Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

Vẻ bình thường mới mẻ

Đỗ Quý Toàn

Nhấn mạnh đến tính mới lạ của thơ có thể gây hiểu lầm rằng chỉ nói những điều kỳ lạ mới thành thơ. Không, đôi khi sự giản dị làm chúng ta kinh ngạc hơn. Ai cũng thuộc bài Mùa Thu Câu Cá của Nguyễn Khuyến; có lẽ chúng ta nên đọc lại đầy đủ:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo

Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Tựa gối ôm cần, lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Bài thơ làm cho ta kinh ngạc vì lời thơ sao mà trong veo, sao mà bình thường giản dị! Ai đã trải qua kinh nghiệm “gò” thơ Đường luật bảy chữ tám câu thì lại càng kinh ngạc; vì lối nói đơn sơ chân chất của Nguyễn Khuyến vẫn theo đúng niêm luật.

Trời đất, cỏ cây ở đâu cũng có. Chỉ có thi sĩ là khác nhau. Cả ngàn năm thi ca Việt Nam bao nhiêu người rung động về mùa thu, viết thơ mùa thu. Các nhà Nho đời trước ai cũng thuộc biết bao nhiêu bài Thơ Đường. Trong đó biết bao nhiêu bài về mùa Thu; rất dễ chịu ảnh hưởng vì những khuôn sáo cũ, thật khó thoát ra được.

Phải đợi đến Nguyễn Khuyến mới có một bài thơ “Mùa thu câu cá” đặc biệt do người Việt Nam viết cho người Việt Nam đọc. Những sự thật trong đó ai cũng thấy, ai cũng có thể thuật lại bằng lời cho chúng ta nghe. Từ gần hai thế kỷ nay, ai nói tiếng Việt cũng phải nhận đây là một tuyệt tác. Điều tuyệt diệu trong bài thơ này là mỗi câu thơ riêng lẻ có thể rất tầm thường, hầu như ai cũng viết được. Bất cứ một thi sĩ trẻ nào đang tập dùng vần điệu đều có thể viết câu: Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo. Nếu chúng ta dịch câu thơ trên ra ngoại ngữ để khoe rằng đây là câu thơ của một thi hào Việt Nam, chắc người ngoại quốc sẽ ngạc nhiên. Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo, có thi sĩ nào tả cảnh thu mà không viết được một câu như thế?

Vậy thiên tài thi ca của Nguyễn Khuyến nằm ở đâu? Chúng ta không thể tìm ở từng lời, từng câu, từng hình ảnh mà phải đứng xa ra, ngắm cả bài thơ như một toàn cảnh. Giống như một bức họa mà mỗi đường nét, mỗi vệt màu đều bình thường, nhưng toàn thể bức họa là một tuyệt tác. Hình ảnh và âm thanh bài Mùa Thu Câu Cá cho chúng ta cảm giác về những vật nhỏ bé, như những ngõ trúc, mặt ao, lá tre, làn sóng nhẹ. Toàn thể bài thơ cho chúng ta cảm giác của sự yên tĩnh, vì tất cả các chuyển động và các vật bất động đều êm dịu, đều lặng lẽ. Toàn thể bài thơ cho chúng ta cảm giác trong trẻo, vì bầu trời, làn sóng, gió nhẹ, mây xanh. Kết hợp được những cảm giác trong trẻo, yên tĩnh, nhỏ bé đó lại, Nguyễn Khuyến đã đưa ta về giữa một làng quê ở huyện Bình Lục, Hà Nam.

