Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Khúc biến tấu đen

Truyện ngắn Trần Kỳ Trung

Copy of p1010110 Trần Kỳ Trung sinh năm 1953, quê quán Hội An – Quảng Nam, là một người hoạt động tự do, chủ trang web Trần Kỳ Trung đăng tất cả tác phẩm đã hoặc chưa xuất bản của anh, gồm bài báo, truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh…

Tác phẩm:

-Về một ngả đường (tiểu thuyết, 1993)

-Đọp “nhà thơ” (tập truyện ngắn, 1995)

-Lầm lẫn (tập truyện ngắn, 1996)

-Cô bé và cành mai (tập truyện ngắn, 1998)

-Cuộc phiêu lưu không định trước (truyện vừa, 1999)

-Một phần đời trong chiến tranh (tiểu thuyết, 2004)

-Giữa vườn cây xanh lá (truyện thiếu nhi, 2004)

Khi Cái Ác còn ngự trị thì không bao giờ có thể nói đến chuyện “nhân bản”, “đạo đức”. Nó dám chà đạp lên tất cả, gây những tội ác không ai có thể tưởng tượng. Loài người mãi mãi phải cảnh giác với Cái Ác.

…Gia đình tôi là một gia đình tư sản ở Sài Gòn. Ba, mẹ đều không muốn tôi đi theo con đường binh nghiệp.

Sự kiện Mậu Thân sáu tám ập đến, trực tiếp chứng kiến đặc công giải phóng đánh vào Toà Đại sứ Mỹ, Tổng nha Cảnh sát… máu kiêu hùng trong người tôi nổi lên. Trong lớp tôi, một số bạn bè có ý định ra “bưng” (*) tham gia cách mạng, một, hai người đến bí mật rủ tôi. Không một chút đắn đo, tôi theo liền.

Tham gia cách mạng, cũng là một cuộc phiêu lưu cho thoả chí tang bồng của tuổi trẻ. Nhưng thực tế lại khắc nghiệt hơn tôi tưởng rất nhiều.

Đơn vị tôi mới đó còn đông đủ, chỉ một thời gian sau, do đủ nguyên nhân, bệnh tật, trúng bom, đánh nhau… đã vơi đi. Quân số bổ sung chưa kịp, bắt buộc phải xé lẻ thành từng nhóm hai người một, bám cơ sở để tồn tại.

Người phụ trách trực tiếp tôi là anh Long. Anh chọn tôi chứ không phải người khác, vì như anh Long nói:

- Đi với mày còn được gia đình tiếp tế, chứ đi với mấy thằng lính miền Bắc, chỉ có nước chết đói.

Sự ác liệt của chiến tranh, nhiều lúc quá khủng khiếp, tôi đã có ý định đào ngũ. Nhưng…! Một người con gái có trái tim nhân hậu đã giữ tôi lại.

Mai, tên người con gái đó, ba má bị bom Mỹ giết. Căn nhà lá đơn sơ mà em ở, nằm cạnh con lộ là chỗ đi về của tôi và anh Long. Sự gan dạ Mai thể hiện hằng ngày làm tôi có cảm giác thanh thản, sự chết chóc không còn làm cho mình sợ hãi.

Nhưng tình yêu đó của tôi đã bị mất, mất rất đau đớn, không phải do kẻ thù gây ra mà lại do anh Long.

Biết tôi và Mai yêu nhau, không hiểu sao, tôi có cảm tưởng, anh Long không thích. Ánh mắt anh nhìn tôi có lúc như tối sầm. Một lần anh Long nói với tôi: “Tao không hiểu sao một thằng tiểu tư sản như mày mà Mai lại yêu. Lẽ ra… tao không nên để mày quen Mai”. Tôi im lặng, không muốn trả lời anh.

…Hôm đó, tôi đi lấy gạo, ở nhà chỉ còn Mai và anh Long. Anh Long đã thực hiện một trò đốn mạt. Mai kể lại với tôi trong tiếng nấc nghẹn ngào:

- Anh Long nói với em xuống hầm có một việc quan trọng cần trao đổi. Em tin anh ấy như tin anh. Ai ngờ…!

Căm thù dâng lên uất nghẹn, tôi đứng bật dậy cầm khẩu AK, nói với Mai dằn từng tiếng:

- Anh sẽ giết kẻ khốn nạn đó!

