Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Kịch Câm

Gửi tặng Tào Mạt,

dẫu đã quá mười năm

Nam Dao

Lời mào đầu :

   Người chết có lẽ là những kẻ dễ dãi nhất đối với những người bần cùng.  Sự khoan nhượng đặc biệt đó rất dễ thấy: nếu các bạn không sợ, xin hãy đi với tôi vào nghĩa trang Z ở Gò Vấp.  Nếu như các bạn sợ - thì cũng như tôi thôi - chúng ta cùng chờ một đêm trăng sáng.  Ðó là dịp mỗi tháng tôi mang máy ảnh đến để chụp bắt cái không khí giữa sống và chết của cõi nữa âm nửa dương mập mờ xanh xao nơi trần thế, chỗ người đang sống căng những tấm bạt làm đủ thứ lều tạm bợ giữa những nấm mồ lạnh lẽo chơ vơ đùn lên mặt đất thành gò đống, cái vô danh, cái có ghi tên ghi tuổi của những người xa xưa đã sống cách đây năm, mười, thậm chí hai ba mươi năm.

   Số người lăn lóc trong những túp lều trong nghĩa địa có đủ hạng, đủ thứ, đủ cỡ, đủ tuổi, nhưng tựu chung họ chia nhau chỉ một cái chữ bần cùng, tĩnh từ ( hay gọi là trạng từ cũng được ) chỉ ra số phận của họ.  Cư ngụ giữa những nấm mồ, họ giỡ lều ban sáng.  Ðêm đến, họ lại dựng lại. Dần dần, họ mất tên họ nhưng có đất, trở thành nào là  Bà già mồ Vũ văn Trọng.  Cha què mả bà Lưu thị Hai.  Con nhỏ gò Quách Văn.  Tên người chết thế là thành địa chỉ.  Rồi riết, họ kêu nhau bà già mồ Trọng.  Cha què mả Hai và v.v...  Từ đó đất ai nấy ở chứ không còn cái cảnh tranh nhau chỗ cao chỗ thấp, chỗ bị nước ngập, chỗ khô, chỗ có bóng râm, chỗ thì chỉ nắng.  Trật tự của hình thức tư hữu đó đôi khi bị đảo lộn vì có những kẻ đói khổ ở đâu tràn đến nhập cư.  Và giữa những người bần cùng chẳng còn gì để mất - kể cả tên tuổi, quá khứ và những giấc mơ dang dở - sự khoan nhượng dẫu không hẳn tự nhiên nhưng cũng dễ dàng hơn là đối với “ bọn nó”.

   Trong mớ ngôn từ ở đây, “ bọn nó” không phải là cư dân của nghĩa địa, “ bọn nó” có tên có tuổi, có nghề nghiệp nhà cửa.  Các bạn và tôi đều thuộc bọn nó cả.  Dĩ nhiên thông cảm với “ bọn nó” không dễ.  Trường hợp tôi có khác.  Và đó là câu chuyện tôi kể hầu các bạn, một câu chuyện giải trí, không phải là chuyện ma trong nghĩa địa, cũng không phải là chuyện nỗi niềm của những kẻ bần cùng.  Chuyện ma khó tin mặc dầu người nghe ra mồ hôi lạnh.  Chuyện nỗi niềm bần cùng thì nhan nhản như chính những kẻ bần cùng, kể sợ nhàm.

   Câu chuyện tôi xin kể đến từ nghiệp vụ của tôi.  Là phóng viên báo Tuổi Trẻ Tiền Phong, năm nay đúng ba mươi tuổi, tôi đã có sáu năm trong nghề.  Vào dịp cởi trói tư duy, chúng tôi tuy không tin là dây trói đã đem ra cắt bỏ, nhưng cũng lạm nghĩ rằng chân tay mình có thêm chút tự do cục cựa.  Ðược đồng nghiệp giao phó, tôi trách nhiệm một cái phóng sự về vấn đề nhà đất của thành phố.  Vấn đề này nan giải vì lượng người mỗi ngày một lớn, một phần vì đẻ nhiều, một phần vì dân tứ xứ kéo về thành phố kiếm ăn.  Và cái phóng sự đưa tôi đến nghĩa địa Z.  Tôi lân la làm quen với hai người.

   Người thứ nhất là anh Nguyễn Chính Trực ngụ cạnh mồ trung tá Trần Hiển Vinh, bia còn bốn chữ “ vô cùng thương tiếc, 1926 - 1967”, nhưng hai chữ trung tá bị đẽo đi nhìn chỉ còn lờ mờ.  Hẳn vì đấy là trung tá ngụy.  Cư dân nghĩa địa gọi anh Trực là trung tá, mặc dầu anh là bộ đội đặc công chính cống, đã từng nằm ba năm ròng ở Củ Chi, bị bom xăng cháy xém mặt, hai mắt mù, nay sống với một con chó, lông trắng nhưng anh lại gọi nó là “ ông ’’ Mực, hẳn vì anh chỉ nhìn thấy độc một thứ mầu u tối.

   Người thứ hai là anh Trần Vị Quốc.  Anh xưa là chuẩn úy Biệt động quân đóng ở Quảng Ngãi.  Khi kéo chạy, anh bị kẹt ở Long Bình, và ở phút cuối anh rộng lượng tặng lại cho cuộc chiến sắp kết thúc một cái chân trái.  Nay anh sống cạnh mồ bà Nguyễn thị Ba, bia còn tấm ảnh lờ mờ, và cư dân nghĩa địa gọi anh là anh Ba Quốc.  Ba Quốc có vợ và một con.  Con anh chị năm nay lên sáu.

