Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2023

Nhật ký Sài Gòn lockdown (kỳ 4)

Đỗ Duy Ngọc

395505594_10159909216238635_1681292513706451678_n

 

SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ MƯỜI HAI CHUYỆN Ổ BÁNH MÌ VÀ NỖI LO CÒN ĐÓ

Trên mạng xã hội và dư luận ở Việt Nam ngày hôm qua, có lẽ từ bánh mì và lương thực là từ được nhắc đến nhiều nhất. Và nhân vật Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, tỉnh Khánh Hòa bỗng dưng nổi tiếng như cồn. Nổi đến độ giờ đây lên google gõ “bánh mì không phải là lương thực”sẽ cho ra kết quả 25.900.00 tin liên quan trong 0,57 giây.

Nó bắt nguồn từ việc một ông quan bé cấp phường tên Thọ ở tỉnh Khánh Hoà bắt một anh thanh niên trẻ ra đường mua thức ăn trong ngày giãn cách. Anh mua bánh mì. Luật không cấm người đi mua lương thực, thực phẩm và hàng hoá thiết yếu. Thế nhưng, anh quan bé này cho rằng bánh mì không phải là lương thực nên bắt anh nhỏ về đồn sau một hồi nói qua nói lại. Clip từ lúc câu chuyện bắt đầu xảy ra ở ngoài đường cho đến khi vào văn phòng phường đều do chính anh Thọ này ghi lại làm bằng chứng tâng công nên có độ chân thực tuyệt đối và Thọ cũng không ngờ clip đó lại khiến dư luận phẫn nộ chống lại mình. Gậy ông lại đập lưng ông, chẳng còn chi để chối cãi và lãnh đạo cũng không còn cách gì để bênh vực thuộc hạ của mình như đã từng xử lý lâu nay.

Không chỉ bảo bánh mì không phải là lương thực để bắt phạt, giam xe, thu giấy tờ của cậu nhỏ. Anh phó phường này còn xúc phạm người khác khi mỉa mai cho rằng cậu nhỏ ở trên núi à, trên núi mới xuống hả? Có ý chê cậu này quê mùa không biết bánh mì không phải là lương thực. Ở đâu ra cái thói khinh miệt, phân biệt dân của cán bộ thế? Lại còn hăm doạ tác động để đuổi việc cậu nhỏ. Sau đó cậu bị đuổi thật. Hèn thế!

Dân Việt Nam từ Bắc vào Nam, từ quê đến tỉnh, từ vùng núi cho đến đồng bằng không ai là không biết đến bánh mì. Nó là loại thực phẩm phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đó là loại bánh được chế biến từ bột mì hoặc ngũ cốc nướng lên. Và đích thị nó được nằm trong danh mục lương thực và thực phẩm.

Khi tên quan bé cấp phường tên Thọ nói rằng: ”Bánh mì đâu phải lương thực, thực phẩm. Lương thực là gạo, rau củ, muối cá, thịt... những cái thức ăn. Bánh mì là món ăn luôn rồi! Từ ngữ lương thực không phải vậy. Em lên google search ra mới hiểu được”. Hắn đang giảng điều ngu ngốc mà cứ tưởng là hay lắm, trí tuệ lắm. Người ta thường bảo dốt thì ưa nói chữ là thế. Thật ra trong vụ này, nổi bật lên không phải ở chỗ sự thiếu não của ông quan bé mà thể hiện sự lạm quyền, ưa sách nhiễu nhân dân, muốn tỏ quyền uy, hạch sách người khác của đại bộ phận quan chức, cán bộ từ nhỏ đến to trong hệ thống công quyền ngày nay. Với lối định nghĩa bánh mì không phải là lương thực, tên Thọ cho thấy y là người vô học, thái độ cư xử của người dân như thế thể hiện y là kẻ ỷ mạnh hiếp yếu, đê hèn, ưa thể hiện quyền lực. Giao cho một kẻ vô học, thất phu như thế có chút quyền hành thì chỉ khổ dân thôi. Một kẻ trong đầu rỗng không, vừa dốt vừa không có tâm mà lại có quyền thì nó hung hăng lắm, muốn chứng tỏ uy quyền ghê lắm. Khổ thay trong xã hội ta lúc này lúc nhúc những đám người như thế này. Mùa dịch, phong toả, giãn cách là một biện pháp để ngăn ngừa và chống dịch. Là người dân, ai cũng phải có trách nhiệm chấp hành. Nhưng cuộc sống phải có những nhu cầu sinh hoạt cho nên bắt buộc có người phải ra đường để giải quyết. Nhiệm vụ của người được giao quyền lực là ngăn chận nhưng trong cái lý phải còn cái tình, không vì cố phạt cho được để thu tiền dân mà nên giải thích cho dân hiểu và cũng tuỳ trường hợp mà xử lý. Cái thói lạm quyền ăn sâu vào trong đầu của mấy ông nội được ban cho chút quyền nên cứ như Hồng vệ binh ở bên Tàu.

