Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

Cõi biết

Trần Đĩnh

Có một người rất hiền lành, nhân đức, lần hồi kiếm củi, một thân một mình. Tiện gọi ông Tiều.

Hôm ấy ông vào rừng quá sâu. Đang mải chặt chặt bó bó chợt thấy đằng lưng rợn. Quay lại: lừng lững một người. Tướng dị. Xanh rờn. Tíu tít xung quanh một vầng gió. Bắp thịt như rễ cổ thụ bát ngát mùi đất mới quật.

“Thần Rừng!”. ông Tiều nghĩ ngay.

- Đúng! Biết ông nhân hậu lại nghèo, ta muốn đỡ đần. Nào, ông muốn gì? Tiếng Thần rào rào thác đổ.

Ông Tiều đứng ngẩn. Khó trả lời. Có bao giờ ông mong hũ gạo đầy ba ngày liền đâu nhỉ?

Thần Rừng cười khà khà (lá cây lao xao như múa hết):

- Ông có muốn sung suớng không?

- Bẩm Thần Rừng, ngài đã thấy ai chưa muốn?

- Phải, toàn thấy xin. Giàu sang phú quý, vợ đẹp con khôn, mạnh khoẻ sống lâu, quan cao bổng hậu… Riêng ông lơ tơ mơ.

- Tôi mong sướng nhưng e sướng mình khổ người.

- Ta hỏi chíếu lệ thôi chứ bụng dạ ông thế nào ta biết! Thôi thì không hỏi sướng khổ nữa, vậy nói ta nghe coi ông thích gì?

Ông Tiều ấp úng:

- Trộm phép, Thần Rừng cho gì tôi lấy nấy. Thích theo ý của Thần Rừng ạ.

Ông Tiều nói đúng lòng mình. Từ lâu ông như đã quên ham muốn, mơ tưởng.

Thần Rừng cười ha hả:

- Ta không ghét không ưa, không chê không thích. Ta nối đất với trời, nạp khí trời vào lòng đất, nhả khí đất vào lòng trời. Một đoạn cầu nối như ta thì ưa ghét thích chê thế nào được?

- Bẩm xin ngài cứ dạy. Tôi xin cái nhỏ e vô lẽ, mà xin cái lớn thì phạm phải điều tôi tự răn.

- Hay… ha… ha… ha! Được, nào cùng thử với nhau nhỉ. Có cái này chưa thấy ai ước, ta mách ngươi xem.

Ông Tiều cúi đầu, hai tay chắp chờ.

- Cái biết! Sao? Mắt Thần to hó nhìn.

Ông Tiều hơi cụt hứng. Biết, cái chữ này nghe cụt lủn. Nhưng ông trọng lời hứa.

Thần Rừng ôn tồn:

- Đến tuổi ông kể ra biết đã vô số rồi đấy nhưng thấm tháp gì… Cái biết nó vô cùng.

- Bẩm, Thần Rừng đã muốn sao thì xin y thế.

- Ư, chỉ khoanh vào cái biết nhân sinh đời người thôi. Chia ra hai mảng trước sau. Có nó thì ông biết được trước hay sau của đời cái con người mà ông nhìn thấy mặt.

- Vâng, xin tùy Thần Rừng. Ông Tiều vốn thờ đạo nói và làm đi đôi.

- Ông luôn chiều ý người vậy cho ông một đặc ân: hưởng cả hai song lần lượt. Cái này không làm ông vui thì ông lại được thử cái kia. Muốn đổi cứ đến đây tìm ta.

- Xin đa tạ Thần Rừng.

- Theo ta.

Hai người đi tới một hàng cây, thứ cây ông Tiều chưa hề thấy, che khuất cả một vùng. Họ thấy trước mặt hiện ra hai cổng tò vò bằng lá ken dày ở bên nhau. Sau một cổng là mặt nước đen ngòm. lạnh. Sau cổng thứ hai, nước trong leo lẻo mát.