   Trung Tá và Ba Quốc hợp doanh trong một dịch vụ có tính văn hóa.  Cả hai gọi tôi là “ chú” nhà báo.  Vâng, thưa các bạn, tôi lúc đó hãnh diện nhận cái danh hiệu nhà báo đó.  Nào ngờ, sau đó...  Nhưng khoan, xin cho tôi từ từ kể lại câu chuyện cho có đầu có đuôi. Vâng, một câu chuyện không có ma dẫu ở khung cảnh nghĩa địa, chỉ có những nhân vật rất người : anh Trực, gọi là Trung Tá , anh Ba Quốc, chị Ba và cháu nhỏ, rồi “ chú” nhà báo là tôi.  Sau cùng phải kể “ông” Mực.  Mực rốt cuộc diễn xuất một vai rất người, nên cụm từ “ chỉ có những nhân vật rất người” là một cụm từ chính xác và, dĩ nhiên, rất hiện thực. Ðể có thêm dữ kiện hình ảnh, tôi xin tả thêm :

TRUNG TÁ: trung niên, đeo kính đen, răng vổ, vàng khói thuốc, quần ống thấp ống cao, áo “ bộ đội” sờn cổ, đắp vá, ngồi cạnh “ông” Mực  nằm ve vẩy đuôi.

   CHÚ NHÀ BÁO : khoảng 30 tuổi, quần áo giản dị, đầu bù xù, mắt đeo kính trắng, cổ đeo máy ảnh có gắn flash.

   BA QUỐC : cụt một chân, mặt mũi năng nổ, tay chống nạng, quần áo cũng xác xơ.

   CHỊ BA : trung niên, người tầm thước, ăn mặc rách rưới, chân đi lẹt quẹt.

   CHÁU NHỎ : như 40 triệu cháu khác, không có gì  đặc biệt ngoài sự nhem nhuốc xem ra có hơn trung bình. Cháu tuy không nói gì nhưng có mặt trong mọi hoạt  cảnh, chỉ lạc lõng nhìn, đôi khi rên lên “ Lậy ông lậy bà, làm phúc”.

MÀN I

TỪ PHÓNG SỰ NHÀ ÐẤT ÐẾN HỌC LÀM VUA

   Cảnh 1

Nghĩa địa, giữa hai nấm mồ, trong một túp lều. Trăng sáng, lạnh lẽo.  Gió xào xạc.  Có tiếng dế kêu.  Thỉnh thoảng, chó tru lên từng hồi.  Văng vẳng tiếng nhị ủ ê.

TRUNG TÁ  : ( giọng nhà quê miền Bắc, hơi ê a, có tật khịt khịt mũi khi nói )  Quái thật, chẳng thấy Ba Quốc đâu, mà đã hẹn đi hẹn lại rồi, chú nhà báo ạ !  ( đưa tay gãi đầu )  Ðến mồ ông Chín kéo “ bố ” sang đây thì sao mà lâu thế nhỉ “ ( tay đập đập vào ‘’ông’’ Mực, tay kia với điếu cầy ).

Trung Tá vê thuốc lào, châm đóm, tiếng rít thuốc sòng sọc.  Im lặng.  Chú nhà báo ho khẽ vì khói thuốc, tay quạt vào không khí.

TRUNG TÁ  : ( mơ màng )  Ấy cái nghề này nó cũng cực nhọc chứ chẳng phải nhàn nhã gì !  Mà lâu lâu phải đổi mới, không thì nhàm...  ( tay nâng cây nhị lên, Trung Tá kéo một tiếng, rồi thì thào ) ... mà nhàm thì “ nấy” đâu ra thưởng ( cười hì hì ).

CHÚ NHÀ BÁO : Trong khi chờ đợi, Trung Tá kể về đời Trung Tá cho nghe, được không ?

TRUNG TÁ  : ( lại cười )  Có quái gì đâu mà kể cơ chứ !  Lớn lên, thằng nào lại chẳng  lính  tráng...  Và lính, thì đi đánh nhau giải phóng miền Nam.  Ðời lính cũng lắm cái vui. ( ngẫm nghĩ )  Tớ vào nằm Củ Chi năm bảy hai.  Ba năm không thấy mặt trời.  Này, chú nhà báo có biết say đất là sau thế nào không ?

CHÚ NHÀ BÁO : ( lắc đầu ) Say sóng thì biết.  Say thuốc lào, cũng có, nhưng say đất thì chịu ông anh !

TRUNG TÁ  : ( chép miệng )  Trong địa đạo lâu, đến lúc lên mặt đất, hễ nhìn chân mình là say như say thuốc lào, ngã sấp mặt xuống mà không gượng lên được !  Ðất lúc đó nhìn uốn lượn như sóng, nhấp nhô đến chóng cả mặt, chú nhà báo ạ ! ( cười )  Tớ vừa đứng được thì bị pháo...  Mắt thấy nháy lửa, rồi tối sầm xuống.  Cái nháng lửa ấy là cái cuối cùng tớ thấy... ( thở dài, lại cười buồn bã )  Và từ đó là cái đen đen lục đục lờ mờ...

Bỗng có tiếng nói “ ... Zậy, khỏi phải nhìn mấy cái hổng ai ưa nhìn đó Trung Tá ơi !”.  Tiếng nạng chống, rồi Ba Quốc vào, xếp nạng vào góc, lò cò nhảy ra, ngồi xuống cạnh Trung Tá.

BA QUỐC : ... Thiệt đó chú nhà báo.  Lắm lúc mù mà hơn sáng đó. ( tay rót nước, quay vỗ vai Trung Tá )  Chắc anh chưa kể về tui cho chú nhà báo nghe !  ( tay chỉ Trung Tá ) ... chú nè, đây là đặc công.  Còn tui ( tay vỗ vô ngực ), tiểu đoàn sáu biệt động quân ngụy - hà, hà ( tay lại đập vào cái chân cụt ) Zậy mà còn may đó chớ !  chú nhà báo biết, “ Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu, “ xưa nay”   chinh chiến kỷ nhân hồi !”.  