Nghe vậy Mai níu tay tôi, nói qua hàng nước mắt:

- Đừng anh! Đừng làm thế… Đừng để bà con nghĩ xấu về các anh. Bà con ở đây tin cách mạng hơn phe bên kia!

Nghe Mai nói thế, tôi đau đớn như ai đang lấy dao cứa vào tim mình.

Tôi cũng tưởng sau sự việc xấu xa đó, anh Long sẽ tránh mặt tôi. Không phải thế, ngay buổi chiều sau sự việc đó, anh Long chủ động đến gặp tôi. Nét mặt anh Long trông đau khổ, giọng sụt sùi:

- …Lúc Mai xuống hầm, không hiểu sao anh như con thú, không kìm lại được – Anh lấy tay đấm vào ngực mình thùm thụp – Đó là việc làm không đúng nhân cách của người lính cách mạng. Thôi, không nói chuyện đó nữa – Giọng anh nức nở – Việc này em có thể toàn quyền giải quyết. Em dẫn anh ra hẻm núi kia mà xử. Anh xứng đáng nhận bản án đó!

Nói xong câu nói đó, anh Long liếc nhanh như đánh giá thái độ của tôi rồi cúi xuống, nét mặt đầy ân hận.

Nghe anh Long nói vậy, tôi kinh tởm quay đầu đi chỗ khác, không muốn nhìn thấy mặt anh ấy. Lúc này tôi nghĩ về Mai nhiều hơn, đúng là không vì em thì mọi chuyện giữa tôi và anh Long rất dễ giải quyết. Không thể làm cho Mai khổ hơn, tôi đang muốn mình là chỗ dựa cho em.

Một điều làm tôi ngạc nhiên, sau chuyện anh Long gây ra với Mai, Mai có thái độ cư xử với tôi hoàn toàn khác trước. Em thường lảng tránh những cuộc nói chuyện giữa tôi với em. Tôi cố níu kéo, vì tôi rất hiểu, chuyện đó không phải do em gây ra, tôi sẵn sàng bỏ qua hết. Mai hình như cố tình không hiểu điều đó. Gặp tôi, em chỉ nói chuyện công việc. Một lần tôi cầm tay em, nói để em hiểu suy nghĩ của tôi:

- Mai ơi! Anh rất thương em, thương nhiều lắm. Chuyện vừa rồi, anh coi như không có. Em tin anh không?

Em gỡ tay tôi ra, không nhìn thẳng, cố giữ giọng thật bình thản:

- Với em, anh đừng nghĩ gì nữa. Em không xứng đáng với anh.

Nói xong, không đợi tôi đáp lại, em đi như chạy.

Tôi đứng như chết lặng nhìn theo bóng em đang mờ dần.

Tôi không hiểu vì sao em lại có thái độ như vậy.

Sau đó hơn một tháng, tôi với anh Long đến nhà Mai. Chưa kịp bàn bạc thì bất ngờ quân Mỹ cho trực thăng đổ quân ngay trên đường lộ. Anh Long sợ hãi, mất tinh thần. Tôi thực sự lúng túng, duy nhất chỉ có Mai giữa được sự bình tĩnh. Mai nó như ra lệnh:

- Hai anh xuống hầm ngay!

- Còn em?

- Em sẽ đánh lạc hướng chúng nó!

Tôi nói vội:

- Để anh cùng đi với em!

- Không được – Mai nói dứt khoát – Các anh còn cần cho phong trào sau này.

Nói thế rồi em cầm khẩu cạc bin lao ra ngoài. Phía ngoài lộ lúc này đã lố nhố bóng lính Mỹ.

Tôi cầm khẩu súng định lao theo em, anh Long rướn người vội níu tôi đẩy mạnh xuống hầm bí mật. Nóc hầm được đóng lại, anh Long nói trấn an:

-Yên tâm đi, Mai lo cho chúng ta được.

Ở phía xa, dội xuống hầm rất rõ tiếng lựu đạn, tiếng súng nổ. Trong dạ tôi như có lửa đốt. Tôi không thể ngồi yên ổn ở dưới hầm để trên kia một mình Mai chống chọi với lũ giặc. Tôi toan đẩy nắp hầm bật lên, anh Long vội bấu chặt lấy tay tôi, nói không ra hơi:

- Mày lên là chết cả hai… Không được!

