Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (7)

Thụy Khuê

Chương 5

Ai cứu Nguyễn Ánh khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ, tháng 9-10/1777

Điểm chính ghi "công trạng" của Bá Đa Lộc đối với vua Gia Long, không phải là việc ông đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện, bởi vì những ai thông thạo tình hình đều biết rằng vị giám mục đã thất bại trong nhiệm vụ của mình, nhưng điểm mà ông "thành công" và được các sử gia Pháp ghi nhận, đó là công ông cứu vua Gia Long thoát chết khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ, trong tháng 9 và tháng 10 năm 1777, để đi đến kết luận: nếu Giám mục Bá Đa Lộc không cứu sống Nguyễn Ánh, thì không có triều Nguyễn.

"Sự thực lịch sử" này, sẽ biến thành "công ơn của nước Pháp" đối với triều Nguyễn, được lập đi lập lại ở nhiều nơi, đặc biệt trong các văn thư chính thức của chính phủ Pháp hoặc của các thủy sư đô đốc gửi triều đình các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, để đòi trả các giáo sĩ bị bắt, hoặc xin thông thương.

Đã đến lúc chúng ta cần điều tra lại sự kiện này, xem hư thực thế nào.

Nguyễn Quốc Trị cũng đã bắt đầu công việc trong tác phẩm Nguyễn Văn Tường, ở đây, chúng tôi đưa ra một cách khảo sát khác.

Ngoài những thông tin chính thức, chúng tôi để ý đến một cuốn sử ngoài luồng, đó là cuốn Sử ký Đại NamViệt, có một số thông tin khác lạ, không thấy trong chính sử, tên đầy đủ của cuốn sách này như sau:

"Annales Annamites [Sử biên niên An Nam]. Sử Ký Đại Nam Việt. Quốc triều. Nhứt là doãn tích từ Hiếu Vũ Vương cho đến khi vua Gia Long (Nguyễn Ánh) đặng trị lấy cả và nước An Nam".

Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa, in lại sách này ở Sài Gòn năm 1974 và ở Montréal năm 1986, ghi:

"Chúng tôi chỉ có một bản do nhà dòng Tân Định (Imprimerie de la Mission de Tân Định) in năm 1909 và ghi rõ là in lần thứ năm. Như vậy tất bản in lần thứ nhất phải ra đời nhiều năm trước năm này.

Bản in này có ghi các dòng chữ Annales annamites và Quốc triều, có lẽ là do người đương thời ghi chép " (Nguyễn Khắc Ngữ, Lời nói đầu).

Nguyễn Quốc Trị có đọc sách này, nhưng ông không tin những điều viết trong sách.

Người viết (hoặc nhiều người viết) cuốn Sử Ký Đại Nam Việt, chắc chắn thuộc nhà dòng, thân thuộc hoặc là con cháu linh mục Paul Nghị, người mà chúng ta sẽ biết là ai. Người viết là người Việt, nên đã cung cấp một số thông tin khác về việc Nguyễn Ánh chạy thoát năm 1777, không giống thông tin của Pháp, và cho ta biết những chi tiết về Nguyễn Ánh hồi trẻ, hoặc những việc xẩy ra không được lịch sử chính thống ghi lại. Người viết, với chữ quốc ngữ còn phôi thai thời ấy, lại không chuyên về nghiên cứu, có lẽ ít học, nên cứ kể chuyện theo trí nhớ, có những chỗ không ăn khớp lắm với thời gian lịch sử, tuy nhiên, những dữ kiện trình bày, nhiều điều có thể dùng được để so sánh với các tài liệu khác.

Trước hết, xin nhắc lại sự kiện lịch sử xẩy ra trong hai tháng 9-10/1777, khoảng thời gian gia đình và quần thần của chúa Nguyễn bị Nguyễn Huệ lùng bắt và tận diệt:

Ngày 19/9/1777, Tân Chính Vương (Hoàng Tôn Dương) và 18 quan theo hầu bị giết.

Ngày 18/10/1777 Định Vương Nguyễn Phước Thuần bị giết cùng với Tôn Thất Đồng, anh ruột Nguyễn Ánh và các tướng: Trương Phúc Thận, Lưu Thủ Lương, Nguyễn Danh Khoáng.

Một mình Nguyễn Phước Ánh, 15 tuổi, chạy thoát.

Trốn tránh ở đâu? Ai nuôi ăn? Ai cho ở?

Thực Lục và Liệt Truyện không viết rõ việc này, tại sao?

Đại Nam Thực Lục

Về việc này, Thực Lục ghi như sau:

"Tháng 8 [ÂL, tháng 9/1777] giặc Nguyễn Văn Huệ thêm quân đánh Hương Đôi. Chưởng cơ Thiêm Lộc chạy đi Ba Việt, Tân Chính Vương thấy quân ít lương hết, bàn kế chạy về Bình Thuận cùng Chu Văn Tiếp họp quân, rốt cục không xong. Các tướng đều tản mát. Chưởng cơ Tống Phước Hoà than rằng: "Chúa lo thì tôi phải chết, nghiã không thể tránh được", rồi tự tử.

Ngày Tân Hợi [18/8/Đinh Dậu - 19/9/1777] Tân Chính Vương bị hại chết (...)18 người quan theo hầu đều bị giặc hại cả.

Chúa [Định Vương] đi Long Xuyên.

