Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (3)

Thụy Khuê

Chương 3
GiaLong01Tóm tắt giai đoạn lịch sử 1777- 1802
(Phần 1)
Trước khi tìm hiểu công trạng của những người Pháp "giúp vua Gia Long dựng nghiệp", chúng ta cần nhìn lại bối cảnh chung của cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, trong 25 năm, từ 1777 đến 1802, khi Gia Long thống nhất đất nước.
Chương này tóm lược bối cảnh chiến tranh qua lăng kính của Đại Nam Thực Lục và Đại Nam Liệt Truyện. Tuy gọi Tây Sơn là ngụy, là giặc, nhưng sử gia triều Nguyễn ghi chép rất kỹ về giai đoạn này.
Những chương kế tiếp, chúng tôi sẽ giới thiệu tài liệu của những người Tây Phương sống cùng thời, xem họ viết như thế nào; để đối chiếu với những điều do các nhà nghiên cứu, các sử gia thuộc địa viết, xem sự khác biệt ra sao.
Tổng hợp cả ba loại tài liệu trên, chúng ta sẽ có thể tìm ra sự thực lịch sử.
Chúa Nguyễn chạy vào Gia Định
Chúa Nguyễn, ở trong Nam, kể từ Nguyễn Hoàng (1600-1613) đến Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (1738-1765) là đời thứ tám. Võ Vương mất, di chúc lập con thứ hai là Nguyễn Phước Luân, cha của Nguyễn Phước Ánh lên ngôi. [Hoàng tử cả là Nguyễn Phước Chương mất sớm, hoàng tử thứ chín là Nguyễn Phước Hiệu được chọn làm thế tử, cũng mất; con là hoàng tôn Nguyễn Phước Dương còn nhỏ].
Trương Phúc Loan chuyên quyền, bắt Nguyễn Phước Luân giam vào ngục, tha về thì chết. Phước Luân được gọi là Hưng tổ.
Nguyễn Ánh mới 3 tuổi (tên húy là Chủng, Noãn và Ánh, sinh ngày 8/2/1762). Chủng là tên lúc nhỏ, lớn dùng tên Ánh.
Trương Phúc Loan lập con thứ 16 của Võ Vương là Nguyễn Phước Thuần, sinh năm Giáp Tuất (1754), lên ngôi lúc 11 tuổi, tức Duệ Tông Hiếu Định Hoàng Đế còn gọi là Định Vương.
Tháng 3/1773 (tháng 2 Quý Tỵ), Tây Sơn khởi nghiệp. Chiếm Qui Nhơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Thuận.
Tháng 4-5/1774 (tháng 4 Giáp Ngọ), Tống Phước Hiệp, tướng nhà Nguyễn, chiếm lại được Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khang.
Ở Bắc, chúa Trịnh Sâm (1767-1782) thấy trong Nam có biến, bèn quyết định đánh.
Tháng 6-7/1774 (tháng 5 ÂL.) quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc làm thống tướng cùng Bùi Thế Đạt, Hoàng Phùng Cơ và Hoàng Đình Thể tiến vào Nam.
Tháng 11/1774 (tháng 10 ÂL.) quân Trịnh vượt sông Gianh.
Tháng 12/1774 (tháng 11 ÂL.) Trịnh Sâm đem thủy quân vào Nghệ An, đóng ở Hà Trung [Theo Đại Nam Nhất thống chí, phủ Hà Trung thuộc tỉnh Thanh Hoá, tập 2, t. 226]
Cuối tháng 1/1775 (tháng 12 Giáp Ngọ) Hoàng Ngũ Phúc chiếm được Phú Xuân [Huế].
Tháng 2/1775 (tháng 1/Ất Mùi) Định Vương chạy vào Quảng Nam, lập cháu là Nguyễn Phước Dương làm Thế tử (Đông cung) sai ở lại trấn thủ Quảng Nam, rồi cùng cháu là Nguyễn Phước Ánh (13 tuổi) con thứ ba của Hưng tổ và cung quyến chạy vào Gia Định.
Chữ Gia Định, thời ấy, vừa chỉ Sài Gòn, vừa chỉ cả miền Nam.
Ánh, dù nhỏ tuổi, được dự bàn việc quân, với chức Chưởng sử, coi quân Tả dực. (Thực Lục, I, t. 204). Tống Phước Hiệp làm Tiết chế.
Mạc Thiên Tứ đem các con đến yết kiến, được thăng làm Đô đốc, các con làm Chưởng Cơ, Cai Cơ, đóng giữ đạo Trấn Giang [An Giang-Hà Tiên].
Nguyễn Nhạc tiến đánh Quảng Nam.
Đông Cung đóng quân ở Cu Đê [cửa biển Cu Đê cách huyện Hòa Vang 27 dặm về phiá Bắc].
Tháng 3/1775 (tháng 2 ÂL.) Hoàng Ngũ Phúc vượt Hải Vân vào đánh Quảng Nam.
Nguyễn Nhạc cùng các tướng Tập Đình và Lý Tài, người Tầu, giao tranh với quân Trịnh của Hoàng Đình Thể và Hoàng Phùng Cơ ở Cẩm Sa. Thua trận, Tập Đình trốn về Quảng Đông. Lý Tài chạy về Bản Tân [biên giới Quảng Nam].
Nguyễn Nhạc đem Đông cung về Quy Nhơn.
Tháng 6/1775 (tháng 5 ÂL.), Tống Phước Hiệp chiếm lại Phú Yên.
Tháng 8/1775 (tháng 7 ÂL.), Nguyễn Huệ tấn công Phú Yên. Hiệp thua, lui giữ Hòn Khói.
Tháng 11/1775) (tháng 10 ÂL.), Hoàng Ngũ Phúc, đóng ở Châu Ổ [địa giới Quảng Ngãi], quân bị bệnh dịch, chết một nửa, xin Trịnh Sâm rút về Thuận Hoá, rồi mất ở dọc đường.
Châu Văn Tiếp, người Phú Yên, đem 1000 quân về theo Tống Phước Hiệp. Lý Tài bỏ Tây Sơn theo chúa Nguyễn.
Đỗ Thanh Nhơn chiếm lại Gia Định
Tháng 3-4/1776 (tháng 2/ Bính Thân), Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ vào chiếm Gia Định.
Tống Phước Hựu đưa Định Vương chạy về Trấn Biên [Biên Hoà], mộ quân cần vương.
