Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Thơ Anna Akhtamova

Nguyễn Quang Thân dịch



TÌNH YÊU


Khi là con rắn nhỏ
Lượn lờ quanh tim ta
Khi là chim bồ câu
Gù bên thành cửa trắng
Ngày dài lại đêm thâu


Khi là hạt sương loé lên dưới nắng
Khi trong hoa mơ ngủ náu mình
Nhưng chắc chắn nó dẫn ta một cách bí mật
Rời khỏi niềm vui sướng với bình yên


Nó biết ngọt ngào thổn thức
Trong tiếng nguyện cầu của vĩ cầm buồn bã
Và sợ hãi làm sao
Khi ta đoán ra được nó
Trong một nụ cười ta chưa quen thuộc bao giờ
1911
(Tập Buổi chiều)


LÀNG NGA HOÀNG


Xạm nắng và trẻ trung, anh lần theo lối nhỏ
Trầm tư, buồn bã bên hồ
Trăm năm rồi, chúng tôi còn níu giữ
Hiu hắt vọng về những bước chân xưa


Những ngọn thông nhọn hoắt trầm tư
Che phủ gốc cây đã chặt
Nơi đó, ngày xưa
        anh đã đặt
Chiếc mũ ba sừng và tập thơ nhàu nát của Pacnhi.


1911
(Tập Buổi chiều)
_____________________
Chú thích của người dịch:
1 Cũng là Hoàng Thôn, một địa điểm ngoại ô Peterburg nơi Pouchkine từng sống với gia đình. Là nơi A. Akhmatova theo học trường trung học và sống vào mùa đông cho đến ngày bố mẹ bà ly dị và mẹ bà đưa các con về phương Nam ở. Trong một bài viết của mình, Alexei Batalov (sinh năm 1928, diễn viên và đạo diễn nổi tiếng, từng đóng vai chính trong các phim Đàn sếu bay qua, Matxcơva không tin vào nước mắt, v.v) rất gần gũi với A. Akhmatova. Gia đình anh ở cùng căn hộ với nhà văn Victor Ardov, bạn thân mấy thập kỷ của A. Akhmatova thường lui tới nhà này và anh, chú bé sùng bái bà thực sự, được nhà thơ coi như là cậu bạn nhí vong niên). Anh kể: “Sau chiến tranh A.A hầu như xa hẳn nơi bà đã sống thời trẻ. Mười năm sau bà mới cùng tôi về thăm Hoàng Thôn. Chúng tôi lững thững lần theo những con đường mòn. Akhmatova rất ít nói, trở nên khô cứng trong khi bày tỏ tình cảm của mình. Bà đi như bước lên đống tro tàn của ngôi nhà bà bị cháy. Rồi bà đột nhiên nói dịu dàng khác thường: “Này, Alexei, trong những ngày hè nóng bức, ông ấy từng lui tới đây.” Tôi giương mắt nhìn và nhận ra đằng sau những thân cây bộ xương một chiếc ghế băng bằng sắt đã rỉ nát. Không nghi ngờ gì nữa, tôi biết rằng ngày trước Pouchkine đã đến ngồi nghỉ ở đây. Tôi nhớ lại hai câu thơ của bà làm năm 1911: “Nơi đó ngày xưa anh đã đặt / Chiếc mũ ba sừng và tập thơ nhàu nát của Parny”. Tôi cảm nhận ngay một cách chính xác là Pouchkine đang hiện hữu.
2. Evariste Parny (1753 - 1814) hiệp sĩ rồi được phong tử tước, nhà thơ Pháp, tác giả nhiều tập thơ tình. Viện sĩ Viện Hàn lâm.


TẶNG ALEXANDER BLOK



Tôi đến thăm nhà thơ
Đúng trưa. Ngày chủ nhật
Phòng rộng lặng như tờ
Tuyết đọng ngoài cửa sổ


Một mặt trời rực đỏ
Trên đám khói xanh lơ
Ngồi trước tôi nhà thơ
Nhìn xuyên tôi lặng lẽ


Một đôi mắt như thế
Mỗi người cần nhớ đời
Tôi, tốt nhất, thận trọng
Tôi không nhìn, thế thôi


Nhưng tôi nhớ buổi này
Chủ nhật. Trưa khói ám
Ngôi nhà cao và xám
Bên cửa sông Nhê-va


Tháng Giêng 1914
(Tập Tràng hạt)



  *******
Dưới khăn tay nắm trong tay
Anh hỏi sao em nhạt thế này?
Bởi vì bao nỗi buồn tê tái
Em đã cho anh ấy uống say


Sao quên được? Anh bước ra lảo đảo
Miệng méo xệch nhăn nhó khổ đau
Tôi chạy theo, không cầm tay vịn
Và bắt kịp anh chỗ hàng rào


Hổn hển tôi kêu:“Em đùa đấy!
Anh đi thì em chết mất thôi”
Anh mỉm cười bình yên mà run rẩy
“Vào đi em, chớ đứng chỗ gió trời!”


