Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Bố tổ cái thằng da cam

Truyện Vũ Thị Nhuận

Tranh Nguyễn Trọng Khôi

Ông Hai Chè ngồi thu lu trong cái lán dựng tạm bên đường chờ khách. Bây giờ người ta toàn đi xe Honda, tệ cũng là xe máy Tàu, rất ít người đi xe đạp như thời hai chục năm trước. Ông mở cái lán này để làm nghề vá xe, kiếm chút cơm cháo qua ngày. Muốn vá xe máy phải có đồ nghề, ít nhất cũng phải có cái bơm điện để bơm bánh xe, rồi còn phải khoẻ tay khỏe chân để mở xăm mở lốp ra nữa. Ông Hai chẳng còn trẻ, ngoài sáu mươi lăm tuổi rồi, vợ con không có, sống tạm bợ dưới cái lán này từ hồi mới ngoài bốn mươi.

Thời gian qua nhanh thật. Hồi nào còn có cô Lẹ bán cháo vịt, cứ gạ gẫm ông “Thôi về ở với tui, dù sao cũng có người hủ hỉ”. Ông Hai do dự tính tới tính lui vì nhà thì không có, thân ông thì bệnh suyễn chẳng biết sống chết thế nào, thà mỗi mình thì sao cũng được, có vợ rồi mà để cho vợ khổ thì ông chẳng cam lòng. Thế mà chưa đâu vào đâu, cô Lẹ đã qua đời vì bệnh Si-đa giai đoạn cuối.

Hôm cô Lẹ chết, chẳng có ai là người thân. Một nhóm từ thiện đem cô vô chùa của người Khơ Me hỏa táng rồi gửi tro luôn trong đó. Cũng may mà ông chưa lẹo tẹo với cô Lẹ, không thì chết dở….

***

-Bố tổ cái thằng da cam!

Lại là Bồn bố tổ đến. Ai gặp hắn chưa kịp mở miệng nói câu nào đã phải nghe hắn chửi, mà chửi không xoàng đâu, gọi tận bố của ông tổ người ta ra mà chửi. Hắn chửi đến là ngọt, cứ như một giai điệu âm nhạc, hòa quyện vào nhau không thể tách rời.

Cả cái xóm nghèo này rồi cả cái chợ chòm hổm cầu số Một ấy đều nghe quen đến nghiện tiếng chửi của hắn. Tên cúng cơm của hắn là Đào Văn Bồn, thế nhưng biệt danh lại là Bồn bố tổ. Chưa thấy mặt đã nghe tiếng. Độ rày hắn không chửi đổng nữa mà chửi có nơi có chốn, điểm mặt chỉ tên rõ ràng. Mà hắn chửi ai? Chửi cái thằng da cam.

-Bố tổ nó chứ… Thế hôm nay bác Hai rỗi à?

-Độ này ít khách lắm, mà làm xe Honda thì không có vốn.

-Em đã nói bác rồi. Cứ ngồi đó mà chờ thì còn đói nhăn răng. Mai em dắt bác đi xem cái bơm điện cũ, nó bán chừng triệu hai. Tiền em cho bác mượn, còn đồ nghề thiếu gì thì mua thêm. Người ta ngày càng tiến bộ, vỏ xe, lốp xe càng ngày càng chắc chắn, đi lâu lắm mới mòn. Bác cứ nghe em, kiếm ít đinh ba chỉa, rải chỗ đoạn đằng kia, chúng nó cán phải thì sẽ ghé bác. Thế là có khách, khó gì. Còn cái thau nước này, bác phải làm cho đen kịt, để dưới đáy một cái bàn chông. Thủng một lỗ, bác cho thêm vài lỗ nữa. Thế mới sống được, bác ạ.

-Ai lại làm vậy. Thất đức lắm. Bánh xe đương nguyên đương lành của người ta lại rải đinh đâm thủng để người ta mất tiền với mình…

-Thôi ông ạ, dở hơi vừa vừa thôi. Thời này đạo đức chỉ có chết đầu nước. Bụng đói mà cứ nói chuyện đạo đức nghe chán bỏ bố. Chúng nó đều đểu giả, trộm cắp cả lũ đấy. Thế bác có biết vụ chiếc xe Phiêu-chờ của vợ chồng Hảo bị mất hai tuần trước, thằng Dũng công an ra giá mười hai triệu thì mới tìm xe cho à?

-Lại có chuyện đó hả trời?

-Ông gà mờ lắm. Chúng xưa nay vẫn nó thế. Chúng cậy là người nhà nước nên ăn bẩn, ăn tạp có khác gì cá vồ, thế mà vẫn được khen ầm ầm ra đấy. Công an nhân dân đấy. Ngay cái chuyện em làm giấy chứng nhận da cam, nói thật với bác là em phải lo hết hai lượng vàng. Chúng nó thế, bọn mình là dân cùng đinh, vì cái ăn có làm trái khuấy tí cũng không ai trách đâu.