Ông Tiều nhảy vào mặt nước đen.

*

* *

Tất cả xong đánh nhoáng.

Lại đứng trước mặt nhau. Tuy ông Tiều nhớ như in vừa buông mình vào một làn nước tối mù, được một luồng khí lạnh buốt dồi đẩy tới một bờ tít xa xong.

Không thể dùng dằng, đã tới giờ quẩy củi về chợ rồi. Ông Tiều chưa kịp chào thì Thần Rừng đã biến.

Theo hẹn, tới quán cao lâu giao hàng. Chủ quán hởi:

- Muộn đấy, có việc gì chăng?

Ông Tiều đứng sững. Có chuyện thật. Rõ như trên sân đình diễn tích. Đằng sau chủ quán hiện lên những cảnh ghê rợn, Chủ quán từng là kẻ giết người! Mở hắc điếm, bỏ thuốc mê vào rượu, khiêng khách quẳng sông, tiền của lột sạch.

- Ông sao vậy? Chủ quán hỏi tiếp.

- Tôi… tôi váng đầu. Không qưen với những vén mở khốc liệt, ông Tiểu run rẩy.

Như lệ, ở quán cao lâu ông rẽ vào bà bán gạo. Lại sững sờ: mới hôm nao bà tráo gạo ông khi trút giúp hộ ông vào bị. Miệng an ủi: “Tội nghiệp, thật là vừa bán vừa biếu đây…”.

Thẫn thờ đến cô bán mắm muối, cô con gái mắt lá răm.Thôi thôi, ông Tiều hoảng hốt, ta đổ đốn mất rồi! Ông thấy cô gái xinh đẹp vừa ngắm đôi hoa tai vừa rúc rích cười trong lòng thầy lý đã một đàn vợ bé nàng hầu. Thế ra ông thấy tỏ khấu đuôi vô hình mỗi người kéo lê sau lưng. Toàn cái xấu? Chẳng lẽ mình ông thảnh thơi? Ông Tiều ra đầm sen. Từ từ cúi xuống. Lòng tĩnh chờ. Mặt ông hiện lên trên những cụm mây bông lãng đãng trên trời và tự nhiên chúng bỗng dạt đi hết, nhường chỗ cho những ngày ông đã sống vùn vụt trôi qua. Kìa, đâu phải vắng mạng người? Đâu phải thưa nước mắt? Ông cự tuyệt người con gái khăng khăng theo ông một dạ. Ông sợ cô gái bị cha từ mẹ đọa, sợ hai đứa không nuôi nổi nhau, sợ tai tiếng… Có mỗi ngả đáng sợ thật ông lại không ghé vào: cô gái nhảy sông. Với một hòn máu của ông trong bụng. Tuổi xanh ta ơi, tàn nhẫn thế! Ta giữ gìn cho cái gì? Ta đâu biết trọng trước hết ân tình. Ta còn thất hiếu với bố mẹ. Chúng nó vật bố ta xuống tra gông vào cổ lôi đi mà ta nắm tay đứng im. Rồi mẹ ta ốm héo hon chỉ mong giối giăng vài lời. ta lại mảng chia tay lần cuối cùng cô gái… Đau lòng quá khi quay đầu lại.

Từ xa đã thấy tòa ngang dãy dọc của thầy lý. “Nhà quyền quý họ ra sao?Ta thử xem… Hay chỉ những người như ta?”.

Thầy lý đang đứng bên bức tường hoa khảm mảnh sứ bên hòn non bộ lớn bằng cả gian nhà. Các ông tiều trong núi đều thư nhàn tiên cốt. Ông Tử Nha vuốt râu câu cá bên khe u tịch.

- Xin gì? Thầy lý nghiêm giọng hỏi.

- Nghe thầy lý muốn mua nâu.

Câu kiếm cớ mở cửa đột phá chưa dứt, trước mắt đã hiện lên mồn một đủ cảnh đầu rơi máu chảy, hèo khảo gậy tra, lục hòm nặn túi.

