Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Cơn bấn loạn dưới đất (1)

Tiểu thuyết Nguyễn Viện

Copy of vien 2-hinh the Văn Việt: NGUYỄN VIỆN tên khai sinh là NGUYỄN VĂN VIỆN, sinh năm 1949 tại Đồng Xá, Hải Dương.

Từng làm việc và cộng tác với các báo -đài: THANH NIÊN, GIA ĐÌNH & XÃ HỘI, THỂ THAO & VĂN HÓA, ĐẸP, SAIGON CITY LIFE, BBC…

Chủ trương Nhà xuất bản CỬA (một nhà xuất bản tự do tại Saigon)

Phổ biến tác phẩm trên: Hợp Lưu (Mỹ), Văn Học (Mỹ), Văn (Mỹ), tienve.org, damau.org, talawas.org, procontra.asia, vanchuongviet.org, litviet.com, …

Chuyên đề về Nguyễn Viện trên Tiền Vệ:

http://tienve.org/home/activities/viewTopics.do?action=listtopic&artTopicId=7


Tác phẩm:

-Trinh nữ (tập truyện, NXB Đồng Nai, 1995, Việt Nam).
-Bố mẹ và con và… (tạp bút, NXB Trẻ 1997, Việt Nam).
-Hạt cát mang bóng đêm (tiểu thuyết, NXB Trẻ, 1998, Việt Nam).
-Rồng và Rắn (tiểu thuyết, Tổ hợp xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2002, Hoa Kỳ).
-Thời của những tiên tri giả (tiểu thuyết, NXB Công An Nhân Dân, 2003, Việt Nam). (Sau khi phát hành đã bị thu hồi).
-Chữ dưới chân tường (tiểu thuyết, NXB Văn Mới, 2004, Hoa Kỳ).
-26 Lần Tờ Bờ Lờ (tiểu thuyết, CỬA Xuất Bản, 2008, Việt Nam).
-Cơn bấn loạn bằng phẳng (tiểu thuyết, CỬA Xuất Bản, 2008, Việt Nam).
-Em có gì bí mật, hãy mail cho anh (tiểu thuyết, CỬA Xuất Bản, 2008, Việt Nam)..
-Nín thở & chạy & một hơi (thơ, CỬA Xuất Bản, 2008, Việt Nam).
-Đi & Đến (tập truyện, CỬA Xuất Bản, 2009, Việt Nam).

-Ngồi bên lề rất trái (truyện & kịch, NXB CỬA, 2011, Việt Nam).

-Nhảy múa để chết (tiểu thuyết, NXB Tiếng Quê Hương, 2013, Hoa Kỳ).

-Đĩ thúi (tiểu thuyết, NXB CỬA, 2013, Việt Nam).

Hiện sống và viết tại Sài Gòn.

*Về tiểu thuyết Cơn bấn loạn dưới đất của Nguyễn Viện

Một cuộc “gây hấn” toàn diện trong lối viết chắc chắn sẽ phân hóa bạn đọc kịch liệt. Cũng giống như mấy cuốn trước (Đĩ thúi, Em có gì bí mật hãy mail cho anh), Cơn bấn loạn dưới đất hoàn toàn trượt khỏi quỹ đạo tự sự truyền thống để hiện diện như một văn bản “bấn loạn” (cố ý). Nó được ghi thể loại là “tiểu thuyết” nhưng chất điện ảnh và chính luận lại quá trội. Số trang ngắn ngủi, chen chúc không biết bao nhiêu sự kiện, con người, khung cảnh, tất cả đều là thật, nhưng tất cả đều chỉ là những bóng ma. Chúng từ quá khứ xa lắc xa lơ trơ về hiện tại để tham dự vào cơn bấn loạn của những tham vọng, ngộ nhận về quyền uy, những mông muội, hoang dại bản năng, những dối lừa và tự huyễn hoặc…

Nhân vật người kể chuyện có một lời bình luận: “Có người nói truyện của tôi giữa những dòng chữ là nỗi nghẹn ngào. Cũng có người nói tôi tàn ác. Nhưng Hàng lại bảo tôi: em thích cái dâm đãng của anh”. Cuốn sách này khước từ sự “thánh hóa” văn chương nhưng cũng không mua vui dễ dãi. Nó tàn nhẫn, ngập những chuyện làm tình nhớp nhúa, ngôn từ trần trụi, thô nhám nhưng lại dưng lên một thế giới toàn biểu tượng. Đọc nó, như bị ném vào cơn ác mộng ngột thở. Khi tỉnh lại hầu như không còn nhớ mình bị tra tấn thế nào, chỉ còn lại cảm giác có thật của nỗi đau “con người lăng nhuc lẫn nhau vì sự khốn cùng của tâm thức” – nỗi đau trước ngày Chúa lại đến!