Pasternak nói: “Chỉ có sự bình thường là thực sự kỳ diệu khi được bàn tay của thiên tài chạm tới.” Bàn tay thiên tài của Nguyễn Khuyến đã làm bất tử một giây phút ngồi câu cá giữa ao thu làng quê ở Hà Nam. Liệu các bạn trẻ chưa bao giờ sống ở đồng quê Việt Nam có cảm nhận bài thơ đó như chúng tôi cảm hay không? Nếu họ thông tiếng Việt, đọc và nói tiếng Việt nhiều, tôi hy vọng họ vẫn cảm được các tiếng: “Trong veo, tẻo teo, vèo, xanh ngắt, vắng teo” như các vang vọng trong lòng tôi từ mấy chục năm nay. Nếu chúng ta dịch bài thơ trên thành văn xuôi, hay dịch ra tiếng nước khác, thì các cảm giác vang vọng trên chắc sẽ mất rất nhiều. Chất thơ của một ngôn ngữ, một nền văn hóa, đem sang ngôn ngữ khác sẽ biến đi. Như Robert Frost bảo cái gì dịch không nổi thì cái đó là thơ.

Bài thơ Mùa Thu Câu Cá tạo nên tiếng nói mới mẻ, chính vì, thứ nhất, các thi sĩ trước đó khi tả mùa thu theo lối Đường luật thường cố gắng bắt chước người xưa để trở thành cầu kỳ hoặc khuôn sáo quá; và, thứ hai, Nguyễn Khuyến không đi vào lối mòn đó nữa. Ông đổi “chủ điểm” của thi ca một thời đại, dẫn các thi sĩ đời sau đi vào một con đường mới.

Các thi sĩ đã cố gắng nhiều quá như thế nào? Bắt đầu là những bài thơ và từ của Đào Uyên Minh, Đỗ Phủ. Viết về Thu như hai vị đó thì tuyệt vời. Bao nhiêu thế hệ sau đó đã mang vào ngôn ngữ thi ca các hình ảnh gió thu, mây thu, hoa cúc, lá ngô đồng, cảnh người chinh phụ, cảnh tiễn đưa bên sông, sương trắng, núi lam, v.v.

Sau đó, các thi sĩ mầm non, và các thi sĩ suốt đời chỉ là mầm non, cứ thế đi theo lối mòn của các thi bá đời trước. Hễ viết về mùa thu là phải có hoa cúc, lá phong:

Giếng ngọc sen tàn…

Rừng phong lá rụng…

(Ngô Chi Lan, thế kỷ 15)

Cho đến thế kỷ 20 vẫn còn thi sĩ đi theo:

Gió thu hoa cúc vàng lưng dậu

(Xuân Diệu)

Trước cảnh thu về, tất cả mọi người, người làm thơ cũng như không làm thơ, ai mà chẳng xúc động? Xúc động rồi, tìm đọc, nhớ lại một bài thơ mùa thu cũ, thì lại vẫn bấy nhiêu hình ảnh: dậu cúc, rừng phong, rặng liễu, vân vân. Ngôn ngữ mới lạ ở thế kỷ thứ 7, thứ 10, thế kỷ 15, dần dần đã trở thành ngôn ngữ khuôn sáo, theo “program tự động hóa.” Không còn làm cho ai ngỡ ngàng cả.

Vì vậy, khi đọc Nguyễn Khuyến, ta gặp các tiếng “trong veo, gợn tí, đưa vèo, vắng teo…” đều là ngôn ngữ hoàn toàn Việt Nam, hình ảnh hoàn toàn Việt Nam, ta thoát ra khỏi cái chương trình tự động hóa. Không cần Đỗ Phủ, bỏ cả Đào Uyên Minh, chúng ta thấy lá tre, chiếc ao nhỏ, lối đi quanh co trong làng, cá đớp động chân bèo. Ra khỏi khuôn sáo, trở lại với ngôn ngữ thuần phác, chúng ta ngỡ ngàng. Phép đối ngẫu thường làm cho bài thơ luật thành ra gò bó; ở trong tay Nguyễn Khuyến thì lại như tiếng nói tự nhiên hàng ngày mà vẫn đối nhau chăn chắn. Càng ngỡ ngàng.