CHÚ NHÀ BÁO : Cha, anh Ba cũng biết thơ Ðường ta !  Bảnh thiệt !

BA QUỐC : Lai rai, lai rai thôi mà !  Nè Trung Tá, “ bố” coi bộ đi tới nơi rồi ( thở dài ).  Con vợ tôi còn biểu, đổ cho ông chút cháo... zậy mới trễ chút.  Chắc chú nhà báo nóng ruột... Xin lỗi nghen !

CHÚ NHÀ BÁO : “ Bố” là ai vậy hai anh ?

TRUNG TÁ  : Ông ấy cũng làm ăn với chúng tôi... ( quay sang Ba Quốc ).  Mà “ bố” có nóng sốt gì không anh Ba ?

BA QUỐC : ( lắc đầu )  Không !  Ông cứ kêu lạnh hoài.  Vợ tui nó thoa dầu nóng cho ổng, ổng cứ tiếp tục rên hừ hừ... ( quay nhìn chú nhà báo).  Nè, nói thật nghen !  Chú phỏng vấn gì thì phỏng vấn mồm, đừng hình ảnh chi ráo trọi, “ bọn nó” truy thì có chôn xuống nghĩa địa này nó cũng đào mả lên tìm, chết cha tụi tui...  Còn cái vấn đề nhà cửa chi đó, chú nhà báo coi, tụi tui cắm trại với người chết, nhà cửa chi mà hỏi...

CHÚ NHÀ BÁO : ( cười ) Cắm trại dựng lều cũng là nhà.  Tối cắm, sáng gỡ là loại nhà kỳ lạ nhất thế giới đấy.  Xin hỏi Trung Tá, chủ nhân ông, câu đầu tiên.  Bảy giờ tối về dựng lều, trong ba thước vuông đây, Trung Tá sinh hoạt ra sao...

TRUNG TÁ  : ( ầm ừ ):  ...ừ nhỉ, sinh hoạt à ?  Tôi về thì phải đợi anh Ba đi tắm rửa với thằng cháu, rồi chị Ba nấu cơm.  Sau đó, anh Ba đưa tôi đi tắm, chỗ máy nước nằm bên rìa nghĩa địa...  Tắm cởi áo, nhưng vẫn mặc quần đùi nhé...  Rồi nhân tiện giặt giũ.  Rồi về.  Thế là cả nhà cùng ăn bên anh Ba, chỉ có “ ông’’ Mực phải đợi phần cuối cùng...  Cơm thì nấu, nhưng đồ ăn là đồ ăn xin.  Cái ăn được, chị Ba giữ lại.  Cái khó nuốt, phần  “ông”  Mực.  (cười hì hì )... Vậy mà tiêu chuẩn còn khá hơn ngày mình ở bộ đội.  Chỉ có cái là kể ra cũng không rẻ.  Tiền thu hoạch, ( tay vỗ vào vai Ba Quốc ) anh ấy chỉ chia cho một phần năm, bảo là phải trừ tiền cơm và “ dịch vụ”.  Một phần năm lại có cả phần   “ông” Mực.  Còn “ bố”, “ bố”  cũng được một phần năm.  Còn lại là phần anh Ba.  Lý do, anh ấy bảo anh ấy còn kiêm cả đạo diễn...

CHÚ NHÀ BÁO : ( ngạc nhiên ) Ðạo diễn ?  Diễn gì ?

BA QUỐC : ( cười hà hà )  Chú nhà báo không biết đâu.  Ðoàn tụi tui có “ bố”, Trung Tá,  ông  Mực và tui đây là đoàn kịch “ Tha Phương”, thường diễn một ngày ba suất.  Suất một là trên đường Nguyễn Hữu Cầu ven chợ Tân Ðịnh.  Suất hai, chợ Thị Nghè và suất ba, tụi tui lân la “ du kích” diễn ở Cầu Kho bên Khánh Hội...

CHÚ NHÀ BÁO : ( ngắt lời )  Thiệt hả !  Mà mấy anh diễn gì ?

TRUNG TÁ  : ( ê a )  Thì diễn kịch.  Pha chèo vào vọng cổ.  Chèo, có tôi miền Bắc ( tay nâng cây đàn nhị lên quơ quơ ).  Còn vọng cổ, là Ba Quốc và “ bố”.  Chất miền Nam mà lỵ !  Kết hợp chèo và vọng cổ là cái nét đặc trưng của đoàn kịch Tha Phương...

CHÚ NHÀ BÁO : ( giọng cười cười ) Không có vai nữ, diễn viên nữ không có à ?

BA QUỐC : ( giơ tay gõ vào nạng )  Ban đầu, vợ tui đóng vai nữ chứ !  Nhưng sau, thu nhập không khá, nó bỏ.  Nó biểu làm ăn xin trên đường Ðồng Khởi khá hơn.  Sau khi đóng tiền “ đứng”, thu nhập của nó bằng cả đoàn kịch nói tụi tui.  Ban đâu tui không ưng !  Sau, đói quá, “ dịch vụ văn hóa” thu nhập kém nên con vợ tui nó áp lực nặng.  Nó biểu “ ... mấy anh cứ phát triển văn hóa, phần tui, tui lo bữa cơm nào cũng có chút cá, có chút thịt.  Và ngày chúa nhựt là ngày nghỉ, không ai phải lao động cả...  Chịu chưa ?

TRUNG TÁ  : ( thở dài ) Ăn xin thì khổ...  Nhưng muốn có văn hóa phải hy sinh.  Chị Ba xung phong tự nguyện ( anh bứt rứt ) cho anh em...

CHÚ NHÀ BÁO : ( xoa tay, lắc đầu ) ... vâng, thế xin quay về câu hỏi, sinh hoạt thế nào ?