- Tôi với anh không thể ngồi ở dưới hầm này. Anh không lên, để tôi lên! – Tôi quát vào mặt anh.

Anh Long lấy hai tay đè mạnh vai tôi xuống, nói líu cả lưỡi:

- Mày ngồi im!

Không chịu được nữa, tôi định lấy chân đạp mạnh vào người anh ta để đứng dậy thì anh Long lấy người đè hẳn lên người tôi, giọng sợ hãi tột độ:

- Tao phải giết mày để không bị chết lây.

Sức anh Long khoẻ hơn tôi, nhất là lúc sợ hãi, tôi lại ở thế bị động nằm dưới anh ta trong một chiếc hầm quá chật chội, không thể cựa quậy. Hai bàn tay anh Long như hai gọng kìm xiết lấy cổ tôi. Tôi cố giãy giụa một lúc rồi ngất lịm.

Khi tôi tỉnh dậy, trong hầm chỉ có một mình. Tất cả im ắng một cách lạ thường. Nằm một lúc lấy lại sức tỉnh táo, tôi dồn sức mở nắp hầm.

Lên khỏi miệng hầm bí mật, tôi ngỡ ngàng với cảnh tượng đập vào mắt. Căn nhà lá của Mai bị bọn lính Mỹ đốt cháy tan hoang. Mùi khói, mùi thuốc súng còn nồng nặc. Không biết anh Long có chạy thoát hay bị lính Mỹ bắt sống. Còn Mai! Tôi đảo mắt tìm em, chắc em đã bị lính Mỹ bắn chết, vứt xác đâu đó.

Tôi cố tìm kiếm dấu tích của anh Long và Mai nhưng không thấy.

Tôi buông súng lết về phía bìa rừng.

Đây là cú sốc quá nặng nề đối với tôi, buộc tôi phải nghĩ lại con đường mình đang đi.

Cầu mong, nếu Mai đã chết, vong linh em hãy tha thứ cho tôi. Nếu ở lại, tôi không sống được như nhân cách của em. Và nếu anh Long còn sống, nhìn thấy một đồng đội như vậy, chẳng lẽ tôi vẫn đồng hành!!!

Nghĩ như thế, ngay tối hôm đó, tôi không tìm đường về lại đơn vị mà quay về thành.

Năm một chín bảy lăm.

Ngay từ tháng ba, khi Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng… thất thủ, về tay quân cách mạng. Ba mẹ tôi yêu cầu tôi không học nữa, theo gia đình ra nước ngoài.

Lần này, tôi phải nghe theo lời khuyên của gia đình. Ở lại không có điều gì lợi cho tôi cả.

Tưởng mọi chuyện đã an bài, không thể trở về với mảnh đất tôi đã cất tiếng khóc chào đời, nơi lưu giữ biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, và nhất là hình ảnh của Mai, tôi không thể nào quên được.

Không ngờ tôi được trở về.

Tôi tham gia trong ban lãnh đạo hãng N. Ông Tổng gọi tôi lên giao nhiệm vụ:

- Bên đối tác, sau khi ký hợp đồng, nhất là chúng ta đã chuyển vào tài khoản của họ số tiền hoa hồng mà họ yêu cầu, họ muốn mời đại diện của hãng sang thăm không chính thức để cảm ơn. Tôi muốn anh thay mặt hãng làm việc này…

Ông Tổng giao tôi một số nhiệm vụ rồi dặn thêm:

- Với họ, anh phải hết sức cảnh giác, vì họ rất mưu mô quỷ quyệt. Ngay chuyện chúng ta chuyển số tiền hoa hồng vào tài khoản của con cái họ, họ cũng làm rất khéo. Vì thế, trong cách nói chuyện, anh đừng để lộ bất cứ một điều gì của hãng, hậu quả khó lường. Vì lợi ích cá nhân, họ dám làm tất cả để đạt mục đích. Tôi nhắc lại, anh cần cảnh giác!

Ông Tổng của tôi đã qua lại nhiều lần ở Việt Nam để thương thảo hợp đồng, rất hiểu cách làm ăn ở đây, đã dặn tôi như vậy.

Tôi gật đầu.

