Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Miền Hoang Tưởng (kỳ 10) – Tiểu thuyết của Đào Nguyễn

XII

Vào đến nhà Hưng đã thấy ngay cái không khí ắng lặng. Chị Hưng đã hết sốt, nhưng sinh ra chứng lẩn thẩn. Gặp tôi chị bắt ngay vào câu chuyện chiếc quần simili pha ni lông:

     – Thằng Hùng nhà tôi cả đời chưa được mặc một cái quần đẹp, toàn mặc quần áo cũ của bố và chú chữa lại. Học xong lớp mười nó chỉ ao ước may một chiếc quần simili để vào đại học. Một anh sinh viên rách rưới chắc cũng ngượng với lũ bạn gái. Khi may xong chiếc quần, nó chưa mặc lần nào thì đã lên đường nhập ngũ. Tôi bảo: “Con cứ mang vào bộ đội mà mặc”. Nó nói bộ đội phải lăn lộn, dầu dãi nắng mưa, mặc quần đẹp phí đi. Nó muốn nhường chiếc quần ở nhà cho bố. Nhưng bố nó cũng không dám mặc. Cuối cùng, chiếc quần mấy năm nay cứ mới tinh trong hòm.

Anh Hưng dẫn tôi ra bàn khách, rồi nói run run:

      -  Cái quần ấy sẽ mãi mới nguyên. Tôi sẽ không bao giờ mặc.

      Anh rót chén nước chè rồi nhô người đến sát tôi thì thầm:

      -  Mấy hôm vừa rồi, túng bấn quá, tôi định vác cái quần đi bán. Bà vợ tôi biết, nổi cơn điên, mắng mỏ tôi và khóc lóc. Bà ấy muốn giữ cái kỷ niệm cuối cùng của đứa con. Nhưng anh nghĩ, giữ làm gì. Trông thấy chỉ thêm đau lòng.

       Bỗng tôi trông thấy những bảng sơ đồ vẽ lằng nhằng đặt trên bàn, tôi cầm lên hỏi:

      – Anh định vẽ sơ đồ gì?

      -  À, có lẽ cái không gian nhà tôi đang ở… nó bất lợi. Anh có biết không: Người với nhà là một. Tôi nghĩ… trông căn nhà ấm cúng… thì biết gia đình đang thịnh. Ngược lại, người ốm thì căn nhà cũng ủ rũ theo. Có lẽ không gian nhà tôi là dữ… đất dữ mà!.. Phải thay đổi không gian anh ạ.

      – Thay nhà? Tôi tròn mắt ngạc nhiên – Tiền ăn chẳng đủ anh còn tính thay nhà.

Hưng bỗng sôi nổi, cái sôi nổi gân gân mà đáng yêu:

      -  Phải thay chứ! Phải chuyển động chứ! Có thay đổi mình mới thấy mình tồn tại. Thay đổi là thêm sức sống. Như gia đình tôi bây giờ chẳng hạn, nếu đổi được nhà nhất định sẽ có lợi cho sức khỏe vợ tôi. Cái mới mẻ sẽ làm  cho vợ tôi bớt u ám. Cái mới mẻ sẽ xóa đi những kỷ niệm cũ đau buồn.

Anh bạn mắc bệnh di chuyển của tôi có lẽ nói đúng. Tôi để ý, ngắm kỹ lại căn nhà của anh. Đó là một ngôi nhà mà vật liệu là tổng hợp nhiều thứ. Cột là mấy cây gỗ hoành bè, mấy cây bương, cả mấy thanh sắt cóc nhe. Chất lợp là mấy vỏ thùng nhựa đường, một mảng lá gồi, hơn chục tấm phi brô xi măng. Vách là đất nhai rơm vắt nhúng, vài chỗ hở bịt lại bằng phên nứa, có chỗ vá víu bằng những mảnh cao su ô tô. Tóm nói lại, một cái nhà chắp vá, một tổ ấm chắp vá. Nói theo kiểu xưa: đó là những trái tim vàng ẩn trong mái nhà rách, đói nghèo vẫn cố giữ nhân nghĩa.

Hưng rít điếu thuốc lào, nhả khói lên nóc nhà, rồi nhận xét một cách chua chát:

      – Tôi lo lắng quá Tư ạ. Đừng tưởng người nghèo sẽ giữ mãi được cái nhân nghĩa suốt đời mình đâu. Tôi lắm lúc đã cảm thấy mình là thằng bất nhân. Có bận tôi đã đánh thằng út, đánh thâm tím thằng bé, chỉ vì nó đi ăn xin miếng bánh xốp của thằng em họ nó. Rồi hôm qua, gần đây thôi, trong khi vợ tôi ốm như thế, mà tôi dám bỏ ra đồng bạc để ngồi đầu phố uống hai chén rượu và hào lạc…

Tôi chợt nhận thấy những ý nghĩ lẩm cẩm của bạn tôi từ bấy lâu nay cùng những cái lý của nó. Di chuyển ư? Thay đổi không gian ư? Thời gian ư? Có nằm trong ngôi nhà rách của Hưng mới thấy nó là nhu cầu đúng. Ôi chao! Cái nhà đồng nát! Thực ra cũng đáng ghét nó và cũng yêu nó. Người nghèo nằm trong căn nhà bẹp, rách, ăn miếng cơm hẩm, hưởng những cơn mưa dầm và dột nát đến nền nhà nhão nhoét. Rồi vợ chồng, con cái cấu xé nhau vì hít phải cái không khí ô nhiễm, ngột ngạt, đến nỗi có lúc muốn hét lên, đập tan nó ra, tung hê nó đi. Nhưng cũng may, người nghèo nhờ nó nên mới có được những niềm kiêu hãnh, những nỗi đau thắt ruột và sự sống le lói những bình minh rất tinh khiết mới mẻ, mà những kẻ khác, những kẻ sung túc không khi nào được trải nghiệm…

Hưng như đọc ý nghĩ của tôi. Anh cười, nói khẽ khàng:

     -  Nỗi đau ư? Anh tưởng nhân loại dễ ai cũng được biết đến nó. Những kẻ trong nhung lụa nói đến nó chỉ là hão. Chỉ có những bậc đại từ bi, đại trí tuệ… Nhưng mà tôi đang mê hay tỉnh? Bảo rằng tôi muốn ở trong cái lều u ám này suốt đời hay sao? Bảo rằng vì những giá trị tinh thần mà tôi cần cam chịu hay sao? Hỏi có ai tin được những ý nghĩ đó là thành thật hay không? Khốn khổ thay! Thực ra tôi nhiều lúc đã nghĩ như thế, thậm chí có lúc vênh vang vì nó. Nhưng thú thật, tôi cũng đã có những ý nghĩ ngược lại: nghĩa là đêm, ngày, năm, tháng, tôi chỉ dày vò băn khoăn muốn được phá nó đi, được dựng nó lại, muốn cho nó khang trang mát mẻ và tiện nghi hơn. Hừ! Đúng là cơn mê. Tiền mua thuốc cho vợ chưa có, mà lại tính đến chuyện phá nhà, dựng nhà.

Chợp mắt đêm ấy chỉ thấy con vượn ở chỗ Ngà hú đến chói tim. Ngà khóc theo vượn làm tôi thương hại. Tôi chạy ra, đứng trước gốc cây hoa ban, hỏi con vượn:

     -  Sao ngươi cứ kêu la mãi? Sự hận thù làm thân thể ngươi rạc rày. Ta thấy đôi mắt ngươi lồi ra khiếp hãi. Và giọng nói ngươi là giọng của hồn ma.

     – Tôi muốn giết kẻ thù của tôi, nhưng tôi không biết cầm súng. Tôi chỉ có tiếng hú.

     -  Tiếng hú giết người sao nổi?

     -  Dù không giết nổi Mai, tôi cũng sẽ cứ hú mãi, hú mãi cho đến khi tiếng hú của tôi biến thành gió, ám vào trong gió. Tôi sẽ chết, tôi yếu lắm rồi, nhưng lúc đó gió sẽ thay tôi hú gọi.

     -  Tiếng hú của ngươi không giết nổi Mai, nhưng sẽ giết chết Ngà. Càng ngày cô ấy càng héo hon hơn…

     -  Anh thương cô ta sao?

     -  Đúng!

     -  Thương làm gì người đàn bà phản bội.

     -  Ta thương Ngà, cả khi cô ta phản bội.

     -  Anh là kẻ yếu đuối, không  làm được việc lớn. Sự tàn nhẫn sẽ nghiền nát anh thành tro bụi.

    -  Ai nghiền nát ta?

     -  Cả Mai! Cả Ngà! Đúng là cả Ngà nữa. Những con người mạnh mẽ ấy sẽ đạp anh dưới chân, để tìm đến hạnh phúc.

    – Lại thế nữa? Ta không tin, nhưng như thế ta cũng cam chịu. Ta cam chịu vì ta không thể cầm súng giết một người như Ngà.

