Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018

Sinh ra từ trứng (kỳ 7)

Tiểu thuyết của Nguyễn Viện

Những đứa con của người đàn bà sinh ra từ trứng

Những gì xảy ra ở miền Bắc với gia đình tôi, sau này được mẹ và chị tôi kể lại, như những mảnh vụn của tấm kính thủy tinh vỡ, sắc nét nhưng không làm tôi chảy máu. Những mảnh vụn ấy đâm sâu vào tôi tạo nên những vết chai tật trong linh hồn. Một cách nào đó, tôi đã trở nên thờ ơ. Tôi như sự xa lìa, không chối bỏ nhưng dị ứng với nguồn cội. Tôi không nghĩ khoảng cách về thời gian đã làm tôi xa lạ, nhưng cái được bồi đắp trong 21 năm chia cắt ấy đã định hình tôi và những người còn lại trong gia đình một thứ nhân thế so lệch.

Trong khi miền Bắc được tẩy não và thuần phục tuyệt đối một cha già kính yêu vĩ đại và một chủ nghĩa sắt máu, lịch sử như mới bắt đầu, thì tôi, đứa con của man rợ châu Phi thẩm thấu cái ngông cuồng lãng mạn của hoàng đế Napoléon lại được tắm rửa bằng thứ phẩm hạnh tự do không bờ bến từ các bố già như Jean Paul Sartre, André Gide, Albert Camus và đặc biệt Antoine de Saint-Exupéry. Tôi lớn lên như một cậu nhóc của “Bắt Trẻ Đồng Xanh” (J. D. Salinger) nổi loạn. Mê đắm cái nghịch thường của phong cách và tư tưởng.

Chó và mèo

Tất cả đều màu xám. Bộ tranh sơn mài gồm ba tấm. Bức thứ nhất, hai con mèo cái nằm duỗi thẳng chân, tạo hình mặt phẳng bẹt xiên xéo theo hai hướng. Chung quanh chúng đầy trứng và bào thai. Con chó đực với cái đầu tròn đâm thẳng lên giữa hai con mèo cái, miệng phun ra một bụm máu tung tóe như những con tinh trùng. Một đàn chó con ở cuối bức tranh thứ nhất chạy nhảy tràn qua bức thứ hai và hướng vào giữa háng một chú bé trai với một con cu và hai hòn dái nhỏ xíu nhưng cương cứng. Chúng như những mồi câu của nhau. Hai tay chú bé giương lên một con mèo lớn nằm hết chiều ngang của bức tranh như một tuyên ngôn bất diệt của sự hung hãn, trong khi cái đuôi con mèo vẫy ở góc trên của bức tranh thứ ba. Ở giữa theo chiều đứng của bức tranh thứ ba này là một bộ xương chó lẫm liệt chỉ còn cái đầu nguyên vẹn và nó thách thức thời gian. Ông họa sĩ đặt tên cho bộ tranh là “Nhịp điệu”. Và ông không có ý định sẽ bán tác phẩm này ra nước ngoài. Ông muốn giữ nó cho riêng mình, khi xuống mồ.

Ông mời cô đi uống bia. Di chứng của cơn đột quỵ vẫn làm cho bước chân của ông ngập ngừng. Trong quán bar nhỏ và đầy chật âm thanh của The Beatles. Rót bia cho cô, ông nói: “Đây là thứ âm nhạc đã từng bị cấm đoán. Cũng không ít người bị đi tù vì những thứ nghệ thuật không mang tính giai cấp như thế này. Nào, chúng ta uống cho thứ tự do giả cầy này”. Cô không nói gì. Nâng ly. Tự do không phải là thứ được ban phát theo tem phiếu. Cô nghe nhạc và mường tượng những con chó và mèo đang cắn nhau từ trong đầu những người đàn ông. Cô lắc lư theo điệu nhạc. Cô là một con mèo bông trong tủ kính, mất cân bằng. Những đôi mắt lạ nhìn cô. Cô đốt một điếu thuốc. Gã nhạc công chơi guitar gật đầu với cô như muốn chia sẻ một điều gì đó. Cô giơ ly bia về phía hắn và uống cạn. Yesterday. Lòng cô lắng xuống. Thế giới trong và ngoài cánh cửa, tách bạch, giờ đây với cô đều đã đóng kín. Cô thu mình lại, lim dim đôi mắt như con mèo ngái ngủ, cất giấu vào những niềm vui tầm phào, để thoát thân. Cô đã xem qua bộ tranh ông mới vẽ. Hình như càng sống lâu, người ta càng trở nên thành thật. Cô nói, “Em thích cái bộc trực của anh”. Nhưng ông nói, “Thật ra chẳng có sự minh bạch nào. Tất cả đều ngụy trang. Kể cả cái đẹp và cái được gọi là lòng dũng cảm. Điều đáng tiếc là anh đã không thể tuyệt đối im lặng, như một sự chối từ tất cả". Cô nhìn ông soi mói, “Thật sự thì anh muốn gì?” Ông cười cười: “Anh là một tên giả hình và muốn tìm niềm vui. Không quan tâm tới bất cứ một thứ ý nghĩa nào”. Ông nâng cốc bia về phía cô. Họ cụng ly. Uống cạn. Một thứ chén đắng. Đôi khi cô cũng muốn tung hê hết thảy.

