Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

Trên con đường miên man chiến tranh

(Rút từ facebook của Dạ Ngân)


Một đứa bé bốn tuổi đã buộc phải nhớ những thứ không dành cho tuổi ấu thơ của nó. Đứa bé ấy vào năm 1956 ghi nhớ dữ kiện khiến một gia đình bước vào “khúc quanh lịch sử!”. Ấy là khi người cha của đứa bé đi tù, một người theo Việt Minh giành độc lập cho đất nước khỏi ách thuộc địa.

Là con trai duy nhất của ông bà nội, người cha mãi năm 1946 mới rời gia đình theo tiếng gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chí Minh. Từ đó đến khi Việt Nam bị chia cắt, ông đã có thêm bốn đứa con nữa mà cô bé là đứa áp út. Ông không đi tập kết ra Bắc như hầu hết bạn bè trang lứa, ông không thể bỏ mặc cha mẹ già và một bầy con thơ. Bằng danh dự người yêu nước, ông tiếp tục kháng chiến chống Ngô Đình Diệm và thành tù nhân chính trị 20 năm khổ sai Côn Đảo.

Chiến tranh không xa lạ gì cả. Chiến tranh tệ hại thay, như là đặc sản của đất nước bé nhỏ này. Chống lại một siêu cường và những đồng minh giàu có, sự hủy diệt của cuộc chiến nằm ngoài sức tưởng tượng của con người. Ở cái nhân của nó, cái vòng xoáy nhỏ nhất bên trong nó, cô bé nhận thấy sự can cường như phẩm chất hàng đầu ở những con người nông dân thuần túy như ông bà nội, như má của mình, như cô ruột của mình và rất đông ông bà già, đàn bà và trẻ nhỏ của xóm ấp. Là gia đình Việt Cộng, các thành viên thường bị lùa khỏi ruộng vườn để sống cảnh Ấp chiến lược. Linh cảm cho biết, hành xử như vậy là chiến cuộc sẽ kéo dài. Thắc mắc mà không có câu trả lời: Mới thời Việt Minh mọi người cùng nhau, bỗng dưng người Mỹ xuất hiện và hình thành chiến tuyến dữ dội, vì sao?

Khi cô bé mười tuổi, nguồn tin từ nhà tù Côn Đảo loan về, người tù cứng đầu đã chết trong xà lim cấm cố. Sáu tháng sau ông nội quỵ hẳn, qua đời. Tàn phế cả một gia đình. Sự hiện hữu của chiến tranh đã man rợ hơn lên. Bom đạn nhiều không kể xiết. Những cuộc càn quét đối phương gọi là tiễu trừ Việt Cộng. Người chết, nhà cháy, vườn tược bình địa. Chiến tranh ngấm vào khe hở mỗi ngày giữa những người đàn bà, toàn đàn bà và con nít vật vã. Người anh trai duy nhất của cô bé đang học chữ ở thị trấn, tức là ở trong vùng của đối phương kiểm soát bị gọi về để gửi đi U Minh kháng chiến. Có lẽ cô bé đã xác tín văn chương cho mình từ những ngày thôi thúc ấy, không có con đường thứ hai.

Nhiều vô kể những cái chết. Nhưng sống sót mới khổ, bởi cảm giác phập phồng không biết chết như thế nào, chết vì sát thương, hay chết đuối, chết cháy, chết giẫm phải mìn của chính quân mình, chết vì rắn độc hay chết vì bị đối phương bắt, tra khảo và tù đày? Dần quen, một thói quen kiêu hãnh, không quan tâm tới cái chết nữa, để sống. Cô nhà báo trẻ ngộ dần, như một ca khúc của Trịnh Công Sơn từ Sài Gòn truyền tai vào bên trong người kháng chiến “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu/Một trăm năm đô hộ giặc Tây/ Hai mươi năm nội chiến từng ngày/Gia tài của mẹ để lại cho con/Gia tài của mẹ một nước Việt buồn” Đúng, luôn luôn là một nước Việt buồn dù cuối cùng, vài triệu người đã chết cho kết thúc.

