Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Nhà thơ - Nghệ sĩ Ly Hoàng Ly và nghệ thuật đương đại[i]

Việt Quỳnh
Ly 1Ly Hoàng Ly là cái tên quen thuộc trong lòng những người trí thức, cũng như văn nghệ sĩ Việt Nam. Nghệ sĩ tiên phong khai phá thể nghiệm các tác phẩm thị giác đương đại Việt Nam, cũng là người từng nhẹ nhàng từ chối giải tặng thưởng của Hội nhà văn Việt Nam cho tập thơ Lô Lô để lại đằng sau bao nặng nề ồn ào dư luận.
Thời gian này, Ly Hoàng Ly đang tiếp tục triển khai Dự án “Prvdens Vivo Prvdens Morior” (Tạm dịch: Sống chánh niệm chết chánh niệm). Dự án này bắt đầu từ ngày 24 tháng 11 năm 2014 bằng một chuỗi các tác phẩm trình diễn tại studio cá nhân “gồm 14 ngày nhịn ăn, chỉ uống nước lọc và 8 ngày bắt đầu ăn trở lại, với sự tham gia của 38 khách mời, trong đó có một con mèo”, theo chia sẻ của Ly. Dự án có một phần cộng tác về phần nhiếp ảnh với nghệ sỹ Trương Minh Giàu, với tư cách là giám đốc nhiếp ảnh.
Thế rồi, vào một sáng mưa tầm tã ở Hà Nội, trên đường phố, rất nhiều người dân kinh ngạc khi nhìn thấy một người phụ nữ mảnh mai mặc áo dài trắng muốt, đi trên một chiếc xe đạp sơn trắng, trên giỏ xe lùng bùng nilon trắng, sau lưng được gắn chiếc cánh thiên thần màu trắng, trên đầu đội chiếc mũ mềm to dày được làm từ… bột mỳ. Chị đạp, dắt xe trên lòng đường, gặp một số người dân, nhờ họ đọc bản Bình Ngô Đại Cáo của danh tài Nguyễn Trãi, có người đọc, người không đọc thì chị đọc cho họ nghe, sau đó mỗi người cho chị một chữ hay một câu họ thích nhất, nhớ nhất.
Không ai hiểu chị đang làm gì, cũng chẳng biết sự thể ra sao, ai cũng thấy lo lắng và muốn giúp đỡ người phụ nữ đang rất mệt mỏi kia, nhưng chẳng ai lại gần. Họ đứng từ xa, quay phim chụp ảnh rồi… cắn móng tay và bỏ đi. Người phụ nữ cứ nằm trong mưa, đầu gối lên cái gối trắng được bọc trong nilon trắng, áo dài ướt đẫm bám dính lên da thịt lạnh ngắt… Khó thể nói vẻ ngoài điềm nhiên ấy có thể mang theo giấc ngủ bình yên bên trong.
Đó là một tác phẩm trình diễn “Xin chữ - Cho chữ” tương tác trực tiếp với công chúng trong nước gần đây nhất của nghệ sĩ Ly Hoàng Ly. Tất cả các chữ xin được, chị trưng bày thành một tác phẩm sắp đặt – một phiên bản mới của Bình Ngô Đại Cáo của ngày hôm nay. Tác phẩm trình diễn kết hợp sắp đặt này chưa kết thúc, vì Ly Hoàng Ly đang tiếp tục xin chữ của những người khác. Nhìn tác phẩm trình diễn ấy, thấy rõ sự đo lường sức chịu đựng về tinh thần cũng như sức khoẻ của chị. Bởi Ly Hoàng Ly vừa lấy lại được chút sức lực, sau những tháng ngày sống trong một thiền viện của Đại sư Thích Nhất Hạnh tại Pháp.
Trong một buổi chiều chênh vênh nắng, tôi lại bất ngờ gặp Ly Hoàng Ly đã về nước, đang ngồi lặng lẽ chia buồn trong đám tang của bố một người bạn thân tại Sài Gòn. Bất cứ nơi đâu, trên hè phố, dưới một mái nhà ngói nếp xưa cũ, hay trong một khán phòng, cũng đều thấy hình ảnh Ly Hoàng Ly mong manh, dáng hình mảnh mai, đôi mắt to tròn trên khuôn mặt ngây thơ không tuổi in dấu, cùng giọng nói pha nhẹ Bắc Nam… Để đột ngột biến mất như mây khói, như sự tồn tại không thực.
Prvdens Vivo Prvdens Morior (2)                Khách mời tương tác với tác giả trong dự án "Sống chánh niệm chết chánh niệm"
            Ngày thứ 9 trong 14 ngày tác giả nhịn ăn (trình diễn liên tục kéo dài thuộc dự án "Sống chánh niệm...")