Đêm ấy, cô ngủ với ông. Và cô muốn ông đụ cô vỡ nát. Nhưng di chứng bệnh bại liệt chỉ để lại cho ông một hình thù của con sâu xanh trên cánh lá. Không có thứ mèo mả gà đồng nào rong chơi trên giường hay trí tưởng tượng, mặc dù ông đã luôn vẽ về nó như một sức mạnh bẩm sinh.

Những đứa con của người đàn bà sinh ra từ trứng

Tiềm tàng một sức mạnh nam tính, chị Cả tôi dễ dàng tiến thẳng vào trung tâm của cuộc sống mới, từ một cháu ngoan Bác Hồ đến một đoàn viên ưu tú. Khựng lại một chút ở khâu lý lịch với thành phần xuất thân có ông ngoại từng bị đấu tố, cha mẹ là tư sản mại bản… Rồi chị tôi cũng vượt qua không phải chỉ nhờ một tinh thần “thép đã tôi thế đấy”, mà cái bồ tượng là chị tôi không biết từ khi nào đã trở thành đối tượng say đắm của nữ đồng chí bí thư Phòng Thương nghiệp quận và được đồng chí này chiếu cố đặc biệt. Đây là một bí mật quốc gia. Tội tiết lộ bí mật quốc gia nặng lắm, tôi vẫn biết thế. Nhưng chị tôi không thể không giải thích vì sao chị có thể được kết nạp Đảng với thành phần xuất thân bất hảo. Tình yêu của họ được che giấu bởi một tấm bình phong kiên cố, đó là người chồng của đồng chí nữ bí thư ấy, một cán bộ trung cao cấp. Vì thế, họ công nhiên cận kề nhau mà không bị bất cứ phê phán nào. Chị tôi yêu Đảng, yêu Bác bao nhiêu thì cũng yêu đồng chí bí thư của mình bấy nhiêu. Chị tôi lao nhanh đến chức vụ Cửa hàng trưởng Cửa hàng Mậu dịch Quốc doanh.

Khi chiến tranh bước vào giai đoạn quyết liệt nhất trước lúc Hiệp định Paris được ký kết, chị bất ngờ tình nguyện gia nhập lực lượng Thanh Niên Xung Phong Chống Mỹ Cứu Nước, từ bỏ mọi sự béo bở vào hàng đỉnh của thời tem phiếu. Đó cũng là lúc mối tình của chị với người đàn bà vẫn nâng đỡ chị tan vỡ. Không phải họ chán nhau nhưng họ không đủ can đảm vượt qua cái nguy cơ bị tố giác.

Trên đường Trường Sơn gian khổ và cái chết rình rập trên đầu, những cô gái mạnh khỏe và đầy khát vọng cống hiến đội đá vá đường, tải thương và phục vụ chiến trường không mệt mỏi. Nhưng cũng những cô gái ấy, trong góc khuất của tâm hồn và bóng đêm lạnh lẽo, họ bồn chồn dậm dựt vì một bản năng sinh lý thường tình và mãnh liệt bị đè nén.

Chị tôi, vốn chỉ yêu phụ nữ, trong bí mật của bóng đêm và cuộc trường chinh của sinh tồn máu lửa, chị đã liều mình đẽo được một con cu bằng gỗ. Đêm đêm chị biến thành bóng ma đàn ông cùng với con cu đã lên nước bóng chia sẻ nỗi ẩn ức cháy bỏng trong háng của tất cả chị em trong đội.

