Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Hai Tụi

Truyện ngắn Kinh Bắc

I.

Thấy Hai Tụi cầm cái chai mủ có chừng nửa xị rượu đế bước lạng quạng về hướng quán hủ tíu Chệt Ên, thằng Tư Hoàng Hôn cười ré: “Tới giờ rồi đó nghen…”.

Tôi ngó ra đường, dưới cái nắng gay gắt của “mùa hè đỏ lửa” xứ này, một người đàn ông ốm nhách, cao nhòng đang đi liêu xiêu dọc theo mé lộ.

Làm như vô tình, không biết sự thể gì, Tư Hoàng Hôn nhóng lên, hỏi lớn:

-Trưa nắng mà đi đâu đó ông Hai.

Hai Tụi đáp gọn bâng, như CKC bắn pạc cú:

-Nhậu, mày!

II.

Hai Tụi một thời lừng lẫy. Y từng giữ đại đội trưởng thuộc một tiểu đoàn chủ lực tỉnh, nhưng bởi tánh ngang nên lụi đụi hoài không được vô Đảng. Riết y bất mãn.

Mà cũng kì. Người ta muốn cho y vô Đảng lắm chớ, vì y thành phần cơ bản, lại giỏi đánh giặc, đánh đâu thắng đó. Song để vô Đảng thì phải phấn đấu dữ lắm, rồi còn giữ gìn tư cách đạo đức này nọ như thầy tu giữ giới. Mà chuyện này, nói như mấy cha đảng viên trong tiểu đoàn: “Mẻ! Gì chớ cái đó thì thằng Hai Tụi vô phương” – tức là mãn đời cũng chưa chắc vô được.

Có lần Bảy Trung Kì, tiểu đoàn phó kiêm bí thư đảng ủy xuống đại đội nói Hai Tụi: –Mày mà bỏ một tháng không chửi thề tiếng nào và không đi tiệm quán chơi bời, là tao đề nghị đảng ủy ra nghị quyết kết nạp liền.

Hai Tụi lắc đầu:

-Có cho vô thì cho, chớ bắt khó vậy đâu được.

Hai Tụi có tật nói một tiếng là “đù” một tiếng. Còn tới khi đụng trận thì thôi, y chửi thề liền miệng, không chừng phía ngoài đường ruộng bọn Mỹ còn nghe. Tật thứ hai là đi tiệm. Cứ buổi chiều, kể cả khi có tin biệt kích hoặc lính sư đoàn phục chỗ này chỗ kia, Hai Tụi đều chải đầu xức bi-ăng-tin láng mượt, lận khẩu K.54 sau đít, kêu “đi nắm tình hình”.

Người ta ra quán tiệm uống trà ăn kẹo đậu phộng, nói dăm ba câu chuyện rồi về. Thời buổi chiến tranh ai dám đi đâu lâu, rủi bom pháo rớt trúng hồi nào không hay, chết oan có lúc. Nhưng Hai Tụi thường chỉ xẹt qua tiệm mua mấy miếng kẹo rồi lẻn đi đâu đó tới khuya mới mò về.

Trong đơn vị nghe đồn Hai Tụi đi kiếm đờn bà giá hoặc lui tới mấy nhà có con gái lớn chưa chồng… Chưa ai bắt được tại trận Hai Tụi làm điều chi “vi phạm đạo đức” cả; song ba cái lùm xùm ong ve về sự “hủ hóa” của y thì phải nói… cần xé chứa không hết.

Vậy làm sao vô Đảng!

Thế là y bất mãn.

Cái sự bất mãn của Hai Tụi rất đơn giản, không phải vì vấn đề tiến bộ, tức phấn đấu quyết liệt nhưng không được toại nguyện. Y bất mãn chỉ vì tức khí một điều tại sao tụi nó họp bàn này nọ mà không cho mình dự, rồi sau còn nói nghị quyết chi bộ biểu phải làm vầy – làm vầy… trong khi y là đại đội trưởng.

Sự bất mãn cũng như trái bong bóng, bơm nhiều quá nó phình lên rồi tới lúc hết chịu nổi thì nó nổ.

Một bữa Bảy Trung Kì đang đánh bóng chuyền với đám lính bảo vệ và đám văn phòng, cơ yếu thì Hai Tụi xăm xăm bước vô sân nói lớn tiếng:

-Anh Bảy, tui nghỉ a.