Tháng 9 [ÂL, tháng 10/1777], giặc Nguyễn Văn Huệ sai Chưởng cơ giặc là Thành (không rõ họ) phạm Long Xuyên.

Ngày Canh Thìn [18/9/Đinh Dậu- 18/10/1777] chúa băng. Tôn Thất Đồng (con thứ hai của Hưng tổ) cũng chết theo... " (ĐNTL, I, t.190-191).

Vài trang sau, viết về vua Gia Long, Thực Lục ghi thêm:

"Mùa xuân năm Đinh Dậu [1777], giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ vào đánh cướp Sài Gòn (thuộc tỉnh Gia Định) Duệ Tông đi Đăng Giang (thuộc tỉnh Định Tường). Vua [Nguyễn Ánh] đem binh Đông Sơn đến ứng viện, đón Duệ Tông đến Cần Thơ (tức đạo Trấn Giang thuộc tỉnh An Giang), rồi đến Long Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tiên).

"Tháng 9 [ÂL, tức tháng 10/1777] mùa thu, quân giặc theo ngặt, ngày Canh Thìn, Duệ Tông bị nạn băng. Một mình vua được thoát, lên thuyền đậu ở sông Khoa (thuộc Long Xuyên), định nhân ban đêm vượt biển để lánh giặc. Bỗng có con cá sấu cản ngang mũi thuyền ba lần, bèn thôi. Sớm mai dò biết đêm ấy có thuyền giặc ở phiá trước. Vua bèn dời sang đóng ở đảo Thổ Châu. Giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ lui quân về Quy Nhơn (...).

Tháng 10, mùa đông [tháng 11/1777] vua cử binh ở Long Xuyên, tiến đến Sa Đéc (thuộc tỉnh An Giang)" (TL, I, t. 205) (Chúng tôi in đậm)

Những ghi chép quá sơ sài cho một giai đoạn lịch sử quan trọng như thế. Phải chăng vì những người đi theo đều bị giết chết nên không còn ai biết rõ để thuật lại? Phải chăng vì đã có thoại chính thống "cá sấu cản thuyền", nên không ai dám hỏi Nguyễn Ánh, sự việc lúc ấy ra sao, để sử quan ghi lại?

Các huyền thoại về việc Nguyễn Ánh chạy thoát nhiều lần, được các sử gia triều Nguyễn viết vào bài Biểu, ghi ở đầu bộ Thực Lục phần về Gia Long, với những câu: "Sông Khoa có ngạc ngư [cá sấu] cản mũi". "Trâu thần hộ giá ở Đăng Giang" (Ánh qua sông Chanh ở Định Tường nhiều cá sấu, có con trâu đằm mình bên bờ, bèn đứng lên mình, trâu đưa qua sông). "Rắn thiêng nọ cõng thuyền nơi Phú Quốc" (Ánh đi thuyền ra Hà Tiên đêm tối không thấy gì, bỗng có đàn rắn cõng thuyền sang Hà Tiên)... Đó là những chuyện viết trong... Biểu, với ý tung hô. Và những huyền thoại này, sẽ được viết thành tiểu thuyết, vẽ lại trên các bát sứ cổ các giai thoại về việc Gia Long tẩu quốc, đó là chính sách tuyên truyền cho một quần chúng mê tín. Thực Lục là bộ sử, không thể viết kỳ cục như vậy, cho nên các tác giả bỏ bớt những điều huyễn hoặc đi, ví dụ nói "con cá sấu cản ngang mũi thuyền ba lần". Nhưng chúng ta không thể bằng lòng với những lập luận như thế.

Câu hỏi đầu tiên ở đây là: Tại sao phải bịa chuyện ra như vậy? Có lẽ đây là lý do:

Người Việt hay tin "điềm", lúc ấy Nguyễn Ánh hãy còn nhỏ, khó tự mình nhân danh cả dòng họ của chúa Nguyễn, để đứng lên phất cờ dựng lại cơ đồ; nên phải dựa vào "điềm đế vương", đại loại như Lê Lợi được "rùa thần dâng kiếm báu". Ở đây, điềm "cá sấu cản thuyền" rất xứng với ngôi "thiên tử", có lẽ là do các cận thần truyền ra từ đầu.

Khi Nguyễn Huệ tiêu diệt gia đình và quần thần của chúa Nguyễn năm 1777, chỉ còn một vài cận thần sống sót, trong đó có quan Thái bảo Tống Phước Khuông (năm sau ông sẽ gả con gái cho Nguyễn Ánh)... có thể chính vị đại thần uyên bác đã chủ mưu việc này. Đây là một hành động chính trị cao siêu, Nguyễn Ánh lúc đó mới 15 tuổi, chắc cũng không nghĩ đến "mưu lược" này, chỉ tuân theo. Việc Nguyễn Ánh ra đảo Thổ Châu, có lẽ cũng ở trong chiến lược này mà thôi. Thực ra có lẽ Nguyễn Ánh trốn ở chỗ khác.

Một khi đã đưa ra "thoại chính thức" rồi, thì không ai dám "nghi ngờ" gì nữa. Các sử thần sau này cứ thế mà chép, không phải "điều tra" xem hư thực ra sao.

Nhưng tác giả Sử Ký Đại Nam Việt có vẻ biết rõ hơn (sẽ nói đến sau).

Trước hết, chúng ta xem phiá Pháp xem các nhà nghiên cứu viết gì.