Chiếc lá thu rơi từ muôn ngàn năm vẫn thế nhưng mỗi thi sĩ, mỗi thời đại vẫn có thể giúp chúng ta nhìn thấy những chiếc lá thu như nhìn lần đầu. Tản Đà đã vẽ ra những chiếc lá thu bay qua tường hàng xóm, bay lại bay qua, để dẫn ta vào tấm lòng một người vợ chờ chồng. Lưu Trọng Lư đã dựng lên hình ảnh con nai vào rừng thu. Và không phải chỉ nhìn lá rụng, ông còn nghe âm thanh xào xạc dưới gót chân nai.

Muôn ngàn năm sau nữa, lá thu vẫn tiếp tục rơi trên mặt đất. Loài người vẫn tiếp tục xúc động. Và mỗi thi sĩ vẫn tiếp tục làm mới tiếng nói, để giúp chúng ta đọc lại thấy mỗi mùa thu đều mới, mỗi chiếc lá rụng giống như mới rụng lần đầu tiên.

Đọc một bài thơ về một tình huống khác

Lính đóng ven rừng

Giữa mùa nóng nực

Uống cạn hố nước

Thấy toàn đầu lâu

Thịt rữa đi đâu

Còn xương trắng nhởn

(Trần Đức Uyển)

Đây là một bài thơ tuyệt tác viết về chiến tranh, ở Việt Nam hay ở bất cứ nơi nào khác. Chỉ có một điểm khác lạ so với câu nói hàng ngày, đó là các câu thơ có vần (nực-nước; lâu-đâu), các vần ôm dùng để thắt chặt câu thơ vào nhau thành một khối. Lời rất giản dị, bình thường.

Độc giả có thể nói tính độc đáo trong bài này là do tính rùng rợn bất ngờ của hình ảnh đầu lâu hiện ra dưới hồ nước. Bất ngờ, rùng rợn không thôi chưa làm ra chất thơ. Quí vị có thể đọc một câu: “Tôi giắt khẩu súng vô túi. Rồi cầm tay nàng, đưa vào rừng.” Nghe cũng rùng rợn đấy chứ? Tha hồ mà tưởng tượng. Nhưng câu đó đâu tạo thành thơ được?

Chất thơ không phải ở các ý bất ngờ, hình ảnh rùng rợn. Mà phải ở ngôn ngữ. Hai câu đầu của Trần Đức Uyển cho thấy đời lính vất vả. Hai câu cuối là nỗi tang tóc của chiến tranh. Một nhu cầu bình thường, là nóng nực thì khát nước. Đầu lâu dưới hồ nước làm người ta suy nghĩ: kiếp người, đời lính, chiến tranh… Bao nhiêu là cảm hoài. Ghép các câu nói bình thường lại, để tạo ra bao nhiêu mối u hoài sâu thẳm, dư âm ngân dài mãi mãi. Đó là làm mới ngôn ngữ.

Anh có thấy không?

Hồi thơ tự do xuất hiện ồn ào (1955-57) nhiều người chỉ trích các nhà thơ viết cầu kỳ, bí hiểm, làm độc giả vất vả, bực cả mình. Nhưng bình tâm mà xét, thơ tự do vào thời đó, đọc lên lạ tai nhưng không có gì cầu kỳ. Thí dụ, thử đọc Thanh Tâm Tuyền:

Biển trập trùng hằng thế kỷ xưa

Người lên tiếng khóc.

Nói như vậy không giản dị thì thế nào mới giản dị? Phải chăng người ta muốn hai câu đó có liên hệ với nhau rõ hơn? Những chữ trong dấu ngoặc sau đây cố tạo mối liên hệ:

Biển trập trùng hằng thế kỷ xưa

(Tôi nghe thấy như), hoặc

(Trên tấm phông của biển đó), hoặc

(Vì biển trập trùng như vậy cho nên)

…………

Người lên tiếng khóc.

Những câu ca dao như vầy thì sao?

Chim quyên xuống suối tha mồi

Thấy em đau khổ đứng ngồi chẳng yên

Chim quyên tha mồi, rồi thấy em đau khổ! Hai câu này liên hệ thế nào với nhau?

