Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 19 tháng 2, 2024

Đinh Cường với bạn bè, quê hương và kỷ niệm

 Phạm Công Luận

 

Trong một bài viết, Trịnh Công Sơn nói về họa sĩ Đinh Cường, bạn thân của ông như sau: “Có một kẻ lỳ lợm đam mê kỷ niệm... Đinh Cường là kẻ không chịu lãng quên, Cường vừa ra đi, vừa ở lại. Uống chén rượu hôm nay mà nhớ chén rượu ngày xưa...” (bài Thế giới thơ mộng trong tranh Đinh Cường).

Xóm Lách, Tân Định khi trở về 

Khi tìm hiểu về Đinh Cường, tôi tò mò muốn biết về sự hiện diện của miền Nam trong tâm khảm của ông, vì ông sinh ra trên đất Bình Dương và từng sống, sáng tác ở Sài Gòn trong nhiều năm. Câu trả lời nằm trong những trang tự sự của Đinh Cường: "Tôi ra trường bộ binh Thủ Đức khóa 5-68 được kêu trong danh sách đi học trường công binh Bình Dương. Thật lạ, tôi lại trở về nơi tuổi nhỏ tôi, tôi nhớ ngày xưa từ Quản Lợi, Hớn Quản ra đó như từ quê ra tỉnh, mà ra tỉnh thật khi vào học tiểu học ở Trường Nam Thủ Dầu Một, để rồi sau đó thi đậu vào Trung học Petrus Ký - Sài Gòn. Sau này Thủ Dầu Một có trường Trung học Trịnh Hoài Đức, Thanh Tâm Tuyền về dạy. Có chùa Tây Tạng ghi bao kỷ niệm của chúng tôi với thầy Tịch Chiếu trụ trì lâu năm. Đám cưới Nguyễn Đức Sơn và Phượng ở đó...". 

Đinh Cường những ngày sống ở Tân Định, Sài Gòn. Ảnh: TLGĐ


Theo ký ức của gia đình, ngày xưa Đinh Cường lớn lên và học trường của các soeur ở một nơi có tên Pháp: Terre Rouge Quản Lợi. Ba của Đinh Cường, ông Đinh Văn Dõng, làm việc trong một đồn điền cao su ở đó. Những hàng cây cao su in đậm trong trí nhớ của chú bé Đinh Cường, thích lấy nhựa cao su làm banh để đá chơi những chiều đi học về. Sau này ông vẽ một bức tranh lấy tên Trái banh thời tuổi dại để nhớ khoảng thời gian đó. Có một bài thơ hiếm hoi ông viết về cha khi nhớ về thời tuổi nhỏ, rất chân tình mộc mạc: "mùa mưa đất đỏ ngập tràn suối khe", "rừng cao su, những chén nhựa". Ở đó ông dùng mủ cao su trắng muốt, mót làm banh cao su đá tưng lên trời. Ông thốt lên trong thơ: "tuổi nhỏ tôi ơi / cha đi làm về bồng tôi đi chơi..." (Thức dậy sớm. Ngày Lễ Cha). 

Ông tự hào khi thi đậu vào Trường Petrus Ký, một điều rất hiển hách thời trước. Ở đó, ông  có nhiều bạn bè và đã giữ được tình bạn cho tới sau này: "... chiều nay bỗng dưng xem tờ đặc san mới / Nguyễn Xuân Hoàng trên dòng sông Petrus Ký? Mà nhớ bạn. Nhớ ta một thời tuổi nhỏ / Một thời đẹp sao học dưới ngôi trường đó..." (Trường xưa - 2014).

Đó là khoảng thời gian ông quen biết nhiều nhà thơ, nhà văn, dự nhiều cuộc sinh hoạt văn nghệ của Sài Gòn cuối những năm 1950. 