PGS – TS Nguyễn Thị Bình

I. TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ÐẾN

Chiếc chiếu hoa cạp điều bay lờ lững từ tây sang đông, ở giữa in hoa văn chữ “Song hỷ”, hai bên có dòng chữ tiếng Việt “Gia đình – Hạnh phúc” viết theo kiểu chữ triện. Trên những ngọn cây tràm, lũ chim ngóc mỏ tò mò nhìn theo chiếc chiếu bay, không có một hạt thóc hay con sâu nào trên chiếc chiếu đẹp đẽ ấy. Bởi thế, việc chiếc chiếu bay chẳng có ý nghĩa gì với những con chim đang đói khi cơn lũ ồ ạt chảy dưới gốc cây. Nhưng cô gái leo ngọn dừa trốn một nỗi buồn đã nhìn thấy chiếc chiếu như một cơ may và cô phóng người lên chiếc chiếu đang bay ấy mà không hề bận tâm mình sẽ đến đâu.

Tôi nói với Hằng, vấn đề của em không phải là có thích nghi được với đời sống hay không, nhưng chính là cần phải sống như em vẫn sống. Chúng ta luôn luôn phải đối diện với sự trống rỗng và đôi khi vô nghĩa. Anh nghĩ, em cần trở lại trường học sớm. Hằng nói, hẳn nhiên là em sẽ phải trở lại trường, một ngày nào đó, cho xong, nhưng em luôn luôn bị ám ảnh bởi một kẻ rình rập đánh cắp những ý nghĩ của mình, như thể người ấy có thể thò tay vào trong óc em, moi ra những điều tồi tệ nhất. Tôi bảo chẳng cần phải cảnh giác với những việc như thế, ý nghĩ là một cái rất riêng, người ta không thể lấy cắp nó mà không bị nhức đầu.

Ngày 2.3.2004. Chiếc chiếu bay đã đặt cô gái xuống trên một cái ghế ở quán café gần cầu Văn Thánh, nơi mặt đất đang nghiêng đổ. Cô gái đã trở thành người đàn bà lỡ dở. Người đàn bà đang tìm những cô gái khác. Trên chiếc xe ôm chở một cô gái gầy ốm, nhếch nhác cặp sát lề, gã đàn ông lái xe khoảng bốn mươi tuổi, lùn và đen nhẻm, đôi mắt có vẻ lương thiện nhướng lên hỏi: Lấy không?

Vào đây. Người đàn bà nói.

Gã lái xe ôm bảo cô gái xuống rồi dựng xe. Cô gái ngại ngùng bước ra xa. Người đàn bà giơ tay vẫy cô gái và nói: Vào đây.

Cô gái vẫn đứng ngoài đường. Gã xe ôm phải dắt tay cô dẫn vào.

Ngồi xuống đi. Ðừng sợ. Em có phước mới được đưa đến đây. Người đàn bà vỗ về. Em uống nước nhé? Quay vào trong bà bảo cô tiếp viên: Cho nó một ly nước. Bà hỏi cô gái mới đến: Em đi mấy đứa?

Dạ, ba.

Hai đứa kia đâu? Bà hỏi gã xe ôm.

Chúng đi xe khác.

Ông đi tìm tụi nó lại đây cho tôi.

Bà phải cho tiền cò.

Bao nhiêu?

Mỗi đứa mười ngàn.

Ðược. Ði đi.

Cô gái vẫn còn vẻ lấm lét. Bà hỏi: Quê ở đâu?

Dạ, Cam Ranh.

Bạn có muốn thuê Cam Ranh không? Bao nhiêu? Ba trăm triệu đô/năm. Ðắt quá. Bạn thừa biết mặt tiền của nó có một không hai trên thế giới. Nhưng hoàn toàn không sinh lợi. Vấn đề của bạn đâu phải để sinh lợi. Cũng đành là thế, nhưng nó phải có ý nghĩa. Tất nhiên, nó chính là biểu hiện quyền lực của bạn.

