Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

Giáo sư Kê truyện (kỳ 1)

Trần Thanh Cảnh

Là dân làng Ngọc xứ Kinh Bắc, từ một gã ất ơ, dốt như bò nhưng xuất thân từ một gia đình truyền đời lảm mõ – một thứ tay sai của làng chốn đình trung thời phong kiến đế quốc – Giang Đình Kế, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, được nhà nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa cho sang tổ quốc của Lenin vĩ đại du học. Sau vài năm, với thành tích đi buôn là chính còn kiến thức khoa học là con số không tròn trĩnh, Kế hồi hương, vinh quy với tấm bằng ... hữu nghị. Thứ học vị này, nói như cửa miệng dân gian là, cứ dắt một con bò sang xứ sở Bạch Dương, sau khi về nước nó cũng trở thành phó tiến sĩ. Cùng với trò láu cá, khôn vặt di truyền của các bậc tiên liệt nghề “gõ thớt”, Giang Đình Kế chẳng những đổi được tên thành Giang Đình Kê mà còn trở thành giáo sư tiến sĩ Viện trưởng Viện Hàn Lâm Súc sản nổi tiếng cả nước vì công nghệ “lò ấp” ông nghè giấy. Tuy nhiên, sự nghiệp vĩ đại có một không hai trên đời đối với GSTS Kê Gà đáng kính là, đào tạo được hai gã con trai, một nghĩa tử, một đích tử đều là thành phần bất hảo, nhưng lại là chính khách đảm nhiệm các chức vụ trọng yếu quốc gia. Có con trai đứng đầu Nhà Đỏ và Nhà Trắng, Kê Gà nghiễm nhiên trở thành “Đương đại Quốc sư”, tiền nhiều, gái lắm, và chuyên sản xuất những “lời hay ý đẹp” ban phát cho thiên hạ khắc vào bia đá bảng vàng...

“Giáo sư Kê truyện” là một thiên tiểu thuyết hoạt kê đầy chất phúng thích về một hiện thực đáng báo động ở xã hội Việt Nam đương đại. Đó là sự lạm phát học vị học hàm xuất phát từ thói háo danh của tầng lớp quan chức dốt nát, tầm văn hóa thấp nhưng lại hợm hĩnh kiêu ngạo đến độ kệch cỡm. Cùng với sự thiếu hụt về nhân cách làm người, lũ quan chức trong truyện còn là những thực thể tham nhũng có tổ chức. Chúng câu kết với nhau tạo nên những băng nhóm tội phạm, nhân danh pháp luật tàn phá đất nước, làm băng hoại kỷ cương phép nước, là nguyên nhân của những bất ổn xã hội.

Văn Việt xin trân trọng giớ thiệu với bạn đọc toàn văn tác phẩm này của nhà văn Trần Thanh Cảnh.

Văn Việt

Vì sao Kế thành Kê hay câu chuyện cuộc đời Giáo sư Kê-Gà

1. Hôm nay, Giáo sư Kê phải sang làng Ao Xá dự lễ tế thành hoàng, nên ngài dậy từ sớm. Mới khoảng năm giờ sáng, mà ngài đã lục đục chuẩn bị đầu tóc, quần áo, giày tất… Đóng bộ complet chỉnh tề, đứng trước gương soi. Tự cảm thấy hài lòng với mình. Vẫn phong độ lắm. Ngài xịt tí keo lên mái tóc thường xuyên được nhuộm đen nhức, rồi dùng lược chải hất ra đằng sau, bóng mượt. Ngài ngắm nghía dung nhan lần nữa và lẩm bẩm một mình: “Kính thưa ngài Giáo sư Kê, à không, Giáo sư Gà! Thay mặt toàn thể dân làng Ao Xá, nhiệt liệt chúc mừng và cám ơn ngài…”. Hài lòng. Ngài đi sang làng Ao Xá.

Thật ra, họ và tên đầy đủ của ngài là Giáo sư Tiến sĩ Giang Đình Kế. Có điều, ngay từ buổi đầu tiên đến lớp vỡ lòng của thày giáo Hà, ngài giáo sư tương lai đã bị nhầm tên, Kế thành Kê. Kể ra thì cái sự nhầm ấy cũng dễ giải thích, hai chữ ấy khác nhau mỗi dấu sắc. Mà tay thư ký, khi làm giấy khai sinh cho con ông chủ tịch uỷ ban, lại hứng khởi sao đó, viết kiểu chữ phăng-tê-di (Fantaisie) Nên dấu má chả đâu vào đâu, khiến các thầy cô ở các lớp học sau này nhầm loạn hết cả lên, cứ Kê mà gọi.