Xóm Lách, khu xóm mang cái tên dân dã ở Tân Định là nơi Đinh Cường về định cư sau thời tuổi nhỏ ở Thủ Dầu Một. Trong một bài thơ cho mẹ, ông ghi chú: "Xóm Lách xưa nhà tôi ở những năm 1950, dốc đường General de Gaulle, Sài Gòn (sau này là Công Lý, gần ngã tư Yên Đổ và hiện nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa)". Ở đó ghi dấu nhiều kỷ niệm mà ông ghi lại qua một bài thơ "nhật ký" của mình, giản dị như cuốn phim tài liệu vừa được lấy ra từ ngăn tủ kỷ niệm.

Đinh Cường thời kỳ sống ở xóm Lách. Ảnh: TLGĐ


Hồi ức ông trong bài thơ Nhớ xóm LáchSài Gòn hồi nhỏ khi ở Thủ Dầu Một về viết năm 2015 là hình ảnh đêm khuya vắng người, ra vòi nước phông-tên tắm khi nước chảy mạnh luôn gặp những bà đem thau ra giặt đồ và thanh niên ra gánh nước vừa ca cải lương. Đó là những con côn trùng bị thu hút bởi đèn đường. Là hình ảnh chú bé Đinh Cường ở trần trùi trụi và mặc quần xà lỏn đen. Xóm Lách luôn có mùi bùn sình.

Ở đó, nhà ông với căn gác gỗ mà thời trung học bạn bè họp nhau học toán hay luyện thi tú tài, có mấy cô bạn ở trường Gia Long đến học ké. Khi làm bài thơ, ông nhớ những chiều mưa nhìn qua cửa sổ nhỏ/ Hơn nửa thế kỷ rồi. Nhớ Sài Gòn là nhớ cái xóm nghèo thân thiết ấy... Nhớ cả chiếc xe hủ tíu mì, cà phê bít tất đổ ra dĩa uống của chú Ba nằm ngay ngã ba trên con đường dốc vào xóm với ngọn đèn măng-xông sáng chói khuya và sáng tinh mơ, là hai niềm vui của người xóm Lách. 

Khi học Trường Mỹ thuật Gia Định, Đinh Cường mở lớp dạy vẽ trên căn gác ngay tại căn nhà xóm Lách, nơi chứa nhiều kỷ niệm thời thơ ấu trước khi dọn về 31A Nguyễn Đình Chiểu, Tân Định sau này. 

Tình Huế

Ra Huế học và dạy vẽ trong thời gian dài, khi trở lại sống ở Sài Gòn, Huế đã nằm lại hẳn trong tâm hồn ông. Theo ký ức từ vợ ông, một cô gái Huế, đó là khoảng đời sáng tác chuyên nghiệp sung sức nhất của Đinh Cường ở studio 9B Hòa Bình. Ông sáng tác đều đặn và rất đam mê, nhiều đêm vẽ thâu đêm suốt sáng. Đó cũng có thể nói là thời gian hình thành “trường phái Đinh Cường" cho mãi đến sau này, với hai mảng trừu tượng và thiếu nữ rất đặc trưng. Tất cả đều từ những năm tháng ở Huế, khởi đi từ năm 1964. Cũng ở đó, ông gặp gỡ và kết thân với một nhóm bạn văn nghệ rất khắn khít thời ấy: Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha...

Phòng vẽ Đinh Cường ở Huế (số 9B đường Hòa Bình) năm 1960. Ảnh: TLGĐ


Cũng ở đó, ông gặp gỡ một số bạn nước ngoài, các bác sĩ người Đức làm thiện nguyện trong chiến tranh mà đặc biệt là Erich Wulff, người sưu tầm những bức tranh đẹp nhất của Đinh Cường thời ấy. Theo họa sĩ Đinh Trường Chinh - con trai của Đinh Cường, vị bác sĩ này đặc biệt yêu thích tranh do cha anh sáng tác. Bức tranh Trăng qua vùng động đất là bức mà ông Wulff yêu thích, mua ngay trong ngày khai mạc năm 1967.