1911
(Tập Buổi chiều)



*********


Trước cửa mùa xuân có vài ngày như thế
Hạt cỏ nghỉ ngơi dưới lớp tuyết dày
Cây rì rầm khô nẻ vui tươi
Và gió ấm êm đềm mơn trớn
Và thân ta nhẹ nhàng đến lạ lẫm
Ta chẳng nhận ra mái nhà mình
Bài hát kia ta đã chán đã quên
Muốn hát lại bồi hồi như mới


1915
(Tập Bầy trắng)



*********


Có một đường biên trong gần gũi
Lửa tình không vượt nổi bao giờ
Dù trái tim vì yêu mà vụn vỡ
Khi lặng bàng hoàng môi cắn môi


Ở nơi này tình bạn đành bất lực
Cả tháng năm hạnh phúc sôi sục, thanh cao
Khi tâm hồn đựợc tự do trở thành xa lạ
Với đắm say lửa dục tuôn trào


Ai lần đến đây là điên dại
Ai đến rồi sẽ tê tái buồn đau
Dưới tay anh trái tim em không đập
Chắc bây giờ anh đã hiểu vì sao.


(Tập Bầy trắng)
********


Tôi lơ đễnh rời xa
Và tắt được ngọn lửa kia nhàm chán
Kẻ thù truyền kiếp của tôi ơi, đã đến rồi thời điểm
Anh hãy học yêu thương thực sự một con người.


Tôi tự do rồi. Đời là một trò du hí
Và đêm đến Nàng Thơ vỗ về tôi giấc ngủ
Để sớm mai vinh quang lại bên giường
Chiếc trống bỏi cầm tay bắng nhắng kêu vang


Xin đừng ai cầu nguyện cho tôi
Ai bỏ đi rồi xin đừng quay lại
Chỉ cơn gió đen kia làm tôi thư thái
Và tôi vui khi mẩu lá vàng rơi.


Vĩnh biệt, với tôi là món quà quý giá
Lãng quên là ân huệ Trời ban
Anh hãy nói em nghe, trên nỗi đau thánh giá
Anh dám gửi cho em ân huệ khác nào chăng?


1921
(Tập Bầy trắng)



*********


Tôi chẳng bao giờ đi với ai
Bỏ đất đai cho kẻ thù giày xéo
Tôi chẳng nghe lời phỉnh phờ thô bạo
Bài hát của tôi chẳng cho họ bao giờ
 
Nhưng vĩnh hằng tôi thương kẻ ra đi
Như thương người tù, như thương người bệnh
Tối tăm sao đường đi người phiêu lãng
Miếng bánh nhà người cay đắng làm sao1


Ở lại đây trong mịt mù lửa cháy
Chút thanh xuân huỷ hoại không còn
Lũ chúng tôi chẳng thể nào tránh được
Mỗi ngọn đòn đánh thẳng vào lưng


Rồi sẽ đến ngày dù chậm trễ
Mỗi giờ qua được định giá rạch ròi
Nhưng chẳng có ai trên đời đã cạn khô nước mắt
Mà kiêu hãnh và giản dị hơn chúng tôi.


1922
(Tập Anno Domini)


Chú thích của người dịch:
1.     Theo Anatoli Naiman, chỗ này A. Akhmatova đã nói lại một đoạn thơ của Dante trong Thần Khúc bằng “tiếng nói riêng” nhưng phóng túng hơn. Đoạn thơ của Dante như sau: “Tu proverrai si comme sa di sale / Lo pane altrui, e com’ è duro calle / Lo scendere e’ l salir per altrui scale” “Tự anh rồi sẽ biết / miếng bánh nhà người cay đắng làm sao / Lên xuống cầu thang nhà người mới cực làm sao” (dịch theo bản tiếng Pháp).




