Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Tư liệu về nhà văn – họa sĩ Trần Duy

unnamedNgày 17/3/2014 hoạ sĩ – nhà văn Trần Duy từ trần, hưởng thọ 95 tuổi và tang lễ đã được cử hành sáng nay 21/3/2014 tại Hà Nội. Nhân dịp này, Văn Việt xin gửi đến bạn đọc một số tư liệu về nhân vật gắn liền với phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm vừa ra đi.

ĐIẾU VĂN

ĐỌC TẠI LỄ TANG HỌA SĨ LÃO THÀNH TRẦN DUY

(Hà Nội, 21/3/2014)

Điếu văn do ông Phan An Sa, con út của học giả quá cố Phan Khôi đọc. Văn bản do CTV của Văn Việt gửi, với sự đồng ý của ông Phan An Sa.

95 năm trước, tại cố đô Huế, một gia đình hoàng phái vui mừng sinh hạ được một bé trai đầu lòng nối dõi. Trải ngót một thế kỷ thăng trầm, bé trai năm nào trở thành họa sĩ Trần Duy nổi tiếng. Hôm nay, giữa lòng Hà Nội, gia đình, người thân và đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ đến với ông lần cuối để tiễn ông sang thế giới bên kia.

Trong giờ phút thiêng liêng này, ôn lại cuộc đời ông, là cách chúng ta gửi theo ông một lời chia sẻ với kiếp trầm luân mà ông đã phải gánh chịu, gửi theo ông lòng ngưỡng mộ một con người dành trọn đời mình cho nghệ thuật hội họa với lòng yêu nước, yêu dân tộc, chuộng tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.

***

Trần Duy tên thật là Trần Quang Tăng, nguyên quán thôn Lục Lễ, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; sinh ngày 20 tháng 7 năm 1920 trong một gia đình phong kiến suy tàn, ngụ tại thôn An Cựu, thành phố Huế. Hồi nhỏ, cậu học trường tiểu học Quy Nhơn ở quê hương Bình Định; lớn lên ra Huế học trường Trung học Khải Định, lấy bằng tú tài năm 1940. Sống trong một gia đình vọng tộc đang hồi sa sút, chàng trai tìm thấy lối thoát cho cuộc đời mình ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngoài Hà Nội. Năm 1945, tháng 3 Nhật đảo chính Pháp, học bổng liền bị cắt; đến tháng 8 xảy cách mạng, cha bị bắt, nguồn tài trợ của gia đình theo đó cũng mất luôn; chàng sinh viên mỹ thuật đành dừng bước ở năm thứ ba. Rồi, như một lẽ tự nhiên, chỉ bằng lòng yêu nước và bầu nhiệt huyết vốn chỉ tuổi trẻ mới có, chàng sinh viên mỹ thuật hồ hởi, vô tư, tự nguyện cuốn vào dòng thác cách mạng đang hồi cao trào.

 

Tại Hà Nội, anh Lê Hữu Kiều là Hướng đạo sinh giới thiệu Trần Duy vào Thành bộ Việt Minh Hà Nội. Tại đây, biết anh mong muốn được đứng trong một tổ chức chân chính để có cơ hội làm những việc có ích cho đất nước, người ta giới thiệu anh vào đảng Dân chủ. Rồi ông Hoàng Minh Chính giao cho anh nhiệm vụ mua vũ khí cho Việt Minh, anh đã liên lạc với đám lính Nhật là tù binh của phe Đồng minh, cả với lính Tàu Tưởng ở Hải Dương, mua được nhiều vũ khí, chở về Hà Nội trang bị cho các đơn vị Vệ quốc đoàn. Đến ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), anh được điều động vào Đội Quyết tử đánh trường bay Gia Lâm do ông Hoàng Minh Chính chỉ huy, tham gia liền mấy trận tập kích, cho đến trận cuối cùng ông Hoàng Minh Chính bị trọng thương, ban chỉ huy đánh trường bay Gia Lâm giải thể.

Liền đó, ông Đặng Việt Châu giới thiệu anh với ban chỉ huy Khu 10 đóng ở Tuyên Quang – Phú Thọ, nên Trần Duy tìm đường lên chiến khu Việt Bắc. Tại đây, cuối năm 1946 đầu năm 1947, ông Song Hào điều động anh vào làm việc tại Ban địch vận. Anh có mặt trong các chiến dịch của Khu 10, ngày đêm viết, vẽ cho tờ báo Sông Lô bên cạnh ông Đặng Văn Việt là chỉ huy trưởng chiến dịch đường số 4. Cũng tại Việt Bắc, năm 1948, Trần Duy kết hôn với cô gái trẻ Lê Bạch Tuyết, 18 tuổi, người ở phố Khâm Thiên, Hà Nội, là con của một gia đình công chức có bố là công trình sư ngành đường sắt. Cô là nữ sinh vừa tốt nghiệp trường Đồng Khánh, lên Việt Bắc hồi đầu năm 1947, đang đảm nhiệm chân thư ký của đảng Dân chủ kiêm việc dạy tiếng Pháp cho một hàng binh trí thức người Đức tham gia hàng ngũ kháng chiến của ta từ hồi bí mật, tên là Erwin Borches − tên Việt Nam là Chiến Sĩ − vốn thuộc đội quân lê dương của Pháp; và sau này học lại từ ông ấy tiếng Đức. Kể từ đó, cùng với cái gia đình nhỏ đầy hạnh phúc của mình, người họa sĩ trẻ bất chấp mọi gian khó trong hoàn cảnh kháng chiến, càng hồ hởi dấn thân vào bất cứ công việc gì tổ chức giao cho với lòng nhiệt thành trong sáng.

Tháng 3/1950, ông Nguyễn Huy Tưởng nhận Trần Duy về Hội Văn nghệ Việt Nam. Trong thời gian này, Cục trưởng Cục Quân y là bác sĩ Vũ Văn Cẩn có đề nghị anh giúp ông Từ Giấy trong việc trình bày và vẽ minh họa cho báo Vui Sống, tuyên truyền cổ động cho phong trào vệ sinh phòng bệnh. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 7/1954), Trần Duy được cử về Tuyên Quang làm phiên dịch tiếng Pháp cho ông Erwin Borches (Chiến Sĩ) lúc này đang phụ trách trại tù binh đóng ở Núi Cố.

Cuối năm 1954, Hội Văn nghệ cử Trần Duy cùng một số văn nghệ sĩ tham gia đoàn cải cách ruộng đất tại Yên Thế, Bắc Giang. Anh tận mắt chứng kiến và tỏ ý bất bình về cái cách mà người ta bắt bớ, đấu tố, xử án những người bị quy thành phần địa chủ; và vì thế, anh bị cái án kỷ luật chống cải cách ruộng đất, bị thải hồi, giao trả về Hội Văn nghệ.

Ngày 14/10/1954, Trần Duy về lại Hà Nội cùng một lượt với Hội Văn nghệ. Chấp nhận cái án kỷ luật đầu tiên trong đời, người trí thức trẻ cảm thấy thật sự bất ngờ và hiểu thêm ra nhiều điều, nhưng tai họa tiếp tục giáng xuống đầu anh bằng một sự kiện khác. Đầu năm 1955 ở Hà Nội, anh hăng hái lao vào cuộc vận động các nhà tư sản có tiền, có cơ sở sản xuất, có tâm huyết với kháng chiến gia nhập các tổ chức kinh doanh kiểu mới đang được lập ra. Sau chưa đầy một năm, các tổ chức này trở tay lật ngược những điều quy ước trước đó, biến các nhà tư sản yêu nước trở thành đối tượng đấu tố trong trào lưu đánh đổ giai cấp tư sản. Thành ra bên nào cũng coi anh như kẻ địch, khiến anh rơi vào hụt hẫng, thất vọng, bế tắc đến mức không còn biết đặt niềm tin vào đâu nữa!