Nhưng ở nhà thì không có nhầm nhọt gì hết. Kế là con thứ sáu, út của ông chủ tịch Giang Đình Khánh. Khi Kế sinh, ông Khánh đã nắm chức chủ tịch uỷ ban. Dân làng Ngọc quen miệng, gặp Kế cởi truồng tồng ngồng chơi với đám trẻ con ngoài đường, hay sờ chim Kế và khen: “Cu Kế con mõ Khánh chim to đáo để”. Chả là hồi còn phong kiến, họ Giang trong làng Ngọc truyền đời làm mõ. Và với người làng Ngọc thì chim to rất quan trọng, chả thế đã có câu, “chim to không lo chết đói”.

Chuyện làm mõ làng thì có rất nhiều người kể rồi. Đến cả trong chèo “Quan Âm Thị Kính”, cũng tả một hồi dài về cái sự làm mõ. Dân làng Ngọc hay có câu cửa miệng là “tham như mõ”, để nói về cái sự ăn tham, ăn bẩn… Nói tóm lại là, không vẻ vang gì. Chủ tịch Khánh nghe dân làng cứ xách mé mõ Khánh, mõ Khánh… thấy nóng mắt. Mặc dù chính cái lý lịch ba đời làm mõ ấy, nó đã đưa Khánh lên chức to nhất làng. Chủ tịch Khánh liền ra lệnh cho “quân, dân, chính, đảng”, tiến hành một đợt học tập xây dựng đời sống văn hoá mới, đi đứng, nói năng cho phép tắc, văn hoá cao… Mấy tay chậm tiến bộ trong làng, quen thói nói năng bạt mạng vô tổ chức, bị chủ tịch Khánh cho dân quân điệu ra uỷ ban, bắt thức đêm làm bản kiểm thảo, muỗi đốt cho sưng chân to như chân voi. Khiếp quá. Cạch đến già. Từ sau đó trở đi, cả làng, không ai dám gọi mõ… mõ… nữa.

Kế ra đời lúc đất nước đã thanh bình, lại là con ông chủ tịch uỷ ban nên cũng sướng. Tuy có hay bị nhầm lẫn Kế với Kê, nhưng đấy chỉ là tình tiết nhỏ nhặt không đáng lưu tâm. Vấn đề chính là Kế học cũng khá. Năm nào cũng học sinh tiên tiến, cũng được phát thưởng. Chủ tịch Khánh mát mặt lắm. Hết phổ thông, Kế thi vào Đại học Nông nghiệp, theo sự áp đặt của bố, mặc dù Kế khá văn, muốn thi vào Tổng hợp: “Mày ngu lắm con ạ, nước ta bây giờ, nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, học trường ấy ra mới có nhiều cơ hội phát triển. Mày học Tổng hợp Văn để định đọc thơ văn trừ bữa hay đi cạo giấy mà ăn à?”.

Thế là Kế đi học Trường Đại học Nông nghiệp.

Cũng lạ là, ở nhà trường đại học hẳn hoi, nhưng vẫn nhầm Kế thành Kê. Cứ phải đính chính mãi đâm chán, thì Kê cũng chả sao. Tốt nghiệp, Kê được phân công về “Viện nghiên cứu Cây Con”. Chuyện tình yêu rồi chuyện gia đình của Kê cũng chả có gì đáng nói. Nó cũng bình thường như mọi câu chuyên tình thời xưa thôi. Có nghĩa là một hôm đẹp giời, Kê về nhà thì bố bảo: “Nhà ông Bôi, bạn cùng hoạt động với tao, có cô con gái làm ở Tài chính, nghe hợp với mày. Đến đó mà tìm hiểu rồi cưới vợ”.

Ba tháng sau, Kê cưới vợ.

Sáu năm sau ngày cưới, vợ chồng Kê đẻ đủ hai đứa con, theo đúng qui định về sinh đẻ kế hoạch.

Bây giờ Kê chỉ còn tập trung vào lo phát triển sự nghiệp. Ông bố Kê bảo: “Làm cái thằng đàn ông thì phải có công danh, sự nghiệp”.

Sự nghiệp của Kê ở Viện nghiên cứu, nghe chừng cũng không khá lắm. Lần thì được trên giao cho chủ trì đề tài lai giống giữa dưa lê và bí ngô. Kết quả là một loại cây nửa dưa nửa bí, quả không ra tròn không ra méo, nhưng mà năng suất cao cực. Có điều là cái thứ cây quả ấy, nông dân chả nơi nào dám trồng, vì ăn vào, đến trâu cũng đau bụng mà chết. Một lần khác, Kê lại được giao làm chủ đề tài lai giống giữa chó và lợn. Định tạo ra một giống khôn như chó mà lại chóng lớn như lợn, nuôi không cần chuồng và người trông nom. Kết quả, một giống súc vật trông như yêu tinh ra đời, ba đầu, sáu chân với mười hai con mắt… Kê buồn quá, nghĩ mình chả làm nên cái sự nghiệp gì. Mình con nhà thành phần cơ bản, cũng tốt nghiệp trường lớp chính quy như ai, lại rất thấm nhuần đường lối nghiên cứu khoa học của tổ chức, nêu cao quan điểm phục vụ công nông. Thế mà sao chả ra cái kết quả gì. Đúng lúc đó, viện có một chỉ tiêu đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô, Kê bèn chạy vạy xin đi.