Thoại của Maybon

Sau đây là sự phân tích của sử gia Maybon, sẽ được học giả Cadière chép lại.

Trước hết ông đặt vấn đề phải xác định lúc nào Nguyễn Ánh đã gặp Bá Đa Lộc lần đầu:

"Vấn đề đặt ra là làm sao biết được lúc nào thì vị giám mục và con người thừa kế bất hạnh các chúa Nam Hà gặp nhau lần đầu.

Những sách An Nam đều câm nín về sự gặp gỡ giữa hai nhân vật này và những tác giả Tây phương không thống nhất với nhau về ngày tháng. Tuy nhiên ta cũng có thể xác định sự kiện với độ chính xác nào đó. Nên nhớ rằng Huệ Vương [Định Vương] và các hoàng tử [anh em Nguyễn Ánh] đã được quan trấn thủ Hà Tiên [Mạc Thiên Tứ] tiếp đón nồng hậu khi họ bị Nguyễn Văn Lữ đuổi đánh; mặt khác, Pigneau [Bá Đa Lộc] được Mạc Thiên Tứ khẩn khoản gọi từ Cam-bốt về năm trước, lúc này đang ở cạnh quan trấn thủ và có thể vị giám mục đã gặp các ông hoàng trong thời điểm này". (Maybon, Histoire moderne du pays d'Annam, t.192[1])

Độc giả có thể hỏi: việc Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc gặp nhau lần đầu thì có ăn nhập gì đến việc Bá Đa Lộc "cứu" Nguyễn Ánh? Có chứ. Bởi vì, có gặp, có được giới thiệu, thì mới biết là đó là ông hoàng, là con của vị chúa đáng lẽ được nối ngôi Võ Vương. Nếu không, thì Ánh lúc đó chỉ là cậu nhỏ 15 tuổi, chưa có danh phận gì, làm sao mà Đức Giám Mục Bá Đa Lộc lại biết, mà cứu? Tuy nhiên lập luận trên đây cũng chỉ là những giả định, Maybon chưa chứng minh được là có các cuộc "gặp gỡ" đó.

Nhưng phải công nhận sự sắp đặt của ông rất logique. Sau đó ông viết đến đoạn cốt lõi:

"Nếu giám mục không gặp thiếu niên Nguyễn Ánh lúc ấy, thì có lẽ là sau khi Sài Gòn bị chiếm lần thứ nhì; bởi vì, dường như dứt khoát theo những chứng nhân Tây phương thì "vào khoảng tháng 9-10/1777, Nguyễn Ánh trốn tránh một thời gian trong khu rừng ngay cạnh chủng viện giám mục Adran đã sai Paul Nghị đem đồ ăn tiếp tế đều đều và ngài giúp [Ánh] trốn sang đảo Poulo Panjang [Thổ Châu] ngay khi quân Tây Sơn rút lui". (Maybon, Histoire moderne du pays d'Annam, t. 193[2]).

Ở cuối trang có chú thích số 2, in chữ nhỏ, như sau: "Đó là kết luận trong lời bình của M. Maitre (sđd, t. 344-347), của chứng nhân xuất phát từ những giáo sĩ; của ông Barrow và của ông La Bissachère, mà chúng tôi không ngần ngại chấp nhận là của chúng tôi nữa; tuy nhiên, rất ít khả năng những chứng của Barrow và La Bissachère là từ hai nguồn thông thạo khác nhau, bởi người viết cuốn ký sự [chỉ Montyon] ký tên Bissachère, ấn hành ở Luân Đôn, rất có thể đã sao chép tác phẩm của Barrow. Về vấn đề này xin xem cuốn "Ký sự Bissachère" do chúng tôi [Maybon] in"[3].

Đến đây mới thấy sự khôn khéo và thủ đoạn của sử gia học giả Maybon.

Nếu chỉ đọc đoạn đầu mà không đọc chú thích, thì câu "vào khoảng tháng 9-10/1777, Nguyễn Ánh trốn tránh một thời gian trong khu rừng ngay cạnh chủng viện giám mục Adran đã sai Paul Nghị đem đồ ăn tiếp tế đều đều và ngài giúp [Ánh] trốn sang đảo Poulo Panjang ngay khi quân Tây Sơn rút lui", đối với chúng ta là một xác định có cơ sở, nhờ câu văn đi trước "bởi vì, dường như dứt khoát theo những chứng nhân Tây phương".

Nhưng nếu muốn biết thêm nguồn gốc của những chứng nhân Tây phương này thì ta sẽ phải đọc phần chú thích và thấy đó là:

1- Lời bình của M. Maitre [không biết ông này là ai, nói gì, vì ta không có sách của ông Maitre].

2- Chứng nhân xuất phát từ những giáo sĩ [không nói chứng nhân nào, giáo sĩ nào].

3- Của ông Barrow và của ông Bissachère [chỉ là một, vì người viết cuốn cách ký tên Bissachère (tức là Montyon) chỉ chép lại thoại của Barrow].

Tóm lại, câu "vào khoảng tháng 9-10/1777, Nguyễn Ánh trốn tránh một thời gian trong khu rừng ngay cạnh chủng viện giám mục Adran đã sai Paul Nghị đem đồ ăn tiếp tế đều đều và ngài giúp [Ánh] trốn sang đảo Poulo Panjang ngay khi quân Tây Sơn rút lui", mà ta vừa đọc, chỉ rút ra từ một ông Barrow, vì các ông khác chẳng có gì.