VỢ CỦA LỐT


  Nhưng vợ của Lốt quay ngó lại đằng sau mình nên hoá ra một tượng muối.
  (Sáng thế ký 19 / 26)


Lốt ngoan đạo bước theo sau thiên sứ
Sáng rỡ, cao to trong dãy núi tối mò
Vợ chàng nghe nỗi bối rối nói to:
Chưa muộn đâu, chị hãy còn thời gian nhìn lại
Ngọn tháp đỏ thành Xô Đôm quê nội
Quảng trường kia nơi chị hát hò
Mảnh sân nhà nơi chị quay tơ
Cửa sổ trống không của ngôi nhà cũ
Nơi chị nuôi đàn con cho người chồng yêu quý...


Chị quay nhìn mắt nhức nhối thương đau
Đôi mắt kia mờ lệ u sầu
Và lập tức chị biến thành muối trắng
Đôi chân chị chôn chặt vào đất nặng.


Ai sẽ than khóc cho người vợ này?
Mất mát này phải chăng là nhỏ nhất?
Chỉ mỗi trái tim tôi chẳng bao giờ quên được
Kẻ hiến dâng đời cho mỗi cái nhìn thôi.


1922 - 1924
(Tập Thơ Kinh)
--------------------------------------
Chú thích của người dịch:
Theo Kinh Thánh, Sáng Thế ký chương 19 / 26, khi Giêhôva, căm giận vì dân thành Xô đôm vô đạo, đã phái Thiên sứ xuống huỷ diệt thành. Vì ngoan đạo và tiếp đón Thiên sứ, che chở cho Thiên sứ thoát được cuộc săn lùng của dân Xô đôm, Lốt được Thiên sứ cứu sống, dẫn chàng trốn qua đường núi khi thành bốc lửa diêm sinh, với điều kiện là không ai trong gia đình chàng được phép quay đầu nhìn lại. Vợ Lốt không đừng được, quay nhìn và lập tức biến thành một cột muối.




***********




Khi người ta chết
Chân dung thay đổi nhiều
Đôi mắt nhìn một cái nhìn khác trước
Và môi cười một cái cười khác trước


Tôi ghi nhận điều này
Sau buổi chôn cất một nhà thơ
Từ đó tôi thường hay xét lại
Và tôi khẳng định nỗi nghi ngờ


1940
(Tập Cây sậy)





CUỘC CHÚC RƯỢU CUỐI CÙNG



Ta dốc chén vì gia đình ta ly tán
Vì cuộc đời khốn nạn của ta
Vì nỗi cô quạnh bên ta
Và vì ngươi, ta dốc chén!
Cho lời lừa lọc từ môi ngươi phản phúc
cho đôi mắt ngươi lạnh lẽo chết người
cho thế giới này bạo tàn và khổ nhục
Và cho Người – Thượng Đế,
chẳng bao giờ cứu ai!


1934
(Tập Cây sậy)


**************


Sao không gửi đến tôi một thiên nga trắng
Hay một con đò, một chiếc mảng đen
Năm mười sáu giữa mùa xuân
Anh ấy hẹn sẽ về không chậm trễ
Năm mười sáu giữa mùa xuân anh ấy kể
Như cánh chim câu tôi nhẹ bay vào
Qua đêm dài và cái chết thương đau
đến nơi anh yên nghỉ
Và đôi cánh tôi chạm vai anh khe khẽ
Mùa xuân mười sáu này
Đôi mắt anh vẫn nhìn tôi yên lặng
Biết làm gì đây? Tôi biết làm gì đây?
Chỉ có thiên thần trò chuyện cùng tôi nửa đêm về sáng


Tháng Hai 1945 - Matxcơva
(Tập Cây sậy)



*********


Ở nơi này tất cả cùng tôi đã sống
Có những tổ chim cũ kỹ trên cành
Hơi thở này, hơi thở của mùa xuân
Đã đến qua muôn trùng biển ấm


Và tiếng gọi của vĩnh hằng xa thẳm
Không chịu thua bao giờ


Trên ngọn anh đào nở hoa
Ánh trăng non nhẹ nhàng tuôn chảy
Và xa kia con đường đến dễ dãi
Thấp thoáng trong rừng khảm ngọc trai
Đường đi về đâu? Tôi không thể nói


Giữa trăm cây cũng chợt sáng ngời
Và tất cả giống như trên lối nhỏ
Cạnh chiếc ao làng Nga hoàng xa xôi


1958
(Tập Lẻ chiếc)





*********


Chúng tôi đã hiểu giờ đây cái gì đang được đặt trên bàn cân
Và chuyện gì đang tiến hành
Giờ khắc của lòng can đảm đã điểm rồi, trong phút giây ta sống
Lòng dũng cảm không rời ta nữa đâu.
Chúng ta không run sợ nằm dưới làn đạn
Cũng chẳng đắng cay than thở vì không còn một mái nhà
Nhưng tiếng Nga ơi, chúng tôi gìn giữ
Gìn giữ tiếng Nga vĩ đại của ta.