Trong chốc lát, gã xe ôm đã chở thêm hai cô gái tới. Người chúng đầy bụi. Người đàn bà nhìn các cô gái và nghĩ, cộng cả ba đứa lại chắc mới bằng tuổi bà.

Các em có muốn làm với tôi không? Phụ bán quán, ăn ngủ tại chỗ, lương bốn trăm ngàn. Chúng em xin vâng theo ý bà.

Tôi nói với Hằng: Lối sống Mỹ là một giải pháp mà không nhất thiết phải thừa nhận nó hay không. Ðừng nói là em không chịu đựng được. Hằng bảo lúc nào cũng có một cái camera nó chĩa ống kính vào mình, giống như là bị phanh thây.

Ngày 30.4.1975. Người đàn ông đi từng nhà căn dặn: Hãy cạo sạch hình lá cờ quốc gia vẽ trước cửa và lấy giấy làm cờ giải phóng. Nếu đoàn quân giải phóng tiến vào thì ra đón. Lúc ấy cô gái vẫn còn ngồi trên chiếc chiếu bay. Cha cô gật đầu, rất nhiều ý nghĩa, với người đàn ông. Mọi người đổ xô đi mua giấy đỏ, vải đỏ. Mặc dù tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng, người ta vẫn lo sợ một cuộc thảm sát. Những người lính giải phóng đi chân đất, quần áo xốc xếch và ướt sũng, có người chỉ mặc quần ngắn. Có lẽ họ vừa lội qua sông. Trông họ hiền lành, ngơ ngác và đầy phấn khích. Một ai đó bảo hoan hô. Mọi người hoan hô mà không biết hoan hô cái gì. Trước đó vài tiếng đồng hồ, từng toán lính quốc gia lấm lét vừa chạy vừa trút bỏ những bộ quân phục. Trên đường đầy nón sắt và những thứ quân trang khác. Cô gái bảo toàn thành phố đầy rác. Cả súng và lựu đạn. Nón sắt để làm cối giã cua rất tốt nhưng không ai dám lượm về nhà. Nhưng trong các trại lính và khu nhà của người Mỹ đã bị người dân lao vào hôi của. Những người khôn ngoan hơn thì chạy ra bến tàu. Những chiếc tàu đã biến họ thành Việt kiều, trong số ấy có anh Ðại của cô. Cô không bỏ chạy vì cô không sợ bị rút móng tay hay phải lấy thương binh Việt cộng. Cũng ngay trong ngày hôm ấy, mẹ cô mang tấm ảnh sĩ quan của người anh trai lớn của cô từ trên bàn thờ xuống và đốt đi cùng với nhiều thứ giấy tờ khác. Những tấm hình của người anh trong album và một số sách vở cũng bị mẹ cô cho vào lửa. Một số quần áo xem ra chẳng liên quan gì đến sắc phục của một chế độ cũng bị đốt sạch. Tất cả những gì đẹp đẽ còn lại mà bà không cảm thấy nguy hiểm trong nhà đều được đóng thùng cất giấu. Còn cha cô thì lái chiếc xe của ông ra sông và dìm nó xuống nước. Nghèo, hèn là những phẩm hạnh cao nhất của cuộc sống mới.

Cuộc hôn nhân vội vã của những kẻ bị đẩy xuống bùn lầy giống như cách kết thúc của những con chim bị chặt cánh. Khi họ cảm thấy không còn gì trong cuộc đời thì lấy nhau chính là cách gia cố sự hiện hữu, đồng thời cũng là cách để sở hữu cuộc đời mình. Hằng là cô gái được sinh ra bởi sự vô vọng. Và sự vô vọng đã được cứu rỗi bởi những linh hồn đày đọa trong những giấc mơ vượt thoát. Hằng nói: Em chỉ là hiện thân của sự chạy trốn.

Ngày 2.3.2004. Ba cô gái được đưa về nhà hàng của người đàn bà bên Lái Thiêu. Bà nói với các cô gái: Chúng mày cần phải ăn mặc cho đẹp và hấp dẫn. Tao sẽ ứng tiền trước cho chúng mày để sắm đồ.

Các cô gái được phi tang nguồn gốc bằng son phấn và những chiếc váy.

Hằng hỏi: Tại sao anh lại bảo họ phi tang? Tôi nói cuộc sống đã bị hình sự hóa ngay từ khi cha mẹ của người đàn bà muốn xóa bỏ quá khứ của họ năm 1975. Với những người khác thì đã xảy ra từ 1954.

