Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Kiến nghị cuả Hội thảo về Chấn hưng, Cải cách, Hiện đại hoá Giáo dục cuả các giáo sư đã có nhiều đóng góp trong việc giáo dục và đào tạo (GS Hoàng Tụy)

Bản kiến nghị này gồm ba phần. Phần đầu phân tích thực trạng của giáo dục để tìm ra cái gốc các khó khăn và bất cập hiện nay. Phần thứ hai đề xuất phương hướng hiện đại hoá giáo dục để khắc phục các khó khăn và bất cập một cách cơ bản. Phần thứ ba trình bày một số giải pháp cấp bách cần thực hiện để trả lại môi trường hoạt động bình thường cho giáo dục, và mở đường chuyển dần sang cải cách, hiện đại hoá toàn hệ thống.

I. Thực trạng giáo dục

Ai cũng biêt vai trò quan trọng then chốt của giáo dục đối với tiền đồ dân tộc. Thế nhưng, từ nhiều năm, chúng ta đã để cho giáo dục Việt Nam tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chưa bao giờ tình hình giáo dục trở nên bức xúc như hiện nay. Nhìn chung cả nước, hệ thống giáo dục chưa ra khỏi trạng thái lộn xộn bất bình thường, hoạt động không theo quy luật khoa học, hiệu quả kém, chất lượng thấp, đang có nguy cơ bị thương mại hoá theo xu hướng ngược với lý tưởng công bằng và dân chủ của xã hội. Về cả ba phương diện dân trí, nhân lực và nhân tài, những bất cập đều quá rõ:

- Dân trí thấp, biểu hịên trên lối sống và suy nghĩ, tập quán, tác phong, tư tưởng, ý thức… Đạo đức bị xói mòn, thói gian dối, thiếu trung thực đang tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội.

- Nhân lực không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Yếu kiến thức, kém kỹ năng thực hành, ít khả năng xoay xở, thiếu đầu óc tưởng tượng và năng lực sáng tạo, đó là những đặc trưng chất lượng lao động khiến sức cạnh tranh rất thấp.

- Nhân tài tuy không đến nỗi quá thiếu nhưng phát hiện và bồi dưỡng kém, thiếu cơ hội và điều kiện phát triển. Chất xám bị lãng phí nghiêm trọng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đương nhiên, đây không chỉ là vấn đề của giáo dục, mà là vấn đề của toàn xã hội, nhưng trong đó trách nhiệm và vai trò cuả giáo dục rất lớn.

Tình trạng sa sút của giáo dục là một thực tế khó chấp nhận, nhưng cần được nhìn thẳng mới có thể thấy được đường ra. Hoàn toàn không nên so sánh với thời bao cấp hay mấy năm đầu đổi mới để dễ dàng bằng lòng với bước tiến chậm chạp đã có, mà cần mở tầm mắt ra thế giới bên ngoài, để cảm nhận rõ hơn sự tụt hậu ngày càng xa của chúng ta. Cách so sánh với quá khứ đầy khó khăn trước đây là liều thuốc an thần nhưng thiếu trách nhiệm, vì thật ra sự sút kém của giáo dục hoàn toàn không xứng với tiềm năng của dân tộc, cả về tinh thần, trí tuệ, vật chất cũng như vận hội.

Từ 1966 đến nay, Trung ương đã có nhiều nghị quyết đúng đắn mà chưa được thực hiện nghiêm túc, cho nên tuy chúng ta đã có nhiều cố gắng để vực giáo dục lên, song những căn bệnh chính của nó không hề giảm, trái lại ngày càng trầm trọng và kéo dài chưa biết đến bao giờ. Điều đó cho thấy nguyên nhân trì trệ không phải chỉ do những sai lầm cục bộ về điều hành quản lý (tuy phần trách nhiệm của bộ máy quản lý không nhỏ), mà chủ yếu là sai lầm từ gốc, sai lầm từ nhận thức, quan niệm, tư duy cơ bản. Nói vắn tắt, là sai lầm có tính chất hệ thống, sai lầm thiết kế, không thể khắc phục bằng những biện pháp điều chỉnh chắp vá, sai đâu sửa đó, càng sửa càng rối, mà cần phải cương quyết xây dựng lại từ gốc. Đó là mệnh lệnh cuộc sống, nếu chúng ta không muốn tụt hậu thêm nữa.

