn trăng của Hạc Thành Hoa là màu trăng của “Áo lụa Hà Đông, là trăng hoàng yến, là cánh mai vàng… Nó có đó, thật gần trong cái với tay nhưng lại vô cùng xa cách để cuối cùng, màu Nguyệt vàng Trăng ấy biến những khoảng cách nồng nàn kia trở thành những cơn mộng huyễn. Ông đuổi bắt, tìm kiếm hình bóng lay lắt có không kia đến mỏi mòn…

Ông đi tìm bóng, mỏi mòn tìm bống đến hụt hơi.

Ông say mộng chỉ vì say nhan sắc màu trăng, theo ngày tháng đã tẩm liệm hồn mình.

Ông say trăng trong cõi mộng mị ta bà suốt những năm tháng dài.

Cuối cùng ông say thực:

Thức ăn và rượu đều ra hết

Còn lại trong ta một nỗi buồn

Nỗi buồn lớn quá xô ta ngã

Nằm dài như xác chết chưa chôn

(Cơn say tuyệt vời)

Sau năm 75, cũng như bao nhiêu nhà văn khác, Hạc Thành Hoa bị rơi vào vùng hẫng hụt của những nghị quyết, bo bo, sắn mì… Cả bối cảnh xã hội và hoàn cảnh cá nhân đã đặt ông vào tình cảnh trì trệ, đầu óc khô cứng. Dẫu vậy ông vẫn cầm bút và tiếp tục viết, để cuối cùng cũng cho ra mắt độc giả 2 tập Phía Sau Một Vầng Trăng và Khói Tóc. Song thú thật, khi đọc tôi có cảm giác như thơ ông đã sắp ngừng hơi thở những cơn mộng mị đẹp, đối mặt với thực tế có phần khắc nghiệt hơn nhiều, bởi hoàn cảnh xã hội đã chọn chúng ta chứ chúng ta không có quyền chọn lựa gì cả. Cái quyền thiêng liêng bất khả kia giống như ngọn đèn cạn dầu, leo lét.

Thơ ông như mất đi một phần của nàng thơ mà ông đắm đuối một thời, chỉ còn một chút tròng trành trước mắt, chia sẻ với bạn bè đồng cảnh; chút đìu hiu về một nỗi nhớ xa gần hay ghi lại những cảm xúc trong những chuyến đi xa: Sơn Trà, Hội An… rồi lộn vòng về cố xứ đồng bằng sông nước mênh mông. Thỉnh thoảng ông vẫn nhớ đến Trăng, nhưng Trăng lúc này, với ông bắt đầu sứt sẹo, mất đi một nửa Trăng vàng Nguyệt.

Ở đây trăng chỉ còn một nửa

Nửa kia ở mãi tận phương nào

Tỉnh dậy chỉ còn trăng một nửa

Nửa còn lại bỗng hóa phù vân

(Trăng một nửa)

Rồi ông phải tự kêu với chính mình, trong cơn mưa, ở một ngóc ngách nào đó trên đường phố Sài Gòn rất quen mà hóa lạ!

Em biết không

Ở đâu anh cũng là người khách lạ

Ở đâu cũng không phải quê hương

Em ơi! Làm sao em biết được

Một gã ưu du

Cứ đi cứ đi như kim đồng hồ chạy ngược (Nói với mình trong khi trú mưa)

Ở một đoạn khác:

Chỉ còn con cù lần biết lấy tay che mặt

Những con két đến đây từ một nơi rất xa trên trái đất

Đang gửi hồn về xứ sở quê hương

(Buổi trưa ở thảo cầm viên)

Đó là tâm trạng chung ta thường thấy trên các trang viết sau này của nhiều nhà văn chân thật

Và cuối cùng đành bất lực, phải thú nhận:

Suốt đời đuổi bắt một vầng trăng

Chưa có được một lời ngợi ca người vợ trẻ

(…)

Bên anh có một nàng tiên dịu dàng là thế

Mà cứ miệt mài đuổi bắt một vầng trăng

(Tạ lỗi cùng người vợ trẻ)

Như vậy là chấm dứt một chặng đường mộng mị bên cạnh những tân toan mà trước đây có lần ông thốt lên đầy đau đớn.

Mai tôi chết nhưng vầng trăng còn đó

Vẫn dịu dàng trông xuống nấm mồ tôi

(Vẫn còn vầng trăng…).

Đúng là cái hồn cái phách trong thơ ông vẫn vậy, ở hai tập sau, nhưng chất sâu lắng của nó thì tan ra thành lớp khói mỏng, không phải màn sương đêm dát trăng vàng nguyệt như trước. Có lẽ cũng tại “vì ai gây dựng cho nên nỗi này”. Phải vậy không?

(Tháng 4/2011)

Hạc Thành Hoa tên thật: Nguyễn Đường Thai Sinh quán tại Xuân Phổ, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Giáo sư Việt văn Trung học Sa Đéc, Lương Văn Can Quận 8, Thị xã Cao Lãnh. Ông làm thơ từ năm 1961, đã đăng nhiều thơ trên các báo, tạp chí văn học miền Nam trước năm 1975 .

Tác phẩm đã xuất bản:
+ Trong nỗi buồn vàng (Nguyễn Đình Vượng, tạp chí Văn Sài Gòn – XB – 1971).
+ Một mình như cánh lá (Giao điểm Sài Gòn xuất bản – 1973), tái bản (Thư ấn quán Hoa Kỳ xuất bản) 2006.

+ Phía sau một vầng trăng (NXB Thanh niên – Hà Nội – 1995).

+ Khói tóc (NXB Lao động – Hà Nội – 1996).