Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

Tinh cọp

Trần Đĩnh

Thung lũng núi này có hai bố con nhà nọ. Người bố đưa thằng con tới đây khi nó mới lẫm chẫm u ơ. Từ bỏ hết, quê hương bản quán, mồ mả ông bà cha mẹ, ngày ấy ông cứ chiếu thẳng sơn cùng thủy tận mà đi. Cho tới khi tai nghe thủng tiếng vượn già quở lũ vượn choai, tiếng hươu mẹ dạy con chọn chỗ đặt bốn cẳng chân non mềm, ông mới dừng lại. Rơi đúng vào giữa biển mây trập trùng. Vỡ nương, gặt hái, săn bắn.Và, éo le thay, một điều không thể tránh: thỉnh thoảng gồng những thứ lâm sản xuống chợ đổi lấy hạt muối, manh vải, cuộn bấc. Và mẩu kẹo dồi cho thằng bé. Hấp tấp xuống chợ, hớt hải đổi mua, quáng quàng ra về. Ôi, con bố có sao.

Ông yêu cô gái ấy và thành vợ, cô gái cho ông giọt máu này đây. Vợ ông hát hay xa gần khen nức nở. Những khi cô cất tiếng “xem hội cái đêm hôm rằm rằng tôi lý ấy a cây đa” thì con triện trong tay cụ chánh tổng râu ba chòm đen nhánh đang giơ lên để giáng thẳng cánh xuống tấm văn tự đợ con cũng phải dừng lại. Ba chòm râu tự nhiên run rẩy như ba bàn tay xoắn vặn lại cầu van. “Tôi lý…” sao tôi lại không là lý trưởng, à không… sao không hát “tôi chánh ấy a”… Ra quyền thế cũng phải xiêu vẹo trước cô gái này.

Thật tình có quỷ thần chứng giám, lúc hát người vợ trẻ chẳng nghĩ tới ai. Chỉ tới mình. Tới niềm vui đang được tung ướm nỗi bổi hổi bồi hồi vào đám đông, đang được theo ý mình gói buộc, xếp gấp tiếng hát như những dải lụa hoa hiên hoa lý để rồi thả cho nó bay ra hoặc cao hoặc thấp, hoặc thẳng hoặc lượn, hoặc khoan hoặc nhặt lôi dắt người nghe lông bông lang bang đây đó theo mình. Công bằng mà nói, có lúc cũng nghĩ tới một người: đứa con ngủ bên bố nó đang vót nan cắm cúi ở đầu hồi. Nắng quái bên đình có chạm vào thằng cu của mẹ không đây?

Nhưng người chồng ngồi vót nan không yên. Ông đang chuốt cơn ghen cho nó cứa đứt ruột gan ông. Hơn tất cả là ghen với chính tiếng hát: nó từ nơi sâu thẳm nào ra để rồi lại làm xao xuyến những ai, những ai ấy có khi còn xao xuyến hơn cả ông kia!

Chuyện buồn rồi phải xảy ra. Thời ấy đã có môn mỹ học giải thích cho ông hiểu những phân thân, nhập vai, giữ khoảng cách trong bay bổng đâu. Cũng làm gì có chạy sô để tiền mang về nhiều xua tan được mọi xó tối. Thế nên một đêm trăng hội, bố cõng đứa con đi.

Ít lâu sau, ông bố nghe nói có một người mẹ hát hay lắm vừa hát ăn xin độ đường vừa khóc hỏi tung tích một thằng con nhỏ. Thương con theo lối mẹ, người mẹ chắc mẩm bố nó bế nó xuống phương nam trù phú. Chỗ này đàn bà không hiểu đàn ông.

Người chồng nghe tin có thoáng nhẹ khuây nhưng oán hờn như tảng đá lớn chẹn kín mất tất cả. Rắp dạy con ghét bỏ xa lánh đàn bà, ông nung nấu như một lời thề: uốn nắn cho nó khiếp sợ đàn bà con gái, tới mức trông thấy là đập phá hay trốn chạy. Ông đặt cho đối tượng kinh hãi thù oán này cái tên Tinh cọp. Đáng sợ hơn cả mọi ma quỷ, thú dữ.

*

* *

- Bố ơi, con này con gì?

- Con trút, nó đào hang giỏi lắm.

- Bố ơi, cây này cây gì?

- Cây lim, gỗ nó rắn lắm.

- Rắn bằng gì?

- Bằng… bằng…, ông bố nhìn quanh rồi chỉ vào con dao quắm bên hông mình.