Tháng 4-5/1776, (tháng 3 ÂL.) Nguyễn Nhạc đắp thành Trà Bàn [Quy Nhơn], lên ngôi vua là Tây Sơn Vương. Cho Lữ làm thiếu phó, Huệ làm phụ chính (Thực Lục ghi tháng 3, Liệt truyện ghi tháng 2 ÂL.).
Tháng 6-7/1776 (tháng 5 ÂL.), Đỗ Thành Nhơn, thủ lãnh hảo hán ở Ba Giồng tập hợp Nguyễn Huỳnh Đức (Nguyễn Hoàng Đức), Trần Búa, Đỗ Vàng, Đỗ Tai, Võ Nhan, Đỗ Bảng và 3000 quân "Đông Sơn cần vương", tự xưng là Đông Sơn thượng tướng quân, chiếm lại Gia Định.
Ba Giồng tức Tam Phụ, nơi tụ hợp ba sông Yến, Kỳ Lân và Qua Qua, có gò đống chập chùng, cây cối um tùm, vị trí hiểm trở, phía trước là sông cái, phiá sau, rừng chằm, là chỗ tụ nghiã của đảng Đông Sơn, Đỗ Thanh Nhơn là chủ soái (Đại Nam nhất thống chí, Tập 5, t. 95).
Đỗ Thanh Nhơn và Nguyễn Huỳnh Đức trở thành những đại tướng của Nguyễn Ánh.
Quân Đông Sơn tiến đánh Gia Định, Nguyễn Lữ thua chạy, kịp chở kho thóc 200 thuyền, về Quy Nhơn.
Tháng 7-8/1776 (tháng 6 ÂL.), Tống Phước Hiệp chết. Lý Tài làm phản, giữ núi Châu Thới. Đỗ Thanh Nhơn đánh không được. Định Vương phải chạy trốn.
Tháng 11-12/1776 (tháng 10 ÂL.), Đông cung trốn Nguyễn Nhạc về Gia Định, đem quân dẹp Lý Tài. Nhìn thấy cờ hiệu, Lý Tài quy hàng.
Tháng 12/1776-1/1777 (tháng 11 ÂL.) Lý Tài đón Đông Cung về Sài Gòn. Định Vương nhường ngôi cho Đông Cung làm Tân Chính Vương, còn mình lên làm Thái Thượng Vương.
Đội trưởng Võ Di Nguy và Tô Văn Đoài đem 200 quân, từ Quy Nhơn, về giúp chúa Nguyễn.
Nguyễn Huệ đánh Gia Định lần thứ nhất, diệt chúa Nguyễn
Tháng 2/1777 (tháng 1/Đinh Dậu) Nguyễn Nhạc xin Trịnh Sâm làm trấn thủ Quảng Nam để yên mặt Bắc. Sau khi Hoàng Ngũ Phúc chết, Trịnh Sâm cũng không muốn tiếp tục chiến tranh, thuận cho.
Tháng 4-5/1777 (tháng 3 Đinh Dậu), Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ vào đánh Gia Định.
Lý Tài giữ Sài Gòn. Tân Chính Vương giữ Trấn Biên [Biên Hoà].
Lý Tài thua chạy đến Tam Phụ [Ba Giồng, thuộc Định Tường] bị quân Đông Sơn giết chết. Tân Chính Vương lui về Tranh Giang [Gia Định].
Định Vương chạy đến Đăng Giang [Định Tường].
Nguyễn Ánh đem 4000 quân Đông Sơn đến đón, Định Vương đem quân về Tài Phụ [Giồng Tài, Gia Định].
Tháng 5/1777 (tháng 4 ÂL.), Nguyễn Huệ đánh Tài Phụ. Định Vương chạy sang Long Hưng, bị đuổi, chạy đến Cần Thơ hợp với quân của Mạc Thiên Tứ, sau khi thua ở Hà Tiên chạy về.
Định Vương sai Đỗ Thanh Nhơn đi Bình Thuận gọi Châu Văn Tiếp, Trần Văn Thức về cứu.
Tây Sơn đánh Tranh Giang. Tân Chính Vương lui về Trà Tân [Định Tường], Chưởng cơ Thiêm Lộc đón Vương đến Ba Việt [Vĩnh Long].
Tân Chính Vương sai Tống Phước Hựu giữ Mỹ Lung [Vĩnh Long], Thiêm Lộc giữ Hương Đôi [Vĩnh Long]. Tống Phước Hoà thống lãnh quân đội.
Tháng 8/1777 (tháng 7 ÂL.), Trần Văn Thức kéo quân Phú Yên về giúp, thua trận, chết ở Bình Thuận.
Tây Sơn đánh Ba Việt, các tướng Tôn Thất Chí, Nguyễn Mẫn, Tống Phước Hựu đều bị bệnh chết, chỉ còn một mình Chưởng cơ Tống Phước Hoà chống trả, thắng nhiều trận.
Tháng 9/1777 (tháng 8 ÂL.), Nguyễn Huệ đích thân đánh Hương Đôi. Thiêm Lộc chạy đi Ba Việt. Tân Chính Vương thấy quân ít thế cô, muốn chạy lên Bình Thuận, họp với quân Châu Văn Tiếp, nhưng không thành. Tống Phước Hoà thấy không thể cứu được chúa, tự tử.
Ngày 19/9/1777 (ngày Tân Hợi 18/8/Đinh Dậu) Tân Chính Vương và 18 quan theo hầu bị giết. Sau được truy tặng là Mục Vương.
Còn Định Vương Nguyễn Phước Thuần chạy đi Long Xuyên.
Tháng 10/1777 (tháng 9 ÂL.), Nguyễn Huệ sai Chưởng cơ Thành đánh Long Xuyên.
Ngày 18/10/1777 (ngày Canh Thìn 18/9/Đinh Dậu), Định Vương bị giết cùng với Tôn Thất Đồng (con thứ hai Hưng tổ, anh ruột Nguyễn Ánh) và các tướng: Trương Phúc Thận, Lưu thủ Lương (không rõ họ), Nguyễn Danh Khoáng.
Một mình Nguyễn Ánh, 15 tuổi, chạy thoát.
Nguyễn Huệ đem quân về Quy Nhơn, để các tướng Chu, Hãn, Oai, Hoà, Chấn (không rõ họ) chia giữ các dinh ở Gia Định.