   -  Ô hô! Loài người các anhngu ngốc hơn loài vật chúng ta. Loài vật chỉ có khái niệm luật rừng. Còn các anh lại thêm khái niệm tình thương. Đó là điều sáng tạo đẹp đẽ, đồng thời cũng là mồ chôn các anh.

Sáng hôm sau, Hưng tiễn tôi ra cừa một cách suông. Suông là vì anh không mời tôi ăn lấy một bát cơm rang. Bao giờ Hưng cũng thích mời bạn. Được mời bạn ăn như là niềm hạnh phúc của anh. Mời bạn hình như là tính cách chân thành biến thành thói quen của anh. Tôi biết rõ con anh đang rang cơm dưới bếp, nhưng anh không dám mời tôi, có lẽ vì anh biết số cơm nguội rang ít, chỉ đủ cho con anh ăn. Còn anh, anh cũng biết thừa là chiều hôm qua tôi chẳng ăn gì, nhưng anh không thể mời bạn được. Mặt anh rầu rĩ, Hưng buồn ra mặt. Tôi hiểu rõ tim anh. Bạn của tôi ơi! Có lẽ bạn tưởng rằng tôi chê bạn keo kiệt hay sao? Có lẽ bạn xấu hổ vì tình bạn của mình đã bị hạn chế đi vì sự thiếu thốn chăng? Còn tôi, tôi cũng ngượng ngùng. Tôi ngượng, vì đến nhà bạn không phải để ăn xin. Tôi ngượng vì khi bốn con mắt chúng ta gặp nhau, hình như cả hai người đều hiểu thấu những ý nghĩ ẩn trong nhau. Vừa ngượng lại vừa thương.

Sự thôi thúc phải kiếm ra tiền bằng được, sau phút tâm sự ấy, đối với tôi lại càng day dứt. Ngọ đã hẹn gặp tôi sáng nay ở quán bia.

Tôi lại đến quán bia Cổ Tân. Ngọ đã chờ tôi ở đấy từ lâu.

Hôm nay Ngọ ít nói. Nhà văn già Hoàng Liên Sơn đầu bù xù, cúi đầu đáp chào Ngọ rất lễ phép mà xa vời. Ông dúi vào tay Ngọ đồng bạc nhờ lấy hộ bia. Ngọ lặng lẽ lẩn vào cái đám người xếp hàng rồng rắn và xô bồ. Đám người bíu lấy lưng nhau xô tới, xô lui, ngả ngả nghiêng nghiêng. Ngọ bỗng biến mất trong cái đám sâu bia hỗn độn ấy. Tiếng la hét, tiếng mắng mỏ, tiếng mời chào, tiếng bực bội… Không khí hỗn độn làm đầu óc người ta choáng lên, nhìn mọi thứ như mờ đi. Một lát sau, một khoảng thời gian rất ngắn, bỗng thấy Ngọ xuất hiện ở đầu dòng người, sau lưng anh là một người hộ pháp, mặt đỏ gay. Ngọ và người lạ đó nói chuyện với nhau rất hể hả.

Lúc Ngọ bưng bia ra, nhà văn Hoàng Liên Sơn hỏi:

      -  Anh cũng quen người hộ pháp đó.

      -  Vâng. Một hảo hán miền Nam đã có khi uống năm mươi vại bia suốt ngày. Ông ta hiền lành nhưng đã giết vài chục thằng Tây. Khi ông xuất hiện ở quán bia người nào cũng sẵn lòng cho ông xếp hàng đầu.

Nhà văn Hoàng Liên Sơn nhận xét:

     -  Thế ra võ là nhất, văn là bét. Thì ra bây giờ đi uống bia, cũng phải có sức mạnh mới uống nổi.

Người xung quanh cười xòa. Nhà văn già nghĩ thêm một chút rồi nói tiếp:

     -  Có sức mạnh và có cánh. Có bè cánh, sức mạnh một sẽ tăng lên mười.

Nhà văn già cười cái cười bí hiểm. Cái cười ngạo mạn bề trên, hay cái cười của kẻ yếu? Chẳng hiểu nổi. Ngọ vẫn nhún nhường. Anh cúi đầu khiêm tốn và kính cẩn trước nhà văn già. Lúc Hoàng Liên Sơn đi khỏi, Ngọ nói với tôi:

     -  Ông ta là hình bóng cuối cùng của vẻ đẹp xưa. Cụ Hoàng vẫn giữ được khí tiết của con gà chọi về già. Dù sao cũng quí. Ta cũng nên tôn trọng cái tính cách vênh vang đáng yêu của cụ. Mà cụ nói đúng không? Đúng quá chứ! Miếng cơm ta ăn, đồng tiền ta kiếm, nghĩ cho cùng lúc nào chả phải giành giật vật lộn mới có. Thế kỷ chúng ta đang sống là thế kỷ vật lộn gay gắt nhất, giành giật tàn nhẫn nhất. Chẳng cần gì phải che giấu sự thật đó, anh phải đồng ý với tôi về điểm này, vì công việc chúng ta sắp làm để có tiền đây cũng là một sự tàn nhẫn, chỉ có cái khác là nó trong sạch.

     -  Lại có cả sự tàn nhẫn trong sạch?

     -  Vâng!  Nó trong sạch bởi vì chúng ta đi bán máu. Máu đổ ra để có tiền. Một sự đổ máu tự nguyện.

     Bán máu?  Tôi lẩm bẩm, vì điều này tôi chưa hề nghĩ đến bao giờ.

Đơn giản thôi. Coi như một vết xước, một vết thương cực nhẹ, nói hoa mỹ đó là vết thương khéo léo. Rút ra hai trăm phân khối… hoặc ba trăm… hoặc bốn trăm… một lần. Một lượng máu vô nghĩa so với ba lít máu trong ta. Một chút lâng lâng nữa chứ. Một chút bải hoải mệt mỏi sau đó nữa chứ. Thật vô nghĩa Tư ạ.

      Tôi gật đầu lửng lơ, vì chẳng biết bàn cãi thế nào.

     -  Cậu sợ ư?  Ngọ nhìn vào mắt tôi. -  Mình đã bán máu liên tục mấy năm nay để sống. Gần như bán hàng tháng. Cậu xem mình có sao đâu?

Ngọ vẫn chằm chằm nhìn vào mắt tôi để thăm dò phản ứng, và có thể để đánh tan nốt những e ngại cuối cùng trong tôi:

     -  Mình tự ăn thịt mình dù sao cũng thích hơn để kẻ khác ăn thịt mình. Dù sao cũng hơn chết đói. Mà chết đói nghĩa là thế nào?  Nghĩa là nằm xuống để cho lũ dòi bọ nhâu nhâu đến xâu xé ta. Cậu sợ phải không? Cậu hãy tưởng tượng một mũi kim đau nhói vào tay mình, sau đó thấy nhiệt độ trong người như nóng lên thêm một chút, một cảm giác bàng hoàng len vào cơ thể. Và thế là xong. Tôi nghĩ rằng nghề bán máu cũng bình thường như trăm ngàn nghề khác.

Ngọ ngừng lại, châm thuốc lá hút, rồi uống ngụm bia, lơ đãng một phút như để sắp xếp những lời dùng để thuyết phục tôi:

     -  Một ông bạn triết gia, hay nói cho đúng, một nhà nghiên cứu ở viện Triết, đã dùng đến phép biện chứng của Hê-ghen để đả phá tôi về chuyện này: “Cậu bảo là bình thường? Mình tin chắc rằng thế nào cũng có tác hại. Vì rằng mọi sự vật đều có hai mặt. Cậu nên nhớ cái hại ở đây là lâu dài. Có thể cậu sẽ chết sớm đi vì bán máu”. Ôi chao! Cần gì sự thâm thúy. Ai còn lạ gì cái hại. Chẳng cần đến phép biện chứng cũng biết là nó có hại. Ta thử giả định rằng, mỗi lần bán máu ta sẽ chết non đi một năm. Tôi cũng cóc cần. Ví dụ một năm tôi bán máu đến bốn lần, tôi bán năm năm, tôi sẽ mất đi hai mươi năm sống. Nhưng năm năm ấy, tôi chắc chắn vẫn còn sống. Máu chẳng qua là phương tiện sống. Nếu ta rút bớt máu, rút bớt cuộc sống của ta đi ít năm, và dùng chút máu đó, ít năm đó để làm phương tiện giúp ta qua khỏi sự khốn cùng, hoặc giúp ta làm một điều gì đó có ích, thiển nghĩ thì cũng là một điều gì có lý chứ sao.

Tôi im lặng, gật đầu. Tôi đồng tình với Ngọ. Vì đó là con đường duy nhất đúng của tôi vào lúc này.

