Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Lớp lớp sự thật & nghệ thuật truyện “phi hư cấu” của Phan Thúy Hà

Nguyễn Khắc Phê

image

Phan Thuý Hà là một tác giả mới nổi lên gần đây với bốn cuốn sách “phi hư cấu” đang được nhiều bạn tìm đọc – “ Đừng kể tên tôi” đã in lần thứ 4, “Tôi là con gái của cha tôi” vừa tái bản và “Gia đình” mới xuất bản đầu năm 2020 nghe đâu đã bán gần hết; cuốn thứ tư “Qua khỏi dốc là nhà” do NXB Kim Đồng in năm 2018, gần như là tự truyện tuổi thơ của Phan Thuý Hà. Cả ba cuốn trước đều do NXB Phụ nữ cấp phép với gần 1000 trang in và không ghi thể loại. “Phi hư cấu” chỉ là thuật ngữ để các nhà phê bình xếp chung những cuốn sách chủ yếu tái hiện sự thật cuộc sống, không có sự “bịa đặt”, tưởng tượng (hư cấu) của người viết (nói vui một chút, cũng tương tự như gọi chung gà, vịt, ngan… là “gia cầm”!) chứ sách của Phan Thúy Hà không “đồng dạng” với hàng loạt cuốn được xếp vào “phi hư cấu” được dư luận chú ý những năm gần đây.

SỰ THẬT ĐƯỢC CHUYÊN CHỞ TRONG SÁCH PHAN THÚY HÀ LÀ GÌ?

Đã nói đến sách “phi hư cấu” thì đây là điều trước tiên cần quan tâm. Chúng ta đều biết, nhiều cuốn “Truyện ký”, “Ký sự” hay “Ghi chép” của các nhà văn đã xuất bản trước đây cũng là truyện “người thật việc thật” nhưng thủ pháp, mục đích và cả vị thế của tác giả khác xa Phan Thúy Hà. Ví như hai tập ký sự về Cồn Cỏ của nhà văn Nguyễn Khải và Hồ Phương, cũng có nhiều trang viết được hình thành từ lời kể của nhân vật nhưng đây là những con người anh hùng tiêu biểu cho một hòn đảo anh hùng và được miêu tả bởi những vị khách Trung ương, những nhà văn tên tuổi, nhằm cổ vũ, nêu gương tinh thần dũng cảm quên mình cứu nước. Tôi nhắc hai cuốn sách này vì cuốn sách đầu tay của tôi – tập ký sự “Vì sự sống con đường” (1968) viết về cuộc chiến đấu bảo đảm giao thông đoạn đường dưới chân đèo Mụ Giạ, lúc đó được xem là “Cồn Cỏ trên đất liền” – cũng là những tấm gương anh hùng, “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”. Tôi không có uy danh như hai nhà văn Nguyễn Khải, Hồ Phương, nhưng lại có ưu thế là “người trong cuộc”; tuy vậy, do mục đích viết là nêu gương, cổ võ tinh thần chiến đấu, nên âm hưởng chính là ngợi ca, ít nói đến những mất mát đau thương. Bây giờ nhìn lại, những cuốn sách như thế là cần thiết, không chỉ có ích cho cuộc chiến đấu đang lúc gay go mà hình ảnh những chiến sĩ quên mình vì nghĩa lớn vẫn là tấm gương cho hậu thế noi theo vì cuộc sống luôn cần những con người có tinh thần cao cả, dám dấn thân vào nơi đầu sóng ngọn gió. Nhưng mặt khác, những cuốn sách như thế chưa thể hiện được toàn bộ sự thật cuộc chiến đấu cũng là sự thật lịch sử. “Nói có sách, mách có chứng”, chính là cuốn sách của tôi, mặc dù tác giả là “người trong cuộc”, nhưng đã “bỏ qua” không miêu tả đến tận cùng những tổn thất bi thương trong trận chiến khốc liệt nhất giai đoạn đó, khi tiểu đoàn pháo cao xạ mang tên Nguyễn Viết Xuân phải đối đầu với 200 lượt phản lực Mỹ tiến đánh hai chiếc cầu lớn nhất đường 12A tại trọng điểm Ca Tang ngày 16/4/1965 mà say sưa ca ngợi gương chính trị viên Đậu Trọng Vĩnh: “Anh người cao to, lại đứng ở chỗ cao nhưng mặc máy bay trút bom đạn xối xả xung quanh vẫn không cúi đầu, thỉnh thoảng lại hô lớn: “Noi gương Nguyễn Viết Xuân! Nhắm thẳng quân thù mà bắn!” và anh đã chiến đấu như anh Xuân. Một loạt rốc-két nổ gần công sự, mảnh đạn cắt đứt cánh tay phải của anh. Anh bị thương nặng rồi, máu chảy đầm đìa, nhưng anh vẫn đứng đấy, tay trái còn lại của anh vẫn lấy hướng địch bay để khẩu đội tiếp tục bắn!...”.

Sau này, một bạn văn là cựu chiến binh, đọc cuốn sách này, mặc dù rất xúc động trước sự hy sinh của các chiến sĩ giữ đường 12A, đã nói nhỏ với tôi: “Bị cắt đứt một cánh tay thì làm sao có thể đứng chỉ hướng địch bay? Không cần chi tiết này, anh Vĩnh và đồng đội của anh vẫn rất anh hùng rồi!”.