Không thể kìm, hỏi luôn:

- Thầy lý đang trò chuyện với các oan hồn?

- Sao…? Oan cái gì hồn?

- Người chết vô tội… Oan hồn bố tôi… Nhiều… nhiều lắm… Đây…, đây…, kia…

Ông Tìều chỉ quanh chỗ thầy lý đứng.

- Im ông kia! Thầy lý quát nhưng mặt tái mét.

- Con lân đá bày trên kỷ đầu giường thầy lý, con lân cứ đêm rằm thì mắt lại hoá thành hòn ngọc sáng rực rồi chờ đến canh tư lăn xuống mồm nhả ra… Con lân của chú khách thuốc ê ba chục năm trước thầy mời vào nhà mà không ra nữa. À, chú khách nằm kia, trong kia… Ông chỉ vào hòn non bộ… Không chỉ có mình chú khách…, trong ấy còn…

- Láo…, láo… Kìa, kìa ông… Thầy lý lắp bắp.

- Thanh kiếm treo trên bàn thờ tổ tẩm bao nhiêu máu người. Ông nội thầy lý lội ngập trong máu vục lấy những nén vàng…

Nhận thấy những ánh loa lóa khác thuờng trong mắt ông Tiều, thầy lý chắp tay lầm rầm:

- Xin ông, kìa, ông lảm nhảm những gì ghê quá…

- Nhảm nhí à? Hỏi thầy: Trước khi ra đây, trong buồng kín kia, thầy làm gì với cô Tám? Ông lão sáu mươi làm thằng bé bú tí à?

Thầy lý giật thót. Thầy vừa đùa với cô Tám trăng tròn lẻ xong. Vén yếm đào lên, thầy xêu xêu hớp hớp cái mỏ thầy vào núm vú chưa bén mùi sữa của cô gái thầy mua có tiền rưỡi, thật rẻ hơn bèo. Lão kiếm củi này ma xó chắc? Luýnh quýnh, thầy dịu giọng lấy lòng ông.

- Ông hiểu tôi vẫn tử tế với ông. Tôi vẫn muốn mời ông đến ở đây để khỏi phải chui ra chui vào cái lều rách…

“Thế chứ, có biết sợ… Thì ra ai cũng có một khấu đời cần che giấu. Thần Rừng cho mình phép biết này để mình được đổi đời đây…”. Ông Tiều nghĩ trên đường về lều. Không khỏi khoái trí thấy mình có cái biết kỳ lạ hơn người.

*

* *

Trong khi đó, thầy lý mật báo hoả tốc. Quan huyện hoả tốc sai lính xuồng điệu ông Tiều lên huyện đường.

- Nhà người hại người!

- Bẩm kiếm củi nơi khe sâu núi thẳm thì hại được ai?

- Nói nhà ngươi có thuật phù chú?

- Bẩm, xin phái thầy đề đến lục soát lều tôi xem có đồ thờ thứ cúng gì không hay chỉ có mấy cái chĩnh mẻ.

- Bảo nhà ngươi nhìn thấy… thấy oan… oan hồn?

- Bẩm những ai mặt rợp bóng tha ma hay pháp trường thì oan hồn thường hiện lên trên mặt. Mặt người như sách, biết đọc sẽ ra chữ. Chữ thì có chữ tối chữ sáng.

- Ai mách nhà người thuật đó?

- Bẩm chỉ là nghe rơi nghe rụng lời cổ nhân.

Đặt chân đến đây, ông Tiều đã muốn thử cái uy biết của mình, Ông muốn biết miệng nhà quan có ngọng líu lại khi nghe ông nói không. Ông nhìn mặt quan lúc này chẳng khác nào một cái cổng toang hoác, lọt vào như bỡn.

- Bẩm, sách còn khó đọc, mặt người dễ đọc hơn. Ông Tiều nói thêm.

- A…, quan huyện khẽ kêu.

