Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Giới thiệu tác phẩm Wo auch immer ihr seid của Khuê Phạm

Nguyễn Tường Bách

Tháng 9 năm 2021 đánh dấu một sự kiện văn học đáng chú ý tại Đức, một tiểu thuyết về Việt Nam ra đời. Wo auch immer ihr seid*  là tác phẩm đầu tay của Khuê Phạm, viết bằng tiếng Đức. Nhân vật “tôi” trong truyện, Kiều, kể về những cuộc hành trình nội tâm và đường đi của lịch sử.  Kiều kể về mình, về cha mẹ và cuối cùng về cả một đại gia đình, dọc một quãng thời gian dài hơn năm mươi năm, trong bối cảnh Việt Nam. Nhan đề cuốn tiểu thuyết Wo auch immer ihr seid trong tiếng Đức vốn chỉ là một lời nói lửng. Nếu phải dịch tựa đề cuốn sách ra Việt ngữ ta có thể nói “Dù đâu đi nữa...” với ba chấm đằng sau. Nếu cần thêm chút văn vẻ ta cũng có thể gọi “Dù lạc phương nao...”. Dù nhan đề chỉ là lời nói lửng, độc giả có thể mơ hồ đoán biết phần nào nội dung của tác phẩm, sẽ là một nỗi niềm chia ly nào đó.

Thế nhưng câu chuyện lại bắt đầu bằng một ngày đoàn tụ đầm ấm trong gia đình của Kiều tại Berlin. Bố Kiều là giáo sư y khoa được nhiều người ngưỡng mộ. Kiều sinh ra và lớn lên tại Đức, được đào tạo bài bản, về sau trở thành nhà báo chuyên trách với những nan đề của thời đại. Văn chương điêu luyện, nhận thức tinh tế của Kiều hiện rõ trong một tác phẩm mà nội dung của nó đánh động đến chiều sâu thẳm nhất của con người. Độc giả sẽ còn khám phá thêm một khả năng hiếm có của tác giả, đó là tự theo dõi và nhận biết nội tâm ẩn kín trong mỗi khoảnh khắc giao tiếp với bên ngoài. Và viết ra. Tâm chồng lên tâm, dày khít nhiều lớp, ta có thể nói ngắn gọn như thế về văn phong của Wo auch immer ihr seid.

Trong bữa tiệc Giáng Sinh nọ của gia đình, bố Kiều nhận một cú điện thoại từ California, báo tin bà nội Kiều sắp mất trên giường bệnh. Kiều chấn động khi nghe tin này, đồng thời chưng hửng khi thấy bố mình dường như hờ hững trước hung tin mẹ sắp mất. Ông cũng không đi Mỹ thăm mẹ, tại sao? Kiều rất quí cha mẹ mình, nhất là ông bố mà từ ông Kiều đoán đã thừa hưởng nhiều khả năng quí báu. Kiều biết rõ, tuy mình hít thở nền văn hóa của Đức, nhưng nguồn cội của mình xuất phát từ một nền tảng dường như không dò tới đáy của một Việt Nam xa xôi. Wo kommst du her, mi từ đâu đến, là câu nhiều người hỏi Kiều nhưng cũng chính là câu hỏi Kiều nêu lên cho chính mình. Phải chăng nguồn cội mình là Việt Nam, phải chăng đại gia đình mình ở tại California? Kiều sực nhớ bố mẹ mình ít nhắc đến gia đình và đã lâu không ai qua Mỹ thăm bà nội.

Những chương sau mô tả sinh động những mảnh đời xảy ra tại những nơi khác nhau, trong những thời điểm khác nhau. Tác giả khéo cho những múi thời gian và không gian ghép dần với nhau để cuối cùng tạo thành một hình cầu trọn vẹn của lịch sử gia đình. Từ Saigon của 1968, lúc bố Kiều lên đường du học, đến thời kỳ gần nhất, khi đó Kiều đã ngoài ba mươi, lúc anh em trong nhà tranh luận về nhân vật Trump. Về cuộc đời và tháng ngày của ông bà nội sau biến cố 1975, bên cạnh chú Sơn và những cô chú còn lại. Độc giả sẽ nghe Kiều kể lại năm 1980, lúc bố mẹ mình về thăm Việt Nam lần đầu và gặp lại bà nội, bà ngoại mình, lúc này ông nội đã đi cải tạo. Độc giả sẽ chứng kiến một đêm đen trong rừng Campuchia, khi lính Khmer Đỏ xuất hiện với một thói quen tàn bạo mà chỉ con người mới có, trong đó người chú của Kiều tìm cách giữ gìn chiếc nhẫn kỷ niệm của bà mẹ, bất lực trước người yêu bị bắt cóc.

Câu chuyện sẽ lên cao điểm ở California, lúc toàn gia gặp lại để làm tang lễ cho bà mẹ và nghe đọc chúc thư do bà để lại. Người giữ chúc thư lại là John, một viên lính Mỹ thuê nhà ngày xưa mà độc giả mới đầu tưởng chỉ là một hình ảnh mờ nhạt, nào ngờ rốt cuộc là người cứu cả gia đình đi Mỹ. Ta sẽ chứng kiến đầy đủ tình tiết của điều mà người đời hay gọi là “số phận”. Cuối cùng bản chúc thư bốn trang giải mã điều bí ẩn trong tâm của bà nội, chỉ sau khi bà mất mới được công bố, mà người viết những dòng này xin dành cho độc giả tự đọc tác phẩm.