Và cũng từ chuyện bánh mì của ông quan Thọ này, người ta tự hỏi sao trong hệ thống chính quyền của nhà nước này lại thu nạp một kẻ tướng tá, tác phong, ngôn ngữ như dân xã hội đen, như tay đứng bến xe, bến đò, như mấy kẻ đòi nợ thuê nhan nhản ở khắp phố phường thời nay. Xem mấy tấm hình của y, người ta không nghĩ đây là một viên chức hành chánh của nhà nước đang quản lý và điều hành một phường ở một thành phố khá lớn và nổi tiếng của Việt Nam. Người ta cứ nghĩ đó là một tay giang hồ. Mà suy cho cùng, tổ chức của xã hội ta giờ có khác chi chốn giang hồ. Không thiếu kẻ thi hành pháp luật hành xử như tên Thọ này. Nỗi lo vẫn còn đấy. Tội nghiệp cậu nhỏ, lúc đầu cậu cũng cứng cỏi lắm. Nhưng rồi bị thu giấy tờ, giam xe, doạ nạt cậu đành nhẫn nhục, xuống nước. Ngồi nghe giảng biết kẻ đang nói ngu bỏ mẹ mà vẫn cứ phải gật đầu thấy thương. Cái thế của dân ta bây giờ là vậy thôi, biết sai mà đố dám cãi.

Thật tội cho dân mình khi phải bị trị bởi những quan ngu. Rồi cậu ta bị đuổi việc. Nhưng xã hội bất bình, ra tay giúp cho cậu ta sớm có việc làm.

Rồi trước áp lực của dư luận, công ty cũ của cậu ta lại nhận cậu nhỏ về làm việc lại. Ít ra cũng còn chút lẽ phải để vui trong mùa dịch vật này.

Cũng hôm qua được xem một clip về một anh chủ nhà mặt tiền giúp cho một cậu thanh niên chạy Grab bị hư điện thoại. Clip chỉn chu quá, hình ảnh tốt quá lại có phụ đề ở dưới khiến nhiều người xem cho là dàn dựng. Ừ, có thể là chuyện thực mà cũng có thể là dàn dựng.

Nhưng một câu chuyện hư cấu đầy tính nhân văn, một vở kịch dạy cho người ta làm điều thiện, một cuộn phim cho người xem một bài học ứng xử tốt với đồng bào mình cũng là điều cẩn thiết chứ. Tất cả cũng là diễn đấy thôi.

Đọc tin một gia đình ở quận 10, đã có ba sinh mạng tử vong chỉ trong vòng nửa tháng vì cúm Tàu. Xót xa quá. Một sinh linh vừa chào đời đã mất. Hai bà nội, bà ngoại đến chăm cháu vì cha mẹ cháu bị đi cách ly tập trung do vướng virus cũng lần lượt lìa đời vì nhiễm bệnh. Và rồi cả nhà, họ hàng, anh em đều dương tính cả. Buồn quá. Mà nghĩ cũng lạ, nhà nước ta dùng chữ kỳ thật chứ. Đã cách ly mà lại tập trung, hai từ ấy chỏi nhau quá mạng. Y như kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vậy. Ghép hai cái mâu thuẫn, đối chọi nhau vào một cụm, diễn dịch ra tiếng nước ngoài đố thằng Tây nào hiểu nổi.

Phong toả đã qua đến ngày thứ mười một, tin trên báo đài, phát biểu của quan chức đều cho là đã kiểm soát được dịch bệnh, bệnh viện đầy đủ thiết bị để chữa bệnh, siêu thị đầy ắp hàng hoá trên ti vi.

Nhưng dân nghi nghi, thấy có gì sai sai vì cũng trên các báo, phần cuối các tin là lời kêu gọi nhân dân hỗ trợ để mua các thiết bị y tế cho các khu tập trung, cho các bệnh viện dã chiến? Người dân cũng khó tìm được những mặt hàng thiết yếu trong các siêu thị dù phải xếp hàng chờ đợi và phải mua với giá cao. Tình hình chắc chắn phải kéo dài thêm nhiều ngày nữa, mỗi người dân tiếp tục kiên nhẫn chịu đựng và tự mỗi người phải tự bảo vệ mình và gia đình mình. Dính bệnh là một bất hạnh mà dính vào thời điểm này lại càng bất hạnh hơn vì tất cả đã quá tải. Sức lực của đội ngũ y tế đã kiệt quệ sau một thời gian dài phục vụ. Các bệnh viện đã đầy ắp bệnh nhân. Xe cứu thương không đủ để phục vụ.

Toàn xã hội đang trong cơn stress và di chứng đó sẽ còn tồn tại mãi sau cơn đại dịch này. Mong bình yên cho tất cả.

