Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Văn học miền Nam 54-75 (673): Xuân Vũ (kỳ 17)

XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG SƠN

17

Tôi không ngờ bên cạnh tôi có một ông bác sĩ Trung Hoa. Không biết ông ta đi đâu đây mà lại sốt nằm lê mê. Cùng đi với ông bác sĩ này có một ông khu ủy viên và một toán cần vụ nam có nữ có. Sở dĩ tôi biết được chuyện này là vì một hôm ông bác sĩ Trung Hoa kia đi ngang qua lều tôi và thấy Thu ngồi xem quyển sách của tôi ông ta dừng lại và nói chuyện với Thu bằng những tiếng Việt Nam khá khá mà có lẽ ông học được trước khi lên đường sang đây công tác. Ông ta hỏi thăm Thu và Thu đã giới thiệu tác giả của quyển sách. Ông ta cho biết quyển sách của tôi đã được dịch và xuất bản ở Bắc Kinh. (Nhưng tôi không được xu nào). Ông cũng tự giới thiệu ông ta là bác sĩ. Ông ta đi sang bên này để nghiên cứu sốt rét giúp cho Mặt Trận Giải Phóng. Ông ta vui vẻ nói thêm và trỏ mặt mũi, da thịt của ông ta đã xơ xác và ngoách ra vì những cơn sốt rét liên miên. Ông ta nói:

- Muỗi Trường Sơn độc lắm. Bị đốt chừng vài mũi là sốt ngay.

Tôi nói:

- Diệt được sốt là thắng trận.

- Muỗi a-nô-phen đáng sợ hơn bất cứ thứ gì trên trái đất. Thế mà các anh vừa chống muỗi vừa đánh nhau thật là giỏi chịu đựng.

Tôi cười, gật gật đầu tỏ vẻ hưởng ứng lời khen đó của ông ta. Nhưng sự thực thì trong thâm tâm, tôi đã tự bảo: “Lại gặp các cha đại tếu nữa rồi.”

Tôi đã từng nghe những lời khen na ná tâng bốc tới trời như thế của những đồng chí ngoại quốc đàn anh. Đại khái là khen những người miền Nam là thần thánh. Họ sang Việt Nam một tuần lễ là phải mang vợ theo rồi, còn người Việt Nam (nói rõ hơn người Nam Bộ) đi tập kết mười năm để vợ ở nhà mà vẫn chịu được.

Bây giờ tôi lại gặp sự tếu đó tái hiện lên ở trên dãy Trường Sơn này.

Tôi hỏi:

- Đồng chí sốt mãi như vậv sao?

- Không sao, tôi đấu tranh qua hết.

- Đồng chí uống thuốc gì?

- Uống thuốc thì ít, nhưng đấu tranh tư tưởng thì nhiều.

Ông bác sĩ đang nói chuyện với tôi thì có hai người thanh niên người Thượng tới. Đó là những người trong toán cần vụ của ông ta đi tìm ông ta về vì sợ ông ta đi lạc.

Một anh to tướng thân hình lực lưỡng như võ sĩ. Đặc biệt cặp chân rất to, bắp chân và đùi to bằng nhau. Một anh có cái quai hàm gần vuông như thước thợ. Hai anh mời ông bác sĩ về. Nhưng ông bác sĩ tỏ vẻ thích thú vì đã gặp tôi. Ông ta nói với tôi và trỏ vào quyển sách:

- Quyển sách này chúng tôi đã xuất bản ở Bắc Kinh, không ngờ hôm nay tôi được hân hạnh gặp tác giả! Tôi muốn mời đồng chí chụp với tôi một tấm hình và ta ghi sổ lưu niệm với nhau.

Ông bạn Tàu tỏ vẻ rất thành tâm. Nhưng tôi chỉ nhận có một điều là ghi lưu niệm. Ông ta viết cho tôi đặc nghẹt một trang giấy, còn sự chụp hình thì tôi từ chối vì mặt mũi của tôi thế này thì chẳng hay ho gì mà chụp với nôm!