Bảy Trung Kì đâu hiểu gì nên vừa ki trái banh vừa hỏi:

-Mày nói chi, nghỉ đi đâu? Đi đám hả?

Hai Tụi nói cộc lốc:

-Nghỉ đánh Mỹ. Tui không làm cách mạng nữa!

Bảy Trung Kì bỏ bóng, đứng như trời trồng, ngó theo cái lưng áo bộ đội bằng vải ny-lông dầu màu xanh sẫm ướt mồ hôi của Hai Tụi dần xa, rồi khuất hẳn sau rặng trâm bầu.

Tin Hai Tụi bỏ “không làm cách mạng nữa” bùng ra, khiến cả tiểu đoàn như bị ong chích. Di chuyển căn cứ, sắp xếp bố trí trận địa phòng thủ, nâng cao cảnh giác… Ở đâu cũng nghe thì thào thằng Hai Tụi mà đầu hàng là chết mẹ hết, chạy đâu cho khỏi bị đánh điểm, vì cái chiến trường này như nằm trong bàn tay nó vậy.

Thế nhưng cả tháng sau tình hình vẫn êm ru, không bị đánh điểm, cũng không bị biệt kích gì ráo.

Cho tới một ngày, có tin “Hai Tụi ở nhà bà Sáu Giang chớ đâu”. Ba Trung Kì hỏi ở đó làm chi, ai nuôi? Bà Sáu già rồi sao lo cho nó nổi? Anh em cười, đáp:

-Bả không nuôi thì con vợ thằng Tự nó nuôi.

Tự là rể bà Sáu, hy sinh mấy năm nay. Con vợ nó tên Biết, thứ ba, là đờn bà góa song còn son trẻ lắm.

Thời gian đầu giặc càn, Hai Tụi chạy loanh quanh mấy cụm vườn gần nhà “vợ”. Nhưng tới sau Mậu Thân 1968, địch ruồng bố ác liệt, chà xát ngày đêm khiến y phải rút theo bộ đội, cơ quan lên những cánh rừng lớn có địa thế hơn để dễ lẩn trốn, chém vè.

Đi đâu y cũng chống cây gậy, đầu đội cái nón nỉ rách trong nhét bịch thuốc rê với cái hộp quẹt. Có lần y chạy nhằm ngay đơn vị cũ, mà hôm đó đang bị đánh rát quá.

Địch đổ quân từ 4 giờ sáng đánh miết tới tối. Hồi xế trưa còn có tăng M.113 bừa nát mấy cánh đồng, muốn xâm vô địa hình. Mười Cụt, đại đội trưởng mới, bí quá, tới nói Hai Tụi, lúc này y đứng dựa lưng một cây săng máu to đùng, tay chống cây gậy:

-Giờ sao anh Hai? Mình kiếm đường rút hay bám lại chờ tới tối?

Hai Tụi đáp tỉnh rụi:

-Thì mày lấy nghị quyết ra coi “nó” biểu sao!

Mười Cụt giận quá chửi thề, nói:

-ĐM, tụi nó mà lấn vô tới đây, tui bắn anh trước .

Hai Tụi chỉ cười.

III.

Hoàng Hôn hỏi tôi:

-Chú ở đâu?

-Tui ở Sài Gòn xuống đây tìm bạn cũ. Mấy chục năm rồi không gặp.

-Dữ hôn! Rồi kiếm được chưa? Người đó ở chỗ nào?

Tôi trả lời Tư Hoàng Hôn, mà lòng buồn se sắt:

-Rồi. Ảnh cũng ở gần đây.

Trời nắng chói chang, tôi đi lững thững tới quán Chệt Ên, dòm vô thấy Hai Tụi đang ngồi gác chân uống rượu. Tôi bước thẳng tới kéo ghế ngồi ngay trước mặt, vậy mà y làm như không thấy, vẫn tay cầm cái ly xây chừng, mắt ngó lơ láo.

Tôi kêu:

-Anh Hai!

Hai Tụi giựt mình, ngó ngay tôi, hỏi:

-Ai vậy?

-Tui, Năm đại liên, trinh sát đại đội mình ngày xưa nè, anh Hai.

Hai Tụi trợn mắt, cặp tròng vằn đỏ như có từng sợi máu đan nhau. Tôi hiểu đó là con mắt của người ghiền rượu lâu năm, uống nhiều quá sanh ra vậy.