20.7.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ MƯỜI BA NHƯ MỘT LỜI XIN LỖI

Có một việc đáng ra tôi phải làm từ mấy ngày trước, nhưng lu bu rồi chưa làm được. Đó là phải xin lỗi nhiều người, rất nhiều người Sài Gòn. Số là khi mới có lệnh phong toả thành phố của nhà chức trách, nhiều người dân nối đuôi nhau, chen lấn nhau vào các siêu thị mua gom thực phẩm, lương thực, những vật dụng thiết yếu. Lúc đấy, tôi có viết một bài viết phê phán việc đổ xô gom hàng và cho rằng Sài Gòn không bao giờ thiếu hàng, không cớ gì mà phải vội vã, giành giựt nhau để mua hàng. Nhưng rồi qua những ngày phong toả, tôi thấy mình đã nhận định sai, Sài Gòn thiếu rau củ, Sài Gòn thiếu thực phẩm, Sài Gòn thiếu bánh mì, món ăn quen thuộc của người Sài Gòn là chuyện có thật. Đó là sự thật. Khi các chợ đầu mối cũng như các chợ truyền thống bị đóng cửa, tất cả dồn vào siêu thị. Và kết quả là siêu thị không đáp ứng đủ cho nhu cầu. Người dân phải chen nhau, chờ đợi để mua được chút rau, chút thịt với vài quả trứng. Nếu cứ mãi tin đài, báo sẽ chẳng có chi bỏ vào mồm, Chưa kể một số siêu thị như Cửa hàng Bách hoá xanh tận dụng cơ hội để răng giá. Tôi đã đánh giá sai. Tôi phê phán sai, xin lỗi mọi người.

Thật ra Sài Gòn không thiếu hàng. Rau củ từ Đà Lạt. Thịt heo từ các tỉnh miền Đông. Cá tôm và rau xanh từ miền Tây. Tất cả bị dồn ứ vì đường không thông. Những chuyến xe tải về thành phố phải qua bao nhiêu trạm, tài xế phải trang bị bao nhiêu thứ giấy tờ, xe xếp hàng dài chờ kiểm tra, trải qua biết bao thủ tục thì xe hàng mới được vào thành phố. Rau héo, củ hư, thịt thối, cá ươn vì những biện pháp ngăn dịch không cần thiết. Nếu ta thông đường, thay đổi cách ngăn chặn dịch, hàng hoá sẽ không thiếu ở Sài Gòn, đó là câu khẳng định chắc nịch của các doanh nghiệp vận tải cũng như các công ty cung ứng thực phẩm lâu nay cho Sài Gòn. Làm được như thế, chắc chắn chẳng cần cái đề xuất ngu ngơ dùng máy bay chở rau củ miền Bắc vào giải cứu Sài Gòn. Chúng ta tắc là tắc vì các thủ tục hành chánh rườm rà, vô ích. Dân ta khổ vì kiểu ngăn sông cấm chợ thiếu khoa học và quá nguyên tắc. Biện pháp cho phép mở lại các chợ truyền thống có kiểm soát là một quyết định sáng suốt của lãnh đạo thành phố dù khôn kịp thời. Khi hàng hoá lưu thông dễ dàng, các chợ hoạt động trở lại tuy còn hạn chế cũng là lúc dân ta nên tẩy chay các siêu thị lâu nay đầu cơ tích trữ, lợi dụng cơ hội tăng giá bóp cổ dân nghèo. Phải có động thái quyết liệt đó để cho họ có một bài học làm người lương thiện.

Từ hôm qua đến nay trên mạng cũng râm ran vụ nhiều người được chích vaccine Pfizer của Mỹ mà không cần qua khâu đăng ký. Chích xong lại đem lên khoe ầm ĩ trên facebook như một cách tự hào về thân thế. Xã hội bất bình cũng đúng thôi. Biết bao người tuyến đầu chống dịch chưa được chích ngừa. Biết bao người già, đối tượng dễ nhiễm bệnh và dễ tử vong nhất phải xếp hàng chờ đợi. Và chắc chắn nếu được chích, họ sẽ không được lựa chọn thuốc tốt nhất, an toàn nhất. Việc được ưu tiên, con ông cháu cha, là chuyện bình thường trên đất nước này. Ưu tiên đủ mọi việc chứ không chỉ chuyện chích vaccine. Và cũng từ chuyện ưu tiên như thế cũng có thể có việc trục lợi, kiếm tiền trong chuyện chích ngừa. Có thể lắm chứ, người bệnh khi vào bệnh viện cần có phong bì thì để được chích trước mọi người tránh sao được chuyện phong bao. Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Và cũng từ việc khoe được chích không cần đăng ký rồi lời thanh minh, bao biện của các lãnh đạo bệnh viện Hữu Nghị. Người ta được biết thêm Pfizer dành cho cán bộ cấp cao. À mà chuyện đấy cũng hợp lý thôi mà.

