Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Một sự khước từ ghê gớm đối với giới lao động da trắng nghèo và bị để lại đằng sau tại Mỹ

Jefferson Cowie, Foreign Affairs ngày 17/10/2016

Trần Ngọc Cư dịch

JEFFERSON COWIE là Giáo sư Sử học tại Đại học Vanderbilt.

clip_image002

Đa số người Mỹ lạc quan về tương lai của mình – nhưng những người da trắng nghèo và người da trắng thuộc giai cấp công nhân thì không cảm thấy như vậy. Theo một phân tích gần đây được Viện Nghiên cứu Brookings công bố, người Mỹ nghèo gốc châu Mỹ La tinh [Hispanics] khi nghĩ về một tương lai tươi sáng hơn, mức độ lạc quan của họ cao hơn người da trắng nghèo khoảng 33 phần trăm. Và người Mỹ nghèo gốc châu Phi – mặc dù có tỉ lệ tù tội và thất nghiệp cao hơn hai nhóm kia rất nhiều và thường xuyên là nạn nhân của các tội phạm bạo hành và sự tàn ác của cảnh sát – vẫn lạc quan hơn người da trắng nghèo gần ba lần. Kinh tế gia Carol Graham, người giám sát bản phân tích này, kết luận rằng người da trắng nghèo đau khổ trực tiếp vì thiếu thốn vật chất thì ít, mà đau khổ vì những vấn đề vô hình nhưng sâu sắc như “thiếu hạnh phúc, căng thẳng tinh thần, và vô vọng” thì nhiều. Điều này có thể giải thích tại sao khẩu hiệu của ứng viên Cộng hòa Donald Trump – “Làm cho nước Mỹ vĩ đại như trước” – nghe rất êm tai đối với nhiều người da trắng nghèo.

Một sự đảo lộn kinh hoàng trong vận may của người da trắng nghèo và người da trắng thuộc giai cấp công nhân bắt đầu diễn ra trong thập niên 1970, khi nước Mỹ giã từ công nghiệp hóa để đi vào thời kỳ tự động hóa, toàn cầu hóa và phát triển công nghệ cao và các khu vực dịch vụ; những biến chuyển này đã thay hình đổi dạng nền kinh tế Mỹ. Trong những thập niên sau đó, nhiều công ăn việc làm của người lao động biến mất, đồng lương của người Mỹ có trình độ văn hóa thấp đứng yên một chỗ, trong khi của cải ngày càng tích lũy ở nấc cao nhất của chiếc thang kinh tế và sự thăng tiến xã hội của người dân ngày càng khó thực hiện. Những phát kiến công nghệ và tài chánh đã nuôi dưỡng sự sinh động kinh tế và xã hội tại những trung tâm đô thị trên hai bờ đại dương. Nhưng những thay đổi này không đem lợi lộc bao nhiêu cho những vùng công nghiệp trước đây như Miền Nam và vùng Trung Tây. Khi sự suy thoái kinh tế khoét rỗng nội dung của sinh hoạt công dân và cuộc tranh luận chính trị quốc gia tập trung vào những vấn đề khác, nhiều người tại các bang nằm giữa nước Mỹ [“flyover country”] đã tìm niềm an ủi trong nghiện ngập ma túy [opioids và methamphetamine]; một số khác bày tỏ sự phẫn nộ của mình bằng cách theo đuổi chủ nghĩa dân tộc da trắng [white nationalism]. Khi người da trắng sắp trở thành là một trong những đa số tại Mỹ (hay một “thiểu số da trắng”, theo thuật ngữ của những người đa nghi hơn), nhiều người da trắng bắt đầu nghe theo tiếng gọi của chủ nghĩa văn hóa bản địa [nativism] hay xu thế bất dung [bigotry] đối với các sắc dân khác cũng như tin vào những hứa hẹn khá lộ liễu về việc bảo vệ đặc quyền chủng tộc đang lâm nguy của họ: hãy nghĩ đến lời hứa của Trump về việc xây một bức tường thành trên biên giới Mỹ-Mehico và việc ông gợi lại dù không nói rõ một thời đại đã trôi vào quá khứ khi nước Mỹ còn là “vĩ đại,” điều mà nhiều người ủng hộ Trump có vẻ nhận ra là thời đại trong đó người da trắng cảm thấy mình ở vị trí trung tâm của các sinh hoạt công dân và kinh tế.