Vậy ta coi, xem Barrow viết như thế nào, thì đây là nguyên văn lời Barrow:

"Nhà vua đã bị địch bắt, nhưng hoàng hậu, hoàng tử [chỉ Nguyễn Ánh], các con và một người chị hay em, được Adran cứu thoát. Nhờ đêm tối, họ rời xa kinh thành [Gia Định] và trốn vào rừng. Ở đấy, trong nhiều tháng, vị vua trẻ của nước Nam (...) trốn cùng với gia đình, không dưới lùm cây sồi rậm rạp mà dưới lùm đa hay bồ đề vì ở đây không ai dám xâm phạm. Một nhà tu công giáo tên Paul [Paul Nghị] liều mình đem đồ ăn mỗi ngày, cho đến khi [quân đội đi lùng] không còn tìm kiếm nữa và sau cùng được lệnh rút về". (Barrow II, t. 201)

Chỗ sai lầm của Barrow trong câu này là:

1- Ông tưởng Định Vương là cha của Nguyễn Ánh, nên gọi Nguyễn Ánh là Hoàng tử, thực ra Định Vương là chú của Nguyễn Ánh.

2- Ông nói Nguyễn Ánh [hoàng tử] trốn với mẹ [hoàng hậu] và các con... là sai, vì lúc ấy Nguyễn Ánh chưa có vợ con gì cả, và cũng không phải do Adran cứu thoát (sẽ chứng minh sau). Chỉ có câu "Một nhà tu công giáo tên Paul [Paul Nghị] liều mình đem đồ ăn mỗi ngày" của Barrow là đúng.

Nhưng câu văn của Barrow, đã được sử gia Maybon "biên tập" lại:

Trước hết, ông chỉ lấy một ý của Barrow: "được Adran cứu thoát"cắt hết các ý khác, rồi thêm vào những "thông tin" khác:

1- Chỗ trốn của Nguyễn Ánh ngay cạnh chủng viện (không có trong lời Barrow) để thiết lập một thứ logique cho việc Bá Đa Lộc cứu sống Nguyễn Ánh.

2- Sau đó ông viết: giám mục Adran đã sai Paul Nghị đem đồ ăn tiếp tế đều đều. (Chỗ này, Barrow không nhắc đến Adran, chỉ viết: Một nhà tu công giáo tên Paul liều mình đem đồ ăn mỗi ngày)

3- Và ông thêm vào câu: ngài giúp [Ánh] trốn sang đảo Poulo Panjang (Cũng không có trong Barrow).

Để hoàn tất, ông đưa ra lời bình luận của M. Maitre, như một xác định có uy tín, và sau cùng ông nhũn nhặn viết: chúng tôi không ngần ngại chấp nhận [lập luận này] là của chúng tôi.

Maybon đã biến một câu sai lầm của một tác giả mà ông khinh miệt là Barrow, vì ông cho rằng Barrow viết bậy bạ (sẽ nói đến sau); thành một thông tin khả tín bằng cách cắt xén và thêm thắt những điều không có trong văn bản của tác giả.

Đó là lối viết tinh xảo của một học giả khi muốn chế tạo những thông tin không có thực.

Người đi sau, khi thấy sử gia học giả Maybon đã viết như thế, thì không ngần ngại gì mà không chép lại như một "sự thực hiển nhiên". Rất may là chúng ta tìm được những chứng nhân khác, viết về việc này.

Giáo sĩ Faulet

Julien Faulet, sinh ngày 21/11/1741 ở Guilliers (thuộc vùng Morbihan, Bretagne, Pháp) đi truyền giáo từ ngày 29/11/1773, được chuyển đến Cao Mên tháng 6/1775, làm trợ tá cho giám mục Bá Đa Lộc. Trong suốt thời gian truyền giáo ở miền này, ông và giáo dân sống trong tình trạng cực kỳ khốn khổ vì chiến tranh và cướp bóc, cái chết luôn luôn gần kề, cuối cùng ông bị bệnh tâm thần, phải quay trở về Âu Châu năm 1781, và mất trên đường về, năm 1783.

Giáo sĩ Descouvrières, bề trên của ông, năm 1784, đã tìm kiếm về cái chết của ông, chỉ biết có thể ông đã chết ở Batavia, cùng nhiều người Pháp khác, trên chuyến tầu về Île de France (tức Île Maurice bây giờ), vì một người Pháp cùng đến Batavia một lúc với tầu này, đã ở lại đây một năm nhưng không gặp ông Faulet bao giờ. (Launay, III, t.13 và t.153).

Faulet viết nhiều thư mô tả tình hình chiến sự, giáo xứ và giáo dân ở Cao Mên và Hà Tiên. Trong đó có hai tài liệu quan trọng:

1- Bản Ký sự dài, thuật việc giám mục Bá Đa Lộc phải tẩu thoát khỏi tu viện Cay-Quao [do giám mục xây dựng ở phiá Nam Hà Tiên, dưới sự bảo trợ của quan trấn thủ Mạc Thiên Tứ]; vị giám mục phải bỏ tất cả con chiên và giáo sĩ ở lại để thoát thân. Giám mục Bá Đa Lộc chạy ngày thứ ba [29/7/1777] mà tới thứ sáu ngày 1/8/1777, linh mục Faulet mới dám báo tin cho những trách nhiệm địa phương biết (Relation abrégée de ce qui est arrivé au collège de Cay-Quao depuis l'évasion de Mgr Pigneaux, par M. Faulet- Ký sự về những gì xẩy ra cho tu viện Cay-Quao sau khi Giám Mục Bá Đa Lộc tẩu thoát) (AME, quyển 800, t. 1559), Launay III, t.131-136).