Tình hình thế này, chuyện phong toả chắc sẽ còn dài không chỉ ở thành phố này mà còn ở nhiều tỉnh thành khác trên toàn quốc. Điều lo lắng nhất hiện nay, nói như ông PGS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thì tình hình dịch bệnh các tỉnh thành phía Nam rất phức tạp và có thể diễn biến xấu. Khi các tỉnh miền Đông Nam bộ và các tỉnh miền Tây tiếp tục bùng phát dịch, số nhiễm bệnh tăng lên là điều đáng quan tâm. Những khu vực đấy y tế nhân lực thiếu, không có bác sĩ có tay nghề và kinh nghiệm. Khả năng dịch lan rộng ở các tỉnh thiếu nhân lực, y tế yếu thì đương nhiên tỷ lệ tử vong sẽ tăng lên. Đồng thời khi dịch bệnh lan rộng, khả năng trợ giúp nhân lực từ nơi khác đến cũng như trang bị thêm thiết bị chữa bệnh cũng sẽ khó khăn hơn nhiều. Lúc đấy địa phương nào tự lo địa phương đấy, tỉnh nào lo tỉnh ấy, khó có thể kêu gọi chi viện và giúp đỡ. Cũng như ở Hà Nội, nếu tình trạng căng thẳng hơn thì đành rút quân đang hỗ trợ khắp nơi về, tình hình điều trị tại các tỉnh phía Nam sẽ gặp không ít khó khăn.

Hôm nay đọc được mấy mẩu chuyện kể diễn ra trong các khu cách ly và bệnh viện dã chiến. Một chị bị cách ly trong khu tập trung bực mình vì quạt không hoạt động và vòi nước bị hư. Chị ta chửi om sòm vì gọi mãi không thấy ai, nhưng rồi khi nhìn xuống sân thấy nhiều y tá, điều dưỡng và tình nguyện viên đang mang vác vật dụng lên lầu cao giữa trưa nắng đầm đìa mồ hôi. Cơn bực mình của chị ta dịu lại. Có ông cụ nằm bệnh viện vì vướng dịch, cảm thấy mệt, gọi bác sĩ nhưng chưa thấy. Ông ta định la mắng nhưng rồi nhìn ra thấy một bác sĩ đang nằm thiếp đi vì kiệt sức trong bộ đồ bảo hộ bít bùng. Ông lại đành quên cơn giận và cũng quên cơn mệt. Có anh đang bị cách ly, nổi giận vì cho rằng cơm thịt không ngon, nhưng rồi nhìn dãy dài bác sĩ, y tá, điều dưỡng đang ăn những hộp cơm quá bữa dưới cái nắng của trời và cái nóng của bộ đồ bít bùng, miệng anh bỗng bớt gầm gừ.

Và còn biết bao cảnh khó khăn của đội ngũ y tế, không những khó vì phải làm việc liên tục, ăn không đúng giờ, ngủ không đủ giấc, phải xa con cái, cha mẹ, gia đình suốt thời gian dài. Mà còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu những tiện nghi, thiết bị để chữa bệnh. Tất cả mọi người hãy có cái nhìn tích cực, thương yêu và tri ân. Nếu không có đội ngũ ấy, nếu không có những hi sinh của họ, nếu không có những thầy thuốc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, con số tử vong chắc chắn sẽ không là con số như hiện nay.

Hàng ngày con số vẫn còn cao, đã qua ngày thứ mười ba. Mong những đội ngũ y tế vẫn còn sức khoẻ để tiếp tục chiến đấu, mong những con số thôi nhảy múa để thành phố trở về bình yên, mọi người được an bình đón ngày mới không còn những nỗi lo âu.

Rồi gió cũng qua đi, giông bão cũng có lúc tạnh, mặt trời chẳng bao giờ tắt dù nhiều khi cứ ngỡ là nó không có thực.

21.7.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ MƯỜI BỐN TUỔI GIÀ VÀ ĐẠI DỊCH