Nguyễn Ánh lấy lại Gia Định, xưng vương
Một tháng sau, Nguyễn Ánh xuất hiện lại ở Long Xuyên.
Tháng 11/1777 (tháng 10 ÂL.), Nguyễn Ánh tiến đến Sa Đéc cùng Đỗ Thanh Nhơn, Lê Văn Quân, họp với các tướng cũ: Nguyễn Văn Hoằng, Tống Phước Khuông, Tống Phước Lương, Dương Công Trừng, Hồ Văn Lân.
Tháng 12/1777 (tháng 11 ÂL.), quân Nguyễn đánh úp Long Hồ [Vĩnh Long].
Tháng 1/1778 (tháng 12 Đinh Dậu) Đỗ Thanh Nhơn chiếm Sài Gòn.
Tháng 2/1778 (tháng 1 Mậu Tuất) Nguyễn Ánh, 16 tuổi, được các tướng tôn làm Đại nguyên soái.
Tháng 3/1778 (tháng 2 ÂL.), Tổng đốc Chu (Tây Sơn) đánh Trấn Biên [Biên Hoà] và Phiên Trấn [Gia Định].
Tháng 4/1778 (tháng 3 ÂL.), Nguyễn Ánh sai đóng hơn 50 chiến hạm gọi tên là thuyền hiệu [tức là tầu chiến] Long Lân và mua nhiều bè hoả công.
Tháng 6/1778 (tháng 5 ÂL.), Lê Văn Quân và Đỗ Thanh Nhơn dẹp xong quân Tây Sơn ở Gia Định, Lê Văn Quân tiến đánh Bình Thuận.
Tháng 6/1778, tại Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, hiệu Thái Đức, phong Nguyễn Lữ làm Tiết chế, Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân.
Trong hai năm (1778-1779), ở tuổi 16 và 17, Nguyễn Ánh tổ chức lại Gia Định.
Tháng 4-5/1779 (tháng 3 Kỷ Hợi), Ánh rước Từ cung từ Quảng Trị về Gia Định (khi Hoàng Ngũ Phúc chiếm Phú Xuân năm 1774, mẹ Nguyễn Ánh và các công chúa chạy ra Quảng Trị).
Tháng 7-8/1779 (tháng 6 ÂL.), Ánh sai Đỗ Thanh Nhơn, Hồ Văn Lân, Dương Công Trừng đánh Chân Lạp, giết Nặc Vinh (kẻ thoán đoạt), lập Nặc Ấn lên ngôi, để Hồ Văn Lân ở lại bảo hộ Chân Lạp.
Tháng 12/1779-1/1780 (tháng 11 ÂL.) Ánh chia lại đất Gia Định. Lập hành chính và quan thuế.
Ngày 28/2/1780 (ngày Quý Mão 24/1/Canh Tý) Nguyễn Ánh xưng vương.
Thăng chức cho các tướng: Đỗ Thanh Nhơn, Tống Phước Khuông, Tống Phước Lương, Nguyễn Đình Thuyên, Trần Đại Thể.
Lập các bộ: Lại, do Hồ Đồng phụ trách. Hộ, Trần Phúc Giai. Lễ, Nguyễn Nghi. Binh, Minh (Không rõ họ). Hình, Trần Minh Triết.
Ngày 6/4/1780 (ngày Tân Tỵ 2/3/Canh Tý) sinh hoàng tử Cảnh, con của nguyên phi Tống thị, con gái Tống Phước Khuông, Ánh cưới năm Mậu Tuất (1778), lúc 16 tuổi.
Tháng 5/1780 (tháng 4 ÂL.) Đỗ Thanh Nhơn và Dương Công Trừng, tìm cách móc các thuyền chiến lại với nhau, đánh chiếm được Trà Vinh.
Tháng 7/1780 (tháng 6 ÂL.) Nguyễn Vương sai 2 cai cơ Sâm, Tĩnh sang Xiêm thông hiếu. Cùng lúc ấy, một thuyền buôn Xiêm đi qua Hà Tiên bị lưu thủ Thăng cướp và giết; rồi một người Chân Lạp tâu bịa với vua Xiêm là Gia Định đã gửi mật thư sai Tôn Thất Xuân, Mạc Thiên Tứ làm nội ứng để chiếm Vọng Các. Vua Xiêm nổi giận, giam Sâm, Tĩnh và bắt gia đình Mạc Thiên Tứ hỏi tội. Mạc Tử Duyên (con Mạc Thiên Tứ) bị đánh chết. Mạc Thiên Tứ tự tử. Tôn Thất Xuân, Sâm và Tĩnh cùng quyến thuộc của Mạc Thiên Tứ, 53 người đều bị hại.
Tháng 8/1780 (tháng 7 ÂL.) Nguyễn Vương lại sai đóng thêm thuyền chiến. Đỗ Thanh Nhơn sáng tạo thuyền trường đà (bánh lái dài), rất lợi hại.
Tháng 4/1781 (tháng 3/Tân Sửu) Đỗ Thanh Nhơn chuyên quyền bị giết. Quân Đông Sơn nổi dậy.
Tháng 5-6/1781 (tháng 5 ÂL.) Vương duyệt binh: khoảng 3 vạn quân, 80 thuyền đi biển, 3 thuyền chiến lớn, 2 tầu Tây, định đánh Tây Sơn, nhưng xẩy ra cuộc biến Đông Sơn, phải rút quân về.
Tháng 6-7/1781 (tháng 5 nhuận), thuộc hạ của Đỗ Thanh Nhơn làm phản. Phải dẹp mãi.
Nguyễn Huệ đánh Gia Định lần thứ nhì
Tháng 4-5/1782 (tháng 3/Nhâm Dần) Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đem 100 chiến thuyền đánh vào cửa Cần Giờ.
Nguyễn Vương sai Tống Phước Thiêm thống lãnh quân đội, bày thủy trận chống cự ở Ngã Bẩy [còn gọi là Thất kỳ giang, nơi bẩy dòng họp lại chằng chịt nhau, ở Biên Hoà, cách huyện Phước An 37 dặm về phiá tây bắc]. Quân Nguyễn thua to.