clip_image001

Nguyễn Khắc Phê trở lại cầu Ca Tang

Thú thật, tôi viết câu trên theo lời kể của một nữ công nhân nổi tiếng một thời vì đã lao lên chuyển đạn giúp bộ đội pháo trận đó và chính cô cũng nghe người khác nói lại! Như vậy, sự thật chỉ có một, nhưng qua “truyền khẩu” rồi thể hiện lên trang giấy, rất có thể biến thể (nói theo ngôn ngữ sân khấu là biến thành những lớp diễn khác nhau). Ở đây, xin được “mở ngoặc” nói thêm về cụm từ “Người trong cuộc” rất dễ ngộ nhận. Như tôi, từng tự hào là “người trong cuộc” đối với mặt trận giao thông ở Trường Sơn và Quảng Bình thời chống Mỹ, nhưng thực ra tôi chỉ biết một phạm vi nhỏ thôi. Vì thế, trận chiến có thể nói là thảm khốc suốt 4 giờ bên cầu Ca Tang hơn nửa thế kỷ trước, tôi chỉ viết theo lời kể lại và cũng chỉ một góc nhỏ. Cũng vì không tận mắt chứng kiến (và tất nhiên vì tránh chuyện bi thương lúc cuộc chiến đấu đang gây chết chóc hàng ngày!), trong cuốn sách của mình vừa nhắc đến, tôi đã “bỏ qua” không viết về sự kiện bi thảm tám Thanh niên Xung phong đại đội 757 Lệ Thủy bị bom trúng hầm bên đoạn đường gần La Trọng từ giữa năm 1965, nghĩa là trước rất xa các sự kiện tương tự ở “Hang Tám Cô” đường 20 cũng như ở Đồng Lộc và Truông Bồn, được giới truyền thông và hàng triệu người biết đến, hàng năm được tưởng niệm trân trọng, trong khi tám Thanh niên Xung phong Lệ Thủy hầu như không được ai nhắc đến, cũng như hàng vạn liệt sĩ trong nhiều, rất nhiều trận chiến khốc liệt khác! (Mãi cách đây mấy năm, tôi mới viết về sự hy sinh thầm lặng của tám Thanh niên Xung phong này trên một tờ báo…).

Có lẽ sẽ có bạn trách tôi lạc đề “dài dòng” về những chuyện hy sinh từ hơn nửa thế kỷ trước như thế. Xin thưa: Tháng 7 này với ngày 27/7 và Lễ “Xá tội vong nhân” thì nhắc đến những người đã khuất là phải đạo; và chính ba cuốn sách của Phan Thúy Hà chủ yếu cũng kể về những cái chết vô cùng đau thương; hơn nữa, những điều tôi “dài dòng” ở trên là bằng chứng, nhân chứng rằng sách Phan Thúy Hà là sự “bổ sung lịch sử” cần thiết như một nhà phê bình đã viết. Mặt khác, nó cũng chứng tỏ những cây bút thế hệ Phan Thúy Hà dám tìm cách viết khác những người đi trước (không như tôi, khi chưa bắt tay viết tập ký sự về đường 12A đã hăng hái thầm nhủ “sẽ viết một cuốn sách như ông Nguyễn Khải đã viết về Cồn Cỏ!”).

Quả là Phan Thúy Hà đã theo một phương cách có lẽ chưa có tiền lệ ở Việt Nam: tác giả ghi lại chân thực theo lời kể của người trong cuộc – thực sự là “người trong cuộc”. Vẫn là theo “lời kể”, nhưng cô không ngại vất vả và cả nguy hiểm, tìm đến những nhân chứng tự mình trải nghiệm, hoặc tận mắt chứng kiến. Do đó, trên những trang sách của cô, có rất nhiều chi tiết chân thực “không ai có thể hư cấu đến độ khốc liệt như vậy được” như nhà văn Trần Huy Quang đã nhận xét. Khác với nhiều cuốn sách “phi hư cấu” trước đây, Phan Thúy Hà không “bận tâm” đến diễn tiến các sự kiện lớn, không bình luận chuyện “thắng-thua” – nếu dùng thuật ngữ hậu hiện đại, tuy không thật chính xác lắm, thì cô không màng đến các “đại tự sự” – mà chỉ theo đuổi số phận từng con người, hầu hết là những con người trong “góc khuất” của lịch sử.

Trong ba cuốn sách vừa xuất bản, Phan Thúy Hà đã tìm gặp và ghi lại cho chúng ta biết ít nhất 100 người, 100 số phận khác nhau, đối cực nhau ở nhiều miền đất nước – đó là nói “tròn” cho… đẹp, chứ trong 65 bài viết được ghi lại, nhiều bài có đến vài, thậm chí 5-6 câu chuyện; có chuyện chỉ mươi dòng, nhưng cũng có chuyện dài mấy chục trang, như là một tiểu thuyết bị nén chặt. Không thể và không nên thuật lại cả trăm câu chuyện trong ba cuốn sách của Phan Thúy Hà, nhưng qua một vài trích dẫn các chi tiết – mà như có người đã viết “trong văn chương, chi tiết nhỏ làm nên tác phẩm lớn” – bạn đọc cũng có thể hình dung phần nào “cốt cách” những trang sách của Phan Thúy Hà.

Đây là một chi tiết trong chuyện “Những ngày ở A Lưới” (Sách “Đừng kể tên tôi”) do ông Lê Quốc Tuyển, đại đội 20, trung đoàn 9, sư đoàn 968 (hiện sống tại thị trấn Hương Khê - Hà Tĩnh), kể: “…Trung đoàn 9 mất sức chiến đấu, lệnh trên đem trung đoàn 8 đang ở ngoài Quảng Bình vào thay ở địa bàn Tây Huế. Nghe tin đó, ba thằng còn lại ở điểm cao yên tâm chờ đợi. Chờ bảy ngày rồi vẫn không thấy trung đoàn 8 vào… Tôi nói với đại đội trưởng, mấy người phải đưa liệt sĩ này ra… Địch phát hiện ra nã súng liên tục. Lại quay vào. Thấy ba người vẫn chưa đưa được liệt sĩ ra… Đầu ngoi lên là trúng đạn ngay lập tức… Tôi nằm sau liệt sĩ. Hai tay nắm chặt vào xác và dùng đầu ủi ra từng mi li mét…”. Như tôi được biết, chưa có sách báo nào tả cảnh lấy liệt sĩ gian nan và kỳ lạ như thế.