Tôi, phó thường dân – Tôi, kẻ không biết chìa tay – Tôi, kẻ cô độc không người nương tựa (gạt bỏ anh chị Trần khỏi lĩnh vực người thân) – Tôi, một kẻ không công ăn việc làm – Tôi, một kẻ rớt mồng tơi. Vậy thì, còn ngần ngại gì? Anh hãy cắt anh ra thành từng miếng thịt nhỏ, để tự gặm nhấm mà sống. Anh cân nặng năm mươi ki lô gam. Năm mươi ki lô gam cả xương, cả thịt, cả lòng ruột mà đủ nhấm nháp, đủ sống trong vòng từ năm đến mười năm, thật cũng tài tình quá, thật cũng bõ bèn quá, thật cũng được giá quá. Cứ thử chặt anh ra làm năm mươi phần cả xương lẫn thịt, rồi đem chia ra cho năm mươi con lợn ăn, chắc gì chúng đã đủ no trong một ngày. Vậy đó là một biện pháp tối ưu. Rõ ràng tốt quá cho cái thân phận anh lúc này. Còn đắn đo gì nữa?

Tự giải quyết tư tưởng cho mình một cách sòng phẳng như thế, tôi chợt thấy bình tĩnh, nhẹ nhõm. Tôi cười, bắt tay Ngọ, và cảm ơn Ngọ.

Hai thằng chạm cốc, uống cạn hai vại bia. Nhà văn Hoàng Liên Sơn, từ gốc cây bỗng đến chỗ chúng tôi. Ông tươi cười chạm cốc cùng chúng tôi, rồi nói:

      -  Hoan nghênh hai anh bạn trẻ. Các anh thế hệ mới, đã cảm hiểu được sự giành giật vật lộn từ trong bào thai mẹ. Nếu tôi không lầm, các anh thuộc thế hệ sinh ra lúc cách mạng Tháng Tám chào đời. Các anh đón nhận sự tàn nhẫn không chút ngơ ngác. Còn tôi, tôi phải nghiền ngẫm bao lâu mới hiểu được nó. Tôi quằn quại đớn đau khi nhận ra nó… Các anh, thế hệ của đau đẻ… Thế hệ của tạo sinh..

Ông già quái dị! Ông già đáng yêu đó hình như linh cảm được những ý nghĩ của chúng tôi. Chúng tôi mời cụ uống thêm một vại bia mới.

Ngọ chuẩn bị cho tôi đi bán máu. Ngọ cẩn thận dặn dò như người mẹ dặn con đi xa:

-  Máu người không phải nước lã! Dù sao mình cũng phải biết quý giọt máu của mình. Tôi có cách làm cho máu anh loãng ra. Thậm chí tôi có thể làm cho máu anh loãng tối đa. Nghĩa là khi anh bán đi một trăm CC máu thực chất người ta chỉ lấy của anh đi hai phần ba số máu ấy. Điều này là một thủ pháp bí mật, tôi chỉ nói riêng cho anh biết.

Ngọ thì thào nói nhỏ vào tai tôi cái thủ thuật làm cho máu loãng ấy. Tôi trầm ngâm một lát:

    -  Tôi không làm thế, lương tâm tôi không cho phép.

    -  Lương tâm? – Ngọ thọc tay vào túi quần đi đi lại lại. – Anh thật cố chấp. Chúng ta cần sống. Dù máu của chúng ta bán ra có loãng đi chút ít, thiết tưởng cũng vẫn là có lương tâm, cũng vẫn là trong sạch

Tôi khăng khăng:

     -  Không nên làm loãng máu.

    -  Anh muốn trong sạch tuyệt đối? Anh thử nghĩ, thử soat xét lại xem, cả đời anh đã có lúc nào anh thực hiện được như thế? Và cả tương lai nữa? Tôi đoán  chắc rằng nguồn sống nhiều lúc sẽ xô đẩy anh xuống những vũng bùn hoặc chí ít cũng làm bẩn những vết bùn lên lương tâm trong trắng của anh.

Tôi im lặng không muốn cãi, không muốn làm sứt mẻ lòng tốt của một người bạn. Cuối cùng, Ngọ lại gần tôi, thông cảm:

- Thật điên rồ. Nhưng tôi quý sự điên rồ của anh. Những nghệ sĩ thường điên rồ hoặc điên trong thái cực trắng hoặc điên trong thái cực đen, nhớp nhúa. Song dù ở thái cực nào cũng đáng trách. Chúng ta yếu đuối quá. Hãy học tập nhũng nhà chính trị. Họ là những con người sắt thép, họ không bị lương tâm ràng buộc. Cái ràng buộc họ chính là mục đích.

Tôi bồn chồn đợi ngày trích máu. Chẳng làm ăn gì nổi nữa, một dòng chữ tôi cũng chẳng hề viết thêm. Bản thân Trương Chi vẫn phải nằm dang dở ở đoạn gần cuối. Chiếc piano của tôi vẫn để ở nhà anh Trần tôi vẫn phải tìm tứ nhạc trên chiếc ghi ta của Minh. Định làm việc nhưng cứ hễ cầm đàn  tôi lại nhìn thấy pho tượng đó, pho tượng như đang cười mỉa mai. Tôi bấm ngón tay vào đàn đánh rải một hợp âm, con sơn ca đội hào quang lập tức vỗ cánh hát vang:

Cảm ơn Thượng đế đã cho ta cuộc sống.

Cảm ơn người đã vạch lối ta đi

Cảm ơn Chúa Trời người là chân lý.

Thế nghĩa là gì? Tôi cố đánh trệch đi không cho phù hợp với giọng chim hót, nhưng tiếng đàn như bị ma ám, nó cứ biến hóa thành những âm thanh ẩn nhập với giọng lảnh lót của con chim quỷ quái. Tôi bực bội cáu kỉnh vứt cây ghi ta sang bên. Con chim ngọt ngào:

    – Cảm ơn! Anh đờn hay lắm. Sao chẳng tiếp tục đờn cho em hát?

    -  Thôi im đi! Đồ giả dối!

Con chim cười vang:

    -  Anh cáu à?… Định viết tiếp cái khúc Trương Chi là đạo chứ gì… Chẳng xong đâu… Đời nào Chúa cho anh đủ sự minh mẫn để làm việc quỷ dữ ấy.

Tôi bèn giấu pho tượng vào xó nhà, trùm tấm vải lên, để khỏi phải nhìn thấy Chúa nhưng điều ấy Minh không bằng lòng ; bởi vì đó là tác phẩm tài năng của anh. Tôi không muốn làm phật lòng chủ nhà nên đành ngừng sáng tác, vứt cây đàn vào góc nhà.

Nhưng thế mà cũng chẳng yên thân. Trong những ngày chờ đợi trích máu ấy, Chúa thường xuyên hiện về trong giấc ngủ tôi:

    -  Con định bán thể xác con đi sao? Tội nghiệp! Tại sao con lại đi theo nẻo ấy? Tại sao cứ cưỡng lại ý của Cha các con. Hãy theo lời khuyên của ta. Đừng cứng, hãy mềm. Hãy làm theo như mọi người. Sự khiêm nhường cam chịu: đó là cội nguồn hạnh phúc, đó là bằng an vĩnh hằng. Nếu con cứ cố ý cưỡng lại mãi linh hồn con sẽ sa hỏa ngục.

Bệnh khắc khoải của tôi vì thế mỗi ngày mỗi tăng. Tôi không hiểu nổi tôi nữa. Lo lắng triền miên. Ruột gan lúc nào cũng như lửa đốt. Chờ đợi! Tâm trạng chờ đợi lại đến với tôi. Lắm lúc lòng tôi như bị những xung đột tinh thần làm điên đảo. Cảm giác như đầu óc muốn vỡ ra. Nếu tôi tiếp tục tụ giam mình trong căn buồng của Minh, có thể tôi hóa điên.

Tôi trốn chạy suy nghĩ. Tôi bỏ nhà, ra đường. Tôi đi lang thang trong thành phố.

Chị Hưng đã hóa điên thực sự. Tôi đến bệnh viện tâm thần thăm chị. Chị ấy lại tiếp tục kể lể với tôi về chiếc quần simili của đứa con:

    -  Cả đời, cháu chỉ ước ao một chiếc quần simili…

Điệp khúc ấy da diết, làm tim tôi đau nhói. Sự cần thiết có tiền để đưa cho Hưng lại càng thôi thúc. Sự thực, tôi đã nợ Hưng. Anh ấy đã nuôi tôi ròng rã ba tháng. Vì vậy, không phải tôi cần tiền để giúp anh ấy mà bổn phận tôi là phải trả nợ anh, trong khi anh gặp khó khăn.

Sợ pho tượng không dám về nhà Minh ngủ, tôi lại ra ga. Bây giờ tôi đã là lính ngủ ga lõi đời rồi. Tôi đi tìm những góc ngủ đẹp nhất, nhưng đến đâu cũng thấy những con mắt thăm dò. Kìa! dôi mắt sâu thẳm hé ra từ chiếc chăn màu nâu tùm hum. Kìa! Một đôi mắt khác giả vờ lim dim của một người gối đầu trên cánh tay. Lại kìa! Đôi mắt đen của cô gái rất ngọt ngào nhưng thỉnh thoảng lại lộ ra vẻ soi mói. Những con mắt lạ đời! cứ thấy tôi là chúng chĩa nhìn như muốn thăm dò, đánh giá. Những con mắt tựa như nam châm đi tìm sắt. Tôi bực bội nói trong lòng, nói rằng con mắt lạc loài ngây thơ của tôi, nói rằng: “Tôi đây mà. Tôi là phó thường dân, kẻ không vòm. Tôi chẳng làm hại ai bao giờ. Tôi chẳng mê tiền bạc. Tôi chẳng là mầu đen của đêm, cũng chẳng phải là mầu đỏ của máu. Hỡi những đôi mắt ngờ vực kia! Nhìn tôi làm gì? Tìm tôi làm gì? Tôi thèm giấc ngủ. Hãy cho tôi một giấc ngủ yên. Tôi thèm yên tĩnh. Hãy cho tôi một đêm yên tĩnh.”

