Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2022

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ…

Lê Hồ Quang

GIỤC GIÃ

Xuân Diệu

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,
Em, em ơi, tình non đã già rồi;
Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi,
Mau với chứ! thời gian không đứng đợi.


Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới;
Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa.
Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ,
Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết!
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt;
Những vườn xưa, nay đoạn tuyệt dấu hài;
Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai;
Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.

Vừa xịch gối chăn, mộng vàng tan biến;
Dung nhan xê động, sắc đẹp tan tành.
Vàng son đương lộng lẫy buổi chiều xanh,
Quay mặt lại: cả lầu chiều đã vỡ.

Vì chút mây đi, theo làn vút gió.
Biết thế nào mà chậm rãi, em ơi?
Sớm nay sương xê xích cả chân trời,
Giục hồng nhạn thiên đi về cõi Bắc.
Ai nói trước lòng anh không phản trắc;
Mà lòng em, sao lại chắc trơ trơ?

- Hái một mùa hoa lá thuở măng tơ,
Đốt muôn nến sánh mặt trời chói lói;
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm,
Anh hút nhụy của mỗi giờ tình tự.
Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi! Tình non sắp già rồi...
[1]

Trong thơ tình Xuân Diệu, những mô tả, giãi bày cụ thể về tình yêu luôn đi cùng xu hướng triết lí hóa, khái quát hóa. Cái tôi trữ tình này vừa yêu, không ngừng hạnh phúc, khổ đau vì tình yêu, đồng thời không ngừng bị thôi thúc bởi nhu cầu mãnh liệt là được cắt nghĩa về tình yêu, đúc rút thành châm ngôn, triết lí và hơn thế, “kêu to lên” cho mọi lứa đôi cùng nghe về những bí ẩn của nó. Giục giã (rút trong tập Gửi hương cho gió, 1945) thể hiện rõ phong cách trữ tình mê đắm mà tỉnh táo của Xuân Diệu.

Mở đầu Giục giã là một lời kêu gọi, hối thúc:

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ

Bằng lời nhập đề trực tiếp, khẩn trương này, nhà thơ kéo thẳng đối tượng và độc giả vào cuộc trữ tình. Nếu với Huy Cận, cảm hứng thơ luôn được khơi dậy từ không gian xa rộng, cô liêu, gợi niềm ảo não, thì với Xuân Diệu, thời gian mới là nỗi ám ảnh, đồng thời, là nguồn thi hứng dạt dào.

Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới;

Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa.

Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ,

Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết!

Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt;

Những vườn xưa, nay đoạn tuyệt dấu hài;

Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai;

Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.

Vừa xịch gối chăn, mộng vàng tan biến;

Dung nhan xê động, sắc đẹp tan tành.

Vàng son đương lộng lẫy buổi chiều xanh,

Quay mặt lại: cả lầu chiều đã vỡ.

Đoạn thơ khá dài, gieo vần chặt chẽ, nhịp nhàng. Tác động đa chiều của thời gian được mô tả thông qua hàng loạt hình ảnh ẩn dụ gợi cảm: tình thổi gió, màu yêu, nắng mọc, hoa rụng, mầm ly biệt, mộng vàng, chiều xanh, vàng son đương lộng lẫy, lầu chiều đã vỡ, tình yêu đến, tình yêu đi, đời trôi chảy… Trong tương quan đối lập (mới/ xưa; đến/ đi; gặp gỡ/ ly biệt…), thời gian được nhà thơ nhận thức chủ yếu ở phía tác động tiêu cực: Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn. Thực chất, đây là cảm quan thời gian quen thuộc của Xuân Diệu, đã thể hiện trong nhiều tác phẩm:

Cái bay không đợi cái trôi

Từ tôi phút ấy sang tôi phút này

(Đi thuyền)

Xuân đương tới nghĩa là xuân đang qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

(Vội vàng)

Đây không phải là một nhận thức thời gian mới. Thơ xưa từng nói đến tác động thời gian qua hình ảnh “bóng câu qua cửa sổ”, “bãi bể nương dâu” hay mái tóc “mới sớm còn tơ xanh chiều đã tuyết”… Nhưng ám ảnh thời gian dường như càng tăng lên khi con người đo lường, đánh giá nó qua nhãn quan cá thể và quỹ thời gian cá nhân. Là nhà thơ lãng mạn, Xuân Diệu đặc biệt chú ý sự tác động của thời gian tới tâm hồn, xúc cảm con người. Với ông, thời gian không chỉ khiến “dung nhan lay động, sắc đẹp tan tành”. Ác hại hơn, nó khiến cho sự thay đổi trong tình cảm của con người trở thành một tất yếu: Ai nói trước lòng anh không phản trắc/ Mà lòng em sao lại chắc trơ trơ?