Cũng lại chuyện… chết chóc, lần này ở chiến trường Gia Lai, trích từ bài “Bàn tay này đã thu nhặt bao nhiêu xác lính?” trong cuốn sách vừa nhắc đến, theo lời kể của ông Nguyễn Doanh Văn (xin lược bớt phần địa chỉ cụ thể): “…Lưỡi rụt nên bác diễn đạt chậm. Đi lại cũng chậm chạp, Không gian di chuyển của bác là trong ngôi nhà… Nói làm gì. Nói cho ai nghe. Nói cho ai tin. Sự việc qua lâu rồi. Mà tôi cũng sắp gần đất xa trời rồi… Những câu này tôi nghe nhiều mấy hôm nay… Họ không muốn nói gì nữa. Bởi họ đã phải im lặng quá lâu rồi. Bởi vì họ từng nói. Nói từng lời đau đớn ruột gan. Nhưng người ta không tin… Cần chứng minh là giấy tờ. Giấy tờ? Tôi vứt hết đi rồi. Mang được cái xác về. Ai biết có ngày giấy tờ quan trọng hơn xác người… Bàn tay này đã thu nhặt bao nhiêu xác lính?... Ba năm, đếm làm sao hết người đã chết. Đơn vị phân công mỗi người phải mang ba hoặc năm bộ hài cốt tập kết về nghĩa trang sư đoàn… Đào bới lên. Bốc. Một cái dao găm. Và hai bàn tay. Róc hết phần thịt. Lấy xương đi… Chúng tôi được bồi dưỡng một hộp thịt hộp. Mở ra… Tôi nôn thốc nôn tháo… Nhìn đâu cũng thấy thịt đồng đội mình vừa róc ra… Năm 1976, tôi thân tàn ma dại trở về. Ba lần bà ấy sẩy thai. Lần thứ tư sinh đứa con không có miệng… Lần sinh thứ năm là đứa con thiếu một ngón tay, thiếu một ngón chân. Vậy đấy! Có gì hay đâu mà cô muốn nghe. Tôi không có thành tích gì để kể…”.

Tôi đã phải lược một số chi tiết dễ gây sốc cho bạn đọc mà phần trích vẫn dài. Vì đoạn trích không chỉ có chuyện chết chóc mà còn gửi gắm bao điều đáng suy ngẫm với người đang sống hôm nay, lại thể hiện rõ phong cách văn ghi chép của Phan Thúy Hà mà tôi sẽ phân tích ở phần sau. Có lẽ cũng cần nói thêm là 25 bài trong cuốn “Đừng kể tên tôi” không chỉ toàn kể chuyện chết chóc; ví như “Chuyện của bốn người” do ông Nguyễn Đình Lập kể là một… chuyện tình “tay tư” vui vẻ và rất cảm động, mặc dù lúc kể lại chuyện ngày xưa, họ cũng nói đến hơn mười cái chết xung quanh! Vắn tắt chuyện tình đặc biệt này một chút, tạo “không khí” để bạn đọc “giải lao”: Bà Tiến chờ ông Lập 12 năm, vừa lấy chồng thì ông Lập từ Tây Nguyên về; thế là bà Tiến sang khóc lóc bày tỏ “em muốn quay lại với anh có được không?”. Còn đây là lời ông Lập: “Tôi rối bời. Chồng của em cũng là bộ đội. Tôi là một đảng viên đạo đức sáng ngời suốt tám năm qua… Tôi tiếc đứt gan đứt ruột em có biết không? Tôi càng nói, Tiến càng khóc. – Thôi, giờ chỉ còn cách này cho đỡ tiếc em ạ. Em sinh con em, anh sinh con anh rồi sau này ta gả chồng gả vợ cho chúng nó. Ta không lấy được nhau thì các con của chúng ta lấy nhau…”. Người vợ mới của ông Lập là bà Mậu; bà cũng 6 năm đợi chồng. Chồng cũ của bà là thầy Liêu dạy văn cấp hai, hy sinh ở Kontum năm 1972… Câu chuyện tình dang dở mà thật đẹp – đẹp vì tình nghĩa thủy chung và anh hùng nữa, cho đến tận hôm nay. Khi Phan Thúy Hà hỏi ông Liên (chồng cô Tiến): – “Nếu chiến tranh lại xảy ra, bác có cho các con mình ra trận không?” – “Có chứ!” – “Nhưng bác đã trải qua những năm tháng như vậy. Nằm viện triền miên vì những bệnh nặng. Mỗi tháng chỉ dựa vào một triệu sáu tiền bệnh binh.” – “Phải chấp nhận. Giặc đến là đánh. Không đánh để mất nước à…”.

Câu trả lời của ông già 81 tuổi mang đầy tật bệnh, gần như “vô danh” trong lịch sử cho chúng hiểu thêm vì sao Việt Nam đã chiến thắng…

NHỮNG TRANG SÁCH THỨC TỈNH CON NGƯỜI – NHÀ VĂN THÌ PHẢI VIẾT CHUYỆN “NHẠY CẢM”

Nghe đâu có người e ngại sách của Phan Thúy Hà toàn là chuyện “nhạy cảm”. Ô hay! Nhà văn thì phải viết chuyện “nhạy cảm” chứ! Còn viết những điều xơ cứng, sáo mòn hay tình yêu lăng nhăng thì chỉ tốn giấy và tốn công người đọc. “Tôi đứng về phe nước mắt” là một phát ngôn nổi tiếng của Dương Tường mà báo chí vừa nhắc. Nhưng không chỉ nhà văn - dịch giả Dương Tường nói thế. Maxim Gorky – bậc thầy của nền văn học Nga Xô viết – là nhà văn của “những người cùng khổ”, của lớp người “dưới đáy”. Phần lớn kiệt tác của nhân loại là những câu chuyện khổ đau của con giờ nơi trần thế. Ở Việt Nam, “Truyện Kiều” là một bằng chứng hiển nhiên.