Những đôi mắt lạ lùng, ngờ vực ấy nghe lòng tôi nói, bỗng nhắm nghiền hàng mi lại. Tôi lặng lẽ cảm ơn, rồi tìm đến một góc tối, tôi đặt lưng xuống nền gạch lạnh, trùm chiếc chăn bộ đội lên đầu.

Tôi ngủ thật say. Ngủ lâu lắm, ngon lắm. Đang triền miên, bỗng như có cái gì đâm sói vào óc. Buốt nhói! Tôi tung chăn, bật dậy. Một đôi mắt chói lòa nhìn tôi. Tôi dụi mắt, cay sè, nhoi nhói. Sao đôi mắt cứ đăm đăm nhìn tôi? Tôi cáu kỉnh. Một tiếng nói quen thuộc vang lên:

       -  Cậu Tư! Cậu Tư!

Tôi lại dụi mắt. Dần dần một bóng người hiện ra rõ nét. Tôi ngạc nhiên:

      -  Anh Trần đấy à?

     -  Anh đây.

Chính ủy Trần lặng lẽ ngồi xuống bên tôi. Anh rút thuốc lá mời tôi hút.

     -  Mấy giờ đêm rồi? – Tôi hỏi.

    -  Hai giờ. Anh Trần nhìn đồng hồ và trả lời.

    -  Ai bảo mà anh biết tôi ở đây?

    -  Những người bạn quen.

   -  Bạn quen?

Tôi day lại và chợt mỉm cười. Tôi nghĩ tới những đôi mắt lạ. Chính họ, chỉ có họ mới biết. Tôi chăm chú nhìn vào mắt Trần và chợt nhận ra mắt anh rất giống mắt họ. Tôi lại cười thầm. Anh Trần thở một vòng khói rất tròn, nói bằng giọng rất trầm:

    -  Tôi tìm cậu suốt tối. Tôi đi rất nhiều nơi.

    -  Anh đến nhà bạn tôi?

Anh Trần gật đầu:

    -  Chẳng ai biết cậu ở đâu cả. Có một người bạn, anh họa sĩ bảo tìm cậu ở các bến tầu, bến xe. Tôi đi tìm cậu ở các bến xe. Thấy rất nhiều những chiếc khăn tùm hum, chẳng biết nên đánh thức ai đây. Khi đến đây, nhìn chiếc vỏ chăn bộ đội, tôi nhận ngay ra cậu.

    -  À, chiếc chăn dính máu. Máu của một đồng đội, tôi đã cứu anh ta ở Trường sơn. Hình như đã có lần tôi kể với anh chuyện đó?

    -  Đi! Ta về nhà thôi… Sắp sáng rồi.

Chúng tôi lặng lẽ đi về. Đêm Hà Nội tĩnh mịch quá. Chỉ thỉnh thoảng một chiếc xích lô chạy lạch xạch giữa đường nhựa, dười ánh điện vàng khè, và đột nhiên một tiếng còi tầu khàn khàn hú bâng quơ. Một đoàn bộ đội hàng một nối đuôi nhau, vai đeo ba lô nặng nhọc đi về phía nhà ga. Họ đi qua trước mắt chúng tôi. Hai anh em dừng lại, chúng tôi lặng im nhìn từng khuôn mặt rất trẻ giễu qua. Đoàn bộ đội rất dài, dài tưởng như vô tận. Bao nhiêu khuôn mặt, hình như chúng tôi đều tìm kiếm nhưng chẳng thấy một khuôn mặt quen thuộc mà hai anh em tôi không nói ra nhưng đều mong đợi… Đoàn bộ đội qua rồi, anh Trần còn ngoái nhìn theo họ mãi.

Cửa nhà anh Trần khóa trái, anh cúi xuống hí hoáy mở khóa. Tôi ngạc nhiên:

     -  Chị đi đâu? Sao anh lại khóa trái?

    -  Ơ! thế cậu chưa biết gì sao?… Cháu Lê nó đã vào bộ đội… Đêm nay, ở nhà một mình… anh chợt thấy nhớ cậu.

Tôi gật đầu thông cảm:

    -  Chắc chị lên chỗ cháu… đi thăm cháu?

    -  Nó còn huấn luyện mấy tháng nữa… Rồi đi B

    -  À…

Anh Trần nhìn tôi như định nói một điều gì đó, song anh lại im lặng, đẩy cửa đi vào nhà. Tôi chợt liên hệ tới những việc xẩy ra từ mấy hôm trước. Tôi có nghe nói cháu Lê đi tìm tôi…Nó chạy hết chỗ này chỗ nọ nhưng không gặp, vì tôi ra ngoại thành mấy hôm, đi đào ao giúp một anh bạn thương binh.

Tôi muốn hỏi xem cháu Lê hiện đóng quân ở đâu, tinh thần, sức khỏe ra sao, nhưng thấy cái dáng rầu rầu trầm lặng của anh Trần nên không dám hỏi. Anh đến góc nhà, lúi húi vặn bếp dầu hỏa, đun nước.

Tôi mừng rỡ đến bên chiếc đàn. Đã lâu tôi không gặp nó sao mà nhớ. Tôi mở nắp che phím đàn đánh nhẹ vài nốt. Âm thanh ngân nga. Tiếng đàn cũng mừng rỡ khi gặp lại chủ. Tôi vẫn đàn như đôi bạn tâm tình ríu rít hàn huyên.

Tay tôi chạy trên phím đàn. Một giai điệu dịu dàng, ngọt ngào lên trong phòng ấm. Anh Trần đã xong việc ngồi thu lu trong chiếc ghế bành.

… Anh có nghe thấy tiếng chim hót không? Rừng Trường sơn có lắm loại chim: tiếng gà rừng oai vệ, tiếng con công tô hộ, tiếng con khắc khảm nẫu lòng, tiếng con khướu trăm màu sắc… Nhưng dạo em ở đây, chim bị bom đạn đổ xuống, sợ hãi bay đi hết, rừng bị tàn phá xơ xác. Từ sáng đến tối, không trông thấy một cánh chim bay.

Rồi một buổi sáng, đang nằm trong hầm, em bỗng bật dậy vì nghe thấy một tiếng chim. Nói chính xác hơn tiếng một đôi chim sao. Một buổi sớm mai trong trẻo, không tiếng máy bay, không tiếng nổ, mà nằm nghe tiếng chim hót, lòng người như thức dậy nỗi khát khao hạnh phúc. Trong mệt nhọc buồn phiền, tiếng chim là niềm an ủi.

Em tặng anh tiếng chim Trường Sơn ấy. Có lẽ anh ngại ngần, nhưng thực ra em có ghét anh đâu… Anh có còn nhớ những ngày đầu gặp nhau, anh em mình sao hòa hợp… Những ý tưởng khác nhau làm chúng mình xa nhau… Những ý tưởng làm anh căm giận em… Hãy thôi đi những ý tưởng giả tạo, những bức tường giả tạo đã làm thui chột những tình cảm đẹp của anh em mình.

Anh còn lắng nghe tiếng chim Trường Sơn của em không? Con sáo chồng thủ thỉ kể cho sáo vợ nghe, có lẽ kể về những nỗi gian truân lìa bỏ rừng quê, chạy bom đạn. Đời con sáo cũng khổ vì bom đạn.

Anh chống cằm suy nghĩ đi đâu?… Anh buồn ư? Có lẽ đã lâu lắm rồi, anh đã quên mất thế nào là nỗi buồn. Không biết buồn, con người sẽ đánh mất nhân tính. Cái buồn nâng con người lên đích thực là người. Bọn trẻ chúng em đời kể bao cái chết, cái khổ, cái mất nên dễ hiểu cái buồn. Người vui dạy sống cho người buồn thì khó lắm anh ơi! Người buồn nghe người vui dạy khôn, nếu là người lịch sự thì lảng đi và cười mỉm. Nếu là kẻ bộc trực thì thét vang trời, bực bội…

Con sáo Trường Sơn của em còn kể cả về những giọt máu đỏ. Máu thấm khắp đường rừng. Em đã kể cho anh nghe cậu chuyện cõng máu trên lưng chưa nhỉ? Bận ấy, em và Mai vác khẩu B40 chạy lên một mỏm đồi. Định săn đầu bắn một lũ xe tăng. Lên đến nơi, không thấy xe tăng, lại gặp một tiểu đội lính Mỹ. Mỹ đen có, Mỹ trắng có. Chúng nó nhìn thấy trước, một thằng địch quạt một băng tiểu liên cực nhanh. Mai đi trước, ngã gục xuống. Em vội vàng quăng một quả lựu đạn, bọn Mỹ đổ rào, đứa còn sống vội nằm rạp xuống. Tranh thủ cơ hội, em xốc Mai lên lưng chạy quay lại. Mai mê man, máu từ người Mai chảy ròng ròng. Bọn địch bắn đuổi theo, đạn vây quanh người, em cứ chạy. May mà không bị trúng đạn. Mai sống và em cũng sống. Cái áo em đã bầm máu Mai. Em đã cõng máu trên lưng, nhưng có thể làm cho con người trở nên hồn hậu, nhưng cũng làm nhiều người biến thành thú dữ.