Tôi còn đang loay hoay ghi lưu niệm thì anh quai hàm vuông đã bắt chuyện với Thu mà tôi nghe loáng thoáng là việc đổi đồ để lấy đường.

Tiếng “đường” làm cho tôi mất hết tinh thần để ghi lưu niệm cho ông bạn vàng.

Những người giao liên Thượng trên đường này là những tay súng, những thớt vơi. Họ tải đồ như voi, họ leo núi như sóc và họ không ăn gì ngoài nắm cơm với tro, hoặc muối và vốc nước suối mà uống ngon lành.

Mỗi người mang một lúc sáu quả DKZ mỗi quả vừa vỏ vừa ruột nặng mười lăm kí lô. Nhưng đó cũng chưa phải là những kiện tướng, những kiện tướng đeo nặng hơn thế vài... chục kí-lô. Và có điều rất đặc biệt là những người được bầu làm kiện tướng thì không được thưởng cái gì cả ngoài hai chữ kiện tướng. Có những người gùi cả gùi đường cát về cho bệnh nhân, nhưng không bao giờ họ nếm một miếng đường.

Họ không ăn đường, không biết vị ngọt là gì, không thèm ngọt bao giờ. Cho nên họ gạ Thu đổi đường.

Hai anh giao liên người Thượng dẫn ông bác sĩ Tàu về. Đi ngang một lạch suối, tôi thấy anh võ sĩ khom lưng, ông bác sĩ leo lên và anh võ sĩ lội một mạch qua suối rồi đi khuất.

Chập sau hai anh trở lại, mỗi người một gói đường trên tay. Chuyện mặc cả bắt đầu. Tôi thú thật rằng tôi muốn giật phăng lấy trút hết vào mồm nuốt trửng hết ngay. Vậy mà tôi phải bình tĩnh, coi như mình xem đường không có nghĩa gì. Anh quai hàm vuông hỏi:

- Các anh có cái gì đổi?

- Khăn, quần, áo, cái gì cũng có. Tôi đáp. Tôi đã dằn lấy tôi, nếu không thì tôi đã nói phứt ra rằng: “Đổi cả tôi cũng được!”

Nhưng Thu đã bảo:

- Đường đâu, đưa cho tôi coi!

Mỗi anh đưa cái gói đường của mình ra. Cái gói bằng giấy dầu, ràng buộc rất kỹ. Nhiều chỗ đường đã ướt thấm ra ngoài ngon lành như mật ong. Tôi nói với Thu:

- Thế là vừa đủ cho hai đứa.

Tôi soạn cả ba-lô quần áo, lớp cũ, lớp mới, còn lại sau cái trận đổi gà chó trong sóc cùng đi với Việt, cốt sao cho hai anh người Thượng này tìm được một món đúng ý thích ngay.

Anh có quai hàm vuôn trông thấy cái khăn sọc vừa xanh vừa đỏ của Thu, anh ta chớp lấy đưa lên mắt xem giũ giũ rồi quấn ngay lên cổ, và đưa ngay gói đường cho Thu.

Hai người nói với nhau bằng tiếng của dân tộc họ, reo mừng tỏ ý hoan hỉ vì có được một cái khăn như thế. Anh quai hàm vuông cứ cúi xuống ngực nhìn cái chéo khăn cười lên sung sướng, xong lại cởi ra cầm trên tay căng ra đưa ngang mắt rồi giơ lên soi với ánh mặt trời. Anh thanh niên võ sĩ giật lấy ướm thử vào cổ. Xong anh nói câu gì. Anh quai hàm vuông phản đối và giật lại ngay. Có lẽ anh kia bảo anh này nhường cái khăn lại cho, nhưng anh này không đồng ý.

Đó là cái khăn vải thôi hạng bét của nhà trường phát cho mỗi đứa một vuông không biết để làm gì.

Tôi trỏ cho anh thanh niên võ sĩ cái mớ đồ của tôi, nhưng anh không chú ý mà cứ đưa mắt theo cái khăn đã cuộn chắc trên cổ của anh bạn kia một cách thèm thuồng.