Người đàn bà nói với các cô gái: Từ hôm nay, ba đứa mày sẽ được gọi là Kiều Hạnh, Mỹ Loan, Khánh My. Ðứa nào thích tên nào thì lấy tên ấy. Tao cho chúng mày quyền chọn lấy số phận của mình.

Cô gái gầy ốm nói: Em chọn tên Khánh My.

Hai cô gái còn lại dành nhau tên Mỹ Loan. Cô gái đã chọn cho mình tên Khánh My bảo: Thôi hai đứa mày bốc thăm đi.

Một cô hỏi bà chủ: Chị cho em tự đặt tên được không?

Ðược.

Cô gái ngẫm nghĩ trong giây lát rồi rụt rè nói: Hồng Phượng được không chị?

Ðược.

Hồng Phượng mình dây nhưng hai vú to. Người đàn bà nghĩ, rồi ra con bé này có khả năng áp đặt đàn ông trong những tính toán của mình bằng sự xảo quyệt của một con đĩ hảo hạng.

Ðầu tháng 5.1975. Căn nhà của gia đình cô gái bị nhà nước mượn làm trụ sở ủy ban phường. Cả gia đình cô thu gọn lại trong căn nhà để xe. Nhiều lần ủy ban đề nghị với cha cô cống hiến căn nhà cho cách mạng, tuy sợ nhưng cha cô khôn khéo từ chối nói cách mạng cần thì chúng tôi cho mượn, nhưng không thể cống hiến vì đó là căn nhà của ông bà để lại. Cho dẫu khôn khéo thế, căn nhà của họ cũng không bao giờ đòi lại được.

Người đàn ông mặc đồ bộ đội, nói giọng miền Nam, hào sảng dù quê mùa vẫn tìm cách nói chuyện với cô mỗi khi có thể. Ông ta bảo: Cô nên đi sinh hoạt đoàn thể.

Tôi không thích đám đông, cô trả lời.

Tập thể là sức mạnh. Cô cần phải dựa vào tập thể để phát huy mình.

Cô gái không cần phát huy, nhưng cô không thể không tuân lệnh khi có người đến yêu cầu cô phải đi sinh hoạt buổi tối cùng với những thanh thiếu niên khác. “Vòng tròn có một cái tâm. Cái tâm ở giữa vòng tròn. Quay sao cho đều cho khéo… cho vòng tròn đừng méo đừng vuông…”. Cô chỉ thấy những cái vòng tròn như trong đèn kéo quân, ở giữa là một ngọn lửa dối trá. Ðể chấm dứt tất cả những trò vớ vẩn ấy, cô nghĩ mình sẽ lấy chồng.

Người đàn ông bộ đội, đeo lon đại úy, làm chủ tịch ủy ban quân quản phường, đang chiếm ngự căn nhà cô biết được ý nghĩ quyến rũ ấy, tự đặt mục tiêu phấn đấu: Chồng cô sẽ là tôi.

Việc đầu tiên ông ta làm là bố trí một căn nhà khác cho gia đình cô một cách chí tình và chí lý. Bất cứ một căn hộ nào khác cũng thoải mái hơn cái cảnh phải sống chui rúc như tội phạm trong chính căn nhà của mình.

Cô không biết mẹ mình đã uất hận như thế nào, phần cô, khi rời bỏ căn nhà quen thuộc của mình, cảm giác nó giống như một cái cây bị bứng ra khỏi mặt đất.

Hằng nói, em không còn bé để giãy đành đạch hai chân khi người ta bế em lên quẳng xuống biển, mà em đã nhìn biển như thể đấy là chính em. Và em chờ đợi giây phút mình thật sự rơi xuống biển.

Lúc ấy, cha cô đã vào trại cải tạo chỉ vì tính quá cẩn thận của ông.

Tôi đã giải ngũ, có phải trình diện không, thưa anh?

Trước đây ông làm gì?

Ðại úy.

Ðại úy hả?

Vâng.

Ðại úy thì vào đi.

Ông đại úy ngụy đi vắng thì đã có ông đại úy cách mạng. Ngày 19.5.1975, ông đại úy cách mạng đeo khẩu K54 kè kè bên hông đưa cho cô gái tờ giấy, nói:

Ðây là di chúc Bác Hồ. Tối nay em sẽ đọc ở sân trường học.

Em không đọc đâu. Chọn người khác đi.