TRUNG TÁ  : À, à...  Chín giờ, đoàn kịch Tha phương “ họp”.  Cứ vài tháng, lại đổi kịch.  Khi đó thì tập với nhau.  Tôi kéo nhị, hát chèo.  Anh Ba ca cải lương, gẩy ghi ta điện.  “ Bố” đập trống.  Kịch bản thì anh Ba lo, lấy chỗ này ghép vào chỗ kia...  Nhưng cơ bản mà nói, chúng tôi có gắng đáp ứng nhu cầu cao của khán giả...

CHÚ NHÀ BÁO : ( bật cười ) ... Thú vị thiệt !  Báo Tuổi Trẻ Tiền Phong không biết có những nghệ sĩ nhân dân như hai anh.

BA QUỐC : ( ngắt, hớn hở )  Nhân dân thiệt nghen !  Kết hợp chèo và cải lương là thống nhất Bắc Nam.  Ảnh ( tay chỉ Trung Tá ) là đặc công, tui ( tay chỉ vào ngực mình ) là biệt động mà hợp doanh, thế là hòa hợp dân tộc.  “ Bố” gõ trống, tượng trưng cho truyền thống, còn vợ tui nó đóng góp nuôi người làm sự nghiệp văn hóa, nó thêm vào một cái thành nay có tới bốn “ đảm đang”, nêu cao tinh thần “ mẹ chiến sĩ ”.  Ha, ha...  Chỉ kẹt là vẫn còn cảnh ngăn sông cấm chợ, nộp sưu hơi nhiều...  Nhưng với kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, bây giờ  hành nghề dễ hơn thời bao cấp.  Ðám nhà buôn có cửa hàng cũng chịu chơi trong tinh thần tư sản dân tộc.  Chỗ chợ Tân Ðịnh, tụi tui diễn nên kéo khách, và được những cửa hàng trả cho kinh phí tiếp thị một cách đàng hoàng...  Công an thì thu dịch vụ trật tự, tụi tui trả một nửa, mấy cửa hàng trả một nửa, rất có tính hạch hoán kinh tế...

CHÚ NHÀ BÁO : ( giơ tay lên ) ... Hai anh mai có diễn không ?  Nếu tới quay phim cho truyền hình, mấy anh có phiền không 

Trung Tá nhìn Ba Quốc.  Ba Quốc nhìn lại Trung Tá.  Ðúng lúc đó, có tiếng gọi anh Ba.  Ðó là chị Ba, tay dắt đứa cháu, nói vọng sang.

CHỊ BA : “ Bố” ngủ rồi !  Coi bộ ổng mệt dữ.  Mười giờ rồi, mấy cha còn lào xào chi đó...  Ðừng có nhậu nghen !  Sáng mai phải dậy sớm, đừng quên !

Ðèn tắt.

Cảnh 2

Nghĩa địa. Lều gia đình Ba Quốc.  Chỉ có chị Ba và cháu nhỏ.  Ðèn tắt.  Tiếng ho.  Chú nhà báo hiện ra

CHÚ NHÀ BÁO : ( độc thoại, tay cầm máy ghi âm )  Kể cho anh em tòa soạn nghe, không ai tin.  Chuyện phóng sự nhà cửa mình vẫn tiếp tục, nhưng màn kịch nhân dân thì làm sao bỏ qua được.  ( cười )  Bà tổng biên tập lập nghiêm “ ... Nè, đừng có phá kế hoạch nghe ! ‘’ ( múa máy điệu bộ như trả lời )  “ Thưa thủ trưởng, đâu có dám phá.  Phóng sự về kịch chỉ là kế hoạch phụ !  Cái vụ này dành cho báo Chủ Nhật.  Ðây là phụ thu của kế hoạch chính, thủ trưởng chớ lo”.  Bả bồi “ ... phụ thu thì được, nhưng báo không có chi thêm đâu !” ( chép miệng ) “ ... thì cũng được, phấn đấu tốt mà, chị...”. Bả nheo mắt “ ... đi ghi âm nghe thử đã”. OK ( đập tay vào máy ghi âm ) .  Rồi...

CHÚ NHÀ BÁO : ( gọi ) Anh Ba à !  Có nhà không ?

CHỊ BA : ( ló đầu ra ) Anh kiếm anh Ba?  Ảnh sắp về tới...  A, chú nhà báo hả ?

CHÚ NHÀ BÁO : ( gật đầu ) Chào chị Ba.  Bữa nọ chưa gặp chị, nhưng anh Ba và Trung Tá có nói về chị rồi !

CHỊ BA : ( cười )  Có chi đâu mà nói...  chú nhà báo vô chơi nghen.  Cái lều này rộng hơn một chút thì có chỗ tiếp khách.  Nè, chú ngồi lên đây nè...

CHÚ NHÀ BÁO : ( nhìn xuống đất )  Gì đó chị ?

CHỊ BA : Cái mả đó.  Nhưng chỗ này là chân người chết, không sợ bất lịch sự đâu !  Chú cứ ngồi đi !

CHÚ NHÀ BÁO : ( ngồi xuống, tay để vào máy ghi âm )  Bữa nay, chị cho làm nghiệp vụ nghe !  Chị cho phép tôi phỏng vấn chị, được không ?

CHỊ BA : ( lắc đầu ) Thôi mà chú.  Nói  thì được chớ ghi âm phỏng vấn thì thôi.  Phức tạp lắm !

CHÚ NHÀ BÁO : Phức tạp làm sao chị ?

CHỊ BA : ( lại lắc đầu )  “ Bọn nó” nghe biết, khổ cho tụi tui.  Ðời tụi tui kể ra thì toàn chuyện vất vả, có chi đâu mà vui.  Không vui, tức là không lạc quan, không lạc quan tức là phản động...  Thôi đi chú.