Một mình cai cơ người Pháp tên là Mạn Hoè (Manuel hay Emmanuel) đi tầu Tây, cố sức đánh rất lâu. Mạn Hoè do Bá Đa Lộc giới thiệu, được giữ chức cai cơ, coi đội Trung Khuông. Tây Sơn đốt tầu, Mạn Hoè chết cháy. Được truy tặng là Hiếu nghiã công thần phụ quốc thượng tướng quân. Được thờ ở đền Hiển Trung ở Gia Định (Thực Lục, I, t. 211-212, Liệt truyện, tập 2, t. 506). Đối với triều Nguyễn, Mạn Hoè là người Pháp có công lớn nhất trong thời kỳ lịch sử này.
Nguyễn Ánh đốc binh giao tranh ở Ngã Ba [Ngã ba Nhà Bè, Biên Hoà, cách huyện Long Thành 32 dặm về phía tây Nam], Ánh thua, chạy đi Ba Giồng [Định Tường]. Tống Phước Thiêm, vì lúc trước xui vua giết Đỗ Thanh Nhơn bị quân Đông Sơn thù, giết chết.
Nguyễn Ánh chạy ra Phú Quốc.
Tháng 6-7/1782 (tháng 5 ÂL.) Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ trở về Qui Nhơn, để hàng tướng Đông Sơn là Đỗ Nhàn Trập ở lại giữ Gia Định.
Châu Văn Tiếp chiếm lại Gia Định
Tháng 9-10/1782 (tháng 8 ÂL.), Châu Văn Tiếp chiếm lại Gia Định, đón Nguyễn Ánh về.
Nguyễn Ánh sửa sang quân ngũ:
Châu Văn Tiếp làm ngoại tả Chưởng dinh, Tôn Thất Dụ làm ngoại hữu Chưởng dinh, vv...
Sai cai cơ Trung thủy Võ Di Nguy, cai cơ Tiền thuỷ Trương Phúc Dĩnh tập hợp những thủy binh ngạch cũ, sửa đóng chiến thuyền.
Tây Sơn quyết định đánh Gia Định.
Nguyễn Ánh được tin Tây Sơn sắp vào, sai đắp đồn Thảo Câu [Vàm Cỏ] và đồn Dác Ngư [Cá Dốc] ở phiá Nam và phía Bắc sông lớn Gia Định, giao cho Dương Công Trừng và Tôn Thất Mân giữ. Trên sông dàn 100 chiến thuyền do Châu Văn Tiếp, Tôn Thất Cốc, Võ Di Nguy... quản thủ. Giám quân Tô coi bè hoả công.
Nguyễn Huệ đánh Gia Định lần thứ ba
Tháng 2/1783 (tháng 1 Quý Mão), đại binh Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ từ cửa Cần Giờ đánh lên, tư khấu Nguyễn Văn Kim đánh bờ Bắc, đô đốc Lê Văn Kế đánh bờ Nam.
Bè hoả công của quân Nguyễn bị ngược gió, quay trở lại đốt thuyền mình. Tôn Thất Mân tử trận, Dương Công Trừng bị bắt. Châu Văn Tiếp chạy sang Xiêm cầu cứu.
Nguyễn Ánh chạy đi Ba Giồng, bầy tôi chỉ còn nhóm Nguyễn Kim Phẩm 5, 6 người. Số quân không đầy 100.
Tháng 5/1783 (tháng 4 ÂL.), Nguyễn Ánh lại tập họp các đạo quân, Nguyễn Kim Phẩm tiên phong, đóng ở Đồng Tuyên [Gia Định].
Nguyễn Huệ tiến đánh Đồng Tuyên. Quân Nguyễn thua to. Các tướng: Đồng bị bắt; Minh, Quý, Thuyên, Huề, đều tử trận.
Nguyễn Ánh chạy đi Lật Giang [Gia Định] nước sông chảy mạnh. Ánh bơi giỏi, thoát chết, binh sĩ chết đuối nhiều. Ánh đi Mỹ Tho, lấy thuyền chở cung quyến ra Phú Quốc, sai Tôn Thất Cốc và Trần Đĩnh ra Cần Giờ thăm thú tình hình. Đĩnh không theo lệnh, bị Cốc giết. Đồ đảng của Đĩnh là Trần Hưng và Lâm Húc (người Tầu) chiếm giữ Hà Tiên. Nguyễn Kim Phẩm về Hà Tiên thu quân.
Thái trưởng công chúa Ngọc Đảo (con thứ bẩy Võ Vương, cô Nguyễn Ánh) cũng đến coi việc quân nhu, đều bị bọn Hưng giết. Nguyễn Ánh hay tin, đem binh thuyền đến đánh, Hưng, Húc bỏ chạy. Tướng Xiêm Vinh Li Ma đem 200 quân và chục chiến thuyền đến theo.
Tháng 7/1783 (tháng 6 ÂL.) Nguyễn Ánh đóng ở hòn Điệp Thạch (đá chồng) Phú Quốc, Phan Tiến Thuận (Tây Sơn) đến đánh, Lê Phúc Điển mặc áo ngự, liều mình cứu vua.
Tháng 7/1783, Tôn Thất Điển (con thứ sáu Hưng tổ, em Nguyễn Ánh), Tôn Thất Cốc, chưởng cơ Hoảng và Vinh Li Ma đều bị Tây Sơn bắt, giết. Vợ Hoảng tự tử.
Nguyễn Ánh chạy thoát ra Côn Lôn.
Tháng 8/1783 (tháng 7 ÂL.) Nguyễn Huệ sai phò mã Trương Văn Đa vây Côn Lôn. Nhờ bão, thuyền Tây Sơn bị đắm, Nguyễn Ánh vượt vòng vây, đến đảo Cổ Cốt, rồi quay về Phú Quốc.
Quân lính phải ăn cỏ, ăn rễ cây. Nguyễn Đức Xuyên liều chết kiếm đồ ăn cho Nguyễn Ánh.
Nghe tin Bá Đa Lộc ở Chân Bôn (Chantabun, Xiêm), Ánh sai người đến mời. Trao hoàng tử Cảnh, 3 tuổi, cùng với quốc ấn cho Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, để mẫu hậu và hoàng hậu ở lại Phú Quốc. (Thực Lục I, t. 218). Tuy nhiên trong thư viết từ Pondichéry ngày 20/3/1785 cho Hội truyền giáo, Bá Đa Lộc không nói đến việc này (Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, III, t. 84-92).
Thuyền Nguyễn Ánh tới cửa biển Ma Li [huyện Yên Phước, tỉnh Bình Thuận] bị vây rất ngặt, chạy quanh bẩy ngày đêm, mới trở lại được Phú Quốc. Quần thần còn lại: Tôn Thất Huy, Tôn Thất Hội, Đỗ Văn Hựu, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Khiêm và Nguyễn Đức Xuyên.
Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ về lại Quy Nhơn, để Trương Văn Đa ở lại giữ Gia Định.
Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm
Tháng 2/1784 (tháng 1 Giáp Thìn) Nguyễn Ánh trú ở đảo Thổ Châu.
Tháng 2-3/1784 (tháng 1 nhuận) Hồ Văn Lân, Tôn Thất Hội, Lê Văn Quân, thua trận, chạy sang Xiêm.
Tháng 3-4/1784 (tháng 2 ÂL.) Nguyễn Ánh chạy sang Xiêm, có hơn 30 quan đi theo và vài chục lính.
Tháng 4-5/1784 (tháng 3 ÂL.) Nguyễn Ánh đến Vọng Các, được tiếp đón tử tế.
Châu Văn Tiếp sau khi thua trận đã sang Xiêm cầu viện trước, được vua Xiêm chấp thuận. Định ngày cử binh.
Tháng 7-8/1784 (tháng 6 ÂL.) Nguyễn Ánh đem quân về Gia Định. Vua Xiêm sai hai người cháu là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem hai vạn thuỷ binh và 300 chiến thuyền về giúp.
Nguyễn Ánh phong Châu Văn Tiếp làm Bình Tây đại độ đốc, điều bát các quân.
Tháng 8-9/1784 (tháng 7 ÂL.) quân Nguyễn và Xiêm tiến đánh Kiên Giang, chiếm được Ba Xác, Trà ôn, Mân Thít, Sa Đéc.
Lấy Mạc Tử Sinh (con Mạc Thiên Tứ) làm tham tướng Hà Tiên.
Tháng 11-12/1784 (tháng 10 ÂL.) Châu Văn Tiếp đánh trận trên sông Mân Thít [Vĩnh Long], chống với Chưởng tiền Bảo của Tây Sơn, bị gươm đâm trúng, tử trận.
Tháng 12/1784-1/1785 (tháng 11 ÂL.) Nguyễn Ánh sai Lê Văn Quân làm Tổng nhung, chiếm lại được 2 đồn Ba Lai và Trà Tân ở Định Tường.
Thái giám Lê Văn Duyệt và đội trưởng Lê Văn Khiêm, trước bị Tây Sơn bắt, nay trốn về.
Nguyễn Ánh sai cai đội Nguyễn Văn Thành đi thu phục quân Đông Sơn.
Quân Xiêm tàn bạo đi đến đâu là cướp bóc.
Nguyễn Huệ vào Gia Định lần thứ tư, đại phá quân Xiêm
Tháng 1-2 /1785 (tháng 12 Giáp Thìn) Nguyễn Huệ vào Gia Định, phục quân ở Rạch Gầm (Định Tường) và sông Xoài Mút (Định Tường), dụ quân Xiêm đến, phá tan 2 vạn Xiêm. Lê Văn Quân thua chạy.
Nguyễn Ánh chạy đi Trấn Giang (An Giang), bầy tôi còn lại hơn 10 người.
Trong khi ấy, Bá Đa Lộc, vẫn còn quanh quẩn ở lại trong vùng, chưa đi. Sau khi Nguyễn Huệ phá tan quân Xiêm, Nguyễn Ánh khẩn cấp giục Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm và Bá Đa Lộc đem hoàng tử Cảnh (4 tuổi) sang Tây. Bá Đa Lộc đến Pondichéry (Ấn độ) cuối tháng 2/1785 (thư Bá Đa Lộc viết ngày 20/3/1785 cho Hội truyền giáo, Launay III, t. 84-92).
Tháng 2-3/1785 (tháng 1 Ất Tỵ) Nguyễn Ánh ở đảo Thổ Châu.
Tháng 4-5/1785 (tháng 3 ÂL.), quân Tây Sơn đuổi đến Thổ Châu, Nguyễn Ánh chạy qua đảo Cổ Cốt, rồi sang Xiêm.
Nguyễn Huệ rút quân về Quy Nhơn để Đặng Văn Trấn (Chấn) giữ Gia Định.
Nguyễn Ánh tạm trú ở Xiêm La
Theo Nguyễn Ánh sang Xiêm có 30 quần thần, 200 quân và 5 chiến thuyền: Phượng Phi, Bằng Phi, Hùng Trì, Chính Nghi, Thuyền Ô (Thực Lục I, t. 223). Điều này chứng tỏ Nguyễn Ánh đã đóng được thuyền đại hiệu bọc đồng, [tầu chiến bọc đồng theo kiểu Tây Phương như Phượng Phi và Bằng Phi] từ năm 1785. Tầu Phượng Phi năm 1790 sẽ giao cho Trần Văn Học và Nguyễn Văn Chấn (Vannier) cai quản (Liệt truyện II, t. 282).
Trong số quần thần đi theo: Tốn Thất Hội, Trương Phúc Dĩnh, Nguyễn Văn Định, Trương Phúc Luật, Tống Phước Ngạn, Nguyễn Văn Thành, Đỗ Văn Hựu, Tô Văn Đoài, Nguyễn Văn Mẫn, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Đức Xuyên, Nguyễn Văn Khiêm... nhiều người sẽ lập công lớn sau này.
Nguyễn Ánh xin trú ở Long Kỳ (Xiêm gọi là Đồng Khoai), ngoại thành Vọng Các, sai người đi đón quốc mẫu và cung quyến sang.
Tháng 6-7/1785 (tháng 5 ÂL.), Lê Văn Quân đem 600 quân đến Vọng Các, nhiều quần thần cũ tiếp tục sang theo. Nguyễn Ánh sai làm đồn điền nuôi quân, sai ra hải đảo đóng thuyền chiến, sai người ngầm về Gia Định mộ lính.
Tháng 1/1786 (tháng 12 Ất Tỵ) Dương Công Trừng sau khi thua trận Dác Ngư bị bắt, trốn thoát, họp cùng Lê Thượng và Nguyễn Tần do Nguyễn Ánh sai về do thám, cùng chiếm lại Long Xuyên. Thái bảo Tây Sơn là Phạm Văn Tham đem quân từ Sài Gòn ra đánh.
Lê Thượng và Nguyễn Tần tử trận. Dương Công Trừng bị bắt lần thứ hai, không chịu hàng, bị Phạm Văn Tham giết.
