Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Đà Linh, trên những ngả đường phương Nam

(Gởi các anh chị nhân ngày giỗ đầu của nhà văn Đà Linh 30/9/2013 – 30/9/2014)

Nguyễn Đức Tùng

Nhà văn Đà Linh

Cuối mùa hè, mặt biển Địa Trung Hải có vẻ đẹp hoang mang của sương mù. Tôi tới đây lúc mọi người đang đọc lại Albert Camus vào dịp một trăm năm sinh của ông (1913-2013). Hôm nay mẹ đã mất. Hay có thể là hôm qua.Tiếng thì thầm maman est morte, maman est morte của sóng biển đêm.

Tôi có những người bạn chưa bao giờ gặp. Tức là sẽ gặp. Quen nhau mười năm trên thư từ, mới gặp lần đầu. Đà Linh trong số đó, quả nhiên tôi chưa hề gặp anh cho tới khi đến trước Địa Trung Hải, cuối mùa nghỉ hè của du khách, dần im vắng, và nhận tin anh qua đời, không phải bằng thư từ, điện thoại. Trong cuộc lữ phương Nam, lang thang vùng quê, tôi chẳng có phương tiện nào liên lạc với quê nhà, trừ những lần ghé ngắn quán trọ dọc đường. Tôi nhận tin từ giấc mơ.

Tôi thấy một người đàn ông nửa lạ nửa quen bay lên giữa hai hàng nến thắp sáng, lơ lửng như đám mây. Tôi từng ngắm khuôn mặt thật kỹ trong một bức ảnh hiếm hoi mà anh gửi tặng tôi. Khuôn mặt gầy, ngay cả khi chưa nhuốm bệnh, thời anh còn làm ở nhà xuất bản Lao Động. Trong những ngày anh chạy đôn chạy đáo để xin giấy phép cho cuốn sách Thơ đến từ đâu. Các nhà văn Trần Thị Trường, Nguyễn Thụy Kha, Khánh Phương, Phạm Xuân Nguyên, Đặng Thân thường nói về anh bằng những lời nồng nhiệt. Những ngày xuất bản cuốn sách thật cơ cực, sức ép lên anh từ mọi phía, anh cắn răng cắt chỗ này vài dòng viết thêm chỗ kia vài chữ, tôi biết anh thức suốt đêm, vội vội vàng vàng, cốt để kịp thời gian xin được giấy phép.

Nhẫn nhục. Dư luận khen chê đủ điều. Khuyết điểm làm sao tránh hết? Trong điều kiện làm việc ngặt nghèo như vậy. Những lời phê bình đối với việc biên tập và xuất bản, tôi chuyển cho anh, anh đều đọc kỹ. Chưa hề thấy anh bày tỏ vui mừng hay bực tức, bao giờ cũng là nụ cười tưởng tượng bao dung qua điện thoại. Nếu nền văn học nước nhà có những người như Đà Linh, những người đỡ đầu tài giỏi, chân thành, giàu lòng hy sinh, nó sẽ tiến rất xa. Anh lao đao nhiều với tác phẩm của Trần Dần, Tô Hoài trước đó. Anh giới thiệu tôi phỏng vấn Tô Hoài. Đó là cuộc phỏng vấn dài, hai lần, nhiều giờ. Anh chuẩn bị kỹ: gởi cho tôi hầu hết tác phẩm tiêu biểu của nhà văn, gọi điện thọai hai ba lần giới thiệu. Tôi hỏi nhà văn Tô Hoài: nếu cần chọn một tác phẩm để đời, ông sẽ chọn tác phẩm nào. Câu trả lời đến ngay lập tức: Ba người khác. Tôi hỏi tiếp, thế còn tác phẩm thứ hai, ông im lặng thật lâu. Tôi nhắc, thế còn Dế mèn phiêu lưu ký của bác? Nhà văn cười, thế mà tôi suýt quên nó mất. Thực ra tác phẩm ấy tôi cũng viết dựa trên lối tiểu tuyết phiêu lưu của Pháp ngày ấy. Thì ra ông không coi trọng Dế mèn như tôi nghĩ. Hình như những gì trước năm 1945 ông đều có chút lãng quên. Phân tâm học gọi là sự mất trí nhớ có chọn lọc. Đó là sự lãng quên không cố ý, sự chuyển đổi những ý tưởng và xung động không thể chấp nhận được hay lý giải được một cách hoàn hảo vào cõi vô thức, ở đó chúng an toàn không được nhớ lại khi người ta cố ý để nhớ, và chỉ xuất hiện trở lại trên bề mặt của ý thức bởi những cơ chế tâm trí khác. Mà cũng phải, không hoàn toàn ngẫu nhiên mà những nhà văn như Tô Hoài từ bỏ Dế mèn phiêu lưu ký, Chế Lan Viên từ bỏ Điêu tàn, Hoài Thanh từ bỏ Thi nhân Việt Nam. Đó không chỉ là mệnh lệnh từ cấp trên, vào lúc ấy chúng cắm rễ sâu hơn nhiều trong trái tim. Hay phần tan rữa. Đà Linh không ngừng thúc giục tôi viết, chính anh là người gợi ý cho tôi cái project dài hơi: tác phẩm ưa thích nhất của các nhà văn Việt Nam, và khi tôi đề nghị môt danh sách phỏng vấn thì anh liền bổ sung nhiều người khác và cung cấp các địa chỉ liên lạc, đề nghị thêm các dịch giả. Công trình ấy dừng lại ở một cuộc nghiên cứu bỏ túi sơ khởi, vì nhiều lý do, trong đó có bệnh tình bất ngờ của anh. Tôi vẫn còn giữ những tài liệu và lời khuyên quý giá, trùng với giai đoạn anh làm tờ Nắng Mới.