Prvdens Vivo Prvdens Morior arm denture (1)

Rời xa đám đông, Ly Hoàng Ly âm thầm làm công việc sáng tác một mình. Thật khó khăn để tiếp cận được với Ly, trước nay có thể “gặp” chị và tác phẩm trên Facebook, rồi đột nhiên chị đóng tài khoản lại. Điện thoại cũng khó gọi, khi chị thường hay ẩn mình ở một vùng đất xa xôi nào đó hoặc ngoài Việt Nam. Email thì rất lâu mới nhận được trả lời vì nhiều khi Ly Hoàng Ly ở nơi chẳng có mạng. Thế rồi, đột nhiên, Ly Hoàng Ly xuất hiện để mang tác phẩm của mình tới công chúng với dòng giới thiệu vắn tắt. Tất cả các tác phẩm của Ly Hoàng Ly với sự bền bỉ kiên nhẫn nhẹ nhàng của một tính nữ đầy ắp, luôn mang đến vẻ dịu dàng mà bên trong mạnh mẽ bạo liệt. Và chúng luôn mang đến sự ám ảnh không thể phai mờ trong tâm trí những ai từng tiếp xúc.
Gần đây nhất, tại Hà Nội chị cũng vừa triển lãm dự án “Prism – lăn[g] kính lăn[g] trụ” – một dự án nghệ thuật đa phương tiện mang tính tương tác bao gồm trình diễn thơ, sắp đặt video, sắp đặt ảnh, sắp đặt âm thanh và sách của nghệ sỹ - cộng tác cùng Patricia Nguyen và John Lee tại Manzi Art Space.
Ly Hoàng Ly bước vào các tác phẩm nghệ thuật, rồi lại ra, để đi tới một tác phẩm khác. Chưa bao giờ thấy Ly Hoàng Ly không đang làm một dự án nghệ thuật nào. Cuộc đời chị, như thể sống nhờ nhịp đập của nghệ thuật, và trái tim chị, đốt cháy toàn bộ cho sáng tạo.