Trong sự bế tắc, lòng yêu nước và tin vào lẽ phải của Trần Duy không tắt, ông vẫn đi tìm lối thoát cho cuộc đời mình bằng cách lần lượt cho đăng trên Giai phẩm mùa thu 1956 của nhà xuất bản Minh Đức các truyện ngắn Tiếng sáo tiền kiếp, Người khổng lồ… và bức tranh Ốc sên không cánh mà bay cao. Chưa dừng lại ở đó, cũng trong năm này − cùng với học giả Phan Khôi nhận lời làm Chủ nhiệm − Trần Duy nhận lời làm Thư ký tòa soạn báo Nhân văn do Lê Đạt, Văn Cao, Nguyến Hữu Đang chủ trương, cùng với Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác… Ông đến với Nhân văn chỉ với mong muốn đóng góp thêm một tiếng nói cho dân chủ, cho tự do sáng tác và kỳ vọng nó sẽ là con đường nghệ thuật chân chính để mình nương tựa. Ông nỗ lực hết mình để tờ báo ra đời, và sau đó, chăm chút cho từng mỗi số báo, từ trình bày, minh họa, lên khuôn; đến lo mực in, giấy in, tiền bạc và biết bao công việc không tên khác. Nhưng Nhân văn chỉ sống được đúng 3 tháng với 5 số báo, ngày 15/12/1956 tờ báo bị đóng cửa, số 6 đang in bị tịch thu. Thứ vũ khí đầu tiên và cũng là cuối cùng của phong trào đòi dân chủ và tự do sáng tác của trí thức và văn nghệ sĩ bị xóa sổ, và không lâu sau đó, phong trào bị dập tắt với những án kỷ luật nặng nề, trong đó Trần Duy vào loại nặng nhất: bị khai trừ khỏi Hội Mỹ thuật, bị đình chỉ công tác. Thế là, đang từ một họa sĩ-chiến sĩ hào hứng dâng mình cho cuộc kháng chiến của dân tộc, chỉ trong vòng có mấy năm sau hòa bình lập lại 1954, Trần Duy rơi thẳng xuống đáy vực thẳm. Gia đình bên ông, bên vợ ông đều gián tiếp bị liên lụy và xảy ra những chuyện rất đau lòng. Từ đó, nỗi oan ức, cay đắng, khổ tâm đày đọa cả một đời ông còn đáng sợ hơn cả cái chết. Trong tình thế đó, ông vẫn phải sống chỉ vì Trời chưa cho ông chết!

***

Trong bản thảo hồi ký Một câu hỏi còn chưa được trả lời viết giữa năm 2009, họa sĩ Trần Duy có những lời thật thống thiết:

”Từ khi tôi rời nhà trường phổ thông trung học và gia đình, có một nơi không bao giờ phụ tôi, lúc nào cũng an ủi tôi và vực tôi dậy. Đó là Mỹ Thuật! Không có Mỹ Thuật, không có Cái Đẹp thì không còn có cánh cửa nào mở ra để tôi bước vào đời. Cái Đẹp ấy đúng là cái cuống rốn đã thay mẹ tôi nuôi dưỡng tôi và cho tôi tiếp xúc với cuộc sống, với con người… Tôi thành người, thành một người yêu đất nước, yêu dân tộc chính là nhờ Mỹ Thuật − vì ngay cái chủ nghĩa yêu nước của tôi cũng là chủ nghĩa yêu Cái Đẹp của đất nước, yêu Con Người của đất nước, mà thôi”.

Cái lý tưởng lãng mạn ấy đã theo ông suốt cuộc đời và vực ông dậy, giúp ông vượt qua cơn tuyệt vọng, sự chán nản cùng với nỗi sợ hãi, nghèo khó và cô đơn. Đó là cả một cuộc đấu tranh tự thân. Ông nhìn lại một đống bỏ xó với những bút, cọ, màu, giấy, toan… mà thấy việc trở lại với nghệ thuật thật là khó khăn. Ông tự hỏi: vẽ cái gì đây…? Vẽ cho ai…? Vẽ để làm gì…? Nhung rồi ông đã cầm lại được bút vẽ, đầu tiên là làm trưng bày triển lãm ở Công ty Mỹ thuật Hà Nội, rồi vẽ các loại tranh áp phích đấu tranh thống nhất đất nước, tranh cổ động sản xuất nhưng không được ký tên Trần Duy, chỉ được lĩnh tiền công. Rồi đi vẽ phong cảnh các làng quê. Rồi nhận các đơn hàng vẽ bưu thiếp, vẽ tranh lụa khổ nhỏ, tranh khắc gỗ và ký dưới bút danh Nhị Hà − tên cô con gái út. Rồi dịch sách cho các nhà xuất bản… Từng công việc nhỏ nhặt và ít lãng mạn ấy giúp ông có đồng tiền để sinh sống, nó còn giúp ông hiểu ra một chân lý: ở đâu người ta đố kỵ ông, muốn chối bỏ ông, chứ dân tộc và đồng bào của ông thì không bỏ ông, vẫn che chở cho ông và cả gia đình ông. Đó là một động lực lớn lao giúp ông tiếp tục sống và tiếp tục làm việc.

Ông cam chịu cảnh sống đó và chẳng dám chờ đợi điều gì, nhưng rồi Đổi Mới đến và năm 1987 ông được phục hồi tư cách Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông lần lượt mở hai cuộc triển lãm tranh vào năm 1991 và 2004; viết và cho công bố một loạt tác phẩm Ký họa trên đất Pháp (NXB Văn hóa – Thông tin, 1996), Trần Duy (NXB Mỹ thuật, 1997), Cảm luận về nghệ thuật (NXB Mỹ thuật, 2002), Suy nghĩ về nghệ thuật (NXB Hội Nhà văn, 2008), “Nguời xem và tác phẩm “(NXB Mỹ thuật, 2009) cùng cả ngàn bức tranh lụa và tranh sơn dầu vẽ cảnh đẹp và các di tích lịch sử của đất nước. Ông đã tự mình sống được bằng tiền bán tranh, bên cạnh đồng lương hưu chỉ có tính an ủi.

Càng về già ông càng trở lại là một Trần Duy, một họa sĩ lão thành có biệt tài vẽ tranh phong cảnh và tranh lụa với tính sáng tạo cao, một người am tường về lý luận và lịch sử mỹ thuật cổ điển. Nhưng trước hết, người đời biết ông, nhớ về ông, ngưỡng mộ ông với tư cách ông là một người yêu nước, dấn thân vì dân chủ, vì tự do và chấp nhận thua thiệt.