Cùng lúc ngài bắt được ánh mắt loa loá khác thường của ông Tiều. Bèn nhẹ nhàng hỏi:

- Biết gì cứ thưa, ta không … (tay khẽ xua xua).

Biết khó gì! Bố mẹ quan vốn nghề thuốc. Nhưng cứu người không nhiều danh lộc bằng trị người cho nên đã lái con vào hoạn nghiệp. Trộn tham vọng cuồng nhiệt vào lòng híếu thảo cũng cuồng nhiệt, người con trở thành đấng phụ mẫu dân hết ý. Phi thương bất phú, quan ứng phương châm này vào công cuộc phe quan. Ngay lúc hạ giọng ngọt ngào với ông Tiều, quan đã nảy ra ý dùng ông già này làm một mặt hàng ngoại vô giá thay cho món mặt hàng nội cũng sáng giá lắm là con gái út của quan. Lúc này quan mong ông già có tà thuật thật.

- Thấy gì ở… cứ nói, bảo là như đọc sách cơ mà. Quan nài hỏi. Một kiểm tra cần thiết.

- Bẩm mạn phép…, chữ đây không được sáng ạ.

- Cứ tự nhiên, cứ nói, không sao…

- Ngài đã lọt được vào mắt quan thượng thư Bộ Lại rồi. Tốn kém lắm nhưng lọt được rồi. Bao nhiêu nữ nhân yêu chiều của ngài đều đã được cụ thượng ôm ấp vỗ về. Nhưng ngài còn thấp thỏm vì cô út cưng nhất của ngài chưa chịu theo gót mẹ và các chị lai kinh hầu hạ quan thuợng thư…

- Thôi!

Quan vội ngăn. Mặt không giấu được nét kinh hoàng. Và bụng cũng liền khấp khởi. Chuyến này đưa lào già này lên khéo mà một vốn bốn lời, thu đuợc vợ con trở về đây.

Quan sau đó còn gặp ông Tiều vài lần nữa ở hậu thất.

Chẳng biết từ đâu để lọt, tiếng tăm ông Tiều nhìn được thời qua đã lan rộng. Những ai tò mò đến thử đều thất kinh mà dạt hết. Bây giờ thuần con nít quây quần bên ông Tiều.

Nhưng rồi ông Tiều lên kinh. Quan huyện khỏi phải dâng cô út.

Ông Tiều được dặn phải tay bưng kín mặt khi vào chầu nhà vua. Để thử tài ông Tiều, nhà vua đã lo xa giấu mình sau một tấm trướng gấm và lưng cánh phản của mấy tên đô vệ. Ngài ngồi xem các quan trong triều lần lượt trình diện ông Tiều. Một môn diện chẩn, nhà vua cả mừng, thầm kêu khẽ. Ông Tiều nói trúng phóc từng viên quan. Nhiều chuyện đến nay nhà vua mới ngã ngửa.

Trị vì mà không hiểu bề tôi đã làm gì thì tối nguy thật! Nay đúng là trời giúp, quỷ thần phò!

Như thầy thuốc bắt mạch tìm bệnh, ông Tiều nhìn mặt bá quan dò dấu xưa vết cũ. Ngày hai buổi, dòng quan nối nhau đi qua ông Tiều chịu một liều xạ phẫu. Bày ra huyệt hư vực ác cho nhà vua có chứng cứ về tội ác của bá quan để dựng nên một núi hồ sơ nhân sự tin cậy: từ nay sẽ càng thao túng, khống chế được chúng hơn. Không gì lợi hại bằng biết tỏng tội ác cấp dưới. Khác nào cài sẵn vào ruột mỗi đứa một quả pháo lệnh. Mày giở chứng là ông cho ngay một mồi lửa nổ tan xác mày ra.

Không nhìn thấy mặt vua, ông Tiều yên trí miệt mài với việc vua trao phó.