Mang giữ Người trong tự do và tinh sạch
Và cứu Người ra khỏi nơi tù ngục
Cho muôn đời con cháu mai sau.


1942
(Tập Ngọn gió chiến tranh)




*********


Đã mùa xuân thứ ba
Tôi xa Leningrad
Mùa xuân thứ ba rồi ư?
Phải chăng mùa xuân chót
Làm sao quên được
Cho đến lúc lìa đời
Tôi đã mừng vui
Nghe nước reo trong bóng cây mờ tối
Đào nở hoa và cỏ đồng tím khói
Ngạt ngào dâng hương
Với tôi, ai dám nói
Tôi đang sống tha hương?


Tashkent 1942-1944
(Tập Ngọn gió chiến tranh)



VƯỜN MÙA HÈ


Tôi muốn tìm những bông hồng trong vườn này, khu vườn duy nhất
Nơi có dãy hàng rào đẹp nhất trái đất


nơi những bức tượng nhớ tôi thời trẻ xa
còn tôi nhớ chúng in hình trong nước sông Nhê-va


Giữa hàng cây vương giả trong cảnh lặng dâng hương sực nức
tôi lắng nghe tiếng cột buồm kĩu kịt


Và con thiên nga vẫn bơi qua thế kỷ như xưa
bơi và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bóng mình say mê


Và trăm ngàn bước chân đã đi vào cõi lãng quên tịch mịch
bước chân kẻ địch và bạn bè, bạn bè và kẻ địch


Rồi cuộc diễu hành của bóng cây không tận không cùng
từ chiếc bình bằng đá đến cánh cửa hoàng cung


Ở đây những đêm trắng của tôi thì thầm mách bảo
về một mối tình thanh cao và kín đáo


Mọi thứ cháy bừng lên trong sắc ngọc và xà cừ
nhưng nguồn sáng thì vẫn bí ẩn được khuất che.


1959
  (Tập Lẻ chiếc)




BÔNG HOA HỒNG CUỐI CÙNG


Khi nói về chúng tôi các anh không dám nhìn thẳng
I. Brotski


Tôi cúi đầu xin lạy Ma-rô-zô-va
Xin được cùng Xa-lô-mê nhảy múa
Bay cùng tro Đi-đông trên giàn lửa
Thêm một lần được cháy với Gian-đa


Thượng đế ơi! Người thấy tôi mệt mỏi chừng nào
Sống lại, chết rồi, vẫn sống
Hãy mang hết cả đi! Nhưng bông hồng này đỏ thắm
Tươi mát hương này xin để lại cho tôi.


1962 - Komarovo 


--------------------------
Chú thích của người dịch:
Đây là một bài thơ rất khó dịch vì có nhiều tên riêng và điển tích. Feodosia Morozova (1632 - 1675) nữ lãnh chúa giàu có, trung thành với cựu giáo. Bị bắt năm 1671 rồi chết trong tù. Nổi tiếng nhờ lòng nhân ái, là chủ đề của một bức tranh nổi tiếng của Vaxili Xuricov. Xalômé: nguyên văn tiếng Nga là “con riêng của Hérode”, công chúa Do Thái. Nàng được chú là vua Hérode Antipa gửi tặng cái đầu lâu của thánh Jean Baptiste, sau khi vị thánh này bị hành hình. Nàng đã nhảy múa quanh cái đầu lâu đó, những bước nhảy thành giai thoại về sau. Didon: hay Êlissa, con gái của Mutto vua thành Tir. Nàng chạy trốn sau khi chồng bị kẻ thù giết và lập nên thành Cartage. Theo Virgile, ở đây Ené yêu nàng rồi sau đó bỏ nàng theo lệnh của Thượng Đế. Didon tuyệt vọng vì bị bỏ rơi, lên một giàn hoả đâm vào cổ tự vẫn. Jeane d’Arc là nữ anh hùng dân tộc của nước Pháp, bị quân Anh thiêu sống ngày 30 tháng 3 năm 1431.



