Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

ĐẦU XUÂN NÓI CHUYỆN CHỮ NGHĨA

Nguyễn Đức Dương

N_ D__ngVỀ CÂU TỤC NGỮ “ĐÁNH NHAU CHIA GẠO, CHÀO NHAU ĂN CƠM

Tình cờ tìm thấy một bài viết của PGS. TS Phạm Văn Tình trên LĐCT số 47 (ra năm 2009), bàn về câu tục ngữ [TN] vừa dẫn. Lấy làm thích thú với nội dung bài viết, tôi bèn photo ra dăm bản và đem chia sẻ cùng các cô bác, trong tổ hưu mình sinh hoạt.

[…] Đọc hết câu kết sau đây của tác giả (“[đây là] bài học của lẽ đời mà mỗi người cần phải học và học sao cho thấm”), một bác, có lẽ, là cao tuổi nhất tổ, liền lớn tiếng phán: “Nội dung câu TN này đâu có gì mà sao anh TS nọ lại đao to búa lớn thế nhỉ?”.

Nghe xong câu bình phẩm, một bác khác liền thêm: “Cụ nói chí phải! Đây chỉ là lời nhận xét bình thường về hai hiện tượng đối nghịch nhau (và chả có liên quan gì với nhau), nhưng rất hay gặp trong cuộc sống cơ cực, thiếu thốn mọi đường, tới độ cả hạt gạo cũng chả có đủ mà ăn, của bà con ta ở thôn quê thời trước mà thôi, chứ đâu phải là cái “lẽ nên theo khi chung sống cùng nhau trong làng, trong xóm”.

Cụ cao tuổi nhất lại tiếp: “Đúng thế đấy, cô ạ. Đây là câu cửa miệng của dân quê tôi, nên tôi biết rất rõ. Nội dung của nó chỉ giản dị như sau: “Đánh nhau là chuyện hay xảy ra khi chia gạo”. Bởi lối chia chác bằng bơ, bằng đấu của các bà, các cô vùng tôi chả mấy khi công bằng: bà này đong chặt, bà kia đong lơi; bà này thì gạt bằng tay, bà kia lại gạt bằng ống gạt. Lắm khi cùng một thúng gạo, cùng một bà đong, mà lần đầu được mười đấu, nhưng lần sau khảo lại chỉ còn có chín đấu sáu, bảy lẻ. Thế là cãi nhau om tỏi, rồi nóng gáy lên, họ túm tóc nhau, choãng nhau loạn xạ. Chung quy chỉ vì chuyện đong thiếu, đong điêu”...

Thấy cụ hăng lên, tôi vội ngắt lời: “Lỗi phép bác, thế còn vế sau thì nên hiểu thế nào, chưa thấy bác giảng”.

“À, mải chuyện quá, tôi quên khuấy đi đấy. Số là thế này: chẳng riêng gì quê tôi, mà khắp cả Bắc Bộ đều có thông lệ là khi đang ăn mà thấy có người đi qua, thì dù lạ, dù quen, cũng đều vội lên tiếng mời (rơi): “Mời ông [/bà/bác/cô/cậu/anh/chị] xơi cơm!”. Mà tiếng Việt mình thì anh còn lạ gì, “mời” cũng có nghĩa là “chào”; và hai chữ ấy, như anh biết đấy, rất thường đi đôi với nhau để tạo thành các cặp “mời chào”/ “chào mời”. Bởi thế, nội dung vế thứ hai chắc hẳn cũng nên được cắt nghĩa là: “Chào (= tức mời cơm) nhau là chuyện hay xảy ra khi ăn cơm”.

“À, trong bài còn có một chỗ chưa ổn nữa: tác giả cứ đinh ninh rằng những người mới đánh nhau lần trước/tuần trước/tháng trước thì dăm ba hôm sau/dăm ba tuần sau/ dăm ba tháng sau lại thổi cơm lên để mời nhau ăn. Nói cách khác, khi cắt nghĩa, tác giả cứ đinh ninh rằng hai vế trước sau của câu TN này phải gắn chặt với nhau. Nhưng trên câu chữ làm gì có chuyện ấy!”.

“Chắc còn phải nói thêm điều này nữa: vốn hiểu biết về vốn cổ dân tộc của cánh trẻ bây giờ hạn hẹp quá, nếu không nói là quá ít ỏi. Cho nên, tôi thấy họ hay nhiễu sự. Chẳng hạn, có ông GS gì đó đã giảng câu “Ăn khi đói; nói khi say” trong một cuốn từ điển gì đó mà thắng cháu nội tôi mới mượn về cho tôi đọc, như sau: “Chế người say rượu hay nói nhiều”. Nghe mà không sao nhịn được cười! Thế anh có biết câu ấy, hồi còn trai, tôi được bố tôi giảng cho như thế nào không? Cụ bảo nội dung của nó chỉ giản dị thế này: “Ăn là chuyện hay xảy ra khi bụng đói; nói là chuyện hay xảy ra khi đầu óc đã ngà ngà say”…

“Gút lại, tôi nghĩ câu “Đánh nhau chia gạo; chào nhau ăn cơm”, là câu còn chép thiếu hai chữ. Chứ lẽ ra nó phải là: “Đánh nhau khi chia gạo; chào nhau khi ăn cơm”.

