Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Cư sĩ

Truyện Hà Thúc Sinh


Cụ Đạo là người hạnh phúc, hiểu theo nghĩa có một cuộc đời êm ả hanh thông, con cái đỗ đạt. Trẻ từng tu chùa, lớn không thoải mái cụ hồi tục, lập gia đình. Lương thiện là bước đầu phải có của một người tốt, cụ tin thế, mọi thứ khác theo sau. Tuổi hưu cụ vẫn hồng hào, đọc sách báo không cần kính, đi không cần gậy. Nhà thương xứ Mỹ chưa lấy được của cụ đồng bạc nào cho đáng như ở các cụ bạn. Lại nữa từ nước nhà ra nước người, cụ được làm một nghề duy nhất cụ thích, nghề quản thủ thư viện. Chỉ một bệnh cụ có từ trẻ là chứng tê tay. Có khi rờ ấm trà thật nóng cụ không cảm thấy gì. Cụ không quan tâm chữa trị.

Từ hưu, đời sống cụ đâm thay đổi. Nhà con cháu vắng dần. Xứ này vậy. Cơm áo nghề ngỗng lôi mỗi đứa một nẻo. Nhưng ngạc nhiên thay, hai vợ chồng già xem ra lại tất bật hơn, ấy là do khách khứa.

Cụ bà là người nhân từ, thuận thảo từ trẻ. Cụ như cái bóng đen lặng lẽ và trung thành của cụ ông, như cánh bèo nương theo con nước, đúng đạo xướng tuỳ. Mà khách nào phải hạng rượu chè cờ bạc gì, toàn những vị thức giả, đến để đàm đạo với cụ ông những vấn đề nhìn chiều nào cũng thấy nghĩa lý. Từ những vấn đề siêu hình như con người từ đâu tới rồi đi về đâu, khổ đau rời khỏi mặt đất phải vì đã không được chọn lựa khi đến mặt đất, tiếng khóc có thực là phản diện của tiếng cười; hoặc thực tiễn như nhai miếng cơm phải nhiều lần ra sao, điều tiết hơi thở quan trọng thế nào… Không thiếu lúc ngồi nhà sau thiu thiu ngủ, cụ bà chợt tỉnh, mỉm nụ cười đến từ một hồi tưởng. Nhưng nói chung cụ vui. Có người đàn bà nào kém vui khi chồng được đời tin tưởng? Lượng khách ở đây là thước đo sự uyên bác của chủ nhà.

Cụ Đạo biến thành một nhà thuyết giảng thật rồi.

***

Nhưng những hành động vong thân của một chủ thể phải chăng thường thoát thai từ hấp lực của khách thể, của thế giới ngoại tại? Những người vong thân hiếm khi tự nhận ra mình là nạn nhân một sự lệ thuộc. Có thể cụ Đạo không thoát khỏi lối mòn này. Dù sao bản chất khiêm tốn, có bao giờ cụ dám nghĩ đời tối; nhưng đời như áng mây nhàn nhã trôi qua, phiền hà gì ánh trăng không toả sáng cho mây thấy rõ hơn vũ trụ còn trùng điệp tinh tú? Nhưng mây thì dài quá, nhiều quá, mà trăng lại hữu hạn từ quang năng đến thời lượng hiện diện.

Chỉ đôi ba năm, cụ Đạo đuối nhanh chóng về sức khoẻ và cạn cũng nhanh về kho kiến thức. Cụ âm thầm tự chống lại sự sa sút nhưng xem ra không hiệu quả. Cứ như một sa mạc phát tiết cạn nhiệt dần, một ngày cụ nhận chân một điều: Hạnh phúc chính là mình sống suy niệm với chính mình chứ không hẳn đem sự suy niệm ấy rao giảng ầm ỹ cho ai. Các triết gia sẽ là triết nhân nếu họ im lặng. Rao giảng biết đâu không là một hình thái bộc lộ bế tắc? Xưa nay có phải cụ không biết bên kia cánh đồng hoa đẹp rực rỡ của đời là một bãi lầy bế tắc đâu. Hãy sống nhàn hạ đời hữu hạn với cánh đồng hoa, hà tất bước chi bước lớn để sa vào bãi đầm lầy mà ở đó, từ cổ kim, đám triết gia bất hạnh đã om sòm đùn đẩy nhau tới chia đều mỗi người một khoảnh.

Cụ Đạo đã nhận ra mình chọn nhầm lối rẽ ở một ngã ba. Cụ không tiết lộ với vợ. Và vì thế, cứ chiều đến là: “Hôm nay ông đãi khách trà gì để tôi liệu pha?”.

***

Một tối đeo kính, chống gậy thả bộ một vòng quanh khu vực nhà, về tới trước cửa cụ ngẩn người. Khóm dạ lan vợ trồng hồi nào mà giờ sao thơm lạ lùng. Cụ đứng lại, dưới trăng, nhìn những cụm hoa trắng li ti ẩn hiện như bầu trời tinh tú thứ hai mơ hồ, huyền bí. Cụ bước lên thềm, chìm trong nghĩ ngợi. Đúng lúc đó, từ sâu trong tâm khảm, cụ thấy có gì máy động, rồi bung lơi, như tơ; nó khiến cụ ngất ngây, run rẩy, không thể giải thích, không thể chống cự, và cụ ngã xuống. Ít phút sau cụ thấy mình ngồi trong ghế bành. Về đêm nhà vắng ngắt như bao giờ. Bất giác cụ hiểu ra những sợi tơ lan dần ban nãy là hơi lạnh bốc lên từ một khối cô đơn. Cụ nhìn quanh. Mừng quá. Đó là lần đầu cụ đột ngột ngộ được sự hiện diện của một con người có thực là bà vợ già lặng lẽ.

“Cơ khổ!”. Cụ bà nói. “Ông đi lang thang làm gì cho ngã sấp ngã ngửa. Ông dùng chút trà gừng nóng cho khoẻ rồi đi nằm”.

Cụ đỡ lấy tách trà từ tay vợ. Cụ lại sững sờ. Đó cũng là lần đầu cùng lúc cụ cảm được hai luồng ấm lạnh thấm vào tay, dẫn vào tim, thật tách bạch, thật trong sáng, là hơi nóng từ tách trà và hơi mát từ bàn tay người bạn đời. Cụ Đạo cứ cầm tách trà như thế trong tay lúc lâu, và cầm cả bàn tay nhăn nheo của vợ nữa. Cụ buột miệng nói thầm vào vẻ mặt nửa dò hỏi nửa bối rối của vợ:

“Mình nhỉ, đời ngắn sao người ta cứ sống mãi với những thứ giả!”.

Cụ bà nhẹ rút tay ra, nhớ mang máng gần năm mươi năm trước dường như đã một lần cụ ông nói câu ấy, duy chỉ khác giọng, và không nhớ rõ trong dịp nào.

(Trích Tống Biệt Hai Mươi - 50 truyện, 1 kịch, 10 thơ - NXB Xuân Thu ấn hành)