Trở lại những cuốn sách của Phan Thúy Hà. Những câu chuyện bi thương không chỉ “bổ sung” các “góc khuất” của lịch sử, mà còn giúp bạn đọc hiểu lịch sử sâu sắc hơn, sinh động hơn, thấy rõ hơn cái giá của cuộc sống hòa bình hôm nay, trách nhiệm của người đang sống… Nói những điều này, có lẽ không thích hợp với cách lập ngôn của Phan Thúy Hà, nhưng về một mặt nào đó vẫn cần thiết…

Cuốn “Tôi là con gái của cha tôi” gồm 21 bài viết về thân phận của những người lính Việt Nam Cộng hòa và cuốn “Gia đình” gồm 19 bài viết những gia đình tan nát trong thảm kịch “Cải cách ruộng đất” còn “nhạy cảm” hơn nữa! Bản thân tác giả – một cô gái sinh năm 1979, sinh ra ở quê hương Xô Viết, có thân phụ là lính “Việt cộng” – có thể do “thấm nhuần” quan niệm tránh né những điều “nhạy cảm” của một số người, một số cơ quan mà cô có dịp giao tiếp, cũng trăn trở, vật vã, tự vấn nhiều lần khi bắt tay thực hiện cuốn “Tôi là con gái của cha tôi”. Trong bài “Đến Huế” ở cuốn sách vừa dẫn, Phan Thúy Hà viết: “Lý do nào thôi thúc tôi phải vậy. Không có lý do nào hết. Hoặc ý nghĩ của mình, tôi chưa đọc được ra bằng lời, chưa gõ ra được bằng chữ. Ý nghĩ mạnh mẽ đó đang đến điều khiển tôi…”. Thực ra, trước đó, cô đã “tham vấn” nhà văn Xuân Đài, nhà thơ Ngô Minh và “Tin nhắn trả lời: Bác có quen mấy người, nhưng không biết họ có chịu nghe con cháu Việt cộng không?...”. Lại có một người là giáo viên dạy văn cấp 3 từng mua cuốn “Đừng kể tên tôi” đã khuyến khích Hà nên viết tiếp cuốn thứ hai về những người lính phía bên kia. Phải! Muốn hiểu đúng cuộc chiến thì phải biết cả hai phía, như một bàn cờ chỉ sống động khi có cả hai bên. Nhưng vì một cách nghĩ đã thành nếp, đã quen thuộc với không ít người, trong chuyến vào Huế tháng 6/2018 như là một thử nghiệm, khi chưa có một địa chỉ cụ thể nào, cô đã vấp. Một người Huế mà qua “Facebook anh thể hiện là một người tận tâm với lịch sử, am hiểu và cởi mở” đã nhắn cho cô: “Việc bé muốn gặp những người lính cộng hòa là không tưởng. Họ bên nội bên ngoại tôi có sáu người đi lính. Họ không kể gì đâu! Nỗi đau họ nén lại và không bao giờ họ nói ra, nếu có nói, họ chỉ nói với đồng đội, chứ không bao giờ nói với người trẻ! Xin lỗi bé nhé!”. Và thực tế đã chứng nghiệm khi cô tìm đến một khu “gia binh” ngày xưa trong Thành Nội, vừa gặp bác trai chủ nhà, nghe ông thốt lộ: “Bác ba năm rưỡi ở Quảng Trị cháu ạ” và bác-cháu chỉ mới đối đáp hai câu: – “Sau đó bác có phải đi học tập?” – “Không, bác là hạ sĩ quan”... thì bà vợ đẩy cô ra khỏi cửa: “Thôi thôi, cô đi ra khỏi nhà tôi. Nhà tôi không phải là nơi nói chuyện chính trị…”. Bà còn làm căng nữa, nhưng bác trai tỏ ý thông cảm, nên rút cuộc, trước khi chia tay, sợ bị bác gái đuổi đi nữa, cô nói nhanh: “Bác ơi, bác có biết không, bác là tên giặc đầu tiên cháu được nhìn thấy ngoài đời. Từ trước tới nay, cháu chỉ biết qua phim, sách, báo… Hôm nay cháu đã nhìn thấy bác, gần sát bác thế này!”. Mắt mọng nước, cô đã ôm bác chào từ biệt. “Bác cũng ôm lại tôi. Trước sự sửng sốt của bác gái và cô con gái.”

Vẫn chưa hết phản ứng. Khi cô chở hai đứa con trên chiếc hon-đa thuê về khách sạn, “Con trai lớn ngồi sau xe tức giận đấm lưng mẹ. Sao mẹ lại như thế. Tại sao mẹ phải thế. Mẹ đừng nghĩ bọn con cần phải biết. Bọn con không cần. Dừng xe bên cầu Trường Tiền, mẹ và con giàn giụa nước mắt.” Cho dù vậy, bốn tháng sau cô lại vào Huế và gặp được một hoàn cảnh khác: trong gia đình, có người ở cả hai phía. Trong khi ông ngoại và hai cậu đi lính ngụy thì mẹ, một cậu và hai dì đi theo cách mạng. “Có lần ông ngoại ngồi trên máy bay kêu gọi chiêu hồi, cậu khi đó đang nằm dưới hầm chờ lệnh bắn máy bay”...

Thế là Phan Thúy Hà đã “chạm” được tầng vỉa “kho tàng” mà mình cảm thấy cần khai thác. Nhưng cô vẫn không thôi tự vấn: “Tại sao tôi mang vác vào mình công việc này. Một công việc chẳng cần thiết cho ai.” Cả nhân vật có người thân ở hai bên chiến tuyến cũng nghi ngại hỏi cô: – “Em định viết về đề tài đó thật à?” – “Vâng ạ” – “Mục đích em viết cuốn thứ hai này để làm gì?”. Tôi lúng túng trả lời: – “Vì em cảm thấy cuốn trước mình viết chưa xong…” – “Sao em cảm thấy chưa xong?... Em muốn biết thêm điều gì ở cuốn thứ hai? Cuốn sách em viết sẽ cần cho ai?” Những câu hỏi dồn dập khiến tôi ngợp. Tại sao tôi phải trả lời…”.

