Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

Những dạng thức của đất

Trường ca của Trần Quốc Toàn

 

 

 

Những ngón tay đêm đêm vẫn miệt mài gõ lên trí nhớ những tiếng nói của mây trời trên vùng đất cổ lúc ấy cả một kho kí ức và lương thảo được mở ra trong nỗi hân hoan chim chóc và sông suối hòa vào cuộc tình vĩ đại của tâm thức/ những khả thể hay những ngẫm ngợi đưa bước chân của nghìn năm về lại nơi hằng hà sa kí tự trong căn hầm/ như thế là cuộc hành trình bắt đầu.

 

 ***

Như thể, trong túi áo, tôi lấy ra những chiếc lá, tiếng gió thổi và bầy chim từ cánh đồng mía bay về

 

Nhịp điệu ruộng rẫy cứ như ca ngợi những hồn xưa mở cõi/ những gié lúa tháng mười/

 

Cọng lau vẽ vào mùa đông cái lạnh/ cái hơi đất thổ cư,

Nơi thành phố/ như nỗi buồn,

Chú bảo tôi, chú muốn về quê và nằm xuống đất

Cho xác thân tan rã thành tro

Chiều sẽ buông những âm bản

Đâu đó, những linh hồn cũ [từ địa ngục hiện về/ viết vào bia mộ đời mình những câu thơ ca ngợi những người làng]

Không ai được đánh tráo sự thật/ đã khắc vào gia phả làng,

Từ đó, con chim sẻ cứ ở mãi trên ngón chân cái của tôi

 

Những con cáy đã bò về bờ đê

Những người con gái mò hến đáy sông đã tan vào kí ức/ họ đã đi về phương Nam,

chỉ còn bóng dáng những đêm mưa trên tàu lá chuối ướt át

Tôi cố nhắm mắt để giữ hình ảnh đẹp trong mơ.

 

***

Rồi một hôm, cây sầu đông ngã xuống,

Tiếng gió buồn, tre trảy nhẹ lay

có người lạ vào làng, bảo: hãy nghe lời của ta

hãy đánh tráo sự thật/các ngươi sẽ được ta cho vào ngồi cùng hội

Từ trong khuôn mặt dữ tợn/nhưng có vẻ như giấu vào trong

Bảo rằng ta không đến để ám sát cánh đồng

Có mùi dối lừa, lũ chim đã trốn đi

Có mùi ma mị, cây cỏ đã nổi gió

 

Đất làng hôm ấy nổi giận bảo rằng nơi này không cho phép mi dối trá

Đừng đánh tráo, bởi thi ca đã tồn tại trong lòng đất xứ sở này từ thủa khai thiên lập địa

 

Người lạ bỏ đi, những con chim lại bay về

Con sẻ đậu trên ngón cái của tôi biết tôi đang giận dữ

Nó cất tiếng gọi đàn & tôi nguôi ngoai nỗi giận

 

Ôi! Mùa đông có chút gì đó của mùa xuân

Hay cánh đồng đang nhớ nghìn năm trước đã từng ca hát

Những khúc hát không dành cho kẻ ám sát cánh đồng

Lộng ngôn dối trá.

 

***

 

 

Nơi đó có lạnh không,

Em, xứ sở tôi nắng ấm

Mùa nào chim đậu trên cây trâm

Chim kể tôi nghe lời mùa xuân có em bên bếp lửa

Tôi yêu em, cuộc sống như chim trời

 

Cuối đông rồi, hoa tỏi cứ tím chiều mưa

Tôi hỏi tôi có còn nhớ màu mây thuở làng còn hoang vắng

 

Nơi đó có lạnh không,

Em, xứ sở tôi mùa khổ qua đắng chén canh

Ngoài đường cái mùa xuân như thật gần

Có lẽ, tôi đã quá mơ mộng

Nên tha thiết đợi chờ em về làng tôi ở mãi

 

Hôm nay, con cái ra đời

Mùa xuân tôi không còn hỏi em câu hỏi cũ

Tôi ngồi nhìn bầy chuồn chuồn đến ở cùng bọn trẻ

Nhìn em phơi áo ở ngoài vườn

 

Tôi đốt cỏ mùa đông

Mùa xuân gieo luống hành, rò cải

Gieo vào cuộc sống đương đại sự sống

Tôi không tha phương nữa

Như đất làng ngoài kia đang phơi những con đường

Đầy hoa và bóng dáng những người đi chợ tết.