Trump còn khoái chí nhắc nhở các nhóm thính giả của mình rằng họ là nạn nhân của một hệ thống chính trị “gian lận” [a rigged political system] đã củng cố quyền lực cho các giới tinh hoa bất chấp quyền lợi của người da trắng nghèo. Về điểm này, Trump “nói có sách, mách có chứng.” Chẳng hạn, ta có thể xét đến những điều tìm thấy trong một nghiên cứu năm 2104, được trích dẫn rộng rãi, của hai nhà khoa học chính trị Martin Gilens và Benjamin Page; những vị này đã nghiên cứu công luận liên quan đến 1.800 đề xuất chính sách (căn cứ trên các cuộc thăm dò từ năm 1981 đến năm 2002) và họ nhận thấy rằng chỉ có những ý kiến nào được chấp nhận bởi 10 phần trăm giàu nhất trong dân số mới có thể trở thành luật. Việc các giới tinh hoa kinh tế khống chế chính trị Mỹ trên thực tế đã tước đoạt quyền công dân của mọi người khác – hẳn nhiên, đây là một cảm thức nặng nề đè lên 90 phần trăm dân số còn lại, nhưng có lẽ được cảm nhận thấm thía nhất bởi những người tụt hậu xa nhất.

Đối với những người Mỹ da trắng nghèo và người Mỹ da trắng thuộc giai cấp công nhân, những thay đổi sâu rộng của vài thập niên qua đã thật sự mang lại hậu quả chết người: kể từ khoảng năm 1999, tuổi thọ – trước đó từng gia tăng ngoạn mục cho tất cả mọi người Mỹ trong Thế kỷ 20 – bắt đầu sút giảm trong giới da trắng trung lưu ít học. Angus Deaton, kinh tế gia được giải Nobel người đã phát hiện xu thế này cùng với vợ cũng là người cộng sự, kinh tế gia Anne Case, phỏng đoán rằng nhóm dân số này “rất dễ lâm vào tâm trạng vô vọng” vì họ đã “đánh mất lẽ sống của mình.”

Tác phẩm White Trash [Rác rưởi trắng] của Nancy Isenberg có mục đích phơi bày những gốc rễ lịch sử của thảm họa xã hội này và giải thích những hệ quả chính trị của nó. Đây là một cuốn sách đầy tham vọng, tuy không thành công hoàn toàn, nhưng thường xuyên tiết lộ sự kiện lịch sử. Isenberg đan kết triết học chính trị, văn hóa dân gian, văn chương và các nghiên cứu văn hóa khác nhằm khảo sát tầm quan trọng của vấn đề giai cấp tại Mỹ và chứng minh rằng người Mỹ da trắng hạ lưu từng bị các giới tinh hoa đá quanh và bạc đãi trong vô vàn cung cách kể từ ngày thành lập nước cộng hòa này. Mục tiêu chính của bà là chôn sâu cái huyền thoại “cho rằng người Mỹ, nhờ may mắn hiếm hoi, đã thoát được gánh nặng giai cấp rất thịnh hành tại mẫu quốc Anh.” Theo lý giải của Isenberg, đối với người da trắng nghèo, giấc mơ Mỹ luôn luôn pha lẫn ác mộng trong đó.

CẢNH KHỐN CÙNG CỦA NGƯỜI DA TRẮNG

Nhan đề cuốn sách của Isenberg chỉ là một ví dụ của nhiều tên gọi xấu xí được áp dụng qua hàng thế kỷ cho người da trắng thuộc tầng lớp lao động nghèo. Cuốn sách đưa ra một bản liệt kê đầy đủ: “Waste people [hạng đồ bỏ]. Offscourings [những kẻ bị đời vứt qua một xó]. Lubbers [những người thô kệch]. Bogtrotters [mọi Ái Nhĩ Lan; bọn quét rác đổ thùng]. Rascals [bọn lưu manh]. Rubbish [quân rác rưởi]. Squatters [bọn cắm dùi chiếm đất]. Crackers [người da trắng nghèo miền Đông Nam]. Clay-eaters [những người nhai đất sét ở vùng quê các bang Miền Nam]. Tackies [những kẻ thô tục]. Scalawags [người da trắng Miền Nam làm tay sai cho người Miền Bắc sau Nội chiến]. Briar hoppers [người da trắng vùng sâu vùng xa tại các bang Ohio, Kentucky, Tennessee]. Hillbillies [người da trắng vùng sâu vùng xa; thiếu văn minh]. Low-downers [những kẻ đáng khinh]. White niggers [mọi trắng]. Degenerates [bọn thoái hóa]. White trash [rác rưởi trắng]. Rednecks [người da trắng quê mùa]. Trailer trash [người nghèo da trắng sống trong nhà lưu động]. Swamp people [người ở vùng đầm lầy Louisiana].