Tưởng Hai Tụi nhận không ra, tôi tính kể thêm vài chuyện nhỏ là kỉ niệm của hai chúng tôi để gợi ý, thì bỗng y la lên:

-Trời ơi, trời! Mày đó a. Mà… mà sao mày… ở đây?!

-Dạ, tui đi tìm anh nè. Mấy chục năm có biết tin gì, có nghe anh ở đâu đâu…

-Rồi sao giờ biết mà tới đây?

-Dạ, tui có đứa đệ tử quê vùng này. Hôm trước đám giỗ cha nó, tui có về. Nó làm tiệc nhậu lớn mời bà con lối xóm đông lắm. Trong đám có cha tên Mười Mũi gì đó kể chuyện trong ấp y có ông già mắc chứng ghiền rượu mà quá nghèo không khi nào có tiền mua mồi. Ổng uống ngày hai ba cữ nhưng đều nhằm lúc mấy nhà kế bên nấu cơm, có đồ chiên xào hay kho nấu bốc mùi thơm, lúc đó ổng lấy rượu ra vừa hít hà vừa… nhậu! Còn không, ổng xách rượu ra cái quán hủ tíu thằng Chệt gần đó ngồi, hỉnh mũi đón hơi nước lèo. Cứ thằng chệt dở nắp thùng là ổng chíp…

Mấy người trong bàn nghe chuyện ngộ quá, bắt qua hỏi ổng tên gì, ở chòm nào? Tay đó nói ra cái tên Hai Tụi.

Thiệt, lúc nghe tới tên anh, tui muốn té ghế! Tôi nghĩ không lẽ là anh, người mà hồi xưa không na tui khỏi cái đường kinh Chống Mỹ đó thì giờ này tui chỉ còn là cục đất, chớ người ngợm gì! Anh nhớ cái đồn nằm ngay bờ kinh mà anh em mình đánh từ chiều tối tới sáng bảnh ngày hôm sau không bứt? Rồi tui bị thương tưởng chết mất xác, may được anh cứu.

Hai Tụi chỉ ngồi nghe, không nói gì. Nhưng chặp sau bỗng dung y bật khóc. Y khóc thút thít như con nít. Thằng Chệt Ên rất ngu ngơ bỗ bã, tự nhiên nói chen vô:

-Chú Hai ổng nghèo nhưng đàng hoàng lắm. Ổng ưa ra đây… nhậu hửi (!). Mà tụi tui có khi đưa tô xíu quách hay chén nước lèo, ổng cũng không lấy. Ổng nói tao chỉ mượn chỗ ngồi. Lúc đầu tui cũng nghĩ vậy nên nói thì chú cứ ngồi chớ có sao đâu. Mãi sau này mới biết ổng ngồi nhậu với cái mùi thơm bay ra từ thùng nước lèo, từ mấy thứ chiên xào có phi hành tỏi, dậy mùi…

Rồi Chệt Ên buông một câu như kết luận: “Tội ổng!”.

Nó nói không ai cản. Mà cũng không thấy Hai Tụi phiền hà quở trách gì. Hình như tất cả câu chuyện ấy, là sự thường ở đây.

Sụt sịt hồi lâu, Hai Tụi mới lên tiếng:

-Thằng Chệt Ên nói đúng. Tao giờ vậy đó. Nghèo tận mạng. Mà cuộc sống thì có chi hay? Ai cũng y nhau. Đi tới đi lui một hồi rồi nằm đó chờ chết. Tao không buồn chi hết. Tao khóc bởi gặp mày. Tao nhớ chuyện này chuyện nọ hồi xưa…

Tôi rụt rè hỏi:

-Còn chị Biết và… mấy đứa nhỏ?..

-Đứa nhỏ nào? Có đâu! Tao ở với nó, vô sanh. Sau bảy lăm mấy anh em du kích cũ ở xã ra làm chánh quyền, nó nói tụi tui lo chế độ gia đình liệt sĩ cho chị. Chị là vợ chánh thức của Sáu Tự mà. Tổ chức cưới hỏi đàng hoàng, tụi tui biết. Nhưng có điều chị với Hai Tụi phải thôi nhau chớ cứ xà nẹo vầy làm sao giải quyết. Bà con người ta nói, dị lắm.