Không phải ai muốn cũng được. Ðây là vinh dự rất lớn lao, anh đã tranh đấu dành cho em.

Cô không mường tượng được điều ấy sẽ làm thay đổi cuộc đời cô. Tối 19.5, trước toàn thể nhân dân trong phường tụ tập ở sân trường học, cô đã đọc bản di chúc theo cái cách hằn hôc nhất mà lòng cô không thể che giấu, nhưng các cán bộ của phường lại bảo cô có một giọng đầy khí thế cách mạng. Qua ông chủ tịch, họ đề nghị cô tham gia vào ban xã hội của phường. Cô lên danh sách những gia đình khó khăn cần được giúp đỡ. Cô tìm thấy niềm vui vì sự có ích của mình, ít ra với những người cần vài ký gạo.

Ngày 5.3.2004. Quán Lan Thanh vắng teo, không một người khách. Bữa cơm chiều vẫn diễn ra một cách bình thường. Tất cả người làm và các cô tiếp viên vào bàn. Họ hỏi nhau: Chị Lan Thanh sao không về ăn cơm?

Hình như chị ấy đi đòi tiền.

Có đứa nào muốn đi đòi nợ thuê không? Một người đùa.

Cần phải mang mã tấu theo không? Hồng Phượng hỏi.

Mày chỉ cần giơ cặp vú ra là được.

Vô duyên.

Chỉ giơ vú ra là lấy được tiền thì tôi giơ suốt ngày. Mỹ Loan nói.

Khánh My vừa ăn vừa tư lự. Cô tự hỏi, quán vắng tanh thế này, chị Lan Thanh lấy tiền đâu trả công người làm, thế mà chị còn nhận thêm ba đứa bọn cô.

Tháng 7.1975. Thành phố nham nhở với những căn nhà bị đập phá khi người ta bị buộc phải đi “kinh tế mới”. Tất cả những gì có thể mang đi được như khung cửa, mái tôn, cột kèo người ta đều dỡ hết. Chiến tranh đã chấm dứt, nhưng sự tang thương của những bức tường vỡ trong hòa bình cũng đau xót không kém, đôi khi nó còn nhức nhối hơn bởi sự vô lý và dã man. Một cuộc sống không được chuẩn bị đẻ ra những từ ngữ ngớ ngẩn. Những sự việc ngu độn đến hoang đường. Ông đại úy cách mạng bảo Lan Thanh: Nếu nhà em không đi kinh tế mới thì cha em rất khó về.

Lan Thanh nói lại với mẹ chuyện ấy. Bà mẹ nói: Mẹ chỉ lo cho con. Rồi bà lẳng lặng từng ngày mang đồ trong nhà đi bán.

Thành phố lốm đốm những chợ trời. Người ta máng quần áo lên người như những cái mắc áo di động. Trí thức và vô học. Trên lề đường, chén bát cũ xô đẩy nhau tìm một chỗ phơi mình. Sang và hèn cùng tìm thấy một mùi vị nhân sinh cặn bã.

Ông đại úy cách mạng nói với Lan Thanh: Nếu em lấy một cán bộ cách mạng thì nhà em không sợ phải đi kinh tế mới.

Thư của Hằng. Em nghĩ cần phải xức thuốc đỏ trên cái mồm lở loét của những chính trị gia. Em tin rằng văn chương có thể tách rời khỏi chính trị mà nó vẫn không mất đi những giá trị nhân bản. Tôi bảo, dù em có chính trị hay không, thì em vẫn phải sống trong một cơ chế chính trị. Trong cơ chế ấy, em bị chính trị ràng buộc. Có thể đấy là quả bóng bay hay cái cối giã gạo, nhưng em không bao giờ thoát khỏi nó.

Ngày 6.3.2004. Lan Thanh nói với Hồng Phượng: Em đi với chị. Họ tới một khách sạn. Ở đó họ gặp một người đàn ông có vẻ sang trọng. Ăn uống và nói chuyện thời trang. Sau đó họ về phòng. Hồng Phượng cảm thấy mình trôi đi trong một thế giới khác. Những cánh đồng cỏ khô héo và con bò vàng đói khát dũi mõm vào cát. Ở một chỗ nào đó trên cơ thể, cô cảm thấy đau đồng thời với một nỗi rạo rực cô chưa từng biết, nó làm cô nẩy tưng lên. Khi cô tỉnh lại sau một giấc ngủ dài, cô thấy mình trần truồng. Người đàn ông đưa cho cô mười triệu.