 

***

Thông thốc gió,

Đồng đông ngọn núi buồn những con dê ăn lá cây

Ở đây, có một thứ triết học cổ xưa [chú tôi gọi vậy cho có vẻ như là triết học vậy thôi] mà cũng là thể dạng của đất, cũ kĩ, những hòn đất vữa vôi, trắng sáp, đất keo dính có thể đắp tượng/ hoặc trét vách xây lò hầm cháo cho gia súc

 

Người làng cắt lát bàn chải [xương rồng bà] về làm món ăn

Tôi nghe trong tôi có tiếng nói của ông cố tổ đang dạy tôi biết cách làm ra một bài thơ/ có sông nước vọng lời tuồng/ những khuya đốt gió đi tìm nguồn nước trong thung sâu/ để dắt đàn bò đến ở khi mùa đông về

 

Từng lát cắt ấy hiện về đêm mưa

Miền đất ngày hai buổi ra đồng

Tay cầm lưỡi liềm cắt cỏ

Nghe con cá lên bờ tìm đường vượt cạn

Đốt lên ngọn lửa cháy trong đêm

Những mái ngói âm dương chuông chùa gọi mùa hành khất

Đám mây cổ tự nước chảy khe đá mấy nghìn năm trôi.

 

***

 

Gióng lên tiếng gió bên sông

phù sa là khoảng lặng

tháng Chạp sẽ làm đầy sức sống trong đất

nghe như, mặt trời thức giấc trên chậu hoa cúc

chiếc lá thôi nôi mười hai tháng,

con tắc kè mắt lim dim ẩn mình nơi mái hiên

 

tôi gặp những hình ảnh của ruộng vườn

đang trút bỏ những úa tàn vào đống lửa

người làng tôi dọn dẹp ngày cuối năm

 

nghe thấy tiếng bó lạc bện đòn bánh tét

bếp lửa réo hằn sâu đêm giao thừa mưa rơi

cùng chờ đợi thức canh chừng hoa mai nở

chuông chùa vọng như tiếng lòng nguyện cầu bình an

 

ngoài hiên côn trùng kêu rỉ rả

dưới những bông vạn thọ

tuổi thời gian vô biên

tuổi ông bà thêm nguồn vui con cháu

 

tôi ngồi trong kí ức của tôi

thấy tâm hồn của vạn vật trải ra những khúc hoan ca.

 

***

 

Bằng cách học tiếng chim trên cành và tiếng dế đất cày/ thiên nhiên dạy tôi quay về nơi trú ngụ/

Hay là em, người con gái mang hơi thở của đêm rằm, trăng trên ngó sen,

Tôi tàn tro trôi dạt/ đang dần mai táng tiếng sóng/ buổi hôm, bán đảo chìm trong nước,

người làng chài gõ vào tâm thức tôi những hạt muối/ tảo/ ngọn hải đăng, những cuồng lưu bão,

Ôi, tháp đền những nghìn xưa hoá thành ngọn lửa cháy trên ngực tôi

Người con gái của xứ sở huyền sử bước lên thuyền ghé thăm mộ phần dung nhan nơi thủy cung Thị Nại chiều vun vút đôi cánh hư tưởng nước triều cá ồ cá nục

Rỉa rói từng phần da thịt/ son phấn, mù mịt thủa voi nằm nghe gươm giáo vứt vào hôi tanh máu chảy đầu rơi, một phần xứ sở tôi, là đất của những người máu chảy đầu rơi/ nên đêm trăng tà ngọn gió ma vờn trên ngọn dừa soi vào khảm tiềm thức con cú mèo [tiếng cú mèo cứ neo vào đất làng tôi, như đánh hơi được mùi của sự chết chóc]

 

Những năm ròng rã cỏ mọc ngoài biền bãi như muốn nói với con tàu đang nhả khói và tiếng hụ vào ga là đừng có mang thêm những buồn bã của mình về đây nữa [nhưng dù sao từ đó người làng tôi mới biết u hoài chờ đợi những tin tức ngoài kia của làng]