Mấy lần Hà đến Huế, tôi chưa quen biết cô, mặc dù là “đồng hương” (Hà quê Hương Khê, huyện giáp giới với Hương Sơn quê tôi); hơn nữa, thời chiến tranh, có khi tôi đã qua lại trước nhà cô nhiều lần, do đây là đoạn phía dưới của đường 12A. Tôi dẫn câu chuyện ở Huế hơi dài một chút vì nó cho chúng ta thấy một vấn đề xã hội hệ trọng đã bị “bao bọc” hàng mấy thập kỷ, coi như là êm thấm, hoặc là điều cho qua, nhưng thật ra cũng gần như một quả bom nổ chậm, khiến “con gái của cha tôi” – một lính Việt cộng – vẫn mãi đắn đo khi tiến đến tháo “ngòi nổ”. Cho tới khi sách ra đời và có dư luận, tôi tin là cô đã tìm được câu trả lời cho những trăn trở, thắc mắc, có lẽ không chỉ của tác giả. Phải! Chắc chắn là Hà đã tìm được câu trả lời sau những chặng đường dài đến nhiều vùng đất xa xôi, hẻo lánh mà cô chưa hề đặt chân tới. Cứ hình dung “thân gái dặm trường” đơn độc trên những lối mòn ngoắt ngoéo giữa các vùng đất hoang vu xa lạ ở Đồng Nai, Bình Phước, Bến Tre…, dù biết Hà đã về “đích” an toàn, tôi vẫn hồi hộp, thót tim… Bao nhiêu là cạm bẫy, rồi những kẻ nghiện ma túy, lêu lổng hám gái và cần tiền tiêu xài. Chỉ một cú ngã, hay một cái gạt tay là đủ “tiêu diệt” “con bé” đang liều thân “mang vác” sứ mệnh khổ ải có khác chi chúa Giê-su! Phải! Con gái của lính Việt cộng đất Xô Viết đã cho Hà bản lĩnh dám đương đầu và đi về “đích” bình yên trước sự hâm mộ của bao người.

Tôi bỗng nhớ Lỗ Tấn từng nói đại ý: “Người ta đi mãi thì thành đường.” Tôi hiểu “đường” ở đây cũng là “đạo” – đạo lý làm người. Hình như Hà không ưa nói những điều “đao to búa lớn”, cô bảo tôi: “Cháu chỉ đi thăm, xem đời sống họ thế nào và viết lại, chia sẻ với mọi người…”. Ừ, nghĩ tới một lớp người gần như bị quên lãng, nghe họ tâm sự rồi chia sẻ với mọi người cảnh đời của họ cũng là đạo lý “người trong một nước phải thương nhau cùng.” Chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ rồi! Biết bao nhiêu gia đình Việt-Mỹ đã trở thành “thông gia”, không ít con cháu các “Việt cộng” cỡ lớn đang học hành, mua nhà và có thể sẽ định cư nơi đất nước cờ hoa thì vì sao ta lại không thể trò chuyện thân ái, tìm hiểu cảnh đời của bao nhiêu đồng bào mình đang phải sống trong những hoàn cảnh “khác thường”?...

Không thể và có khi không cần trích dẫn nhiều những cảnh đời cơ cực của những con người thuộc lớp “dưới đáy” này. Chỉ trích vài dòng từ bài “Tiếng hát người thương binh” ghi lại lời kể một người lính cụt chân dẫn vợ con tìm đất sống ở Bình Tuy, Bà Rịa…:

“…Xuống ga Suối Kiết… Chú đi vào một chòi lá, xin người công nhân chỗ nấu cơm. Ăn một bữa no rồi chết. Chứ cách này sống sao nổi. Chú lấy hai lon gạo ra nấu hết… Bắt đầu ăn thì có người đi vào… Nhìn anh ta xơ xác. Chắc anh cũng đói. Thôi, trong hoàn cảnh mình cũng lạc loài, anh ngồi đây ăn miếng cơm cho vui. Anh ta bẻ cây làm đũa ngồi xuống đút cơm… Chú có nghề làm bánh mì. Hy vọng về thị trấn La Gi xin được một công việc… Vé xe giá 10 đồng… Tôi chỉ có 8 đồng. Họ không bán… Phải liều thôi… Đến giữa đường họ soát vé. Chú nói lời xin lỗi, xin họ thương cảm nhận 8 đồng… Họ nói những lời sỉ nhục và bắt phải xuống ngay. Chú nghĩ cuộc đời mình đến đây là tận cùng rồi. Chú kéo hai con lại sát cửa, ôm con vào lòng và nói với vợ, em lại gần đây với anh. Tôi xin các anh một lời cuối cùng… Thương giùm tôi. Đạp một cái, vợ chồng con cái rơi xuống là xong!... Đằng nào cũng phải chết!...”.

Vậy mà anh vẫn sống. Trong tình cảnh “tận cùng”, con người vẫn biết xin lỗi, biết chia sẻ miếng cơm cuối cùng cho đồng bào lỡ bước, biết âu yếm vợ con trong lòng trước khi chết thì không thể chết. Người chủ lò bánh mì thoạt đầu kinh sợ trước thân hình như người… hủi của anh, nhưng đôi tay tài hoa làm thử những chiếc bánh mì tuyệt đẹp đã cứu cả nhà anh. Khi Hà gặp được anh thì vợ anh đã có mảnh vườn nhỏ, còn anh – sau thời gian kỳ công học đờn với một “cựu binh” sư đoàn 5 cũng cụt chân – hai người đem tiếng hát phục vụ đồng bào trên những chuyến xe, quanh khu chợ, nhà ga cho vơi nỗi nhọc nhằn vì cơm áo. “Cuộc sống cứ như thế này trôi đi là vui rồi. Chú không nghĩ gì hơn… Chú ráng làm thêm năm năm nữa là về quê với vợ…”. Sau bao nỗi trần ai, sau khi phải chôn một đứa con vì không có tiền chạy chữa, người “cựu binh” sư đoàn 23 thản nhiên nói với Hà như vậy.

Như vậy, những câu chuyện trong “Tôi là con gái của cha tôi” không chỉ có sự thua thiệt, nỗi thống khổ của một lớp người mà còn lấp lánh những đốm sáng. Đó là sự từ tâm, là bản lĩnh, là sức sống kỳ lạ của con người vượt lên bất hạnh. Hơn thế, còn có cả những tấm gương đáng gọi là anh hùng. Bạn không tin ư? Xin hãy đọc câu chuyện “Bà mẹ Cam Lộ”. Đó là mẹ của “lính ngụy” (một người là địa phương quân, một là lính dù) nhưng lại có người con đi tập kết, có chồng tham gia chống Pháp từ 1942, rồi làm xã đội trưởng, chính trị viên huyện Cam Lộ, hy sinh năm 1967. Mẹ là cơ sở nuôi giấu cán bộ, tiếp tế cho cách mạng, bất chấp bị bắt, tra tấn không biết bao lần!