II. Con đường ra : cải cách, hiện đại hoá giáo dục

Muốn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước tất yếu phải bắt đầu bằng việc hiện đại hoá giáo dục, mà sự lạc hậu của nền giáo dục của chúng ta chung qui là ở chỗ nó rất xa lạ với kinh nghiệm lịch sử của chúng ta và kinh nghiệm giáo dục trên thế giới, trong lúc chúng ta đang cần hội nhập để phát triển. Vì vậy con đường ra khỏi những khó khăn là xây dựng lại giáo dục từ gốc để tiến tới một nền giáo dục phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc và xu thế chung của thế giới, tạo điều kiện cho cuộc hội nhập thành công. Đó chính là nhiệm vụ hiện đại hoá giáo dục, với nội dung và phương hướng như sau.

1. Để xây dựng lại giáo dục từ gốc, trước hết cần thay đổi tư duy giáo dục, xác định lại quan niệm về mục tiêu, yêu cầu đào tạo và chức năng của nhà trường, từ đó mới thấy rõ cần thay đổi cung cách dạy và học, thay đổi nội dung, phương pháp, tổ chức quản lý giáo dục, như thế nào để đạt được mục tiêu đó. Nên rà soát lại để dứt khoát từ bỏ đào tạo những mẫu người chỉ biết ngoan ngoãn chấp hành, quen được dẫn dắt, bao cấp cả về tư duy và hành động, hơn là biết suy nghĩ độc lập và tự chịu trách nhiệm. Cần coi trọng rèn luyện các phẩm chất đạo đức cơ bản của con người hiện đại có cá tính nhưng bao dung, biết giao tiếp và hợp tác, biết làm việc có hiệu quả, có tư duy cởi mở với cái mới, thích dấn thân, không ngại đương đầu với thách thức, khó khăn, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm vì mục đích lớn, và nhất là trung thực và có đầu óc sáng tạo, là những đức tính tối cần thiết trong đời sống xã hội hiện đại. Đồng thời cần quan tâm đến giáo dục thẩm mỹ, giáo dục cảm xúc, đào tạo toàn diện con người có tâm hồn và thể chất khoẻ mạnh.

2. Từ quan niệm bao quát nói trên phải xem xét lại toàn bộ tổ chức quá trình giáo dục, bao gồm cả nội dung chương trình, phương pháp từng cấp học, sao cho phù hợp với mục tiêu chung. Chẳng hạn phải giảm bớt đáng kể giờ lên lớp nghe giảng, tăng giờ thực hành, giờ học theo phương pháp tương tác, dành thì giờ cho việc tự học, tuỳ lứa tuổi tập tham khảo sách báo, tư liệu, thảo luận xêmina, thuyết trình, tham luận, viết tiểu luận, làm dự án, … Ngay từ nhỏ học sinh cần tập dần để biết suy nghĩ, ham thích tìm tòi, ham thích khám phá, sáng tạo từ dễ đến khó, tập phát hiện và giải quyết vấn đề, hạn chế học thuộc lòng, chống nhồi nhét kiến thức máy móc tuy không xem nhẹ rèn luyện trí nhớ. Giảm, bỏ, hoặc thay đổi hẳn nội dung và phương pháp dạy những điều có tinh chất kinh kệ, để tăng các kiến thức thiết thực, hoặc đòi hỏi vận dụng tư duy nhiều hơn. Đối với nước ta, điều này càng quan trọng vì tàn tích lối học từ chương khoa cử, tinh thần hư học cổ lỗ cho đến bây giờ vẫn còn rất nặng trong xã hội ta và ngay cả trong giới trí thức ta. Đặc biệt đại học càng phải coi trọng đầu óc, phong cách và kỹ năng nghiên cứu khoa học.

3. Công bằng, dân chủ là xu hướng của xã hội tiến bộ hiện đại, tuy cách hiểu và thực thi còn nhiều điểm khác nhau tuỳ mỗi nước. Trong giáo dục công bằng, dân chủ có nghĩa là bảo đảm cho mọi công dân quyền bình đẳng về cơ hội học tập và cơ hội thành đạt trong học vấn. Ngày nay, đó không chỉ là một nguyên tắc đạo đức mà còn là điều kiện để bảo đảm sự phát triển của xã hội. Chỉ khi có công bằng, dân chủ trong giáo dục, chỉ khi mọi người, dù giàu nghèo, sang hèn, đều có cơ hội học tập và thành đạt ngang nhau thì tiềm năng trí tuệ của xã hội mới được khai thác hết. Hiện nay ở nước ta con em các tỉnh miền núi, các vùng nông thôn, hay con em nhà nghèo ở thành thị, đi học đã khó mà học lên cao càng khó hơn. Với chế độ học tập buộc phải học thêm ngoài giờ rất nhiều, phải đóng góp vô vàn khoản tốn kém ngoài học phí, hàng năm phải mua sắm sách giáo khoa mới, với chế độ đánh giá và thi cử tốn kém như hiện nay, nhà trường của ta đã vô tình gạt ra ngoài cả một lớp trẻ thiếu may mắn vì trót sinh ra trong những gia đình nghèo hoặc không ở thành phố.