 

Đèn dầu toả bóng xuống nền nhà, chúng tôi nằm chụm đầu nghe ngoại kể chuyện con cò ma quá giang sông nước [cứ hồi hộp nghe và đắp chăn sợ con cò hoá người quá giang đang đứng ngạch cửa]

Mùi đèn dầu hay mùi của bão [mùi của bão tẩm liệm trong đèn dầu những xác phù du cháy đen thui lem luốc bóng đèn]

 

Tiếng còi hụ vào ga vang xa nghe não nuột

Biết phương xa có gì vui không.

 

***

 

Thế là, mùa mưa có vẻ như cơn động cỡn của đôi bồ câu tha rơm về lót ổ để gù gù tiếng tha thiết trống mái/ mưa có vẻ như hiểu được/ hơi ấm cần có mưa mới đủ dáng vẻ,

 như là đang trú ngụ trong tôi định nghĩa về nơi chôn nhau cắt rốn,

 

Từ làng, tre trảy múa kiếm lá, những bông tre buồn bã tiếng trống đám ma,

 

Nải chuối hôn lên ngày cúng ông giữ vườn [như cách người làng tôi nghĩ về sự có mặt của thần linh, giữ cho gia súc, hoa màu, và giấc ngủ] để biết ơn mùa màng, thần giữ vườn đã cùng nhau chăm sóc cuộc áo cơm nơi xóm núi/ gà gáy nhắc nhớ nghìn năm như mới hôm qua,

Giàn mướp như những đôi vú xà xuống đổ bóng bươm bướm chuồn chuồn trên đầu đứa trẻ con

 

Tôi nhớ tôi ngồi nơi ngạch cửa

Nhìn mẹ tôi chăm sóc những cơn gió nồm thổi qua rò cải

Từng thời khắc di huấn cha tôi nói trước đường cày thẳng tắp

Cơm nếp thơm mẹ xới dẻo ăn kèm nắm đậu phộng rang giòn

Lũ trẻ làng bắt cáy ngoài bờ kéo cày trên khoảng sân

Dọc theo tiếng gọi của chiếc lá bàng đang đỏ từng sợi gân buông chùng xuống/  mùa hè con chim sâu chíu chít gọi con ngỗng/ cùng đuổi những hạt bụi lốc/ khô khốc khói đốt đồng/ gợi lên thứ làng mạc tựa cõi mơ hồ trong kinh chiều/ chuông đánh nhẩm đọc chú tiểu tập sự nhớ mẹ/

giọt nước mắt trẻ thơ buồn bã..

 

Tôi đi ngược chiều tương lai,

Lại xuôi về hiện tại

Đôi mắt con ong bầu trong hốc cây

Thế là, mưa như vỡ vào tôi hình bóng của chiếc mo cau chở bóng chiều cơn dông long lanh đôi mắt ngoại thủa xa xưa hiện về.

 

***

Ngoại biên- biên vào ngôi làng một chút hoài niệm/ tổ tò vò trên vách mái tranh/ thủa người làng tôi mở rộng đất đai trồng hoa màu

Thơ ca từ đó cùng cháy và len lỏi vào bữa cơm/ thơ ca là lời nói của người làng/ thơ ca có chăng đã hiện diện rất lâu trong âm bản xóm làng, được lưu giữ lại, trong cách người đàn bà bồng con và vỗ về, trong nắng xế gió nồm thổi/ trong ngóc ngách đường đất, trong mỗi cử chỉ, cách nhóm lửa, họp chợ,

 

Hay là bài hát cây nấm rơm bung dù che mưa con kiến nhỏ/ chiếc mũ lá mít kết cho đôi trẻ thơ chơi trò vua đón hoàng hậu về dinh

Tôi đã nghĩ về nụ cười tháng tám

Lúc này, lúa thóc đã phơi khô

Mẹ tôi ngồi đan thúng bán chợ

Cha tôi đi đơm cá ngoài sông

Chị tôi gánh nước đêm rằm về tắm vườn cà

Tiếng chó sủa nghe như quen mà lạ/ những chân trời nhập cư kí ức.