Kìa! Sao anh lại nhìn em bằng con mắt kinh hoàng? Thú thật, em chẳng ghét anh đâu. Tưởng rằng nỗi buồn xa con, sẽ làm anh hồn hậu hơn và hiểu em hơn. Giữa anh em ta vẫn còn ngăn cách ư? Anh muốn nhắc em về ngôi thứ tư tưởng giữa hai người? Em còn trẻ, có phải em không được quyền suy nghĩ? Công việc suy nghĩ là việc của các anh?

Thôi! Ông anh! Tôi ngấy ông lắm rồi!

Tôi rời đàn, đứng phắt dậy. Tôi quay lưng lại anh Trần, nhưng vẫn cảm giác thấy rõ ràng đôi mắt nóng bỏng của anh dọi vào sau gáy. Cảm giác hôm xưa anh định ăn thịt tôi, lúc tôi đánh đàn chia nỗi buồn cho anh, lại thấy đến. Tôi quay phắt lại. Anh Trần đang nắm chặt tay, tì xuống bàn. Những ngón tay siết lại như muốn bóp nát mọi thứ. Thấy ớn lạnh! Mặt nạ! Quái đản! Bức tường giả dối ngu ngốc!

Lại thấy nhớ đến lần Mai vác súng đến nhà tôi để mặc cả tình yêu, để cướp Ngà của tôi. Mắt anh Trần sao giống mắt Mai lúc đó. Hoang dữ! Những con mắt giết người.

Tôi bỗng thấy lợm giọng và trở nên cáu kỉnh. Ừ! Tại sao ngươi lại cứ muốn nuốt sống ta? Ta tội tình gì. Ta còn có gì? Tình yêu, ta mất. Mái nhà, ta mất. Êm ấm, ta không hưởng. Cơm ngon, ta không có. Ta chẳng bao giờ muốn điều ác cho ai? Tại sao ta lại là kẻ bị săn đuổi? Ngươi coi ta là phạm tội? Ngươi coi ta là tà đạo? Thậm chí ngươi hằn thù ta, ngươi định nuốt sống ta. Ta thông cảm, đem nỗi buồn đến cho ngươi với ý định tốt lành muốn ngươi trở thành con người đích thức. Hành động nhân đạo ấy ngươi cũng không tiếp nhận. Ngươi dứt khoát định giết ta chăng? Ngươi dứt khoát trở thành kẻ giết người chăng?

Tôi chợt hiểu từ lâu nay tôi vẫn mơ hồ, vẫn ngộ nhận về sự công bằng. Hoang tưởng thơ ngây! Dù sao chăng nữa, tôi vẫn là kẻ bần cùng. Một thằng vô danh tiểu tốt trên đời như tôi lại muốn đòi hỏi sự bình đẳng, và cứ tin như điều ấy có trong đời sống. Sự bình đẳng phải chăng là một khái niệm không tưởng? Nếu còn người khôn, kẻ ngốc, người sang, kẻ hèn, người mạnh, kẻ yếu thì bình đẳng chỉ là một nụ cười hóm hỉnh. Kẻ ngốc đòi sự bình đẳng chỉ là thằng đại ngốc, kẻ hèn đòi hỏi, thì suốt đời là kẻ lê la liếm gót, kẻ yếu muốn bằng kẻ mạnh thì sẽ được nếm những đòn tàn nhẫn. Những ý nghĩ ấy làm cho tôi điên dại. Tôi cũng đứng thẳng, nắm chặt tay lại và nhìn anh Trần.

Cuộc đối thoại mắt:

     -  Anh Trần! Anh đã đánh lừa tôi?

     -  Ai đánh lừa? Cậu là thằng ngốc. Sao cậu chậm hiểu về vị trí, ngôi thứ của mình thế?

     -  Hãy trả lại cho tôi sự trong trắng, sự bình an, đức hiền dịu. Tôi chán ngấy đôi mắt hận thù của anh.

     -  Ta căm thù vì, cậu biết đấy, cậu đã nhen lên trong óc con ta cái tự do hoang dã và dại dột.

     -  Anh nên tự hằn thù bản thân anh. Anh khơi gợi cho lòng con anh thức dậy sự dối trá, bất công. Còn ta, ta nhen trong lòng con anh sự trắng trong, tinh khiết. Nghĩ rằng, con anh đi bảo vệ tổ quốc, đó là điều có thể làm cho lòng anh trở lại sạch sẽ, bình thản. Anh nên cảm ơn ta.

Nhìn đôi mắt long lên sòng sọc của anh Trần, tôi chợt thấy nhẹ nhõm, thấy mình ngang vai được với Trần. Mặc cảm thua kém của kẻ cùng đinh được giải phóng. Thì ra một kẻ vô danh như tôi, một phó thường dân, đã có thể làm cho một chính ủy, một con người đầy quyền uy như Trần, trở nên mất hết bản lĩnh. Tôi đã hiểu mình, đã ý thức được sức mạnh trí tuệ của con người. Tôi thấy mình hoàn toàn bình tĩnh, và thấy có khả năng làm cho Trần trở nên lúng túng, bị động, ý nghĩ ấy làm tôi khoan khoái. Thú thật, tôi muốn trả thù. Và đã là kẻ thắng, thì dĩ nhiên, chẳng cần thiết phải cáu kỉnh. Cáu kỉnh dành cho kẻ ngốc, kẻ thua. Tôi đang đổi ngôi. Kẻ quyền thế mạnh mẽ, luôn lên mặt dạy đời như Trần bỗng trở nên một tội phạm. Tôi giãn gân cốt, lấy thuốc ra hút và mời Trần. Tôi hỏi:

     – Anh Trần, sao anh mất bình tĩnh như thế? Anh còn nhớ cách đây hơn mười năm, anh đã dạy dỗ tôi hãy tung hê mọi sự êm ấm, danh lợi ở đời và lên đường cách mạng?

    -  Hãy câm đi! Không được phép ăn nói báng bổ.

   -  Nhắc anh hãy trở về chính những nguyên tắc của anh truyền dạy lại là báng bổ? Anh Trần ơi! Anh đã là người thua trận.

    -  Thua ai?

    -  Thua thằng Lê. Thua chính con anh. Chính cháu Lê đã có lần nói với tôi: “ Bây giờ, bố cháu đang thua cháu”.

   -  Đừng nói láo! Bọn trẻ các anh là cái quái gì. Các ngài đang tìm hướng cho cuộc sống. Tìm cái gì? Vực thẳm!

   -  Sao anh cứ lo hộ cho đời chúng tôi. Thực ra anh đã làm hỏng đời con anh và liệu anh có sống hộ được cho đời chúng tôi không? Chắc chắn anh phải nhận rằng cháu Lê đi bộ đội là đúng. Anh muốn tạo ra cho nó một con đường dễ dàng. Nhưng anh làm sao hiểu nổi con anh. Nói thực, nó đã xấu hổ vì sự dễ dàng mà anh chạy vạy cho nó.

    -  Xấu hổ?

    -  Chứ sao! Những kẻ vác hành lý mượn của cha ông để vào đời mà vênh vang, thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ.

Trần run lên. Anh dùng nắm tay quyền thế mà đấm xuống bàn:

    -  Mời cậu ra khỏi nhà tôi.

   Nhìn sự cáu kỉnh của anh Trần, lòng tôi nhẹ nhõm. Tôi biết rằng, mình đã hiểu được cái sâu kín của những con người quyền quý như anh Trần. Rất đơn giản! Anh ta chỉ là một con người đầy ham muốn, rất tầm thường như nghìn vạn con người khác. Điều đó không sao. Miễn là anh hiểu được thực chất về mình.

Nhưng, than ôi! Người đời hoa mắt, mù quáng đã để anh lên, và tôi cũng để anh lên, tôi sẽ cho anh những ánh hào quang giả tạo… Còn anh, thì lên đồng. Anh tưởng tượng ra những điều mà anh không hề có, hoặc chỉ có nhất thời và sau đó anh tự gán là bản chất không thể suy suyển của anh. Từ đó, anh mất dần đi cái mộc mạc, mất đi cái giá trị đích thực của mình. Khi mọi người vỡ lẽ, họ ồ lên thì anh cáu kỉnh, kẻ nào nói rõ thì anh đánh đập thậm chí muốn tiêu diệt. Anh càng cáu kỉnh, điên rồ thì cuộc sống càng cười… và nó cứ lăn đi…

Thôi! Anh Trần ơi! Cáu làm gì! Anh hãy vứt bỏ những mặt nạ và sống hồn nhiên với người đời. Chúng ta đều có thể tầm thường và vĩ đại. Sao anh cứ tự tôn mãi lên thành ông Thánh.