-Cái bơm điện nhìn còn mới không?

-Còn ngon. Thằng này trước chuyên bơm xe vá ép, cùng khổ như em. Vợ nó buôn hoa quả, đánh hàng từ Vĩnh Long lên Sài Gòn, giờ vốn liếng khá rồi nên nó không sửa xe nữa mà theo phụ vợ. Nó bán rẻ cho em, em nhận phần cho bác. Tiền bạc em cho mượn, bao giờ có thì trả, gấp gì đâu.

-Hồi xưa chú có khác gì anh, vậy mà giờ khá thiệt…

-Bác nhắc em lại nhớ. Bố tổ cái thằng da cam, mẹ nó… Nhờ nó mà em lên đời. Ngày xưa mình đánh Mỹ, sau chiến tranh làm mửa mật chả đủ ăn. Thế rồi đùng một cái bọn Mỹ bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam. Mẹ, chúng nó lắm tiền toàn làm chuyện bao đồng chứ mình đi bộ đội tí thì toi mạng mà hòa bình có ai cho xu mẻ nào đâu. Bố tổ nó bọn Mỹ. Em là em cám ơn chúng nó, nhờ chúng nó rải chất độc da cam mà em khá.

-Mà chú lại được đến hai suất.

-Thì thế mới nói. Hai lượng vàng không bớt một phân nhá bác nhá. Thôi, em về tối còn đi đám giỗ bên phường Sáu. Mai em ghé bác.

Hắn là thế. Ồn ào, mồm miệng nhanh nhẹn rõ ràng chẳng cầu kỳ úp mở. Bồn bố tổ giờ lưng vốn cũng kha khá. Xưa hắn làm nghề cửu vạn, vác thuê ở chợ. Hắn nghèo, nghèo tới mức phải dựng chòi để ở bãi ngay sát chỗ xử bắn, nơi chẳng ai dám tới đuổi hắn.

Có lần hắn ăn trộm gà vịt ở chợ đầu mối, bị trật tự bắt giải đến công an. Hắn khóc rống lên như bò, năn nỉ đến hết hơi. Rồi người ta cũng thả hắn ra sau khi nện đến mỏi tay. Ối dào, đánh hắn thì cũng khác gì đập đất. Sáng hôm sau đã thấy hắn cười nhăn nhở ở chợ.

Sau này tích cóp chút đỉnh, hắn tậu một chiếc xe vua (loại xe lôi là xe đạp tự chế từ thời chống Pháp), từ đó hắn đỡ ăn cắp hơn. Được cái hắn tốt bụng, ai nhờ vả gì là giúp nhiệt tình nên chẳng ai ghét được.

Thế rồi cách đây chừng bảy, tám năm, Việt Nam và Mỹ ký kết gì đó về bồi thường nạn nhân chiến tranh. Hắn làm đơn, rồi được xét hai suất. Hai đứa con hắn đều là con trai, bị ngẩn ngơ, câm điếc từ bé. Nghe kể, hắn đã có con từ trước khi đi bộ đội, đẻ con bất thường là do di truyền gì đó từ dòng họ nhà hắn thì phải. Vì vậy giấy tờ khai sinh cho con của hắn được “tư vấn” phải khai lại là đẻ sau khi hắn giải ngũ về quê. Thêm vào đó là giấy chứng nhận hắn bị tiểu đường loại hai.

Thời buổi này, những thứ ghê gớm còn làm giả được huống hồ mấy cái giấy chứng nhận cỏn con này thì khó gì. Hắn vay mượn, chay đôn chạy đáo để có được hai cây vàng cho việc bôi trơn. Rồi hắn được trợ cấp một khoản tiền, trả nợ xong lại còn dư làm vốn. Ngoài ra, hắn còn được nhận tiền hỗ trợ hàng tháng cao hơn lương của một người làm công.

Cuộc sống ổn định dần. Vợ hắn mở cửa hàng tạp hóa ngay trên chỗ đất xử bắn đó. Khu đất đó giờ đông vui ra phết, chẳng ai đem tử tội tới đó mà xử bắn nữa. Nhà hắn còn nhận được giấy chủ quyền. Mỗi năm cán bộ phường ghé thăm gia đình hắn vài lần để đưa tin, quay phim chụp ảnh…

Từ ngày có cái ông “da cam” xông vào, nhà hắn khá khẩm hẳn lên. Bởi vậy nên hắn chửi “bố tổ cái thằng da cam” với một giọng điệu thật vui vẻ sảng khoái, như là một cách cảm ơn…

***

Ba năm trước, hắn cưới vợ cho một trong hai thằng da cam. Con bé quê ngoài Thanh Hóa, nhà nghèo, nợ nần như tổ đỉa. Hắn về quê thăm họ hàng làng mạc, thấy bố mẹ con nhỏ ấy nghèo, bèn cho mượn ít tiền. Họ mang ơn hắn, cứ nhất định đòi làm thông gia. Cái ước mơ có dâu có rể với người khác thì giản dị thế nhưng hắn chỉ dám thèm, thèm đến rỏ dãi.