Hầu hết người Mỹ trung lưu, giàu có, thuộc các sắc dân không phải da trắng [nonwhite Americans] khá quen thuộc với các thành kiến mà những từ này gợi lên; nhiều người thậm chí còn phổ biến loại từ ngữ miệt thị này, dù chỉ thì thầm với nhau mà thôi. Và ngay cả người Mỹ không có thành kiến nào với người da trắng nghèo cũng thường hiểu lầm về họ, chỉ coi sự xuất hiện của giai cấp hạ lưu da trắng như một hiện tượng tương đối gần đây do tiến trình giã từ công nghiệp [deindustrialization], các làn sóng nhập cư, và toàn cầu hóa mang lại. Isenberg bắt đầu sửa sai ấn tượng sai lạc này bằng cách giúp người đọc tháo bỏ khỏi tri thức của mình những điều họ tưởng họ biết rõ ràng. “Việc tạo huyền thoại lịch sử chỉ có thể thực hiện được bằng cách quên lãng quá khứ,” Isenberg tuyên bố. Chuyện kể của bà là một cuộc hành trình đập tan huyền thoại [myth-busting tour] xuyên qua lịch sử Mỹ, nhằm tái tạo nó thành một câu chuyện thô bạo về thống trị, khuất phục, và xung đột giai cấp.

Theo cách kể chuyện của Isenberg, nhà lãnh đạo Thanh giáo John Winthrop – mà hình ảnh Thuộc địa trên Vịnh Massachusetts của ông được mô tả là một “đô thị trên đồi” đầy vị tha, lân mẫn đã trở thành một chủ đề về tính độc đáo của Mỹ [American exceptionalism] – không mảy may là một nhà dân chủ; nói đúng hơn, ông là một người theo chủ nghĩa tinh hoa [an elitist], không đoái hoài thương xót người nghèo, là hạng mà ông gọi là “lớp váng bẩn trên đất nước này” [scum of the land]. Thuộc địa của Winthrop, Isenberg viết, không phải là chiếc nôi nuôi dưỡng chủ nghĩa bình đẳng, mà là một cộng đồng ốc đảo và đầy áp bức, mải miết theo đuổi việc duy trì một hệ thống giai cấp. Isenberg còn có con mắt soi mói đối với tư duy của một số nhân vật làm nên Cách mạng Mỹ, kể cả John Locke và Thomas Paine, cả hai đều tỏ ra tùy tiện, thô bạo đối với số phận nghiệt ngã của dân nghèo. Hình ảnh trung tâm của huyền thoại Mỹ trong buổi đầu là người tiểu điền chủ [the landowning yeoman], mà Thomas Jefferson hết lời ca ngợi. Nhưng trong mấy chục năm đầu sau khi lập quốc, nước Mỹ chẳng có gì để ban phát cho người nghèo khó và người không có ruộng đất, họ chỉ còn cách bòn mót một cuộc sống bên lề.

Nhân vật chính trị tầm cỡ quốc gia đầu tiên đã phá vỡ mô hình này và tập hợp quyền lực chính trị của người nghèo da trắng là Andrew Jackson. Jackon, người mà giới tinh hoa con nhà dòng dõi coi là thô lỗ và thiếu văn minh, đã đứng ra bênh vực quyền lợi của người di dân nghèo, những người vào đầu Thế kỷ 19 đã đến định cư ở “biên cương” – vùng đất nằm giữa rặng Appalachian Mountains và sông Mississippi. Những “người cắm dùi giành đất” [squatters] từ trước đến thời điểm này vốn bị giới tinh hoa thành thị và giới đại địa chủ khinh ghét; trong (và đặt biệt sau) nhiệm kỳ Tổng thống của Jackson, họ “hóa thân thành người bình dân trong truyền thuyết dân chủ Mỹ,” Isenberg viết. Jackson thu hút dân da trắng nghèo vào Đảng Dân chủ bằng cách hứa hẹn bài trừ tham nhũng và chống lại các giới tinh hoa bám vào quyền lực. Tuy nhiên, phiên bản đầu tiên của chủ nghĩa dân túy Mỹ muốn gặt hái thành công trong các cuộc tuyển cử quốc gia cũng phải được tăng cường bởi chủ nghĩa kỳ thị màu da, tạo ra một mô hình vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Jackson, một ông chủ nô lệ, cương quyết chống lại chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ đồng thời hậu thuẫn chính sách “tiêu diệt người da đỏ” – đây là những lập trường nhằm trấn an những người hậu thuẫn da trắng nghèo rằng ông sẽ bảo vệ họ không những khỏi sự chèn ép của các giới tinh hoa và còn khỏi sự đe dọa của các tầng lớp thấp kém hơn họ trên thang xã hội.