Sau đó, qua những gì ghi trong Sử Ký Đại Nam Việt, mà ta sẽ đọc ở dưới, thì lại biết thêm rằng: giám mục chạy sang Cao Mên. Tóm lại: Bá Đa Lộc chạy khỏi Hà Tiên ngày 29/7/1777 và chạy sang Cao Mên.

Như vậy, giám mục không thể nào "cứu" Nguyễn Ánh trong tháng 9- 10/1777 được.

2- Trong một bức thư khác, Faulet cho biết ai cứu thoát Nguyễn Ánh tháng 9-10/1777.

Đó là lá thư Faulet viết ở Cao Mên ngày 25/4/1780 gửi M. Descouvrières, kể về tình trạng cực kỳ khốn khổ của họ đạo ở Hà Tiên, giữa cướp bóc và giặc giã, đoạn chót có câu:

"Chính cha Paul [Paul Nghị] đã nuôi ăn và giấu ông vua trẻ trong chiếc thuyền nhỏ của ông và báo cho Đức thánh cha [Bá Đa Lộc] biết".

"C'est le P. Paul qui a nourri et caché le jeune roi dans son petit bateau, qui a fait connaitre Monseigneur et la sainteté de notre religion" (Launay III, t.70).

Lá thư này là một tư liệu quý, bởi vì linh mục Faulet lúc đó ở Hà Tiên, có lẽ ông đang ở trong nhà Giám Mục Bá Đa Lộc tại đây, nên biết rõ chuyện: cha Paul Nghị giấu vua trong thuyền của mình.

Sự sai lầm của Tạ Chí Đại Trường

Tạ Chí Đại Trường, có đọc câu này của Faulet, nhưng ông lại hiểu và viết lại như sau:

"Lúc bấy giờ Nguyễn Ánh ở đâu mà lại thoát khỏi cái vạ diệt tộc này? Sử quan nhà Nguyễn không lưu ý nhiều đến việc chạy trốn không lấy gì làm vẻ vang cho chúa của họ nên không xét đến nơi chốn lưu lạc của ông. Họ thay thế cái nhục lẩn tránh Tây Sơn bằng câu chuyện cá sấu đưa qua sông, một bằng chứng mang số đế vương của ông hoàng này... Thế mà chỉ trong một tháng sau ta thấy ông có mặt ở Long Xuyên với Đỗ Thanh Nhân. Điều đó chứng tỏ ông vẫn theo Duệ Tông từ lúc rời Ba Giồng. Nhờ đó mà được Pigneau đem dấu trốn và sai Hồ Văn Nghị đem thức ăn nuôi sống (Chú thích: Thư của ông Faulet cho ông Descouvrières..." (Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến Việt Nam, t. 91).

Việc một cậu bé 15 tuổi, một mình chạy thoát kẻ muốn giết cả họ mình, thì có gì là xấu hổ, là cái nhục? Thực Lục, Liệt truyện, ghi cả những chuyện có thể gọi là "nhục" hơn: "Vua đi một ngày đêm chưa ăn, [Nguyễn Đức] Xuyên chạy vào nhà dân xin cơm" (Liệt truyện, 2, t.157), "Gặp lúc hết lương ăn, quân đói xanh mặt, có thuyền buôn ở Hạ Châu đi qua, [Nguyễn Văn] Thành đem quân đi cướp bị lũ lái buôn chống lại rất dữ, Thành bị vài vết thương cố nhẩy lên cướp được thuyền gạo đem về" (Liệt truyện, 2, t.370).

Nhưng cái lạ là tại sao Tạ Chí Đại Trường lại có thể "móc nối" các sự kiện như trên. Tại sao "Một tháng sau, Nguyễn Ánh có mặt ở Long Xuyên" lại chứng tỏ là Ánh "theo Duệ Tông từ lúc rời Ba Giồng"? Và vì "Ánh đi theo Duệ Tông" nên nhờ đó mà được Pigneau đem giấu trốn? Pigneau gặp Duệ Tông hồi nào? Hiện giờ chỉ có những giả định mà chưa có xác định.

Nhưng cái lạ nhất vẫn là câu văn trong thư của Faulet: "C'est le P. Paul qui a nourri et caché le jeune roi dans son petit bateau, qui a fait connaître Monseigneur et la sainteté de notre religion" (Chính cha Paul đã nuôi ăn và giấu ông vua trẻ trong chiếc thuyền nhỏ của ông và đã báo cho Đức thánh cha [Bá Đa Lộc] biết), lại được Tạ Chí Đại Trường hiểu thành: "được Pigneau [Bá Đa Lộc] đem dấu trốn và sai Hồ Văn Nghị đem thức ăn nuôi sống".

Faulet viết rõ ràng như vậy, vì lý do gì mà Tạ Chí Đại Trường lại xoay hẳn nghiã câu này cho đúng với lập luận của Maybon và những người Pháp thực dân?