 

 

***

 

 

Làng đi vào mùa thu, bóng bẩy giọt nước trên chum vại, cây chùm ruột nhem thèm chúng tôi bằng bịch muối ớt hiểm,

 

Cây chùm ruột chua chua khiến tôi nhớ bà tôi [có ông dột ngồi ị trên cây chùm ruột, chua chua vị chiều ngây ngây tiếng bìm bịp kêu bụi môn chấm đỏ]

 

Bà hay hát, và hát như nhẩm lại trí nhớ mình, bông ổi tàu góc núi hay chợ Dinh những ngày bày bán những thức quà của biển,

 

Làng đi vào mùa thu, và chúng tôi không còn nghe những chuyện phù phím của con người,

Vì thiên nhiên làm chúng tôi đầy đủ mọi trò chơi, ăn trái uống nước giếng và chăn trâu, bắt cá,

Bà tôi may vá cánh đồng bằng truyện cổ tích,

Bằng hương trầu cay, hương thị bà tẩm hồn tôi

 

Những người con gái làng tôi lớn lên và dậy thì như lúa mùa ngậm sữa

Đất làng buổi chiều đổi màu hoàng hôn,

Tôi lại cho chim sẻ đậu trên ngón chân cái của tôi

Khi mây hồng phủ lên cây tam cúc

 

 

***

 

 

tự rất lâu, ông về làng, và có lẽ, hình bóng nghìn năm lại đổ vào nghĩ ngợi của tôi về ông,

Sáng nay ông ngồi lặng im, có phải ông đã chết trong lúc ngẫm ngợi về thế giới/ nhưng không, đôi mắt ông còn ẩm ướt, có chăng ông cũng đang chìm sâu vào đất làng,

Ngón tay ông cong úa vàng da trỗ nhăn nheo những gợn bông gòn,

Trong hồn ông, khoảng không/ thời gian đang điểm lên/ gõ vào vách kí ức, những con đường ngựa hoang, hay là hướng gió thổi, trăng từ tiền kiếp treo lơ lửng,

một tách trà mộc hương, thấm trong khảm tiềm thức/ nơi đây, con sông nuôi ốc hến, và bầy ròng ròng,

 

Tôi tiếp tục đi trên dải đất làng, men theo bóng trâu, nhìn bầy cò bay về nương tựa núi rừng,

Đất trở mình ôm lấy xóm đảo/ cồn nước mặn,

Quê ngoại tôi ở đó/ dấu chân trâu là chỗ ở của bầy cá chốt/

Cái nôm úp cá cũng đã thức dậy theo chân cha tôi đi tìm luồng cá vượt cạn,

 

Suốt đời/ cha tôi đọc rất nhiều sách/ những cuốn sách do thời tiết và mùa màng viết vào trang giấy trong lòng đất/ nơi đôi chân gầy, đôi bàn tay thô ráp cha tôi,

Vẫn giữ nhang khói tổ tiên/ giỗ vải, cuốn sách bằng lời tổ tiên truyền vào trí nhớ người làng.

 

***

 

đừng buồn nữa/ tôi đang nói với chiếc đồng hồ, vì thời gian đang điểm lên không gian/

có thể đã lỡ chuyến đò, mà có lẽ đất đai nơi này không muốn tôi đi đâu, hay là ở lại, nói thế nào đi nữa cũng là nơi chốn trở về của một người đã lấm lem quá nhiều kỉ niệm tha phương [và làng có một chú chim sẻ bay đến đậu lên ngón chân cái của tôi] tôi hài lòng/ và cho chú chim ăn thóc/ những hạt thóc chúng tôi [những người chân đất] gánh từ cánh đồng nhiễm phèn,

 

ngôi Chùa, như một biểu tượng cho tâm thức người làng/ hay đó là sự mơ mộng đến nỗi đã che chở người làng qua những giấc mộng không lành/ đêm đến, bóng tối làm ánh đèn sáng hơn, và chúng tôi lại nghe lũ chim chàng làng hát khan gió ngoài hàng kẽm gai ố màu thời tiết/

 

cứ cần mẫn cày trên đất, mảnh đất tâm hồn thức khuya, giăng giăng những ngẫm ngợi, cuộc sống có bao giờ cho mình thôi nghĩ/ có lẽ,