“… Tôi sờ lên mười ngón tay mẹ không thể duỗi thẳng ra được nữa. Mười ngón tay mẹ co quắp suốt đời vì bị chích điện. Mảng da sau lưng mẹ chảy máu. Một bên mông bị lở loét lên giòi. Mẹ không khai… Mẹ thành người tàn tật suốt đời.”

Một lần, sau khi mẹ bị bắt, tra tấn dã man, người con là lính địa phương quân nhắn cho anh là lính dù Sài Gòn. Anh tức tốc bay ra, “tay cầm quả lựu đạn xông vào Ban Hai hét lên: Tại sao bắt mẹ tôi? Tại sao đánh mẹ tôi?... Anh em tôi đi lính cho ai?...”. Nhưng đến đầu năm 1971, anh bị mìn gãy xương sống tại chiến trường Campuchia. “Anh bị liệt. Chỉ còn một cánh tay phải cử động được… Ngày 1 tháng 5, vợ anh đưa anh từ Sài Gòn về… Một buổi trưa, chị đi cày về thấy chồng đã chết. Anh đã dùng cánh tay còn cử động được cầm cây dao kết thúc số phận mình. Cục sắt nguội là mẹ đổ gục bên anh…” .

Hết chữ để bình luận! Chỉ bổ sung chi tiết ngoài lề: Đọc sách của Phan Thúy Hà xong, tôi nhắn cho một bạn đồng hương (với cả tôi và Phan Thúy Hà) là cựu lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, nhờ anh nói với anh Phan Quang, khi biết anh sắp đến thăm vị nhà báo - nhà văn-dịch giả 91 tuổi vẫn in sách đều đều, trong đó có mấy cuốn cũng thuộc loại “phi hư cấu”, rằng: “Có cô gái vừa viết về bà mẹ “lính ngụy” thừa tiêu chuẩn phong anh hùng ở ngay quê anh đó! Không biết anh còn sức đọc không?”. Sách “phi hư cấu” của “lão làng” Phan Quang cũng nhiều chuyện nhân vật có thật, nhưng phần lớn là hình ảnh cao cả, tốt đẹp. Nói sự thật nhiều “lớp” là vì vậy. Sách Phan Thúy Hà dù phong phú mấy cũng vẫn chỉ mới là “một góc” sự thật. Ai chưa thỏa mãn, xin mời viết bổ sung những “góc” khác. Lại nói thêm chút nữa: Tôi nói đến “tiêu chuẩn” vì tôi đã trực tiếp làm hồ sơ cho hai anh hùng trong chiến tranh là Nguyễn Thị Kim Huế (Đại đội TNXP 759 anh hùng) và Võ Xuân Khuể (lái ca nô Phà sông Gianh). Nói ra điều này không phải để “khoe” mà để làm chứng rằng, không phải tôi viết theo cảm tính hay… quá ưu ái tác giả “đồng hương”!

Sợ bài dài quá, chứ trong “Tôi là con gái của cha tôi” còn một phụ nữ cũng rất… anh hùng, từ một phương diện khác. Chị là vợ “chú Châm” lính nhảy dù, bị thương vào chỗ kín bên sông Thạch Hãn 1973, hiện ở Bến Tre. “Trong một cái lán có hai con người sống chung với bốn con bò… Tôi không tin nổi những gì mình nhìn thấy đây là sự thật…”. Kỳ lạ hơn là chú nói “quen rồi”! Và mặc dù “cô chú chưa khi nào làm việc đó”, cô vẫn thủy chung chăm sóc chú. Nhưng cô đã khóc khi tiễn Hà…

Cũng không nên “bỏ qua” trường hợp ông Phạm Văn Nhân (bài “Tôi không mệt”) trải qua nhiều binh chủng, ngày 20/2/1975 khi được lệnh dẫn trung đội tiến chiếm một ngọn đồi ở Tây Nam Huế, sau khi lệnh cho đồng ngũ rút lui khỏi một bãi mìn thì mìn nổ khiến ông mất 1/3 cánh tay, 1/3 chân phải, bàn tay trái còn ba ngón. Vậy mà “từ năm 1995 đến nay, ông đã xuất bản 30 đầu sách về kỹ năng sống cho tuổi thanh thiếu niên, 9 cuốn tài liệu cho phong trào Hướng đạo”. Mặc dù vợ ông mất khi vừa qua tuổi bốn mươi, rồi con trai mất vì tai biến; ông phải nuôi hai cháu nội, nhưng ông nói: “Tôi sống thực tế, không mơ mộng, không ước gì, không giá như. Tôi vẫn lên mạng học tiếng Anh mỗi ngày… Tôi không mệt!”. Tác giả viết những dòng rất “vô tư”, nhưng tôi thì chỉ muốn thốt lên: Ôi chao! Là số phận và nghị lực một con người!

 

clip_image003

Vợ chồng chú Châm trong căn nhà giữa “cánh đồng hoang”. Tác giả cho biết, nay chú Châm đã mất! Lại phải thốt lên: Ôi chao là một kiếp người!

CHUYỆN “NHẠY CẢM” TRONG CUỐN “GIA ĐÌNH”

…Những câu chuyện trong cuốn “Gia đình” gọi là “nhạy cảm”, chẳng qua do… thói quen, chứ hàng chục cuốn tiểu thuyết có đề cập đến “Cải cách” đã xuất bản mấy chục năm qua còn có những cảnh “ác liệt” và bi thảm hơn nhiều. Nhưng cái khác của Phan Thúy Hà là cô ghi lại cảnh thật, người thật, có địa chỉ rõ ràng, làm bạn đọc dễ xúc động, thậm chí là phẫn uất trước những sự phi lý đến cùng cực. Một cây bút hình như chưa nhiều người biết là Lê Thanh Trường, trên Facebook gần đây thì nhận xét:

“…Chỉ có chi tiết diễn biến. Không có bức tranh phông nền của thời đại sục sôi cách mạng, chỉ có những thân người tả tơi. Rách nát, sợ hãi, đói khát, chết dúi, trốn chạy. Rất ít nước mắt. Không có căm thù. Những tình tiết cá nhân hóa tới nơi tới chốn, lại tập họp trong một cuốn sách mang cùng một giọng kể – không phải là giọng kể của tác giả, cũng không phải là giọng kể của nhân vật – giọng kể đó bật lên từ sự thật.”