2. Từ làng Ngọc sang làng Ao Xá phải đi qua một cánh đồng rộng. Mọi hôm, ngài giáo sư vẫn đi xe máy. Hôm nay nhân tiết thu mát mẻ, công việc thì đã xong xuôi, ngài quyết định đi bộ cho thư thái và tranh thủ hít thở chút không khí đồng quê trong lành. Cánh đồng lúa đang chuẩn bị vào vụ gặt, rực một màu vàng tươi trong nắng sớm. Những làn hơi sương lập lờ, lan man, bồng bềnh trong không gian tinh khiết của buổi sáng. Hương thơm của lúa chín tràn ngập mọi nơi, ấm áp và thanh bình. Vừa đi vừa ngắm cảnh đồng lúa chín vàng, ngài giáo sư chợt nhớ tới hồi du học ở Liên Xô. Trong một lần cùng chiến hữu đánh hàng từ “Mát” về một thành phố nhỏ miền trung nước Nga, xe chạy qua một vùng bình nguyên mênh mông đang chín rực lúa mì. Cảnh tượng đẹp đến nao lòng, khiến cho mấy tay con buôn chuyên nghiệp cũng phải hò nhau dừng xe ngắm cảnh. Cả biển lúa mì đầy ắp, lao xao như một biển vàng, sóng sánh xa tít tắp về phía chân trời. Cả bọn như mê đi trước vẻ đẹp hoành tráng của cánh đồng lúa mì Nga bát ngát. Rồi cả bọn la cà ra chỗ mấy ông nông trang viên, đang chuẩn bị máy móc gặt lúa tán chuyện. Đã qua mấy năm lăn lộn cùng chiến hữu khắp các xó xỉnh của nước Nga, Kê cũng có chút tiếng Nga “giả cầy” để chuyện gẫu với mấy ông “Mugic” bên chai “Lúa Mới”. Chứ lúc mới sang Kê thấy hốt lắm. Vốn tiếng Nga lõm bõm từ hồi đại học, đã rơi rụng gần hết. Vào giảng đường nghe các giáo sư Nga giảng, như vịt nghe sấm. Nản quá, đang định tính mua vé về nước. Thì gặp ngay được mấy đại ca sang trước, bày vẽ cho: “Chú mày ngu lắm, đã sang được đến đây rồi thì làm đéo gì mà phải về. Kiểu gì cũng phải có mảnh bằng đút đít. Không học được thì nhờ anh Vodka nó học cho. Chú cứ theo bọn anh đi buôn áo bay, bàn là, xe cuốc, quần bò mà kiếm tiền. Lâu lâu vác một két Vodka đến nhà mấy ông giáo sư Nga trình bày, rồi vì tình hữu nghị, các ông ấy cho qua hết”. Quả rất hiệu nghiệm. Sau mấy năm bôn ba buôn lậu khắp nước Nga, Kê về nước với tấm bằng phó tiến sĩ xịn. Mấy đại ca bày vẽ đường đi nước bước cho Kê, giờ đã lên đến chức “soái” trong ngành buôn lậu bên SNG, chả thèm về, tiễn Kê ra sân bay, bảo: “Chú mày về nước, lý lịch ngon thế thể nào cũng phất. Kiếm lấy cái ghế to to mà ngồi, đợi bọn anh bên này về, mang tiền đá một trận san phẳng khung thành đội bạn nhé!”. Gia thế nhà Kê lúc ấy ngon thật. Sau mấy chục năm hoạt động cách mạng, ông Khánh, bố đẻ Kê, đã lên đến chức bí thư tỉnh uỷ. Còn ông Bôi, bố vợ, phát mạnh hơn: bộ trưởng Bộ X.

Về nước, vì là thuộc diện hạt giống, lại có “bằng đỏ”, Kê được cơ cấu ngay chức Viện phó. Mấy năm sau thì lên Viện trưởng.

Vài năm sau, nhà nước bỏ cái “phó tiến sĩ” đi, để hội nhập. Thế là Kê đỗ ngay “ông nghè”. Thỉnh thoảng, mấy ông bạn “đồng môn” hồi bên Nga, giờ đang ở trường đại học, mời sang giảng vài tiết về những vấn đề bí hiểm, cao siêu của khoa học, ví dụ như: “Ngỗng và thiên nga làm tình thì khác nhau thế nào?”. Tuần tự nhi tiến, mấy năm sau Kê được phong giáo sư. Giáo sư Tiến sĩ Giang Đình Kê, đọc lên nghe sang sảng. Ông Khánh hãnh diện lắm, ngày xưa, ông bổ túc mãi mới có cái bằng cấp ba, nay con ông, Giáo sư Tiến sĩ. Oách nhất làng.