Căn cước của loài dơi là treo ngược bầu trời/

Thú vị hơn, là những hình ảnh bị treo ngược, để thấy một vẻ đẹp khác/ đang hình thành bài thơ và trong thơ lẫn những ngụ ngôn triết học về đất [ở xứ sở tôi, ông lão ngồi nặn bầu trời đã thuyết giảng những cách thức của đất, hay những dạng thức của đất]

 

Như nặn ra bóng dáng cầm cuốc, chăn dắt con trâu cày xới đất, của người nông phu/ hoa điệp nở/ ở xứ sở tôi, hoa rất nhiều, có thể là búp hoa vạn tuế, rất nhiều năm mới trổ một lần,

 

Rau lủi hái nấu cua đồng, mùi mắm dậy lên nỗi nhọc nhằn mà cũng lắm thi vị,

Chính những hình ảnh đó, khi thi ca cất lên, lại mang một vẻ đẹp sang trọng/

Tôi cùng lũ kiến vàng gùi lương thảo đến chân lão ông và chờ ông trao lại cách thức nghĩ ngợi cho mùa mưa sắp sửa đổ xuống sông suối.

 

Con chim dồng dộc như muốn trút bỏ bộ lông cũ kĩ,

Khi chim sẻ đang đậu trên ngón chân cái của tôi.

 

***

Bài hát những người đàn bà ngồi sàn thóc

Ngồi suốt nghìn năm

Đâu đó trên cây gòn tháng ba còn vương gió vương mây

Mạch giếng khoả nước trong vắt

Nghe ếch con ệch ọp

Con cào cào sợ chạm mặt nước

Cánh diều sợ vướng nhành cây đứt dây bay về khúc hát tập vòng vong tay không tay có

Ngoài ngõ trẻ con đi học

Những người đàn bà lưng còng mang gió ra phơi lọn tóc

Uớt bóng chiều khói bếp ngã về tây

 

***

 

Như, khép lại một chuyến tàu

Để giọt cà phê phai lãng những ngày ảo ảnh

Đỉnh đêm hát gió lành lạnh về khuya

Mình tàn tro màu mắt

Con chữ mang thân phận trôi như mây trời

Xô dạt những ngẫu tượng ngã xuống hố thẳm

Xó nhà, cây chổi mơ quét lá ngoài hiên

Cậu bé hỏi bông hoa lộc vừng vừa rơi xuống đất

Thế giới bỗng hồn nhiên như khuôn mặt tháng giêng

Đầy những cọng nắng đan vành nôi xứ sở

Phai lãng cuộc mộng thức dậy bình minh trải ra nhịp đập ruộng rẫy

lau lách sông óng ánh mái chèo gõ gõ mạn thuyền

con diều con quạ bay ngang

thổn thức bông huệ bung hương vào bờ cát

ngồi vẽ vào đất bóng hình lành lặn mặt trời toả trên chiếc lá non…

 

***

Bật một que diêm, đốt điếu thuốc, & hút

Tôi soi gương tuổi trẻ trên tấm thảm màu đất

Con chim lửa vừa hiện rồi phụt tắt,

Họng tôi họng đêm sói cô độc

Mắt tôi, mắt dơi buồn tìm hang động

Chân tôi, những ngón sần sùi, ngón mèo hoang

Và tôi khoát áo mùa đông đi vào mùa xuân

Cây chuối rừng đỏ rực

Tôi lại đi vào mùa xuân

Tôi đi như cách tôi đốt thuốc, khoát áo choàng, trời lạnh, đường điện đèn sáng trong mưa

Tôi ngồi giữa vườn

Nghe lũ dế ca cẩm khúc hát mùa củi mục

Khói đốt thơm đời mẹ

Cay cay mắt chiều hôm

Nón úp tiếng ru

nón hồn tôi đầy tiếng hú,

Tôi thấy tôi hoang vu từ nghìn năm trước

Như bầy khỉ đi tìm suối thiêng

Khi que diêm và điếu thuốc vừa tàn một đêm.