CHÚ NHÀ BÁO : ( phản đối )  Phỏng vấn chuyện diễn kịch thì vui chứ sao không vui ?

CHỊ BA : A, tui tưởng chú phỏng vấn tui về cái nghiệp vụ “ khất thực” chớ !

CHÚ NHÀ BÁO : Không, nghiệp vụ đó, mình nói chuyện chơi để tôi hiểu thêm sinh hoạt của đoàn kịch Tha Phương.  Tôi nghe là không có chị, đoàn kịch không sống nổi !

CHỊ BA : ( cười hiền lành )  Thì cũng cung cấp chút đỉnh chi viện nhau mà chú !  Chú biết, làm văn hóa như mấy ổng cũng khó.  Diễn xong một suất, “ bố” cầm cái nón đi vòng vòng, nhưng người ta lảng liền, né xa...  Một suất, diễn bốn mươi lăm phút.  Ba người mà thu chỉ cỡ mười ngàn...  Bằng tôi, nếu hên, nhiều khi chỉ xin được một lần cũng cỡ đó.  Nhưng phải có nghiệp vụ, chú à !

CHÚ NHÀ BÁO : ( ngạc nhiên ) Nghiệp vụ thế nào chị ?

CHỊ BA : ( lại cười )  Trước hết, phải biết hóa trang, biết chọn giờ, biết chọn chỗ và xoay tua.

CHÚ NHÀ BÁO : ( cười cười )  Chị giải thích cho nghe, tôi không hiểu...  Hóa trang là sao ?

CHỊ BA : Này nghe.  Làm ăn vào ban sáng bắt đầu cỡ chín giờ, mười giờ.  Trước đó, phải bôi mặt cho lấm lem, lấy áo vừa rách vừa dơ ra.  Rồi quay tua.  Từ chín tới mười một giờ, ở gần khách sạn Cửu Long, tên Majestic cũ đó.  Nghỉ trưa, ra chợ Cũ, tìm chỗ thay cái áo khác, cần thì độn bụng lên nhìn như có bầu.  Từ hai tới năm giờ, tới khách sạn Tao Ðàn.  Sau đó, lại thay áo, rồi kiếm một cái khách sạn khác, khách sạn Ðộc Lập hay Hữu Nghị.  Làm vậy, là đổi khách.  Chỗ ngon là gần khách sạn có du lịch nước ngoài.  Phải chia tiền xâu với trật tự giữ chỗ.  Tuần làm một khu.  Tuần sau phải khất thực khu khác.  Ði lòng vòng chớ khách nhận được mặt mình, đâu dễ mà cho lần thứ hai...  Làm ba vòng thì má con tui về nghĩa địa cũng cỡ tám giờ tối...  Ðó, sinh hoạt của tôi vậy, mỗi tuần làm sáu trên bảy ngày, Chúa Nhựt thì nghỉ để bồi dưỡng lấy sức...

CHÚ NHÀ BÁO : ( ngập ngừng )  Vậy chị thu nhập được nhiêu ?

CHỊ BA : Tùy !  Tùy khách du lịch vô nhiều hay ít.  Tùy thời điểm.  Tết tới, người mình hảo tâm hơn chút.  Ngày mồng một ta, cũng vậy...  Kẹt nhất là mấy ngày lễ lớn như ngày Ðộc Lập 2-9, công an đuổi, chạy tùm lum.  Hoặc là có hội nghị quốc tế, cũng vậy...  Mình phải  giữ cái bề mặt thành phố cho nó đẹp, mấy ổng nói zậy !  Ðó, thu nhập có thay đổi, nhưng tui so vơi mấy người công nhân viên tôi biết, cỡ hai lần lương cô giáo cấp một đó chú nhà báo à !

CHỊ BA : ( bỗng suỵt suỵt ) ... chú đừng nói ra nghen !  Nói lợi tức zậy, cả nước đi ăn xin thì thu nhập mỗi người như tui chắc là phải xuống...  Nhưng chú à, cái nghề này nhục lắm.  Làm ba năm rồi, tôi vẫn còn thấy nhục...  May mà tui có được hạnh phúc gia đình..

CHÚ NHÀ BÁO :( lại ngạc nhiên ) Hạnh phúc gia đình ?

CHỊ BA : ( tay chỉ đứa bé nằm ngủ )  Thằng nhỏ không ốm đau.  ( chị cười )  Còn ảnh, ảnh không chim chuột mèo mỡ, thương mẹ con tui, cái chi cũng chiều... ( lại cười ).  Zậy là hạnh phúc chứ !

CHÚ NHÀ BÁO : ( ngập ngừng ) Thế còn tương lai gia đình ?  Chị nghĩ gì về tương lai...

CHỊ BA : ( cười )  Tương lai ?  Cuối cùng thì ai cũng chết !  Trước mắt, còn người có tiền còn xin được.  Nghe nói năm tới là năm du lịch theo như Ðảng và Nhà Nước kế hoạch chi đó.  Tui thiệt mừng, chắc là gia đình tui kiếm được một mớ, chú à...  Rồi khá, tụi tui phải tìm một nơi nào đó mua hay sang, có hộ khẩu đàng hoàng để thằng nhỏ ( tay lại chỉ ) có thể đi học...

CHÚ NHÀ BÁO : Chắc lúc đó chị đổi nghề, xoay sang buôn bán...

CHỊ BA : Cũng tính zậy...  Nhưng chưa biết.  Hoặc là tui  phụ mấy ổng đóng vai “ nữ”.  Tui lên sáu câu cũng ngon lắm à nghen !

Ðúng lúc đó, Ba Quốc bước vô.

BA QUỐC : Cha cha, tự hào dữ... ( cười nhìn chị Ba ).  Sao em Ba ( giọng rất cải lương ), bữa nay khá không em ?