“Những năm cuối thập kỷ 1990, tôi đang học khoa sơn dầu tại Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Trong trường chúng tôi không được dạy thế nào là nghệ thuật đương đại và các hình thức thể hiện của nó. Tôi luôn biết ơn sự tận tình hướng dẫn của các thầy cô tôi được học qua, nhưng ngay từ lúc ấy hình như với tôi hội hoạ giá vẽ không đủ cho tôi thể hiện những suy tư của mình. Dường như có một thế giới rộng lớn bên ngoài trường chờ tôi”.
Ly Hoàng Ly chia sẻ về chặng đường đầu tiên khai phá con đường nghệ thuật của mình.
“Nhờ có một số chủ gallery có tinh thần cởi mở như bà Trần Thị Huỳnh Nga, gíam đốc gallery Blue Space - Không Gian Xanh, và bà Lan Hương, giám đốc gallery Sai Gon lúc bấy giờ có mối quan hệ với các tổ chức và các nghệ sỹ nước ngoài, tôi và một số hoạ sỹ trẻ ở Sài Gòn được mời tham gia sáng tạo và triển lãm một số các tác phẩm nho nhỏ của mình, những tác phẩm được tạo ra từ những chất liệu đời thường của cuộc sống, và có những concept dù rất giản dị, nhưng rõ ràng. Tôi cũng may mắn được tham dự workshop “Parcours” (Dòng chảy) do hoạ sỹ Nguyên Cầm từ Pháp về tổ chức tại Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, Hà Nội. Workshop này là dấu mốc quan trọng, tạo chuyển biến cho tôi thoát khỏi hội họa nhà trường”.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, Ly Hoàng Ly bắt đầu khám phá nghệ thuật sắp đặt kết hợp với nghệ thuật trình diễn, một cách hết sức bản năng cùng một ít thông tin.
Năm 2000, Ly Hoàng Ly nhận được vô số lời mời đi dự triển lãm và trình diễn quốc tế. Được đem tác phẩm của mình ra thế giới, bên cạnh các nghệ sỹ quốc tế đương thời, được giao lưu, trao đổi, học hỏi, chị rất hạnh phúc.
Khi được nhìn, được nghe từ thế giới bên ngoài, trong Ly Hoàng Ly dấy lên ba khao khát, bỏng cháy đến tận ngày hôm nay và như chị nói, sẽ theo chị đến khi chết:
“Một là tôi muốn được đào tạo thật sự bài bản về mỹ thuật đương đại ở Mỹ hoặc Đức.
Khao khát thứ hai là cứ bước chân đến bất kỳ bảo tàng mỹ thuật đương đại nào ở các nước đi qua, tôi đều tưởng tượng-mơ ước-khát khao một ngày kia, Việt Nam của tôi cũng sẽ có một bảo tàng mỹ thuật đương đại.
Khao khát thứ ba của tôi là một ngày không xa Việt Nam sẽ có các công trình public art (tạm dịch là mỹ thuật công cộng)”.
Một trong những lý do Ly Hoàng Ly chọn Chicago để học, mà không chọn nơi khác, bởi chị mê Học viện Nghệ Thuật Chicago (SAIC - The School of The Art Institute of Chicago) ngay từ lần đầu được đến thăm trường vào năm 2003, cũng như “tôi mê mẩn các công trình public art ở thành phố này”.
“Hiện cách đến với nghệ thuật và cách thực hiện tác phẩm của tôi rất khác với lúc trước. Tôi không theo đuổi một tác phẩm đơn lẻ ngắn hạn hay theo đuổi việc được trình bày sản phẩm cuối cùng của nó trong một bảo tàng hay không gian triển lãm. Dĩ nhiên là một nghệ sỹ thì tác phẩm của mình có dịp trình bày nơi đó cho công chúng đến xem là rất quý. Nhưng nó không phải là lý tưởng hiện thời của tôi”
Tác phẩm 0395A.ĐC (Chicago 2013)                                                   Giai đoạn 2 trong dự án 0395A.ĐC

Ly Hoàng Ly chia sẻ, chị đang thích được làm việc và thử thách các không gian non-art-space (không gian không dành cho nghệ thuật) hơn. Nhà kho, quán cà phê, quán bar, chợ, nhà xác, studio cá nhân… hay bất cứ không gian nào không phải là gallery chuyên nghiệp hàn lâm. Chúng đem lại cho chị cảm giác sống và sáng tạo thật sự, tác phẩm tôi làm đang sống với cuộc sống hàng ngày.
“Không hiểu sao mỗi lần tác phẩm của tôi được trưng bày trong một bảo tàng hay gallery chuyên nghiệp, vui thì có vui đấy, nhưng tôi cứ thấy như mình đi dự đám ma của chính tác phẩm của mình vậy, và những người xem là người đi đưa ma. Trong cái bảo tàng ấy, tác phẩm của tôi đã chết rồi. Nó sẽ đầu thai lại thành một phiên bản có biến lệch trong tư tưởng cảm xúc tâm trí của những khán giả khác nhau.
Thật sự tôi rất mâu thuẫn. Tôi khao khát xây dựng một bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Việt Nam thật, nhưng tôi nói nửa đùa nửa thật với một người bạn: Nếu được quyền đặt tên, tôi sẽ gọi bảo tàng đó là “Mồ - Tomb”.
Ly Hoàng Ly lúc này đang thực hiện song song nhiều dự án dài hơi, và có khi mất cả đời cho một dự án.
Khi đưa ra công chúng, Ly Hoàng Ly chỉ giới thiệu các đoạn/khúc của các dự án đang tiếp diễn đó, khi có dịp, và ở từng đoạn nào đó của cuộc đời.
Chị cũng hướng đến tác phẩm của mình can thiệp tương tác với các không gian của đời sống hàng ngày, hơn là tìm kiếm một bảo tàng trưng bày nó.
Ph_ng chung th_y
                   Một khán giả trong triển lãm "Phẳng Chung Thuỷ" tại Viện Toán Cao cấp