Tuy chưa bao giờ thoát khỏi khỏi nỗi ám ảnh của những ngày đen tối cách đây 60 năm, nhưng những năm cuối đời, họa sĩ lão thành Trần Duy đã tìm thấy hơi ấm của cuộc sống thảo dân cùng vợ con và một đàn cháu chắt đông đúc, trưởng thành, lương thiện. Chỉ còn một điều khiến ông ân hận suốt đời, là 60 năm trước, với tư cách phóng viên báo Nhân văn, ông đã mời các nhà trí thức đáng kính Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Văn Ngữ cho ý kiến về tự do, dân chủ, đưa ra kiến nghị, mong muốn lãnh đạo tạo thuận lợi cho trí thức và văn nghệ sĩ trong hoạt động nghề nghiệp; các ý kiến đó đăng báo Nhân văn khiến các vị bị vạ lây, suốt nhiều chục năm bị coi là những phần tử xấu. Và theo đó, ông cho rằng: câu hỏi Nhân văn là tờ báo thế nào? là câu hỏi của Đất Nước mà các thế hệ sau cần phải trả lời cho rành rẽ, minh bạch!

Đối với ông và gia đình, cái Tết Giáp Ngọ vừa rồi trôi qua trong tình cảm ấm áp mà chỉ những người ruột thịt mới có. Sau Tết, thi thoảng ông bị những cơn khó thở, nhưng ăn vẫn thấy ngon miệng, vẫn vui tính, vẫn nói chuyện dí dỏm theo cách của ông. Thế mà rồi, như ngọn đèn hết dầu, ông lặng lẽ ra đi hồi 22 giờ 30 phút, ngày 14 tháng 03 năm 2014, tức ngày 14 tháng 02 năm Giáp Ngọ, tại ngôi nhà riêng của vợ chồng con cái ông ở số 62 phố Khâm Thiên, Hà Nội. Ông ra đi nhẹ nhõm như chẳng còn gì vướng bận với cõi trần nữa…

Khổ một đời như ông mà sống được như ông, thì quả thật sự ra đi ở tuổi 95 đại thượng thọ của ông chỉ là một cú lướt nhẹ về trời, ở đó chắc chắn không có những khổ đau mà ông và những người như ông đã phải gánh chịu.

Thưa họa sĩ lão thành Trần Duy, kính tiễn ông về với trời đất, chúng tôi, những người ở lại sau ông, hiểu ông và ngưỡng vọng ông!

Xin kính cẩn dành một phút mặc niệm tiễn ông về nơi Vĩnh hằng !

………………….

(*) Bài điếu được soạn căn cứ vào tư liệu của gia đình, tác phẩm Suy nghĩ về nghệ thuật (NXB Hội Nhà văn, 2008), bản thảo hồi ký Một câu hỏi còn chưa được trả lời và các tác phẩm khác của người quá cố.

BÀI VIẾT CUỐI CÙNG CỦA NHÀ VĂN TRẦN DUY

Bác sĩ Đặng Văn Ngữ – Một nhân cách

Trần Duy

Những năm 30 của thế kỷ trước, khi từ Huế ra Hà nội theo học trường Cao Đẳng Mĩ Thuật Đông Dương, tôi ở nhà người chị con cậu tôi, có họ với Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, lúc bấy giờ ở phố Charron, nay có tên là phố Mai Hắc Đế.

Thỉnh thoảng tôi cùng chị tôi sang thăm gia đình bác sĩ Đặng Văn Ngữ, được biết bà Đặng Văn Ngữ tên là Cung, con gái cụ Tôn Thất Đàn Thượng thư Bộ Hình của triều đình Huế.

Đến khi bác sĩ Đặng Văn Ngữ được nhà nước Pháp cử sang Nhật nghiên cứu về Y học, bà Cung cùng các con rời Hà nội trở về Huế. Từ ngày ấy tôi không có tin tức gì của bác sĩ Ngữ và gia đình, cho đến khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cuối năm 1949, tôi có dịp qua Chiêm Hóa (Tuyên Quang) gặp lại các bạn cũ cùng ở Ký túc xá Đông Dương : bác sĩ Nguyễn Xuân Ty, bác sĩ Bửu Triều, được biết tin bác sĩ Đặng Văn Ngữ ở Nhật đã về nước tham gia Kháng chiến.

Năm 1950 tôi lên Chiêm Hóa thì bác sĩ Ngữ vùa từ Khu 4 ra Việt Bắc, hiện đang ở tại ngòi Quẵng, một địa điểm tập trung các cơ quan y tế Trung ương và một bệnh viện lớn trong kháng chiến . Các bác sĩ Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng đều công tác tại đó. Tôi đến gặp bác sĩ Ngữ, biết chuyện ông tìm về nước rất gian khổ, phải đi từ Nhật sang Thái Lan, nhờ những tổ chức yêu nước mới liên lạc được với Đại diện Chính phủ ta ở Bangkok… rồi được đưa theo đường bí mật về Nghệ An , từ đó lên Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

Gặp tôi ông hồ hởi:

- Trước tên là Tăng, nay đổi tên nên không biết là ai !

Bao nhiêu ngày tháng ông vẫn còn nhớ đến tên cũ của tôi. Ông cho tôi biết ông đang nghiên cứu về một loại kháng sinh Péniciline, chế tạo ngay trong nước với những nguyên liệu sẵn có như thân cây ngô, nấu chiết lấy nước để tạo ra dung dịch cấy nấm Péniciline, một chất kháng sinh – một phát minh mới cùng với Streptominicine, chống nhiễm khuẩn hiệu nghiệm nhất, rất cần cho các trạm cứu thương tiền tuyến, cho việc chữa chạy các thương binh.

Ông đặt làm những lọ thuỷ tinh dẹt, miệng lọ ở trên lưng; ông cho biết làm như vậy để diện tiếp xúc với không khí trong lọ nhiều, giúp nấm phát triển tốt. Nước ấy chắt lọc thành nước Péniciline kháng sinh dùng trong những ca mổ, phẫu thuật và điều trị các vết thương ở chiến trường cũng như ở các bệnh viện dã chiến.

Ngoài ra ông còn mở những buổi nói chuyện về những thành tựu y học mới cho anh em cán bộ, sinh viên, phổ biến cho họ những kiến thức mới về y tế, khoa học hiện đại.

Đang sinh hoạt ở một nước tiên tiến, về sống trong một môi trường thiếu thốn, ở trong một gian nhà nứa ọp ẹp, lạnh lẽo, không điện nước, ông vẫn vui vẻ, chấp nhận cuộc sống gian khổ cùng dân tộc và đất nước.

Ông đi xem triển lãm hội họa tổ chức trong kháng chiến cùng tôi, và gặp Tố Hữu. Tố Hữu cười hỏi ông:

- Làm sao anh biết được thằng cha ni?

Ông cười thay trả lời.

Triển lãm bế mạc, ông xin bức tranh áp phích của tôi vẽ Bài ca hòa bình lấy nứa nẹp thành khung đem về nhà treo.

Cuộc đời trôi qua những lớp chỉnh huấn, những lớp học chính trị sôi động, những thay đổi cũ, mới, tiến bộ, lạc hậu… xáo trộn nội tâm con người. Cho đến ngày bà Cung dự một lớp chỉnh huấn tại Việt Bắc và sau đó tôi được tin bà qua đời năm 1954. Cái chết đột ngột của bà trong lúc ông Ngữ đi công tác vắng đã để lại bao lúng túng cho mọi người. Ông Ngữ gặp tôi, gọi riêng ra một nơi vắng, ông hỏi:

- Anh có biết nhà tôi mất vì một nguyên do nào không?

Tôi cẩn thận trả lời:

- Em nghe hình như chị uống nhầm thuốc.

Im lặng một hồi lâu, ông nói:

- Một người cẩn thận và chu đáo như nhà tôi không thể có chuyện dùng nhầm thuốc được.

