Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2022

Nhận xét bài viết “Nguyễn Du và chuyến Bắc hành lần đầu – qua khảo sát một bài thơ cụ thể: Nhạc Vũ Mục mộ”(*) của ông Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Nguyễn Huệ Chi

1. Phần I bài viết của ông Mai An Nguyễn Anh Tuấn (NAT) nêu lên một gợi ý về sự hiện hữu của một cuộc hành trình sang Trung Quốc của Nguyễn Du khác với chuyến Bắc hành năm 1813 đã được sử sách ghi lại. Căn cứ cho gợi ý là một số địa danh trong Bắc hành tạp lục và trong Thanh Hiên thi tập “không nằm trùng trên lộ trình đi sứ Trung Quốc” mà tất cả các sứ giả cùng thế kỷ XVIII đã ghi chép, vẽ bản đồ trong các tập thơ văn của họ. Căn cứ thứ hai là bài viết của Phạm Trọng Chánh cách đây nhiều năm đặt vấn đề có một cuộc hành trình như thế và đã mô tả bằng tưởng tượng cuộc hành trình giả định của Nguyễn Du đến tận các vùng như Giang Bắc, Giang Nam, đi xem khắp các sông hồ nổi tiếng ở Trung Hoa, mà NAT trích dẫn trong bài của mình với sự tin cậy.

Cả hai căn cứ đều có chỗ khả thủ và chỗ bất khả.

1.1 Căn cứ thứ nhất mới nghe hợp lý, nhưng thực tế chưa một ai đem đối chiếu thơ của một nhà thơ cụ thể như Nguyễn Du với tất cả thơ văn đi sứ của mọi nhà thơ trong thế kỷ XVIII. NAT nêu điều này là phi thực tế, hơn nữa lại nói như chính mình làm điều ấy càng phi thực tế, bởi đọc bài ông thấy ông không khảo hết các tập thơ dịch chữ Hán Nguyễn Du đã công bố, nếu đọc chắc ông phải đặt trọng tâm xem xét và trích dẫn vào bản dịch của Lê Thước và Trương Chính 1965 – ông có nói đến bản dịch này nhưng nói sơ qua, và có lẽ là gián tiếp, thông qua một bản in lại năm 2015 mà không dẫn ra những đoạn cần dẫn để làm tư liệu trao đổi – vì bản của Lê Thước và Trương Chính có kèm cả 150 trang khảo luận của GS Trương Chính, là một đóng góp khoa học quan trọng đầu tiên về tình trạng thơ chữ Hán Nguyễn Du hiện còn cũng như khảo sát con đường đi sứ của Nguyễn Du, trong đó có việc sắp xếp thơ đi sứ của hai ông dựa theo bản Bắc hành tạp lục A.1494, “cách sắp xếp các bài trong bản chép tay này đã ổn”. Qua việc sắp xếp đó ta cũng biết trên con đường đi sứ, sứ bộ Nguyễn Du có gặp một trận lụt lớn và đã phải chuyển sang một con đường khác để tránh lũ lụt. Cho thấy, nếu NAT đã đọc vào bản này hẳn sẽ không có một phát ngôn vừa chung chung vừa có vẻ to tát: “[…] tôi nhận thấy có nhiều bài trong hai tập đó viết về những địa danh lịch sử, những nhân vật lịch sử Trung Quốc lại không hề nằm trên lộ trình Bắc sứ quen thuộc mà một số vị sứ thần nước ta thời Nguyễn Du như Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Oánh, Đoàn Nguyễn Tuấn đã mô tả tỷ mỷ nơi chốn, hành trạng của các sứ đoàn, vẽ cả bản đồ, như “Hoàng hoa sứ trình đồ” và nhật ký hành trình “Phụng sứ Yên Kinh tổng ca” của ông Nguyễn Huy Oánh, như tập ghi chép dày dặn “Bắc sứ thông lục” của ông Lê Quý Đôn”. Một nhà khoa học nghiêm chỉnh không thể nói theo cách không cần có chứng minh như mấy lời này.