Mỗi người viết văn đều bắt buộc phải có nhà biên tập của mình. Một nền văn học tiến bộ luôn có những nhà biên tập đầy tư cách. Như Thạch Lam, Khái Hưng, Albert Camus, Trần Phong Giao, Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng, Robert Penn Warren, Gary Geddes, vân vân. Đà Linh là một người như vậy. Anh cũng gởi cho tôi những tác phẩm của mình mà anh cho là xứng đáng nhất, trong đó có Nàng Kim Chi sáu ngón. Anh than thở: công việc bận rộn, tôi không viết được nhiều. Thì kẻ sáng tạo nào mà không ao ước có thời gian để sáng tạo, và rồi rơi vào cõi trống rỗng ở chân sóng của hưng cảm, với chứng buồn rầu gần như tuyệt vọng vào những lúc khác. Có lúc nào anh đã buồn rầu hay tuyệt vọng? Tôi biết có, trong một lần. Sau này nghĩ lại tôi đoán rằng đó là lúc anh vừa biết được căn bệnh của mình. Thức giấc từ một cơn mơ trong khách điếm, gần thành phố St. Paul de Vence, trong giấc mơ ấy tôi thấy một người đàn ông bay lên, thức dậy viết một mạch bài thơ Những Ngọn Nến:

Cẩn thận với những ngọn nến
Chúng còn cháy rất khuya
Khi mọi người đã về
Để anh nằm lại một mình

Bây giờ anh muốn tắt đi
Ngủ một lát, nhưng chúng vẫn cháy
Không còn với tay lên được nữa
Từ chỗ nằm

Như thói quen đọc sách ngày xưa
Trang sách mở suốt đêm hè
Khi đèn đã tắt
Từ trên bàn kia hắt sáng ngời ngời giấc mơ của anh 

Đà Linh: những trang sách mở ra như mặt biển, những dòng chữ chạy dài như những con đường phương Nam tự do của nước Pháp, nơi anh đã từng đến, của nền văn hóa rực rỡ mà anh đã tiếp cận dù muộn màng, nhưng hết sức đầy đủ, giàu có, bàng hoàng, tự tin, như thể nền văn hóa ấy, nền văn minh ấy, nền văn học ấy, chưa bao giờ dứt tuyệt trong tâm khảm người Việt chúng ta, đúng ra chỉ một nửa người Việt chúng ta, kể từ mùa Thu năm 1945, từ đó khởi đi con đường binh đao chia cắt của dân tộc. Những người như anh, khi trở lại với nước Pháp đã mang nước Pháp trở lại với dân tộc mình. Tôi biết anh đọc Camus và Hemingway rất nhiều, có lẽ vì tâm hồn anh cũng bát ngát và bi thiết như những nhà văn kia. Năm 2013 khi tôi ở đó, người ta chuẩn bị tổ chức kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của tác giả Người xa lạ. Tôi nhớ thời tuổi nhỏ đọc bản dịch L’ Été của Bùi Giáng, lai rai vài khúc mở đầu: Địa Trung Hải có cơn bi thiết của ánh dương, không phải chất bi thảm sa mù. Vài chiều hôm, trên mặt biển dưới chân núi, màn đêm phủ xuống vòng cung tuyệt hảo của vịnh con, và từ con nước im lìm kia dâng lên một niềm sung mãn hoang mang. Khi tôi đứng đọc thầm những câu văn ấy, đọc đi đọc lại nhiều lần, một trưa vàng chạy vào nhà sách Ưng Hạ gần cầu Tràng Tiền để tránh cái nóng như thiêu như đốt của Huế, cuối mùa hè đầu mùa thu năm Mậu Thân lửa đạn, thì Đà Linh ở đâu? Có lần tôi hỏi trên điện thoại, anh cười không trả lời. Nhưng hiểu.

Thế rồi cơn mơ kia đến, và khi thức dậy tôi vẫn không nhớ ra mình đang ở đâu, làm gì. Rồi những người cắm trại trong đoàn dẫn tôi đi suốt buổi chiều cho đến khi tôi thấy mình đứng trước một bức tranh rộng lớn, ở ngã ba đường, để chụp một bức ảnh kỉ niệm giữa những người bạn, và khi quay lại nhìn thấy trong tranh những người, mái tóc, những đồ vật, bàn ghế bay lên như thiên thần. Tôi nhận ra đó là tranh của Chagall, nhận ra chính là giấc mơ của tôi ngày hôm trước, khi thức dậy viết một mạch bài thơ gởi anh, nhưng lại chưa bao giờ gởi. Tôi quyết định rời khỏi đoàn, leo lên đỉnh đồi của Vence, đứng một mình khi ánh tà dương hắt trên những ngôi mộ quét vôi trắng toát. Trước mộ của Chagall. Đề tên: Marc Chagall (1887-1985), Vava Chagall (1905-1993). Vava là tên thân mật Chagall thường gọi vợ mình, ngôi mộ của ông bà chôn chung, bên cạnh đứa con trai riêng của Vava, chàng Michel Brodsky.

Đà Linh, chúng ta chưa bao giờ gặp nhau như đã hứa. Nhưng chúng ta đã gặp nhau đó thôi, trong giấc mộng đêm thu ở miền Nam nước Pháp. Sau này đối chiếu lại với lời kể của bạn bè ở Hà nội, tôi giật mình, hình như vào lúc ấy anh cũng vừa ra đi, từ biệt cõi nhân gian mà anh yêu dấu, như một người đàn ông chạy đôn chạy đáo, tất bật, không ngớt mỉm cười đưa ra lời xin lỗi và tha thứ, miễn làm sao hoàn tất công việc của mình, một thứ công việc khiêm tốn nhưng lớn lao, có phần bí ẩn, và đẹp đến não lòng.