Và từ đó, ông im lặng, không hề nhắc đến sự việc này thêm một lần nào, mặc dầu im lặng trong đau thương.

Từ đó, ở cái tâm hồn thầm lặng ấy đã thấy bắt đầu có những vết thương rướm máu.

Ông đi cùng tôi về nhà, nói thêm:

- Nhà tôi là một người cẩn thận, chu đáo, từ những việc bình thường. Bà đã mang từ Huế các chăn gối của ngày mới cưới lên Việt Bắc…

Câu chuyện nghe kể như một mối tình huyền thoại.

Từ ngày ấy tôi không có dịp trở lại Chiêm Hóa để gặp ông Ngữ. Cho đến ngày tiếp quản Hà Nội, được tin ông đã về giảng dậy ở trường Đại học Y tại Hà Nội.

Lúc bấy giờ y học Việt Nam thiên về thuyết Missourin và Lytsenko của Nga, xem các học thuyết di truyền của các nước tư bản là phản động. Việc giảng dậy cũng gặp nhiều khó khăn, tuy vậy khi lên lớp ông vẫn giới thiệu cho sinh viên nghiên cứu học thuyết Mendel – Morgan, một học thuyết lúc bấy giờ được coi là phản động.

Việc này được báo cáo lên thủ tướng Phạm Văn Đồng và được ông trả lời:

- Những gì anh Đặng Văn Ngữ đã dậy, thì cứ thế mà học …

Tin này anh Nguyễn Hữu Đang nghe biết, bèn gọi tôi:- Nếu cậu quen với ông Ngữ, cậu nên đến đặt một bài phỏng vấn ông về vấn đề tự do dân chủ trong khoa học.

Tôi đến gặp ông Ngữ ở văn phòng trường Y, ngỏ ý muốn mời ông cho ý kiến về tự do dân chủ – ông vui vẻ nhận lời. Bài đã được đăng ở báo Nhân Văn số 5 ra ngày 20 tháng 11 năm 1956.

Tiếp đó, tòa soạn đã nhận được rất nhiều thư của các bác sĩ, trí thức tán thành những ý kiến nêu trong baì trả lời phỏng vấn của bác sĩ Đặng Văn Ngữ.

Ngày Quốc Khánh 2/9 năm sau , ông Ngữ dậy từ 4 giờ sáng, đạp xe đạp đến tập trung ở vườn hoa Hàng Đậu, để tham gia đoàn cán bộ công nhân viên Trường Y diễu qua lễ đài Ba đình, nơi mà những năm trước ông vẫn được mời đứng trên khán đài B .

Tôi ngỏ ý ái ngại khi gặp ông mồ hôi nhễ nhại vì nắng gắt, nhưng ông vẫn vui vẻ nói:

- Có sao đâu, được đi cùng anh em càng vui.

Cho đến khi báo Nhân Văn bị đình chỉ, bị lên án thì những trí thức đã tham gia viết bài cho báo như các ông Nguyễn Mạnh Tường, Đặng văn Ngữ, Đào Duy Anh, … chắc không tránh khỏi những hệ luỵ

Từ ngày ấy, tôi cũng ngại không muốn đến gặp ông Ngữ, vì tôi không muốn làm ông phải bị phiền hà thêm.

Nhưng rồi bỗng nhiên một hôm tôi mở hòm thư, nhận được giấy mời của Viện sốt rét kí sinh trùng thuộc Bộ y tế, kí tên Viện trưởng Đặng Văn Ngữ. Tôi vui mừng khôn xiết, vội vàng đến ngay.

Gặp tôi, chưa để tôi hỏi thăm, ông Ngữ đã hỏi tôi trước:

- Hiện làm gì để sống?

Rồi hỏi tiếp:

- Còn vẽ được không?

Chưa kịp để tôi trả lời, ông nói ngay:- Hôm nay mời anh đến để nghiên cứu và vẽ chân dung họ hàng nhà muỗi…

Ông giảng cho tôi biết về quá trình sinh sản truyền bệnh của con muỗi, cách đề phòng, điều trị… và đặt tôi vẽ một bộ tranh phổ biến trong nhân dân cách chống bệnh sốt rét, các dạng sốt rét, trường hợp đột biến ác tính của sốt rét có thể gây tử vong, v.v.

Tuy biết khó vẽ, nhưng ông Ngữ khích lệ tôi làm việc, và như vậy tôi sẽ có được một số tiền để sinh sống. Tôi có cảm giác đó là một sự giúp đỡ của một người anh yêu thương tôi hơn là việc đặt hàng của một ông Viện trưởng, vì thiếu gì người ông có thể đặt làm việc đó. Tôi chào ông ra về, nhưng lần này có một linh cảm nào đó khiến tôi nghĩ đến ông với một niềm luyến tiếc thương cảm.

Tiếp đó tôi nghe ông cùng đoàn chống sốt rét đi vào Nam… Khi tôi vào đến Viện sốt rét ở Thanh Xuân thì ông Ngữ đã đi rồi … Cho đến khi nghe tin ông mất ở Miền Trung sau một trận bom B52 ác liệt ở Bình Trị Thiên.

Bom đạn của chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của bao nhiêu nhân tài của nhân loại, trong ấy có bác sĩ Đặng Văn Ngữ.

Cho đến nay tôi vẫn mang trong lòng một niềm ân hận suốt đời : giá đừng có cuộc phỏng vấn, giá đừng mời ông tham gia viết bài cho báo Nhân Văn, và nói chung đừng ai quấy rầy làm phiền nhiễu ông, hãy cứ để ông làm việc yên lành trong phòng thí nghiệm của ông… chắc ông còn làm được nhiều hơn nữa cho đất nước và cho sự nghiệp khoa học của nhân loại .

(Bài đã in trong cuốn sách “ ĐẶNG VĂN NGŨ – MỘT TRÍ THỨC LỚN, MỘT NHÂN CÁCH LỚN“ do Nhà xuất bản Y học ấn hành năm 2010)

TÁC PHẨM NỔI TIẾNG CỦA NHÀ VĂN TRẦN DUY TRÊN TẠP CHÍ GIAI PHẨM MÙA THU

Tiếng sáo tiền kiếp

Ven sườn núi Mân có con sông Ô Nan. Dọc bãi sông Ô Nan là thôn Hoàng. Thôn Hoàng có một người thổi sáo. Người ấy còn trẻ, cả xóm biết chàng từ lâu, nhưng không rõ tên, chỉ quen gọi là người thổi sáo thôn Hoàng.

Thú vật của thôn Hoàng cũng quen với tiếng sáo. Đêm đêm chàng vẫn mang sáo ra bến sông thổi. Nước chảy xoắn lại ở chân cầu; Tiếng sáo như cầm cả nước, và những con thuyền khách trôi bềnh bồng trên dòng sông.

Đời sống cơ cực của thôn Hoàng đẹp được phần nào, nhờ tiếng sáo của chàng.