Người ta thường bảo mỗi ngày qua đi là thêm một ngày bị mất đi không tìm lại được. Nhất là đối với những người lớn tuổi, quỹ thời gian chẳng còn bao nhiêu, thời gian cứ ngắn lại. Từ khi dịch virus Vũ Hán xuất hiện trên thế giới, đến nay đã gần hai năm. Thế giới đã có hơn 192.000.000 người mắc bệnh và đã có gần 4.200.000 người tử vong. Những con số thống kê đầy ám ảnh. Và như thế, người già đã mất đi gần hai năm sống bị trừ đi trong thời gian ngắn ngủi còn lại của cuộc đời. Người trẻ tuổi còn một quãng thời gian dài trước mặt, nhưng người già thì không. Gần hai năm không thực hiện được những toan tính, những dự định. Dư thừa thời gian vì hết đợt giãn cách này đến phong toả, nhưng lại chẳng làm được gì. Người già thường cô đơn, nhất là những người không còn người bạn đời bên cạnh. Họ vui vì được gặp gỡ bạn bè, người thân. Họ vui vì được đi đây đi đó, đến những nơi mà suốt thời trai trẻ vì cơm áo gạo tiền, vì phải làm việc để lo cho gia đình nên chưa đến được. Họ vui vì mỗi sáng được đi bộ, buổi chiều được đạp xe để tăng cường sức khoẻ. Họ vui vì được đi đến hàng quán, chọn cho mình một món ăn ngon theo ý thích. Họ vui vì được nhìn con cháu tụ về với không khí gia đình đầm ấm và đầy tình yêu thương. Họ vui vì mỗi sáng mỗi chiều nhìn thành phố nhộn nhịp, hối hả nhịp sống. Nhiều người vì hoàn cảnh nên dù tuổi cao vẫn bươn chải làm việc kiếm cơm, không lệ thuộc cháu con nhưng họ vẫn bằng lòng vì vẫn là người còn lao động không dựa dẫm vào ai. Nhưng tất cả niềm vui đó không thể có trong mùa dịch, lại càng khó thực hiện khi xã hội bị phong toả. Tuổi già vốn cô đơn lại càng cô đơn hơn. Tuổi già thường đi liền với bệnh tật nhưng trong thời điểm này mà đến bệnh viện là nỗi lo âu kinh hoàng. Và như thế, trong mùa dịch người già là lớp người dễ bị trầm cảm và dễ sa sút sức khoẻ nhất. Trên thế giới, lứa tuổi trên 65 là đối tượng được ưu tiên hàng đầu được chích vaccine, ở ta thì ngược lại, nằm gần cuối trong 11 đối tượng được tiêm ngừa.

Người xưa cũng từng cho rằng, con người vốn khổ vì không

buông được, nghĩ không thông, không nhìn thấu, không quên được. Tuổi già là tuổi tập buông hay có người đã buông, cũng là tuổi lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ. Tức là 60 tuổi ta biết điều phải trái, 70 tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc.

Thế nhưng trong cơn đại dịch này, dù trẻ hay già, ai mà không bị tác động nên khó mà buông, cũng khó mà quên những đau thương, khốn khó vây quanh mình và đồng bào mình. Nhìn tấm ảnh chụp đoàn 47 người lao động bị mất việc ở Khánh Hòa đành đi bộ mấy trăm cây số trong đói khát về quê Quảng Ngãi mà đau lòng. Xem trên TV phóng sự gia đình ở Nghệ An làm công nhân ở trong Nam, nhà máy đóng cửa, cả nhà bán chiếc điện thoại mua hai chiếc xe đạp chở nhau về quê cách xa cả ngàn cây số mà xót xa quá. Thấy trên youtube một cậu thanh niên không kiếm được việc làm vì mùa dịch đành chọn cách đi bộ về quê ở Quảng Nam, may gặp người tốt cho một triệu đón xe về. Cơn đại dịch khiến người vốn đã lại nghèo càng tàn mạt hơn. Hội Đồng hương Đà Nẵng, Quảng Nam cho xe chở người đồng hương về quê. Lãnh đạo Bình Định tuyên bố sẽ thuê máy bay đưa người Bình Định làm ăn ở Sài Gòn về nhà. Tất cả việc làm tốt đấy tuy đã trễ nhưng cũng nên có lời khen. Nhưng tổ chức như thế nào, lập danh sách ra sao thì không thấy đề cập tới. Đôi khi những điều nói trên báo thì dễ nhưng trên thực tế thì chẳng biết thế nào?

Trong thời phong toả mới thấy hai món phở và bánh mì là món dân mình ưa thích và phổ biến. Khi hàng quán không được mở, bán buôn bị hạn chế nên trong những ngày này, trên mạng đầy hình ảnh những tô phở tự nấu ở nhà. Đương nhiên đó là những gia đình có điều kiện. Còn người nghèo cũng chỉ mong có bó rau, miếng trứng là qua một bữa.