Hắn cũng chẳng giấu họ chuyện con hắn là “thằng da cam”. Có lẽ vì nghèo, lại thấy hắn tốt nên họ đồng ý cứ gả con. Đám cưới diễn ra đơn giản, chẳng có chú rể. Cô gái theo vợ chồng hắn vào nam chủ yếu là để chăm sóc, tắm rửa cho “thằng da cam”. Đùng một cái, tháng vừa rồi, hắn có cháu nội. Thế mới lạ.

-Bố tổ nó chứ. Bác Hai ơi, em tới đây.

-Sớm thế, mới chín giờ. Chú chờ anh tí, đang dở tay.

-Đi sớm về sớm bác ạ. Hôm nay đầy tháng cháu nội em. Hì hì. Em làm mâm cơm cúng ông bà, chẳng mời ai chỉ mời bác với bác ông Tám Dốc thôi. Mời nhiều người rách việc. Cháu đích tôn đấy. Mẹ bố cái thằng da cam!

Bồn bố tổ cười mãn nguyện.

-Phải cháu nội không hay nhận vơ đấy? Lại quà quạ nuôi tu hú thôi.

Nghe đến đó, hắn bỗng chùng mặt xuống.

-Thì nó là con dâu em, ở trong nhà em. Con của nó không phải là cháu nội của em thì ai dám vào đây mà nhận vơ? Lơ mơ là em chém chết.

-Ừ, cứ cá vào ao ta là của ta…

-Bác bảo, em làm gì bây giờ. Con em nó có phải là người đâu. Làm gì mà mong có cháu. Con bé dâu em đấy, nhà nghèo quá nên người ta mới đồng ý lấy con mình. Nhưng chẳng lẽ cứ để nó sống như thế… Vợ chồng em vẫn bảo nó đi tìm lấy đứa con mà nuôi. Mình phải thương nó bác ạ. Thiên hạ độc mồm độc miệng nói gì em cũng mặc kệ. Bố tổ chúng nó. Chúng nó có bao giờ khổ đâu mà hiểu được nỗi khổ của người khác.

Ai bảo Bồn bố tổ dữ dằn, ai bảo hắn chỉ biết ăn trộm? Bây giờ nhìn hắn hiền đến lạ, tốt bụng đến lạ. Đúng rồi, những ai chưa bao giờ biết thèm khát một đứa con bình thường như hắn sẽ thấy hắn dở hơi….

***

Hôm nay ông Hai Chè đóng cửa quán để đến nhà Bồn bố tổ. Nghe bà Lãm đi ngang qua ngõ bảo “Thằng da cam lớn nhà ông Bồn chết rồi, vừa chết sáng nay. Nghe bảo nó bị động kinh, lên cơn co giật đập đầu vào cạnh cửa chết lúc nào chẳng ai biết. Khi phát hiện thì người đã cứng ra rồi”.

Âu cũng là một kiếp người… Mà như thế có được gọi là kiếp người không nhỉ?

“Bồn bố tổ” ngồi thu lu trong giường, mắt nhạt nhòa, hai tay cứ nắn bóp cái thân thể còng queo của thằng da cam. Hắn khóc, nhìn đến là thương.

Từ khi có mặt trên cõi đời này, đứa con chưa nói được với bố tiếng nào. Thằng da cam rồi cũng sẽ có người để tang: vợ nó và đứa con trai bụ bẫm mặt mũi sáng sủa. Thế cũng là mãn nguyện rồi. Sau này thằng bé sẽ thờ con của hắn, sẽ có ngày mùng tám tháng bảy là ngày giỗ.

Một ngày u buồn trôi qua chậm chạp.

***

Phải công nhận Bồn bố tổ chưa hề ác với ai bao giờ. Ngay cả đứa con dâu “lạ lòng” kia, hắn cũng đối xử rất tử tế. “Thấy ai hợp tính hợp nết thì con cứ theo người ta. Rau có lứa, gái có thì. Chỉ có điều nếu đi lấy chồng thì để thằng cu lại cho bố mẹ nuôi, con cũng đỡ vướng chân…”.

Rồi hắn đưa tay xoa xoa đầu thằng cháu nội.

-Mẹ bố nhà mày. Mày ở đâu mà lại vào nhà ông, ông ghét mày lắm…

Hắn bế thốc thằng bé, hôn chùn chụt vào mặt vào người khiến nó cười ngặt nghẽo…

-Mày ở đâu mà lại chui vào nhà ông hả cái thằng này? Mẹ bố nhà mày. Bố tổ cái thằng da cam nhà mày…

Cà Mau 22/12/2012