1.2 Việc dẫn Phạm Trọng Chánh như trong NAT cũng là một sự cả tin khiến người nghiên cứu có thể nghi ngờ. Bài Phạm Trọng Chánh cũng có chỗ khả thủ nhưng phần lớn là không. Chỗ tạm gọi là khả thủ, là đã đề xuất được một giả thuyết táo bạo, thông qua một phương pháp cũng có thể nói là “khác lạ”: đi tìm những từ khóa trong thơ Nguyễn Du có khả năng biến đổi trường ngữ nghĩa khác với cách giải nghĩa thông thường, chọn chúng làm chìa khoá để mở ra một hệ thống luận giải của riêng mình cho một số bài thơ chữ Hán Nguyễn Du, đảo ngược hẳn nhiều luận giải truyền thống. Chẳng hạn những từ “giang bắc”, “giang nam”, “Trường An”, “trung châu”, vân vân… vốn có hàm nghĩa thông thường mà người Việt thời Nguyễn Du ai cũng dễ dàng thống nhất, là “phía nam sông” (giang nam), “phía bắc sông” (giang bắc), hoặc là “Thăng Long” (Trường An), là “vùng trung thổ Bắc Bộ Việt Nam” (trung châu),… giờ đây ông Chánh bỗng tìm ra trong những từ quen thuộc này các hàm nghĩa “hoàn toàn mới”: “giang nam” nay có nghĩa là tỉnh Giang Nam, “giang bắc” là tỉnh Giang Bắc, và “Trường An” là kinh đô Bắc Kinh, “trung châu” là Trung Quốc, v.v., trên cơ sở đó ông cấp cho thơ Nguyễn Du những nội dung trước nay chưa ai đề cập: Nguyễn Du đã từng ngang dọc ngược xuôi nhiều nơi trên đất Trung Quốc không phải trong tư cách một vị quan triều đình đi sứ mà trong tư cách một khách giang hồ.

Tất nhiên, cách luận giải như thế của Phạm Trọng Chánh đã làm lộ ra những chỗ yếu cốt tử của ông ta: nếu đặt những “trường ngữ nghĩa” mình mới tìm thấy vào trong hệ quy chiếu địa-văn hóa vốn có của các tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, ông sẽ thấy ngay là bất ổn, nhưng ông ta cứ phớt lờ. Muốn giải quyết được việc chuyển từ hệ quy chiếu địa-văn hóa Việt Nam sang địa-văn hóa Trung Quốc, ông Chánh phải làm một việc không tài nào làm nổi, đó là giải đáp cho được hai câu hỏi: (1). Điều kiện tài chính của chuyến “hành trình giang hồ” của Nguyễn Du trong tình thế nhà họ Nguyễn Tiên Điền đang suy thoái từ “quan sang” xuống đất đen (bần đáo cốt); và (2). Điều kiện giao tiếp thiết yếu đối với nhóm xuất ngoại trong tư cách giang hồ trên đất Trung Quốc hàng ngày (vì ngôn ngữ bất thông). ông Phạm Trọng Chánh hoàn toàn bỏ qua hai vấn nạn nói ở đây trong bài của mình, nên ai tin vào ông, trích dẫn ông mà không có một giới thuyết nào cả như ông NAT là chính mình “mang lấy nghiệp vào thân”, làm giảm sút niềm tin của người đọc vào tư cách nhà nghiên cứu của chính người trích dẫn.

2. Phần II bài viết của ông NAT là dịch và bình luận bài Nhạc Vũ Mục mộ coi như cung cấp cụ thể một chứng cứ văn tự khả tín của cuộc “hành trình giang hồ” của Nguyễn Du sang Trung Quốc như giả thuyết của Phạm Trọng Chánh và của ông.

Trước hết, bài thơ này sở dĩ được NAT chọn, theo tôi, là nhờ bản tham luận công phu của nhà nghiên cứu Nhật Bản TS Nohira Munehiro trong Hội thảo quốc tế về Nguyễn Du tại Hà Nội năm 2015, nhấn mạnh ngay từ mở đầu rằng: “Khi nghĩ về cuộc hành trình của sứ bộ Nguyễn Du vào năm 1813-1814 và sắp xếp lại các bài thơ trong Bắc hành tạp lục theo hành trình đi sứ, theo chúng tôi, vấn đề lớn nhất là: Nguyễn Du có tạt xuống Lâm An (Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang hiện nay) hay không, bởi việc Nguyễn Du có ghé qua Lâm An hay không sẽ ảnh hưởng đến sự suy đoán các địa điểm Nguyễn Du làm thơ”.