Nhưng mà quy luật của tạo hoá thì “phấn đấu” cũng không chống lại được. Vòng đời sinh, lão, bệnh, tử không chừa một ai. Sau mấy chục năm công tác, Giáo sư Kê nghỉ hưu về ở tại làng Ngọc.

3. Đi bộ trên con đường từ làng Ngọc sang làng Ao Xá, Giáo sư Kê chợt nhận thấy sự khác biệt giữa hai làng. Thường ngày, ngài phóng xe máy đi về giữa hai nơi nên không có dịp nhìn kĩ. Hôm nay, đi bộ chậm rãi nên ngài mới có dịp quan sát. Bên làng Ngọc, hầu như không còn tồn tại chút gì của “Làng”, theo nghĩa xưa. Đứng ngoài nhìn vào, thấy toàn nhà cao tầng, bê tông lô nhô xám xịt. Cả làng không còn một cây tre nào, mà thay vào đó, mỗi nhà có một vài thứ cây thời thượng của cánh nhà giàu mới nổi như: lộc vừng, sanh, cau vua…, xa lạ và hãnh tiến. Thế nhưng chỉ cách một quãng đồng, bên làng Ao Xá, lại khác hẳn. Có cảm tưởng như mọi ảnh hưởng của thế giới văn minh, cứ mon men đến luỹ tre xanh rì bao quanh làng là bị bật ra hết. Trong làng vẫn là những cây trái xum xuê: mít, bưởi, xoan…, phủ bóng lên mái nhà cũ kĩ xám nâu. Từ xa xưa đến nay, những ngôi làng ở nước Việt đã là một thực thể văn hoá, kinh tế, chính trị rất kỳ lạ. Hình như không có ở nơi đâu trên trái đất này lại tồn tại một cộng đồng những ngôi làng như ở nước ta. Có một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian lớn, sau nhiều năm khảo cứu về làng xã đã thốt lên “Làng Việt còn thì Nước Việt còn!” Thật chí lý và uyên thâm. Cũng nhà văn hoá lớn đó còn nói“Mỗi làng của Nước Việt đều có bản sắc văn hoá đậm đà, riêng biệt”. Rất có tính khái quát. Chỉ tính riêng cái tục thờ thành hoàng của các làng, thấy đầy “bản sắc, đậm đà, riêng biệt” rồi. Loanh quanh vùng Kinh Bắc, dân các làng cũng đã tôn vinh nhiều vị thành hoàng độc đáo, nói theo ngôn ngữ bây giờ là rất “pờ rồ”. Làng Ngọc thì thờ bà Cái và bộ sinh thực khí trứ danh của bà. Làng Thượng thì thờ một ông sinh thời làm nghề “thu phục nhân tâm” (nói nhỏ, tức là đi gắp…phân). Bên làng Bùi thì thờ ông Lý Phật Tử, một tay bị cụ Ngô Sĩ Liên ghi lại trong sử là: “Hèn nhát, giặc nhà Lương đến, chưa đánh trận nào nghe nó doạ đã đầu hàng”. Mới đây, có một tay quan chức hồi hưu, nhân dịp hội làng, ra đình đề nghị các cụ trên thôi không thờ kẻ “bán nước” ấy nữa. Bị cụ tiên chỉ vả cho một dùi trống, rụng sạch cả hàm răng. Nhưng dân làng Bùi thì bảo rằng, là do tay ấy ra đình nói nhảm, bị thánh quở, ngài vặn răng cho hết nói láo. Thế nhưng làng Bùi lại kết nghĩa với làng Cờ, là làng thờ Đức ngài Triệu Việt Vương ở đình. Hai làng ấy, không biết từ bao đời nay, đi lại khăng khít lắm, kể cũng lạ. Nhưng có lẽ lạ nhất là làng Ao Xá, bên cạnh làng Ngọc, lại có tục thờ “Ngài Kê” - Tức là một con gà trống làm thành hoàng. Năm ngoái, nhân dịp hội làng Ao Xá, lại đang lúc vừa về hưu rỗi rãi, Giáo sư Kê cũng sang bên ấy dư. Khi đến đình, vào trong hậu cung ngắm “Ngài Kê”, đẹp đẽ uy nghiêm, sơn son thiếp vàng đỏ chót, tự nhiên, ông ta cảm thấy có một điều gì rất lạ trong người…

