Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

Chung quanh vấn đề “văn mẫu” (kỳ 1): Câu chuyện văn mẫu và sự quản lí việc dạy học văn trong nhà trường

Trần Đình Sử

Câu chuyện học “văn mẫu”, tức học thuộc, học tủ, học không sáng tạo, đọc chép trong môn văn các cấp trong nhà trường ta đã từ lâu không chỉ gây bức xúc cho dư luận xã hội, mà còn làm tan nát cõi lòng của chúng tôi, những người tham gia vào biên soạn chương trình và sách giáo khoa đổi mới giáo dục nhiều năm qua. Gần đây tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong khi tổng kết năm học đã có ý kiến chấm dứt nạn “văn mẫu”, thật là một chủ trương đúng đắn, hợp với lòng người. Nhưng vấn đề là đâu là “văn mẫu”, ai sinh ra, ai là người có trách nhiệm chấm dứt nạn này, vấn đề phải cần được làm sáng tỏ.

Vậy nạn “văn mẫu” bắt đầu từ đâu? Thời tôi đi học và đi thi những năm 50 là không có. Tôi theo dõi các năm 60, 70, đầu 80 đều không có. Tôi bảo đảm trong chương trình và trong sách giáo khoa không hề có cái gọi là “văn mẫu”.

Vậy nó nảy sinh như thế nào? Ai đưa nó vào nhà trường? Bây giờ nhớ lại, nó bắt đầu nảy sinh từ Bộ đề thi và đáp án môn văn do GS Phan Cự Đệ chủ biên với sự tham gia của các giáo sư đầu ngành hồi ấy do Bộ Giáo dục chỉ đạo, vào khoảng năm 1989-1990. Sách có hai tập, gồm có khoảng 200 đề văn và những đáp án sơ lược, dưới dạng gạch đầu dòng, chưa thể gọi được là “văn mẫu”. Và cũng không thể coi đó là văn mẫu, nếu xét kĩ, nhiều đáp án còn chưa chuẩn, có những câu trả lời còn nặng chất xã hội học dung tục. Nếu tôi nhớ không lầm thì mục đích bộ đề là để tạo ra một kho đề, để từ đó các thầy cô ở các trường có tuyển sinh, có thể chọn trong ấy, hoặc tổ hợp các đề ấy rồi soạn ra đề mới dùng cho các kì thi tuyển sinh đại học của trường mình. Học sinh nào nếu học được 200 đề ấy thì đã có một trình độ văn kha khá rồi, xứng đáng được vào đại học. Nhưng rồi từ đó nảy sinh trào lưu luyện thi, các thầy cô luyện thi đã cụ thể hóa các nội dung đáp án thành các bài mẫu cho học sinh chép. Các đầu nậu sách còn tổ chức viết các bài văn hoàn chỉnh và đặt tên là “văn mẫu” do một số nhà giáo nổi tiếng đứng tên.

Nhưng “văn mẫu” chính thức trở thành nạn sao chép học thuộc là khi ai đó quy định (chắc chắn là trên Bộ) giới hạn bài thi tốt nghiệp hoặc thi đại học vào các bài văn học ở lớp 11 và 12 Trung học phổ thông, quanh đi quẩn lại chỉ một số bài, như thơ Tố Hữu, thơ Hồ Chí Minh, Đây thôn Vỹ Dạ, Đây mùa thu tới, Tống biệt hành, Tây tiến, Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù, Đất nước, Vợ nhặt, Sóng, … Bởi nếu nhiều bài văn thì khó mà thuộc mẫu được. Vừa kịp khoảng thời gian sau một ít, mạng xã hội tràn lan, và học sinh có thể cóp về các bài văn mẫu có sẵn một cách dễ dàng.

Như vậy nhân tố tạo thành “văn mẫu” không do chương trình, không ai quy định cái gọi là “mẫu”, mà do sự thu hẹp chương trình ôn thi và do các lò luyện thi.

Một nguyên nhân nữa là do cách ra đề khuyến khích lối học thuộc, đáp án thường là đếm ý cho điểm, học sinh nêu được các ý trong đáp án coi như điểm cao. Cho nên khái niệm “văn mẫu” chẳng có gì khoa học, cao siêu để mà tranh luận, nó chỉ là một quy ước, chỉ bài văn đủ ý theo quan điểm nhà luyện thi, đáp án của người ra đề, có thể dùng để học ôn thi đạt điểm cao, thế thôi.

Khi được giao trách nhiệm soạn thảo chương trình môn văn Trung học phổ thông năm 2000, tôi đã chống lối dạy đọc chép, đã thấy cái hại của lối ra đề kiểu học thuộc này, và đề nghị thay đổi cách ra đề thi, nghĩa là không sử dụng ngữ liệu trong bài học sinh đã học, mà lấy bài văn có độ khó tương đương, để ra đề. Ví dụ, sách học Hai đứa trẻ, thì đề thi có thể lấy bài Dưới bóng hoàng lan cũng của Thạch Lam để ra đề. Sách học Đời thừa của Nam Cao, có thể lấy một truyện ngắn khác của Nam Cao làm đề. Cũng có thể lấy đoạn văn, bài văn trên báo, tạp chí mà độ khó tương đương. Như thế học sinh sẽ không có cơ sở để học thuộc bài văn có sẵn.