Chuyện của tôi trong chiến tranh, tôi vẫn giữ kín. Khi về lại Việt Nam, tôi kín đáo, không cho ai biết, tôi muốn tìm lại Mai, xem số phận của em hiện giờ như thế nào?

***

Vùng chiến trường xưa, sau hơn ba mươi năm tôi tạm xa, giờ đã thay đổi rất nhiều. Không còn những thân cây bị lửa bom đốt cháy nham nhở, những hố bom toang hoác, nhưng mái nhà xiêu vẹo, xơ xác… Thay vào đó, những cánh đồng lúa hai bên đường vàng rực một màu no đủ, những ngôi nhà lợp ngói khang trang đầy ắp tiếng trẻ nô đùa. Tiếng xe máy, tiếng máy xát gạo ồn ào…

Một không khí hoà bình như bao vùng đất trên đất nước này tôi đã đi qua.

Có một điều, dù đã dự tính trong mọi trường hợp, mà tôi vẫn hết sức bất ngờ, vẫn không thể tin.

Tôi gặp lại MAI.

Ở ấp Tân Khang, căn nhà em thực sự khó tìm, nằm chơi vơi gần như biệt lập với những nhà xung quanh, đồ đạc không có gì đáng giá, vách nhà trống hơ trống hoác, không có cả cửa ra vào. Mai ở quá nghèo, ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Gặp lại tôi, hai mắt em nhoà lệ:

- Em không ngờ anh còn sống, không ngờ có ngày hôm nay.

Chiếc áo bạc phủ vai gầy rung rung theo tiếng nấc, mái tóc bạc bết vào trán cùng nét mặt già nua theo thời gian, Mai đưa tôi vào nhà. Tôi chú ý một người đàn ông không đoán tuổi, nét mặt ngây dại, chân tay khẳng khiu, áo quần không lành lặn ngồi nép vào góc nhà, dáng bất động. Mai giải thích:

- Con em đấy, hơn ba mươi tuổi rồi. Cháu bị tâm thần từ lúc nhỏ…

Mai mời tôi ngồi, rồi lặng lẽ kể tiếp cho tôi nghe câu chuyện xảy ra trong ngày khủng khiếp đó:

- …Em đoán là bọn Mỹ đã phát hiện ra các anh nên mới tập kích bất ngờ như vậy. Nếu em không đánh lạc hướng sẽ chết tất cả. Còn sống một người đỡ cho đằng mình một người. Nghĩ như thế, nên em quyết định kéo chúng nó xa hầm bí mật của các anh được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Bọn lính Mỹ nhìn thấy em, liền nổ súng. Em cũng bắn trả bọn chúng được mấy loạt thì bị thương, bị bắt. Chúng khiêng em lên máy bay đưa về trại tù binh, còn ngôi nhà của em, chúng đốt.

Trong trại tù binh, khi em lành vết thương cũng là lúc sinh cháu – Mai chỉ người đàn ông tâm thần ngồi góc giường – Chắc anh biết cha của nó là ai rồi! Mang cháu trong hoàn cảnh quá khắc nghiệt, nên khi sinh ra cháu đã bị như vậy, cứ thế em phải ở vậy nuôi cháu. Khi em có dấu hiệu mang thai, em phải khước từ tình yêu của anh mặc dù lúc đó em thương anh rất nhiều…

- Sao lúc đó Mai không nói cho tôi biết! – Tôi đau đớn, hỏi lại.

- Em nghĩ, một mình em đau khổ, em chịu đựng được. Anh phải có tình yêu trọn vẹn hơn, đẹp hơn. Sau này, biết anh và anh Long đi thoát, em mừng lắm. Hy vọng anh và anh Long sẽ trở về. Hơn ba mươi năm qua, chẳng thấy ai về cả… Hôm nay mới thấy anh…

Tôi im lặng, thực tình quá ngượng với chính mình. Mai kể tiếp:

- Sau khi em sinh thằng bé, có người hiểu, có người không hiểu. Em lại mất liên lạc hoàn toàn, đành phải bế thằng bé lên Sài Gòn sinh sống cho đến ngày giải phóng mới về lại. Mẹ con rau cháo lần hồi nuôi nhau…– Mai nhìn tôi hỏi trong tiếng thở buồn – Anh về, anh Long không thấy về chắc hy sinh rồi phải không anh? Tội anh ấy quá… Tôi lảng tránh ánh mắt nhìn của em, không dám kể lại câu chuyện đã xảy ra giữa tôi và anh Long lúc đó. Vì trong em, hình ảnh của anh Long vẫn rất đẹp, dù chính anh ta đã giết chết tình yêu của em. Nhắc lại chuyện tôi với anh Long dưới hầm bí mật lúc đó nào có hay ho gì. Mà có khi anh Long đã chết thật cũng nên…