Tối hôm ấy, Giáo sư Kê về nhà, cứ nằm trằn trọc mãi không ngủ được. Ông nhớ đến hình ảnh “Ngài Kê” với cái mào đỏ chót oai vệ, bộ lông tô điểm đủ màu bảy sắc cầu vồng rực rỡ, cái mỏ nhọn hoắt và đôi chân hùng dũng với những cái cựa vàng ươm. Thật kì vĩ. Từ hôm đó trở đi, không hiểu sao, ông Giáo sư cứ hay nghĩ vẩn vơ về “Ngài Kê” oai hùng ấy. Thật ra từ rất lâu đời, bên làng Ao Xá đã có giống Gà Ao nổi tiếng. Gà ấy rất to, toàn cỡ từ bốn, năm ki trở lên. Đặc biệt những con trống, to cao, mào đỏ chót, lông đuôi cong vút, óng ánh sắc đỏ, sắc tím, sắc lam…Nhìn những con gà trống cai quản đám gà mái, thấy thật là trật tự kỉ cương. Nó đĩnh đạc dạo bước vòng quanh đàn thê thiếp của mình đang cắm cúi kiếm ăn. Thỉnh thoảng, nó mổ vài con sâu hay con giun đất trong vườn lót dạ. Rồi nó vươn cái cổ bảy sắc cầu vồng lên cao, ngó nghiêng con mắt sáng rực, tia vào một ả mái tơ, mặt đang đỏ lên vì tới kì chịu trống. Nó vỗ cánh phành phạch, nghiêng người đảo một vòng đầy chất nghệ sĩ quanh ả mái tơ, rồi bất thần nhảy phắt lên lưng cô nàng… Xong việc, bao giờ nó cũng nhảy lên đỉnh đống rơm, cất tiếng gáy oai hùng ò ó o o o…Càng ngắm đàn gà làng Ao Xá, Giáo sư Kê càng thấy hay. Với “chuyên môn sâu” của mình, ngài giáo sư nhận thấy gà Ao Xá có rất nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt là khả năng đạp mái của bọn gà trống thì vô song. Thông thường, các nhà ở làng hay nuôi một đàn gà vài chục con gà mái, giao cho một con trống đầu đàn cai quản trong vườn. Con gà trống này thực thi nhiệm vụ của mình rất xuất sắc. Hàng ngày, nó “ghẹ” đều cả đám gà mái son dưới quyền. Thỉnh thoảng nó còn dở trò ba trợn, “hiếp dâm” cả mấy mụ mái nạ dòng đang nuôi con nhỏ, khiến cho lũ gà con chạy tán loạn, vừa chạy vừa kêu thất thanh: “khiếp, khiếp, khiếp…”. Giáo sư Kê bất giác cười thầm. Vì, ngài tự liên hệ, thấy mình cũng hơi giống con gà trống. Ngày còn đương chức viện trưởng, ngài cũng hay tốc váy em thư kí, đè ngửa vào cạnh bàn làm luôn một nháy. Nhưng lát sau, sang phòng em kế toán trưởng, nhìn cặp chân trần trắng muốt của em, thò ra khỏi cái váy ngắn cũn, cứ ngó ngoáy, ngó ngoáy. Ngài lại nổi hứng, tốc váy em nó lên, đè sấp vào bàn, làm nháy nữa. Về hưu rồi, nhưng cái thằng em nhỏ của ngài vẫn sung lắm, nên ngài vẫn phải kết bạn với một em ngoài phố, để lấy chỗ đi lại, chứ bà vợ già đã hưu lâu rồi… Quả thật, càng quan sát đàn gà, ngài càng thấy hay. Thế mà bao nhiêu năm, không có ai biết quảng bá cái giống Gà Ao này ra nhỉ? Vì thế, ngài quyết định sẽ lập một “dự án”, nghiên cứu về cái giống gà nổi tiếng Nước Việt của làng Ao Xá.

Ngài bèn sang bên đó, gặp gỡ các cụ cao niên cùng với đám chức dịch để phân tích cho họ hiểu về những cái lợi to lớn mà việc nghiên cứu, quảng bá giống gà của làng mang lại. Ngài còn hứa sẽ xin kinh phí tài trợ cho dự án ấy. Việc này đối với ngài dễ ợt, bởi, nó thuộc về chuyên môn chính của ngài hồi còn đương chức viện trưởng Viện nghiên cứu. Tay viện trưởng kế nhiệm ngài, vốn là một thằng nhân viên rửa ống nghiệm trong la bô. Nghe thầy cũ xin kinh phí tài trợ nghiên cứu về giống gà nổi tiếng, thầy lại bỏ nhỏ là: “Tao cắt lại cho riêng mày hai mươi phần trăm”, hắn kí cái xoẹt! Có tiền rồi, lập tức đề tài nghiên cứu được triển khai cực kì rầm rộ. Địa phương cũng muốn nhân dịp này phát huy quảng bá một sản phẩm của quê hương. Thời buổi kinh tế thị trường mà lại.

Sau này, khi công trình đã nổi tiếng rồi, ngài giáo sư có tâm sự ở một buổi thuyết giảng là, hình như có một mối liên hệ thần bí không giải thích nổi. Một cái “duyên” giữa ngài và “Ngài Kê” bên Ao Xá. Chả thế mà, ngày xưa ngài giáo sư tên khai sinh là Kế, nhưng từ lớp vỡ lòng đến đại học đều gọi ngài là Kê. Dân làng Ao Xá và dân làng Ngọc thì, từ lúc ngài chủ trì “Công trình nghiên cứu và phát huy giá trị kinh tế, văn hoá, tâm linh của gà Ao”, toàn gọi ngài là giáo sư gà. Giáo sư Gà.