4. Tùy theo cá tính, mỗi con người có những sở thích, sở trường, sở đoản riêng, sự đa dạng ấy làm nên cuộc sống phong phú trong xã hội hiện đại và là mảnh đất để nảy nở tài năng sáng tạo. Cho nên giáo dục phải phóng khoáng, không hạn chế, hay kìm hãm mà trái lại phải tôn trọng, phát triển cá tính, và muốn thế không nên gò bó mọi người trong một kiểu đào tạo như nhau, một hướng học vấn như nhau, mà phải mở ra nhiều con đường, nhiều hướng, tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho thế hệ trẻ phát triển tài năng, đồng thời cho phép họ dễ dàng chuyển sang con đường khác khi thấy sự lựa chọn của mình chưa phù hợp. Đó là tư tưởng chỉ đạo để giải quyết vấn đề phân ban ở các năm cuối trung học phổ thông, phát triển nhiều loại hình đại học và cao đẳng đáp ứng nhu cầu đa dạng của tuổi trẻ, đồng thời bảo đảm sự liên thông tối đa giữa các cấp học và các loại trường học khác nhau để không ai bị lâm vào ngõ cụt trên con đường học vấn.

5. Do bước tiến nhanh của khoa học và công nghệ, các ngành hoạt động kinh tế ngày càng yêu cầu lực lượng lao động phải có trình độ hiểu biết cao mới đảm bảo hiệu quả và năng suất. Hơn nữa trình độ văn minh hiện đại cũng đòi hỏi mọi thành viên trong xã hội phải có học thức cao mới hưởng thụ được đầy đủ cuộc sống của bản thân và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng. Trước tình hình đó, xã hội văn minh đang tiến đến chỗ trình độ học thức hai năm đầu của đại học trở thành cần thiết cho mọi người, giống như trình độ tiểu học cách đây một thế kỷ. Vì vậy, xu thế tất yếu là phải tiến tới mở cửa đại học cho số đông, rồi cho đại bộ phận dân chúng. Điều này đỏi hỏi những thay đổi lớn trong quan niệm về sứ mạng, nhiệm vụ cũng như tổ chức, quản lý giáo dục đại học. Đặc biệt, với trình độ phát triển hiện nay và với cơ cấu nhu cầu lao động trong thời gian tới, cần chú ý phát triển loại hình đại học ngắn hạn 2 năm (về kỹ thuật hay các nghiệp vụ du lịch, kế toán, ngoaị ngữ, …).

6. Trong khi nâng cao dân trí, mở rộng cửa nhà trường, kể cả đại học, cho đông đảo người dân, thì giáo dục không thể coi nhẹ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Trái lại, phải rất chú trọng tài năng, khắc phục bình quân và trung bình chủ nghĩa vốn là nhược điểm thường thấy ở các nước nghèo như ta. Trong thời đại kỹ thuật số hơn bao giờ hết, sự hưng thịnh của các quốc gia một phần rất quan trọng, nếu không nói quyết định, là do bởi có nhiều tài năng xuất chúng được nâng niu, nuôi dưỡng và được tạo điều kiện phát triển tột độ. Tài năng quan trọng cho xã hội hiện đại đến mức số lượng và chất lượng người tài được đào tạo là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá hiệu quả giáo dục. Cho nên, hệ thống giáo dục, đặc biệt là đại học, phải có biện pháp hữu hiệu để đào tạo nhiều người tài, hơn nữa xã hội phải được tổ chức như thế nào để tài năng không tàn lụi sớm mà được khuyến khích phát triển ngày càng cao. Kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy giáo dục càng công bằng, dân chủ, số người được học càng đông, thì trong số đông đó càng xuất hiện nhiều người tài xuất sắc. Vì vậy công bằng, dân chủ trong giáo dục không những không mâu thuẫn với việc chú trọng tài năng, mà còn là cơ sở để đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước.