Đêm nào cũng là đêm ngọt ngào thiên đường. Đó là giai đoạn hạnh phúc nhất trong đời chị, cũng là bí mật nhân loại của chị. Chị thỏa thuê với những phụ nữ khác nhau và sự kỳ diệu quá đỗi của cuộc sống.

Nhưng có một bí mật còn kinh khủng hơn thuộc về các cô gái đã từng được chị phục vụ trong bóng tối. Dường như tất cả họ đều có dấu hiệu được thụ thai. Họ cũng tắt kinh và kèm theo các trạng thái sinh lý của một phụ nữ thai nghén thật sự. Tuy nhiên, bụng của họ không to lên. Chỉ trong vòng ba tháng mười ngày, họ có triệu chứng sinh nở. Và trong nỗi kinh hoàng chỉ mình họ biết, từng người đều sinh ra trứng. Những quả trứng ấy được chôn giấu dưới những tán cây, trừ một quả trứng của người bạn thân nhất được trao cho chị giữ như một kỷ niệm mà chị sẽ mang theo đi bất cứ đâu. Sau này có luận điểm cho rằng, hiện tượng phụ nữ sinh ra trứng là hậu quả của chất độc màu da cam do người Mỹ thả xuống vô tội vạ trên những cánh rừng thời chiến tranh Việt Nam.

Hang động cá ngựa

Một ngoại lệ. Bức tranh mỗi chiều một thước rưỡi, đủ để cho ông vẽ thật tỉ mỉ mọi chi tiết. Ngoài cùng là cái vòm cổng như của một đền thờ, cân đối với hai cánh hoa lan nở bung hết cỡ. Màu chủ đạo nâu hồng. Ánh vàng từ bên trong đền hắt ra ngay giữa bức tranh mang hình con cá ngựa. Quẫy đạp và hùng tráng. Một đàn cá ngựa con túa ra chung quanh như tia sáng tỏa ra bốn phía. Theo chiều ngược lại và xen kẽ giữa đàn cá ngựa con là những con thuồng luồng trùng trục, đen đúa và hung hãn đâm vào cửa đền phun ra những bọt nước nổi lênh đênh rải khắp bức tranh, như những quả trứng trong suốt. Đặt tên bức tranh là “Âu Cơ”, ông thực hiện một cuộc triển lãm di động với bốn phiên bản trên một chiếc kiệu có hình đầu người. Thuê bốn người khiêng dự kiến đi qua các khu phố trung tâm, bản thân ông mặc áo dài khăn đóng đánh thanh la đi trước. Tuy nhiên, các lực lượng an ninh và dân phòng không cho cuộc diễu hành của ông thực hiện quá một khu phố. Họ chặn ông lại và hỏi giấy phép. Ông bảo ông không phải xin phép ai khi đi dạo phố với đoàn tùy tùng của mình. Đám đông tò mò vây quanh tạo ra một vụ gián đoạn giao thông. Ông bị áp tải về công an phường, bị câu lưu vì từ chối ký nhận mọi biên bản làm việc áp đặt ông gây rối trật tự công cộng và trưng bày tác phẩm không có giấy phép. Biết rằng mọi tranh luận với cơ quan thi hành pháp luật đều vô ích, ông im lặng. Cơ quan chức năng muốn làm gì thì làm.

Nhân dịp này, tất cả tác phẩm của ông đều được giám định tư tưởng. Họ quy chụp ông “lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích người khác” và nghi ngờ ông âm mưu với các phần tử xấu để lập hội tự do. Nhưng nhờ áp lực dư luận và không có chứng cớ vi phạm pháp luật cụ thể, sau ba tháng bị giam giữ, ông được thả.

Ông biết cô đã giúp ông ít nhiều tạo ra dư luận.

Những đứa con của người đàn bà sinh ra từ trứng

Cô em gái song sinh với tôi nhất định chỉ làm cháu ngoan Bác Hồ, nó khóc và nhịn ăn hai ngày khi nghe tin Bác mất. Nó không yêu ai không lấy ai cho đến tận những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ 20. Mặc dù vẫn được coi là đứa con ruột thuần chủng với nước da màu vàng bệt dưới mắt ông bố, đẹp bình dị và nồng nàn như lúa, được rất nhiều cậu trai tán tỉnh nhưng con bé được gọi là “Trinh trắng”  ấy quyết giữ trinh đến hết đời. Nó bảo, toàn những đứa lăng nhăng vớ vẩn, khi bị cha mẹ chất vấn.