Theo Giáo sư Gà, về mặt kinh tế, gà Ao là một giống gia cầm chất lượng cao, thịt ngon. Đặc biệt cặp chân con trống làm món Kê Cân thì tuyệt cú mèo - Kê Cân là tên một bài thuốc cung đình phục vụ vua chúa, gồm cặp chân gà trống, được chế biến đặc biệt, hầm với các vị thuốc cường dương đại bổ - Đích thân ngài giáo sư đã thử món này. Nhắm xong món Kê Cân, cả tuần đó long đong. Bởi vợ đuổi sang nhà bồ, bồ lại đuổi về nhà vợ, vì ngài sung quá, không bà nào chịu nổi. Như vậy, ngài kết luận, gà Ao còn có giá trị lớn trong y học.

Về mặt văn hoá mà nói, gà Ao đã đi vào ca dao tục ngữ, thơ văn. Thậm chí là làng Đông Hồ gần đấy, đã lấy làm nguyên mẫu để vẽ bức tranh gà, rất nổi tiếng. Nghe đâu những bức tranh gà đó đã được khách du lịch nước ngoài mua về, bán lại cho những bảo tàng nổi tiếng bên Paris, London treo, người xem rất tán thưởng.

Dân làng Ngọc, quê hương của Giáo sư Gà thì lại chả coi cái công trình ấy của ngài ra gì. Có mấy tay quen thói châm chọc còn bảo, thằng cha ấy rồ, thừa thời gian không biết làm gì, lại đi sang cái làng âm lịch ấy nghiên cứu cái trò vớ vẩn, thi gà với cả chọi gà. Nhưng có mấy tay ra vẻ hiểu đời thì nói: “Các ông toàn loại ngu lâu khó đào tạo. Không biết cái đinh là gì. Cái tay “gà sống thiến sót” Giang Đình Kê làng mình, sang bên đó, khuấy nước để cá kiếm đấy, khá lắm. Ngài giáo sư cũng chả chấp nê mấy tay người làng ít học ấy. Cứ hàng ngày ngài sang bên Ao Xá nghiên cứu. Vào dịp hội làng, bên Ao Xá có lệ thi gà to, gà đẹp vui lắm. Con gà nào đạt giải nhất liền được cắt tiết, luộc chín, đưa lên mâm, mỏ ngậm một bông hoa hồng, cúng thành hoàng là “Ngài Kê”. Thật là một nét tục lệ lạ lùng, cần nghiên cứu lý giải cặn kẽ. Ở làng Ngọc thì có cái quái gì mà nghiên với chả cứu nữa. Mà có thì cũng chả nghiên cứu nổi. Ai đời, thành hoàng làng lại đi thờ cái bà vú to như cái rổ, bướm thì như cái gầu sòng tát nước. Đã thế, lúc nào cũng phải kè kè bộ “sinh thực khí” – Tức con chim, hay như bọn “teen” nó gọi là “hàng” bên người. Chả có tí văn hoá cao nào, toàn chất phồn thực. Dân làng Ao Xá chuyên làm ruộng, thực thà chân chất như hạt lúa củ khoai nên các cụ trên, cùng với mấy tay chức dịch trong làng, bảo gì cũng nghe. Bảo mang gà ra thi là mang, bảo đóng góp tiền của để phát huy văn hoá quê mình là đóng góp ngay, không phải nghĩ. Chả như dân làng Ngọc, ra ngoài học hành, làm quan, buôn bán. Nên tay nào tay nấy khôn như cáo, chỉ bo bo là vun vào nhà mình, cấm có bỏ ra làm việc công bao giờ.