Tôi cầm lấy chiếc khăn lông trắng nuốt của tôi căng thẳng tay ra và đưa ra trước mắt anh. Chiếc khăn có thể làm chăn đắp được thế nhưng anh ta không buồn xem. Anh ta hỏi tôi:

- Anh không có khăn à?

- Thì khăn đây, còn khăn gì nữa? – Tôi hơi cáu.

- Không, chiếc khăn kia kìa.

- Trời ơi! Chiếc khăn lông này giá trị gấp mười chiếc khăn sọc kia mà anh!

- Tôi không ham chiếc khăn nớ.

- Tại sao? Anh có thể dùng nó trong rất nhiều việc, quấn cổ rất ấm, tắm xong rồi lau, đêm ngủ đắp ấm.

Mặc dù tôi giải thích cặn kẻ như vậy, nhưng anh thanh niên vẫn lắc đầu:

- Tôi muốn chiếc khăn kia!

(Về sau tôi mới biết thêm rằng họ tắm xong đâu có cần lau chùi gì, họ không lạnh, cần gì khăn quấn cổ hoặc đắp trong lúc ngủ?)

Thấy tôi bí lối, Thu hỏi:

- Còn chiếc khăn của trường phát cho anh đâu rồi?

- Anh vứt đi rồi!

- Anh thiệt!

- Mang một mảnh vải như vậy để làm gì?

- Thì để làm gì anh thấy đây này.

- Ai mà biết. Hằng trăm việc lớn còn không ngờ được, huống chi việc này.

Anh thanh niên vẫn không thay đổi ý định. Anh ta cứ nhìn khăn trên cổ anh bạn kia một cách thèm thuồng. Thì ra anh ta thích màu mè loè loẹt, chứ tính ra giá thành thì cái khăn sọc kia chỉ đáng giá một phần mười của cái khăn lông.

Tôi bực quá nhưng biết rằng không thể giải thích được cho anh ta nghe. Đó là sở thích của cả một dân tộc. Tôi bèn lôi món đồ đắt giá nhất trong ba-lô tôi ra, cái áo len màu sô-cô-la giá bằng một trăm cái khăn sọc kia trao cho anh thanh niên võ sĩ và nói:

- Tôi đổi cho anh đấy!

Nhưng anh thanh niên chỉ nhận lấy một cách miễn cưỡng. Anh nâng ngang mắt rồi căng ra giờ lên trời xem. Anh bạn kia cũng bước lại. Cả hai cùng ngắm nghía. Xong cả hai lại nói tiếng dân tộc của họ, rồi quay sang tôi, họ bảo:

- Áo rách hết!

Tôi và Thu cười:

- Áo mới mà!

- Đâu mà mới.

- Chịp! Khổ quá. – Tôi nói – Áo tôi mới đan để đi Nam mà. Rách đâu mà rách?

Anh thanh niên võ sĩ nói:

- Cái áo rách nhìn thấy ông trời mà! Đây anh chị lại đây coi.

Thu đem hết sự thông minh của nàng ra để giải thích cho hai anh hiểu rằng đó là len, nó thưa thớt như thế, nhưng nó đắt giá lắm. Nhưng hai anh đâu có cần đến cái “áo rách” nhìn thấy ông trời đó! Nếu tôi dè họ thích khăn sọc thì tôi đã không mang cái áo len và cái khăn lông kia ra.

Cuối cùng anh thanh niên đành nhận chiếc khăn lông mà trao cho tôi gói đường.

Tôi biết càng đi vào càng khốn khổ, cái mồm càng khô, cái bụng càng lép, cho nên đổi cho được gói đường.

Tôi hỏi:

- Đường của anh à?

- Của tôi, tôi không ăn!

- Tại sao anh không ăn?

- Tôi không biết!

- Anh không ăn bao giờ à?

- Không.

- Anh đi theo ông kia (ông bác sĩ Tàu) để làm gì?

- Để dắt đường, để cõng ổng leo cái dốc, để cõng ổng qua cái suối, để mắc cái võng cho ổng nằm, để nấu cơm cho ổng ăn.

- Còn làm gì nữa hết?