************


Dù cái chết nhìn em tận mắt
Lại một lần em nhớ lời anh
Em sẽ bỏ phiếu bầu như anh đã nhắc:


Cho cái cửa được là cái cửa
Cho cái khoá được là cái khoá
Cho con thú dữ dằn trong ngực em
Được trở thành một trái tim


Nhưng số phận bắt chúng ta phải hiểu
Điều ấy có nghĩa gì
Khi ba năm không ngủ
Điều ấy có nghĩa gì
Khi mỗi sáng biết tin ai đó
Đã chết rồi, đêm qua.


1940



*******


Với nhân dân tôi không quyến rũ
Bằng cây đàn của kẻ tình si
Mà trong tay tôi chiếc mõ
của người phong1 hát ca


Chê bai tôi, chửi bới, ồ, à!
Các anh hãy còn kịp chán
Tôi sẽ dạy các anh, những chàng “dũng cảm”
Cách tránh né tôi ra.


Lợi lộc tôi không tìm kiếm
Vinh quang tôi chẳng đợi chờ
Ba mươi năm rồi tôi sống
Dưới bóng tử thần đâu xa.2


---------------------------------------------
Chú thích của người dịch:
1. Ngày xưa ở châu Âu người ta thường bắt người bị bệnh phong đeo một cái mõ để thiên hạ biết mà tránh.
2. Bốn câu thơ khác trong bài Mảnh vụn của Anna Akhmatova: Tôi, thiếu lửa, thiếu nước uống / Bị cắt rời đứa con một thân yêu/ Trên cây cột bêu người của khổ nhục / Tôi, đứng dưới bóng che một ngai vàng.




THƠ TRONG CUỐN VỞ BỊ ĐỐT CHÁY


******


Các người bỏ thuốc độc vào nước để làm gì
Sao các người trộn bánh mì của tôi với bùn đất
Một chút tự do cuối cùng của tôi các người cũng biến nốt
thành những trò tội lỗi bất lương


Bởi vì tôi đâu có nhạo báng dửng dưng
Trước cái chết đắng cay của bạn bè yêu quý
Bởi vì tôi đã thủy chung ở lại
Với Tổ quốc sầu muộn của tôi.


Vậy đó, thưa các ngài,
Không có thớt chặt đầu và những thằng đao phủ
Thì trái đất này cũng chẳng có nhà thơ.
Trong tấm áo gai sám hối vật vờ
Nến cầm tay, lũ chúng tôi đi và gào rú.
1935



*********


Mọi người đã ra đi mà không ai trở về
Chỉ còn anh chung thủy với lời thề
của tình ta. Anh, người cuối cùng ở lại
để nhìn thấy bầu trời đẫm máu ở trên kia


Mái nhà em, thơ em đã bị rủa nguyền
Những bài ca dịu dàng vang ngân vô ích
Em đâu dám mở mắt nhìn thảm kịch
Số phận đớn đau của cuộc đời mình


Đạo Lớn thiêng liêng bị giẫm nát nhừ
Người ta lăng nhục cả sáng trong ngôn ngữ
Để bắt em với các chị nữ tù
Năm ba mươi bảy rửa mặt đất này đầy máu


Người ta bắt đi đứa con một của em
Và tra tấn bạn bè trong ngục tối
Họ vây em bằng những dãy hàng rào
Mọi dấu chân em đều bị dõi


Người ta ban cho em cái tật lặng câm
Giữa bốn phương trời em đớn đau nhục nhã
Họ nuôi em bằng những lời thoá mạ
Và cho em độc dược đắng cay
Người ta dẫn em đến tận cùng giớí hạn
Không hiểu sao để em lại nơi này
Em là cô gái thị thành điên loạn
Giữa quảng trường hấp hối vật vờ đi.



*********


Phương Tây vu vạ tôi rồi tin như thật
Phưong Đông phản bội tôi sang trọng đàng hoàng
Phương Nam thí cho tôi chút không gian nhỏ giọt
Cợt cười bẻ bai dòng chữ nghịch thần


Như nội cỏ rạp mình trước gió
Gió hát ca chuỗi hạt ngọc trai
Người bạn cũ thuỷ chung phương Bắc đó
Đã tận tình an ủi vỗ về tôi


Tôi ngập mình trong ngột ngạt rã rời
Trong thối tha của bùn lẫn máu
Không thể sống trong ngôi nhà tôi náu
Rồi Vịnh Phần Lan sắt đá thốt lời:
Sẽ nếm đủ điều trừ vui sướng chị ơi
Nhưng chẳng là quái gì! Chị hãy sống!
 