2. 1 Lâm An 臨安, chính là một trong hai địa danh có trong bài thơ Nhạc Vũ Mục mộ ông NAT chọn. Địa danh thứ hai là Thê Hà Sơn 栖霞山 cũng nằm trong bài thơ này. Lâm An thuộc Hàng Châu và Thê Hà sơn thuộc Nam Kinh đều nằm về phía Nam sông Dương Tử. Nhưng trong bài này chúng tôi tạm gác Thê Hà sơn lại mà chỉ bàn đến Lâm An. Có hai trường phái ngược nhau, một cho rằng Nguyễn Du trong chuyến đi năm 1813 có ghé qua Lâm An, đó là Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Hoàn và Mai Quốc Liên. Và trường phái thứ hai là những người còn lại, trong đó có Nohira Munehiro. Không biết cụ Đào Duy Anh và hai ông Nguyễn Văn Hoàn và Mai Quốc Liên đã dựa vào đâu để khẳng định Nguyễn Du có ghé Lâm An, NAT chỉ nhắc sơ qua mà không nói rõ (và bản thân người viết bài này cũng chưa đọc lại), nhưng Nohira Munehiro thì đã dựa vào gợi ý của Lê Thước và Trương Chính tìm đến bản chữ Hán A.1494, xem trật tự các bài thơ sắp xếp trong bản này (mà hai vị tiền bối nói rằng “khá ổn”) để tìm hiểu vị trí bài Nhạc Vũ Mục mộ (ông ghi theo bản A. 1494 là Nhạc Vũ Mục huỳnh – huỳnh hay doanh 塋 cũng có nghĩa là mộ), và thấy được: “bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh” (và các bài “Tần Cối tượng”, “Vương Thị tượng”) nằm giữa những bài viết ở miền bắc Hà Nam và những bài viết ở miền nam Hà Bắc, trên đường đi Bắc Kinh, chứ không phải trên đường về như Đào Duy Anh đã suy đoán. Nếu theo dõi cuộc hành trình đi sứ của Nguyễn Du thì chúng tôi có thể đoán rằng mộ của Nhạc Phi ở Hà Nam hoặc Hà Bắc, và Nguyễn Du ghé qua mộ ấy trên đường đi Bắc Kinh”.

Địa chỉ Lâm An cũng sẽ có giá trị như một từ khóa lợi hại cho giả thuyết của ông NAT (và trước hết là ông Phạm Trọng Chánh), ở chỗ, nếu khẳng định được chuyến đi sứ năm 1813 của Nguyễn Du không ghé qua Lâm An thì bài thơ Nhạc Vũ Mục mộ nằm trong tập Bắc hành tạp lục là một bài thơ “thừa”, bị ghép nhầm vào đó, mà đích thực là thơ của một chuyến hành trình nào trước đó. Nhưng trong bài thơ lại có một từ khóa khác, đóng vai trò một “phản chứng”, rất bất lợi cho giả thuyết, đó là từ “trướng vọng”, trong câu cuối: 悵望臨安舊陵廟 Trưng vọng Lâm An cựu lăng miếu, nghĩa là: Từ xa ngóng về lăng miếu cũ ở Lâm An mà buồn bã. Trướng vọng là buồn rầu nhìn từ xa, vậy với từ này Nguyễn Du lại không thực sự ghé Lâm An, chỉ ở xa vái vọng về Lâm An là nơi kinh đô cũ của nhà Nam Tống mà làm thơ. Và hệ luận tiếp theo của điều đó, là nếu Nguyễn Du chỉ từ xa vọng về Lâm An mà làm thơ Nhạc Vũ Mục mộ thì hẳn vẫn có thể xếp bài thơ vào chùm sáng tác trong chuyến sứ trình năm 1813 chứ không việc gì phải bỏ ra ngoài, như TS Nohira Munehiro nhận xét: “Ở phần chú thích bài ấy (bài Nhạc Vũ Mục huỳnh – HC), Lê Thước và Trương Chính viết rằng: “Có người dựa vào câu bảy: ‘Trướng vọng Lâm An cựu lăng miếu’ mà nói Nguyễn Du không đi đến Lâm An. Đứng xa nhìn nên mới nói ‘vọng’. Chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý với chú thích này. Ở ngay Lâm An thì không thể nói “trướng vọng Lâm An” được, không tự nhiên. Chữ Hán “vọng” có nghĩa: từ xa mà nhìn, nên có lẽ phải ở cách xa Lâm An, theo bài thơ này thì là ở Hà Nam, tác giả mới nói là “trướng vọng Lâm An” được.

