Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Ai về xứ nẫu

Truyện Nguyễn Ngọc Hoa

Mùa hè 1956.  Hai tuần sau lễ khẳm tháng, tức là lễ đầy tháng em Bình, gia đình tôi từ giã xóm Cửa Nhà Đồ, theo cha vào Qui Nhơn, cha nói đơn vị đổi từ Đông Hà vào để lập căn cứ trấn giữ lâu dài.  Nhờ đó anh em tôi được đi xe đò lần đầu tiên.

Tới Bồng Sơn, xe ngừng lại vì chiếc cầu bắc qua sông gãy sập còn trơ một nhịp duy nhất.  Xe và hành lý trên nóc được chở qua sông bằng phà. Hành khách xuống xe lội qua sông; nước ngang mắt cá trong veo, thấy rõ lớp cát vàng mịn dưới đáy. Sau đó chuyến xe nghỉ lại ăn trưa trong khu vườn dừa; các cây dừa cao có bẹ dài xanh rì, tủa ra thành những chiếc lọng râm mát.

Một người đàn ông trung niên giắt câu liêm giựt dừa bên hông và cầm vòng dây là chiếc nài leo dừa xoắn một vòng thành hình số 8 rồi tròng vào chân.  Thoắt một cái, ông leo lên gần tới ngọn dừa cao hơn mười lăm thước, tới gần những bẹ dừa, và bẻ trái liệng xuống đất. Những trái dừa mới hái màu xanh chất thành đống ngay ngắn trên sạp gỗ cho khách lựa mua. Bà bán nước dừa tươi vạt dừa bằng chiếc dao dài to bản; bà vung dao chặt xiên ba nhát chung quanh núm trái dừa cho sạch vỏ xanh rồi cuối cùng lia ngang lưỡi dao vạt một miếng gáo thành lỗ tròn để khách ghé miệng uống. Anh Quang nhìn chăm chăm, khâm phục,

“Mấy người ni giỏi võ lắm! Leo dừa tài tình như rứa phải biết phi thân, và bà vạt dừa tinh xảo như đường Mai Hoa Đao trong ‘sách’”.

Răng anh biết?”, theo thói quen tôi hỏi lại.

“Người Bình Định nổi tiếng về võ thuật; liền bà con gái cũng giỏi côn quyền nên họ nói

Ai về Bình Định mà coi

Con gái Bình Định cầm roi đi quyền.

Vô trong nớ tau sẽ tìm thầy học võ”, anh gật gù.

Cha thuê một căn nhà trong dãy phố đường Tăng Bạt Hổ cho gia đình ở. Ở Qui Nhơn mà anh em tôi tưởng như một xứ lạ vì người điạ phương nói “tiếng nẫu” đặc biệt của vùng Bình Định - Phú Yên; họ dùng đại danh từ "nẫu" rất rộng rãi để chỉ người ấy, bọn họ, hay người ta. Dỏng tai nghe và tròn xoe mắt nhìn miệng mà chúng tôi vẫn không hiểu các câu nói thông thường; thí dụ như

Tấu thui tấu thít rầu! Mời ông bae bàe máe dìa eng côm, có ké giới mực neng già rượu níp. Eng rầu ngủ cho phẻ phắn. (Tối thui tối thít rồi! Mời ông ba bà má về ăn cơm; có cá với mực nang và rượu nếp. Ăn rồi ngủ cho khoẻ khoắn).

Thêm vào đó, những từ ngữ tán thán như "dẫy ngheng" (vậy nghen), "dẫy á" (vậy đó), "dẫy na" (vậy à), “ờ ” (ừ nhỉ), và "chui cha" (giống như "trời ơi") lồng vào câu nói mà âm thanh cất cao ở cuối câu nghe như tiếng hát nhưng càng thêm khó hiểu.

Hàng xóm, trẻ con cũng như người lớn, nhìn chúng tôi với đôi mắt nghi ngại, không muốn làm quen. Khéo kết bạn như anh Quang mà cả tháng anh chưa có bạn chơi cùng. Mẹ an ủi,

“Bình Định mới được Quốc gia tiếp thu nên lòng người còn chộn rộn. Các con tử tế và lễ phép với người ta thì họ sẽ đối xử tốt với mình”.

Mẹ vui vô kể khi gặp lại thím Sẻ, chị em bạn dâu với mẹ năm xưa. Chuyện kể rằng bà nội cưới thím cho chú Lam khi biết chú thương yêu cô hàng xóm sau nhà và cuộc tình éo le không được bà tán thành. Chú không dám cãi lời bà, chỉ không gần gũi với người vợ lớn hơn chú mười tuổi. Sau ba năm làm dâu mà như không chồng, thím buồn tình ra làng xin để (ly dị) chú.