Thấy hoàn cảnh của Mai, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm, không thể để mẹ con em sống thế này. Tôi nói với Mai:

- Anh gặp lại em có cả nỗi đau đớn và niềm vui vì không nghĩ sẽ có ngày hôm nay. Anh muốn giúp em…

Mai cười nhẹ, nhìn ra xa.

Không gian nhạt nhòa nắng, những cánh cò bay mải miết, hương đồng dìu dịu . Suy nghĩ một lúc em mới trả lời tôi, giọng chậm rãi:

- Cảm ơn anh đã lo cho mẹ con em, nhưng em không đi đâu hết, ở đây quen rồi. So với bao nhiêu phụ nữ khác đã qua chiến tranh, em là người hạnh phúc hơn họ, còn có mẹ có con. Mẹ con em ở đây trong tình thương của bà con chòm xóm, không đến nỗi khổ đâu.

Gặp lại Mai, tôi muốn ở lại lâu. Dẫu định như thế, nhưng càng tâm sự với Mai, tôi càng nhận ra Mai không cần sự thương hại của kẻ khác. Mai vẫn bản lĩnh, y như lúc cứu tôi và anh Long dạo nào.

Tôi ở lại, càng thể hiện sự yếu kém của mình, Mai sẽ nhìn tôi với con mắt khác. Nghĩ như thế, tôi quyết định tạm biệt em ngay trong ngày. Biết ý định ấy, Mai nắm lấy tay tôi, nghẹn ngào:

- Anh giận em sao? Anh phải hiểu cho em. Trước đây hay sau này em vẫn nghĩ tốt về anh, kể cả về anh Long. Hãy nghĩ tốt về nhau. Anh ở lại ăn với mẹ con em một bữa cơm. Như thế là em thoả lắm rồi. Nghe em đi. Khoan về đã…

Mai không biết, tôi tự thấy mình quá hèn kém trước em. Tôi xấu hổ. Tôi không xứng đáng với em.

Không trả lời em, tôi rút tay lại, nuốt thầm nước mắt.

Lặng lẽ bước đi.

***

Mọi chuyện đều quá bất ngờ. Quả đất này lớn thật, nhưng không lớn như mọi người nghĩ vì tôi lại gặp anh Long.

Anh Long giờ đây là một quan chức rất to trong chính quyền sở tại. Nét mặt, vóc dáng đã thay đổi rất nhiều. Trông anh thật phương phi, mặt mũi hồng hào, và nhất là mái tóc vẫn còn đen nhánh.

Tiếp tôi, anh nhận ra ngay người cũ. Sau đó, anh cho thư ký đánh xe con đến khách sạn tôi ở, mời tôi về nhà riêng. Đó là một biệt thự lớn, rất đẹp, có công an gác bên ngoài. Trong phòng khách, chỉ có tôi và anh, anh nói chuyện thân mật, thay đổi cả cách xưng hô:

- Nói thật với em, gặp em, anh rất ngạc nhiên!

- Em cũng ngạc nhiên khi gặp anh! – Thấy thái độ vồn vã của anh, tôi nói thật suy nghĩ của mình.

Anh Long nói với tôi giọng có chút ân hận:

- Hồi đó, cũng do chiến tranh khốc liệt quá, sống với chết chỉ trong một tích tắc, nên anh đối xử với em không phải. Không biết em còn giận anh không?

Chuyện cũ, nhắc lại làm gì. Quan trọng hơn, anh Long đang là đối tác làm ăn với hãng của chúng tôi. Tôi nói:

- Thôi, anh ạ! Anh với em đừng nghĩ đến chuyện đó. Qua lâu rồi. Quan trọng là anh cùng hãng em làm ăn thế nào có lợi cho cả đôi bên.