 

***

Ai mang câu thơ đi qua những mùa,

Gieo vào lòng đất tiếng của mạch nguồn,

Tôi lại cứ xem như là tôi đang ngồi quét lá ngoài sân

Mười năm nữa, lá vẫn còn, nhưng mọi thứ đã là cũ kĩ,

Rời đi ư! Cũng là cách nghĩ thôi,

Phân thân, trong lúc tôi nghe tiếng nói trong sâu thẳm hồn tôi,

Nỗi đau nào cũng được chữa lành bằng cách hít thở một bầu không khí trong lành.

 

****

tôi nằm giữa xóm làng

nghe tiếng chó sủa

nghe mùa xuân đang ở đâu đó trong tiếng hát gió hoang

không một ai, ngay cả vị tư tế cũng bỏ đi

chỉ còn dân làng,

còn em,

còn tôi,

tôi đang trồng cây và mơ mấy con chim sẻ bay đến

mổ hạt lúa tôi gánh từ cánh đồng làng

tôi lột tôi những phấn son

chỉ còn trơ lớp da rơm rạ

chỉ còn tiếng nói mùa màng

chỉ còn đêm nằm ngó sao trên trời cao

mấy đám mây rong ruổi từ biển trôi về

tôi xa thành phố,

trăng đêm đêm đổ bóng lên tôi

tôi thấy tôi là mạch máu của đất

đang chảy dưới những cây xoài cây ổi

bông hoa nở, và em về mang theo tiếng gió rừng

lửa vần vũ trên áp mái

tôi ở đây từ lúc nào?

 

***

như thế, đã mở ra cho tôi tiếng hát đầu tiên, khởi động một điềm lành, tôi cúi đầu tạ ơn người, tháng ngày trôi mãi mãi, chỉ còn lúc này đây, khi nghĩ đến kí ức, là nghĩ đến những khoảnh khắc tồn hiện, nơi bầu trời mây trôi, cứ viết hoài giọng của loài chim di cư, hay giọng của loài chim trở lại miền đất hiền lành.

 

hãy ở yên đó, vì ở đó [nơi khắc sâu trong vùng nhớ, là giọt nước mắt cội nguồn] như thế, chú tôi gõ vào nhận thức của tôi, cuộc cơm áo dẫu có khó khăn, thì việc làm cho cuộc cơm áo trở nên lành lặn, thì hồn ta mới nghĩ ngợi ra những cách thức để nhìn thấy được thế giới.

 

[không gì bằng giữ cho sự thiện lành nơi cơm áo, vừa đủ để trải qua những lần đi sâu vào ý thức, ủ ấm cho ý thức, một mái che, nơi đêm đêm lời của người xưa vọng về, hãy nhớ, những cơn say không làm ta cảm thấy bình yên, không làm ta vơi đi sầu muộn]

 

có chăng, sự vỗ về ta, là con tim khao khát, là tấm lòng lúc gặp biến cố, để cùng đi qua nó, đi qua nó [những trắc ẩn của người với người] mùa xuân nào, hương vị của đất trời cũng đầy sức sống, đêm, tôi nghĩ về tháng Chạp.

 

 những con đường tôi gặp những dấu chân người, rốt rồi cũng phải tự thân mình, tìm lại những gì mà mình đã học được, để như cái cây sống với khu vườn, thay đổi cho đến khi đƠm hoa kết trái, cả một quá trình, [tôi cứ nghe, người đàn ông biên sử làng, gõ vào nhận thức của tôi, lời của hoàn vũ] đêm, ngoài biển khơi ánh sáng thuyền thúng, từng ngõ ngách của thời gian trôi đi.

 

***

như em mang vào mùa xuân tiếng của con cái

để anh ngồi nhìn cuộc rong ch ơi đương đại đang thành hình

nơi vị thầy ngồi suy tư về biển về núi về đảo về trùng trùng ngữ ngôn bất diệt

anh đã thấy tiếng nói của giấc mơ

khiến anh tìm trong nỗi buồn cổ đại

một con đường gặp gỡ những vị khách hào hoa

anh biết giun dế đang tự tình ngoài hiên

cùng bóng đêm tịch mịch

là âm bản đầu tiên

nơi anh sẽ đứng gọi tên trời đất

hành trình về phía mặt trời

nơi lũ kiến đang gùi lương thảo dâng lên mây trời.