Có một hôm, một người lạ mặt đến chơi thôn Hoàng, và tìm đến lều cỏ của người thổi sáo. Vai mang một chiếc đẫy vải sô, bên ngoài buộc lủng lẳng một chiếc sáo trúc, đầu sáo rủ xuống hai hoa tua bằng tơ vàng và hai viên hổ phách, màu đỏ như hai giọt máu tươi. Hai người nhìn chiếc sáo, chào nhau như người quen biết cũ. Đêm hôm ấy hai người đối chuyện nhau. Quá giờ Tý, chuyển sang thổi sáo. Người khách mời người thổi sáo thôn Hoàng. Hết khúc này sang khúc khác, sao hết giờ đổi ngôi, tiếng sáo vẫn còn. Sương rơi lộp bộp trên lá, người nghe có cảm giác tiếng sáo gặp khí lạnh của đêm, đọng lại thành châu và ứa ra từng giọt một. Dứt tiếng sáo hai người cùng im lặng, ngồi nghe dư âm của tiếng sáo. Bỗng người khách lạ cất tiếng nói tư lự:

“Chỉ tiếc, không thể đáp lại món nợ này.”

Người thổi sáo thôn Hoàng khiêm tốn:

“E rằng tài thấp không làm vui được lòng người quý đêm nay chăng?”

Người khách cười:

“Tiếng sáo của nhân thế mà kỳ ảo đến thế là quá rồi. Tôi chỉ tiếc không thành con dế, ngọn cỏ sống bên cạnh lều này để suốt đời được nghe tiếng sáo.”

Người thôn Hoàng lễ phép:

“Đa tạ.”

Khách thở dài:

“Tôi xin chịu thất lễ mà không dám hoạ lại. Vì thổi vào sáo của người, bạc đầu tôi cũng không thể thổi bằng người được, còn chiếc sáo của tôi…”

Người khách im lặng, mân mê chiếc sáo buộc vào tay đẫy. Người thổi sáo thôn Hoàng xin phép được xem. Người khách ngập ngừng đưa, hai tay vẫn giữ hai đầu sáo. Người thôn Hoàng ngạc nhiên:

“Chiếc sáo quý quá thật rồi!”

Khách lắc đầu thở dài:

“Chỉ sợ làm khổ nhau suốt đời thôi.”

Người thôn Hoàng như hờn dỗi trả lại chiếc sáo, im lặng nhìn trời. Trời sâu thăm thắm, lòng chàng như có lửa đốt cháy.

Xưa nay sống ăn quả cây, uống nước suối, ở lều cỏ, ngủ ổ rơm, người nghệ sĩ thôn Hoàng không bị giày vò vì một hoài bão nào, chưa khổ vì một ước mơ dù lớn dù nhỏ.

Chỉ đêm nay chàng khổ, vì đời chàng đã có một khát vọng đó là chiếc sáo của người khách lạ…

Sao rua đã ngả về nam. Vạc đã bắt đầu bay ngược sông Ô Nan. Thuyền chài thức dậy đã lên lửa, tiếng gõ vào mạn thuyền vọng qua núi Mâu và vang về thôn Hoàng! Sương vẫn còn rơi: tiếng sáo lúc đầu hôm như chưa tan hết, còn giọt lại mấy giọt sau cùng…

… Bỗng người khách lạ đứng dậy, đưa sáo lên thổi… Tiếng sáo ngân từ trong lòng trúc, nghe rất nhỏ… Tiếng sáo vút lên, dồn dập. Tiếng sáo càng như thắt lòng, não nuột; người thổi sáo thôn Hoàng rùng mình, tiếng sáo như lưỡi dao mỏng lùa vào xương tuỷ, lóc từng thớ gân một, chàng rợn người vì cảm xúc, lạnh buốt cả mười đầu ngón tay, sởn da gà, mồ hôi ở trán vã ra, chảy từng giọt.

Và tiếng sáo dừng bặt. Im lặng. Hình như sau tiếng sáo, cây cỏ, đá hoa đều tan đi cả, chỉ còn lại một thứ: đó là một nỗi buồn. Cái buồn thấm thía, từ đời kiếp nào kéo về.

Người khách thổi xong, gục đầu xuống chiếc sáo khóc nức nở. Người thôn Hoàng cũng thấy tiếng khóc ấy bắt đầu ở tâm hồn mình.

Khách cất sáo vào đẫy phân trần:

“Cuộc vui đêm nay vì tiếng sáo hoá thành buồn vạn thuở.”

Người thổi sáo thôn Hoàng nằn nì xin kết bạn, cùng ra đi giang hồ.

Khách hỏi:

“Chủ nhân đi đâu?”

“Ta đi theo tiếng sáo.”

Khách đáp:

“Tiếng là khí, tan trong gió, khách theo thế nào được!”

Chủ nhân trả lời:

“Ta sẽ tan trong gió, quyện vào khí để theo tiếng sáo.”

Khách cười:

“Ta chưa hề gặp người nào yêu sáo như chủ nhân.”

Chủ nhân đáp:

“Ta chưa hề gặp người nào thổi sáo như thần sầu, quỷ khóc như khách.”

Khách thở dài:

“Sáo hay không phải tại người thổi…”

và kể:

“Tổ phụ ta chết đi để lại chiếc sáo này. Tổ phụ ta xưa vốn là người yêu sáo. Một đêm mưa gió một người khách xin ghé núp mưa. Người ấy và tổ phụ ta thức suốt đêm nói chuyện về sáo. Tổ phụ ta thổi sáo, người ấy đánh nhịp, tỏ ra là một người rất sành về sáo. Bất chợt người ấy hỏi:

‘Ông đã biết rừng Tĩnh Tước chưa?’

Tổ phụ ta trả lời chưa; người ấy kể:

‘Tĩnh Tước là một khu rừng cách đây vài nghìn dặm. Hàng năm tiên xuống một lần lấy trúc về làm sáo cho Quảng Hạc. Tiếng sáo thổi vào trúc ấy… có thể lay hồn người chết, đời sống tiền kiếp cũng trở về, thổi vào bãi tha ma người chết cậy nắp áo quan trỗi dậy, tiếng khóc chôn chặt từ ngàn đời lại nức nở oà lên… thổi vào núi, đá cây cũng thành nước mắt…’

Tổ phục ta thao thức suốt đêm… Chợt có tiếng sét lớn choàng tỉnh dậy… Người khách lạ đã đi rồi, bỏ quên lại chiếc quạt lá vả. Tổ phụ ta treo lên giá làm kỷ niệm. Một dạo trong thôn, về tiết xuân, bướm ở đâu kéo về lắm quá, muôn mầu, nhởn nhơ. Rừng và bãi cỏ như nở hoa… Hết mùa, bướm lại bay đi… Lúc tổ phụ ta nhìn lại giá, thì chiếc quạt lá vả cũng mất từ bao giờ.

Từ hôm tổ phụ ta nghe câu chuyện sáo ấy, người trở nên âu sầu, bỏ ăn bỏ ngủ, đi lang thang khắp xóm, gặp ai cũng hỏi khu rừng Tĩnh Tước. Mọi người đều cười. Tổ phụ ta nói:

‘Khu rừng ấy cách đây vài nghìn dặm.’