7. Trong thời đại khoa học và công nghệ tiến nhanh như vũ bão, không ai có thể thoả mãn với vốn kiến thức đã có của mình. Mọi người đều cần học tập, học thường xuyên, học suốt đời, cho nên giáo dục thường xuyên phải không ngừng mở rộng cả về phạm vi, quy mô, hình thức, đối tượng, và sử dụng những phương tiện kỹ thuật tân tiến nhất: máy tính, Internet, đa truyền thông không dây, …, để cho ai, ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thể học được dễ dàng và có hiệu quả. Vai trò của giáo dục thường xuyên trong xã hội hiện đại ngày càng tăng lên đến mức ở một số nước tổng chi phí của xã hội cho giáo dục thường xuyên vượt cả tổng chi phí cho giáo dục theo trường lớp truyền thống.

Để thực hiện xã hội học tập theo quan niệm đó, cần gây dựng và duy trì trong mọi tầng lớp và ở mọi môi trường xã hội một tinh thần hiếu học mới, lòng ham chuộng tri thức, thói quen tự học, tự hoàn thiện hiểu biết và nhân cách để sống và làm việc tốt hơn. Với cách nhìn ấy, cần khuyến khích phát triển các trung tâm học tập cộng đồng như đã hình thành gần đây trong khuôn khổ Hội Khuyến học.

8. Đặc điểm quan trọng của giáo dục hiện đại là sử dụng rộng rãi Internet, công nghệ thông tin trong mọi khâu giáo dục, từ nội dung cho đến phương pháp, tổ chức. Lý do dễ hiểu là vì một mặt công nghệ thông tin đã len lỏi vào mọi hoạt động kinh tế và đời sống trong xã hội hiện đại, khiến cho hiểu biết tối thiểu về tin học trở nên cần thiết cho mọi người, và mặt khác, máy tính, Internet, viễn thông, truyền thông không dây, đã trở thành những công cụ có thể hỗ trợ đắc lực việc giảng dạy và học tập theo các yêu cầu nêu trên. Đặc biệt phải biết tận dụng khả năng công nghệ thông tin, phát triển mạnh giáo dục từ xa để đáp ứng một cách tiết kiệm, linh hoạt và hữu hiệu nhu cầu học tập ngay tại nơi lao động và sinh hoạt của đông đảo người dân.

9. Dựa trên các nguyên tắc vừa nêu cần cải tổ toàn bộ hệ thống giáo dục. Về bậc tiểu học và Trung Học Cơ Sở, trong nước đã có hệ thống thực nghiệm giáo dục được nghiên cứu từ hơn hai mươi năm nay và đã được áp dụng trên nhiều vùng đất nước, cần có sự thẩm định và đánh giá khách quan, nghiêm túc, để nếu cơ bản nó đáp ứng các yêu cầu nêu trên thì có thể mở rộng thực hiện trong cả nước, coi đó cũng là một nét đặc thù của giáo dục VN. Về bậc Trung Học Phổ Thông cần nghiên cứu lại việc phân ban theo tinh thần tiến tới tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho thế hệ trẻ trên cơ sở bảo đảm một mặt bằng văn hoá chung thích hợp, đồng thời tổ chức đủ mềm dẻo để cho phép điều chỉnh những sự lựa chọn chưa phù hợp. Về đại học và kỹ thuật trung cấp, hiện nay cả thế giới đều hướng tới xây dựng một hệ thống giáo dục tương đồng với nhau về cấu trúc và cả nội dung đào tạo để thuận tiện cho việc hợp tác và trao đổi quốc tế (như tú tài +3 năm cho chương trình cử nhân, tú tài +5 năm cho chương trình thạc sĩ, kỹ sư, tú tài +8 năm cho chương trình tiến sĩ). Ta cần sớm chủ động hội nhập vào xu thế chung đó.

