Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

TRIẾT: Tập san triết học và tư tưởng. Số 8, tháng 6, 2022

Nguyên Chánh

Xin hân hạnh giới thiệu với bạn đọc số 8 tháng 6, 2022 của TRIẾT: Tập san Triết học và Tư tưởng.

Trong số mới này, có tổng cộng chín bài tiểu luận về triết học và tư tưởng. Đầu tiên là bài Từ bàn viết Chủ Nhiệm của Nguyễn Hữu Liêm. Ông viết, “Hầu hết những tác giả đóng góp bài vở cho TRIẾT thuộc về thế hệ thế kỷ trước, phần lớn xuất thân ở miền Nam Việt Nam trước 1975, đa số mang học vị ngoại quốc – nhưng vẫn yêu tiếng Việt, cảm thấy như vẫn còn mắc một món nợ tinh thần cho nền học thuật nước nhà, mang hoài bão về khả thể chuyển hóa tư duy cho truyền thống suy nghĩ của dân tộc trước những vấn đề lớn mà con người và đất nước đang đối diện.” Ông nhấn mạnh rằng, “Triết học không phải cho đám đông hời hợt vốn chỉ dừng lại ở thơ văn thuần mô tả. Triết học cũng không phải là một thể loại văn chương áo mão lập danh. Người nghiên cứu triết là những kẻ thất vọng trước sự hời hợt của đám đông, muốn tìm sâu về những vấn nạn nhân sinh và lịch sử. Họ không chấp nhận thực tại như là chuyện đã rồi, có sẵn, không nghi ngờ, không cần nghi vấn.”

Tiểu luận đầu tiên là của Giáo sư Lưu Hồng Khanh từ Đức với tiêu đề, “Paul Ricoeur và Triết học Thông diễn.” Đây là công trình nghiên cứu hàn lâm công phu của một chuyên gia triết học uy tín. Giáo sư Khanh viết, “Khái niệm Triết học thông diễn nghe ra có phần mới lạ, nhưng quả thật thì nó đã được thực hành từ rất lâu trong lịch sử triết học, ngay từ Aristotle với tác phẩm Peri Hermeneias (c.360 BCE, với nghĩa diễn giải, On interpretation). Thuật ngữ Hermeneia này trong Hiện đại là Hermeneutics và đã được nhiều triết gia sử dụng, nghiên cứu, khai triển sâu rộng: Dilthey, Heidegger, Gadamer, Benjamin, Bloch, Ricœur, Habermas…, với nghĩa thông hiểu và diễn giải (từ đó: “thông diễn”). Ngữ nguyên học thần thoại Hi Lạp giải thích từ Hermeneutics này bắt nguồn từ chữ “Hermes”, tên gọi của một vị thần sứ giả đưa mang thông tin diễn giải cho các thần cũng như cho con người.”  Ở phần cuối, GS khai mở triết học qua tác phẩm Chính mình như một người khácSoi-même comme un autre/Oneself as another – rằng, “Công trình nghiên cứu của tác phẩm như thế là tìm hiểu cái mình là gì trong khoa Triết học thông diễn và nhìn nhận ra được nhiều ý nghĩa về cái mình, tức về sự tồn tại (être) của cái mình. Diễn đạt một cách ít “hàn lâm” sẽ là: Chính mình như một người khác là một bức tranh về con người có năng lực, với hai nét đặc thù. (1). Con người chủ thể như là chính mình và như là người khác và trong tương tác với người khác. Con đường vòng nghiên cứu cho hiển thị và cho hiện thực hóa được những năng lực nói, hành động, chịu trách nhiệm của mình, thông qua tác động với người khác. (2). Họa hình trong thể chế chính trị xã hội bằng sự phân định các lợi phẩm kinh tế và xã hội theo phương sách “công bằng tỉ lệ” (Aristotle) và “công bình chính trực” [fairness, maximin] (Rawls) tối đa hóa phần tối thiểu của những người bất hạnh nhất.”