Cầm mười triệu trước. Khánh My và Mỹ Loan không cần phải cho uống thuốc mê. Họ thản nhiên đến khách sạn với người đàn ông không quen biết.

Tôi nói với Hằng, anh tin rằng hầu hết những vụ bán trinh đều được mang ý nghĩa cao cả của sự hiếu thảo với cha mẹ.

Ngày 30.4.1975. Từ hôm nay các ngươi được gọi là ma ngụy. Tổ quốc không ghi ơn các ngươi nữa. Kẻ nào trong các ngươi là con của Chúa thì hãy về với Chúa, kẻ nào là con Phật thì liệu mà tìm đường đến Tây phương cực lạc kẻo muộn. Chẳng còn bao lâu nữa, các ngươi sẽ là những con ma không mồ. Xương máu các ngươi sẽ bị chà đạp và linh hồn các ngươi bị nguyền rủa. Mộ phần các ngươi thành bình địa và sự hy sinh của các ngươi trở thành vô nghĩa. Các ngươi đừng ăn cháo lú và uống nước sông mê kẻo lòng các ngươi thù hận. Các ngươi hãy đi và bỏ lại vành khăn tang cho người đến sau. Cả sự sống lẫn sự chết đều vô ích trước sự lầm lạc của con người. Sự đau khổ không cứu chuộc các ngươi. Sự vinh quang không tha thứ các ngươi. Thế gian mà các ngươi đeo đuổi không thật. Chỉ có nỗi niềm của các ngươi tồn tại đích thật và phù phiếm trong hồi quang của ánh chớp số phận. Các ngươi đừng gán cho nhau những tội ác lố bịch của bọn tay sai, bởi vì không ai trong các ngươi có quyền lựa chọn. Thượng đế đã đến và ngài bảo: Hãy có. Người có sẽ có thêm và người mất sẽ mất hết. Ðể dấu vết các ngươi được xóa sạch, các ngươi đừng chui vào chỗ tối tăm, cũng đừng tìm cách phơi mình ra ánh sáng. Khi đến ngày tận thế, đấng công bằng sẽ xuất hiện và ngài sẽ an ủi các ngươi trong gấu áo của ngài.

Ngày 10.3.2004. Trong nhà hàng Lan Thanh có hai phòng kín, chỉ những người quen mới được tiếp đón ở đó. Cả ba cô gái Khánh My, Mỹ Loan và Hồng Phượng đều được gọi lên tiếp khách. Họ mặc váy ngắn và không có đồ lót. Bà chủ nói: Ðây là những vị khách đặc biệt của chị, các em phải chu đáo tiếp các anh, đừng để các anh buồn.

Thưa chị, vâng ạ.

Quay sang các anh, bà chủ bảo: Các anh thích gì cứ thoải mái.

Vấn đề là ở chỗ ấy. Các em cứ hồn nhiên rồi các em sẽ là tiên. Thế giới đích thật ở trong cánh cửa đóng kín. Trong thế giới này, các em sẽ được phóng thích từ chân tơ tới kẽ tóc mà không phải vất vả làm cách mạng. Các em sẽ được tôn vinh trên các tầng trời khi nhảy múa và cho đàn ông uống sữa và mật của mình. Sự mầu nhiệm của con người còn linh thiêng hơn thần thánh khi cửa mình các em mở ra cho tự do và nhân quyền hiển lộ. Vũ trụ được nhận biết bởi một niềm sướng thỏa. Ðừng bảo các em là đĩ mà hãy gọi các em là thiên sứ . Cũng đừng vu cho các em là điếm mà hãy xưng tụng các em như tình nhân bằng túi tiền của mình. Và đừng lên án các em là sa đọa mà hãy cổ vũ các em như những kẻ tiên phong của nền mỹ học hậu tương lai.

Ngày 10.10.1975. Hôm qua em vẫn còn là con gái. Hôm nay em đã thành đàn bà. Người đàn bà trẻ hỏi ông đại úy: Nhà em không còn phải lo đi kinh tế mới? Ba em sẽ sớm được về phải không?

Tất nhiên là nhà em không bao giờ phải đi kinh tế mới, khi có anh ở đây. Cũng tất nhiên là ba em sẽ sớm được về, nếu ba em cải tạo tốt.