- Rắn nhất chưa?

- Chưa.

- Cái gì nhất? Thép dao này à?

- Chưa, rắn nhất cái này.

Thằng con trố mắt. Bố nó chỉ vào đầu nó. Nó thú vị cười hí hí:

- Bố lấy dao chọi thử đi xem.

Bố giảng. Mọi cái sở dĩ chịu ta là vì đã phải nghe theo cái ý ở bên trong đầu ta. Đầu ta đã nhắm là tới, đã đeo là riết, đã quay là biệt…

Thằng bé tự sờ đầu. Hôm sau, lại hỏi:

- Đã rắn nhất thì chẳng còn sợ gì hả bố?

- Đúng! Mải vít một đầu cây tre đực xuống làm bẫy beo hoa, ông bố đáp.

- Sướng nhỉ! Thằng bé thở phào. Sướng nhỉ bố nhỉ?

- Cái gi sướng? bố vội hỏi lại.

- Không còn sợ cái gì mà lại…

Ông bố vội đứng phắt ngay lên:

- Không, con ơi. Có sợ chứ, phải sợ nó đấy.

- Sợ gì vậy? Cọp à?

- Cái này ghê hơn cọp… Nó là tinh cọp. Gặp nó ta mềm ngay đầu ra, tự bảo mình cũng không xong nữa.

Thằng nhỏ nom thất vọng ra mặt. Ông bố bèn giảng giải. Hôm nào con vào sâu nữa, thử lạc một bữa xem sao. Con sẽ một mình giữa ngàn già không bóng người, không vết chân, không lối mòn, âm u nín thinh bốn phía. Đấy tinh cọp làm cho con giữa đời mà bơ vơ trơ trụi như thế đấy…

- Bố đã gặp… tinh cọp chưa? Thằng bé thấp giọng thì thào.

- Đã! Tiếng ông bố còn nhỏ hơn. Ở dưới xuôi kia, dưới đồng bằng mép biển, ở đấy không núi không rừng, trên đầu trời xanh mây trắng, trước mặt biển biếc sóng bạc. Bố gặp, bố suýt chết. Suýt mất cả con… thế là bổ bế con trốn lên đây.

- Tinh cọp thế nào? Thằng bé hỏi tuy sợ.

- Như thế này… Cứ đem nguyên vẹn hình dong, nhan sắc, tiếng hát của mẹ nó tả ra thật đúng rồi bảo tinh cọp nom như thế đấy. Đẹp lắm, đẹp hơn cả công gấm xoè đuôi con ơi. Đẹp mới càng nguy hại. Nhưng ghê nhất là tiếng hát. Tiếng hát làm cho ta mê lú, mềm nhũn đầu ra, mặc cho nó hãm hại. Con thấy nó thì tránh xa. Tốt nhất là đừng bao giờ gặp nó. Muốn thế con phải thù hận nó, vì nó mà bố con ta phiêu dạt lên đây.

- Bố vẽ nó ra đi.

Vẽ là cách bố nó thường dùng để giúp nó hiểu nhiều cái trong đời.

Ông bố khen thầm thằng con giỏi. Đúng! Ông sẽ tạc một tinh cọp như thật để thằng con tập bắn tên, phóng lao, ném đá vào… Hay…, rất hay… Sợ là gốc của an toàn và thù hận là muối của cuộc sống.

Từ đấy, thằng bé ngày đêm đâm, bắn, phóng, ném và chưa đủ, còn giẫm đạp, thiêu cháy các tượng tinh cọp ông bố tạc ra đẹp y như nguyên mẫu là mẹ nó.

Dần dà cuộc hủy diệt chỉ còn là thuần nghi thức thường ngày. Bây giờ đứa con chỉ ngại ngừng tay đập phá tinh cọp thì bố buồn. Ông nay không làm lụng được nữa. Sức yếu, ông ru rú ngồi một chỗ tạc tượng tinh cọp bầy kín quanh lều hai bố con.

Đứa con thật ra bắt đầu phân vân: những tinh cọp này thì có gì mà phải ghét, phải sợ? Một câu hỏi ló ra trong đầu chàng trai mới lớn nhưng anh ta không dám đào sâu: các tinh cọp này có chất nhựa nào mà khiến cho cậu cứ muốn đưa bàn tay lên xoa thật nhẹ, thật êm vào chúng?

*

* *

Đứa con một hôm hỏi:

- Bố ơi, tiếng hát nghe thế nào?