*

* *

Tôi chỉ xin chép ra đây những lời bình phẩm của các bác, các cô có tuổi trong tổ hưu mình đang sinh hoạt về câu TN ta đang bàn, để độc giả có thêm tư liệu mà chất chính. Còn kết luận thế nào, xin để người đọc tự rút ra.

“NGU DÂN” VÀ “DÂN NGU”

PHẢI CHĂNG ĐỒNG NGHĨA?

Hôm mùng 7 tháng Ba mới rồi, tại cuộc hội thảo “Văn học và văn hóa tâm linh” do Viện Văn học tổ chức ở Hà Nội, PGS. TS Phạm Tú Châu, dịch giả văn học uy tín, có phát biểu: “Khi mê tín [thì] cả trí thức cũng trở thành ngu dân”. Đọc lời phát biểu vừa dẫn, chắc ai cũng cảm thấy ngay đây là lời than phiền của tác giả về tệ mê tín vì nó đã làm cho cả người trí thức cũng hoá thành kẻ dốt nát. Vậy, ngu dân và dân ngu phải chăng là hai từ đồng nghĩa?

Trước khi trả lời câu hỏi, tôi xin kể lại câu chuyện diễn ra hồi giữa thập niên 70 thế kỉ trước có liên quan tới GS Cao Xuân Huy, (người đứng ra giúp các sinh viên lớp Hán Nôm tu nghiệp do Uỷ Ban KHXH tổ chức) và cụm từ “chính tâm”.

Hồi ấy, phần đông anh em sinh viên lớp Hán Nôm theo học cụ đều hiểu chính tâm là ‘[tấm] lòng ngay thẳng’. Nhưng theo cụ thì hiểu như thế là nhầm, bởi lẽ “chính” trong tiếng Hán vốn chẳng phải là adjectif (= tính từ), mà là verbe (= động từ); hơn nữa, đó lại là thứ từ được giới Hán ngữ học châu Âu gọi là động từ trí sử, hay là gây khiến [causatif] (nếu gọi tên theo thuật ngữ hiện giờ). Nói cách khác, về mặt nghĩa, “chính” là ‘làm cho [trở nên] ngay thẳng’, chứ chẳng phải là ‘ngay thẳng’, như lắm người vẫn tưởng.

Để minh chứng, cụ dẫn ra lời dạy nổi tiếng của đức Khổng Tử về các phẩm chất mà người quân tử cần có: Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Câu này vốn có nghĩa là: ‘Quan sát sự vật, làm cho trí óc gia tăng năng lực nhận thức, làm cho ý nghĩ [trở nên] chân thành, làm cho lòng [trở nên] ngay thẳng, tu rèn bản thân, đưa việc nhà vào nền nếp, đưa đất nước vào trạng thái ổn định, giúp thiên hạ an hưởng thái bình’.

Đến đây, chắc chúng ta đã có thể quay trở lại với hai chữ ngu dân. Chữ ngu trong cụm này, theo ý cụ Huy, chả phải là ‘dốt nát’, mà có nghĩa là “làm cho dốt nát’. Tức cũng là động từ trí sử.

Từ những gì vừa trình bày vắn tắt, ta có thể đi đến kết luận: có lẽ tác giả Phạm Tú Châu đã nhầm khi ngỡ rằng “ngu dân” đồng nghĩa với “dân ngu”. Chứng cớ? Chính sách ngu dân [của bọn thực dân] ≠ *chính sách dân ngu.

Giá tác giả đổi trật tự trước sau của hai yếu tố “ngu” và “dân”, như ta sắp làm dưới đây, thì lời phát biểu chắc chắn sẽ hợp chuẩn ngay tức khắc: “Khi mê tín [thì ngay] cả trí thức cũng trở thành dân ngu”.

VỀ NGHĨA CỦA CẶP “MÀ” VÀ ”NHƯNG”

Thoạt nhìn, nghĩa của cặp MÀ và NHƯNG có vẻ chẳng có chút gì khác nhau. Ây thế nhưng trong thực tiễn dùng từ lác đác chúng ta vẫn gặp không ít trường hợp không thể dùng từ này để thay thế từ kia, và ngược lại. Như cặp câu sắp dẫn dưới đây là một minh chứng:

(1) Mua ngay đi, vì món ấy rẻ MÀ ngon.

(2) Cháu Vy mới học lớp năm NHƯNG đã giải được toán lớp bảy.