Lẽ ra, anh nên để cho các cô gái rên rỉ vì sướng. Văn chương là tiếng nói của cơ thể. Hằng nói. Mọi sản phẩm của trí tuệ chỉ dẫn đến sự tha hóa.

Ngày 10.3.2004. Anh Hai nói với Hồng Phượng: Em vừa ngon vừa ngọt.

Thèm không?

Thèm.

Cho anh bú liếm suốt ngày nhé.

Sướng.

Cho em về làm vợ anh.

Ok. Anh thuê nhà riêng cho em ở.

Ở nhà thuê có ma.

Nhưng về nhà anh sao được.

Thì mua nhà cho em.

Ðể anh tính.

Ngày 11.3.2004. Hồng Phượng gọi điện thoại cho anh Hai: Anh đến quán em chơi.

Hôm nay anh bận.

Ngày 12.3.2004. Hồng Phượng lại gọi điện thoại cho anh Hai: Anh có nhớ em không?

Nhớ.

Ðến quán em chơi đi.

Hôm nay anh kẹt.

Ngày 13.3.2004. Hồng Phượng vẫn kiên nhẫn gọi cho anh Hai: Sao anh không đến chơi với em?

Anh rất muốn.

Ðến đi, em cho anh bú.

Anh đang bị sưng lưỡi.

Ngày 11.11.1975. Người đàn bà trẻ nói với ông đại úy: Hình như em có bầu.

Thật không?

Thật. Anh không vui sao?

Anh không biết phải tính thế nào.

Thì cưới em đi chứ còn tính gì nữa.

Chưa được đâu. Vợ anh mới ở quê lên.

31.12.1975. Cái bầu của người đàn bà trẻ đã to lên, ai cũng nhìn thấy. Ông đại úy phải làm kiểm điểm với đảng ủy, ban chấp hành công đoàn, cơ quan cấp trên và bị cho nghỉ việc đồng thời bị khai trừ ra khỏi đảng và xuất ngũ. Lý do chính yếu không phải vì ông đã phá hoại đời một cô gái, mà ông đã quan hệ bất chính với phần tử nguy hiểm con của sĩ quan ngụy. Ông về quê với người vợ cũ. Ðến khi người đàn bà theo ông làm cách mạng bản thân sinh con thì ông để bà vợ cũ ở dưới quê như hồi nào vẫn thế và lên thành phố ở hẳn với người mẹ trẻ của con mình. Dẫu sao thì ông vẫn là người có công với cách mạng, không khó khăn lắm, ông tìm cho mình một công việc mà ông tin rằng có thể kiếm tiền một cách dễ dàng nhất. Ði buôn gỗ.

Ngày 1.3.2004. Cái Nhớn, cái Nhỡ, cái Bé bỏ ruộng muối. Chỉ có mình cái Nhỡ ôm theo bọc quần áo. Hai đứa kia, mỗi đứa mặc hai áo. Chúng ra đường đón xe về thành phố. Chúng bảo muối làm hai bầu vú chúng teo lại và cửa mình chúng khô cong. Chúng muốn có quần áo đẹp và những chàng trai thành phố. Chúng không muốn suốt đời phải úp mặt xuống ruộng muối. Trong túi chúng, không đứa nào có tới một trăm ngàn đồng. Nghe nói, trong thành phố dễ kiếm việc làm. Cho dù có phải đi ở cho người ta thì cũng hơn ở cái xứ sở chỉ có cát và muối này. Ngày đầu tiên ở thành phố, chúng loanh quanh khu bến xe. Thành phố không ai biết chúng. Ðêm đến, chúng ôm nhau ngủ. Mấy thằng bụi đời chen vào nằm giữa, bọn chúng sợ hãi vào ngồi với ông bảo vệ bến xe. Ông bảo vệ bảo muốn tìm việc làm thì nhờ mấy ông chạy xe ôm. Ông xe ôm bảo muốn xin việc làm thì gặp mấy bà chủ quán. Chúng mày muốn bán bia ôm, cà phê ôm hay vào động đĩ? Chỗ nào kiếm tiền cũng dễ. Không muốn dễ thì đi bán vé số. Chúng cháu không có vốn. Không có vốn thì đã có cái trời cho. Chúng mày cứ bán cái trời cho cho tiện. Xét cho cùng thì nó cũng đâu phải của chúng mày. Cứ tung hê cho cuộc đời phủ phê nồng ấm. Các bác khôn ngoan, xin các bác cứ dạy.