Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

TUYÊN BỐ CHỐNG THAM NHŨNG và SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI

Thời gian gần đây một số vụ tham nhũng đã bị nhà nước tiến hành khởi tố, bắt giữ người:

- Vụ Việt Á là một kế hoạch phối hợp nhịp nhàng giữa Công ty Việt Á, Học viện Quân y, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Y tế với tổ chức phòng chống dịch CDC của hầu hết các tỉnh thành, có sự tiếp tay vô tình hoặc hữu ý của văn phòng Chủ tịch nước, Ban Thi đua - Khen thưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông, nhằm lợi dụng tình trạng dịch bệnh bùng phát trên cả nước để ăn cướp ngân sách nhà nước chia chác nhau.

- Vụ Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao tổ chức những “chuyến bay giải cứu” cũng là cách lợi dụng dịch bệnh gây khó bắt chẹt để cướp trắng trợn tiền bạc của người Việt bị kẹt ở nước ngoài muốn về Việt Nam trốn dịch, với số tiền thu được lên đến vài ngàn tỉ.

- Vụ Trịnh Văn Quyết và Tân Hoàng Minh là điển hình kiểu bọn quan tham kết hợp với các công ty sân sau làm ăn bất chính với khẩu hiệu "Tay không bắt giặc" hình thành các dự án liên quan đất đai lên đến hàng trăm, hàng ngàn hecta. Có dự án đem cầm cố ngân hàng lấy tiền rồi nâng giá đất, giá cổ phiếu để làm giàu, dẫn đến tình trạng nông dân và dân nghèo thành thị mất đất, bọn tham nhũng sống phè phỡn trên sự đau khổ của người dân, và khiến cho tình trạng bất công xã hội cũng như hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng tăng nặng.

- Vụ khởi tố, bắt tạm giam cùng một lúc năm tướng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển về tội tham ô tài sản.

- Mới đây nhất, trước Hội nghị Trung ương 5 sắp diễn ra trong tháng 5.2022, có vụ nổi cộm về tham nhũng đất đai dự án đô thị du lịch biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương phanh phui và sẽ có đến cả chục nhân vật thuộc hàng đầu tỉnh bị kỷ luật đảng hoặc khởi tố.

Chỉ riêng trong ba tháng đầu năm 2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý thi hành kỷ luật 32 tổ chức đảng, bắt gần 2000 đảng viên (chính xác là 1953 người).

Trên đây là những thời sự mới nhất về quốc nạn tham nhũng, có sự bắt tay của giới quan tham trong bộ máy Đảng, Nhà nước mà tất cả đều liên quan đến trách nhiệm của Tổng Bí thư Đảng, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Văn phòng chính phủ, các tổ chức thanh tra -kiểm tra, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ủy ban Chứng khoán, ngân hàng v.v., và của cả Quốc hội với tư cách là cơ quan giám sát của nhân dân.

Thực tế cho thấy, việc chống tham nhũng như những gì đã làm (bắt bớ, khởi tố, giam cầm…) chẳng những không đạt hiệu quả mà quốc nạn này còn ngày một gia tăng đến mất kiểm soát, thậm chí vô phương cứu chữa, mà lời than gần đây của Tổng Bí thư Đảng về kết quả của việc “đốt lò” là một minh chứng hết sức hùng hồn, khi ông Nguyễn Phú Trọng, người chủ trì phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực hôm 20.1.1922 buột miệng đặt câu hỏi: “Vì sao chống tham nhũng mạnh mẽ như thế, xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm như thế, nhưng tham nhũng tiêu cực vẫn cứ trơ. Sai phạm xảy ra ngay trong quá trình kiểm tra. Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi tham nhũng tiêu cực hay không?”.

Mặc dù có vẻ nỗ lực khá nhiều trong việc “đốt lò”, nhưng ngoài biện pháp thanh tra - điều tra - bắt bớ - khởi tố - xét xử - cầm tù hoặc kêu gọi suông tinh thần tự giác của cán bộ đảng viên, vẫn chưa hề thấy có bất kỳ sáng kiến nào khác có thể hạn chế được bầy sâu tham nhũng, vì nguyên nhân chủ yếu là do lỗi hệ thống của thể chế chính trị độc tài toàn trị phi dân chủ gây nên. Chính thể chế độc tài toàn trị trong đó các nhánh quyền lực không được kiểm soát và chế ước lẫn nhau đã biến bộ máy cai trị thành một loại tổ chức bóc lột cướp của quy mô lớn vừa đúng quy trình vừa có giấy tờ hợp pháp, được bao che dung dưỡng ngụy trang dưới một hệ thống hiến pháp và luật pháp mù mờ đầy tính mị dân mà giải thích áp dụng kiểu nào thì người dân cũng thuộc về phía bị thua lỗ. Đặc biệt là đối với những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu đất đai, vì tuy tham nhũng biến hóa thiên hình vạn trạng nhưng tham nhũng đất đai được coi là quan trọng nhất, dễ dàng nhất, phổ biến nhất, béo bở nhất!