Vài nghìn dặm quanh đây là chỉ rừng lá han, lá đụng vào da thịt buốt đến tận óc, biết đâu là rừng Tĩnh Tước. Tổ phụ ta bỏ nhà bỏ cửa, ra đi. Đi hàng tuần trăng, hỏi những nhà cụ già sống hơn trăm tuổi nhân trung dài quá ngón tay, họ đều trả lời:

‘Lâu lắm từ lúc lão còn để chỏm trái đào, cũng có nghe xôn xao tên rừng Tĩnh Tước; ở thôn lão cũng có người say, uống xong hai ché rượu ra đi tìm rừng Tĩnh Tước. Đi từ dạo ấy đến nay chưa về…’

Tổ phụ ta lại cứ đi. Tháng này qua tháng nọ, mùa này qua mùa khác, vẫn cứ đi. Một buổi chiều dừng lại ở một chiếc quán bơ vơ giữa đèo. Quán không có người. Một chốc trời mưa như trút; bỗng có tiếng đẩy cửa, quay lại thấy một người con gái, mặc áo lụa màu khói, đai áo màu thiên thanh, hai dải lụa thắt lưng bằng nhiễu trắng và hồ thuỷ. Đôi mắt lá răm. Tổ phụ ta thoang thoảng ngửi thấy một mùi hương kỳ lạ, không phải là mùi hoa, mùi cỏ. Kẻ sành chơi các loài hoa lan, hoa mộc, nếm các vị cỏ, cỏ ô, cỏ thạch bồ, hương nhu như tổ phụ ta, vẫn cho đó là một mùi hương kỳ lạ.

Người con gái hiểu ý cười:

‘Hương rừng Tĩnh Tước đấy.’

Tổ phụ ta nghe xong lặng điếng người, run lên, chiếc đẫy rơi lúc nào không biết.

‘Rừng Tĩnh Tước ở về phương nào?’

Người con gái chỉ tay trước mặt, không nói.

Trước mặt tổ phụ ta là một khu rừng trúc. Tổ phụ ta ngồi nhớ lại, lúc chiều đến chân đèo, tuyệt nhiên chẳng thấy chung quanh một khu rừng trúc nào, chỉ toàn bãi cỏ, bông lau.

Người con gái hỏi:

‘Khách đến đây tìm trúc?’

Tổ phụ ta lại hỏi:

‘Sao chủ quán biết?’

Người con gái cười không trả lời. Một chốc nàng nói:

‘Người tục không nên thổi sáo trúc Tĩnh Tước.’

Tổ phụ ta hỏi:

‘Cớ sao tiên lại thổi được?’

Nàng cười:

‘Vì tiên không có tiền kiếp.’

Tổ phụ ta lại hỏi:

‘Tiền kiếp là thế nào?’

Người con gái chỉ tổ phụ ta mà cười:

‘Tiền kiếp là những giọt nước mắt trong người khách!’

Nàng tiếp:

‘Tiếng sáo tuy có hay, nhưng hay gì mà lại sống những nghiệp chướng đã qua.’

Đêm ấy tổ phụ ta không ngủ được, mới sáng tinh sương đã lội suối lần vào rừng trúc. Thân trúc thẳng đuột, cao chót vót. Cật trúc màu ngà, gân xanh màu ngọc thạch… và vẫn cái mùi hương ở chiếc quán phảng phất trong khu rừng.

Tổ phụ ta đi mãi vẫn chưa gặp một người tiên nào đẵn trúc, chỉ nghe tiếng nói xôn xao ở đâu đâu, lúc gần, lúc hiện nghe như trên cao, lúc tưởng như cạnh mình, thỉnh thoảng lại một tiếng cười ngân lên, và vẫn cái mùi hương kỳ ảo quấn quýt quanh người. Bỗng gió bay, tạt tà áo của tổ phụ ta vướng vào một cành trúc, lúc ấy ở bụi trúc vang lên một chuỗi cười, tinh nghịch, tiếng cười không dứt được. Tổ phụ ta cuống lên đưa dao chặt cành trúc. Tiếng cười cứ như thế xa dần…

Tổ phụ ta rùng mình… Phút chốc rừng trúc tan đi từ bao giờ, quanh mình chỉ một lớp sương dày đặc bao quanh, Tiếng nói cười lao xao văng vẳng trên cao nhỏ dần, và mùi hương cũng nhạt bớt. Chợt nhìn lại trong tay vẫn còn khư khư một cành trúc.

Tổ phụ ta lần về chiếc quán thì chân đèo bát ngát, chỉ còn bãi cỏ và bông lau.

Từ ngày được chiếc sáo ấy, đời sống và tâm tình tổ phụ ta thay đổi hẳn. Suốt tháng ngày không rời chiếc sáo. Tiếng sáo càng thổi người tổ phụ ta càng gầy rộc. Có lúc hai tay ôm chiếc sáo khóc hằng giờ. Cứ như thế, thổi xong là khóc, hết khóc lại thổi, ngày này qua ngày nọ, mùa này qua mùa khác, người tổ phụ ta héo hon dần. Suốt ngày không ăn uống, nhắm mật hoa, uống nước mưa cầm hơi, lúc tỉnh lại thổi sao. Tiếng sáo ngày càng sầu thảm lâm ly… Rồi một hôm tổ phụ ta từ trần.

Lúc gần chết, lạnh lên quá rốn mới chịu rời chiếc sáo, chỉ trối lại một câu:

‘Đời ta oan trái vì tiếng sáo này. Cuộc đời mai hậu đừng nên thổi sáo này; Tiếng sáo tuy hay, nhưng hay gì mà lại sống lại những nghiệp chướng đã qua.’

Chiếc sáo truyền từ đời này đến đời nọ, giữ nó như một vật gia bảo oan gia, đời nào cũng xem nó là một di hoạ cho dòng giống mà không đời nào có ý nghĩ huỷ phá nó đi.

Người thân sinh ra ta, có một hôm nằm mê, thấy chiếc sáo để ở án thờ tổ phụ tự nhiên ngân lên thành tiếng nức nở oán hờn. Người thất thanh hét lên choàng dậy… Lúc ấy chỉ có giông lùa vào liếp, rít qua các lỗ sáo. Từ đấy người sai con cháu lấy nhiễu phong chiếc sáo và buộc bằng dây ngũ sắc vào chiếc án thờ.

Chiếc sáo truyền từ đời này sang đời khác, nằm xuống trối lại với người sống sau chỉ có một câu truyền kiếp:

‘Cuộc sống mai hậu đừng nên thổi sáo này. Tiếng sao tuy hay nhưng hay gì mà sống lại những nghiệp chướng đã qua…’’’

Kể đến đây người khách lạ ôm mặt khóc nức nở. Người nghệ sĩ thôn Hoàng cũng nức nở khóc theo, và choàng thức dậy vì chính tiếng khóc của mình. Người khách lạ đã đi rồi. Lửa chài ven sông đã tắt. Lúc nhìn lại tay, người nghệ sĩ thôn Hoàng giật mình: chiếc sáo của người khách… hai viên hổ phách như hai giọt máu tươi nhỏ xuống!

Từ ngày làm chủ chiếc sáo ấy, đời sống và tâm tình người thổi sáo thôn Hoàng thay đổi hẳn.

Chàng bỏ ăn, bỏ ngủ; Mỗi lần thổi lên tiếng sáo, chàng lại thấy tâm tư như có một cái gì day dứt. Trước chỉ lấy tiếng sáo làm lẽ sống chính của đời mình, nay vì có tiếng sáo ấy, chàng thấy khao khát một điều gì, hoài tiếc một cái gì mà chàng không tìm thấy ở cuộc đời thực tại.

Một hôm lính phủ giải một người tử tội đi qua thôn Hoàng. Hắn là một tên tướng núi ba mươi năm ngang dọc, xem triều thần như một ổ kiến. Chẳng may sa lưới. Hắn bị trói gô đưa ra pháp trường. Từ khi bị bắt đến lúc nghe tin xử tử, hắn chỉ cười. Lính phủ giải hắn qua lều cỏ lúc người nghệ sĩ thôn Hoàng đang thổi sáo. Bỗng hắn thở dài, gục đầu vào song cũi và khóc nức nở.