Ví dụ như tác phẩm Faithfully Flat (Phẳng Chung Thuỷ), Ly Hoàng Ly mời giáo sư toán Ngô Bảo Châu tương tác. Đó là một dự án muốn vẽ nên hình dạng của các biến lệch trong ngôn ngữ và hình dạng của cái không gian ý niệm được khơi mở trong vòng những diễn dịch khác nhau, nơi mọi người lạc mất nhau và lạc mất bản thân mình, nơi mọi mảnh xé rời của những nền văn hoá, lịch sử khác nhau và tri thức của nhân loại được dán ghép.
Mong muốn sau này của Ly Hoàng Ly sẽ triển lãm ở một nhà kho rộng, mở cửa cho tất cả mọi người, đặc biệt là người dân lao động vào xem.
Dự án dài hơi thứ hai mang tên 0395A.ĐC, một dự án lấy câu chuyện di chuyển của thuyền nhân để nói về sự dịch chuyển, di dời, tiếp biến căn tính, văn hoá.
Dự án “Cơm nắm” hay còn gọi là “The Echo” (Tiếng Vọng) chị đã và đang thực hiện đến nay là năm thứ hai. Dự án “I make Myself a Rock to experience the geopolitical isues” (Tạm dịch “Tôi làm tảng đá để trải nghiệm vấn đề địa chính trị”) chị đang làm đến nay là năm thứ ba.
“Có một dự án tôi muốn theo đuổi lâu dài, mang tên “I drink my country” (Tôi uống nước tôi), nhưng tôi chỉ làm được 4 lần thì bị bệnh nặng nên phải dừng lại. Và một dự án performance – installation nữa tên “Memory vs. Memory” (tạm dịch: “Ký ức đối Ký ức), tôi thực hiện cùng Patricia Nguyễn - một nghệ sỹ performance đang học PHD về Performance Study. Đây là dự án mà tôi và cô ấy cam kết sẽ thực hiện, phát triển cả đời. Ngoài ra còn nhiều tác phẩm đơn lẻ khác”, Ly Hoàng Ly nói.
Khi trò chuyện với Ly Hoàng Ly về thơ, tôi bỗng nhớ ra chị đã kết hợp tài tình giữa thơ và nghệ thuật trình diễn. Chị đi con đường riêng biệt và không lẫn, không hoà, không đồng hành với bất cứ nhà thơ nào trong số ít những người làm trình diễn thơ đầu tiên, cách đây hơn mười năm.
Dù nhiều người biết Ly Hoàng Ly với tư cách là một nhà thơ hơn là hoạ sĩ, một số bài thơ trong tập Lô LôCỏ Trắng của chị được dịch ra tiếng Mỹ và in trong một số tuyển tập chung, và hơn thế, bài thơ nào cũng là dòng chảy cảm xúc trong sống động ngôn từ, với sự hài hoà trong thể nghiệm không gian thơ mới, thế nhưng Ly Hoàng Ly ít khi nhận mình là nhà thơ, và dần dần, chị xoá trong trí nhớ người khác về một người thơ:
T“i l_m t_ng Đ ...
                                                     Tôi làm tảng đá...

“Tôi nghĩ tôi là người viết và gọi cái mình viết là thơ hoặc có thể không là thơ thì gọi là gì cũng được, nhưng tôi không theo đuổi nghiệp thơ như nghiệp hoạ. Thơ là bạn đường của tôi, không phải lý tưởng sống của tôi. Tôi vẫn viết đều và cất khắp nơi, trên phone, trên vi tính, trong các quyển sổ tay, bất cứ phương tiện nào có trong tay tôi lúc ấy. Có khi tôi viết bằng đầu, cứ lầm nhẩm mãi trong đầu, vài năm sau mới viết ra.
Tôi không biết thơ có bổ sung gì cho nghệ thuật thị giác tôi làm hay không. Nhưng rõ ràng vì tôi hay ghi lại những suy nghĩ của mình, phản chiếu của mình về cuộc sống, lý tưởng sống, công việc mình làm, nên hành trình nghệ thuật thị giác của tôi chắc chắn hiện lên trong thơ tôi. Những ghi chép đó tôi cất riêng cho mình. Sau này có dịp sẽ in chia sẻ với mọi người.”

[i] Tựa đề của bài in trên “Tinh hoa Việt” (số 17, 2015): “Nhà thơ-nghệ sĩ Ly Hoàng Ly: Trái tim tự cháy”