Tiểu luận thứ hai là một bài độc đáo từ Sài Gòn của Giáo sư Trần Đình Thắng, một dịch giả lừng danh cho các tác phẩm của Ludwig Wittgenstein. GS Thắng với “Karl Popper cố chấp” trình bày cặn kẽ về triết học của Karl Popper, một triết gia về khoa học và luận lý lừng danh của thế kỷ 20. GS Thắng viết, “Gần đây, thế giới dành nhiều sự chú ý cho nhà triết học Karl Popper, mặc dù chắc chắn ni muốn nhiều hơn thế, ngang tầm với Wittgenstein và Quine! Popper, 1902-1994, chống lại chủ nghĩa giáo điều dưới mọi hình thức. Khoa học thực sự, Popper chỉ ra, phải đưa ra các dự đoán có thể kiểm được bằng thực nghiệm (empirically tested). Nhưng Popper nhấn mạnh, các nhà khoa học không bao giờ có thể chứng minh một lý thuyết là đúng, bởi vì một thử nghiệm tiếp theo có thể mâu thuẫn với tất cả những gì trước đó. Các quan sát chỉ có thể bác sai (falsify) một lý thuyết. Nguyên tắc bác sai của Popper đã được sử dụng để tấn công các lý thuyết dây và nhiều-vũ trụ (multiverse), những lý thuyết không thể kiểm được bằng thực nghiệm. (Horgan, 2022) (ni là he/ông ta). Những ai là nhà khoa học hay học triết khoa học đều phải từng biết đến tác phẩm The Logic of Scientific Discovery của Popper với nguyên lý Falsification (khả thể bác sai). Trong tiểu luận này, GS Thắng trinh bày và giải thích những cứ điểm của Popper và lịch sử tư tưởng về triết học khoa học – Philosophy of Science – sau Popper và những phản ứng, phê phán tận gốc chủ thuyết khoa học của Popper. GS Thắng viết, “Theo thời gian, những tư tưởng có giá trị trong tư tưởng của Popper vẫn được phát triển, và những sai lầm đã được nhiều người chỉ ra kể cả nhưng học trò của ni. Nhưng học thuyết về tính bác sai được phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như được mô tả bởi Duhem, Quine và Lakatos (Klemke, 1998). Chẳng hạn, Imre Lakatos, mặc dù không quên ơn của Popper: ‘Những ý tưởng của Popper đại diện cho sự phát triển quan trọng nhất trong triết học của thế kỷ XX; một thành tựu trong truyền thống – và ngang tầm – với Hume, Kant hoặc Whewell. Riêng tôi, món nợ của tôi đối với ông là không thể đong đếm được: hơn tất cả, ông đã thay đổi cuộc đời tôi. Khi bước vào trường trí tuệ của ông thì tôi đã gần bốn mươi tuổi. Triết lý của ông ấy đã giúp tôi cắt đứt dứt điểm với góc nhìn của Hegel mà tôi đã đeo đuổi suốt gần hai mươi năm trời. Và, quan trọng hơn, triết lý này cung cấp cho tôi một loạt các vấn đề vô cùng phong phú, thực vậy, một chương trình nghiên cứu thực sự. Tất nhiên, công việc của một chương trình nghiên cứu là một công việc quan trọng và không có gì lạ khi công trình của tôi về các vấn đề của Popper thường xuyên khiến tôi xung đột với các giải pháp của chính Popper.” (Lakatos, 1989, p. 139).