Chết thôi, sao mà tạc được ra tiếng hát? Ông bố cố ư ử trầm bổng hát nhưng rồi lắc đầu.

- Bố chịu. Bố hát thì phản lại tiếng hát của tinh cọp.

- Thế tượng có khác thật không? Anh con hỏi.

- Tượng thì giống y như đúc.

Ông bố bắt đầu hãi những cái bóng ngày một thù lù của khối thắc mắc rõ nét dần trong lòng đứa con. Cậu nay đi đã rẽ gió, đã lơ đãng hơn với những giải đáp của ông bố. Đã hay vẩn vơ ra vào và một hôm ông bắt chợt cậu khẽ ư ư trong miệng. Ông bố tối tăm mặt mày khi thấy cùng lúc ấy bàn tay đứa con mơn man bả vai một tinh cọp…

*

* *

Ông bố yếu đã bỏ bốn năm phiên chợ. Các thứ cần dùng đều hết nhẵn, ông đành bảo con đi thay mình.

- Xuống chợ con phải cẩn thận, bố dặn con, mắt nhìn vào tận mắt… Tránh cho xa tinh cọp… con phải ghi dạ.

Anh con muốn ôm lấy bố. Tội nghiệp bố phải ở nhà một mình. Anh thấy mình có lỗi làm cho bố lo lắng.

Anh con đi và về. Sớm sủa. Tốt lành. Dầu lại đầy hũ, muối lại đầy ngang cổ thắt của quả bầu, các con dao lại bén. Ông bố được một cặp bánh rán mật.

- Mua của ai?

- À, không có răng, chỉ thấy cười hề hề. Mới đầu con lại ngỡ là tinh cọp.

(Ông bố gật gù: bà lão bán bánh rán mật ngồi ở cổng chợ. Không tạc tượng bà già này thì nó nhận sao ra được?)

Nhưng anh con trai đã nói thêm:

- Thấy có nhiều tinh cọp nhưng con tránh xa.

(Ông bố nhắm mắt lại: chúng nào tránh mình!)

Anh con đi chợ lần thứ hai. Lần thứ ba. Rồi quá tam ba bận, lần thứ tư, hai môi anh con về đỏ khác thường. Bố gọi con lại bên, bảo cúi gần xuống. Ông bố thở dài: mùi trầu! Bủn rủn mong thầm bà lão bánh rán mật cho nó. Bà lão thường hay mời khách hàng trầu.

Tối ấy, anh con chợt hỏi:

- Bố ơi (ông bố liền sởn gai ốc)…, hội là gì bố?

- Con nghe đâu ra?

- Người ta hát ở dưới chợ… Cái gì “xem hội cái đêm hôm rằm”…

- Hội là nơi tinh cọp đến tìm những người như con rồi hát “cho đôi mình gặp”…

Như có một tiếng reo khẽ ở anh con. Anh lại hỏi:

- Chì là gì hả bố?

- Con nghe ai?

- Người ta mời rồi nói “miếng trầu ăn nặng bằng chì, miệng ăn môi đỏ dạ thì đăm chiêu”.

- Bùa mê của tinh cọp đấy.

- Có tinh cọp tốt không bố?

- Tốt đã không là tinh cọp.

Anh con lặng lẽ ra chỗ khác. Bố nói đúng hết. Đẹp như tuợng bố tạc và tiếng hát mới càng đáng sợ hơn. Nghe mà cái đầu không muốn theo mình nữa. Bố nói thế là đúng. Bùa mê. Phải là bùa mê thì anh ăn miếng trầu mới chẳng muốn về, mà chân bước đi đầu cứ mãi ngoảnh lại thế chứ! Mê lú đến nước hỏi bố là có tinh cọp tốt không? Mê lú đến nước bố bảo là không rồi mà vẫn nghĩ có tinh cọp tốt riêng với mình!

*

* *

Xuống chợ phiên này, anh con trai hấp tấp.

Tối mịt mới về.

Ông bố nghiêm giọng:

- Con giấu bố.

- Vâng, con giấu.

- Con không thương bố?

- Dạ, con thương.

- Sao không ăn lời?

- Dạ, con thương nhưng…

Từ nay thôi chợ. Thôi chợ, anh con vào rừng ra nương quần quật. Từ mờ mặt người buổi sớm đến nhọ mặt người buổi tối. Rõ mặt làm gì với ai? Thế rồi một hôm xin phép bố nằm. Nằm rồi không dậy. Không dậy và không ăn. Li bì. Ông bố nhiều lần lay gọi.