Thím Sẻ và chồng mới là ông Bàn có tiệm tạp hóa buôn bán trong chợ Qui Nhơn; trước là cửa hàng, sau là nhà ở. Ông Bàn khoảng bốn mươi tuổi, hiền lành ít nói, kiêm thêm nghề chích lể và bầu giác. Gặp mẹ và anh em tôi, thím Sẻ ôm tôi khóc ròng và gọi con gái vào,

“Chào bác gái và anh Bé đi con. Mới sáu tuổi mà cháu giỏi lắm, công việc trong nhà ngoài tiệm lo được hết”. Con Bé cùng tên với tôi, nói giọng Quảng Bình đặc sệt như thím chứ không pha tiếng nẫu của ông Bàn.

***

Tôi hay đến nhà thím Sẻ chơi với con Bé; nó là bạn duy nhất của tôi và, giống như thím, chiều chuộng tôi hết mình. Khách hàng vào tiệm tạp hóa được thím thân mật hỏi han nên các bà khách hay tâm sự kể lể chuyện nhà cho thím nghe, tôi tha hồ hóng chuyện người lớn.

Mẹ đi chợ ghé thăm thím Sẻ khi tôi và con Bé chơi ô làng dưới hàng hiên.  Để chơi trò chơi này, tôi kẻ ô hình chữ nhật trên sàn và chia thành mười ô vuông, mỗi bên gồm năm ô gọi là ô dân; ở hai đầu kẻ thêm hai ô hình bán nguyệt hướng ra ngoài gọi là ô làng; lúc bắt đầu chơi mỗi ô dân có năm quân là các viên sỏi nhỏ, và hai ô làng có hai viên đá lớn gọi là làng.

Thím Sẻ gọi con Bé vào trông tiệm vì ông Bàn đã đi ra ngoài.  Hai đứa la lên “hết làng tàn dân”, xóa bàn ô làng rồi chạy vào nhà. Trong khi nó bận rộn bán hàng, tôi lảng vảng ra nhà sau nghe lóm mẹ và thím tâm sự. Mẹ kể chuyện chú Lam, thím sụt sùi,

“Từ ngày rời nhà bọ vú, lúc mô tui cũng nghĩ tới gia đình mình”. Cha mẹ và chú thím gọi ông bà nội bằng “bọ vú”.

“Mừng thím tìm được nơi ưng ý để gá nghĩa”, mẹ dè dặt.

“Hơn ba năm làm dâu, bọ vú đối xử với tui như đọi (bát) nước đầy, thương như con ruột.  Eng (anh) Lam lúc cũng lịch sự nể nang, chưa hề nói nặng tui một tiếng”.

Tôi nghe kể chú Lam đăng lính và ở luôn trong đồn, bà nội cho người nhắn chú mới về nhà, và khi về chú mang theo giường bố kê ngủ ở phòng ngoài, không ngó ngàng đến thím. Thím Sẻ thút thít nhớ lại chuyện xưa,

“Biết eng đã lỡ thương người khác, chuyện tình trắc trở mà không thay lòng đổi dạ, tui càng thương càng kính con người có tình có nghĩa”.

Răng thím để chú nớ?”, mẹ thắc mắc.

“Vì thương chồng mà phải xa chồng.  Đau như cắt ruột mà cắn răng chịu khổ chị ơi!”.

Thím ngưng lại, lau nước mắt,

“Người ăn học và hiếu đễ như eng không khi để tui là người vợ bọ vú cheo cưới đàng hoàng; eng sẽ ở rứa suốt đời. Làm răng tui để chồng không có người nối dõi, mang tội vô hậu vi đại?”.

“Lòng hy sinh của thím thiệt đáng phục! Răng con Bé giống chú Lam như đúc?”, mẹ nêu lên điều tôi đã nhận thấy khi gặp nó lần đầu.

Con của eng chớ ai vô đó! Trước khi ra làng xin để, tui nhờ người làm đơn, ký tên điểm chỉ xong xuôi và đưa cho eng; chỉ xin được hưởng mùi làm liền bà một tuần lễ trước khi dứt áo ra đi. Thầm cầu Trời cho đậu một đứa con ‘dễ ghét’ như thằng Bé”.

Sau đó thím sang quê mẹ là làng Hải Thành kẻ chài kế bên sống với gia đình người cậu.  Thím được toại nguyện – sinh ra con Bé, nuôi con mà vẫn một lòng hướng về gia đình chồng. Sau hiệp định Giơ-neo (Genève) 1954, được tin mẹ đã di cư vào Nam, thím đưa con về xin ở lại nhà phụng dưỡng ông nội.  Không dè, nội lên cồ lộng mộc (sừng sộ hung hăng) chưởi bới,

Tau biết mẹ con mi là ai mà giả dạng tới đây. Đi mau không tau đập chết!”.