Tháng 3/1786 (tháng 2 Bính Ngọ) Diến Điện đánh Xiêm. Vua Xiêm hỏi kế hoạch. Nguyễn Ánh thân chinh trợ chiến, sai Lê Văn Quân, Nguyễn Văn Thành đi trước, dùng ống phun lửa để đánh. Địch quân thua to, rút về. Vua Xiêm đề nghị giúp Ánh thu phục Gia Định. Nguyễn Văn Thành gạt đi. Ánh khen phải.
Tháng 4/1786 (tháng 3 ÂL.) Ánh sai Hoàng Tiến Cảnh, Nguyễn Văn Nhàn, Võ Di Nguy, Nguyễn Văn Định, Trương Phúc Luật, đem quân ra núi Giang Khảm đóng một chục chiến thuyền.
Quân Chà Và (Mã Lai) đánh Xiêm. Nguyễn Ánh sai Lê Văn Quân đem thuỷ binh dẹp tan.
Nguyễn Huệ diệt họ Trịnh ở Bắc
Ở Bắc, ngày 19/10/1782 (13/9/Nhâm Dần) Trịnh Sâm mất (Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Ngô Thì Chí, bản dịch Ngô Tất Tố, nxb Phong trào văn hoá Sài Gòn, 1969, t. 27). Lập con thứ là Trịnh Cán, 5 tuổi, con Đặng Thị Huệ lên ngôi, có Hoàng Tố Lý (tức Huy quận công Hoàng Đình Bảo) làm phụ chính.
Ngày 28/11/1782 (24/10 Nhâm Dần) (Hoàng Lê, t. 37), quân Tam phủ (lính Thanh-Nghệ tức kiêu binh) đảo chính, theo âm mưu của Trịnh Khải (tức Trịnh Tông), con trưởng Trịnh Sâm. Tam phủ giết Tố Lý, bỏ Trịnh Cán, lập Trịnh Khải.
Tháng 12/1782 (tháng 11 ÂL.) Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An, là thuộc tướng của Tố Lý, vượt biển vào Quảng Nam theo Nguyễn Nhạc, được Nhạc tin dùng, phong chức đô đốc.
Quân Tam phủ cậy công làm loạn ở đất Bắc.
Nguyễn Hữu Chỉnh xui Nguyễn Nhạc nên nhân cơ hội chiếm Phú Xuân.
Ngày 25/5/1786 (28/4 Bính Ngọ) (Hoàng Lê, t. 77), Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ thống lĩnh thuỷ bộ tiến đánh Phú Xuân: Nguyễn Hữu Chỉnh, tả quân đô đốc; Võ Văn Nhậm (con rể Nguyễn Nhạc), hữu quân đô đốc; Nguyễn Lữ, thuỷ quân. Quân Trịnh thua to.
Ngày 31/5/1786 (4/5/Bính Ngọ) chiếm được Phú Xuân, Huệ còn lưỡng lự, Chỉnh xui tiến quân ra Bắc (Hoàng Lê, t. 81).
Nguyễn Huệ để Nguyễn Lữ giữ Phú Xuân, đem quân ra Bắc. Viết thư về bẩm Nguyễn Nhạc. Nhạc không băng lòng, gửi người chận lại, nhưng tới nơi, Huệ đã vượt biển đi rồi.
Tháng 7/1786 (tháng 6 ÂL.), Nguyễn Huệ tiến đánh Thăng Long.
Đinh Tích Nhưỡng đại bại ở Lỗ Giang (Sơn Nam)
Hoàng Phùng Cơ đại bại ở sông Thúy Ái. Sáu người con đều tử trận
Nguyễn Huệ tiến thẳng đến bến Tây Long, Trịnh Khải ra trận chỉ huy. Tây Sơn đốt ống phun lửa xông vào, quân Trịnh tan vỡ.
Ngày 21/7/1786 (26/6 Bính Ngọ) Nguyễn Huệ vào Thăng Long. (Liệt truyện, II, t. 538).
Trịnh Khải bỏ chạy lên Sơn Tây thì bị bắt, cắt cổ tự vận, ngày 22/7/1786 (27/6 /Bính Ngọ) (Hoàng Lê, t. 82).
Nguyễn Huệ vào Thăng Long, được vua Lê Hiển Tông gả Ngọc Hân công chúa.
Ngày 3/8/1786 (10/7/Bính Ngọ) Nguyễn Huệ đưa đồ sính lễ: Hai trăm lạng vàng, hai nghìn lạng bạc, hai chục tấm đoạn.
Ngày 4/8/1786 (11/7/Bính Ngọ) làm lễ rước dâu (Hoàng Lê, t. 103)
Ngày 10/8/1786 (17/7/Bính Ngọ) vua Lê Hiển Tông mất (Hoàng Lê, t. 105). Lê Duy Kỳ lên ngôi, hiệu là Chiêu Thống.
Nguyễn Nhạc hay tin Huệ diệt xong Trịnh, sợ em cậy công kiêu ngạo, không kiểm soát được; tức tốc ngày đêm ra Thăng Long. Ở lại 10 ngày.
Hai anh em cùng rút quân về Nam. Bỏ Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại.
Chỉnh sợ, chạy theo đến Nghệ An. Huệ cho ở lại giữ Nghệ An cùng với Nguyễn Văn Duệ.
Trở về Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc xưng là Trung Ương hoàng đế, phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương trấn đất Gia Định, Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, trấn đất Thận Hoá.
Anh em Tây Sơn bất hoà
Nguyễn Ánh trở về Gia Định
Mùa đông, 1786, anh em Tây Sơn bất hoà. Nguyễn Huệ đem quân đánh, Nguyễn Nhạc gọi đô đốc Đặng Văn Trấn ở Gia Định về cứu.
Đặng Văn Trấn để Trần Tú giữ Gia Định, đem quân về đến Tiên Châu (Phú Yên) thì bị quân Nguyễn Huệ bắt được. Nguyễn Huệ vây Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc phải lên thành kêu khóc, Nguyễn Huệ thương tình rút quân về.
Tháng 2-3/1787 (tháng 1 Đinh Mùi), Bồ Đào Nha sẵn sàng giúp Ánh quân đội và 56 thuyền chiến đậu ở thành Goa (Ấn độ). Vua Xiêm không bằng lòng, Ánh phải từ chối.
