Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

Nỗi khổ của trí thức Trung Quốc

Châu Hữu Quang

Nguyễn Hải Hoành dịch

Nhân kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của cụ Châu Hữu Quang (13/1/1906 - 14/1/2017), mời đọc lại vài phát biểu (năm 105 tuổi) của cụ về người trí thức Trung Quốc.

Cụ Châu là nhà ngôn ngữ học hàng đầu Trung Quốc, được gọi là “Cha đẻ của Phương án Phiên âm Hán ngữ”. Cụ là nhà trí thức hiếm có trên thế giới: sống lâu và vẫn tỉnh táo như thường cho đến trước khi mất. Cụ biết quá nhiều và dám nói sự thật, dám nói những điều mọi người biết cả mà không dám nói. Lãnh đạo ghét cụ lắm, nhưng chẳng biết làm thế nào, vì cụ nói đúng cả, không nói điều gì cực đoan, và cụ được dân tin yêu. Cụ chẳng có học vị, học hàm gì, nhưng các quan điểm của cụ đều được tôn trọng, cả đến Mao Trạch Đông cũng chấp nhận kiến nghị của cụ (về việc dùng chữ cái Latin để phiên âm hoá chữ Hán). Năm 1955, khi đang làm việc trong ngành tài chính tiền tệ, cụ được Chính phủ Trung Quốc mời tham gia Uỷ ban Cải cách Chữ viết Trung Quốc và lập tức chủ trì công tác Phiên âm hoá chữ Hán. Cụ làm ở Ủy ban này cho đến 85 tuổi mới nghỉ hưu.

 

“DÁM NỔI GIẬN NHƯNG KHÔNG DÁM NÓI”

Nhà báo hỏi: Khái niệm “Người trí thức” đến từ phương Tây, từ này không có trong lịch sử Trung Quốc. Năm 1921, Đảng Cộng sản thành lập, trong Điều lệ Đảng mới chính thức dùng hai từ “Người trí thức” và “Tầng lớp trí thức”. Năm 1933, Chính phủ Dân chủ Công nông Trung ương ở khu căn cứ địa cách mạng của Đảng Cộng sản đã quy định rõ ràng người trí thức là một tầng lớp xã hội, thuộc vào “Người lao động trí óc”.

Châu Hữu Quang đáp: Tại các nước tư bản tôi đã đi qua, tôi chưa nghe thấy người ta bàn về vấn đề người trí thức hoặc người lao động trí óc thuộc tầng lớp nào. Họ cố gắng làm cho mọi người đều được hưởng giáo dục đại học. Giai cấp trung lưu ở Mỹ chiếm 80% số dân toàn quốc, đều là người trí thức. Họ có vấn đề giáo dục chứ không có vấn đề người trí thức.

Hỏi: : Liên Xô tuy đã tan rã nhưng cho tới nay vẫn ảnh hưởng tới Trung Quốc, kể cả cái gọi là “vấn đề người trí thức” do Liên Xô tạo ra.

Đáp: Mao Trạch Đông có một thời từng muốn kế thừa Stalin làm người dẫn đầu Quốc tế Cộng sản. Về sau các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) chỉ trích lẫn nhau, tôi không thừa nhận anh, anh không thừa nhận tôi. Các sử gia bèn ấn định một tiêu chuẩn hòa cả làng: Ai tự xưng là XHCN thì thừa nhận họ là XHCN. Thời Liên Xô có 40 nước tự xưng là XHCN. Hiện nay [2011] chỉ còn lại 6 nước: Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Cuba, Libya.

Hỏi: Giới trí thức Trung Quốc những năm gần đây có hình ảnh tổng thể không tốt đẹp. Thậm chí có người phê bình các nhà trí thức hiện nay, nhất là trí thức ở các trường đại học và cơ quan nghiên cứu, đã bị quyền lực và lợi ích “mua chuộc rồi”. Cụ có đồng ý với nhận xét ấy không ?

Đáp: Theo tôi, họ chưa bị mua chuộc. Ít nhất là phần lớn họ chưa bị mua chuộc. Họ không dám nói thật lòng, không phải là họ thích nói dối, mà là họ “dám nổi giận mà không dám nói”. Nếu có một ngày người nói không có tội thì họ sẽ thổ lộ những lời nói thật lòng.