Luận đề thứ ba là của Bác sĩ Y khoa Nguyễn Hoài Vân viết từ Paris, “Sartre, triết gia của Tự do.” BS Vân viết, “Nếu phải dùng một chữ để tóm tắt tư tưởng của Sartre thì tôi sẽ chọn “Tự Do” . Sartre là triết gia của tự do. Điều này càng nặng ý nghĩa trong một giai đoạn mà người ta đặt trên mọi hành vi của con người đủ loại quy định, từ di truyền, tiến hóa, vô thức, chiều đi “tất yếu” của lịch sử, cấu trúc của văn minh, văn hóa, của tương quan xã hội, chưa kể dòng cuốn của giáo dục, của truyền thống, cũng như sức nặng của môi trường, từ môi trường thiên nhiên đến môi trường tâm lý.” Về một góc nhìn khác đối với con người Sartre, BS Vân viết, “Trong cuộc sống của Sartre, nhiều mâu thuẫn cũng đã được ghi nhận. Từ triết gia của tự do cá nhân, ông trở thành “bạn đường” của đảng Cộng Sản. Từ thân Liên Sô, Cuba, Trung Hoa … gọi “những kẻ chống Cộng là đồ chó”, ông trở thành người vận động tích cực cho việc đón nhận thuyền nhân Việt Nam. Sartre từ bạn, trở thành đối thủ, trước khi làm hòa với Aron, cũng như với Camus (khi ông này qua đời) … Thật ra, một số mâu thuẫn có thể đến từ tính khí cá nhân hơn là triết lý, như việc Sartre không ngớt hô hào “trí thức dấn thân” nhưng lại “rất ít dấn thân” trong thời Quốc Xã (thậm chí từng chiếm chỗ dạy học của một đồng nghiệp gốc Do Thái).

Luận đề kế tiếp, Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh, cũng từ Paris, cống hiến cho TRIẾT một công trình nghiên cứu về “Sơn Hậu Diễn Truyện” của Đào Duy Từ (1572-1634) mà ông cho là một “Kiệt tác văn chương và nghệ thuật Việt Nam.” Ts Chánh giới thiệu, “Sơn Hậu diễn truyện là một văn bản tuồng Hát Bội, chia làm ba hồi, có 28 vai, ngày xưa được trình diễn ba ngày, mỗi ngày từ 12 giờ trưa cho đến khuya. Sơn Hậu là một kiệt tác văn chương và kịch nghệ, được xem là vở tuồng hay nhất, một đỉnh cao của văn chương Việt Nam, từng được phổ biến sâu rộng ngày xưa, trong thời kỳ Hát Bội gần như chiếm lĩnh không gian văn hóa nghệ thuật Việt Nam.” Độc giả của TRIẾT chắc sẽ thưởng ngoạn tiểu luận về văn học, tư tưởng và nhất là lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 16-17. TS Chánh nhận xét rằng, “Với một Truyện Kiều của Nguyễn Du, 3254 câu thơ lục bát, “Mua vui cũng được một vài trống canh” mà hàng ngàn bài viết nghiên cứu, hàng trăm quyển sách các tác giả vẫn chưa nói hết ý. Một truyện Sơn Hậu bằng thi ca: thơ, phú và từ diễn ba ngày ba đêm, sánh ngang tầm với Odyssée của thi hào Homère, các du tử ngâm thơ trong ba ngày ba đêm hơn 12 ngàn câu thơ, Iliade ngâm trong bốn ngày bốn đêm. Bài viết này là bước khởi đầu giới thiệu Sơn Hậu, một tác phẩm tuyệt tác trong kho tàng văn hóa Việt Nam, trong hàng trăm văn bản tuồng Hát Bội Việt Nam, một kho tàng văn hóa đồ sộ của Việt Nam, một số văn bản được ông Mai Thọ Truyền khi làm Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá Việt Nam Cộng Hòa và cựu Thủ Tướng Trần Văn Hương in lại, may mắn thay Học Lâm bộ sưu tập Tuồng đầu tiên của vua Tự Đức, bị mất trong biến cố năm 1884 lại được Thư Viện Anh Quốc mua được, nhiều văn bản Tuồng khác được Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp mướn người sao chép nay lưu giữ tại các thư viện Pháp. Một số văn bản còn lưu giữ tại Ban nghiên cứu Tuồng do các nghệ sĩ Hát Bội từ Liên Khu V, Bình Định mang ra Hà Nội, và còn bao nhiêu văn bản đã bị thất lạc hay còn trong dân gian, trong chiến tranh nay chỉ còn biết tên. Có nhiều văn bản chữ Hán Nôm, một số văn bản đã được dịch chữ quốc ngữ, hay được sáng tác bằng chữ quốc ngữ đầu Thế kỷ XX, có vài văn bản đã được dịch tiếng Pháp. Các công trình nghiên cứu về Hát Bội vẫn còn sơ sài, một kho tàng đồ sộ còn bị quên lãng chưa được lưu tâm đúng tầm mức.”