 

***

 

Mơ về những dấu chân người rải lên đất

cho hoa nở

về nghe

những phù hoa và kí ức

cho nước mắt suối nguồn thơm tho hơi thở xuân thì

 

***

những hiện hữu có thể sẽ là những dấu hiệu sự trở lại bầu trời/ tiếng hót của chim và sự có mặt của những loài cỏ thảo/ góp phần hàm dưỡng nội thức /

cho một cuộc hành trình đầy nhiêu khê.

***

ĐÂU đó trong bóng đêm

tôi đi về và hát

chiếc lá ơi! mùa xuân đã đến bên nhà em

nơi tôi biết tình yêu đang cuộn lấy buồng tim tôi

tôi phơi kí ức lên đám mây

và từ chối kể về những lai lịch

bởi chỉ có trò chơi của thiên nhiên mới làm tôi đầy năng lượng

lý trí giết tôi

lý trí làm tê liệt mạch nguồn trong tôi

tôi không thể quá giang con đò chứa đầy triết lý

tôi quay về ôm hôn lên xứ sở tôi bầy chim bay lượn trên cỏ

bầy gió

bầy mưa

và đêm nằm mơ thấy lời của núi non đang hát ru tôi ngủ

tôi thấy đất cho tôi cây trái và tiếng hát những người suốt đời sống với đất

họ an cư, lời nói trong như chính nguồn nước trong núi non

những con chim bay ngự trên đầu những đứa trẻ

tôi quên rồi đám người mang luân lý để phủ lên hồn nhiên những thế hệ

chất độc mà họ mang

gió sẽ mang thông điệp của tôi đi

về một thế giới

mà đêm lại là những giấc mơ.

 

***

đã là đất của hồn tôi, miền mặt trời gõ vào dạng thức,

sự ban phát cơn gió

tôi đã theo dấu chân người biên sử của làng

đọc trong phù sa những con chữ ghi chép khảo cổ

là rễ mọc đâm xuyên qua bầu ngực núi,

ơi! những nghìn năm bay lượn cùng hương quả núi sông

ơi! vết nhăn trên trán cha ông huyền ca loài người bộ hành muôn trùng địa hình nhân tạo

sáng thế kí, là trăng thượng tuần giấc mơ cây mọc trên giấy ố vàng

những giọt mực lem tiếng sóng tuần dương thổ cư tôi bầy tinh thần bay về ngự nơi tiềm thức

là cuộc giãi bày, gió sương phút giây ngẫu tượng cánh hồng phai trong nụ cười chim én

em về gầy mấy thiên sương

cổ độ bạc tóc thời gian

có ai đứng hứng phút linh cầu ngỡ trời đất sinh ra lá bùa yểm mạch

cho tôi ở mãi cố hương

cho tôi băng qua đường hành hương chiếc lá

cho tôi nguyện cầu những giọt kinh thắp lửa trên đỉnh mù sương

và đó là những cuộc chuyện trò giữa hai người ở hai thế hệ

và đó là lời dặn dò cho sông sâu cho núi cao cho thi ca luôn giữ vẻ đẹp huyền nhiệm

nết na thân phận lục bình dềnh dàng chiều nghe tiếng sáo cùng bóng dáng chú nghé con chạy rỡn trên cỏ

tiếng dế đục mưa

cầm tay thời gian

tỏ chiều hun khói đồng lau

.

tợp ngụm nước mưa thay rượu/

đề tặng nhánh dương xỉ, khuôn ngực của núi sông

nghe đâu đó sự réo gọi của lửa

mạch đất như máu nuôi dưỡng thai nhi loài người

đã về rồi kí ức tháng mười

cõng trên lưng khúc mưa

gùi cỏ thảo đi tìm nơi gieo hạt

và chú tôi đã nói trong vô thức

những kí tự sinh ra nhạc tính

như là những biền ngẫu nơi chân người còn đi mãi những tháng năm dài

cho một đôi cánh bay cùng mây trời

quên hết những ảo não đày đọa nơi khốn cùng cũng là nơi ta nhận ra/

những dạng thức của đất.

 

 

giã, 03/12/2019.

 

 

Trần Quốc Toàn