Tôi lướt nhẹ tay trên phím đàn. Thần thánh mà làm gì. Hãy bắt chước tiếng chim Trường sơn dịu dàng. Thôi! Anh của em ơi! Anh già rồi. Hãy học nghệ thuật về già. Biết sống già vẫn nghe được tiếng chim.

Tiếng chim Trường Sơn theo tôi vào phòng máu. Mới là thằng “lính me” lần đầu, tôi đã rất bình tĩnh, vì một lẽ rất đơn giản… tôi đã gặp máu nhiều lần.

Tôi nằm trên bàn, và qua cài lỗ tròn, tôi thò tay vào. Tôi liếc mắt nhìn cô y tá đâm chiếc kim to vào tĩnh mạch khuỷu tay. Cái màn trắng che lỗ thò tay bị vướng, để hở ra một khoảng trống đủ nhìn. Tôi thấy rõ cái lọ thủy tinh nơi tay cô y tá đu đưa, và trông rõ mồn một từng giọt máu nhỏ xuống đáy lọ. Lại cứ nhớ đến bận Mai chặt đuôi con rắn hổ mang và cầm lấy tu như tu rượu. Lại nhớ đến chuyện con anh Hưng bị giặc cắt tiết ở Trường sơn. Cậu ta bị treo ngược trên cành cây, và máu chảy xuống đầy những lon sữa bò. Lại nhớ đến chuyện cõng máu trên lưng.

Tiếng chim Trường Sơn thủ thỉ vào vai tôi:

    -  Quên đi anh! Nhớ làm gì những cảnh đau lòng ấy. Anh ốm vì anh ít quên.

Tôi bướng bỉnh:

    -  Tôi không quên máu, quên làm sao được khi ta cõng máu trên lưng, và chính máu đã đổ ra…

Chúa Trời thì thầm lời tiên tri quái đản vào tai tôi, giữa  lúc máu tôi đang chảy ra nhanh nhất:

    -  Con sẽ còn duyên nợ với máu!

    -  Dĩ nhiên: Sợ quái gì! Cái gì phải xẩy ra cứ xẩy ra.

    -  Xong rồi! xong rồi! – Cô y tá lấy máu thốt lên và đẩy khẽ tay tôi. – Nào, gập tay lại.

    -  Đã xong rồi ư? Sao không lấy thêm nữa? Tôi thấy rất khỏe.

    -  Thế thôi! Lần đầu bán máu…

    -…

Ngọ chờ tôi ở cửa bệnh viện. Anh bắt tay tôi:

   -  Khá lắm! Lần đầu ba trăm CC mà vẫn bình thường. Tay này có thể trở thành “lính me” thực thụ.

   – Cà phê? – Tôi rủ.

   -  Đi! – Ngọ gật đầu.

    Vừa đi Ngọ vừa khuyên:

   – Cậu phải uống viên sắt cho cơ thể nhanh chóng tạo hồng cầu thiếu hụt. Cần  phải ăn uống bồi dưỡng tốt vài ngày… và thế là xong…

    Chúng tôi dừng trước một căn nhà lá.

   -  Quán nào đây? – Tôi hỏi.

   -  Quán riêng của “lính me”. Hầu hết khách hàng đều là “lính me”.

    Căn nhà làm sát một cái hố. Có thể nói, nó nằm nổi một nửa trên mặt nước. Chân cột dựng trên những hầm bị thả xuống nước, đổ dất đầy vào. Phần nền nhà trên cạn láng xi măng, phần nằm trên hố được lát phẳng bằng những bát bương đập. Cảm giác như nhà sàn Tây Bắc. Tôi và Ngọ ngồi phệt trên sạp bương, bên một chiếc cửa sổ thấp nhìn ra hồ bèo. Ngọ không gọi cà phê, mà gọi rượu. Chủ quán là một gã rất rừng, người cao to mặt vuông chữ  điền, tóc tai râu ria xồm xoàm.

    -  Nhắm với gì? Gã có râu hỏi.

    -  Đặc sản. – Ngọ trả lời.

     Gã râu xồm thò đầu ra cửa sổ, gọi một chú bé đang ngồi trên chiếc cầu tre, trước mặt chú là chiếc vó nhỏ:

    -  Này, mang đặc sản vào nhớ!

Thằng bé nhấc chiếc giỏ chìm dưới nước rồi dang tay lấy thăng bằng đi trên chiếc cầu tre bập bênh để đi vào căn nhà. Thằng bé  đổ những con cá rô phi nhỏ vào chiếc rổ, rồi mang xuống bếp. Có tiếng xèo xèo, và chỉ một lát sau thấy chị vợ gã râu xồm bưng lên một đĩa cá rô phi tẩm bột rán vàng còn bốc khói.

    Gã râu xồm vào buồng xách chai rượu ra. Chủ và khách cùng ngồi vào  mâm. Gã chủ quán gắp một con cá, bỏ vào mồm nhai rau ráu rồi hỏi Ngọ:

   -  Lính mới a?

   -  Lính mới! Bạn thân nữa!

     Ngọ giới thiệu lão râu xồm với tôi:

    -  Đây là một chuyên gia về “me”. Người cũng đã có nhiều thâm niên trong bộ đội. Người chuyển ngành về cơ quan làm việc, sau bị trù mới xin về nhà nghỉ hưu non.

Gã có râu nói chuyện với tôi rất tự nhiên như người đã quen nhau từ lâu:

    -  Cả hai vợ chồng tôi đều làm “lính me”, đời mình xoàng thôi, thế mà cũng có đứa bẩm báo. Lão hàng xóm thấy vợ chồng mình ít nói liền bắt nạt. Lão báo công an hai vợ chồng mình làm ăn bất chính nên mới nuôi đủ năm đứa con. Cáu, uống hết nửa lít rồi cầm con dao phay sang nhà lão hàng xóm và chửi um lên: “Đây là thẻ bán máu của vợ chồng tao. Thế này có phải làm ăn bất chính hay không? Mày nói láo, tao băm”. Lão hàng xóm sợ run lên lạy mình, xin tha. Mình tha. Nhưng bà vợ chưa tha. Bà ấy suốt ba ngày liền đứng trước nhà lão và chửi. Lão hàng xóm im lặng không dám trả lời. Có người bảo lão hàng xóm là “mú chim”, đừng có chửi. Nhưng mình là thằng bán máu, còn ra cái thớ gì nữa. Hạng cùng đinh vét đĩa, thằng nào dại mới dây vào thằng vét đĩa như mình. Nuôi con bằng máu của mình, còn cần gì…

Ngọ chuyển sang câu chuyện khác:

    -  Vừa rồi anh đi chu du những đâu?

    -  Làm một hành trình dài: qua Nam Định đánh một quả, vào Ninh Bình tiếp quả thứ hai, rồi Thanh Hóa và Nghệ An. Tổng cộng tháng rưỡi vừa qua đánh bốn quả “me” vị chi một lít hai máu. Chi phí dọc đường xong còn đem về nhà cho vợ hai trăm đồng.

Chủ quán dừng lại tợp ngụm rượu xong mới nói tiếp:

    -  Anh Ngọ, dạo này tôi thấy thấm mệt rồi. Hai tháng tới đành phải nghỉ. Có lẽ chỉ sống nhờ bằng cái quán này và tiền hoa hồng của anh em thôi.

   -  Dạo này anh lại làm nghề “dắt me”.

  – Anh tính cũng nhân đạo lắm chứ. Anh em túng, cần bán máu, mình giới thiệu giúp anh em chỉ cho mỗi quả năm đồng bạc. Đang túng mà chỉ mất năm đồng, cộng thêm mất tem đường tem thịt cúng bọn y tá, bác sỹ bệnh viện, thế là quá rẻ quá tốt. Vả lại, cũng tùy hảo tâm anh em: nếu bấn quá không chi cho tôi cũng được. Chỉ cốt khi anh em thèm rượu, thèm cafe xin mời quá bộ tại đây.

    Gã râu xồm cười giòn, gắp con cá nóng bỏ vào miệng nhai rau ráu. Ngọ cũng gắp, cũng uống rồi lắc đầu. Riêng cái điều anh nói thấm mệt tôi không tin. Đã có lần anh tuyên bố với tôi, anh có thể bán máu liên tục không thấy mệt.

Gã râu xồm cười khà khà:

    -  Là nói khoác tý chơi. Thực ra mệt. Dạo này tôi mệt thực sự.