Nhìn những bát phở lại càng tăng cơn thèm phở. Giờ mà có một tô phở của quán phở quen nhỉ? Gọi một tô nạm, vè, gầu. Kêu thêm chén tiết hay chén tuỷ. Tô phở bưng ra, mùi thơm ngào ngạt bốc lên. Tô phở đẹp như một tác phẩm sắp đặt. Màu sóng sánh của nước lèo, màu hồng phơn phớt tái của miếng nạm, màu vàng ngậy béo của miếng gầu điểm mấy sợi trắng đục của mấy miếng vè dai dai, sần sật. Lại thêm màu xanh của hành, màu trắng của hành tây và tương ớt đỏ. Đó là tổng hợp sắc màu của một tác phẩm. Cầm lấy cái muỗng, húp một miếng nước lèo, hơi nóng beo béo, thơm thơm, ngậy ngậy đi từ miệng xuống họng rồi làm ấm bao tử. Ngon quá. Giờ thì trộn lên, gắp một ít bánh, thêm miếng thịt, miếng gầu và đưa vào miệng. Nhai. Ôi chao! Béo của thịt, ngọt cũng của thịt, đậm đà cũng của thịt, dai dai, sần sật, bùi bùi cộng với những sợi phở nuột nà hòa trộn trong miệng và nước lèo thơm phức. Hèn chi người ta đặt cái ăn lên hàng đầu của tứ khoái. Nhất là ăn được miếng ngon, món ngon trong thời buổi khó trăm bề như thế này. Viết mà nước miếng cứ tuôn ra. Thèm phở quá. Cũng nhớ vô cùng mấy ổ bánh mì dòn tan, nóng hổi mới ra lò ở mũi tàu Trần Quang Khải. Chấm với nước tương có ớt, hay chấm với sữa đặc hay bơ Bretel nhỉ. Quá ngon. Hay là ăn mì thịt nguội, giờ có mà ăn thì tiệm nào cũng ngon, xe nào cũng được. Ôi nhớ miếng jambon, miếng xúc xích, miếng thịt heo, miếng pa tê, miếng chả lụa, miếng heo quay hay ổ bánh mì bì chan nước mắm ớt chua ngọt của những ổ bánh mì mới đây mà giờ thấy như xa xôi vô cùng. Thế mà có thằng bảo bánh mì không phải là lương thực, là thực phẩm. Sao già rồi mà lại thèm ăn như trẻ con vậy nhỉ? Mỗi người có những món ăn quen, những hàng quán quen, những khẩu vị quen. Người có tuổi thì món ấy, quán ấy, khẩu vị ấy nhiều khi đã theo họ cả vài năm ba chục năm. Giờ không có, mở mắt chào một ngày mới, họ cảm thấy như thiếu gì đấy, đánh mất gì đấy nên dạ ngẩn ngơ.

Qua 12:00 trưa, đọc tin thấy người nhiễm bệnh vẫn còn tăng, người tử vong thêm nhiều, buồn quá. Thôi đành gác cơn thèm của mình lại, để dành cho mốt mai. Giờ trong bữa ăn còn có miếng cá, miếng rau, miếng thịt cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Mong cơn dịch qua mau để mọi người bớt khổ. Tuổi già được ung dung, thanh thản để được sống vui trong những thời gian cuối đời. Giữa những lo toan vẫn có những tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Theo GS Jeffrey, thuốc Lambda giúp cản trở Interfeson Lambda của virus Vũ Hán, loại protein phát triển tự nhiên trong cơ thể chống lại virus với nhiều ưu điểm so với các liệu pháp điều trị virus hiện nay. Thuốc Molnupriavir cũng đang cho thấy nhiều hứa hẹn. Ở Hàn Quốc cũng đang thử nghiệm lâm sàng loại thuốc Rekiroba do hãng bào chế Celltrion, hi vọng sẽ sớm có thuốc để chữa được bệnh. Loài người vẫn luôn hi vọng. Thời gian thì trôi quá nhanh mà lại bị mùa dịch cướp mất, còn cuộc đời lại quá ngắn, nên tự nhủ với lòng cũng chẳng còn thời gian để tiếc nuối, ân hận hay oán trách ai nữa. Cứ tự bảo vệ bản thân mình thật tốt. Qua được mùa dịch là niềm vui và hạnh phúc để được sống trở lại cuộc sống bình thường, làm được những việc bình thường của một người già.

22.7.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ MƯỜI LĂM

Thế là đã thành phố đã phong toả đến ngày thứ mười lăm, ngày cuối cùng của lệnh ban hành từ hôm 9.7.2021. Thế nhưng tình hình vẫn chưa yên, con số nhiễm dịch và tử vong vẫn còn cao, Sài Gòn lại tiếp tục giãn cách không biết cho đến bao giờ. Lệnh thì nói đến ngày 1.8. Nhưng với diễn tiến như thế này, ai dám bảo đảm lúc đó sẽ yên. Vẫn còn đó những lo âu và cả những bực bội. Nhưng cũng phải nên tập chấp nhận, với tình hình này chỉ cần lơ là, mất cảnh giác là dính bệnh ngay. Mà nhiễm bệnh lúc này thì rất nguy hiểm khi bệnh vện quá tải, bác sĩ thiếu, máy móc, thiết bị không đủ cung ứng.

Vừa được xem một clip và một bài báo ghi lại tình cảnh một bệnh nhân không biết mắc bệnh gì phải cấp cứu, nhưng đã đến 4 bệnh viện đều bị khước từ.