*********


Cùng đau khổ đâu phải là vô ích
Ngay cả một lần từng thất vọng thở than
Chúng ta bầu bán và thề thốt
Rồi lại bình yên tiếp tục con đường


Không phải vì thế mà tôi dọn mình sạch sẽ
Trắng trong như cây nến trước ban thờ
Mà tôi đã cùng các anh bò lê quỵ lụy
Dưới chân thằng rối giết người máu me


Không, tôi chẳng nương dưới bầu trời nào
Chẳng mong đôi cánh xa lạ nào che chở
Thời đó tôi đã cùng nhân dân bất hạnh sao
Ở nơi mà nhân dân tôi ở.



*********


Người ta dẫn người thương trở về
Tôi chẳng hề nhìn theo ghen tỵ
Một mình tôi ngồi trên chiếc ghế
bị cáo này. Một thế kỷ sắp qua đi.


Xung quanh tôi là cãi cọ đẩy xô
Giữa mùi hương ngạt ngào vấy bẩn
Chuyện này Kapkaz đã nghĩ ra
Và Charlie đã từng trình diễn.


Trong những cuộc tranh cãi đàng hoàng
Hay dai dẳng tận cùng cơn ác mộng
Ba thế hệ thay nhau lên án
Người đàn bà tội lỗi là tôi.


Bộ mặt áp giải đổi thay luôn
Công tố viên thứ sáu lên cơn tắc huyết
Nhưng đâu đó vẫn có khoảng trời bát ngát
Giưã nắng oi xanh thẳm lạ lùng.


Tôi cũng biết bờ bên kia mùa hạ
Đang dạo chơi đẹp đẽ chừng nào
Nhưng tôi chẳng bao giờ hình dung nổi
Nơi gọi là đâu đó yên vui.


Tai tôi điếc vì những lời nguyền rủa
áo tôi mang rách mướp đến tận cùng
Tôi là người đàn bà tội lỗi
nhất trần gian, có phải thế không?



THƠ TẶNG BORIS PASTERNAK


1
Tamerlan lại giày xéo mùa thu
Lặng im những hẽm đường Arbat
Sau màn sương và sau ga xép
Con đường đen thẳm khó đi qua
Con đường chót cùng và cơn giận dữ
đang lặng đi. Dù sao thế giới cũng tắt dần
Vẫn còn lại hùng hồn Phúc Âm già cũ
Và tiếng thở dài Ghetsêmani đắng cay.


2
Tiếng nói không bao giờ lặp lại ngày hôm qua đã tắt
Người đối thoại của những cánh rừng đã rời bỏ chúng ta
Anh đã hoá thành gié lúa để cho cuộc sống
Anh hoá thành cơn mưa mỏng manh nhất anh từng ngợi ca
Và hoa cỏ ở trên trần thế
Đã cùng nhau đua nở vì cái chết này
Nhưng im lặng chợt trùm lên ngôi sao đang bay
mang cái tên bình thường - Trái đất.


3
Như con gái của Edip mù loà
Nàng Thơ, nhà tiên tri dẫn đường về cái chết
Nhưng có một cây lipa điên cuồng
Đã nở hoa tháng Ba này tang tóc
ngoài khung thành cửa sổ nơi một lần nào đó
Anh đã cho tôi hay con đường trước nhà thơ
làm bằng vàng nhưng có cánh đang uốn lượn
Nơi anh cất giữ khí phách mình.
  11-6-1960
--------------------------------
Chú thích của người dịch:
Tamerlan: (Timur Lang) 1370-1405, bạo chúa nổi tiếng tàn ác, chết trên đường chinh phục Trung Quốc. Ghết-sê-ma-ni: Nơi trước khi bị bắt đóng đinh câu rút,Giêsu quỳ xuống cầu nguyện Đức Chúa Cha: Lạy Cha, giá như Cha có thể cất hộ con chén đắng này”.
Bà đã làm ba bài thơ tặng B.P. Một bài làm sau cuốn Bác sĩ Zivago bị “đánh”. Hai bài sau làm ngay sau khi B.P. chết.