Yêu cầu đọc hiểu lúc ấy đối với xã hội ta còn xa lạ, tôi cũng đã có dịch và giới thiệu một số đề ra của nước ngoài. Nhưng năm đầu tiên thi Trung học phổ thông theo chương mình mới, tôi ngạc nhiên thấy đề ra của Bộ vẫn như cũ, không hề có sự thay đổi nào. Tôi có đề đạt ý kiến với ông Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc ấy, ông vâng vâng, ừ à, rồi đâu lại vào đấy, bởi tôi nghĩ, vì ông sợ nếu đổi thay cách thì học sinh sẽ bị điểm thấp, ảnh hưởng đến thành tích lãnh đạo của ông. Một điều nữa, đến lúc ấy đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông không do các trường ra đề, mà do Cục Khảo thí ra đề. Rất có thể Bộ chỉ đạo không thay đổi cách ra đề thi. Cũng có thể, các vị ở Cục mời các thầy cô không quan tâm gì đến chương trình mới ra đề, coi như đề ra độc lập với chương trình dạy. Hầu hết các đề nói chung vẫn không thể hiện thế nào là đọc hiểu cả, cho đến nay họ vẫn không có khái niệm này. Chúng ta biết, thi thế nào thì học thế ấy, thi mà như cũ thì mọi sự đổi mới giáo dục đều công cốc, giáo dục lặp lại lối mòn. Và thế là “văn mẫu” có dịp hoành hành trong nhà trường.

Tệ nạn “văn mẫu” không chỉ ở Trung học phổ thông, mà ở khắp các cấp học. Bây giờ nếu ai gõ từ khóa văn mẫu, trên mạng sẽ có rất nhiều kết quả văn mẫu cho tất cả các lớp. Ở tiểu học, cô giáo có thể cho học sinh học thuộc ba bốn bài, rồi khi thi cô chọn một trong các bài đó, học sinh nào thuộc bài là được điểm cao. Trung học cơ sở cũng nhiều nơi học như thế. Cách học này có thể đảm bảo các kì thi, các kì làm bài tập học sinh đều đạt điểm cao, mà các thầy cô giáo không phải vất vả, không yêu cầu học sinh sửa bài, học bài.

Cách dạy “văn mẫu” như thế này có thể nói là cách giản lược nhất công việc dạy văn của các thầy cô, biến nó thành một việc làm máy móc, mà học sinh thì không thu nhận được gì về tri thức, kĩ năng, không nâng cao chút trí tuệ nào, chứ đừng nói tới năng lực như chương trình mới 2018 đang yêu cầu. Dạy văn là dạy cho học sinh đọc hiểu tác phẩm và viết được các bài văn phổ thông, qua đó rèn luyện, phát triển năng lực tư duy. Đọc không chỉ phải hiểu câu, chữ tác giả dùng, mà còn hiểu giọng điệu, hiểu các mối liên kết ý tứ trong bài thì mới mong hiểu được thông điệp của tác giả. Đó là một công việc rất khó và đòi hỏi tỉ mỉ, kiên trì, liên tục. Giáo viên phải theo dõi, uốn nắn từng em mới mong đạt được kết quả. Với cách dạy “văn mẫu” như tôi hình dung việc dạy văn trở thành một hoạt động nhồi nhét máy móc, giản lược, và thực chất là phản giáo dục.

Như vậy, theo tôi sở dĩ “văn mẫu” lan tràn trong nhà trường là do lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo một thời dài đã không kiên quyết đổi mới cách học và cách thi, không đổi mới cách ra đề, vẫn áp dụng cách ra đề trong dó yêu cầu phần học thuộc là chủ yếu, khiến cho “văn mẫu” có đất dụng võ suốt ba chục năm qua. Những năm gần đây đề thi quốc gia của Bộ đã có thêm văn bản không thuộc sách giáo khoa để làm văn nghị luận, song vẫn còn kèm thêm một câu hỏi về bài văn học trong sách giáo khoa để cho học sinh chứng tỏ tài học thuộc, rất cũ và phản cảm. Vậy là vẫn còn dung dưỡng thói học đọc chép. Muốn chấm dứt nạn “văn mẫu” thì trước hết Bộ phải kiên quyết thay đổi chỉ đạo cách dạy học văn, thay đổi cách ra đề văn trong bài tập và trong các kì thi. Đặc biệt Cục Khảo thí phải thay đổi triệt để cách ra đề của mình theo yêu cầu của Chương trình mới. Nếu Bộ thay đổi thì các loại sách “văn mẫu” tự nhiên sẽ chết, vì sẽ không ai mua.

Một khi nạn “văn mẫu” đã lan tràn thành dịch trong giới, trong các trường và trong học sinh, phụ huynh học sinh, thì vấn đề không đơn giản chỉ một việc ra lệnh là xử lí xong được. Công việc phải bắt đầu từ lãnh đạo Bộ, Cục, xuống các sở, trường rồi phụ huynh học sinh. Làm sao cho mọi người thông suốt thì mới giải quyết dần dần được. Khi văn mẫu đã lan tràn trong mọi cấp, thì học sinh sinh các cấp không có chữ nào trong bụng cả. Để đi tới thành công thì Bộ phải kiên quyết, và sự đổi thay đề thi một số năm đầu có thể học sinh sẽ bị điểm thấp cũng không sao, nhưng dần dần học sinh sẽ quen thành nếp mới, lúc ấy sẽ mong có kết quả tốt đích thực.

Hà Nội, 9 tháng 8 năm 2021