Trong khi lãnh đạo ra lệnh: Cấp cứu bệnh nhân mùa dịch, bệnh viện không được từ chối. Người bảo vệ lại to tiếng, nặng lời với người nhà bệnh nhân. Không biết rồi kết quả thế nào, có bệnh viện nào nhận ca cấp cứu này không? Tình trạng quá tải ở các bệnh viện chuyên điều trị virus Vũ Hán là có thật, các bệnh viện dã chiến cũng không còn chỗ chứa. Ông Chủ tịch thành phố cũng đã từng kể với báo chí về một trường hợp một người nhiễm bệnh, gọi đến cơ quan y tế mà không chỗ nào nhận đành cầu cứu đến ông vì có quen biết. Nhờ thế mới có chỗ nằm. Nhưng còn các bệnh viện khác phải mở cửa cho người bệnh chứ. Chỉ vì sợ con virus nên bệnh viện nào cũng cố tránh. Không nhận bệnh nhân cho yên chuyện. Dính con virus là lắm rắc rối cho nên bệnh viện nào cũng chọn cách để bình yên. Giờ đây người ta đuổi người bệnh như đuổi tà.

Bình thường khi chưa có dịch, hàng ngày hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân chen chúc nhau đến khám bệnh ở các bệnh viện ở thành phố. Thế trong mùa dịch, và trong cảnh phong toả như thế này, Không biết những người bệnh đó đi đâu. Người ta không còn thấy cảnh chen lấn nhau lấy số, không còn thấy cảnh người xếp hàng chờ đến lượt mình. Nhiều bệnh viện vắng người bệnh. Họ đi đâu cả rồi?

Con người không chỉ có bệnh cúm Tàu. Con người còn có thể mắc biết bao nhiêu bệnh khác. Nào tim, nào phổi, nào máu, nào gan, nào thận, nào xương, nào não. Mỗi ngày chỉ riêng thành phố này thôi, cũng đã có biết bao người bệnh. Họ đến đâu để khám, họ đến đâu để cứu chữa, họ đến đâu để điều trị? Bệnh nhân không chỉ ở thành phố mà còn ở khắp nơi, từ bốn phương đến vì tuyến dưới, bệnh viện địa phương không đủ điều kiện hay người bệnh không đủ lòng tin. Thế là kéo lên Sài Gòn. Giờ Sài Gòn phong toả, các phương tiện giao thông bị hạn chế ra vào, họ đi đâu? Chắc chắn trong số tử vong hàng ngày sẽ có không ít những người chết vì những bệnh khác nhau nhưng không đến được bệnh viện. Nhìn thái độ và cách nói của người bảo vệ trong clip vừa xem, người ta càng thấy rõ một vấn nạn khá lớn đang diễn ra trong những ngày phong toả. Đó là kiểu lạm dụng quyền lực, thái độ kiêu binh, kiểu ăn nói và cư xử giang hồ của những người đang thi hành nhiệm vụ ở các chốt chận, những khu cách ly, phong toả, những đội ngũ công an ở các đội lưu động. Một anh shipper bị dân phòng đánh, một đoàn từ thiện bị hành hung, một công nhân đi mua bánh mì bị bắt về đồn với những lời đe doạ, một ngôi nhà hé cửa bị lập biên bản và người bị phạt phải quỳ lạy, một người lang thang bị hành hung...Nhiều, rất nhiều trường hợp đã xảy ra. Xuất phát từ đội ngũ thi hành nhiệm vụ thiếu được hướng dẫn và giáo dục trước khi giao nhiệm vụ. Bản thân những người đó cũng là những kẻ ưa bạo lực, thích khoe khoang quyền lực của mình, tự cho mình cái quyền sỉ nhục người khác. Người dân sống trong thời kỳ phong toả đã bị ức chế, trầm cảm nên cũng dễ nổi giận. Do một bên thì ỷ vào quyền lực được giao, một bên vốn đang ẩn ức, thế là đụng độ, ẩu đả là chuyện khó tránh. Nếu nhà nước không có những hình thức kỷ luật thấu đáo với những người lạm quyền, trong những ngày tới, chuyện xô xát đáng tiếc sẽ còn xuất hiện nhiều hơn. Giao quyền lực cho những người không ý thức rõ ràng về nhiệm vụ và giới hạn sử dụng cái quyền đó hợp lý, hợp tình chắc chắc sẽ có lắm kẻ cho mình nắm luật trong tay để tỏ quyền uy, chứng tỏ mình là kẻ có quyền.