Tên quan ngục hỏi:

“Mày đã sợ chết rồi ư?”

Người tử tội quắc mắt:

“Lưỡi dao của triều thần chúng mày không làm tao sợ bằng tiếng sáo của người ngồi trong lều cỏ.”

Người tử tội xin gặp người thổi sáo, cúi rạp đầu xuống vấn lễ:

“Nếu người thương cái chết của kẻ sĩ này, người đừng thổi lên tiếng sáo ấy nữa, vì ta không muốn khóc để lũ chó bọ của triều đình tưởng rằng ta sợ lưỡi gươm của chúng.”

Hôm sau mấy hồi cồng, chiếc đầu lâu người tướng núi lăn xuống đất, người nghệ sĩ thôn Hoàng ngồi thụp xuống khóc. Chàng cất tiếng sáo. Đôi mắt trên chiếc đầu lâu đang trừng trừng quắc thước nhìn bỗng nhắm nghiền lại… Hai giọt nước mắt cuối cùng lăn xuống đôi môi mấp máy như muốn nói một lời gì.

Và cũng hôm ấy chàng châm lửa đốt lều cỏ bỏ thôn Hoàng ra đi. Đêm hôm ấy, nước sông Ô Nan xoắn lại ở chân cầu, như chờ nghe tiếng sáo. Hổ báo nằm về nằm lên đống tro của túp lều cỏ, đánh hơi tìm vết chân của người nghệ sĩ… Và từ đấy không ai ở thôn Hoàng còn nghe tiếng sáo của chàng nữa.

Cứ đi như vậy, một hôm dừng chân nghỉ ở một ngôi chùa, tấm bia đá dựng ở đầu hiên đã đổ, mưa gió làm vẹt cả dòng chữ khắc ngày tháng dựng ngôi chùa. Ngôi chùa đổ nát. Cây rừng chen chân giữa sân tam bảo. Rêu xanh um tùm, dày từng lớp như đệm. Người thổi sáo lần qua cửa tam quan, bước vào chùa. Ở đây mấy đời rồi không ai đặt chân đến?

Không khí trong ngôi chùa xanh rờn rợn, như rêu đã bám vào lớp không khí đọng lại ở đấy bao đời. Chàng tìm thấy một góc chùa, phủi sạch mặt bệ ngồi xuống. Chàng nhìn xung quanh. Trên một cái bục, dưới một chiếc khám đổ nát, chàng để ý đến một pho tượng. Lau sạch bụi: Đó là một pho tượng Phật Bà. Trong cảnh hoang vắng ấy tìm thấy hình dáng con người, dù chỉ là một pho tượng, chàng thấy đỡ cô quạnh. Trong chỗ tranh tối tranh sáng, pho tượng im lặng như một người đẹp ngao ngán lẽ sống, ẩn vào đây nhập định, môi như mấp máy cầu nguyện một điều gì, ngực phập phồng theo hơi thở… Dưới lớp vôi vữa ấy, chàng sờ lên mặt, lên ngực lên tay, tưởng chừng có khí ấm của da thịt người.

Đêm hôm ấy chàng nhặt cành khô, đánh đá châm lửa. Bóng đêm chợt thức dậy… Bóng đêm chưa từng biết ánh lửa đã bao nhiêu đời?

Chàng gối đầu lên chân pho tượng. Pho tượng cúi mặt xuống nhìn chàng. Đôi mắt bằng vôi vữa đêm nay, để lại trong tâm hồn chàng một cảm giác huyền diệu như cái nhìn của đôi mắt long lanh có đồng tử con người bằng xương máu.

Chàng lấy sáo ra thổi. Cái sống quên lãng ở đây đêm nay xao xuyến. Bóng lửa chập chờn nhớ nhung ai? Tiếng sáo cứ đi lóc lách qua từng kẽ lá… Cái gì đã trót có một tâm hồn ở đây, đêm nay đều thao thức.

Ánh lửa lụn dần… Giơi thôi bay…

Bỗng chàng thấy ở cuối sân tam bảo có ánh lửa sáng rực. Tiếng sáo nhạc, sanh phách tấu lên. Đám rước đi qua cửa tam quan. Giữa đám rước có một chiếc kiệu, trên chiếc kiệu có một người đàn bà ăn mặc trang trọng, đầu đội mũ lóng lánh kim sa, ngồi bên cạnh một người con gái trạc 18, 19, tóc để đầu đính một cành hoa màu trắng gần đỉnh đầu. Chàng ngờ ngợ như đã gặp người con gái một lần ở đâu rồi. Đám rước dừng lại.

Người đàn bà vén xiêm nhẹ nhàng xuống kiệu, dắt người con gái đến trước mặt chàng ra lệnh cho người con gái cúi đầu làm lễ:

“Xin cảm tạ ơn chàng làm sống lại.”

Chàng hỏi:

“Nàng là ai?”

Người con gái trách móc:

“Vừa gặp nhau ban chiều đã quên rồi ư?”

Người đàn bà ngồi kiệu nói:

“Tiên nữ ta nhờ tiếng sáo người mà hoá kiếp. Nguyên kiếp trước vì một nghiệp trái phải chết, máu trong người ba năm không tan, nước mắt đọng dưới chân mồ. Ta xót thương tiền kiếp, biến xác nó thành vôi hồ cho thợ khéo nặn thành tượng, cho phách nhập vào rừng Tĩnh Tước, và có hẹn đến khi nào tiếng sáo rừng Tĩnh Tước thổi vào vôi hồ của bức tượng này, nàng sẽ được hoá kiếp. Hôm nay lời hẹn đã thành, để tạ ơn hoá kiếp ấy, ta cho phép tiên nữ sẽ theo người.”

Rồi quay về phía người con gái:

“Ở nhân thế, tiếng cười và nước mắt vẫn phải còn. Cuộc đời ngàn năm dù có muốn quên đi vẫn chẳng nguôi được, nhưng sống một ngày với nước mắt vẫn còn hơn nghìn năm với kiếp vôi hồ.”

Dứt lời, người đàn bà lên kiệu, đám rước lại đi xa, đàn sáo nhạt dần…

Lúc tỉnh giấc, ánh nắng yếu ớt rỏ xuống mặt người thổi sáo từ những lỗ mái thủng, một thứ ánh sáng nhạt như phấn hoa.

Nhớ lại giấc mơ chàng nhìn pho tượng… Pho tượng đã mất chỉ còn lại trên bệ chiếc hoa sen đắp bằng đất, pho tượng vẫn cầm ở tay.

Lúc nhìn ra cửa, người con gái đã đứng ở đấy. Chàng chạy lại cầm tay cười:

“Hôm qua nhìn nhau chẳng nói được nên lời, hôm nay tay đã nắm được tay rồi.”

Chàng vui vẻ chỉ bục đất:

“Thử ngồi lại lên bệ như cũ xem!”

Người con gái cười:

“Đã ngồi ở đây ngót nghìn năm, còn gì phải thử.”

Lúc hai người sắp rời ngôi chùa, người con gái bỗng ngồi xuống bệ nước mắt chạy quanh. Người nghệ sĩ thôn Hoàng hỏi:

“Vui vì kiếp đời vôi vữa mà luyến tiếc?”

Nàng đáp:

“Dù sao cũng là một cuộc đời đã qua.”

Chàng hỏi:

“Chẳng muốn quên đi được ư?”