Chúng tôi nhấn mạnh điểm này, vì câu văn ngắn ngủi của Faulet hết sức quan trọng, đây là lần đầu tiên và duy nhất, về phiá Pháp, có một người nói khác quan điểm thực dân: người ấy là giáo sĩ Faulet, ông đã xác định: Paul Nghị mới là người cứu sống Nguyễn Ánh, không phải Bá Đa Lộc.

Ý kiến của Faulet còn trùng hợp với một ý kiến khác, của tác giả Sử Ký Đại Nam Việt.

Sự ghi chép của Sử ký Đại Nam Việt

Về việc Nguyễn Ánh chạy trốn, Sử ký Đại Nam Việt đưa ra ba điều, có liên quan mật thiết với nhau:

1- Về người mẹ của Nguyễn Ánh, Sử Ký Đại Nam Việt viết như sau:

"Con thứ hai của ông Vũ Vương [Võ Vương Nguyễn Phước Khoát], tên là Chưởng Vũ [Nguyễn Phước Luân], chẳng khác tính cha là bao nhiêu [tức là cũng ăn chơi như cha]. Trong các vợ ông ấy có một đứa con hát sinh đặng nhiều con trai; trong những con trai ấy, thì con thứ hai tên là Đức Hoàng Nguyễn Ánh, có danh tiếng, vì đến sau được nối dòng cùng tôn lên làm vua, gọi là Gia Long" (SKĐNV, t.3).

Chi tiết bà mẹ Nguyễn Ánh là "con hát" rất đáng chú ý, bởi lúc Nguyễn Ánh bị nạn, cũng theo SKĐNV, sẽ được một người "con hát" cứu thoát.

2- Điểm thứ nhì, trái với Thực Lục, nói rằng, Nguyễn Ánh chạy với Định Vương, Sử Ký Đại Nam Việt, lại nói rằng Nguyễn Ánh chạy với Tân Chính Vương.

Dưới tiểu đề "Quân Tây Sơn giết ông Hoàng Tôn", Sử Ký Đại Nam Việt viết như sau:

"Đến sau, quân lính Hoàng Tôn [tức Hoàng Tôn Dương hay Tân Chính Vương] đã phải thua một trận cả thể lắm, quân giặc bắt đặng ông Huệ Vương [tức Định Vương Nguyễn Phước Thuần] mà giết ông ấy đi với các anh em. Ông Hoàng Tôn với ông Nguyễn Ánh thì trốn được vào đồn kia với một ít quân. Song bởi quân ấy thấy ông Hoàng Tôn cô thế, thì chẳng có lòng với ông ấy là bao nhiêu, nên giao với quân Tây Sơn, mà chịu hàng cùng nộp ông Hoàng Tôn với ông Nguyễn Ánh cho nó. Song ông Nguyễn Ánh trốn khỏi. Vậy quân giặc bắt ông Hoàng Tôn mà giết đi một cách kín đáo, chẳng dám giết trước mặt người ta, kẻo còn nhiều kẻ phục ông ấy mà thêm loạn lạc chăng" (SKĐNV, t.12).

Nếu thoại này đúng, thì Nguyễn Ánh đã chạy thoát từ tháng 9, bởi vì Tân Chính Vương bị giết ngày 19/9/1777.

3- Về việc Nguyễn Ánh chạy trốn, Sử Ký Đại Nam Việt viết trong đoạn "Nguyễn Ánh trốn giặc" như sau:

"Ấy vậy mà tông tộc nhà Nguyễn đã gần tuyệt, còn lại một ông Nguyễn Ánh cùng ba anh em mà thôi. Chẳng khỏi bao lâu thì ba ông nầy lại phải sự khốn khó mà chết hết. Vậy còn một ông Nguyễn Ánh mới lên mười bốn hay mười lăm tuổi mà thôi.

Ông ấy tuy khỏi chết, song đã phải túng cực lắm vì chẳng còn của gì, chẳng còn ai giúp cùng chẳng biết tin ai nữa. May còn một đứa nhà trò có lòng trung tín, ban đêm đã kiếm đặng một chiếc thuyền nhỏ, thì hai thầy tớ liền đem nhau tìm nơi mà ẩn trong rừng lau lách. Tình cờ lại gặp thuyền ông Phaolồ [Paul Nghị], là thầy cả bổn quốc, cũng đang chạy giặc. Bấy giờ ông Nguyễn Ánh, tuy chưa quen biết thầy Phaolồ, song đã biết là thầy cả bổn quốc, cũng biết là thầy đạo, thì xưng danh mình ra, xin thầy Phaolồ cứu. Thầy Phaolồ liền chịu và đem qua giấu trong thuyền mình và chèo thẳng qua Hà Tiên, mà giấu trong nhà Đức Thầy Vêro [Bá Đa Lộc]. Khi ấy đức thầy Vêrô đã sang bên Cao Mên, cho nên thầy cả Phaolồ vội vàng gởi tin cho người biết sự ấy cho kíp.

Ông Phaolồ có ý giấu ông Nguyễn Ánh trong nhà Đức Thầy Verô cho kỹ, nên chẳng cho ai biết. Song cũng khó lắm, vì quân Tây Sơn đã biết tỏ ông ấy đã trốn sang Hà Tiên, nên đã truyền tìm bắt người mà nộp. Vậy qua một tháng thì chẳng còn lẽ nào mà giấu trong nhà nữa, nên ông Phaolồ phải đưa ông Nguyễn Ánh lên rừng nơi vắng vẻ. Đoạn hoặc ông Phao Lồ, hoặc thầy giảng kia, tên là ông Toán, thỉnh thoảng lén chở đồ ăn đến cho mà thôi. Vậy ông Phao lồ chịu khó mà liệu cách khôn ngoan thể ấy đặng hai ba tháng, thì có công với ông Nguyễn Ánh cả thể lắm. Vì chưng nếu chẳng có thầy cả ấy, thì ông Nguyễn Ánh phải bắt chẳng khỏi.