Thật vậy, trong thế kỷ 19, người da trắng nghèo không hẳn là nhóm duy nhất phấn đấu chật vật trong cuộc sống: người da đen và người da đỏ còn khốn khổ hơn nhiều. Đáng tiếc là, khi bàn về mối quan hệ giữa sự kỳ thị chống người da trắng nghèo và sự đàn áp các nhóm thiểu số khác, sách của Isenberg thiếu hẳn chiều sâu. Gần như tác phẩm này không thăm dò việc chế độ nô lệ, chế độ phân chủng [segregation], và chủ trương bảo vệ văn hóa bản địa [nativism] đã ảnh hưởng lên hệ thống giai cấp của Mỹ như thế nào, hoặc các nhà chính trị (dân túy và các xu thế khác) đã sử dụng những chiêu bài đoàn kết chủng tộc để chặn đứng tiềm năng phát triển các liên minh dựa vào giai cấp [class-based alliances] cắt ngang các ranh giới chủng tộc như thế nào. Thay vì vậy, Isenberg lại có vẻ đi sâu vào một cuốn tiểu thuyết mà không hề quan tâm soi sáng luận cứ cho rằng người da trắng nghèo bắt đầu tạo thành một cái gì gần như là một chủng loại riêng biệt [a distinct racial category], một chủng loại mà một số giới tinh hoa cho là cần được “sinh sôi nẩy nở” để cung cấp một nguồn lao động rẻ vững chắc.

Vì cụm từ “rác rưởi trắng” thường nói đến giới nghèo khổ không có đất đai, cuốn sách trở nên lạc điệu khi nó tiến gần đến thời hiện tại, trong tiến trình viết sử biên niên của một quốc gia mà người dân đang mất dần ý thức gắn bó với đất đai. Isenberg gần như bỏ qua trải nghiệm của giai cấp công nhân da trắng trong giai đoạn phát triển kinh tế nhanh chóng sau Thế chiến thứ hai; sự khám phá của bà về thời kỳ đó chỉ tập trung vào một số suy niệm về Elvis Presley và show truyền hình The Beverly Hillbillies. Một cách tương tự, việc bàn luận sơ sài của bà về phong trào dân quyền chỉ tập trung vào một số nhỏ các phản ứng của người da trắng đối với chiến dịch nổi tiếng chống phân chủng trong học đường diễn ra tại Little Rock, Arkansas, năm 1957. Nhìn lại nửa sau thế kỷ 20, Isenberg chỉ nói qua loa sự kiện vào thập niên 1970, việc cổ vũ một bản sắc “người nhà quê da trắng” [a redneck identity] đã trở thành một khía cạnh văn hóa - chính trị của giai cấp lao động được nhiều người chấp nhận, thậm chí được ca ngợi. Và mặc dù những chịu thương chịu khó của Bill Clinton [đối với người da trắng nghèo] thu hút được nhiều chú ý (Isenberg viết rằng nhiệm kỳ Tổng thống của ông đã đưa đến “một cuộc dạo chơi của tầng lớp rác rưởi trắng trên đại sân khấu quốc gia”), cuốn sách thật sự không nói gì về thời đại Obama, một thời đại đã chứng kiến sự trỗi dậy của hai phong trào chính trị riêng biệt nhưng liên quan nhau đã thu hút hậu thuẫn của người da trắng nghèo và người da trắng thuộc giai cấp công nhân: thoạt đầu là phong trào Tiệc trà [the Tea Party] và hiện nay là hiện tượng ứng cử viên Tổng thống Trump.