Ông Wulff sau có viết về bức tranh này: "Năm 1966, khi tôi tình cờ xem tranh Đinh Cường thì bức Trăng qua vùng động đất (Moon over earthquake) đã thu hút tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bức tranh phản chiếu cả nỗi thống khổ lẫn niềm hy vọng: cái chết, sự hủy diệt, con người mưu sống chỉ với xác thân trần trụi. Bức tranh là cả một câu chuyện về ánh sáng và bóng tối, nứt rạn và gãy đổ, núi lửa và mồ mả, các tế bào và những mảng màu, những vi sinh vật đã mất... Cùng lúc ấy, từ bóng tối bừng lên một vầng trăng bất khả hủy diệt, ngay cả với sức mạnh của bom đạn". 

Tác phẩm Đứng bên kia cuộc đời của Đinh Cường.


Cũng theo Đinh Trường Chinh: khung cảnh Huế ảnh hưởng nhiều lên sáng tác về thiếu nữ của Đinh Cường - những cô gái sương khói, mảnh mai, bay trong những hàng cây, thành quách Huế. Tâm hồn ông cũng thấm đẫm tinh thần Huế khi chọn Huế là "quê hương" thứ hai sau khi lập gia đình ở Huế cho đến mãi sau này. Ông và gia đình vẫn đi đi về về giữa Huế và Sài Gòn trong thời gian trước 1975. Ông là giảng viên hội họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật và giáo sư hội họa Trường Nữ Đồng Khánh.

Ở Huế, Đinh Cường là một trong những nhân vật văn hóa nghệ thuật nổi tiếng và tiêu biểu. Dù sinh ra ở Thủ Dầu Một và lớn lên ở Sài Gòn - Gia Định, ông chắc chắn vẫn được xem là một người con của Huế vì những sinh hoạt và đóng góp vào văn hóa nghệ thuật ở đây.

Hội Họa sĩ Trẻ

Đinh Cường thành công khá sớm trong hội họa miền Nam thời ấy. Ông gửi tranh tham dự triển lãm hội họa Mùa Xuân Sài Gòn từ năm 1961 lúc 22 tuổi, gặp gỡ những nghệ sĩ đàn anh có tiếng như Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Văn Đen, Mai Thảo, Tạ Tỵ... (sau này đều trở thành bạn vong niên của ông). Ông đoạt huy chương bạc triển lãm Mùa Xuân Sài Gòn hai năm liền 1962 và 1963 (23-24 tuổi) và tham dự nhiều cuộc triển lãm hội họa chung từ những năm 1961, 1962...

Đến 1965, ông có triển lãm cá nhân đầu tiên, nằm trong số ít họa sĩ tổ chức nhiều triển lãm cá nhân nhất ở miền Nam trước 1975. Từ đó, triển lãm của ông hầu như được tổ chức mỗi năm ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Đà Lạt... cho đến kỳ triển lãm cuối trong tháng 2.1975.

Điều đó cho thấy sức sáng tác rất sung mãn của ông. Và vì có nhiều giai đoạn sáng tác khác nhau (mỗi triển lãm thường ghi dấu một giai đoạn sáng tác và chủ đề nhất định) với những trăn trở riêng biệt nên khó có thể nói đâu là giai đoạn thăng hoa nhất của Đinh Cường. Mặt khác, ông vẫn giữ phong cách đặc thù cho tranh của mình.

Năm 1983, Đinh Cường trở lại vẽ nhiều hơn trước đây và có cuộc triển lãm cá nhân "chui" đầu tiên năm 1983. Sau đó, ông đều đặn có triển lãm trong thời kỳ “đổi mới” cho đến ngày rời khỏi đất nước, trong đó có cuộc triển lãm khá nổi tiếng với hai người bạn là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và họa sĩ Đỗ Quang Em năm 1988 ở Nhà Văn hóa Tiệp Khắc, ghi dấu ấn đậm cho hội họa Sài Gòn thời ấy. Ngoài Đỗ Quang Em trong Hội Họa sĩ Trẻ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời thành lập hội tuy chưa vẽ tranh nhưng là người bạn thân thường lui tới trụ sở Hội những tháng ngày năm 1967.