Hay người ta muốn hai câu đó phải có vần, phải đúng luật bằng trắc:

Biển trập trùng hằng thế kỷ xưa

Người lên tiếng khóc (khóc như mưa)

(khóc u ơ)

(rất lâm ly)

Nhưng viết dài dòng như vậy mới là cầu kỳ, điệu bộ, rườm ra. Và chắc chắn không diễn đạt được cái điều giản dị mà thi sĩ muốn nói.

Biển trập trùng hằng thế kỷ xưa

Người lên tiếng khóc

Có những lối nói giản dị đến kinh ngạc như trong bài thơ “Phạm Văn Thông” của Quách Thoại tả cảnh chôn sống người, ngược đầu xuống đất:

Anh có thấy không

Hai chân nó trồi lên mặt đất kìa

Giữa khoảng đồng không

Anh có nhớ không

Lúc người ta bắt nó ngoài đồng

Thì nó vẫn còn sống

Đến khi nhận đầu nó xuống

Thì nó vẫn còn sống

Anh có nhớ không

Khi người ta lấp đất rồi

Thì nó vẫn còn sống

Anh có hiểu không

Khi người ta chôn nó rồi

Thì nó vẫn còn sống

Nó vùng nó vằng

Nó nghe nó ngửi

Nó nhai nó nuốt

Toàn đất là đất

Kìa nó cử động

Ngo ngoe hai chân không

Tôi tưởng còn nghe nó rống

Giữa khoảng ruộng đất im lìm đồng không

- Tôi tên Phạm Văn Thông

Tôi không.

Tôi không.

Tôi không.

(1956)

Những tiếng thét “Tôi không! Tôi không!” để riêng ra là những câu nói tầm thường hàng ngày. Nhưng đặt vào đúng vị trí đó, trong bài thơ đó, sau những câu, những đoạn, những âm thanh và hình ảnh trên đó, chúng ta bàng hoàng, như nghe tiếng sấm sét.

Tôi cũng nổi lên cảm giác bàng hoàng ngơ ngẩn như vậy khi đọc bài thơ “Chuỗi hạt bồ đề Thái Lan” của Nguyễn Bá Trạc trong Ngọn Cỏ Bồng (1985). Năm, sáu dòng cuối cùng của bài thơ chỉ là những câu niệm Phật quen thuộc sau mấy đoạn thơ kể truyện theo lời một em bé đã gặp hải tặc trên đường vượt biển. Cũng là tiếng sấm sét. Đọc mà muốn bật khóc.

… Bọn cướp biển Thái Lan lột truồng tất cả

mọi người trên tàu để khám xét cướp bóc

xong chúng ngả rượu ra

bảo những người trần truồng ngồi xuống ca hát

cho chúng uống rượu chơi

Tôi hỏi vậy các cháu có hát không?

Các cháu nói lúc đầu cũng mắc cỡ nhưng

mọi người đều hát

chúng cháu cũng hát

Tôi không hỏi họ đã hát những bài gì

để giúp vui bữa tiệc

Đêm hôm nay tôi lần chuỗi hạt bồ đề này

Chuỗi hạt làm ở Thái Lan cả thảy có 110 hạt

Tôi niệm:

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô bổn sư Thích ca Mâu Ni Phật

Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ tát

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Đọc một “đoạn” thơ của Chân Phương gần đây hơn:

Thi nói tiếu lâm giữa sa mạc

#

ngoài tôi ra không ai tham dự

#

kể xong

tôi khóc một mình

Ngắt riêng từng câu ra, không khác gì câu nói bình thường mỗi ngày. “Ngoài tôi ra không ai tham dự,” đó là một lời tường thuật theo lối văn nhà báo. “Kể xong – Tôi khóc một mình” Đó cũng là văn nhật báo.