Một vấn đề rộng lớn hơn mà cuốn White Trash mắc phải là, mặc dù Isenberg qua cách viết sử biên niên cho thấy các sắc dân khác đã nhìn người da trắng nghèo và người da trắng lao động như thế nào, nhưng bà không đi sâu vào vấn đề nhóm da trắng này đã thấy chính mình hay phần còn lại của xã hội như thế nào. Trong tác phẩm nghiên cứu nổi tiếng nhất, Let Us Now Praise Famous Men [Bây giờ chúng ta hãy ca ngợi các danh nhân], nhà văn James Agee cố gắng tỏ ra công bình với chủ đề của mình bằng cách cho thấy “sự hào nhoáng độc ác của tình trạng đang có.” Isenberg đủ nhạy bén để nhận thấy thách thức mà Agee đặt ra, nhưng bà khó duy trì chiều sâu trong cái nhìn lịch sử khái quát và rộng lớn của tác phẩm mình. Cuốn sách đưa ra quá ít giai thoại, quá ít trích dẫn, hoặc quá ít chuyện kể cho thấy những thành viên của nhóm này đã nhìn cuộc đời mình hoặc quan niệm về chính trị như thế nào.

Cũng không thấy tác giả tường thuật tất cả cách thức người da trắng hạ lưu [lower-class whites] chống lại các nỗ lực kềm kẹp họ trong vị trí của mình. White Trash không nói đến chủ nghĩa dân túy nông nghiệp [agrarian populism] của thế kỷ 19 đã chứng kiến giới tiểu nông đối đầu với các ngân hàng và các công ty đường sắt đầy quyền lực về các khoản tiền cho vay và giá vé chuyên chở bóc lột. Tương tự như thế, cuốn sách cũng chẳng nói gì về cuộc đại đình công của công nhân ngành dệt năm 1934, khi “những đầu người đầy xơ vải” [lint heads] bước ra khỏi các nhà máy khắp vùng Piedmont [chạy dài từ New England, qua các bang nằm trên bờ Trung Đại Tây Dương, xuống các bang Miền Nam – ND], đòi hỏi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc và quyền thành lập một công đoàn. Cách tiếp cận của Isenberg rốt cuộc đã san bằng mọi thời đại của lịch sử Mỹ ngang nhau để đáp ứng các chủ đề quá bao quát về tình trạng nghèo đói và mất quyền sở hữu, đến nỗi ngay cả thời kỳ hậu chiến – trong đó tình trạng bất bình đẳng giảm bớt, các kỳ vọng gia tăng, và người da trắng nghèo và người da trắng thuộc giai cấp công nhân cũng chia sẻ sự phồn vinh – có vẻ không khác mấy với bất cứ thời đại nào trong lịch sử.

clip_image004

TỪ OBAMA ĐẾN TRUMP

Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thích đổ lỗi cho nhau về tình cảnh nghiệt ngã của người da trắng nghèo và người da trắng thuộc giai cấp công nhân. Thực tế cho thấy cả hai đảng đều không quan tâm chăm sóc những nhóm này, như Barack Obama đã vạch ra khi ra tranh cử Tổng thống năm 2008:

Nếu bạn đi vào một số thị xã tại Pennsylvania cũng như nhiều thị xã ở vùng Trung Tây, bạn sẽ thấy rằng công ăn việc làm ở đây đã biến mất trong vòng 25 năm qua, mà không có gì thay thế. Việc làm [jobs] biến mất dưới chính quyền Clinton và chính quyền Bush, và mỗi chính quyền tiếp nối đều tuyên bố rằng bằng cách này hay cách khác các cộng đồng này sẽ được hồi sinh, nhưng chúng vẫn chưa hồi sinh được.

Phần kế tiếp của bài phát biểu đã đưa Obama vào một rắc rối chính trị: “Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên, khi người dân ở đây trở nên cay cú – họ bám vào súng ống, hoặc tôn giáo hoặc có ác cảm với những người không giống họ, hoặc có tinh thần chống dân nhập cư, hoặc tinh thần chống tự do mậu dịch, coi đó như một cách lý giải những bức xúc của mình.” Đoạn phát biểu này nghe có vẻ trịch thượng và báo hiệu Obama sẽ gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực cầu thân với người da trắng nghèo và người da trắng thuộc giai cấp công nhân khi ông làm Tổng thống, thậm chí cả khi các chính sách của ông rõ ràng tìm cách mang lại lợi ích cho họ. Gạt các ý định của ông qua một bên, những nhóm này chẳng trở nên khấm khá hơn bao nhiêu dưới hai nhiệm kỳ Tổng thống của ông.