CHỊ BA : ( cười )  Khá, anh !  Có một cặp người Tây cho năm đô...  Hên quá heng   

BA QUỐC : ( nhìn chú nhà báo )  Hẹn chú nhưng lại cứ mắc với “ bố”.  Ổng bữa nay nằm lì cả ngày.  Tui có nói là qua dợt kịch để chú ghi âm, nhưng ổng than mệt...  Chắc để bữa khác, được không ?

Cảnh 3

         Nghĩa địa. Túp lều của Trung Tá trong nghĩa đia.  Ðèn rọi để quay tivi sáng trưng.  Trong lều chỉ có Trung Tá, “ông” Mực, Ba Quốc và một phóng viên truyền hình (PVTH).

   Tiếng nói : sửa soạn quay này.  Ba, hai, một... ( tiếng khúc gỗ đập nghe một cái cách )

PVTH : Báo chí trong những ngày vừa qua xôn xao qua sự kiện một đoàn kịch nghiệp dư, tên là Tha Phương, đã xuất hiện và trình diễn những kịch phẩm dân tộc xuất sắc, tạo nên một không khí văn hóa hiếm hoi ở những nơi như chợ búa, quán nước, vỉa hè... của thành phố quang vinh mang tên Bác.  Một phóng viên của báo Tuổi Trẻ Tiền Phong, người phát hiện ra hiện tượng này, đã viết “... chưa bao giờ nghệ sĩ lại xuống đường gần với nhân dân đến thế !  Trên đường Nguyễn Hữu Cầu ven chợ Tân Ðịnh, vòng trong vòng ngoài, đồng bào đã nhiệt liệt vỗ tay cổ võ từ phút đầu đến phút cuối buổi trình diễn vở “ Lý Nhân Tông học làm vua”, một vở chèo do Tào Mạt dựng, được bổ xung hài hòa bằng những bài cải lương hát theo phong cách miền Nam...”.  Trong chương trình đặc biệt hôm nay, chúng tôi trực tiếp truyền hình hai diễn viên chính của đoàn kịch Tha Phương.  Xin giới thiệu :

   -  Ông Nguyễn Chính Trực ( đèn rọi vào Trung Tá ) và

   -   Ông Trần vị Quốc (đèn rọi vào Ba Quốc ).

PVTH ( cầm micrô, đi lại trước mặt Trung Tá ) : Xin chào nhà nghệ sĩ.  Ông có thể cho chúng tôi biết ông đã đến với nghệ thuật thoại kịch từ bao lâu, trong trường hợp thế nào, cũng như những vấn đề kết hợp chèo và cải lương là hai phong cách rất dị biệt về tinh thần cũng như thể điệu ?

TRUNG TÁ  : ( đèn rọi vào )  À, dạ ( luống cuống, tay vỗ vỗ “ông” Mực )  Ðến từ bao lâu với Kịch nghệ à...  Chèo thì tôi biết chèo từ năm lên sáu lên bảy, từ ngày Hòa Bình lập lại đấy. Tôi sinh đẻ ở Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên . Như mọi thôn làng ở miền Bắc, chèo là thể loại dân làng chúng tôi ưa chuộng...  Cả thày lẫn bu tôi khi còn sống... hễ cứ hát là hát chèo cho nên ( lại luống cuống ) ... cho nên tôi...  nhập tâm bắt chước hát theo...

PVTH : ( cười )  Xin ông cho nghe thử một, hai câu ông đã nhập tâm...

TRUNG TÁ  : ( luống cuống, tay với cây nhị )  Dạ, dạ ( kéo nhị, nuốt nước bọt, cặp mắt mù nhướng nhướng lên, hát )

   «  Ớ này, ới ai ơi, ai ơi còn nhớ... ai

         tắm mát ở cái, ở cái, ngọn sông Ðào...»

PVTH : Tuyệt vời,  cực hay... ( quay sang Ba Quốc )  Còn ông, nghệ sĩ cải lương.  Tôi lại cũng xin hỏi một câu tương tự, ông đến với cải lương vào trường hợp nào “

BA QUỐC : ( lúng búng, cười )  Cũng như ảnh ( tay chỉ Trung Tá ) zậy !  Hồi nhỏ tui nghe hát, tui hát theo.  Radio ngày nào mà không có cải lương.  Nhà tui ở Bình Thạnh, sát hông là nhà hàng xóm suốt tối mở radio nghe... riết rồi tui thuộc...

PVTH : Ông có thể hát một đoạn không ?

BA QUỐC : ( với cây đàn ghita điện, dạo một khúc )  Hồi nhỏ tui thích hát mấy cái zui zui.  Mấy anh không biết chớ hồi đó sách kiếm hiệp Kim Dung ăn khách dữ lắm.  Ai cũng biết Trương Vô Kỵ, Triệu Minh, Tạ Tốn... trong cô gái Ðồ Long đó...  Rồi tụi tui diễn, hát như vầy ( Ba Quốc hắng giọng, ngửng cổ lên xuống rất mùi )

   « Thúc phụ ơi! Người ta đã rạch nát mặt nàng Hân Ly và xẻo tai Chu Chỉ Nhược. Còn Ðồ Long đao và kiếm ỷ Thiên ( thì ) người ta đã mang theo đi khỏi đảo Long Xà! »

PVTH  : ( vỗ tay ) Hết xẩy.  Cự kỳ mùi... ( quay sang Trung Tá )  Nay xin hỏi lại, đoàn kịch Tha Phương đã thành hình như thế nào ?