10. Cuối cùng, muốn cải cách thành công phải cải tổ quản lý giáo dục. Trước hết cần có sự chuyển biến mạnh mẽ ngay trong bộ máy lãnh đạo và quản lý về quan điểm giáo dục như đã nêu trên, trên cơ sở đó thay đổi, cải tiến tổ chức, phương pháp quản lý, nhằm phát huy sáng kiến chủ động của các cấp, từng bước khắc phục bệnh tập trung quan liêu. Cần cải tổ Hội đồng giáo dục quốc gia thành một hội đồng thật sự có năng lực tư vấn cao ở tầm chiến lược, tăng cường bộ máy thanh tra đi đôi với mở rộng quyền tự chủ, trong khuôn khổ quy định, cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các đại học lớn, về mọi vấn đề thuộc phạm vi chương trình, tổ chức, kế hoạch giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác. Quản lý giáo dục cũng tức là quản lý các hoạt động làm nền tảng phát triển trí tuệ, phát triển năng lực sáng tạo của xã hội, cho nên liên quan khăng khít với quản lý các hoạt động khoa học, công nghệ. Tiến tới chấm dứt tình trạng ngăn cách giữa các đại học và các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ. Hệ thống quản lý giáo dục cần được cải tổ thành mạng lưới, vận hành theo cơ chế mạng, tận dụng các tri thức khoa học và phương tiện kỹ thuât về quản lý mạng, để tăng hiệu quả quản lý, phù hợp với xu hướng và yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại.

III. Mấy vấn đề cấp bách

Cải cách giáo dục theo phương hướng hiện đại hoá như trên là việc lớn, có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ xã hội nên cần có kế hoạch chu đáo, được nghiên cứu và chuẩn bị kỹ để thực hiện từng bước, từng bộ phận, trong một lộ trình thống nhất do Quốc hội thông qua, tránh đột ngột và xáo trộn gây căng thẳng trong xã hội. Nhưng trong thời gian chuẩn bị (vài ba năm), phải giải quyết ngay một số vấn đề cấp bách để tạo cơ sở và mở đường chuyển dần sang cải cách.

Về giáo dục phổ thông:

Mâu thuẫn lớn trong giáo dục phổ thông hiện nay là một mặt ta lên án bệnh học vẹt, học vì mảnh bằng, và luôn hô hào cải tiến phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, học đi đôi với hành, v.v…, nhưng mặt khác vẫn duy trì cách thi cử cổ lỗ, vẫn dung túng, thậm chí khuyến khích (vô tình, bằng chế độ lương phi lý) dạy thêm, học thêm tràn lan, mà không thấy rằng chính những việc đó, cộng thêm chương trình và sách giáo khoa bất cập, là nguyên nhân trực tiếp tạo ra nếp dạy và học lạc hậu trong nhà trường, cũng là nguyên nhân gây ra mất công bằng, dân chủ, làm cho môi trường học đường ngày càng bị ô nhiễm, giáo dục lún sâu vào xu hướng hư học, đi ngược hẳn các phương châm giáo dục tiến bộ. Vì vậy phải kiên quyết xoá bỏ tình trạng tiêu cực, lạc hậu trong các khâu thi cử, dạy thêm, và sách giáo khoa.

1. Cải cách thi cử và đánh giá. Nên bỏ các kỳ thi tốt nghiệp từng cấp học (tiểu học, Trung Học Cơ Sở, tú tài) mà thay vào đó, thực hiện thi, kiểm tra nghiêm túc thường xuyên, đều đặn, từng chặng, từng phần của từng môn học, đến cuối cấp xét các kết quả học tập để đánh giá tổng hợp và cho tốt nghiệp. Chỉ giữ hình thức thi tốt nghiệp cuối cấp Trung Học Phổ Thông cho những người vì lý do này khác không có điều kiện theo học bình thường ở nhà trường. Cần hiểu đây không phải là bỏ thi như một số người hiểu nhầm, mà thi như thế nào để đạt hiệu quả thực chất, nghiêm túc và tránh áp lực nặng nề không cần thiết, lại tốn kém và có hại đối với tâm lý học sinh.

2. Xoá bỏ dạy thêm, học thêm tràn lan. Đây là tệ nạn kéo dài quá lâu, đã đến lúc không thể nhân nhượng thêm nữa, mà cần dứt khoát xoá bỏ. Cần xem đây là trách nhiệm của chính quyền và đi đôi với giảm nhẹ áp lực thi cử, phải có giải pháp tiền lương thỏa đáng, để bảo đảm cho giáo viên có thể tập trung làm tốt nhiệm vụ giảng dạy chính, khỏi lo kiếm sống hoặc tăng thu nhập bằng việc dạy thêm, dẫn tới nhu cầu giả tạo buộc học sinh phải học thêm lu bù. Cần cương quyết cấm tăng tiết, tăng giờ lên lớp nghe giảng, rà soát lại chương trình theo hướng giảm tải, đổi mới phương pháp giảng dạy, không chỉ bằng cách cải tiến cách giảng bài, mà còn cải tiến cả tổ chức quá trình giảng dạy: tăng số giờ thực hành, dành thời gian hướng dẫn học sinh tự học, tự đọc sách, tham khảo tài liệu, tập thuyết trình, thảo luận, tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, văn nghệ, v.v. Mặt khác, phải bảo đảm cho bản thân giáo viên có thời gian và điều kiện tự học và thực hiện các kế hoạch định kỳ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giáo dục.