Trong khi đó, sự tăng trưởng của khối cử tri không phải da trắng [nonwhite] đã cho phép Đảng Dân chủ thắng tại các bang “màu xanh” đáng tin cậy mà không cần xông xáo kiếm phiếu của những cử tri da trắng ít học. Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ năm nay đã trình diễn một hoạt cảnh đa văn hóa ngoạn mục [a beautiful multicultural tableau]. Nhưng ở một số thời điểm trong sự kiện chính trị này, một số khán giả có lẽ đã cảm nhận cái nội dung không thể nói ra là: “Chúng ta đã hoàn toàn từ bỏ những thằng da trắng.”

Trái lại, Đảng Cộng hòa – hay chí ít tập hợp con [subset] của đảng này đã hậu thuẫn cho Trump trở thành ứng viên chính thức – không có vẻ hấp dẫn đối với bất cứ sắc dân nào ngoài người da trắng. Trong một phân tích so sánh các số liệu dân số ở cấp quận hạt [county-level demographic data] với kết quả trong các kỳ bầu cử sơ bộ Đảng Cộng hòa 2016, Neil Irwin và Josh Katz của tờ The New York Times nhận thấy rằng mức hậu thuẫn cho Trump tại mọi quận hạt đều tương ứng mạnh mẽ với tỉ lệ bách phân các cư dân da trắng chưa xong trung học, với tỉ lệ dân số đã khai tổ tiên là “người Mỹ” trên mẫu kiểm kê dân số, với tỉ lệ bách phân những người sống trong nhà lưu động [mobile homes], với tỉ lệ bách phân những người theo đạo Tin lành [evangelical Christian], và với tỉ lệ bách phân những người hậu thuẫn ứng cử viên chủ trương phân chủng George Wallace trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống 1968. Nhưng hậu thuẫn cho Trump cũng tương ứng mạnh mẽ với mức độ lệ thuộc cao vào các công việc trong “nền kinh tế cũ” và với mức độ tham dự thấp vào lực lượng lao động. Đấy là lý do vì sao ban vận động tranh cử của Trump còn đề cao các yếu tố của chủ nghĩa dân túy kinh tế [agrarian populism], đặt trọng tâm ở chế độ bảo hộ mậu dịch và cam kết bảo vệ các chương trình về quyền hưởng lợi ích liên bang [federal entitlement programs] như An sinh Xã hội – một nghị trình mà Trump hứa hẹn sẽ mang lại cho người da trắng thuộc giai cấp công nhân sự an toàn và thịnh vượng mà cha ông họ đã thừa hưởng trong thời kỳ hậu chiến.

Cho dù Trump có thất cử, cuộc vận động của ông dường như có khả năng tác động sâu sắc lên Đảng Cộng hòa. “Năm, 10 năm nữa – một đảng hoàn toàn khác,” Trump trầm ngâm suy nghĩ trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Business vào tháng Năm. “Các bạn sẽ có một đảng công nhân. Một đảng của những người suốt 18 năm không được tăng lương, thật đáng phẫn nộ.” Trump đã tuyên bố một số điều kỳ quặc, nhưng có thể ông rất đúng về điều này. Các chính khách tự do - bình đẳng, cùng với nhiều chính khách bảo thủ, coi chủ nghĩa Trump [Trumpism] như một căn bệnh gây nhức nhối cho thể chế chính trị Mỹ. Trên thực tế nó là một triệu chứng của một bệnh lý sâu sắc hơn, có gốc rễ ngược dòng lịch sử Mỹ, như sách của Isenberg cho thấy. Cuộc vận động của Trump đang lấp đầy một khoảng trống có từ lâu đời trong chính trị Mỹ: cái không gian mà các lợi ích của người da trắng nghèo và người da trắng thuộc giai cấp công nhân từng hiện hữu. Bản thân Trump có thể biến mất từ sân khấu chính trị. Nhưng chủ nghĩa Trump vẫn còn tồn tại cho đến khi một hay cả hai đảng tìm ra một đường lối để giải quyết các vấn đề mà người da trắng nghèo và người da trắng thuộc giai cấp công nhân đang đối diện.