Như câu chuyện số 16 do cô Cao Thị Thúy Hằng kể về người cha là ông Cao Xuân Khuê, cháu nội nhà văn - nhà văn hoá Cao Xuân Dục – người từng hết lòng giúp đỡ gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc khi gia đình cụ Phó bảng gặp khó khăn. Ông Khuê bị bắn khi mới 36 tuổi! Mà đau đớn và phi lý đến cùng cực vì ông đâu phải địa chủ, ác bá hay phản động. Ngược lại, ông tham gia Việt Minh từ 1944, đến năm 1949-1950 đã là cán bộ quân đội cấp tỉnh ở Nghệ An và Quảng Bình.

“Cha được minh oan, mẹ đi tìm cha… Người ta nói rằng khi lấp sơ sài lắm, có lẽ biển đã cuốn đi. Một buổi chiều năm 1974 có hai cha con… thấy giữa một bãi có nước sôi lên… Họ đào lên được một bộ xương… Mẹ đã nhận ra đó là hài cốt của cha. Nhờ vào hộp sọ và chiếc răng vàng. Hộp sọ có một lỗ đạn từ dưới cổ họng xuyên lên não. Mẹ nói rằng khi đó người ta cố tình không bắn vào người cha. Ba phát đạn không trúng. Một du kích đã đến sát mặt cha, ấn súng từ cổ xuyên thẳng lên não”.

Trong câu chuyện đau đớn này vẫn lấp lánh tình người. Có ba du kích không chịu bắn vào ông Khuê. Trong “Gia đình”, bên cạnh những nỗi cay đắng khôn cùng còn nhiều biểu hiện của lòng tốt, tình nhân ái. Về sự kiện “Cải cách”, lại hầu hết là chuyện ở Nghệ Tĩnh, có thể nói tôi cũng là “người trong cuộc”, nên xin trích dẫn ý kiến của một số bạn đọc khác, với cái nhìn khách quan, hẳn có lợi hơn. Bạn trẻ Hương Quỳnh ở TP. Hồ Chí Minh, đã viết trên Facebook của mình:

“Nhưng trong tăm tối lại vẫn có những lấp lánh, trong đau đớn vẫn có dịu mát, trong khi bị đày đoạ vào kiếp “con” thì tình người vẫn quằn quại tìm cách tồn tại. Phan Thuý Hà bảo rằng đó mới là những thôi thúc cô cầm bút, và với người đọc thì đó chính là những nâng đỡ để có thể đọc tiếp sau những chấn động từ sự thật. Ký ức những đứa trẻ ngày ấy vẫn ghi nhớ củ khoai luộc ném qua hàng rào, nắm cơm giấu trên kè vách. Lời dặn dò của người cha, người mẹ trong tột cùng đớn đau, mất mát vẫn ghi ơn người đã lén cởi trói, người đã bưng một chén nước, người bỏ chạy từ chối nói lời trái với lương tâm, vẫn đinh ninh ngày mai sự thật được soi tỏ, lẽ phải được minh định. Câu chuyện của những người già hôm nay cũng vậy, đã tự mình vươn dậy sau cuộc bể dâu, vẫn trưởng thành, vẫn thành đạt, vẫn yêu thương, họ không thốt một lời oán than, trách móc. Chấp nhận số phận gia đình mình là một phần của khúc quanh lịch sử lạc vào bóng tối, giọt nước mắt hôm nay chiêu tuyết cuộc đời. “Con người sinh ra để sống lương thiện, không phải để hận thù”, nhân vật kể câu chuyện số 3 nói vậy.”

Lại xin dẫn thêm một đoạn của anh Lê Thanh Trường, để thấy “Gia đình”, tuy là chuyện buồn “ngày xưa”, vẫn rất có ích cho cuộc đời hôm nay:

“…Mặc dù nhiều nạn nhân cho đến giờ phút này vẫn còn run rẩy, vẫn không dám kể lại cho con cháu những tai kiếp của gia đình, nhưng chính sự tồn tại của họ – có không ít thành đạt nữa – đã biểu thị cho sức sống tự nhiên và mầm mống tư cách mà họ được huân dưỡng trong quãng thiếu thời ngắn ngủi. Những cuộc đời mang nặng ký ức oan khiên và tình thương nhớ người thân đã mất, họ không biết mình là những biểu trưng có thể sờ chạm được của một khái niệm: văn hóa. Nhìn ở góc độ đó, cuốn sách dường như đã bênh vực không chỉ sự bền vững của các giá trị nhân tính và gia đình, mà còn là sự di truyền lạ lùng của văn hóa. Cái hột mầm đó chưa bao giờ bị đập nát, nó chỉ cần được giữ gìn và gieo lại trên đất đai thích hợp.

Ý tưởng đó khi đọc “Gia đình”, thực sự là niềm an ủi cho ngày hôm nay. Có biết bao nhiêu hột giống cần om giữ cho một ngày mai làm xanh lại đám tro tàn.”

Tôi mượn vài đoạn trích trên đây thay vì thêm một lời cảm ơn Phan Thúy Hà. Nói là “thêm” vì mấy ngày qua, một nhà văn từng viết tiểu thuyết lịch sử thành công và con trai một bộ trưởng danh tiếng thời cụ Hồ mới lập quốc, sau khi đọc sách của Hà, đã nói với tôi: “Cảm ơn Hà nhiều lắm!...”.

ĐÔI ĐIỀU VỀ NGHỆ THUẬT VIẾT TRUYỆN “PHI HƯ CẤU” CỦA PHAN THÚY HÀ

Với sách “phi hư cấu”, hình như nhiều người cho điều quan trọng nhất là có bao nhiêu sự thật và tác giả trung thành với sự thật như thế nào. Ba cuốn sách của Phan Thúy Hà được chú ý vì chất chứa lớp lớp sự thật; nhưng không chỉ có thế. Được biết, tác giả từng làm biên tập viên văn học ở một nhà xuất bản chục năm, nên hẳn đã cân nhắc, lựa chọn cách viết cẩn thận làm sao để có thể truyền tải một cách hữu hiệu nhất các nội dung của sách.