    – Tôi không tin! Chắc còn điều gì anh giấu tôi. Xin nói thật nhé: là một thằng nghiện bán máu rồi, anh chỉ dừng bán khi anh sắp chết. Số kiếp anh nó thế. Có thể bây giờ anh nói nghỉ. Nhưng tháng sau anh lại đi cho mà xem.

    Râu xồm chống cằm tư lự. Gã nói nhỏ giọng tâm sự:

    -  Đối với anh, tôi đâu dám giấu, nhưng đúng tôi mệt thật. Tôi cũng không ngờ mình có thể mệt. Tôi, thằng lính me 65 kilo loại lính me số hai, thế mà mệt mới lạ. Có gì đâu. Vừa qua bà cụ mẹ vợ ở nhà quê ốm nặng, cần phải có hai lạng cao hổ cốt. Một lạng cao thật bây giờ giá tám mươi đồng, hai lạng 160 đồng. Tiền chuyến đi khu 4 chỉ đủ chi phí gia đình. Thế mà tôi đành liều phái bồi tiếp một quả nặng hơn: tôi bán máu non!

     -  Máu non? Tức là tủy xương?

    – Thì tôi vẫn bán. Một trăm CC máu non giá 100 đồng. Cái thằng tôi té ra có lúc cũng dát. Cái kim to dài gang tay đâm sụt vào xương hông. Nhói tim. Sợ nhất lúc đâm cái kim vào có lẽ đánh liên tục quá… liều quá… mệt là phải!… Vậy nên, xin anh em thông cảm, tôi đành làm cái nghề “dắt me” cho qua thì phải tháng. Kể ra ăn của anh em năm đồng bạc, thấy nó cỏ giả quá, chẳng đẹp đẽ gì. Tôi có bao giờ thèm làm cái trò… ấy đâu. Bẩn, phải không anh?  Nhưng tôi mệt quá…quá rồi. Mong anh em thông cảm.

Nghe lời cầu xin thông cảm, láy đi láy lại mãi của người chủ quán râu xồm, tôi chợt thấy thương mến ông ta. Ngọ chợt ngồi câm lặng không nói thêm một lời. Cả ông chủ quán râu xồm hay nói cũng bỗng dưng bặt nói. Chúng tôi lặng lẽ uống rượu. Từ cái mở đầu ba hoa đến cái kết thúc câm lặng sao mà nhanh thế. Bữa tiệc câm ấy kéo dài hàng tiếng.

Cho đến khi đêm xuống, rồi trăng lên… chúng tôi ngủ ngay trên sạp. Trăng lọt qua cửa sổ, chiếu lên những khuôn mặt nhợt nhạt và buồn bã.

Đêm hôm ấy, tôi nằm mơ toàn thấy máu. Những con người dầm dìa máu me nối đuôi nhau đi vào nhà lão chủ quán râu xồm. Hình như họ ngồi vây quanh chúng tôi. Tôi ôm cây đàn ghi ta, đệm cho họ hát những bản nhạc Mễ Tây Cơ…Lính Mễ  hát những bài hát Mỹ la Tinh.

Mấy hôm sau, tôi bảo Ngọ:

     -  Có lẽ tôi phải bán tiếp một lần thứ hai.

    -  Tôi cấm! – Ngọ trả lời cáu kỉnh – Anh chưa đủ sức đánh hai quả me liên tục.

    -  Tôi làm được. – Tôi khăng khăng cãi Ngọ.

Ngọ nghĩ thương tôi, còn tôi lại nghĩ thương Hưng. Vợ Hưng đã rồ dại thực sự. Luôn luôn chị nhắc đến chiếc quần simili của đứa con đã chết. Hưng vẫn lẩn quẩn với những ý nghĩ di động không gian. Anh tin chắc rằng nếu anh đổi mới được ngôi nhà, không khí gia đình sẽ cũng đổi mới theo, và có thể vợ anh khỏi bệnh. Tôi và họa sĩ Minh cũng tin như vậy. Hễ tôi và Minh đến chơi, là Hưng bám ngay vào những câu chuyện không gian.

Không gian thế nào, con người thế ấy. Con người phóng chiếu tâm hồn vào không gian ở, nên bao giờ không gian cũng là gương mặt của hồn người. Đến một thành phố, ta bắt gặp những ngôi nhà tươi tắn những con đường sạch sẽ, ra ven nội không thấy những căn nhà ổ chuột, ta hiểu những người ở đây đôn hậu hạnh phúc. Nhà ta ở bề bộn, tức là tâm hồn ta bối rối. Nhà hoang tàn: gia đình ta đang suy, không gian ở kệch cỡm, đúng là nhà của kẻ hãnh tiến kiêu sa. Không gian đĩ thõa con người đĩ thõa theo…

     -  Lại có thứ không gian đĩ thõa? – chúng tôi cố chuyển câu chuyện sang hướng vui vẻ hơn. Nhưng Hưng là kẻ bị ám ảnh.

     -  Chứ sao! Có đủ hết: không gian đĩ thõa, không gian sa đọa, không gian suy tàn… Nhưng nhà tôi đây… phải nhìn thẳng vào nó để hiểu… nó đang suy tàn.

Minh lại cố lái hướng câu chuyện bằng cách trình bầy mầu vẽ một kiểu đồ đạc mà Hưng đã nhờ anh làm. Đó là một thứ đồ đạc đa dụng, nó vừa là giường, vừa là hòm, vừa là ghế. Hưng nghĩ đến một kiểu hòm riêng biệt đựng quần áo, lúc tản ra trong phòng là bốn chiếc ghế. Lúc gập lại với nhau thì thành giường ngủ. Câu chuyện trở nên thực tế hơn, từ thứ đồ đạc gia dụng nó chuyển đến một chiếc gác xép nhỏ nhỏ kín đáo, được trang hoàng bằng một bao lơn đường nét thẳng gọn màu sắc dịu, trên đó Hưng có thể cất sách vở vào trốn lủi người đời. Chuyện cái gác xép là một điều thực dụng vừa tầm tay. Hưng bỗng bớt hùng biện và lý thuyết, anh trở về giọng tâm sự dễ thương:

          -  Các bạn ạ. Lắm lúc mình chán hết mọi người. Chẳng muốn nhìn thấy mặt ai ngay cả mặt vợ mình, con mình. Chỉ muốn chui vào một cái xó nho nhỏ nào đấy. Ở đó, chẳng ai để ý đến mình, ở đó, mình có quyền được cô độc, được nghĩ ngợi một cách lười biếng, được mơ màng lông bông thậm chí được khóc riêng với mình nữa. Mình cảm thấy hình như bây giờ ở chỗ nào cũng có những con mắt nhìn mình. Lắm lúc tôi trở thành có tội lỗi với vợ con. Vợ thì lẩm cẩm, con cái đối với mình lắm khi cũng thật khó chịu. Tiếng con khóc cười, tiếng vợ lẩm bẩm hò hét nhiều khi là một hình phạt, tội vạ mà ta phải chịu. Kết quả, mình sinh ra cáu kỉnh với mọi người để rồi sau đó trong đêm khuya, lại tự khóc thầm và hối hận. Không gian cần được cách mạng…Mình thêm một không gian đổi mới cho mình…

Hưng cần tiền! Hưng cần thay đổi không gian! Hưng cần một căn nhà êm ấm! Tôi, một phó thường dân không “vòm”, nếu tôi hiểu nỗi ao ước, mê say của một cái vòm đẹp. Những ý nghĩ ấy cứ xoáy sâu vào óc tôi.

Tôi nhìn vào, Ngọ đang mơ màng hút thuốc. Con người bơ vơ ấy chắc cũng đang mơ đến một căn nhà êm ấm. Ngọ mới lộ cho tôi biết một bí mật: vợ anh, cô sinh viên đã mang thai. Có thể nào một đứa trẻ ra đời ở một bến xe, ở một nhà ga? Có thể nào một đứa trẻ ra đời trên đầu không có một mái che. Ngọ cũng rất cần một căn nhà. Hưng thì cấp thiết hơn, vì căn nhà mới sẽ cứu vợ anh khỏi bị kết tử vì bệnh điên. Do đó, nếu nói chuyện những ước mơ thay đổi không gian của Hưng với Ngọ, có lẽ Ngọ hiểu. Tôi đắn đo mãi cuối cùng thú thật với Ngọ lý do vì sao tôi cần bán máu tiếp luôn một lần thứ hai. Nghe tôi nói xong. Ngọ thở dài:

     -  Ừ, thì anh bán lần nữa. Tôi đã hiểu ý anh. Chỉ có điều lần thứ hai này, anh phải nghe tôi. Anh phải làm theo những chỉ dẫn của tôi.

    -  Anh định nói về chuyện làm cho máu loãng ra?

    -  Chứ sao! Anh cần phải sống. Nếu anh thực sự cần sống thì hãy nghe tôi. Có ai muốn tàn nhẫn đâu? Nhưng cuộc sống lại rất tàn nhẫn. Hãy hiểu biết nó. Hãy tàn nhẫn lại… Ta phải làm thế vì không muốn phải nghiền nát ta.

Tôi ngồi im không tranh cãi.