Nàng đáp:

“Muốn quên và quên là hai việc không giống nhau.”

Một hôm ngồi cạnh nhau, người con gái nói:

“Chiếc sáo này từ khi gặp nhau, quên mất nó.”

Người thổi sáo ôm vợ vào lòng thở dài không nói.

Nàng hỏi:

“Đến bao giờ thì thôi thở dài?”

Người thổi sáo đáp:

“Đến khi nào tiếng sáo và nước mắt của nàng không hoà cùng nhau; vì ta không bỏ được tiếng sáo nhưng cũng sợ những giọt nước mắt của nàng.”

Từ đó người đàn bà lại thở dài; một hôm nói:

“Thà yêu nhau trong nước mắt còn hơn là phải xa nhau.”

Người thổi sáo đáp:

“Chỉ sợ có tiếng sáo rồi chẳng yêu được nhau thôi!”

Nàng cười:

“Sao nỡ xem tâm hồn nhau như chiếc lá, rụng khỏi cành là xong một kiếp?”

Chàng nhìn vợ và nhìn chiếc sáo.

Một hôm dừng lại ở một bến sông. Mây tím ngắt ứ lại, như từng mảng tiết lớn đọng trên trời. Người thổi sáo thôn Hoàng ôm sáo khóc. Vợ đang nhìn bóng mây trôi theo nước, chợt tỉnh hỏi tại sao? Chàng đáp:

“Ta muốn vứt chiếc sáo này xuống dòng sông.”

Người vợ hốt hoảng:

“Để em thay chiếc sáo.”

Chàng im lặng, hai tay giữ chiếc sáo và vợ lại.

Nàng nói:

“Tiền kiếp có nhất thiết chỉ là nước mắt mà thôi đâu? Tiếng cười và hoa bướm cũng bắt đầu cùng có một lúc với nước mắt và thở dài, cớ sao mà sợ?”

Người thổi sáo lắc đầu nhìn vợ, từ từ đưa sáo lên thổi.

Người con gái rùng mình. Tiếng sáo như một luồng gió lạnh lùa vào xiêm áo nàng. Nàng nghẹn thở, rợn người, lạnh buốt toàn thân. Tiếng sáo tan trong không, thấm vào xương tuỷ. Tiếng sáo đến với nàng như những giọt dấm thanh đổ vào đống xương mục, đống xương lụn xuống dần, rã từng mảng, hơi bốc bay theo khói.

Người con gái ôm ngực khóc nức nở. Người thổi sáo hốt hoảng; nàng thổn thức:

“Tiền kiếp có thể là tiếng cười và hoa bướm, nhưng khi trở về với hiện tại nó vẫn phải về theo cùng với tiếng thở dài và tiếng khóc!”

Tiếng sáo càng lâm ly bao nhiêu, xương thịt người con gái như tan theo với tiếng sáo. Nàng gầy rạc, chỉ còn đôi mắt là sáng.

Người thổi sáo có cảm giác mỗi lần thổi lên tiếng sáo, là thổi tan cái khí sống tụ trong người mình yêu.

Chàng mấy lần muốn bẻ cây sáo, người vợ can:

“Đừng nên bắt cuộc sống vô tình chỉ có hiện tại mà không có dĩ vãng.”

“Nhưng tiếng sáo sẽ giết em.”

“Cuộc đời lúc đã thành dĩ vãng trong những tâm hồn, thì nó cũng thành lời ca, âm nhạc và mầu sắc của những tâm hồn ấy: Có thể có một vài người chết vì dĩ vãng nhưng đừng bắt dĩ vãng phải chết vì một vài người.”

Nàng nắm tay chồng:

“Dù người ấy là em.”

Cứ như thế, cho đến khi người con gái kiệt sức. Nàng nắm chặt tay chồng ra hiệu cúi xuống:

”Hôm nay chúng ta xa nhau rồi.”

Người thổi sáo nói:

”Tiếng sáo oan trái đã giết em! Sao ta chiều em mà chẳng vứt chiếc sáo đi!”

Nàng không trả lời.

Nhắm mắt hồi lâu, nàng khẽ nói:

”Chỉ tượng bằng gỗ đá vô tri mới giữ nổi nụ cười trên môi đời đời kiếp kiếp.”

Người thổi sáo nói:

”Giá cứ để em là pho tượng em sẽ không đau khổ và ta chẳng mất em!”

Nàng cười:

”Em muốn khóc giọt nước mắt đau khổ của con người hơn cười nụ cười của cực lạc của pho tượng đất!”

Người thổi sáo ôm vợ vào lòng khóc nức nở. Lúc buông tay ra, vợ đã chết từ lâu, xác nhẹ như miếng than trầm.

Chôn vợ xong người thổi sáo lại ra đi. Tiếng sáo càng buồn lâm ly, và chàng lại buồn hơn tiếng sáo.

Một hôm có người khách lạ nghe tiếng sáo lần lại làm quen. Người ấy ngồi nghe quên đi. Người thổi sáo dừng lại hỏi:

”Khách không lên đường?”

Người khách chỉ vào chiếc sáo cười không đáp.

Người nghệ sĩ thôn Hoàng thở dài nhìn chiếc sáo.

Khách hỏi:

”Cớ sao buồn?”

Đáp:

”Ta buồn, vì còn có người yêu tiếng sáo này.” Và chàng thuật lại câu chuyện chiếc sáo. Hai người cùng khóc.

Hai người đến đầu xóm Trài. Người nghệ sĩ thôn Hoàng bảo bạn:

“Mệnh ta khó qua khỏi đêm nay.”

Khách ngạc nhiên, chàng nói:

”Đời ta như ngọn đèn cạn dầu, tuy có sáng, nhưng phút chốc tắt ngay được. Nếu ta có chết, xin người đem chiếc sáo này chôn cùng với ta.”

Nói xong chàng tắt thở như ngọn đèn gặp gió.

Người khách mang xác chàng ra chôn ở cuối bãi cát bồi. Hắn đặt chiếc sáo xuống rồi lại chép miệng lấy chiếc sáo lên dắt vào đẫy, mấy lần như vậy, cuối cùng hắn thở dài chôn chiếc sáo cùng với người nghệ sĩ thôn Hoàng. Ra đi ngót dặm, hắn quay trở lại moi đất tìm chiếc sáo thì dấu đất mới đào và chiếc sáo đã mất.

Nguồn: Giai phẩm mùa Thu 1956 – Tập I. In lần thứ hai. Với sự cộng tác của Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Trần Duy, Quang Dũng, Phan Khôi, Hữu Loan, Trần Lê Văn, Phác Văn, Huy Phương, Lê Đại Thanh, Hoàng Yến. Phụ bản: “Nghỉ trưa” của Nguyễn Tư Nghiêm, in tại nhà in Quảng Nghi do Ngô Quang Thịnh trông nom. Bìa của Sỹ Ngọc, in tại nhà in Minh Đức, do Nguyễn Viết Thưởng trông nom. Tranh đả kích của Trần Duy – Bản khắc của nhà Tiến Mỹ, Hiệp Hưng, Tân Hưng. Minh Đức xuất bản, in tại nhà in Xuân Thu Hà Nội. Hoàn thành ngày 29-8-1956, khổ 16×24, 64 trang số in 318, số xuất bản 48. Nộp lưu chiểu tháng 9-1956 tại Hà Nội. Bản điện tử do talawas thực hiện.

Nguồn bản digital: talawas.org