Năm 1975 ấy, vui chẳng tày gang mà lại buồn tan nát, dài lâu. Bởi vì chỉ nhà mình thôi mà đã có tới ba người chết, cha và chồng của chị cả và em út. Cả hai phía đều có người không trở về. Góa bụa dày đặc xóm làng. Niềm riêng từng nhà nhưng nỗi đau thì chung, nước mắt không có màu, nước mắt giống nhau, như nhau. Chưa kịp ngấm đòn hậu chiến tan hoang lòng người thì đã lại là Cuộc chiến thứ ba với Trung Quốc ở phía Bắc và với Pol Pot ở phía Tây Nam. Mười năm tổng lực cho viễn chinh quét dọn, cho người mà cũng để cho mình. Năm 1989, tiếng súng mới ngưng và sau đó là nỗi đau mới. Vậy là gần một thế kỷ. Có nơi nào trên thế giới dằng dặc chiến tranh như mảnh đất bé tí này không?

Chúng tôi đã bị thế giới bỏ lại rất xa phía sau trên bản đồ văn minh nhân loại. Cay đắng, nhà văn là những người nghĩ ngợi nhiều nên càng thấy cay đắng. Thế giới thanh toán chế độ thuộc địa nhưng thế giới còn nguyên những nước lớn xem nước nhỏ như những con cờ. Và nhà văn Việt Nam thì bị chiến tranh ám ảnh, nói cách khác, nó cầm tù chúng tôi mà chúng tôi không thấy cần phải vùng lên giải phóng. Làm sao thay máu được chính mình, làm sao thay toàn bộ tế bào của cơ thể mình khi thai giáo là âm thạnh súng đạn, mở mắt ra đã hít thở khói súng và, chuyện thắng thua, hận thù đã nuôi sống chúng tôi. Không thể nào, và các bạn đã biết những nhà văn thế hệ tôi, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Văn Lê, những ai đó nữa và bây giờ, là tôi không thể nào buông bỏ ký ức có một cái tên dễ sợ: Chiến Tranh!

Có đến ba sợi dây trói mà tôi vật lộn với chúng một cách giận dữ nhưng cũng không kém mê say. Sợi dây truyền thống Khổng giáo đặt phụ nữ ở vị trí thứ yếu trong xã hội. Sợi dây ý thức hệ chống lại khát vọng tự do và sáng tạo cá nhân. Sợi dây ký ức toàn những hình ảnh đau thương ghê rợn từ chiến cuộc. Ba sợi dây ấy thít lấy, để lại những vết hằn mà khi viết thì nhà văn thấy mình giãy giụa như tù nhân để nhận lấy thương tích. Hệ thống kiểm duyệt tinh vi và bản thân người viết tự kiểm duyệt để được xuất bản. Các nhà văn dấn thân cho hiện thực đều không được ghi nhận dễ dàng. 25 năm sau từ khi bắt đầu viết văn tôi mới thấy khoan thai với cái giá phải trả nếu cần với cuốn tiểu thuyết quan trọng của đời văn: “Gia Đình Bé Mọn”. May sao thời thế đã nhúc nhích một chút, nó đã đươc in 5 lần, nhận 2 giải thưởng văn chương và đã được dịch sang tiếng Anh (An Insignficant Family) in ở Mỹ và sau đó dịch ra tiếng Pháp in ở Paris.

20 đầu sách, hàng trăm truyện ngắn, 5 tiểu thuyết và truyện dài, đối tượng miêu tả luôn là số phận người phụ nữ gắn với chiến tranh và hậu chiến. Tôi thuộc về chiến tranh mất rồi, tôi vẫn ở trong vòng xoáy của nó, lò lửa địa ngục của nó. Vì vậy mà tôi rất nhạy cảm với chia cắt, hai miền và cảnh những người Nam – Bắc Triều Tiên khóc trong tay nhau khi được sum họp. Tôi không chịu nổi những cảnh như vậy.

Nhưng con người vẫn không khôn lên. Thế kỷ 21 này vẫn là thế kỷ của chiến tranh và tệ hơn, nguy cơ hủy diệt cao hơn. Những nước lớn vẫn đặt nước nhỏ lên bàn cờ của họ. Lạy trời cho thế chiến thứ ba vẫn nằm trong sự kém cỏi của các nhà tiên tri. Lạy trời cho các bạn thống nhất hai miền mà không phải tốn máu xương. Lạy trời cho mọi quốc gia đều được bình đẳng trong khát vọng yên bình và thịnh vượng.