TRUNG TÁ  : ( luống cuống ) Trong trường hợp cả anh Ba ( nhìn Ba Quốc ) và tôi đói.  Chúng tôi cùng cảnh ngộ, người mù kẻ què, lại đều là thương phế binh, nên dễ thông cảm nhau.  Thấy tôi chỉ biết bơm xe, anh cho tôi hợp doanh sửa xe đạp.  Thế rồi mù thì mù, vẫn vá xe được... Vặn ốc, một lúc cũng quen... Nhưng khi kinh tế “ bung” ra thì xe đạp ít đi.  Xe gắn máy, chúng tôi không đủ trình độ kỹ thuật...  Thế là... buồn thì hát...  Rồi đói.  Không lẽ đi ăn xin.  Anh Ba bảo “ lập gánh hát chơi !”.  Tôi sợ lắm, không dám.  Ảnh với tôi hết tiền, rủ nhau về nghĩa địa này.  Hồi đó còn vắng, cứ đêm đêm, chúng tôi hát.  Hát cho ma nghe nên không ngượng.  Chị Ba... thì phải... đi kiếm ăn, chúng tôi đàn ông mà vô dụng.  Chị ấy bảo, cứ đi hát dạo đi...  Người ta không cho thì thôi.  Dân mình yêu văn hóa, chắc rằng chẳng chê bỏ hai anh đâu.  Tôi ngần ngừ nhưng anh Ba hăng lên.  Anh ấy lại lôi “ bố” về - À quên, xin nhắc đó là diễn viên thứ ba trong đoàn, hôm nay đau ốm, không thể ra gặp Truyền hình...

BA QUỐC : ( ngắt ) ...’’ bố” về làm thính giả.  Chà, ổng khen “ tụi bay hát zậy là quá xá hay !”.  Ổng nói, nếu không chê, cho tao một chân diễn viên.  Tao thuộc tuồng cổ, muốn hát bội, tao cũng thuộc...  Ðó, đoàn thành hình.  Bắt đầu, ảnh ( đập vào tay Trung Tá ) đặt tên là Kịch đoàn Tương Lai.  “ Bố” kêu : “ tao sắp bảy mươi, chết đến nơi rồi, mà chết thế này là xa quê tao ở dưới Sóc Trăng...  Ðặt là Tha Phương, nghe tội nghiệp người ta mới cho tiền.  Tụi bay trẻ, tui bay “ hồ hởi” quá hè, Ðm, chết đói hết...”.  Tui không chịu, bắt bầu, đa số thắng thiểu số cho nó dân chủ.  Ðó, tui thua và đoàn kịch Tha Phương ra đời...

PVTH : ( cười cười )  Thật là lý thú.  Và đây là cái gương phấn đấu kiên quyết của những tầm vóc vươn lên trong mọi khó khăn. Dĩ nhiên, khó khăn chỉ tạm thời và thuận lợi mới là cơ bản.  Quả vậy, Tha Phương ra đời và từ những bước đầu đã đi đến ổn định... Xin lại hỏi hai nghệ sĩ, hai vị kết hợp chèo và cải lương là có ý đồ nghệ thuật kết hợp hai truyền thống lớn, có phải không ạ ?

Trung Tá nhìn Ba Quốc.  Ba Quốc nhìn Trung Tá, đùn lại cho nhau câu trả lời.

TRUNG TÁ  : ( ngập ngừng )  Cũng có một tí...  Nhưng cái khó nó bó cái khôn.  Tôi chỉ hát được chèo, anh Ba thì cải lương, có muốn khác cũng chẳng được.

PVTH : ( reo ) Quá đúng.  Cực kỳ.  Chính thực tế mới là đòn bẩy đẩy ra sáng tạo.  Và sáng tạo hiện thực xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân nên ắt được nhân dân ủng hộ...  Vâng.  Xin hỏi hiện nay, chúng tôi nghe nói là đoàn đang diễn vở “ Lý Nhân Tông học làm vua” có phải không ạ ?

BA QUỐC : ( cười )  Ðúng !  Ðây là vở chèo của ông Tào Mạt viết mừng Nghị Quyết IV và V.  Tụi tui chế biến cho thêm cải lương vô để chúc Nghị Quyết VI thành công...

PVTH : ( giơ tay )  Bây giờ có thể yêu cầu hai nghệ sĩ biểu diễn cho một đoạn để quần chúng thính khán giả thưởng ngoạn không “

BA QUỐC ( nhìn Trung Tá, rồi ghé vào tai PVTH,  nói nhỏ ) : Truyền Hình có dự định cát-sê  gì cho không ?  Dạo này kiếm khó lắm...

PVTH : ( gật gật ) Xin mời hai vị ( cười rất tươi ), và xin trân trọng giới thiệu với quí thính khán giả một đoạn trong vở kịch  “ Lý Nhân Tông học làm vua” .

   Ðèn tắt.

Cảnh 4

Vẫn túp lều của Trung Tá, ánh sáng mờ đi, tiếng nhị và tiếng đán ghita điện nổi lên.  Có tiếng người đến xem lao xao xung quanh.  Rồi PVTH đếm “ ba, hai, một... cách”.

   Ðèn rọi vào Trung Tá.

TRUNG TÁ  : ( nghiêm trang, hát )

   « Chấp hành nghị quyết Ðại hội Ðảng

     Chúng tôi hát “ bài ca giữ nước”

     Giở lịch sử  sáu trăm năm trước

     Soạn nên trò tặng bạn thiếu niên

     Gương xưa lắm lúc phải soi

     Tích chèo nay hát làm vui

     Hát người trước hát để soi răn mình

     Muôn năm đất nước quang vinh...»

   ( Trung Tá nói )

   Chuyện xảy ra vào thời vua Nhân Tông, có Lê Cảnh Thịnh là Thái sư và Lý Thường Kiệt là Thái úy.  Lê thái sư chuyên quyền, có ý đồ thoán ngôi, định dùng pháp thuật giả cọp để vồ ăn sống vua.  Hắn nghênh ngang...  ( hát chèo )

    Gặp thời, bay nhẹ tựa lông hồng

   Một ngón tay đưa vạch núi sông

   Ta muốn lên cao nghìn vạn trượng

   Ðem quân tiến trị khắp tây - đông !