Tháng 3-4 (tháng 2 ÂL.), Tống Phước Đạm, Nguyễn Đô, Tống Phước Ngọc, Nguyễn Văn Thiệm đến yết kiến. Tống Phước Đạm báo tin anh em Tây Sơn bất hoà, Gia Định đơn yếu, đánh được và trình bầy sách lược tấn công.
Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ giữ Gia Định cùng với thái bảo Phạm Văn Tham.
Ngày 13/8/1787 (1/7 Đinh Mùi) Nguyễn Ánh viết thư tạ từ vua Xiêm, đang đêm xuống thuyền đem cung quyến về nước, trú ở Hòn Tre. Sai Võ Di Nguy và Phạm Văn Nhân trông nom cung quyến ở Phú Quốc.
Thuyền Nguyễn Ánh đến Long Xuyên.
Nguyễn Văn Trương, Chưởng cơ Tây Sơn, đem 300 quân tinh nhuệ và 15 chiến thuyền về theo, Ánh trao chức Khâm Sai Chưởng Cơ, quản đạo Tiên phong Thuỷ dinh Trung quân.
Nguyễn Văn Trương chiếm đồn Trà Ôn [Vĩnh Long].
Nguyễn Văn Nghiã đem quân sở bộ đến giúp, được trao chức Chưởng cơ.
Tháng 10-11/1787 (tháng 9 ÂL.) Nguyễn Ánh đến cửa Cần Giờ. Nhiều đạo quân theo giúp.
Nguyễn Lữ, hay tin, lui về Lạng Phụ [Biên Hoà], đắp luỹ đất để giữ.
Phạm Văn Tham giữ vững Sài Gòn, quân Nguyễn không thể hạ được.
Tống Phước Đạm bèn giả thư Nguyễn Nhạc gửi Nguyễn Lữ sai giết Phạm Văn Tham vì tội làm phản, rồi bỏ thư vào nhà Tham. Tham sợ quá, kéo cờ trắng, đem quân đến Lạng Phụ. Lữ nhìn thấy cờ trắng tưởng Tham đã ra hàng, vội chạy về Quy Nhơn rồi chết. Phạm Văn Tham ở lại chống đỡ.
Tướng Tây Sơn Nguyễn Kế Nhuận đem 10 chiến thuyền đến hàng, Ánh phong cho làm Hữu quân khâm sai bình Tây đô đốc.
Nguyễn Văn Quân thắng Tây Sơn ở Ba Lai [Định Tường] tiến đóng Mỹ Tho.
Phạm Văn Tham tiến đánh Mỹ Tho, Nguyễn Đăng Vân (hàng tướng Tây Sơn) bị bắt, bị giết.
Quân Nguyễn thắng nhiều trận, nhưng Phạm Văn Tham vẫn kiên trì chống giữ.
Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhì
Ở Bắc, Trịnh Lệ [con chúa Trịnh Doanh (1740-1767)], em ruột Trịnh Sâm, trước đã mưu cướp ngôi anh; nay thấy Nguyễn Huệ về Phú Xuân, bèn nổi lên tranh quyền với Trịnh Bồng [con chúa Trịnh Giang (1730-1740), Bồng là chú của Lệ]. Vua Lê Chiêu Thống bất đắc dĩ phải phong cho Trịnh Bồng làm Án Đô Vương, dựng lại phủ chúa như cũ.
Họ Trịnh trở lại chuyên quyền, Lê Chiêu Thống gọi Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An ra giúp. Trịnh Bồng thua chạy. Bỏ đi tu. Nguyễn Hữu Chỉnh được phong chức Đại Tư Đồ.
Dẹp xong họ Trịnh, Chỉnh mưu việc giữ từ sông Gianh trở ra, như thời chúa Trịnh thủa trước. Nguyễn Huệ gọi về, không về, Huệ sai Võ Văn Nhậm ra diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Lê Chiêu Thống bỏ kinh đô, theo Nguyễn Hữu Chỉnh lên đóng ở Mục Sơn (Yên Thế). Nguyễn Hữu Chỉnh thua trận, bị bắt về Thăng Long hành tội.
Giết Chỉnh rồi, Nhậm tìm vua Chiêu Thống không được, bèn tôn Lê Duy Cẩn làm Giám quốc.
Tháng 4-5/1788 (tháng 3 Mậu Thân) lại nghe tin Võ Văn Nhậm chuyên quyền ở Bắc, Nguyễn Huệ tức tốc ra Thăng Long, bắt giết đi. Chiêu Thống chạy sang Tầu.
Nguyễn Huệ để Ngô Văn Sở ở lại giữ Thăng Long, rồi về Phú Xuân.
Tại Pháp, ngày 28/11/1787, Bá Đa Lộc ký với de Montmorin hiệp ước cầu viện ở Versailles.
Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định
Tháng 5/1788 (tháng 4 ÂL.) Võ Tánh đem quân về giúp. Tánh người Bình Dương. Anh là Võ Nhàn, thuộc tướng của Võ Thanh Nhơn. Khi Nhơn bị giết, Nhàn họp quân Đông Sơn chống lại, bị bắt và bị giết. Võ Tánh tụ đảng ở Gò Công hơn vạn người, phục kích đánh Tây Sơn.
Võ Tánh, Châu Văn Tiếp và Đỗ Thanh Nhơn được Tây Sơn coi là ba anh hùng.
Nguyễn Ánh phong Võ Tánh làm Khâm Sai Tổng nhung Chưởng cơ dinh Tiên phong, đem công chúa thứ hai của Hưng tổ là Ngọc Du (chị/em Nguyễn Ánh) gả cho.
Cục diện quân sự của Nguyễn Ánh, từ khi có Nguyễn Văn Trương (Tây Sơn) và Võ Tánh về giúp, thay đổi hoàn toàn.
Tháng 6/1788 (tháng 5 ÂL.) Nguyễn Ánh sửa đắp đồn luỹ, cùng làm với các tướng sĩ. (Thực Lục I, t. 233).
Tháng 7/1788 (tháng 6 ÂL.) Ánh cho Mạc Tử Sinh (con Mạc Thiên Tứ) làm lưu thủ Hà Tiên. Lấy Nguyễn Văn Nhân làm khâm sai cai cơ vệ Thần Sách (Công binh và Pháo binh), dinh Trung quân.
Tháng 8/1788 (tháng 7 ÂL.) Nguyễn Ánh cử đại binh tiến đánh Gia Định.