Hỏi: Những người trí thức trong các cơ quan giáo dục bị phê bình nhiều hơn cả. Theo cụ, ngành giáo dục Trung Quốc có những vấn đề tồn tại nào?

Đáp: Cải cách mở cửa đã đưa khoa học tự nhiên vào Trung Quốc nhưng chưa đưa khoa học xã hội vào, trừ kinh tế học là một ngoại lệ. Nếu mở cửa tiếp, đưa khoa học xã hội vào, kể cả giáo dục học, thì tình hình sẽ thay đổi.

Phát biểu ngày 5/11/2013 của Châu Hữu Quang:

Chúng ta thường nói phải trở lại các kiến thức cũ. Tôi cảm thấy Lý Thận Chi [李慎之] nói đúng. Ông ấy bảo phải trở về Ngũ Tứ, phải học. Ngũ Tứ là một cao trào hiện đại hoá Trung Quốc, nhưng về sau bị ngăn cản. Cần phải học dân chủ. Quốc Dân Đảng chẳng những có chủ nghĩa Tam Dân mà còn có một cuốn sách tên là “Sơ bộ về nhân quyền”, giảng giải dân chủ là gì. Cần phải học khái niệm dân chủ, học phương pháp dân chủ. Ở nước ngoài có một môn học gọi là Công dân giáo dục, tiểu học và trung học đều có môn học này. Trung Quốc không có, tại sao thế?

Nhiều nhà trí thức Trung Quốc có đầu óc, hiểu biết, nhưng không dám nói. Tôi xem báo, thấy có viết Mâu Vu Thức [茅于轼] nói lý luận Giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác là sai lầm. Ông ấy vừa nói thế liền bị đả kích mạnh. Từ lâu mọi người đã biết lý luận Giá trị thặng dư là sai; điều đó ở nước ngoài đã trở thành thường thức. Mác đâu phải là Thượng đế, sai nhiều lắm. Nhiều bạn Mỹ của tôi là giáo sư đại học, họ nói ở các trường đại học Mỹ vốn có một môn học là nghiên cứu chủ nghĩa Mác, bây giờ không còn nữa, vì đó là môn học tự chọn, khi không ai chọn học nữa thì không mở lớp học môn đó.

Vì sao vậy? Người Mỹ dùng thái độ khoa học nghiên cứu chủ nghĩa Mác, họ cho rằng lý luận của Mác là sai lầm, các dự đoán của Mác đều thất bại. Mác cho rằng công nghiệp hoá càng mạnh thì công nhân càng nhiều. Nhưng ông chưa nghĩ tới chuyện ngày nay công nghiệp hoá càng mạnh thì lại không còn công nhân nữa.

Cho nên tôi nói, Mác chưa nhìn thấy toàn bộ bộ mặt của chủ nghĩa tư bản. Cuốn “Tư bản” của ông chỉ có thể là suy luận triết học chứ không thể là chứng cứ khoa học thực tế. Trong nghiên cứu chủ nghĩa Mác, ta có thể thảo luận, nhưng nếu coi nó là một tôn giáo để tín ngưỡng thì là hoàn toàn sai lầm. Chủ nghĩa ấy thường bị coi là một loại tín ngưỡng, chỉ cho phép tin theo, không được nghi ngờ. Đó là một con đường khác với con đường học thuật. Học thuật mong bạn phê bình tôi, mong bạn nói ra chỗ sai của tôi. Phê bình là thức ăn nuôi học thuật. Không có phê bình thì học thuật không thể tiến lên được. Cho nên người nước ngoài cho rằng tiến bộ học thuật có một quy luật gọi là Thử sai, một mặt thử, một mặt phạm sai lầm; có sai thì sửa, phát hiện thấy sai lại sửa. “Học thuật” mãi mãi tiến hành như vậy. Nhưng nếu chỉ cho phép tín ngưỡng, không cho phép hoài nghi thì sẽ chẳng có toàn bộ khoa học nữa.