Như vậy, chúng tôi tạm kết luận rằng Nguyễn Du viết bài “Nhạc Vũ Mục huỳnh” ở Hà Nam chứ không ở Lâm An”.

Lẽ dĩ nhiên, NAT với giả thuyết như trên của mình, lại không thể chấp nhận bài Nhạc Vũ Mục mộ là thơ Nguyễn Du sáng tác trong chuyến “Bắc hành” năm 1813. Chấp nhận thế thì còn lấy đâu ra thơ cho cuộc “hành trình giả định”. Nhưng ông đã không phản bác trực diện – đúng hơn là không thể vì không có bằng cứ lịch sử nào hỗ trợ ông cả – mà phải bằng cách giải mã lại cụm từ “trướng vọng”. Ông cho rằng Nguyễn Du thực tế đã sử dụng từ “trướng vọng” theo một ngữ nghĩa phi truyền thống. Truyền thống nói rằng trướng vọng là buồn rầu nhìn từ xa – nhìn trong không gian. Ông đảo lại rằng Nguyễn Du muốn nhìn vào tận quá khứ lịch sử của nhà Nam Tống – nhìn trong thời gian: “theo thiển ý của tôi, “Trướng vọng” ở đây là nhìn vọng về kinh đô cũ Lâm An, không phải là cái nhìn địa lý mà là cái nhìn về quá khứ lịch sử”. Nghe có vẻ hay nhưng e đứng về Hán ngữ mà nói thì khó lòng chấp nhận, bởi vào thời đại Nguyễn Du, cả trong văn học Trung Quốc cũng như văn học Việt Nam chưa một ai có khả năng hoán chuyển nội hàm từ “trướng vọng” sang một nghĩa quá hiện đại như ông nghĩ ra. Việc ấy là khiên cưỡng, ngay cả ông có đưa ra câu thơ viết về Đỗ Phủ: “Trướng vọng Lỗi Dương nhật mộ vân” để làm một bằng chứng bổ trợ thì nghĩa của “trướng vọng” ở đây cũng chỉ có thể hiểu là “xa nhìn”. Đủ thấy chuyện chữ nghĩa dầu nói xuôi nói ngược thế nào cũng phải trở lại quy tắc khoa học của nó.

2. 2 Phần dịch và bình bài thơ Nhạc Vũ Mục mộ tôi không dám bàn. Ông có phác vẽ giùm ta tư thế lẫm liệt ái quốc trung quân của Nhạc Phi trong bài thơ và tình cảnh thê thảm của nước Nam Tống sau khi Nhạc Phi bị hãm hại. Tôi chỉ nghĩ rằng, để cho phần này thật sự gắn bó với mục tiêu sử dụng bài thơ như một bằng chứng cho giả thuyết phi chính thống của các ông, thì vẫn nên bình giải nó theo hướng tìm từ khóa nhằm làm ngữ liệu đối chứng giữa hai chùm thơ trong hai cuộc hành trình. Muốn thế, bên cạnh việc bình giải, tác giả cũng cần tìm thêm một bài thơ có chủ đề tương tự, đặc biệt là đích xác thuộc chùm bài sáng tác trong chuyến Bắc hành 1813, từ đó chọn lọc những cặp từ đối trọng, đối ứng có thể giúp đặt ra nhiều đối sánh cụ thể, soi sáng được chỗ khác biệt có tính cách đặc trưng giữa hai thời kỳ khác biệt trong cuộc đời nhà thơ. Đó là điều quan trọng cần làm vì may ra có thể làm sáng tỏ sự tồn tại có thực của hai chuyến đi của cùng một con người ở vào hai lứa tuổi khác nhau, cũng là hai cách nhìn đời, hai trạng thái tình cảm-tâm lý, sự từng trải khác hẳn nhau, trên cùng một môi trường địa-văn hóa là con đường sang Trung Quốc giàu điển tích văn chương cho nhà nho xúc cảm, nếu quả thật có một chuyến đi như các ông giả định.

N.H.C.

1-5-2022

(*) Văn Việt, 29/4/2022