Kiều chứng kiến tất cả, một bi kịch Việt Nam, với một tâm hồn tinh tế và đầy nữ tính, nhưng dưới một ánh sáng văn hóa và nhận thức khác. Hành trình của Kiều không hề đơn giản. Đến với truyền thống Việt Nam, Kiều vừa xa lạ vừa tò mò, vừa phê phán vừa thiết tha, vừa tiếp cận vừa trốn chạy. Từ nhỏ Kiều đã không muốn mình mang diện mạo của một người Việt. Khi đến California, không quan tâm đến những tranh luận vô bổ về chuyện ăn uống, Kiều còn chán ngán hơn khi nghe có ai muốn làm mai cho mình với một chàng trai người Việt. Thế nhưng khi trải nghiệm hết tất cả góc cạnh của hoàn cảnh gia đình và cha mẹ, nhất khi biết đến tâm trạng u uất của ông bà nội và tình thương của ông bà dành cho con cái, khi biết bản thân mình cũng đang mang một mầm sống trong thân, Kiều bừng tỉnh về một thực tại to lớn hơn. Đó là hệ quả kỳ lạ của lòng yêu thương, thể hiện trong một khung cảnh ác liệt của chiến tranh. Những ngày lưu lại tại Mỹ làm Kiều có một ý định khác. Và điều đó dẫn đến cảnh chấm dứt của cuốn tiểu thuyết, nó cũng bất ngờ như cảnh đoàn tụ ở ban đầu câu chuyện.

Cuộc chiến Việt Nam lưu lại hàng triệu triệu chuyện đời bi kịch, nỗi đau nào cũng là nỗi đau lớn nhất. Nhưng chuyện của Kiều có một cái mới, nó đưa một thái độ mà tâm thức người Đức coi trọng, gọi là Aufarbeitung vào trong câu chuyện. Đó là hành động xới lên và rạch ròi với quá khứ. Con người Việt Nam dường như chỉ hay cãi nhau về những chuyện lặt vặt, nhưng quen giữ im lặng và chôn vùi mọi điều sâu kín trong tâm khảm, điều mà bà nội và cả gia đình Kiều đã làm trong cuốn tiểu thuyết. Phải chăng thói quen này của gia đình là di sản của tâm lý xã hội Việt Nam? Thực vậy, truyền thống của chúng ta không bao giờ dám thẳng thắn với lịch sử. Trong quá khứ xa xưa, các triều đại sau tàn phá, xóa sạch công trình của các đời trước. Trong thời kỳ hiện đại, các thế hệ lãnh đạo sau lập lờ về sai lầm của thế hệ trước. Không học được bài học của quá khứ làm sao tránh được lầm lẫn trong tương lai?

Lầm lẫn, ngộ nhận, hiểu sai..., chúng dường như là vấn nạn của dân tộc Việt Nam, thấm sâu trong mọi gia đình. Thực vậy các bức tranh của gia đình Kiều, dù chỉ được giới hạn trong một khung cảnh nhỏ hẹp và thời gian hạn chế, nhưng đã bày ra cho thấy vô số ngộ nhận và hiểu lầm. Hiểu lầm giữa mẹ và con, giữa anh và em, do lời nói, do thành kiến, do khoảng cách tâm lý hay địa lý. Rộng hơn trong xã hội là tình trạng hiểu sai giữa hai miền, ngộ nhận về ta và địch... “Đây chỉ là sự hiểu lầm”, ta nghe nhiều lần tiếng gọi tha thiết đó trong tác phẩm. Thế nhưng, ngộ nhận lớn nhất để sinh ra câu chuyện đời của Kiều là sự chóa mắt của thanh niên trí thức trong thế kỷ trước về cái gọi là “ba dòng thác cách mạng” mà bố của Kiều cũng như kẻ viết những dòng này đã rơi vào. Rồi đến phiên những “trí thức thiên tả” đó lại bị cha mẹ của họ hiểu lầm, thực ra họ không quá tệ hại để bị xem là “không đáng tin cậy”. Đó là nỗi đau lớn trong truyện và cũng của nhiều người trong chúng ta. Còn người hiểu đúng thời thế nhất lại là một con người lúc đó rất bé nhỏ. Ông nội Kiều biết rõ cuộc đời và sự kết thúc của mạng sống mình, quay lại thốt lên ba chữ “Đừng đợi tôi” khi quản giáo nắm tay kéo đi.

bia

Sách sẽ phát hành ngày 13.9.2021, buổi ra mắt ngày 11.9.2021

Cuối cùng thì cái biết đúng sẽ dẫn đến cái làm đúng. Bà nội Kiều cũng biết rõ thời thế như chồng mình, nhưng bà còn cơ hội làm một động tác cuối cùng. Bà đã làm một hành động bí ẩn đối với con cái và đầy sức mạnh nội tâm. Ai giữ được trong tâm niềm uẩn khúc này nếu không có một lòng thương yêu vô tận đối với người đời sau?

Wo auch immer ihr seid với nội dung và cấu trúc của nó để lại cho người đọc một nguồn cảm khái sâu đậm khác thường.

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/gioi-thieu-tac-pham-201c-wo-auch-immer-ihr-seid-201d-cua-khue-pham