Ngày 7/9/1788 (8/8 Mậu Thân), quân Nguyễn chiếm lại thành Gia Định. Phạm Văn Tham dàn hàng rào chống cự từ chợ Điều Khiển đến chợ Khung Dung. Võ Tánh đem quân đi vòng phiá nam Đồng Tập Trận [ở ngoại thành Sài Gòn] đánh thẳng vào Bến Nghé, chặn nẻo sau. Quân Phạm Văn Tham tan vỡ. Phạm Văn Tham lui giữ Hàm Luông [Vĩnh Long] rồi Ba Xắc [Ba Thắc, An Giang?].
Nguyễn Ánh sai người đến dụ hàng. Tham không chịu hàng, đắp thành đất ở hai bên bờ sông Ba Xắc, bày chiến thuyền chống giữ.
Nguyễn Ánh vào thành Sài Gòn, để Tôn Thất Hội chỉ huy trận điạ.
Tháng 10/1788 (tháng 9 ÂL.) đón cung quyến từ Phú Quốc về.
Chấm dứt giai đoạn lưu vong. Bình định miền Nam.
Nguyễn Văn Thành được bổ làm Tổng nhung dinh Trung quân.
Sai Trịnh Tân Tài và Chu Văn Quan đi Hạ Châu (Singapor) mua súng đạn, lưu hoàng và diêm tiêu. Sai Nguyễn Thái Nguyên phụ trách bộ Lại; Phan Thiên Trúc Nguyễn Bảo Trí, bộ Hộ; Tống Phước Đạm, bộ Binh; Ngô Hữu Hựu, bộ Hình.
Tuy chưa có bộ Lễ và bộ Công, nhưng Ánh đã lập vệ Thần Sách, tức là Công binh và pháo binh, do Nguyễn Văn Nhân điều khiển.
Phan Như Đăng, Trần Đại Luật, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Tòng Châu, và Hoàng Minh Khánh, làm Hàn Lâm Viện chế cáo (báo trình, luật, tắc). Lê Xuân Minh, Lê Phúc Mão, Hồ Phúc Uẩn, Vũ Công Chấn, Hồ Văn Định và Hoàng Văn Đệ lập Hàn Lâm Viện.
Khai khẩn đất hoang. Sửa sang luật pháp. Thành lập một triều đình vững chắc. Tháng 11/1788 (tháng 10 ÂL.) ra lệnh cấm đánh bạc. Tổ chức lại quân đội. Bắt đầu đặt phủ binh. Lập sổ đinh. Lấy một nửa tráng đinh làm phủ binh, kết thành đội, thập (10), ngũ (5).
Theo chính sách "không việc thì đi cày ruộng, có việc thì làm binh" của nhà Đường (chứ không phải do Bá Đa Lộc nghĩ ra, như Faure viết sau này).
Tháng 11/1788 Võ Di Nguy được thăng chức quản Nội thuỷ thuỷ Trung thuyền.
Vua Quang Trung đại phá quân Thanh
Ở Bắc, Lê Chiêu Thống chạy sang Tầu cầu cứu. Vua Càn Long sai là Tôn Sĩ Nghị, tổng đốc Lưỡng Quảng chia quân làm bốn đạo tiến đánh Thăng Long, Ngô Văn Sở lui về Tam Điệp, cấp báo Nguyễn Huệ.
Ngày 22/12/1788 (25/11/Mậu Thân) Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân, niên hiệu Quang Trung.
Tháng 2/1789 (tháng 1 Kỷ Dậu), Quang Trung đại phá quân Thanh: Sầm Nghi Đống chết. Tôn Sĩ Nghị chạy về Tầu. Lê Chiêu Thống chạy theo.
Quang Trung sai con là Quang Thùy và Võ Văn Dũng giữ Bắc Thành.
Quang Bàn giữ Thanh Hoá.
Nguyễn Văn Duệ giữ Nghệ An, rồi trở về Thuận Hoá.
Quang Trung xây dựng kinh đô ở Nghệ An, đặt tên là Phượng Hoàng Trung Đô, đắp thành luỹ, đặt kho tàng, dùng trọng binh coi giữ.
Tóm tắt việc Bá Đa Lộc cầu viện Pháp
Như trên đã nói, theo Thực Lục, tháng 8/1783 (tháng 7 Quý Mão), nghe tin Bá Đa Lộc ở Chân Bôn (Chantabun, Xiêm), Nguyễn Ánh sai người đến mời, trao hoàng tử Cảnh, 3 tuổi, cùng với quốc ấn cho Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Nhưng Bá Đa Lộc còn ở lại trong vùng này suốt năm 1774. Đến khi Nguyễn Huệ đại phá quân Xiêm tháng 1-2/1785, Nguyễn Ánh thua to, bầy tôi chỉ còn lại 10 người, lúc đó mới khẩn cấp giục Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm và Bá Đa Lộc đem hoàng tử Cảnh (5 tuổi) sang Tây.
Cuối tháng 2/1785, Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh tới Pondichéry (Ấn Độ).
Tháng 7/1786, Bá Đa Lộc từ Pondichéry đem hoàng tử Cảnh, 6 tuổi, đi Pháp. Phạm Văn Nhân, Nguyễn Văn Liêm, Hồ Văn Nghị trở về Vọng Các.
Tại Pháp, ngày 28/11/1787, Bá Đa Lộc ký với de Montmorin hiệp ước cầu viện Versailles.
Ngày 18/5/1788, Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh từ Pháp về tới Pondichéry. Việc thi hành hiệp ước cầu viện gặp khó khăn vì Conway, toàn quyền Pháp ở Pondichéry, chống. Sau cùng chính vua Louis XVI, theo báo cáo của Conway, đổi ý, lệnh cho Conway không giúp Nguyễn Ánh.
Tháng 7/1789, Bá Đa Lộc trở về tay không với hoàng tử Cảnh, 9 tuổi. Vua sai Tôn Thất Hội đem binh thuyền ra cửa Cần Giờ đón.
Trong suốt thời gian này, Nguyễn Vương viết nhiều thư gửi Hội thừa sai Macao hỏi tin con, nhưng hầu như ông không nhận được tin tức gì cả.
Ở Pháp, ngày 14/7/1798, quân cách mạng phá ngục Bastille. Phe bảo hoàng trong đó có Hội thừa sai phải chạy sang Anh.

(Còn tiếp)