Khi ấy quan phủ kia tên là Nhất Trịnh, nghe tin ông Nguyễn Ánh hãy còn, thì lấy một ít quân mạnh bạo đi tìm mà giết. Quân Tây Sơn canh giữ đồn kia áp xứ Đồng Nai và Cao Mên, những ra sức tìm cho đặng ông Nguyễn Ánh. Dần dần thì nó biết đặng ông ấy còn ẩn mình trong thuyền ông Phaolồ trong Rạch Giá.

Cũng một khi ấy Đức Thầy Vêrô ở Cao Mên mà về, tìm được ông Nguyễn Ánh; người lại đem một Langsa, tên là Gioang [Jean] có nghề võ cùng bạo dạn gan đảm và có tài đánh giặc lắm. (SKĐNV, t.12-13).

Nếu ta tin tác giả Sử Ký Đại Nam Việt, thì có ba người giúp Nguyễn Ánh thoát nạn:

- Một đứa nhà trò có lòng trung tín, tức là một tiểu đồng con nhà hát, liên hệ với mẹ Nguyễn Ánh, trung tín theo hầu, chính cậu nhỏ nhà trò này đã tìm thuyền cứu chủ, giấu vào lau lách.

- Hồ Văn Nghị, hay Paul Nghị, thầy giảng, là người thân tín của Bá Đa Lộc, đã cứu Nguyễn Ánh đem về nhà Bá Đa Lộc ở Hà Tiên và báo tin cho Bá Đa Lộc biết, lúc ấy giám mục Bá Đa Lộc đang ở Cao Mên.

- Thầy giảng Toán, cũng liều mình đem đồ ăn đến cho Nguyễn Ánh.

Sau đó, khi Bá Đa Lộc từ Cao Mên trở về Gia Định, mới gặp Nguyễn Ánh, vào thời điểm nào, đó là một vấn đề khác, chúng tôi sẽ xác định sau.

Tất cả câu chuyện này, ăn khớp với nhau: Nguyễn Ánh, sau khi Tân Chính Vương bị bắt rồi bị hại, lẩn trốn với sự trợ giúp của ba ân nhân trên đây. Và họ đã giấu ông trong khoảng hai tháng, đến tháng 11/1777, Nguyễn Ánh xuất hiện ở Long Xuyên, trong trận đánh ở Long Hồ, sẽ nói đến sau.

Thư của giáo sĩ Le Labousse

Một chứng sau cùng, là lá thư của M. Le Labousse gửi cho M. Létondal, quản thủ (procureur) chủng viện Macao, ngày 15/6/1789:

"Đã đến lúc phải trình ông tin về sự thăng thưởng của cha Paul [Paul Nghị]. Chẳng cần làm quan, mà ông ấy được hưởng tất cả các đặc quyền; có lẽ còn hơn các quan nữa; tôi biết chắc rằng ông ấy có một tấm thẻ bài của vua, hay một dụ, ra lệnh cho các quan phải tuân lệnh và cống hiến tất cả những gì mà ông ấy cần. Điều này làm cho con người ưu tú này trẻ ra một chút: các quan đến lạy chào, chúng tôi cũng được thơm lây". (Launay, III, t. 227).

Điều này chứng tỏ vua Gia Long đã kín đáo thưởng công cho ân nhân cứu mạng.

Hơn thế nữa, qua thư từ giao dịch giữa các giáo sĩ, ta có thể biết Nguyễn Vương trao cho Hồ Văn Nghị những trọng trách tế nhị, bôn ba khắp trong vùng biển đông, đi về giữa Ma Cao, Ấn Độ, Phi Luật Tân... với những sứ mệnh, có thể là bí mật.

Khi giao Hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc đưa sang Pháp, Vương đã sai ông đi tháp tùng hoàng tử cùng với Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm; nhưng khi đến Pondichéry, có lẽ Bá Đa Lộc không muốn có người Việt cùng sang Pháp, hoặc vì lý do gì khác, nên đã gửi tất cả phái đoàn trở về Vọng Các.

Cái chết của linh mục Hồ Văn Nghị

Tin linh mục Hồ Văn Nghị qua đời được thông báo như sau:

"M. Paul Nghị mất ở Sài Gòn ngày 19/2/1801.

Thư của M. Le Labousse gửi cho các Giám đốc Hội truyền giáo ngoại quốc

Bình Khang ngày 20/4/1801

Năm nay, chúng tôi thông báo cùng quý vị cái chết của M. Paul, linh mục người nước Nam.

Ông mất sau nửa buổi bị đau bụng, ngày 19 tháng 2 năm nay.