Vì vậy, để phòng chống tham nhũng hiệu quả, toàn diện, ngoài một số việc như đã làm (chủ yếu bằng phương pháp phát hiện, trừng trị) cần phải tiếp tục. Điều quan trọng hơn tất cả là phải song song tiến hành cải cách hệ thống chính trị theo hướng dân chủ hóa bộ máy cai trị và đời sống xã hội, nhắm đúng vào một số khâu cải cách then chốt, mở ra những mũi đột phá, mà một trong những đột phá khẩu là sửa lại ngay và một cách căn bản từ trong Hiến pháp cho đến những luật lệ cụ thể về quyền sở hữu đất đai.

Rõ ràng, từ chính sách vô lý về đất đai, đã làm mất lòng dân, làm tha hóa và lũng đoạn bộ máy nhà nước tới mức vô phương cứu chữa. Nếu bảo “đốt lò” để chống tham nhũng (phần lớn liên quan đất đai) thì không thể chống hiệu quả, vì như thế chỉ giải quyết phần ngọn, không đi vào phần gốc. Hơn thế nữa ném chuột còn sợ vỡ đồ, ném mạnh và liên tục quá nhiều sẽ không còn người làm việc, dẫn tới sự sụp đổ chung của cả Đảng lẫn Nhà nước.

Quy định “Đất đai… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” ghi trong Hiến pháp 2013 (Điều 53) và trong Luật Đất đai 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 (Điều 5), chỉ cho dân hưởng “quyền sử dụng đất”, một khái niệm lập lờ đã được chế tác khéo, thực chất chỉ là thủ đoạn mị dân man trá để Nhà nước nắm cán chi phối, dễ dàng lạm dụng dưới hình thức “quy hoạch sử dụng đất” theo hướng ưu đãi có lợi cho một số nhóm đặc quyền làm giàu, chủ yếu nằm trong những người có đảng tịch lâu năm cấp cao, cùng với “sân sau” của họ, như thực tế áp dụng bấy lâu nay đã từng chứng tỏ.

Cách làm luật như Luật Đất đai 2018 lại cũng rất dài dòng phức tạp, chứa nhiều chỗ “sơ hở cố ý” được dùng như cái bẫy lừa, rất dễ bị áp dụng tùy tiện để bóc lột giá trị thặng dư của đất, đã gây nên biết bao nỗi phẫn uất trong dân và tình trạng động loạn xã hội.

Trong hai lần tuyên bố trước (tháng 10.2020 và tháng 3.2021), chúng tôi đã từng nêu rõ: “Một trong những nội dung cải cách có tính đột phá khẩu để ổn định tình hình chính trị hiện nay là cần khởi đầu từ việc sửa đổi chính sách sở hữu về đất đai. Quy định “Đất đai… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” ghi trong Hiến pháp 2013 (Điều 53) và trong Luật Đất đai 2013 (Điều 5) là một trong những cội nguồn căn bản của quốc nạn tham nhũng vô phương cứu chữa, cần phải được bãi bỏ hoặc sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Do đó, không phải là vô lý khi có người cho rằng cần phải thực hiện một cuộc cải cách ruộng đất lần thứ hai, trên cơ sở cải cách căn bản hệ thống chính trị theo hướng tam quyền phân lập”.

Điều này đồng nghĩa với việc trước hết cần phải xem xét bãi bỏ Điều 53 Hiến pháp 2013, từ đó điều chỉnh và thông qua Luật Đất đai mới, có nội dung ngăn ngừa được sự lạm dụng của các nhóm đặc quyền câu kết với các doanh nghiệp “sân sau” của họ thu tóm đất đai của người dân bằng thủ đoạn tinh vi, đẩy nhân dân vào cảnh khốn cùng và gây nên tình trạng động loạn xã hội kéo dài, như tất cả mọi người đều thấy rõ. Việc điều chỉnh mới này vì vậy phải có tính cơ bản, minh bạch, đi vào thực chất, chứ không chỉ dừng lại ở việc chỉnh sửa câu chữ như các cách làm cũ.

Trên cơ sở nhận thức nêu trên, chúng tôi cân nhắc đề nghị:

- Trong vấn nạn tham nhũng nói chung và tham nhũng đất đai nói riêng, xét cho cùng, vấn đề cốt lõi vẫn là phải tìm ra căn nguyên của sự việc, từ đó tìm hướng giải quyết tổng thể và một cách có hệ thống, chứ không thể tính toán trên từng sự vụ riêng lẻ, dẫn đến hết sai lầm này đến sai lầm khác.