Năm 1995, một nhà nghiên cứu từ Mỹ sang Hà Nội làm đề tài về những nền văn minh ngoại vi ở Việt Nam. Hắn đã gặp em tôi, một nhân viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ, và cũng như gã sưu tầm đồ cổ người Hoa, hắn nhìn thấy sâu bên trong em một trầm tích văn hóa đa tầng bị bỏ quên. Dù nhỏ hơn em tôi mười tuổi, hắn vẫn hỏi cưới em và chỉ chờ có thế, em tôi nhận lời. Bố mẹ tôi tất nhiên vô cùng hoan hỉ và cả họ nhà tôi cảm thấy được vinh quang.

Bên ngoài chân trời

Cô đứng dưới chân núi. Con chồn có hang nhưng con người không chỗ nương náu. Cô nghĩ, ánh sáng mặt trời chiếu rọi cho cả người ngay và kẻ gian. Chỉ có sự thật mới làm cho người ta trở nên mạnh mẽ.

Ngả người nằm xuống đất, cô thấy ngọn núi chênh vênh, cao vút. Mùi đất thấm vào người cô. Và cô ước ao mình cũng như đất, vững chắc và bình an. Nhưng cô lại cảm thấy mình bị đào xới. Những câu hỏi như những nhát cuốc bổ xuống người cô. Thế giới này làm bằng gì?

Cô không tìm thấy một vùng đất hứa cho sự an toàn, sữa và mật ong.

Đám dân quân du kích xuất hiện trước mặt cô. Họ chĩa súng vào cô, một người lạ.

Không chỉ bị kiểm soát bởi lực lượng an ninh, người lạ luôn được phát hiện bởi cái gọi là quần chúng nhân dân và trong một số trường hợp bởi chính những người quen biết. Vì thế, có thể định nghĩa một người lạ là người đã thoát ra khỏi bày đàn và sống như một cá thể với những bản sắc và suy nghĩ riêng.

Trong một bối cảnh nhất định như  ở dưới chân núi, cô bị tra vấn: Cô là ai? Ở đâu tới? Với mục đích gì?

Cô rất muốn trả lời: “Tôi muốn leo lên đỉnh núi và nhảy xuống. Có bác nào biết đường chỉ giùm, xin cám ơn". Thay vì thế, cô nói: “Tôi đến xem ngọn núi. Và muốn mua nó. Các ông có biết ai bán không?”

Cô có thể bị bắt như một kẻ bị tình nghi do hoạt động không rõ ràng hoặc không thể biện giải cho một tình huống nhạy cảm. Sự “nhạy cảm” bao giờ cũng hàm nghĩa một trạng thái an ninh về chính trị, không giới hạn.

Không ai dám bắt nạt người có thể mua cả một ngọn núi. Cô an toàn trở về.

Giấy phép đi đường và những chuyến xe than

Tôi nhớ một thời việc đi lại phải có giấy phép. Thời ấy, tôi thường tự làm các giấy tờ giả để được dễ dàng đi lại và thuận tiện cho việc mua vé xe. Ngày ấy, những chiếc xe liên tỉnh đều chạy bằng than. Chậm và bẩn. Trong một quán nước ở vùng kinh tế mới, ly cà phê nóng rất ngon tuy được làm bằng bột bắp, tôi đã nhìn thấy cô rạng rỡ giữa than củi và những người đàn ông lam lũ. Một gam màu đen lóng lánh như kim cương. Tôi biết cô cũng nhìn thấy tôi. Và cô cười nơi cuối mắt. Tôi hiểu rằng, đây là nơi chúng tôi phải đi qua, trước khi đến một thế giới khác.