Vậy, đâu là điểm khác biệt cốt lõi giữa hai từ đang xét?

Từ điển tiếng Việt của GS Hoàng Phê cùng các cộng sự cho rằng:

MÀ là từ hay dùng làm từ nối (còn gọi là liên từ) để gắn kết hai vế (có thể được diễn đạt hoặc bằng động từ hay tính từ, mà cũng có thể hoặc bằng cả một cấu trúc Chủ–Vị) nhằm: (1) biểu thị điều sắp nêu ra là không phù hợp với điều vừa nói đến, có gì đó trái với lẽ thường: Nói mà không làm. Đói mà chẳng buồn ăn. Khó thế mà vẫn làm được. Nó mà thi đỗ [thì trời sập mất!]; (2) biểu thị điều sắp nêu ra là mặt khác, đối chiếu bổ sung cho điều vừa nói đến: Tốt mà rẻ. Đã dốt mà lại lười. Chẳng hay mà cũng chẳng dở. […].

Còn NHƯNG, tuy cũng là từ nối, nhưng hay dùng để gắn kết hai vế biểu thị điều sắp nêu trái ngược với ý do điều vừa nói đến có thể gợi ra: Việc nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn. Muốn đi xem nhưng không có vé.

Đọc những lời diễn giải vừa dài, vừa rất khó nắm bắt thực chất trên đây, chắc ít ai dám đoan chắc rằng mình có thể tóm gọn sự khác biệt cốt lõi giữa hai từ ấy vào một vài lời vắt tắt. Bởi thế, chúng ta đành phải đi tìm các nguồn khác. Theo một cây bút có uy tín, thì MÀ và NHƯNG là cặp từ chuyên dùng để gắn kết hai vế đối nghịch nhau. Song NHƯNG hay được dùng khi người nói muốn hướng sự chú ý của người nghe vào thế đối nghịch về nghĩa giữa vế trước với vế sau. Còn MÀ hay được dùng khi người nói muốn hướng sự chú ý của người nghe vào thế đối nghịch giữa tiền giả định của vế đầu với nghĩa của vế kế tiếp.

Đến đây, mấy điểm dị đồng cốt lõi giữa hai từ ấy coi như đã được giải quyết xong, ngoại trừ một điều khá hệ trọng đối với những ai chưa có dịp được làm quen với nghĩa học hiện đại: tiền giả định, theo cách hình dung của giới nghĩa học, là gì?

Như chúng ta đều biết, giới ấy xem ra chưa thật hài lòng lắm với việc phân nhỏ nội dung nghĩa của các từ ngữ thành một chùm các nét nghĩa, chẳng hạn, như phân nhỏ nghĩa của MẸ thành ba nét: [1] ‘người phụ nữ’, [2] ‘có con’ và [3] ‘nói trong mối quan hệ với người con ấy’. Tiến thêm bước nữa, họ còn đòi hỏi cho biết giá trị thông báo của từng nét đó, vì các nét nghĩa thường ứng phó khác hẳn nhau khi dự phần vào các phép biến đổi nghĩa.

Giới nghĩa học gọi nhóm sau (tức nhóm không có giá trị thông báo, vốn gồm nét đầu và nét cuối trong trường hợp MẸ) là tiền giả định, và định nghĩa nó như là thứ điều kiện tiên quyết mà từ đang xét cần đáp ứng để cho điều được đề cập tới trong câu chứa từ ấy có thể diễn ra.

Để dễ phân biệt hai nhóm, họ còn dùng thủ thuật khá giản dị sau: đặt một câu trong đó có chứa từ đang xét (như Cô Lan nay đã là MẸ, chẳng hạn), rồi thử phủ định nó (như Cô Lan chưa bao giờ làm MẸ). Các nét không bị phủ định (như nét thứ nhất và thứ ba ở từ MẸ) được gọi là tiền giả định; còn các nét bị phủ định (như nét thứ hai) thì gọi là nghĩa.

Vận dụng với cặp câu được dẫn ở đầu bài, ta thấy: MÀ sở dĩ trở nên đắc địa khi dùng ở câu (1), bởi lẽ ở đây người nói muốn hướng sự chú ý của người nghe vào thế đối nghịch giữa tiền giả định của từ “rẻ” (= “dở”, xin đối chiếu thêm với câu tục ngữ “Của rẻ là của ôi”) với nghĩa của từ “ngon” ở vế sau. Còn với câu (2) thì dùng NHƯNG sẽ đắc địa hơn, bởi lẽ ý định của người nói là hướng sự chú ý của người nghe vào thế đối nghịch đơn thuần về nghĩa giữa hai cụm “học lớp năm” và “giải được toán lớp bảy”.

Xem vậy đủ thấy chỉ cần đưa thêm một khái niệm mới (là tiền giả định) mà chúng ta đã xử lí gọn gàng và mau lẹ được vấn đề thì quả chẳng hề uổng công chút nào!