Xin nói gọn rằng hội truyền giáo Nam Hà mất đi một trong những tác nhân hàng đầu. Đó là một người có thế lực qua sự nghiệp và lời nói. Được đào luyện theo đường lối của đức Giám mục Adran, người đã giảng dạy và ban cho ông danh hiệu tư tế và ông đã chứng tỏ, cho tới tuổi 67, xứng đáng là đệ tử của người thầy như thế. Ông đã tháp tùng vị chủ giáo trong mọi chuyến đi và chia sẻ với người những nhọc nhằn và bất hạnh. Họ chỉ tạm xa nhau ở Pondichéry, khi ông Paul phải ở lại để trông nom những người hầu cận hoàng tử trong khi chờ đợi hoàng tử trở về. Nhà vua, trong thời điểm tai biến, đã may mắn có ông cung cấp những nhu cầu tối thiểu, vì vậy rất quý mến ông. Chính ông là người mà Đức ông nhờ cậy mỗi lần phải gửi đến triều đình việc gì và từ khi Đức ông về trời, ông là người chính yếu giải quyết vấn đề và trợ giúp hàng đầu của chúng tôi. Sau khi Thượng đế đã cất đi cánh tay này, chúng tôi chỉ còn một mình ông Liot."

Linh mục Le Labousse, mất ngày 25/4/1801 ở Nha Trang, bốn ngày sau khi viết bức thư này. (Launay, III, t. 480-481).

Một điểm cần nhấn mạnh nữa:

Trong bức thư trên đây, linh mục Le Labousse cũng chỉ nói: Nhà vua, trong thời điểm tai biến, đã may mắn có ông cung cấp những nhu cầu tối thiểu (Le roi, dans le temps de ses désastres, fut heureux de l'avoir pour lui procurer les choses de dernière nécessité), tức là linh mục Le Labousse cũng chỉ nói đến công lao của Paul Nghị nuôi Nguyễn Ánh, chứ không nói gì về sự tham dự của Bá Đa Lộc.

Tóm lại, hai giáo sĩ gần gụi giám mục Bá Đa Lộc nhất, trong thời kỳ này là Faulet và Le Labousse, cũng xác nhận việc Hồ Văn Nghị nuôi vua, mà không nói đến "ơn cứu tử" của Bá Đa Lộc. Nhất là Faulet viết rõ cả chi tiết, cứu, rồi mới báo cho đức thánh cha biết, đúng như những điều tác giả Sử Ký Đại Nam Việt thuật lại.

Barrow có thể là người đầu tiên, về phiá Tây phương, viết về chuyện này, ông cũng xác định việc Paul Nghị nuôi vua, nhưng ông thêm vào đoạn Bá Đa Lộc đưa gia đình vua chạy trốn là hoàn toàn sai sự thực, vì lúc đó vua chưa có vợ con.

Montyon, người viết cuốn sách ký tên Bissachère (chúng tôi sẽ giới thiệu sau) chép lại thoại của Barrow.

Những sai lầm phát xuất từ Barrow, sẽ được hầu như tất cả những người viết sử về Bá Đa Lộc chép lại, để "ghi ơn cứu tử" vua Gia Long, như một thành tích đích thực của vị giám mục. Rồi "sự kiện" này lại được học giả sử gia Maybon xác định một cách chính thức, bằng cách "biên tập" lại lời Barrow, như chúng tôi đã chứng minh ở trên, để biến nó trở thành "sự thực".

Qua những chứng từ mà chúng tôi trình bầy trên đây, xin minh định lại một lần nữa:

- Chú tiểu đồng, con nhà trò, đã tìm thuyền cứu chủ Nguyễn Ánh.

- Linh mục Hồ Văn Nghị tiếp cứu Nguyễn Ánh khỏi sự lùng bắt của Nguyện Huệ, trong hai tháng 9-10/1777, với sự trợ giúp của thày giảng Toán.

Thụy Khuê

(Còn tiếp)


[1] La question s'est posée de savoir à quel moment s'étaient nouées les premières relations entre l'évêque et l'héritier malheureux des Seigneurs de Cochinchine.

Les ouvrages annamites sont muets sur la rencontre des deux personnages et les auteurs européens ne s'accordent pas sur la date de ce fait. Cependant on peut, semble-t-il, la fixer avec une certaine exactitude. On se souvient que Huệ Vương et les princes trouvèrent auprès du gouverneur de Hà-tiên un accueil empressé lorsqu'ils furent chassés de Saigon par Nguyễn Văn-Lữ; or, Pigneau, appelé avec insistance du Cambodge par Mạc Thiên-tứ l'année précédente, se trouvait auprès du gouverneur à cette époque et il n'est pas impossible qu'il ait vu les princes.

[2] S'il ne connut pas le jeune Nguyễn Ánh à ce moment, ce fut sans doute après la seconde prise de Saigon; car il paraît acquis, selon les témoignages européens, "qu'en septembre-octobre 1777, Nguyễn Ánh se cacha pendant quelque temps dans une forêt voisine du lieu où était installé le collège, que l'évêque d'Adran lui fit parvenir régulièrement des subsistances par l'intermédiaire de Paul Nghị et qu'il favorisa sa fuite à Poulo Panjang dès que les Tây-sơn se furent retirés"

[3] Telle est la conclusion de la critique que fait M. Maitre (ibid. p.344-347) de témoignages émanant des missionnaires, de Barrow et de La Bissachère; nous n'hésitons pas à la faire nôtre, bien qu'il soit infiniment probable que les témoignages de Barrow et de La Bissachère ne constituent pas deux autorités distinctes, le rédacteur du mémoire paru à Londres sous le nom de La Bissachère, s'étant très vraisembablement inspiré de l'ouvrage de Barrow. Voir, à ce sujet, notre publication de La Relation de La Bissachère.