- Để giặt cái quần cái áo cho ổng mặc!

- Để che cái máy bay bắn.- Anh thanh niên quai hàm vuông đáp – Máy bay bắn là phải che.

Tôi hỏi tiếp:

- Máy bay nó ở trên trời che làm sao được?

- Nó bắn tành tành chớ! Lúc đó mình phải đưa cho ổng vô hầm rồi mình ngồi ngoài miệng hầm. Nó có bắn thì trúng mình trước.

À, ra che máy bay là thế đó!

Năm Cà Dom đi đâu về, thấy tôi đang soạn đồ đạc trong ba-lô ra như người Do Thái bày hàng ra bán ở vỉa hè. Tôi chưa kịp thuật với Năm Cà Dom chuyện đổi đường vừa qua thì Năm đã reo lên:

- À đây rồi!

- Cái gì?

- Trời đất, nếu hổm rày mà tớ biết cậu có cái này thì tớ sẽ kiếm đồ ăn lia lịa. Sao mà kính miệng quá vậy?

Năm Cà Dom vồ lấy cái máy ảnh của tôi, cái món đồ mà lâu nay tôi cũng không còn nhớ rằng tôi mang nó trên lưng. Lâu lâu, tôi lại thấy nó nặng nề như cục sắt, tôi muốn vứt nó đi, hay nói đúng hơn, tôi muốn đổi nó với giá một lon muối.

Tôi bảo Năm:

- Nhúng nước suối, dầm nước mưa, nó hỏng mất rồi!

- Sụyt! – Năm Cà Dom xua tay lia lịa. Đừng nói, đừng nói!

Rồi Năm Cà Dom rỉ tai tôi:

- Làm ăn được như thường không sao đâu.

Tôi hiểu ý của Năm rồi. Đây cũng là một cái ngón nghề.

Năm Cà Dom nói:

- Cậu không biết chớ ở Hà Nội có một thằng cha bác sĩ chích ống không cho thân chủ, vậy mà không ai phát hiện được. Ở ngoài đó, không có một phòng mạch nào của bác sĩ làm riêng tư cả. Vậy mà hễ có bác sĩ lén làm riêng là họ chơi cái kiểu đó, làm sao bệnh nhân sống nổi?

Năm Cà Dom tiếp:

- Có cái máy ảnh này thì tớ bảo đảm thức ăn cho cậu hằng ngày.

- Ở xưa này có ai chụp làm gì?

- Cậu không có nghiên cứu tâm lý. Chính trong cái cảnh này người ta mới ham chụp hình. Có một tấm hình để làm kỷ niệm về cuộc đời “cách mạng” chết đói của mình, hiểu không?

Tôi nói:

- Nhưng phim đâu còn mà chụp?

- Tớ đã bảo, chậc… không có cần mẹ gì hết. Cứ đưa cái máy ảnh đây cho tớ, tớ làm sao thì làm miễn có ăn thôi! Tớ đã tổng kết rồi! Thằng lớn thằng nhỏ đều thích chụp hình cả.

Thật là ghê gớm. Một cái anh lương thiện như Cà Dom mà cũng sanh ngụy. Ở đây, ai làm được gì để sống, để khoẻ thì cứ làm, không có kể lập trường lập bò gì cả.

Có lẽ cái con người “giữ lập trường” bền bỉ nhất là ông Chín. Và người thứ hai là ông bác sĩ Tàu đi nghiên cứu chữa bệnh sốt rét Trường Sơn. (Nghe đâu có một ông bác sĩ khác cùng đi với ông, bị sốt ác tính đem về Hà Nội không kịp chết giữa rừng. Người ta giấu kỹ lắm)

Nếu ông Chính mà gặp ông bác sĩ Tàu vừa nói chuyện với tôi khi nãy có lẽ đó là một cuộc đàm thoại vui nhất thế giới. Tôi đã bàn với Năm Cà Dom nếu còn ở lại đây lâu tôi sẽ đạo diễn cái màn “hát chập” đó.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=vuot%20truong%20son%202%20%20%20xuong%20trang%20truong%20son&page=17