Một người nào đó đứng trước mặt tôi, đòi cho xem giấy tờ. Tôi đưa tất cả mọi thứ giấy có trong túi. Một người nào đó hỏi: “Anh đến đây làm gì?” Tôi đáp: “Tôi đi tìm vợ” và tôi nhìn cô gái. Một người nào đó lại hỏi: “Anh muốn vượt biên phải không?” Tôi nói: “Không”. Lại có người hỏi: “Anh đến đây tìm ai?” Tôi trả lời: “Tôi tìm vợ tôi”. Một người nào đó hỏi: “Vợ anh ở đâu?” Tôi nói: “Ở đây”. Một giọng đe dọa: “Anh rỡn mặt tụi tôi hả?” Tôi trả lời: “Dạ không”. Một người nào đó ra lệnh: “Đưa nó về Ủy ban”. Bỗng cô gái lên tiếng: “Anh ấy tìm tôi".

Tôi bịa ra một câu chuyện chưa từng có trước đó: Chúng tôi đã hứa hôn, cô ấy theo gia đình đi kinh tế mới… và giận tôi vì tôi không cưới cô ấy để giữ cô ở lại thành phố…

Chuyện phịa đến đây bỗng trở thành sự thật. Tôi gần như buộc phải đưa cô ấy về thành phố và tìm mọi cách xoay sở giúp vốn cho cô ấy đi buôn chuyến. Thỉnh thoảng tôi cũng đi với cô. Chúng tôi buôn lá thuốc từ Phan Thiết về Chợ Lớn. Nhiều chuyến bị tịch thu mất sạch bởi buôn bán bất cứ thứ gì thời gọi là “ngăn sông cấm chợ” ấy cũng là bất hợp pháp. Đi xe than hay tàu lửa cũng đều bị mất. Nhưng với tôi, kỷ niệm về những ngày gian nan ấy và những đêm ngủ vệ đường vẫn là cái đẹp mãi mãi của sự khốn cùng.

Ngày ấy, linh hồn tôi cạn kiệt đến tận đáy. Một sự trống rỗng xuyên suốt từ ngoài vào trong. Cuộc cách mạng hay còn gọi là giải phóng đã lấy đi tất cả mọi niềm hy vọng. Không một mơ ước hay hoài bão nào tồn tại ngoài chính cái nhu cầu tồn tại. Vì thế, tôi đã vịn vào cô ấy như một niềm an ủi. Và để cho cơm áo dập vùi. Sau này, tôi đã vẽ lại khuôn mặt của cô ấy bằng cái màu nắng ửng tuy làn da cô đã cháy sạm.

Mặc dù thế, tôi chưa từng bao giờ tuyệt vọng. Bởi tôi vẫn nghĩ, chỉ cần không chết, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con người cũng có thể tự thắng hay ít nhất hòa giải được với cuộc sống. Cuộc cách mạng đích thực chỉ có thể xảy ra khi con người dám hành động và ý thức được hành động của mình.

Và vì thế, tôi luôn lưu giữ mình trong một trạng thái phản kháng thường trực. Để khỏi gục xuống an phận như bầy cừu, tôi chống mắt nhìn vào cái phi lý và xuẩn ngốc chung quanh bằng con mắt của loài thú ăn thịt. Và đợi đấy. Tôi nuôi tôi bằng nhân phẩm vì tôi biết chỉ có nhân phẩm mới giúp tôi vượt thoát khỏi nguy cơ của rừng rú và bại liệt. Cứ thế, tôi đi hết cuộc đời mình. Và một trong những quyết định quan trọng nhất làm thay đổi cuộc đời tôi là tôi tự biến mình thành một nhà văn, như thể tôi sinh ra vào ngày 30 tháng 2. Cùng với những nhân vật của mình, tôi muốn tạo ra một huyền thoại về những người sinh vào ngày 30 tháng 2, những kẻ vô thừa nhận của một xã hội chỉ chấp nhận sự đồng nhất. Như tôi, họ không có căn cước cho dù chúng tôi đã chịu chung một hoàn cảnh của những nhân vật tiểu thuyết. Dù không thật, nhưng tôi đoan chắc rằng, những con người ấy không phải là cái bóng của những kẻ đã mất linh hồn, mà họ đã thật sự hiện hữu và sống những số phận nghịch thường, đau khổ và lạc loài, của nhân loại. Họ không được gọi tên, không có tuổi, nhưng họ chen lấn giữa chúng ta nhằm truy tìm một ý nghĩa không bao giờ có. Như chúng ta. Họ đến và đi, đôi khi chồng lấn vào nhau. Rồi mất hút. Rồi quay trở lại. Sự hiện hữu của họ, phải chăng chỉ minh chứng cho sự vô nghĩa mà con người không ngừng truy vấn? Thật ra, chứng minh sự vô nghĩa là quá vô nghĩa. Nếu có ai hỏi tôi, bạn muốn kiếp sau sẽ là gì? Tôi sẽ không ngần ngại trả lời: “Thà tôi trở thành một gã an ninh tư tưởng văn hóa lùng sục và đốt tất cả những cuốn sách mà tôi đã cố viết ở kiếp này, hơn là trở thành một con mọt sách của chính mình ở kiếp sau”. Đấy, tôi quả quyết rằng những nhân vật văn chương của tôi tất yếu đều sinh vào ngày 30 tháng 2. Bởi nó chính là thế, một sự thật. Khi tôi viết, không phải chỉ để lấp đầy một trống rỗng, mà trong sự trống rỗng, viết làm cho tôi trở nên hiện hữu và sống. Tôi không coi đây là một ý nghĩa. Nhưng quả thật, tôi không biết làm gì khác, như một sự phản kháng đối với cuộc sống và ý nghĩa, nếu có, của nó. Bằng không, tôi cũng chỉ là kẻ chiến đấu với cái cối xay gió. Và cái cối xay gió, cũng chẳng phải chuyện đùa, nó luôn hăm dọa nghiền nát tôi thành gió.