- Dậy con, dậy xuống chợ bố nhờ…

Anh con không nghe không đáp. Là ngày thứ bao nhiêu? Lại một vằng vặc trăng rằm.

À… ngày nào bố địu con lên đây, con khóc nhiều quá, nhớ mẹ mà, khổ con, bố nghe con e e khóc hết hơi hết sức mà bố nẫu ruột nẫu gan. Bây giờ con e e lên đi cho bố mừng, con. Ngày nào con đuổi nhái xanh chỗ kia, đầu vừa chớm ngang mỏm đá.

Trong màn sương mung lung của bệnh nhớ – chữ là tương tư nhưng anh con làm sao mà biết được? – anh con đang sống lại với tiếng hát của con tinh cọp còn đẹp gấp trăm nghìn lần tượng tinh cọp bố tạc. Tinh cọp hát với anh: “Cho đôi mình gặp, Xem hội cái đêm hôm rằm. Khi chia tay lại đưa cho anh một gói trầu đã têm. Hẹn phiên sau. Hỏi nhà anh ở đâu? Xa thế, chỗ đỉnh núi chất ngất mây vờn kia ư? Rồi hát: “Em đâu có sợ thác với cùng ghềnh, Đá ghềnh dẫu ngổn ngang cũng không trăm mối như dạ em đây tơ vò mà khiến để cho em thân gái ngoi thác với ngược ghềnh

Chỉ trong mê tỉnh anh mới sung sướng thấy lại hơi thở của tinh cọp có lúc như làn gió thoảng phớt nhẹ hàng mi vào má anh.

Chớ thấy em lắm bạn mà ngờ,

Chớ thấy em lắm bạn mà ngơ

Bố ơi, có khi nào ngờ lẫn với ngơ không, hả bố?

*

* *

Hai bố con thiêm thiếp bên nhau. Anh con mê man. Ông bố mơ màng. Ai sẽ thu dọn hai đống xương tàn? Con đi trước thì bố sẽ cho con nằm ở đầu mỏm đá con đuổi nhái xanh ngày nào. “Ơ, cái hòn cuội này nó lại biết văng đi… ”

Tiếng chân bước trên lá khô. Tiếng chân rụt rè.

Văn chương chữ nghĩa có một nhược điểm chí tử là nó bắt ta tách sự việc ra trước sau lớp lang không đúng với thực tế. Chẳng hạn lúc này, phải nói đến ông bố trước.

Nghe tiếng chân, ông bố giật mình mở mắt. Ôi, kìa mình! Tìm bố con tôi a? Ai mách chỗ? Rồi thoáng nghĩ: Vẫn yếm xưa hay một tấm cánh sen?

Ông bố tắt thở lúc anh con trai thều thào gọi:

- Tinh cọp!

- Tinh cọp nào anh? Em đây.

Cô gái đi đến. Tay anh con trai im lìm bấy lâu khẽ duỗi ra đón bàn tay cô gái.

- Mấy phiên em tìm rồi cứ mây đỉnh núi em lên. Trầu của em anh ăn đấy hả?

... ... ... ... .… … … … … … … … … … … … … … … … … … ... .

Thương thay người mẹ hồi ấy cứ nhằm phương Nam gạo trắng nước trong đi tìm hoài bố con nhà nó. Trẻ con vùng giàu xinh xắn, người mẹ dễ lầm mà mải miết lần mò theo mãi.

Mừng thay cho cô gái ngược ghềnh ngoi thác, bám lấy những dấu vết của chính mình mà anh con trai để lại trên đá.

May thay cả tháng ấy không mưa. Những quết trầu khô cong lên như những địa y kỳ lạ mọc trên đất lửa Sao Hoả. Hay máu nhớ nhung hoá thạch vốn đều có mang một mùi hương riêng...

Truyện trên dựa theo một tiếu lâm xưa kể có một ông bố coi đàn bà con gái là căn nguyên mọi tội nợ xấu xa như chế độ tư hữu chẳng hạn nên đưa thằng con bé lánh lên núi. Dạy nó ngày đêm sợ, ghét đàn bà. Trưởng thành, thằng con lớn, cùng bố xuống chợ. Mua bán xong, bố bảo quay về thì anh con đòi ở lại chợ. “Con thích cọp… ”

Như người ta thích sở hữu vậy.

Trần Đĩnh

31-5-1991