Dĩ nhiên, ta thừa biết sự đổ vỡ tình cảm đâu chỉ do mỗi nguyên nhân thời gian. Xuân Diệu chọn lí do này, bởi qua thời gian, ông nhận ra nhiều vấn đề của đời sống và con người. Nó đem lại màu sắc triết lí hấp dẫn cho thơ ông. Quan trọng hơn, nó khiến ông nhận ra điều mình thực sự muốn, đó là Em và Hiện tại. Là một nhà thơ của thời hiện đại, ý thức sâu sắc về giá trị cá nhân, ông khao khát hưởng thụ cuộc đời và tình yêu trong ngay bây giờ, ở thời điểm này. Ông sẵn sàng đón tất cả những gì đến với mình trong thì hiện tại với niềm hạnh ngộ. Cách ứng xử với hiện tại này quả thực khác nhiều tác giả Thơ mới. Chẳng hạn, đây là thái độ cự tuyệt của Chế Lan Viên:

Ai đâu trở lại mùa thu trước

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng

Với lại hoa tươi muôn cánh rã

Về đây đem chắn nẻo xuân sang

(Thu)

Còn đây là cách ứng xử của Hồ Dzếnh với thời gian và người tình:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé

Em tôi ơi! Tình có nghĩa gì đâu

Nếu là không lưu luyến thuở sơ đầu

Thuở ân ái mong manh như nắng lụa

Hoa bướm ngập ngừng cỏ cây lần lữa

Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi

Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!

(Ngập ngừng)

Thật trái ngược! Trong khi Hồ Dzếnh tuyên bố: Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!, thì Xuân Diệu lại kêu gọi: Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai. Thật ra, về điều này, quan điểm của Xuân Diệu rất rõ ràng. Quá khứ thì đã qua, không thể thay đổi. Tương lai thì không biết sẽ thế nào, nó nằm ngoài khả năng đoán định. Cả quá khứ lẫn tương lai đều là những cái bất khả níu giữ, chế ngự. Chỉ hiện tại, chỉ cái đang là, là còn thuộc về Anh và Em. Dẫu vẫn lo âu, nghi ngờ, song thì hiện tại, với ông, là một hiện thực giá trị. Trong dòng chảy thời gian, hiện tại dễ dàng bị xâm lấn bởi hai đầu quá khứ và tương lai. Nhưng cũng chính vì sự mong manh vụt biến nên hiện tại, cũng như tình yêu con người, càng đáng trân quý. Thái độ sống của Xuân Diệu rất thực tiễn và hiện đại: yêu đời, yêu người, không có nghĩa đặt đối tượng lên bàn thờ chiêm bái ngưỡng vọng, mà phải được thụ hưởng tình yêu ấy một cách trọn vẹn, mãnh liệt. Đó là lý do ông từng nói đến khao khát “ôm”, “riết”, “thâu”, “say”, “cắn”, “no nê”, “chuếnh choáng”, “đã đầy”… mùa “xuân hồng” của cuộc đời. Ông khát khao gắn bó với cuộc đời trần thế, trong phút giây hiện tại, trong sự “thức nhọn giác quan” run rẩy. Sống cho hiện tại, sống vì hiện tại, sống trong hiện tại dường như là lời xác quyết của Xuân Diệu. Yếu tính lãng mạn trong hồn thơ Xuân Diệu đã bộc lộ trọn vẹn, đắm đuối và nồng nàn trong tuyên ngôn yêu và sống của ông, một tuyên ngôn mà rồi bao thế hệ “trẻ tuổi, trẻ lòng” sẽ còn nhắc lại, trong sự rung động và đồng cảm:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.

Xuân Diệu từng tuyên bố: Ai lí luận với ân tình cho đáng. Thế nhưng kiểu kết cấu luận đề lại khá phổ biến trong thơ ông. Bài thơ thường được triển khai như một chuỗi lập luận, ý trước nối liền ý sau trong mối quan hệ phối thuộc chặt chẽ. Mỗi đoạn, câu, hình ảnh thơ trong bài vừa có nhiệm vụ cụ thể hoá quan niệm, tư tưởng của thi sĩ vừa đóng vai trò những thao tác phân tích, buộc độc giả phải thấy rằng quan niệm, tư tưởng đó là một tất yếu đúng. Điều này thể hiện rõ trong nhiều sáng tác như Vội vàng, Xa cách, Yêu... Và tất nhiên, danh sách ấy phải có Giục giã. Nếu ở Vội vàng, Xuân Diệu chủ yếu dùng hệ thống lí lẽ để chứng minh quy luật tàn phá của thời gian, để thuyết phục độc giả rằng vội vàng là cách sống, cách ứng xử thích hợp nhất, thì trong Giục giã, ông cũng tiến hành thao tác tương tự. Bài thơ được cấu trúc một cách khá chặt chẽ, theo ba phần như sau:

- Hai dòng đầu: Đặt vấn đề bằng lời thúc giục vội vàng

- Hai mươi dòng tiếp theo: Giải thích lí do

- Tám dòng cuối: Nêu “giải pháp” sống và yêu

Tuy nhiên, nếu Vội vàng dừng lại ở quy luật sống nói chung thì ở Giục giã, nhà thơ chú tâm vào mục tiêu thuyết phục người tình cùng ông tận hưởng một tình yêu xứng đáng. Đó là tình yêu trong thì hiện tại, trong tuổi trẻ, giữa “mùa hoa lá thuở măng tơ”, trong độ đắm say mãnh liệt “đốt muôn nến sánh mặt trời chói lói”.

Về mặt văn bản, bài thơ được kết cấu theo lối đầu cuối tương ứng. Phần cuối nhắc lại hai câu mở đầu, với đôi chút biến đổi, nhằm nhấn mạnh tính chất cần thiết cũng như ý nghĩa của sự “mau lên chứ, vội vàng lên với chứ”. Mở đầu bài thơ như sau:

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,

Em, em ơi, tình non đã già rồi;

Và ở kết thúc:

Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!

Em, em ơi! Tình non sắp già rồi…

Kết nối với tiêu đề tác phẩm - Giục giã, những đặc điểm kết cấu nói trên càng cho thấy rõ tính triết lí của bài thơ.

Điều thú vị là, dù tính khái quát, triết lí rất rõ, song Giục giã vẫn đem lại cảm giác trữ tình nồng nàn. Điều này hết xuất phát từ nguyên tắc thể hiện trực tiếp của bài thơ. Luôn hiện diện đằng sau lớp hình ảnh, từ ngữ ấy là một chủ thể trữ tình đầy nhiệt thành, sôi nổi: anh ta luôn có nhu cầu được giãi bày, được trần tình, được lí giải (và cả… kể lể nữa), những nhận thức, suy ngẫm riêng về tình yêu, về thời gian, cuộc sống v.v. Ẩn dụ được sử dụng phổ biến tạo nên lớp ngôn từ bóng bẩy, đa nghĩa, giàu xúc cảm (tình non, con chim hồng, trái tim nhỏ, tình thổi gió, màu yêu, tình mới, mầm ly biệt, đời trôi chảy, buổi chiều xanh, mộng vàng, răng nở ánh trăng rằm, hút nhụy mỗi giờ tình tự...). Bài thơ có khá nhiều câu hỏi tu từ, đan xen linh hoạt với kiểu câu trần thuật, cảm thán, tạo nên giọng điệu vừa tỉnh táo, lí trí vừa mãnh liệt, nồng nàn: Vì chút mây đi theo làn vút gió/ Biết thế nào mà chậm rãi em ơi?; Ai nói trước lòng anh không phản trắc/ Mà lòng em, sao lại chắc trơ trơ?... Trên thực tế, nhiều câu trong Giục giã đã trở thành lời cửa miệng của độc giả, vì tính triết lý thi vị, chẳng hạn:

- Tình yêu đến tình yêu đi ai biết

- Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt

- Ai nói trước lòng anh không phản trắc

Mà lòng em sao lại chắc trơ trơ?

- Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm...

Những triết lí trực tiếp, những mô tả khá chi tiết, cảm tính thu hẹp tính “mơ hồ”, “ám gợi” - vốn được xem là thuộc tính của một biểu tượng tượng trưng “đích thực”. Bù lại, màu sắc xúc cảm và khả năng truyền cảm của bài thơ trở nên mãnh liệt, nồng nàn.

Hãy hướng về hiện tại, sống và yêu hết mình trong hiện tại - đó không chỉ là triết lí của cá nhân Xuân Diệu. Thực ra, đó cũng là một quan niệm mang đậm tinh thần lãng mạn. Thơ lãng mạn, với tư cách một trào lưu, đã qua đi trong lịch sử văn học. Tuy nhiên, phẩm tính lãng mạn, những khát vọng lãng mạn là điều sẽ còn tồn tại dài lâu trong đời sống nhân loại. Đó là lý do giải thích vì sao Giục giã có thể ngân vang lâu bền đến vậy trong kí ức và xúc cảm của bao thế hệ độc giả:

Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm,

Anh hút nhụy của mỗi giờ tình tự.

Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!

Em, em ơi! Tình non sắp già rồi...

Vinh, 7/ 2007


[1] Nhiều tác giả (1999), Thơ mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm, Lại Nguyên Ân tập hợp và biên tập, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.