Tôi không thể tàn nhẫn, vì đó là tư chất của tôi. Tôi xấu hổ ngay khi có một vết nhỏ độc ác len vào khối óc. Vì lẽ đó, tôi không hề  “phù phép”  khi bước vào phòng máu. Tôi không ăn nhiều chất bổ dưỡng ngày hôm trước. Buổi sáng hôm trích máu, tôi nhịn ăn…tôi đã theo đúng những quy tắc kỹ thuật mà bác sĩ phòng máu dặn dò…Tôi đã không làm thêm những thủ thuật mà Ngọ truyền cho. Tôi không muốn làm máu mình bị loãng.

Gã chủ quán râu xồm đã giới thiệu tôi đến phòng huyết học bệnh viện H. Cách xa Hà Nội 20 cây số. Bản giao ước phẳng khô:

    – Tôi đã đề nghị lấy cho anh 100 CC máu. Anh phải chi toàn bộ phiếu vé cho bác sĩ, và một chục hoa hồng cho tôi. 400 phân khối máu được 100 đồng. Chi rồi anh còn chín chục. Đẹp chưa? Đừng có ý nghĩ là bóc lột nhau nhé. Hôm nọ, uống rượu là tôi nói đấy. Thông cảm chưa? Vả lại, biết cách đấm, thì 400 CC chỉ là trò đùa. Chẳng hại gì đâu “râu xồm nháy mắt, ý nói về cách làm máu loãng” đánh đấm xong, xin mời người anh em đến nhà tôi chúng ta lại nhắm rượu cá rô phi. Ha ha! Máu người chỉ là nước lã!

      Tôi nằm trên giường trích máu, cứ nghĩ đến động tác xoắn râu của gã râu xồm khi nói đến việc nhắm rượu với cá rô phi mà cười thầm.

Cô y tá trích máu vừa làm động tác lắc máu vừa nói chuyện với cô y tá bạn hình như các cô đang nói đến một câu chuyện tâm tình vui vẻ. Họ cười khúc khích. Một cảm giác bừng bừng trong đầu… Một cảm giác lành lạnh ở những ngón chân. Tôi nhắm mắt lại. Bỗng có tiếng thì thào trong tâm tưởng. Tôi hỏi:

“Ai đấy?

        “Ta đây.

        ” Thượng đế?

Chúa lại đến bên tôi trong phút chịu đựng này. Một cái bóng nhòa nhòa hào quang. Tôi nghĩ: Mình mơ hay tỉnh? “ – con đang mơ – tiếng trả lời của chúa sao hiền hòa – con đang hòa vào đạo – Con đang phiền muộn. Trong biển trầm luân chỉ mong con một điều: Đừng thù hận.

    ” Hận thù ai? Tôi chẳng thích điều đó. Chỉ có điều. Tôi chán ngấy sự tàn nhẫn. Thưa Chúa, sao trần gian bây giờ sự tàn nhẫn lại quá ư ngập ngụa?

    ” Đừng nghĩ đến điều ác. Con hãy mơ đi.

    ” Lúc nào tôi chẳng sống trong mơ. Người đời chán ngấy giấc mơ. Còn tôi, thằng ngu, nên tôi mắc bệnh mơ màng.

    ” May cho con hãy còn duyên nợ với nó. Mất giấc mơ lòng con sẽ héo quắt đi.

Tôi ngạc nhiên vì giọng điệu trả lời mới mẻ của Chúa. Xưa kia gặp tôi, có bao giờ chúa nói thế đâu. Tôi ngờ vực:

” Ai đấy? Đừng đánh lừa tôi. Tội nghiệp!

       ” Ta đây mà,

Sao Chúa hôm nay lại khác hẳn mọi khi? Chúa có mang theo con Sơn ca trên vai không? Sao hôm nay không thấy nó hát?

    ” Ta không thích chơi chim.

     ” Vậy Người là…Chúa khác?

     ” Ta là bạn của kẻ có trái tim phiền muộn.

     ” Vậy, Người là Chúa hiền lành?

     ” Ta, bạn với yêu thương.

     ” Sao Chúa chẳng hiện rõ? Trông Chúa nhòe nhòe như phủ một làn sương trắng?

     ” Tìm ta làm chi. Ta ở trong anh.

     ” Điều chi nói lạ?

     ” Lúc nào trong tim anh cũng có ta.

     “???

     -  Xong rồi! Co tay lại

Tiếng nói nhẹ nhàng, trần gian của cô y tá kéo tôi về với cuộc đời. Tôi chợt cảm thấy mình bải hoải. Mệt lành lạnh đôi chân. Tôi lặng im. Cô thủ quỹ đếm tiền trả, tôi cũng không nói nửa lời. Chỉ trả lời bằng gật đầu và lắc đầu. Vào hiệu phở, tôi ăn một bát phở đắt gấp đôi. Chẳng thấy ngon. Lưỡi tôi đánh mất vị ngon. Môi tôi tê tê lành lạnh. Cảm giác lạ lùng, không giống lần bán máu thứ nhất. Tôi về nhà Minh, kéo chiếc chăn bộ đội trùm lên đầu ngủ.

      ” Ốm to! Anh ốm to  rồi.

Con chim quỉ quái đội mũ ánh hào quang từ bức tranh Chúa chơi chim bay ra, dõng dạc nói như một lời tuyên án. Tôi hỏi:

      ” Chim ơi. Vậy ra không phải Chúa của ngươi đến cùng ta lúc nãy? Chúa khác đã đến vơí ta?

     ” Chứ sao.Vũ trụ có nhiều Chúa.

     Con chim vỗ cánh hát bài tụng ca. Tiếng hót của nó quá ư lảnh lót đến nỗi đầu óc tôi như bập bùng co giãn. Tôi sợ con chim quỉ quái. Tôi úp bức tranh Chúa chơi chim quay vào tường, rồi đi đến quán Râu xồm. Gã chủ quán chào:

      – Ha ha! Máu ngươi là nước l!

    Ngọ đã có mặt tại đó. Anh ngồi bên của sổ, trước mặt trải một tờ giấy. Anh gật đầu chào và chẳng nói chẳng rằng. Tôi đến chỗ anh. Ngọ rót đưa  cho tôi chén rượu. Gã Râu Xồm mặt đỏ gay, mắt lạc đi hoang dại. Tôi ngồi bên họ bồn chồn, ngơ ngác, lại giống lần trước. Ba người im lặng chẳng há miệng. Lại tiệc câm. Cảm giác một phút im lặng đột ngột trong một bản giao hưởng ma quái. Phút im lặng chờ đợi sự mở ra một nét nhạc kỳ diệu bất ngờ. Ngọ vẫn đăm đăm nhìn vào tờ giấy bỏ ngỏ. Tôi liếc mắt nhìn qua. Đây là bản liệt kê vua chúa giết đại công thần.

Tần Thủy Hoàng giết Lý Tư

Ngô phù sai giết Ngũ Tử Tư

Hán Cao Tổ giết Hàn tín

Nhà Lê giết Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn

Nhà Nguyễn giết Nguyễn Văn Thành

Nhà Tây Sơn giết Ngô Văn Sở

Cách mạng Mỹ để Thomas Paine chết trong đói nghèo.

Cách mạng Pháp giết Đanto, Robespierre.

Lão chủ quán chợt cười ré lên bâng quơ:

     -  Máu người chỉ là nước lã! Hơ hơ! Hơ hơ!

Tôi giật mình đánh thót, nhìn vào vết kim lấy máu ở chỗ khoeo tay. Bản giao hưởng câm về “máu người” xoắn xuýt lấy nhau, hòa nhịp một cách lạ lùng. Bản liệt kê của Ngọ là một đoạn thơ rùng rợn, nền của nó là tiếng cười man rợ và câu nói bâng quơ của gã Râu Xồm, vết kim đâm nằm trên cái ngã ba tĩnh mạch nơi tay tôi là một dấu lặng đỏ choét. Những âm thanh thầm, ấn tượng vào bộ óc bi kịch động sưng tấy của tôi, làm bộ não sưng húp.

Chóng mặt! Chao ơi! Chóng mặt!

Tôi ngả lưng vào bức vách. Có tiếng thì thầm và một bóng hào quang nhòe nhòa của một thiên thần ẩn mặt, mới quen biết hiện lên trong tâm tưởng:

      ” Ngủ đi! Con nhắm mắt ngủ đi! Con hãy nghe ta. Đừng tin vào câu nói “Máu người là nước lã!” Con hãy cứ mơ màng, hãy nuôi dưỡng tâm hồn con bằng những hoang tưởng… ngây thơ… Đừng để lòng mình teo quắt lại.

Tôi chợt nghĩ đến Ngà, đến mối tình cay đắng của tôi: “ Ngà ơi! Sao em chẳng ở bên anh lúc này? Sao đời người bơ vơ đến thế. Sao tôi chỉ nhận những nỗi bất công? Đến như một trái tim đàn bà, một ốc đảo tình cảm, đời cũng chẳng thèm ban phát cho tôi, để tôi có thể trốn lủi vào đó trong những phút thế này”.