Nhưng Giáo sư Gà thì xác định rất rõ ràng rồi, ngài coi đây là công trình để đời của mình. Khi còn công tác, ngài mải đấu đá để lên chức lên quyền. Có chức có quyền rồi, thì ngài còn bận đi xin phê duyệt các“dự án nghiên cứu”. Sau đó tổ chức thực hiện, sao cho tiêu hết tiền nhà nước cấp một cách gọn ghẽ. Về hưu có thời gian ngẫm ngợi, ngài điểm lại thấy thật ra mình có danh nhưng chả có sự nghiệp gì cả. Mang tiếng là giáo sư tiến sĩ, viện trưởng nghiên cứu. Nhưng cả đời, chả để lại được một cái tác phẩm gì cho ra hồn. Mấy cái gọi là “công trình nghiên cứu khoa học”, mà ngài đứng tên chủ đề tài, nghiệm thu xong là cho vào tủ khoá kĩ. Chả tay nào tham dự vào mà dám khoe ra, vì tay nào cũng biết, đấy chẳng qua là cái trò moi tiền nhà nước. Chả hiểu ra làm sao nước ta nghèo, mà xài tiền cứ như đốt mã ấy nhỉ? Thế nên Giáo sư Gà, cũng muốn làm một cái gì đấy “để lại cho đời sau”. Vả lại khi về hưu rồi, không có công việc gì làm, thấy cũng bứt rứt lắm. Nhân một dịp nhà nghiên cứu văn hoá dân gian nọ về Kinh Bắc, qua Ao Xá chơi. Giáo sư Kê gặp và đàm đạo. Hai tay trí thức nhớn khá là tâm đầu ý hợp. Đặc biệt là ý tưởng phát huy giá trị văn hoá tâm linh của tục thờ “Ngài Kê” làng Ao Xá. Sau một chầu rượu nhắm với món Kê Cân, hai tay trí thức nhớn quyết định hợp tác chặt chẽ, để khuếch trương cái giá trị văn hoá, tâm linh của “Ngài Kê” ra tầm quốc gia quốc tế. Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian sẽ làm cố vấn văn hoá cho Giáo sư Kê, chủ đề tài. Điều này thì các em tiếp viên của nhà nghỉ Hương Nhài trên phố biết rất rõ. Chả là sau chầu rượu Kê Cân, hai ngài đi nhà nghỉ. Chủ nhà nghỉ Hương Nhài là chỗ quen biết, cho treo biển hết phòng, huy động nhân viên chỉ phục vụ hai ngài. Hôm ấy, một ngài nguyên là “tiến sĩ súc sản” học bên Nga về và một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian lớn, đã giáo hoá mấy em tiếp viên một buổi chiều, về văn hoá gà đặc sắc của quê hương. Đặc biệt là thuật kê giao cổ truyền...

Sau đó ngài giáo sư tổ chức thực hiện dự án, “Công trình nghiên cứu và phát huy giá trị kinh tế, văn hoá, tâm linh của Gà Ao”, rất bài bản.

Đầu tiên ngài tổ chức vài buổi hội thảo. Mời rất nhiều chuyên gia học hàm học vị sáng loè quanh người về dự. Lại cho mời cơ man nào là phóng viên đài báo các kiểu về đưa tin, viết bài. Một số đài truyền hình còn làm hẳn vài trường thiên phóng sự, hết sức đặc sắc về “Ngài Kê” làng Ao Xá và những truyền thuyết phi phàm của ngài. Tất nhiên, như thông lệ, ở nước ta đến dự hội thảo hay đưa tin, viết bài, đều có kinh phí bồi dưỡng cả. Mà tiền cho việc nghiên cứu này không thiếu. Giáo sư Gà, chủ đề tài xin được từ Viện nghiên cứu. Lại còn dân làng đóng góp, các doanh nghiệp tài trợ… vân vân và vân vân. Cái phần ấy giờ hay gọi một cách thời thượng là kinh phí xã hội hoá.

Kết thúc các buổi hội thảo, Giáo sư Gà - giờ đây ngài rất hãnh diện với danh xưng này - luôn luôn đọc một bản tổng kết do ngài cùng với nhà nghiên cứu văn hoá dân gian nọ đã dày công chấp bút. Trong đó, ngài đưa ra mấy kết luận khoa học hùng hồn sau đây:

Thứ nhất, “Ngài Kê” làng Ao Xá, chính là “Ngài” đã có công giúp An Dương Vương diệt trừ yêu quái để xây nên thành Cổ Loa xưa. Điều này đã được rất nhiều nhà khoa học lịch sử và không lịch sử, dự hội thảo chứng minh từ các bằng chứng hùng hồn, trích dẫn trong các bộ sử rất xưa và các đạo sắc phong mờ ảo tại đền thờ Cao Lỗ Đại Vương gần đấy. Thế nên “Ngài Kê” làng Ao Xá, có một giá trị văn hoá tâm linh không thể chối cãi.

Thứ hai, từ điều thứ nhất mà suy ra thì thấy rằng, “Ngài Kê” chính là bản sắc, là tâm hồn của làng Ao Xá nói riêng, cũng là tiêu biểu cho cả văn hoá nước Việt nói chung.

Thứ ba, từ hai điều trên rút ra kết luận rằng, “Ngài Kê” làng Ao Xá chính là bảo vật quốc gia. Cần phải nghiêm cẩn giữ gìn cho con cháu mai sau. Cần phải cho dòng giống của ngài nảy nở sinh sôi khắp nước Việt và quảng bá ra toàn thế giới.