Những cả đoạn thơ của Chân Phương làm chúng ta bàng hoàng. Bàng hoàng như khi ngắm một bức tranh, khi coi một vở kịch, một đoạn phim. Bàng hoàng vì tính hài hước và bi thảm của màn kịch ngắn. Chính ngôn ngữ bình thường làm chúng ta bàng hoàng, ngôn ngữ bình thường làm nổi bật tính bất thường trong câu chuyện kể vắn tắt, vì thế bi đát và khôi hài hơn.

Chúng ta có thể nói rằng Quách Thoại, Chân Phương, Nguyễn Bá Trạc dùng cách nói năng của ngôn ngữ hàng ngày, nhưng làm thành lạ lẫm vì nhịp điệu của các câu thơ tự do, vì phá vỡ các âm luật làm thơ thông thường.

Rất nhiều thi sĩ không “phá vỡ” lề lối thơ cũ đến như vậy, có thể họ vẫn tôn trọng âm điệu bằng trắc, hay vần, mà chỉ dùng các cú pháp mới, cách ghép các từ ngữ, hình ảnh mới mà thôi.

Thí dụ mấy câu thơ Du Tử Lê:

Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngát lạnh

Con dế buồn tự tử giữa đêm khuya

Bầy sẻ cũng qua đời lặng lẽ

…………

Em ở đó bờ sông còn ấm cát

Con sóng tình vỗ mãi một âm quên

Mới đọc qua chúng ta không thấy một ngôn ngữ nào kỳ lạ. Đọc lại lần nữa, chúng ta sẽ thấy vài hình ảnh: mắt em mát lạnh, con dế buồn tự tử, bờ sông còn ấm cát, tiếng sóng vỗ như một âm thanh đã quên… Đọc lại nhiều lần, chúng ta thấy cả những hình ảnh trên cũng không còn lạ lẫm nữa. Có cái gì khiến chúng ta phải dừng lại ngẫm nghĩ, như đi qua vườn phải dừng chân ngắm nghía một bông hoa lạ. Tại sao “bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ”? Tại sao có cả mắt em ngát lạnh (ngát lạnh là xúc giác hay khứu giác?) cùng với bờ sông cát còn ấm, và “con sóng tình vỗ mãi một âm quên”? Con dế thời thơ ấu, con dế mèn suốt trong đêm khuya hát xẩm không tiền, bây giờ con dế đã tự tử, bày sẻ đã qua đời, mắt lạnh hắt hiu và âm thanh đã quên lãng. Tất cả các cảm xúc và hình ảnh, và hồi ức đó, dâng lên cùng một lượt, như một bức tranh, một đoạn phim. Đằng sau các ngôn ngữ đó là một cõi lòng mà nếu chia cắt các câu, các từ ngữ ra, ta không thấy được. Cái lạ ở đây không nằm trong kỹ thuật. Cái lạ bắt nguồn từ trước khi ngôn ngữ thốt lên. Chính cách sống, cái nhìn, cách xúc động mới, dù lồng trong hình tướng cũ của ngôn ngữ, đã tạo ra thơ.

Ezra Pound nhận thấy mỗi đời có một vài nhà thơ thiên tài nhìn thấy một cái gì mới phải biểu hiện ra… Rồi sau đó có vài chục, vài trăm hay vài ngàn người biến chế, pha loãng, hay lập lại. Ezra Pound chia các nhà văn, nhà thơ ra làm sáu loại (How To Read, 1928)

Thứ nhất là những người khám phá, phát minh (the inventors). Tác giả của những bài ca dao, bài hát dân gian đã tạo ra các thể cách nói năng mới! Ai đã viết những dòng thơ song thất lục bát đầu tiên, các bài “thơ mới,” “thơ tự do” đầu tiên? Trong văn học Tây Phương Pound đã kể tên các thi sĩ Arnault Daniel, Cavalcanti, người viết tiếng Provence, người làm thơ tiếng Ý. Dương Quảng Hàm nêu thí dụ Kinh Thi và Sở Từ trong dòng văn học Viễn Đông. Kinh Thi cũng là một tuyển tập ca dao.