3. Chỉnh đốn việc biên soạn, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa. Từ nhiều năm nay sách giáo khoa chậm được cải tiến về chất lượng nội dung, hình thức trình bày, mà giá vẫn cao đối với phần lớn gia đình có con em đi học, lại được sử dụng rất lãng phí (hàng năm in sách mới). Nên học tập kinh nghiệm các nước về cả tổ chức, phương pháp và kỹ thuật, đổi mới quan niệm về biên soạn sách giáo khoa theo những quan điểm giáo dục hiện đại, đổi mới quan niệm về xuất bản, sử dụng sách giáo khoa, tiến đến sách giáo khoa không chỉ bảo đảm về chất lượng, nội dung, mà còn phải bền, chắc, hấp dẫn, hợp với lứa tuổi và ổn định trong nhiều năm để có thể sử dụng sách cũ và chủ yếu cho học sinh thuê sách để học. Nhà nước không thu lãi trên sách giáo khoa, không coi việc xuất bản sách giáo khoa là ngành kinh doanh, nhưng cần tạo ra cơ chế khuyến khích các nhà giáo dục, nhà khoa học tích cực tham gia vào công tác biên soạn.

Về giáo dục đại học:

Trong thời đại cách mạng công nghệ, đại học có vai trò chủ đạo trong toàn bộ hệ thống giáo dục của một nước. Nhưng so với thế giới và khu vực, giáo dục đại học của ta còn quá yếu kém, tụt hậu còn xa hơn giáo dục phổ thông. Trước đây ta xây dựng đại học theo mô hình Liên xô cũ, nay nền đại học đó không còn thích hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, song những biện pháp sửa đổi chắp vá thời gian qua đã phá vỡ tính hệ thống của nó, rốt cuộc tạo ra cảnh tượng lộn xộn, không còn chuẩn mực, không theo quy củ, tuỳ tiện, và kém hiệu quả. Muốn thoát ra khỏi tình trạng này, cần có thời gian và một lộ trình hiện đại hoá thích hợp. Trước mắt, để tạo điều kiện thuận lợi cho toàn bộ công cuộc hiện đại hoá, nên tập trung chỉnh đốn một số khâu then chốt đang tác động tiêu cực đến sự phát triển bình thường của đại học. Đồng thời xây dựng mới một đại học thật sự hiện đại, làm hoa tiêu hướng dẫn và thúc đẩy sự đổi mới trong toàn ngành.

1. Trước hết, cần cải cách mạnh mẽ việc thi cử và đánh giá, chuyển toàn bộ việc học theo hệ thống tín chỉ; thi, kiểm tra nghiêm túc từng chặng trong suốt khoá học, thay vì dồn hết vào một kỳ thi tốt nghiệp nặng nề mà ít tác dụng. Về tuyển sinh đại học và cao đẳng, nên bỏ kỳ thi hiện nay, nặng nề, căng thẳng, tốn kém , mà hiệu quả thấp, để thay vào đó một kỳ thi nhẹ nhàng chỉ nhằm mục đích sơ tuyển, để loại những học sinh chưa đủ trình độ tối thiểu cần thiết theo học đại học. Sau đó, việc tuyển chọn vào đại học nào do đại học ấy tự làm, chủ yếu dựa trên hồ sơ học Trung Học Phổ Thông và thẩm vấn hoặc thi nếu cần thiết.