Một hôm đám trẻ trong vườn ngự đuổi chim bạch trĩ xổng, trèo tường qua bên ông. Một đứa bé kháu khỉnh nhoẻn cười với ông Tiều và ông bàng hoàng suýt té. Con vua! Bóng tối nhà vua hắt cả sang mặt trẻ thơ và qua mặt trẻ thơ ông Tiều thấy tội mình. Với hồ sơ ông thu thập, nhà vua đã có mưu kế dung nạp toàn những hung thần. “Tại sao? Tại sao?”. Ông Tiều không thể hiểu tại sao những kẻ tội ác bề bề lại đang được nhà vua nhằm cất nhắc. Ông đâu hay rằng cầm quyền thì cần kẻ ác. Người hiền sao trị nổi người? Ngây ngô quá, ông Tiều ơi!

Suy nghĩ ba đêm. Tinh mơ ngày thứ tư vù thẳng. Qua đầm sen lại cúi soi. Một bầu trời u ám. Ôi, nhúng chàm rồi!

Vào rừng khấn vội. Thần Rừng lừng lững đứng bên ngay. Một vầng vui phần phật quanh người. Mùi đất nguyên sơ bát ngát, nguồn đầu của mọi mùi.

- Không yên vui sao? Tóc bạc đi kìa…

- Bẩm, xin cho tôi quên cái đã qua. Biết mà không quên thì đáng sợ…

- Đúng, biết phải kèm quên… Nhưng nhận lời rồi cơ mà. Hãy thử cái thứ hai xem sao nhỉ. Nào…

Vẫn lời nói với việc làm một mực đi đôi, ông Tiều ra đứng trước mặt nước trong leo lẻo.

Lủi thủi bơ vơ cả tháng chẳng gần được ai. Thiên hạ sợ. Dần dà mon men được đến quán cao lâu.

- Hôm nay, ông Tìều nói, có kẻ trộm vào. Đánh động cho chạy thôi chứ đừng đánh đập bắt bớ.

Chủ quán sửng sốt. Lại biết cả mai rày. Bèn hỏi:

- Kẻ trộm vào mà không đánh sao?

- Để một ít cơm cá cho người ta. Ông già này đói quá hoá liều.

Ông già liều ăn trộm vừa bưng bát cơm cá lên vừa vái lạy chủ quán. Chủ quán thì cứ nghĩ sao ông Tiều giúp mình mà không xin xỏ gì mình.

Bà hàng gạo chào lí nhí. Ông Tiều nói:

- Con dâu bà sinh quý tử. Kiếm bà đỡ giỏi, thằng bé có tràng hoa quấn cổ…

Mắt đỡ tít hẳn, cô bán mắm muối mím môi thẹn thò.

Ông nói:

- Ai cũng qua thời đầu xanh tuổi trẻ dại dột, cô hãy vui lên. Một người trong Thanh ra phải lòng cô, mê mệt lắm.

- Người có tốt không bác? Tiếng nói như thở nhẹ.

- Đẹp đôi… Nhà cao cửa rộng, con đàn… Cô yên tâm. Thầy lý cựu (mất chức do bép xép chuyện quan huyện lên tổng đốc nhờ hiến ông Tiều lên vua) đã tự đến tìm.

- Tôi mắc nợ nhà ông nhiều nhưng ông không khi nào báo oán, cái ấy tôi càng thêm nợ ông hơn. Nay đến xin ông bảo cho hay mai kia tôi thế nào.

- Ông sẽ vơi đi nhiều đấy, ông Tiều nói. (Ông Tiều giấu: thật ra sẽ có một cơn lốc cuốn sạch hết cả gia tài ông lý cựu đi, cả con lân nhả ngọc). Ông sẽ sống với bà Tư và mười bảy đứa con.

Xa gần tới tấp đến. Chiều chuộng, cung phụng, cầu thân, mua chuộc.