Anh Long nghe tôi nói vậy, cười lớn:

- Em nói thế, anh rất mừng. Chuyện trong chiến tranh, anh mong chỉ em và anh biết. Nếu anh không ở chức này, hãng của em sẽ bị nhiều bất lợi…

- Em hiểu!

Anh Long nói tiếp:

- Vậy một triệu đô la mà hãng của em chuyển vào tài khoản của cháu bên Thụy Sỹ, anh sẽ đưa lại cho em một trăm ngàn, gọi là tình nghĩa hai em. Em nhận cho anh – Anh vỗ vỗ vai tôi – Em không nhận là anh giận đấy!

Tôi biết đây là số tiền mà anh Long muốn mua ở tôi sự im lặng. Thực ra, kỷ niệm quá chua xót đó, tôi cũng không hề muốn kể với ai. Nhưng chính lúc này, tôi lại nghĩ đến Mai. Nếu như Mai có số tiền này, sẽ đỡ cho em và con rất nhiều. Sau khi cân nhắc, tôi nói với anh Long:

- Anh còn nhớ Mai không?

Anh Long ngơ ngác:

- Mai nào?

- Mai đã đánh lạc hướng bọn Mỹ, cứu em và anh dưới hầm bí mật đó

Anh Long hơi giật mình, lấy tay vỗ vỗ lên trán:

- Anh nhớ rồi! Mai du kích… Mai vẫn còn sống à?

Tôi bình tĩnh kể:

- Trước khi gặp anh, em đã gặp Mai. Mai đang sống rất khổ cùng đứa con trai bị tâm thần. Mà đứa con trai ấy, anh có biết cha nó là ai không?

- …

- Em không nhắc lại chuyện cũ. Em nói thế là anh hiểu cha nó là ai rồi chứ gì.

Trán anh Long lấm tấm mồ hôi. Anh vội lấy khăn ra lau, bàn tay run run. Tôi nói:

- Cả anh và em đều phải có trách nhiệm với mẹ con Mai. Em sẽ không nhận số tiền anh đưa, em chỉ có muốn anh dùng số tiền đó mua cho mẹ con của Mai một ngôi nhà khá chút, giúp đứa con trai chữa bệnh…

Anh Long cướp lời tôi:

- Em đừng nói nữa, anh hiểu, anh hiểu rồi. Em hãy cho địa chỉ cụ thể, vẽ thật chi tiết lối vào nhà Mai, để anh cho người mang tiền đến cho Mai – Anh Long đưa tôi tờ giấy và cây bút để tôi vẽ lại lối đi vào nhà Mai.

Tôi mừng vô cùng. Anh Long đã thấy tội lỗi của mình và giờ anh muốn sửa chữa lỗi lầm. Mai ơi, ít ra từ nay đến lúc cuối đời, em sẽ không phải sống trong cảnh khốn cùngnữa.

***

Khi về lại hãng, tiếp tục công việc của mình, hằng ngày tôi vẫn lên mạng truy cập tình hình trong nước. Và tôi đã đọc thấy một tin khiến tôi không còn tin vào mắt của mình:

“Đêm 22 tháng… năm… tại ấp Tân Khang, xã Minh Hiệp, huyện… tỉnh… đã xảy ra một vụ giết người rất dã man. Nhân đêm tối, trời mưa tầm tã, lợi dụng ngôi nhà trống trải, xa dân cư, bọn thủ ác đã đột nhập vào nhà bà Nguyễn Thị Mai, giết chết bà cùng đứa con trai bị tâm thần. Theo công an điều tra cho biết, đồ đạc trong nhà bà Mai không mất thứ gì. Bà con chòm xóm cũng cho biết, Bà Mai sống rất tử tế hoà thuận, không làm mất lòng ai. Vậy nguyên nhân vụ giết người do đâu? Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ…”

“Đêm 22…” tức là chỉ một ngày sau khi tôi rời Việt Nam.

Lời của ông Tổng hãng N, nơi tôi đang làm việc vẫn văng vẳng bên tai: “Vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng làm tất cả để đạt mục đích. Anh cần cảnh giác”.

Trời ơi! Thế mà tôi không chịu hiểu, vẫn cứ thật thà đến ngu ngốc, dẫn đường cho kẻ ác…

Khác nào chính tôi đã giết em, Mai ơi.

—————————

(*) Bưng: tiếng chỉ vùng căn cứ Cách mạng.