2. Chấn chỉnh việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Bằng thạc sĩ và tiến sĩ phải theo chuẩn mực quốc tế, không thể tuỳ tiện, đào tạo cẩu thả, chạy theo số lượng, mà phải lấy chất lượng, trình độ, làm tiêu chí hàng đầu. Thạc sĩ và tiến sĩ là lực lượng lao động khoa học cốt cán, nếu trình độ quá thấp, đào tạo dối trá, thì không chỉ tai hại cho giáo dục, khoa học, mà còn ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến nhiều lĩnh vực hoạt động quan trọng khác, nhất là trong một xã hội còn quá chuộng bằng cấp như chúng ta. Vì vậy cần chỉnh đốn từ gốc, rà soát lại để hạn chế chặt chẽ số đơn vị, ngành được phép đào tạo, đơn vị nào, ngành nào còn yếu thì cương quyết dừng lại việc đào tạo trong nước để gửi ra đào tạo ở nước ngoài và chuẩn bị thêm điều kiện. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, lập lại trật tư, kỷ cương, chống gian dối và cẩu thả trong việc đào tạo và cấp bằng. Đồng thời những cơ sở đại học nào được phép đào tạo cần có đủ quyền chủ động từ việc tuyển nghiên cứu sinh, lựa chọn chương trình, cử người hướng dẫn cho đến tổ chức phản biện, bảo vệ và cấp bằng, để có thể tự chịu trách nhiệm hoàn toàn trước xã hội về chất lượng đào tạo.

3. Chần chỉnh công tác chức danh Giáo Sư ( GS ), Phó Giáo Sư ( PGS ). Đây là một trong những khâu then chốt để bảo đảm chất lượng cho đại học, nhưng trong một thời gian dài cho đến hiện nay, ở nước ta đã thực hiện khá tuỳ tiện và còn quá nhiều bất cập. Một trong những nguyên nhân đóng góp vào sự trì trệ kéo dài của đại học chính là ở công tác này, thể hiện khá tập trung những khuyết điểm về chính sách nhân tài. Do đó để mở đường hiện đại hoá đại học, cần sớm chấn chỉnh công tác chức danh GS, PGS, trước hết cải tổ “Hội đồng chức danh GS” thành một hội đồng không trực tiếp công nhận các chức danh mà chỉ xét duyệt hàng năm, định kỳ, để công nhận những người đủ tư cách ứng cử vào các chức danh GS, PGS ở các đại học và viện nghiên cứu. Hàng năm các đại học và viện nghiên cứu công bố nhu cầu tuyển GS, PGS [với sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền] để cho bất cứ ai đã được công nhận “đủ tư cách” đều có thể dự tuyển. Còn việc xét tuyển được trả lại cho các hội đồng tuyển chọn của từng đại học và viện nghiên cứu, hội đồng này gồm một số chuyên gia thuộc biên chế đơn vị đó và có thể thêm một số chuyên gia ở ngoài. Quyết định của Hội đồng được trình lên cấp trên có thẩm quyền thông qua trước khi thực hiện.

4. Cải thiện chính sách sử dụng giảng viên đại học. Tình trạng phổ biến hiện nay ở các đại học là giảng viên dạy quá nhiều giờ (25-30 giờ mỗi tuần không phải là hiếm), kể cả giờ dạy trong trường, ngoài trường, dưới nhiều hình thức khác nhau, dạy “liên kết” ở các địa phương, dạy tư, luyện thi, “dạy xô”, v.v.), do đó, ngay ở các đại học lớn, cũng rất ít nghiên cứu khoa học, và nhiều người đã lâu không có thói quen cập nhật kiên thức, nâng cao trình độ nhưng lại sản xuất đều đều cử nhân, thạc sĩ, thậm chí cả tiến sĩ. Trình độ GS, PGS của ta nói chung khá thấp so với quốc tế, cả nước số GS đã được công nhận mới chiếm tỉ lệ chưa tới 0,1%, số PGS chưa tới 5%, trong toàn bộ số giảng viên đại học. Nếu kể cả những người thực tế có năng lực nhưng chưa được công nhận Giáo Sư ( GS ), Phó Giáo Sư ( PGS ) do cách tuyển chọn chưa hợp lý, đội ngũ giảng viên đại học vẫn rất yếu về trình độ và số lượng, mà tuổi tác lại khá cao, đó là tình trạng không thể chấp nhận được, cần có biện pháp cải thiện nhanh, nếu không sẽ di hại qua nhiều thế hệ.