Tác giả Lê Minh Hà, trên Facebook của mình thì nhận xét văn của Phan Thúy Hà “Giản dị tận cùng…lặn vào trong ký ức cùng người kể, không tô vẽ, không nống lên, không bình luận. Rất hay, vì rất đau”.

Còn nhà phê bình Đặng Tiến đánh giá cao chỉ với một dòng vắn tắt: “Văn của chị ấy đã tẩy trắng các biện pháp tu từ, lối viết nơi chị đạt tới “độ không”…”

Bạn đọc đã thấy phần nào những điều đó thể hiện trên các đoạn trích dẫn ở trên. Tôi đồng tình với hai ý kiến vừa dẫn, nhưng có lẽ vẫn cần bổ sung. Chữ “giản dị” có lẽ chưa làm bật nổi phong cách của Phan Thúy Hà. Rất nhiều người có cách viết giản dị. Có lẽ chỉ riêng Hà đã chọn lối viết những câu vắn tắt, nhiều khi cụt lủn, sai ngữ pháp, nhưng lại gần đúng nhất với cách kể chuyện nhiều đứt gãy của nhân vật, đúng cả với tâm tư chán chường, đang muốn quên đi của người kể. Những đoạn văn như thế khiến bạn đọc phải tưởng tượng, hình dung tình cảnh nhân vật và những điều họ không tiện nói ra. Và như thế, nói theo thuật ngữ văn chương, bạn đọc đã trở thành “đồng tác giả”; tác phẩm trở nên phong phú hơn, nhiều tầng hơn. Nhìn ở góc độ tâm lý, tác giả đã tiết chế cảm xúc của mình; khi đó, cảm xúc ẩn sau những câu cụt, trần trụi sẽ bùng lên, đọng lại lâu trong trái tim người đọc.

Quả là nhiều câu văn của Phan Thúy Hà “đã tẩy trắng các biện pháp tu từ, lối viết nơi chị đạt tới “độ không”…”; nhưng không phải trang nào cũng thế. Tác giả không ngần ngại bộc lộ cảm xúc, như sau khi bị “đuổi” khỏi căn nhà trong khu “gia binh” Thành Nội Huế: “… Mẹ và con giàn giụa nước mắt.” Trong truyện “Những cây dừa lão” về cuộc đời vợ chồng “chú Châm”, phép “tu từ” của tác giả là đặt những cảnh tương phản cạnh nhau để làm nổi bật sự trớ trêu của số phận; sau khi tả cảnh hai người sống chung với bốn con bò, vợ chồng thì “chưa khi nào làm việc đó”, tác giả buông một câu: “Ngôi nhà của cô chú giữa cánh đồng nhìn từ xa thanh bình yên ả.” Tuy vậy, liền sau đó, cô viết: “…Qua không biết bao nhiêu là cây cầu, tôi mới dừng lại được. Tôi gục mặt xuống bàn tay. Tôi khóc nấc lên.”

Tác giả không ngại bộc lộ cảm xúc. Và nỗi xúc động lập tức truyền sang độc giả. Vì họ biết tác giả không “diễn” qua cách miêu tả không thể chân thực hơn.

Với một tác giả chưa có nhiều kinh nghiệm trong “trường văn trận bút” và có khi ban đầu Phan Thúy Hà không hề có ý định “làm văn” khi bắt tay viết bộ sách “phi hư cấu” này, nên không khó chỉ ra những điều chưa làm bạn đọc vừa ý. Chân thật là phẩm chất vượt trội trong sách của Phan Thúy Hà, nhưng đôi chỗ lại trở thành nhược điểm, khi tác giả thật thà kể lại những việc không cần thiết, không gắn mấy với số phận nhân vật, khiến bạn đọc cảm thấy dài dòng, như đoạn đầu truyện “Những cây dừa lão”. Truyện số 1 (“Người bên sông Ngàn Sâu” – tập “Đừng kể tên tôi”) dài đến 100 trang, cũng có không ít đoạn kể những điều mà nhiều cuốn sách khác đã nói đến. Có thể tác giả tôn trọng lời người kể và… tiếc, không đành bỏ bớt những dòng chữ mà phải công phu mới có được. Và cũng có thể với một ông già trên 80 tuổi đã qua “chinh chiến” như tôi thì cảm thấy không mới, không cần thiết, nhưng với tác giả, với lớp trẻ hôm nay vẫn hấp dẫn và quan trọng. Nói cho công bằng, hình như người viết nào cũng “phạm” cái “lỗi” này. Đến như lão nhà văn Tô Hoài thầy tôi, trong cuốn sách “phi hư cấu” kể chuyện làm cán bộ khu phố, cũng có không ít đoạn tẻ nhạt mà tôi gọi vui là cỡ như thầy, mới dám “độn” vào…

Ba cuốn sách “phi hư cấu” của Phan Thúy Hà có đặc điểm mà tôi tạm gọi là “dây chuyền” – người này mách tác giả nên tìm đến người nọ; rồi người đọc cuốn này cuốn khác, gọi cho tác giả: “Tôi cũng có chuyện muốn kể với cô…”. Đại thể như vậy. Đó là niềm vui không đo đếm được của tác giả. Nhưng cũng là trách nhiệm. Và từ đó, chúng ta hy vọng sẽ được đọc tiếp những cuốn sách khác đầy ắp sự thật có sức làm thức tỉnh lương tri con người của Phan Thúy Hà. Với các nhà văn, bộ ba sách “phi hư cấu” của cô gái vừa chạm tuổi bốn mươi bên sông Ngàn Sâu là lời nhắc nhở rằng cuộc sống phong phú và số phận chìm nổi của ngàn vạn con người sống thầm lặng khắp nơi trên đất nước đang trông chờ các cây bút giàu tâm huyết tìm đến…

N.K.P.