Thứ nhì là các bậc đại gia (The masters), đã thấm nhuần phong cách của những nhà sáng chế (inventors), họ mang vào tiếng nói cá tính và biệt tài của mình, đẩy thơ văn đến một trạng thái hoàn thiện, phát triển đầy đủ các khả năng của phong cách mới.

Thứ ba là những người pha chế (The diluters), theo gót các đại gia hay các nhà phát minh, với một cường độ thấp hơn, biến hóa và phổ biến một ngôn ngữ đã thành hình.

Rồi tới các loại văn sĩ, thi sĩ đông đảo, viết những tác phẩm kha khá, tạo được các phong cách kha khá.

Sau đó là các nhà làm văn chương (Belles Lettres) phát triển một thể loại có sẵn đến mức độ mĩ miều hơn.

Sau cùng, các tác giả hạng sáu, tạo ra được một dư hưởng kéo dài vài chục năm hay vài thể kỷ, rồi chìm vào quên lãng. Hai loại trên cùng đều dễ nhận ra, những loại sau thật cũng khó phân biệt. Nhưng đọc tác phẩm của các đại gia hay các nhà chế biến, chúng ta đều có thể học hỏi, tập nhiễm được cách nói năng và mức bén nhạy của tâm hồn. Các nhà viết khéo, làm văn chương tài tình bóng bẩy, cũng giúp cho người đọc thấy và học được những khả năng của ngôn ngữ mình đang dùng.

Nếu ở một thế hệ nào đó, các thi sĩ không làm mới nữa, thì ta phải lo ngại. Bộ chúng ta cứ sống y như các cụ tổ trên bàn thờ hay sao? Lâu lâu chúng ta cần các thi sĩ… kỳ cục. Họ làm mọi người bỡ ngỡ, lạ lùng, và bị rất nhiều người phản đối. Vì trong đám các thi sĩ dị kỳ đó, sẽ thấy nổi lên một, hai thiên tài. Lúc đầu có thể ta không nhận ra ai là thiên tài, ai là điên khùng. Người điên nói chỉ mình họ hiểu. Thiên tài sẽ mở được một vài cửa sổ nơi người đọc, và với thời gian sẽ mở thêm, mở thêm nơi nhiều người khác. Và dần dần người yêu thơ sẽ đón nhận, sẽ thay đổi cách nói, cách sống. Rồi đến lượt đại chúng, trong đó phần lớn chẳng quan tâm đến thơ, chẳng có nhu cầu đọc thơ bao giờ. Đại chúng cũng sẽ thay đổi theo, dù họ biết hay không.

Các nhà thơ lớn có thể ảnh hưởng đến hội họa, đến văn xuôi, đến lời ca các bản nhạc. Cũng như một họa sĩ lớn có thể tạo ra các thi sĩ mới, tiếng thơ mới, thời trang mới. Đại chúng có thể tiếp nhận một cách gián tiếp, ở vòng ngoài. Jakobson đã nhận thấy thơ thời Phục Hưng ở Âu Châu chịu ảnh hưởng của hội họa, thơ thời Lãng Mạn thì hướng về nền âm nhạc lãng mạn. Thơ tự do ở Việt Nam đã đi ngược chiều, các nhà thơ đã thay đổi cách đặt lời ca của thế hệ các nhạc sĩ tiếp thụ kịp thời. Lời hát mới đưa mọi người đến cách suy, cảm mới. Cả cách viết văn xuôi cũng khác trước, nhờ ảnh hưởng thơ tự do.

Khi nói thơ ảnh hưởng đến văn xuôi, chúng ta sẽ nghe nhiều người hỏi: phân biệt thơ và văn xuôi như thế nào? Thơ tự do làm cho sự phân biệt khó hơn trước.

Nguồn: https://www.diendantheky.net/2020/08/o-quy-toan-ve-binh-thuong-moi-me.html