   ( Nói ) Hề hoạn, năm nay đã trên sáu mươi, chống lại và nhất định gặp vua.

BA QUỐC : ( chạy ra, vỗ ngực )  Khuyển đây ( đi đi lại lại ).  Cái thằng Hề hoạn, thiệt là dở hơi ( nhái giọng Bắc ).  Lê Thái sư sai ta đi, lần này ta trốn cũng không nổi...  ( ca cải lương

   Ta đã nói

   Nó không chịu nghe

   Cái thằng hề đó ... ngu

   Người sai - thì ta - phải đi

   Ðừng có trách ta là thô bạo... ớ

   ( Tay chỉ Trung Tá, quát ) Nè, Hề hoạn !

    ( Hát )      Hề ơi, tui biểu là ông đừng nói bậy.  Mà sao ông cứ cứng cổ cứng đầu.  Lê Thái Sư quyền bính đầy mình nên đã sai tui tới đây bắt ông...

Hề hoạn : ( cười khà khà ) Bắt ta làm chi ?  

Khuyển : ( giơ tay lên trời, thở ra )  Bắt ông phải chết !

Hề hoạn : ( lại cười )  Ta tội chi ?

Khuyển : ( nói sẵng )  Quan Thái Sư truyền tội của ông là từ cái lưỡi không biết uốn.  Kiếp sau làm người thì tập cho nó dẻo đi nghe !  ( chỉ tay )  Quan truyền cho ông chọn một trong ba cách chết.  Một, lấy giải lụa này thắt họng cho chết lè lưỡi.  Hai, có cục nhân ngôn uống vào, chết lưỡi rụt lại.  Ba, dao đây cắt họng, chết lưỡi lìa mồm.  Ông chọn cách nào ?

Hề hoạn : ( nhảy lên làm như sợ, nhưng lại cười hà hà )  Không !  Không được.  Tắc thở thì khó chịu.  Thuốc độc lại đắng.  Còn cắt cổ, đau lắm, ta không ưng.  Chú Khuyển ơi, ta với chú chẳng thù chẳng oán.  Ta chịu chết, nhưng xin chú cho ta chết cách của ta.  Chú đào cho ta cái huyệt rồi vào lấy cho ta vò rượu.  Ta uống cho say mê say mệt là chú trói ta cho chặt rồi chôn xuống đất.  Ta chết êm chết ngọt thì chú có phúc có phần, ta sẽ phù hộ vợ con chú...  Khi chú đào huyệt, ta hát cho chú nghe.

Hề hoạn ( cười ) :  Bằng lòng nhé, này ta hát này:

   Chết chìm trong vũng nước nông

   vớt lên lại đắm muôn trùng biển sâu

   Hỏi cõi người vì đâu mà khổ thế

   Rượu đầy bầu há để chén không

   Nào mời ( tay nâng ly, nhìn Khuyển đang lắc đầu từ chối )

   Ðường đời ngang dọc tha hồ

   Thảnh thơi mượn tạm một bồ gió trăng

   Nào mời ( uống cạn ly )

   Hôm nay ngồi giữa trời giữa đất

   Rượu đầy vơi

   A !  Trăng xuống đây rồi

   Hỡi chị hằng Nga...

   Trăm năm trong cõi người ta

   Quyền uy cho lắm để mà hại nhau

   ...

Khuyển : ( giục ) Nhanh lên, uống nữa đi.

Hề hoạn : ( hát )

   Quan có nịnh, có trung

   Người có thiện, có ác

   Hề này ( cười ), có chân có ngụy

   Ha ha

   Hề này một kiếp làm vui

   Thấy kẻ ăn bẩn ăn tham ta cười tủm cười ruồi

   Thấy nịnh hót, ác gian ta cười khinh cười bỉ

   Thấy nhố nhăng ta cười ầm cười ĩ

   Thấy bất công ta cười đắng cười cay

   Ta cười, cho sáng lẽ dở lẽ hay

   Kẻ gian hoảng vía người ngay hả lòng.

Khuyển : ( tần ngần )  Tôi biết, tôi biết...  ( ca cải lương ) Biết mà hề ơi !  Tôi đâu có làm được chi để đền bù cho Hề bao nhiêu cay đắng.  Biết mà tôi đành đào huyệt chôn cho xong cái kiếp một...con người ( đàn đánh lên ).

Hề hoạn : ( đến vỗ vai an ủi Khuyển )  Không sao !  Ðừng lo..  Không Hề này thì Hề khác.  Ta chỉ là người đi góp nhặt tiếng cười thiên hạ...  ( lại hát )

Nếu còn kẻ nhố nhăng bậy bạ

   Thì dân gian lại nẩy ra hề

   ...

   ( Nói ) Rượu sắp hết rồi, đào huyệt nhanh lên !

Nhắn ai, trong cõi hồng trần

   Làm người phải lấy chữ Nhân làm đầu

   Ta đi, hát láo dăm câu

   Bốn bầu cạn sạch !

   Ta uống nốt bầu trời trong

   Buông câu giữa thinh không lặng ngắt

   Một ánh trăng trong vắt vừa bay

   A, trăng bay, trăng bay

   Sông núi cũng đang quay

   Ta xin uống cả bầu trời

   Trở về với đất là nơi sinh thành

   Trời cha đất mẹ ân tình

   ( Im lặng một lát rồi nói )  Cám ơn chú Khuyển nhé.  Con chim sắp chết cất tiếng kêu than.  Con người sắp chết cất nên lời nói phải.   Ta cảm ơn chú đã nhọc nhằn vì ta

Ðèn tắt