Những đứa con của người đàn bà sinh ra từ trứng

Nhờ có gốc Tây, tôi đã trở thành một diễn viên điện ảnh của nền điện ảnh cách mạng. Tây đen thì không bao giờ được đóng vai chính, nhưng phim nào có lính Tây là có tôi. Ái chà, tôi cũng nổi tiếng đấy. Ra đường ai cũng biết tôi. Rô-Be hoặc Hăng-ri gì đấy. Nhờ thế, tôi cũng kiếm được khá em ra trò, không kể các em bán nước mía hay quà vặt quanh các rạp hát. Lúc phong trào vượt biên lên cao, tôi cũng lên tới đỉnh vì đủ tiêu chuẩn ra đi chính thức, các cô con nhà giàu đeo bám tôi. Tôi được trả giá bằng cả mấy đời đi đóng phim.

Rất nhiều người hỏi tôi: “Tại sao không đi?” Đôi khi, tôi cũng tự hỏi tôi câu ấy. Tôi chỉ cười lắc đầu. Làm sao tôi có thể giải thích vì tôi là con của một người đàn bà sinh ra từ trứng và tôi muốn ở lại để nhìn trứng nở từ tôi hay các em tôi, thậm chí của bà mẹ đã kiệt quệ và mất trí nhớ của tôi.

Thương tật của lịch sử

Một dịch ghẻ lạ lan tràn cả nước. Ông thày lang hàng xóm nhà tôi quả quyết dịch ghẻ do một loại virus của ma quỷ gây ra. Nó phát sinh theo cách cơ thể con người dị ứng với một tình thế bất khả tương dung. Các loại thuốc tây y hay đông y đều vô dụng. Tuy nhiên đã có không ít người vì chịu không nổi cái ngứa đã lột da mình bằng thuốc tím đậm đặc. Một số người khác tự cho rằng mình có học hơn, đã tìm giải pháp trong các loại sấm hoặc đồng dao, đặc biệt là sấm Trạng Trình. Nhưng các lời tiên tri chỉ có ý nghĩa cho thì tương lai, vì thế cũng không ít người trong số các loại sĩ phu và học giả đã chết vì ngứa. Một số người mơ mộng chọn giải pháp ra biển và bơi cho đến khi gặp một bờ bãi khác, nơi dịch ghẻ không thể xâm nhập, chấp nhận mọi bất trắc nguy hiểm để đổi lấy sự sạch sẽ cho con cháu muôn đời sau. Một số người cực đoan thì lại cho rằng cần phải tìm lại cái huy hoàng đã mất bằng bất cứ giá nào, cho dù phải cầm súng và đổ máu một lần nữa. Một trong những người ấy là ông chú lính kèn của tôi. Ông bảo không có kèn cũng xung trận. Và ông là một trong số những người “phục quốc” đã bị xử bắn. Trước khi chết, ông chỉ kịp hô một tiếng “Đả đảo ghẻ".