Tao nghe vậy, một bữa lén bỏ nhà đi. Tao đi làm thuê làm mướn mấy chục năm, giờ về trụ đây cho tới mãn đời. Đây là quê tao, là đất nhà ông già bà già tao. Con em tao nó cho mấy sải dựng cái chòi này. Mày thấy đó, ăn nhiều chớ ở hết bao nhiêu…

Tội nghiệp, con em nó nói nhà, đất cha mẹ để lại không bao nhiêu, so diện tích cỡ cái chuồng trâu nhà người ta. Nó thương thằng anh nó là tao đây lắm mà nào có biết tao đi đâu, làm gì. Nó tưởng tao đi giang hồ tứ xứ tới già mới “hồi đầu… tị nạn”. Nó còn nói tánh anh giống cha, mười mấy tuổi bỏ quê xứ ngoài Bắc, vô trong này làm mướn rồi lấy má. Có điều cha còn có một gia đình; còn anh!..

Xế chiều. Cơn nắng nóng đã dịu. Tôi nói Hai Tụi:

-Tui giờ làm chủ một xưởng mộc với ít đứa thợ; nhỏ nhoi song dư ăn, đủ lo cho anh. Con vợ tui không biết anh nhưng nó luôn nghĩ tới anh, bởi anh là ân nhân của chồng nó. Hai đứa tui tính mời anh về ở với tụi tui cùng sắp nhỏ, và trông coi giùm tui cái xưởng cưa…

Hai Tụi lắc đầu:

-Năm đại liên à, tao không đi đâu hết. Tao đã nói rồi, cuộc đời con người có gì? Cũng chỉ là đi tới đi lui, chạy nhắng chỗ này chỗ kia rồi cuối cùng nằm chờ chết. Tao chạy nhảy đã rồi, giờ mỏi cẳng nằm chờ chết. Tao ở đây có cha má tao, em tao, mắc chi phải lo!…

Giằng co hoài, nhưng cuối cùng tôi đành chịu thua. Tôi nói Hai Tụi:

-Thôi; thì thế này, cứ mỗi tháng tui ghé anh một đôi lần, đưa anh chút đỉnh lận lưng; anh chịu không? Anh phải để tui báo ơn anh chớ.

Hai Tụi xua tay:

-Mày ghé, tao mừng. Nhưng đừng đưa tiền, tao uống rượu hết. Tao đươn ba cái lồng chim đem bán, rồi ai thuê gì làm nấy là tao đủ tiền mua gạo. Mày khỏi lo.

IV.

Hai Tụi liêu xiêu đi về nhà – cái chòi lá nhỏ xíu không có đồ đạc chi hết, chỉ trần xì một cái võng dù chắc là thứ “chiến lợi phẩm” từ ngày xưa còn lại.

Tôi trở lại nhà Tư Hoàng Hôn, nơi hồi trưa này gửi cái xe máy và ngồi uống ly cà phê để “theo dõi” căn chòi cùng cái hình bóng ốm o lọm khọm của Hai Tụi, nó tựa như cái tim đèn lắt lay trong mùa gió nghịch. Cái kẻ một thời ngang tàng, không biết sợ ai, ngay cả cái chết. Vậy mà giờ Hai Tụi thậm chí còn không được là cái bóng của chính y ngày xưa. Đúng là sông có khúc – người có lúc.

Cái lúc của Hai Tụi trong những ngày tháng sắp tới, là chờ không phải một hồi kèn xung trận, mà là tiếng kèn tiễn y ra ngoài đồng mả để y về với tổ tiên, với cha mẹ và cuộc đất đã sinh ra y – một kẻ suốt đời sống trong khổ đau và bất hạnh.

V.

Thằng Tư chào tôi, nó hỏi:

-Ủa, bạn của chú là ông già Hai đó hả?

Tôi nói ừa, ổng là bạn rất thân. Tư Hoàng Hôn cười, nói:

-Ông Hai ổng nghèo, nhưng đàng hoàng. Mà ổng hiền lắm nghen.

Tôi định nói, “Ờ, ổng hiền, ổng đàng hoàng. Nhưng sao mấy người như vậy lại cứ khổ hoài’’. Nhưng mà thôi, nói làm chi!

Đêm 25/9/13

Tác giả gửi Văn Việt.