Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2022

Mẹ tôi

Nguyễn Đức Tùng

Sau cơn bão, biển lại êm đềm. Trăng lên. Tôi ngồi trên mạn thuyền, nhìn trăng, nghĩ đến mẹ. Mẹ tôi không bao giờ lớn tiếng. Tôi chưa từng thấy bà tỏ ra giận dữ. Đối với chồng con hay người giúp việc, bà con làng xóm, tôi chưa bao giờ thấy mẹ tôi nặng lời cãi vã. Khi bà đạp nhầm một mảnh dằm sâu, chảy máu lòng bàn chân, bà ngồi xuống tự mình lau sạch nó, tự mình băng bó vết thương. Mẹ tôi làm việc ấy một cách lặng lẽ, không tỏ ra lo lắng hay tức giận, không gọi ai giúp đỡ. Mẹ tôi ít học, nhưng thích Lục Vân Tiên, đọc Kiều, đọc thuộc lòng. Bà thích ngồi vui vầy giữa bạn bè, người giúp việc, nghe họ kể mọi chuyện, chỉ mỉm cười chứ không cười lớn tiếng. Mẹ tôi không phải là người ít nói, nhưng thích sự im lặng, đó không phải là sự im lặng khó hiểu, sự nghiêm nghị, sự hờn giận, sự cô độc, mà đó là sự im lặng của khu vườn, có chút bẻn lẽn. Đó không phải là sự im lặng làm hoang mang lẫn lộn, làm bạn bối rối trước trí tuệ, sự thấu hiểu và hoài nghi. Đó là im lặng của sự chấp nhận sự khó hiểu của thế giới. Khi mẹ tôi ngồi một mình, xung quanh bà tỏa ra sự im lặng dịu dàng, người khác không muốn nói lớn tiếng, người đang căm ghét không thể tiếp tục căm ghét, người đang giận dữ không thể tiếp tục giận dữ. Trong sự im lặng ấy, có một tình yêu thanh khiết lạ lùng đối với người khác, như có một người đang lắng nghe một tiếng nói từ bên trong của chính bạn, một tiếng nói khác tuy cũng là của bạn nhưng bạn chưa nghe bao giờ, tựa như một ngày mới, cũng ở giữa mặt trời mọc và mặt trời lặn, nhưng là một ngày hoàn toàn khác. Đó không phải là sự im lặng hoàn toàn, không hoạt động, chết chóc, bất động, đó là sự im lặng của mùa màng, của cánh đồng mưa bụi, cánh đồng trồng bắp trồng đậu rộng mẫu tây mà mẹ tôi gieo hạt, sự im lặng của mặt đất rì rào chuyển mình, của mầm đậu ngoi lên giữa luống đất cày. Mẹ tôi cũng thích ngâm ngợi ca dao, và khi có đông người vui vẻ đôi khi bà cũng thích hát. Tôi không bao giờ biết rằng bà thích ca dao đến thế, tôi tưởng rằng đó là những câu ca dao bà học thuộc của người khác, một lần tò mò hỏi, thì mẹ tôi bảo đó là những câu mà bà vừa mới đặt ra. Mẹ tôi kể khi tôi mới sinh được một tuổi, bà đặt tôi vào một cái thúng, một đầu là lúa, khiêng đi suốt ngày, tôi không thể nhớ lại được hình ảnh ấy. Khi lên một tuổi, ký ức của bạn chưa thành lập. Nhưng tôi nhắm mắt lại để hình dung nó, và tôi nhìn thấy tôi ngồi trong cái thúng. Tôi chắc chắn rằng đó là một trong những ngày hạnh phúc nhất của đời tôi, dưới bầu trời. Bạn thấy chưa? Khi bạn hạnh phúc, thì bạn không biết. Những đêm trời trong trăng sáng phụ nữ trong xóm rủ nhau ra đường làm cỏ dại. Sau chiến tranh, cỏ dại mọc nhiều. Sau mọi cuộc chiến tranh, cỏ mọc khắp nơi, trên mọi tính cách. Dọc đường làng họ cất tiếng cười đùa trêu ghẹo nhau, phụ nữ hát hò. Người ta không thể hát khi người ta lạnh lẽo, khi bị tổn thương, khi lòng cay đắng, người ta chỉ hát khi sung sướng hay đau khổ, trong một trạng thái mơ hồ êm dịu, trong một không khí đầy sự thật và an ủi. Tôi đoán rằng những lúc ấy mẹ tôi nhớ đến cha tôi, lúc người đi xa. Mẹ tôi có ba người anh trai, tất cả đều đã chết trong chiến tranh, một người bị Pháp bắn, một người bị Việt Minh thủ tiêu, một người lưu lạc rồi chết xa quê hương. Mẹ tôi nhớ những người anh trai của mình, nhưng bà ít nói về điều ấy. Những khi có chuyện buồn, nhớ lại, mẹ tôi thường ngồi một mình, giấu mình sau cánh cửa, trong tối, lặng lẽ nhiều giờ. Đôi khi vui sướng, mẹ tôi cũng làm vậy.

Lúc sáu tuổi, nửa đêm gần sáng, tôi bỗng thức giấc vì ánh trăng. Trăng sáng quá, mọi thứ óng ánh không có thật. Nhìn quanh, không thấy ai, tôi tung chăn bước xuống giường, đi chân không, khẽ mở cửa ra ngoài. Thuở ấy cha mẹ tôi mới làm xong ngôi nhà trong vườn mới, mái ngói, khang trang rộng rãi, xung quanh đều có hành lang lát gạch tráng xi măng và mái hiên mở ra bốn phía, cây cối trong vườn đang lên, ong bay trong chiều tối muộn tìm mật. Trên hiên nhà, dưới bóng loáng thoáng của cây mận đào, từ xa tôi nhìn thấy một người đang ngồi đó. Tôi đi thật chậm tới gần bên, ngồi xuống bên cạnh người ấy. Chúng tôi ngồi im lặng như thế thật lâu.

Rồi mẹ tôi đưa tay quàng lấy vai tôi, ôm tôi sát vào lòng. Tôi ngước nhìn lên, theo hướng nhìn của mẹ tôi, nhìn lên cao, cao nữa, sau những nhành lá thưa, một vầng trăng sáng vằng vặc giữa trời, trăng rằm, cũng im lặng như mẹ tôi, cũng trong sáng và hiền hòa như mẹ, như một bài hát thôn quê mà người phụ nữ hát bên cối giã gạo, trên đồng lúa, trên đường làng nơi họ làm cỏ hổ ngươi, cỏ may. Quanh hai chúng tôi, trăng càng lúc càng lên cao, càng tỏa sáng, đêm càng khuya càng trở nên mênh mông, như một giấc mơ của đất nước vừa có thanh bình, như một món quà mà chúng tôi ngẩng mặt lên để ràn rụa nhận lấy, lòng đầy biết ơn nhưng không biết là biết ơn ai, không thể nói ra được.

NĐT