Ông Tiều lại ra đầm sen. Soi đi soi lại, bâng khuâng. Trước chỉ thấy ngày qua, nay chỉ thấy ngày tới. Ôi ngày tới của ta! Nào ngờ mày sẽ huy hoàng đến thế! Ông sẽ lại đáo kinh. Người tài làm sao trốn được cái ngả mũ áo xênh xang đó? Lần này nhà vua không cho ông trốn nữa. Ông sẽ tiến cử cho vua một viên tể tướng cục thâm hiểm, hung ác. Còn ông thì lầu son gác tía, võng đón lọng đưa, tiền hô hậu ủng. Phen này thoát định mệnh như thế nào đây?

Quả nhiên nhà vua cho vời. Quan tân tổng đốc đích thân về đón. Nhưng ông Tiều đã vào rừng.

*

* *

Thần Rừng khúc kha khúc khích:

- Chóng thế? Sao?

- Bẩm, xin Thần Rừng tha tội…, tôi phải nuốt lời. Tôi không muốn thử tới cùng.

- Nói rõ xem.

- Lần trước biết cái đã qua của người, tôi sợ cứ thế sẽ đi tới lắm oán thù mà bận trả thù hết kiếp. Lần này biết cái sẽ tới, tôi sợ sẽ giàu thêm khát thèm và đố kị... Tôi là kẻ yếu hèn, khó tránh được hai điều vừa nói. Nhất là khi chỉ có riêng mình tôi được biết! Được quyền biết! Mà lại biết rằng con người còn nhiều tham hèn quá. Vậy xin cho tôi được có quên trong biết, có lãng trong tỏ. Ôi, biết sao mà khổ! Một chữ biết mà khi người ta lánh, khi người ta vồ vập, như thế vui gì?

- Muốn ông sung sướng, Thần Rừng lầm bầm, ta cho ông lối đi tới chỗ sung sướng dễ nhất, nhanh nhất. Chỉ bảo cho người, người sẽ đền ơn lại mà… Nhưng ông không dùng nó. Ta thật tình không ngờ. Nhưng ta cảm ơn ông đã cho ta hai điều biết mới...

Ông Tiều ngỡ mình nghe lầm. Nhưng Thần Rừng đã nói:

- Một mới là con người sẽ không tuyệt diệt vì bệnh tham và hèn như ta tưởng, con người vẫn hướng thiện; hai mới là khi ai cũng biết, cũng tỏ cái xấu của ai thì sẽ dễ có quên. Vậy minh bạch là gốc của sự quên Mà quên là gốc của chan hòa. Cái biết phải như trăng sao, khí trời, không được để cho bị biến thành của cải của riêng ai. Cái quên cũng thế, bịt mắt kẻ khác cho không thấy hay quên đi điều xấu của ta thì tai họa … Ta cảm ơn ông nhưng nay…

- Xin cứ dạy…

- Trả lại cho ông như trước nhưng ông phải chi một phần học phí là sinh lực khí huyết ông, có chịu không? Từ nay, ông không còn là ông trước đây nữa, chịu không?

- Bẩm chịu.

- Ta chỉ việc quét cái lá này vào trán ông là ông giũ từ hết. Cái lá này cọp chạm phải, cọp quên con mồi trong vuốt. Cháo lú dưới âm nấu bằng lá này, người chết ăn vào liền hết nẻo quen quay gót. Ta hỏi lại, chịu không?

- Chịu.

Cái lá lướt nhẹ lên trán ông Tiều.

Ông rùng mình. Tóc bung xổ trắng xoá hai vai hai dòng thác bạc. Trước ngực bộ râu năm chòm rẽ sóng bạc đầu ra khơi.

- Ha… ha… ha… đa tạ Thần Rừng.

Ông Tiều bật cười vang, thấy Thần Rừng là bạn.

- Ha… ha… ha… cảm ơn ông.

Thần Rừng phá cười lớn, thấy ông già đã vào cõi biết! Ngang tầm mình.

Ngàn thẳm à à reo đưa ông ra cửa rừng.

Người nào phúc lớn mới được gặp ông Tiều. Gặp ông thì nhật nguyệt đến ở trong người: quên hết và biết hết.

T. Đ.

1991