Đinh Cường cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở ngôi nhà số 31A Nguyễn Đình Chiểu, Tân Định. Ảnh: TLGĐ


Nhìn lại đời họa sĩ, Đinh Cường thừa nhận Hội Họa sĩ Trẻ có ý nghĩa đối với cuộc đời nghệ thuật của ông. Theo Đinh Trường Chinh: “Tôi nghĩ Hội Họa sĩ Trẻ có ý nghĩa to lớn đối với cha tôi, cũng là niềm tự hào của ông trong quá trình sinh hoạt ở đó. Nó định hình cả thế hệ họa sĩ của miền Nam Việt Nam sau thế hệ của các họa sĩ Hà Nội di cư vào Nam như Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh...". 

Những ngày tháng cuối

Đinh Cường có vẻ không thích hợp lắm với môi trường nước ngoài sau khi bị “bứng rễ” khỏi đất nước cuối năm 1989. Sự khắc nghiệt để hòa nhập vào cuộc sống khác lạ ở Mỹ nhanh chóng đưa ông rơi vào trầm cảm. Trong những bài thơ thường nhật, dễ dàng nhận ra cái buồn bã của ông trong những ngày tháng sống ở nước ngoài. Cư ngụ ở tiểu bang Utah rồi Virginia không đông người Việt như ở California, ông cảm thấy thiếu thốn tình bạn, thiếu những cuộc đi giang hồ mà ông thèm muốn. Quanh quẩn hầu như chỉ có gia đình, và tranh vẽ... Tình hoài hương của ông thể hiện qua những vần thơ buồn ông viết suốt những năm tháng ở Mỹ. Sau một thời gian ổn định, ông nhanh chóng trở về thăm Việt Nam, hàng năm.

Có lẽ hội họa là thứ cứu rỗi ông suốt thời gian ở Mỹ. Ông duy trì việc sáng tác cho dù hội họa không trang trải nổi đời sống vật chất khắc nghiệt ở nước ngoài. Tranh của ông vẫn bay bổng, chuyển hướng mạnh mẽ hơn, đắp dày hơn, táo bạo hơn. Tranh ông vẫn là tranh trừu tượng, thiếu nữ... Ông làm nhiều bìa sách cho các nhà xuất bản ở California. Ông cũng có khá nhiều cuộc triển lãm đó đây khắp nước Mỹ, Canada và châu Âu. Tuy nhiên, tranh của ông, rất tiếc không đi được vào cộng đồng Mỹ do nhiều rào cản về văn hóa, ngôn ngữ và ít thích hợp với lối sống ở xứ này.

Thiếu nữ bên cửa sổ miền đồi núi, bức vẽ thiếu nữ cuối cùng của Đinh Cường.


Bức vẽ thiếu nữ cuối cùng của Đinh Cường là bức sơn dầu Thiếu nữ bên cửa sổ miền đồi núi,  thực hiện tháng 10. 2014. Sau đó, ông chỉ sáng tác thêm vài tác phẩm nữa, đều là trừu tượng, đề tài Phật, thiền hoặc phố. Có vài bức vẫn chưa xong hẳn, ngoại trừ bức Thiếu nữ bên cửa sổ miền đồi núi đã hoàn chỉnh. Đinh Trường Chinh cảm nhận về bức tranh này: “Nó ra đời từ một tấm bố trắng. Từ những buổi chiều. Mưa, nắng. Những ngày bắt đầu thấm mệt. Chắc chắn đây không phải là bức tranh thiếu nữ xuất sắc của Đinh Cường trong hàng ngàn bức tranh thiếu nữ khác. Nhưng nó như một sự trở về. Đinh Cường thấy cần về. Thăm. Vỗ về. Như vỗ về cơn đau thân thể mình. Vỗ về ký ức rạn vỡ của bao nhiêu năm chiến tranh và lưu lạc. Cái tìm về cuối cùng vẫn là thiên nhiên, là cái đẹp mong manh sương khói, những ân tình cũ...”. 

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/dinh-cuong-voi-ban-be-que-huong-va-ky-niem-42511.html