Bọ thương con thương cháu mà bỏ qua lỗi lầm ngày trước để con được gần gũi bọ trong những ngày còn lại”, thím lạy lục van xin.

“Tổ cha mi! Tau tra (già) nhưng có lú mà tới nhận họ nhận hàng bá vơ?”.

Đoạn nội vác gậy đuổi đánh mẹ con thím. Giọng thím trở nên bi ai,

Bọ vung hèo đập xuống đất thình thịch và xớt mấy bụi cây hàng rào lá bay tứ tán mà không hề chạm vô người mẹ con tui”.

“Hồi trẻ luyện võ, bọ đánh trường côn rất giỏi. Bọ dặn dò chi không?”.

Bọ mắng chưởi mà như khóc, ‘Đồ đầu đường xó chợ, mẹ con mi cuốn gói đi theo thằng Gái, chớ có vô liêm sỉ bám víu chỗ thằng qua”.

Thằng Gái là tên gọi hồi nhỏ của anh Quang và thằng qua là cách gọi đứa em kế thằng Sáng; nó mất trước khi đầy tháng và chưa có tên chính thức.  Giọng nói của mẹ đầm đìa nước mắt,

Bọ biểu thím tìm đường vô trong ni, đừng ở lại ngoài nớ mà bỏ mạng”.

Tui biết...”.

“Sắp bị đấu tố là ‘địa chủ’ với cả trăm cặp mắt gian ác của Việt Minh dòm ngó, bọ giả đò không quen biết để thím khỏi bị liên lụy”.

“Đúng rứa! Ra khỏi cổng là có người theo về tới Hải Thành – eng Bàn của tui chừ!”.

Cán bộ Vẹm rình rập trước nhà nội tên Bàn là người Bình Định ra Bắc tập kết. Cha mẹ mất sớm, theo kháng chiến năm hai mươi tuổi, hy sinh quãng đời thanh xuân cho “cách mạng”, nhưng ra Bắc nhìn thấy sự thực ông tỉnh ngộ và đôi khi tỏ ra bất mãn. Sau một loạt phê bình kiểm thảo khắc nghiệt, ông bị hạ tầng công tác làm việc vặt trong đội “cải cách ruộng đất” Quảng Bình.

Ông Bàn chứng kiến cảnh nội không dám nhìn nhận mà phải đành lòng rượt đuổi người con dâu hiếu thảo và đứa cháu nội thương yêu đi để mong họ được an toàn, cảnh thương tâm gây ra do chính sách đấu tố tàn ác dã man ông góp phần thi hành. Trong giây phút đó, ôngđược cảm hóa thành con người khác – một quả tim có nhân tính và biết cảm xúc. Ông theo thím về tận nhà, thú thật hết mọi điều, và xin được phép giúp đỡ mẹ con thím.

Thím gạt nước mắt, nhưng giọng nói vui hẳn ra,

“Lúc đầu tui không dám tin nẫu, nói ẩu là mình nghèo mạt rệp nên tìm cách ăn lường ‘địa chủ’ kiếm chút tiền sống qua ngày”.

“Bọn Vẹm lá lay gian xảo trăm phương ngàn kế, cẩn thận là phải”.

“Nhưng dần dà thấy nẫu thiệt thà, lầm đường lạc lối mà biết hối cải, và thương mẹ con tui thiệt tình. Nhận lời lấy nẫu với lời giao ước: tui là dâu họ Nguyễn – suốt đời!”.

Bốn tháng sau, ông Bàn và thím Sẻ cùng con Bé và gia đình người cậu lên chiếc ghe đánh cá đi ven biển về hướng nam, âm thầm vượt tuyến tìm tự do. Ghe vào Vịnh Qui Nhơn và cập bến ở một bãi vắng gần Ghềnh Ráng.  Thím theo ông về

Bình Định có hòn Vọng Phu

Có đầm Thị Nai có Cù Lao Xanh

Em về Bình Định cùng anh

Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa.

Với tôi, xứ này không còn là nơi xa lạ! Ở Bình Định tôi có hai đứa em thân yêu – Bé và Bình. Cha vừa ra quận Tuy Phước làm giấy khai sinh cho em Bình, ghi nơi sinh là thị xã Qui Nhơn khiến “Ngự Bình” thành con gái... xứ Nẫu.

Ngày 20 tháng Tám, 2014