Sài Gòn lại mưa, cơn mưa từ sáng sớm cho đến chiều vẫn chưa dứt. Những con phố buồn hiu dưới mưa làm thành phố buồn hơn. Thèm được ngồi ở một quán nào đấy, uống một chút gì đấy, nghe một bản nhạc ưa thích giữa cơn mưa Sài Gòn như thế này. Người ta đến quán cà phê không phải chỉ để uống cà phê mà phần đông là để kiếm một chỗ ngồi. Tôi không biết uống cà phê, nhưng cách đây hơn năm mươi năm trong một bài báo viết về cà phê tôi đã viết như thế. Đúng là vậy, người ta tìm một chỗ ngồi để gặp bạn bè, tán chuyện trên trời dưới đất. Để nghe một bản nhạc hay. Để được sống trong không gian được trang trí đúng sở thích của mình. Được nhìn cánh hoa nở trên bàn, vạt áo nào bay trong nắng trong quán nhỏ. Và cũng có thể để được nhấm nháp một ly cà phê ngon, một tách trà pha đúng điệu. Thời phong toả, niềm vui bé nhỏ ấy, thói quen đơn giản đó cũng không thực hiện được. Ngồi nhìn qua cửa sổ thấy mưa, đứng trên balcon nhìn xuống sân vườn với những lá xanh trong mưa chợt thèm một góc quán của một ngày cứ ngỡ như rất xa. Nghĩ đến đó lại tự trách mình, giờ này có biết bao người đang gồng mình chống dịch trong những khu cách ly, trong những bệnh viện. Biết bao người đang lo âu, đang khó khăn kiếm miếng ăn, tôi lại nghĩ đến chuyện thèm một quán để ngồi nghe mưa và nhìn mưa. Bậy quá.

Đã bắt đầu đợt tiêm chủng thứ hai của thành phố. Cũng có chút chạnh lòng khi Hà Nội với hơn 8 triệu dân được phân phối hơn 5 triệu liều vaccine. Trong khi đó Sài Gòn đang cơn đại dịch với gần 10 triệu dân chỉ được cho hơn triệu liều. Mà quên, Thủ tướng đã tuyên bố dành mọi ưu tiên cho thủ đô chống dịch mà. Lại quên mất. Tôi nằm trong hàng cuối của 11 cột người được chích ngừa. Không biết chờ đến bao giờ nữa đây. Nghe tin là trên 80 chích trước, rồi đến trên 70, rồi đến

70. Ừ, mà thôi, lúc nào chích cũng được, đành chờ vậy. Người ta bảo chống dịch như chống giặc, vũ khí để chống dịch là vaccine, thế mà cứ rề rề, chờ hoài chẳng thấy. Chỉ thấy con ông này, cháu bà nọ, ca sỹ này, người mẫu kia cứ lên face khoe tùm lum là được chích ưu tiên và được tiêm thuốc Mỹ. Công dân hạng hai như tôi, được ghi phiếu đăng ký chờ chích là may mắn lắm rồi, ta thán chi nữa.

Như vậy là tôi đã nằm nhà gần hai tháng. Bắt đầu từ 0h ngày 31.5, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 giãn cách theo chỉ thị 16. Rồi do xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng nên đến ngày 14.6, thành phố ra lệnh tiếp tục chỉ đạo giãn cách xã hội toàn địa bàn theo chỉ thị 15 thêm 2 tuần, từ 0h ngày 15.6 đến 0h ngày 29.6. Ngày 19.6, UBND TP.HCM lại ban hành chỉ thị số 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM; tạm ngưng các chợ tự phát, dừng vận chuyển hành khách công cộng. Đến 0h ngày 9.7, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 trên toàn thành phố, thời gian áp dụng 15 ngày. Và hôm nay 23.7 lại tiếp tục cho đến

1.8. Đạp xe được mấy hôm, ăn hàng được mấy bữa, ngồi quán được ít ngày rồi giới nghiêm 100 phần 100 cho đến nay. Mỗi ngày ăn hai bữa, bỏ ăn sáng, phẩy tay 500 cái, đạp xe tại chỗ 20 phút rồi loanh quanh hết đứng lại ngồi. Thuốc lá hết không mua được đành nhịn. Thuốc tẩu đành tăng 6 cối thay vì 4 cối như mọi lần. Cuồng cẳng, nhớ phố phường, nhớ bè bạn, nhớ tiếng xe rú, người đi. Kiểu này chắc sẽ trầm cảm. Ai sao mình vậy. Ai cũng có thể trở thành F1, F0, nhưng điều cần nhớ là số ca bệnh tại thành phố nảy chắc chắn sẽ tăng trong 5-7 ngày tới, liệu số ca có tăng nữa hay không phụ thuộc vào việc chấp hành giãn cách của mỗi cá nhân. Chiều nay lại nghe tin 20.000 dân ở một phường ở Bình Thạnh lại bị phong toả, cách ly vì phát hiện 252 người trong phường bị nhiễm dịch. Lại thêm khó khăn cho chính quyền lẫn nhân dân. Không khí bị nén lại căng thẳng đầy âu lo còn hơn thời chiến tranh. Thời chiến còn có chỗ để chạy tránh đạn bom, thời dịch chạy đi đâu?

Chỉ mong nhà nước đi đúng hướng, tìm ra các biện pháp

hữu hiệu để cuộc sống sớm trở lại bình thường. Tôi chẳng theo tôn giáo nào nhưng cũng xin đứng giữa trời mà vái ba vái cầu xin cho ước mong sớm thành hiện thực.

23.7.2021

(Còn tiếp)