5. Đổi mới các trường sư phạm và chính sách đào tạo giáo viên phổ thông. Cần nghiên cứu lại chủ trương xây dựng những trường sư phạm trọng điểm, vì theo kinh nghiệm các nước, chỉ giáo viên mẫu giáo, tiểu học mới cần được đào tạo kỹ về nghiệp vụ sư phạm, còn giáo viên Trung Học Cơ Sở và Trung Học Phổ Thông trở lên thì trước hết phải được đào tạo vững vàng về chuyên môn khoa học rồi mới bổ túc kiến thức và kỹ năng sư phạm. Do đó phải thay đổi cách đào tạo ở các trường sư phạm, chú trọng nhiều hơn phần chuyên môn khoa học, đồng thời phải mở rộng đối tượng tuyển dụng giáo viên phổ thông từ các cử nhân hay thạc sĩ, sau một khoá bổ túc ngắn hạn về nghiệp vụ sư phạm. Các đại học sư phạm nên dần dần chuyển thành đại học đa ngành, trong đó có khoa sư phạm (giáo dục) chuyên lo về nghiệp vụ giảng dạy và khoa học sư phạm.

6. Xây dựng “mới” một đại học đa ngành hiện đại, làm “hoa tiêu” cho cải cách đại học sau này. Song song với những biện pháp cấp bách kể trên, cần bắt tay xây dựng ngay một đại học đa ngành thật hiện đại, theo chuẩn mực quôc tế và sánh kịp các đại học tiên tiến nhất trong khu vực, để làm hoa tiêu cho toàn bộ công cuộc hiện đại hoá đại học. Cần xây dựng hoàn toàn “mới” đại học này, nghĩa là không phải ghép chung lại một số đại học đã có sẵn (theo kinh nghiệm không thành công như đã làm cho tới nay), mà toàn bộ giảng viên và sinh viên tuyển vào đều là “mới”. Lúc đầu không nhất thiết đủ hết mọi ngành, và quy mô có thể hạn chế trong số mấy trăm sinh viên, nhưng đại học mới này phải được xây dựng theo đúng các chuẩn mực quốc tế về mọi mặt: cơ sở vật chất thiết bị, điều kiện ăn ở, học tập của sinh viên, phương pháp, nội dung chương trình, trình độ giảng viên (lúc đầu một số ngành có thể mời giảng viên nước ngoài hoặc Việt kiều), sinh viên lấy vào, v.v. Đại học mới này sẽ đào tạo theo ba cấp học: cử nhân (tú tài+3-4 năm), thạc sĩ, kỹ sư (tú tài + 5năm), tiến sĩ (tú tài+8 năm).

7. Tăng đầu tư cho đại học, đi đôi với chấn chỉnh việc sử dụng đầu tư. Cần cải cách chế độ lương và phụ cấp, bảo đảm cho giảng viên đại học một mức thu nhập phù hợp với năng suất và trình độ từng người để họ có thể dồn tâm lực vào nhiệm vụ chính trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học mà không phải lo toan, xoay xở cho đời sống quá nhiều, tạo mọi điều kiên cho họ có thể cập nhật tri thức theo kịp khoa học công nghệ thế giới và khu vực. Tăng học phí hợp lý phải đi đôi với tăng tích cực chất lượng đào tạo, đồng thời có chính sách học bổng rõ ràng, thiết thực, để giúp đỡ có hiệu quả người nghèo và những người trong diện cần nâng đỡ.

Trên đây là một số vấn đề cáp bách về giáo dục phổ thông và đại học. Thật ra, còn một vấn đề rất cấp bách nữa chưa được đề cập đến trong bản kiến nghị này là giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, mà sự yếu kém do thiếu quan tâm của chúng ta trong thời gian dài là một trong các nguyên nhân chủ yếu khiến thanh niên không còn con đường nào khác, phải đổ xô vào đại học, làm trầm trọng thêm các vấn đề phổ thông và đại học. Lĩnh vực này cũng cần đầu tư thích đáng để hiện đại hoá thì mới đáp ứng được các yêu cầu phát triển của đất nước trong những năm tới. Đặc biệt, song song với mở rộng hệ thống các trường dạy nghề, trường trung cấp kỹ thuật, cần tích cực phát triển loại hình đại học 2 năm như đã nói ở mục II.5.

Bao trùm trên hết là chính sách phát triển nguồn nhân lực và tài năng để phục vụ công cuộc phát triển của đất nước, thể hiện trong việc hiểu và thực thi chủ trương coi phát triển giáo dục và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu. Khâu yếu nhất vẫn là chính sách đối với lao động trong giáo dục và khoa học, hai ngành hoạt dộng liên quan khăng khít với nhau, mà sự tụt hậu của một ngành luôn gắn liền với sự tụt hậu của ngành kia. Những bất cập trong chính sách này đã được nêu lên từ lâu, đến nay vẫn còn chờ sự quan tâm và giải quyết của Nhà nước và xã hội.”

Nguồn: niemtin.free.fr