Nghe đâu, lúc viết cái bản kết luận khoa học trứ danh trên, giữa Giáo sư Gà và nhà nghiên cứu văn hoá có một chút bất đồng nhỏ. Chả là ngài giáo sư muốn đưa thêm một điều khẳng định nữa, về giá trị y học và dinh dưỡng của “Ngài Kê” vào. Nhưng nhà văn hoá bảo, đưa ra kết luận như thế nó làm giảm giá trị tâm linh của ngài đi. Mà thế kỉ hai mốt này, tâm linh mới là vấn đề hàng đầu đấy. Ngài giáo sư nghĩ một lúc thấy cũng phải. Tâm linh là một vấn đề rất trừu tượng, vốn đã tiêu tốn không biết bao nhiêu thời gian, trí tuệ của nhân loại vào đó. Nhưng hầu như tới giờ đã mấy ai hiểu gì. Và tất nhiên, nhân loại sẽ còn tốn nhiều thời gian, nơ ron thần kinh và cả tiền của nữa vào vấn đề hóc búa này. Hiển nhiên “Ngài Kê” làng Ao Xá là thuộc về phạm trù tâm linh rồi. Thậm chí, Giáo sư Gà còn đề xuất với chức dịch trong làng, cấm dân không được gọi là gà…gà… nữa, mà phải gọi là ngài…ngài… cho thể hiện hết sự cung kính với bậc thần linh có công lao giúp nước.

Từ đó trở đi, dân làng Ao Xá vô cùng hãnh diện vì làng mình có bảo vật tầm cỡ quốc gia, quốc tế là “Ngài Kê”. Họ cũng vô cùng biết ơn ngài Giáo sư đã khai mở tâm trí cho cả làng biết những điều vô cùng cao siêu của tiền nhân để lại. Mà bao năm qua không một kẻ phàm phu tục tử nào hiểu nổi. Cả làng Ao Xá từ đấy trở đi luôn nghĩ đến “Ngài Kê” với sự trân kính rưng rưng. Thậm chí nếu trên đường có gặp hậu duệ của “Ngài Kê”, họ cũng nhường các ngài đi khuất rồi mới bước tiếp. Dân các làng quanh vùng thì quên luôn tên làng Ao Xá, mà gọi làng Gà! Dân Gà! Dân làng cũng chả lấy thế làm điều. Bởi họ đã được các nhà trí thức nhớn của đất nước, chỉ cho thấy niềm tự hào vĩ đại của cái làng ngàn năm văn vật.

4. Giáo sư Kê đến đình làng Ao Xá, cũng là lúc dân làng tập trung đông cả. Mọi người nhìn thấy ngài đều hân hoan hỉ hả, lại gần bắt tay cảm ơn khôn xiết. Thật là nhờ có Giáo sư Gà, hôm nay dân làng mới có được cái vinh hạnh to lớn. Đình và “Ngài Kê”, được đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa. Trong niềm hân hoan phấn khích của cả làng, ngài giáo sư nhớ lại cái buổi ban đầu, thật cơ man nào là gian khó. Lọ mọ ngồi viết mấy trăm trang “dự án”. Rồi họp dân để đả thông tư tưởng (may cái dân Ao Xá này vốn âm lịch, ngài lấy tích xưa ra loè nên họ nghe ngay). Thậm chí ngài đã xây dựng cả một chiến lược “pi-a”(PR) cẩn thận. Riêng cái vụ PR này, ngài phải nói trẹo cả lưỡi thì các cụ trên và đám chức dịch trong làng mới lờ mờ hiểu. Thế nên ngài thấy tự khâm phục mình thật. Mình quá giỏi. Vụ này, được cả danh lẫn lợi! Tối qua ngài đem sổ sách ghi chép của riêng mình ra, đối chiếu với quyết toán mà làng vừa thông qua, thấy quỹ riêng của ngài dôi ra được dăm trăm. Có lẽ, kỳ này, xây lại cho em nó ngoài phố cái nhà, lấy chỗ đi lại cho đàng hoàng.

Đã tới giờ hoàng đạo để làm lễ tế thành hoàng, nhân dịp đón bằng di tích và khánh thành bức tượng “Ngài Kê” mới, to đẹp. Chả là tượng cũ ngày xưa làm bằng đất sét trộn mùn cưa, lâu ngày bở ra hết. Nay có điều kiện, ngài giáo sư đề nghị trích kinh phí dự án ra làm lại, lần này tạc bằng gỗ mít cẩn thận. Giáo sư Gà, giờ đây đã được coi như công dân danh dự của làng. Cùng với các cụ trên, chức dịch trong làng vào đình làm lễ rất chi là trọng thể. Ông chủ tế cất giọng sang sảng, đọc văn tế vào micro truyền ra cho cả làng nghe: “Kính ư ư ư! Nhất đẳng thượng thần Ngài Kê ê ê ê…”. Bộ Ampli cũ của đài truyền thanh làng không được tốt lắm. Thành thử khi truyền ra loa, vang vọng khắp làng Ao Xá âm cuối, nghe như là: Mê ê ê ê…….

T.T.C.

(Xem tiếp kỳ sau)