Phần tôi, tôi đã dùng lưu huỳnh hòa với nước chanh tươi chà xát lên người rồi gãi cùng lúc tụng mật chú hàng ma: “Ma Lệ, tỳ ma lệ, niết Ma Lệ, mông già lệ, hê ma la nhả kiệp bệ, tam mạn na, Bạt đề lệ, ta bà la dà, ta đàn ni Ba la ma tha ta đàn ni, ma na tư, a chuyết đề, tỳ la kỳ, am ma lại, đàn bà táp ma, tá lệ phú la nê, phú la na, ma nô lại đệ".  Trong vòng hai tuần, tôi sạch ghẻ. Tuy nhiên, trong một thời gian rất lâu, tôi không hề biết bệnh ghẻ đã để lại nơi tôi một thói tật không sao sửa chữa được. Ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào khi ngửi thấy mùi của đám đông, tôi tự động đưa tay gãi háng như một phản xạ không cưỡng được, dù ngứa hay không, bất kể việc ấy có thể bị nhìn nhận như thế nào.

Đấy cũng là những ngày màu đỏ đã loang ra đồng cỏ và làm thay đổi cả màu nước biển. Không một tổ chức nào, kể cả Liên Hiệp Quốc có thể thống kê được số người đã chết mất xác trên biển. Trong máu tôi đầy chất lưu huỳnh.

Trong lúc đó, ông họa sĩ được nhà nước trưng dụng để vẽ các loại tranh và biểu ngữ cổ động phong trào sinh đẻ có kế hoạch và bài trừ ma túy. Nghệ thuật xuống đường và đi rong tới mọi hang cùng ngõ hẻm. Trong tất cả các loại tranh ông đã vẽ ở thời kỳ này không có khuôn mặt nào của cô xuất hiện, nhưng cũng không chắc ông sẽ xấu hổ nếu phải đối diện với cô, một nhân vật ông hằng ấp ủ, trong mơ cũng như hiện thực. Dù sao, “cũng chỉ là việc kiếm cơm thôi mà”, ông nói. Từ trong thẳm sâu, ông họa sĩ thấu hiểu mình đang sống một cuộc sống hai mặt. Thỏa hiệp một cách tích cực để được ăn trên ngồi trước và phản kháng lặng lẽ như một kẻ thua thiệt cay cú. Tuy nhiên, ước mơ còn lại sau cùng đã vớt vát cho ông chút phẩm chất của một con người nghệ sĩ. Ông ước mơ một ngày nào đó, do một biến cố lịch sử chưa từng có tác động lên toàn thể xã hội, từng con người… khiến cuộc sống đột ngột thay đổi. Lúc ấy như được biến đổi gene, người Việt Nam bỗng trở nên trung thực, suy nghĩ chính trực và hành động chính đáng, không hèn hạ vì sợ hãi bạo quyền. Quả là một giấc mơ thần thánh. Nhưng với thực tại đáng nguyền rủa này, ông chỉ thầm chửi, “địt mẹ chúng nó”. Mà ông quên rằng, chính ông cũng cần được nghe chửi.

Người đàn bà sinh ra từ trứng

Khi mẹ tôi tròn bảy mươi tuổi, cũng là lúc nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới. Để chào mừng sự kiện đặc biệt này, mẹ tôi với một phẩm hạnh chịu đựng không giới hạn đã quyết định đóng góp phần của mình với thế giới. Bà lần lượt cho ra đời mỗi tháng một quả trứng đỏ kết tinh từ tinh trùng của gã sưu tập đồ cổ người Trung Hoa với máu của mình thay cho cuộc hành kinh đã tắt từ ngay sau vụ hiếp dâm tập thể thời cải cách ruộng đất. Để khỏi làm kinh động ông chồng ngoan hiền, sau mỗi lần sinh đẻ kỳ dị này, bà đào đất giấu từng quả trứng trong góc vườn nhà, tổng cộng 97 quả.

Việc này chỉ có tôi biết, mặc dù tôi không ở gần bà. Điều đó giải thích lý do vì sao tôi nhất định ở lại Việt Nam. Tôi tự cho mình có trọng trách hoặc phải đập bỏ 97 quả trứng kia hoặc tạo điều kiện cho chúng sinh nở như mẹ tôi đã sinh ra trên cuộc đời này. Quả thực, đó sẽ là một quyết định khó khăn.

N.V.