- Trong khi chưa thể xây dựng xã hội dân sự toàn diện và chín muồi làm nền tảng phát triển đất nước theo hướng văn minh tiến bộ, thì trước mắt phải xem xét lại toàn bộ các dự án liên quan đến đất đai từ trong đô thị cho đến các vùng nông thôn, trừng trị thẳng tay những quan chức đảng viên dính líu dù họ đương chức hay đã nghỉ hưu ở bất kỳ mọi cấp, kể cả “bộ tứ” nếu có.

- Có biện pháp ngăn chặn không để các đảng viên biến chất tham nhũng câu kết với các doanh nghiệp làm ăn bất chính cướp đất của dân, nâng giá đất làm giàu bất chính, đẩy nhân dân vào cảnh khốn cùng, đồng thời lũng đoạn quyền lực nhà nước, biến nhà nước thành tay sai cho những thế lực đặc quyền đặc lợi. Nhân dân mất đất cũng có nghĩa Đảng mất quyền lực, đất đai tiền bạc vào trong tay bọn bất chính tức là Đảng đã bị mất đi vai trò lãnh đạo.

- Thu hồi toàn bộ các đất dự án có yếu tố câu kết bất chính, bất minh. Việc thu hồi này phải được thực hiện một cách minh bạch, công khai cho nhân dân biết: Thu hồi được bao nhiêu? Để trả lại cho người dân hay sung vào quỹ đất gì, sẽ dùng vào mục tiêu lợi ích công cộng gì?

Lâu nay nói “thu hồi tài sản tham nhũng”, tỉ lệ thu hồi đã ít mà tài sản thu hồi chạy đi đâu thì vẫn bị giữ trong vòng bí mật khiến nhiều người dân nghi ngờ chúng rất có thể được chia năm xẻ bảy để chạy vào túi riêng của chính một số kẻ phụ trách các cơ quan đã tham gia vào quá trình tố tụng điều tra xét xử chống tham nhũng. Để tránh khả năng rất tồi tệ này, Nhà nước cần lập ra một ủy ban chuyên trách việc thu hồi, sử dụng các loại tài sản tham nhũng.

- Sửa đổi luật đất đai, chuyển từ đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý thành đất đai đa sở hữu, trong đó có đất công do Nhà nước quản lý và đất tư thuộc quyền sở hữu tư nhân được vẽ họa đồ và cấp giấy chứng nhận có giá trị lâu dài. Tham khảo một số quy định hợp lý liên quan quyền sở hữu đất đai của các triều đại phong kiến Việt Nam thời Lê, Nguyễn, kể cả của thời Pháp thuộc.

- Sự bất bình trong dân liên quan đất đai, chủ yếu do nạn tham nhũng đất đai rất phổ biến và có nguồn gốc xuất phát từ chính sách bất hợp lý trong quá khứ của Đảng - Nhà nước gây ra, vì vậy, để tỏ quyết tâm cải cách chính trị tạo nên bầu không khí mới phấn khởi, gây lại niềm tin trong dân, trên cơ sở sửa đổi căn bản luật đất đai đang được dự kiến, đề nghị trả tự do vô điều kiện cho một số người trước đây vì tranh đấu cho những vấn đề thuộc quyền lợi đất đai chính đáng mà bị tù tội, tiêu biểu như trong các vụ án Đồng Tâm (Hà Nội: Lê Đình Công, Lê Đình Chức…), Dương Nội (Hà Đông: Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm…)… Chúng tôi tin tưởng hành động này của Đảng - Nhà nước đã nhiều lần nói là “của dân do dân vì dân”, chắc chắn không chỉ sẽ nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của toàn dân trong nước mà còn của cả cộng đồng quốc tế văn minh tiến bộ.

Ngày 5 tháng 5 năm 2022

Các tổ chức xã hội dân sự:

1. Lập Quyền Dân: Nguyễn Khắc Mai, nhà nghiên cứu văn hóa, đại diện

2.Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập: Hoàng Dũng, PGS TS Ngôn ngữ học, đại diện

3.Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự: Nguyễn Quang A, TS Tin học, đại diện

4.Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh: Nguyễn Đình Cống, GS Khoa Xây dựng, đại diện

5. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng: Lê Thân, nhà hoạt động xã hội, đại diện

6. Câu lạc bộ Phan Tây Hồ: TS Hà Sĩ Phu, đại diện

7. Câu lạc bộ Hoàng Quý: Hoàng Đức Kiên, cựu chiến binh, đại diện