Tiểu luận tiếp theo từ Sài Gòn là của Giáo sư Nguyễn Xuân Xanh, một cây viết lão thành về tư tưởng triết học và khoa học với tựa đề “Về Chân Lý.” Tác giả viết, “Chân lý là những điều mà nhân loại đã mất biết bao công sức để tìm nó. Có người thì bị ném lên giàn hỏa thiêu (Giordano Bruno), có người thì bị quản thúc suốt đời (Galilei), có người thì suýt nữa đã bị cho vào lò hơi ngạt (Einstein). Nếu thế giới này được xây dựng bằng một số chân lý bất biến và phổ quát, chi phối mọi đời sống xã hội và vũ trụ, thì cuộc sống sẽ tẻ nhạt, và khoa học cũng sẽ biến mất, bởi cần chi nữa khi chân lý đã có sẵn rồi? Nếu khoa học chấm dứt tại cuối thế kỷ 19 như đa số nhà khoa học đã lầm tưởng, thì chắc bộ mặt thế giới không được như hôm nay.” GS Xanh khuyến cáo, “Chúng ta hãy còn là một dân tộc chưa trưởng thành, nếu không muốn nói còn “non nớt” trong phát triển. Giáo dục là một quá trình để trưởng thành, tự do, khai phá, để tìm đến chính mình. Chúng ta phải quen nghe nhiều chân lý khác nhau, mâu thuẫn nhau. Chúng ta phải không bao giờ sợ hãi trước những ý tưởng mới, dù có ngược với niềm tin của chúng ta. Thế giới là thế giới của ý tưởng. Chúng ta thua là thua về ý tưởng, và nếu thắng là thắng về ý tưởng. Cho nên chúng ta không bao giờ được phép sợ những ý tưởng mới, sợ đi tìm cái mới, và không bao giờ được phép đưa cái gì lên thành điều cấm kỵ, cho dù đó là chân lý một thời. “Sự sợ hãi này… chính là cột đỡ của lâu đài mục nát của nền quân chủ đã gần như đưa đất nước vào chỗ diệt vong” như Maxim Gorki đã nói về sự sợ hãi của vua chúa Nga trước những ý tưởng đổi mới.”

Tiểu luận thứ Sáu với tiêu đề, “Lý thuyết nhà nước trong thời đại Khai sáng” của tác giả Tôn Thất Thông, một nhà nghiên cứu về văn minh châu Âu. Mở đầu, tác giả viết, “Các dòng triết học chính trị, nhất là lý thuyết nhà nước tại châu Âu trong hai thế kỷ khai sáng rõ ràng mang tính chất cách mạng triệt để, tạo ra những biến đổi hệ hình sâu sắc, chi phối diện mạo chính trị của thế giới trong những thế kỷ tiếp theo. Nhìn từ quan điểm lịch sử, bài này khảo sát công trình của các triết gia chính trị trong thời đại khai sáng, những công trình còn để lại ảnh hưởng cho đến ngày nay.” Ông trình bày tổng quan lịch sử triết học và tư tưởng chính trị của châu Âu vốn kiến tạo nên các nguyên lý và khái niệm quyền lực cơ bản cho quốc gia và nhà nước hiện đại.” Đây là phần 1 của tiểu luận và sẽ được tiếp tục vào số 9 của TRIẾT.

Theo sau đó là bản dịch “Deutsche Grosse” (Cái lớn lao của Đức) của Friedrich Schiller bởi Giáo sư Nguyễn Xuân Xanh. GS Xanh giới thiệu tác phẩm này, Nhà đại văn hào Đức Friedrich Schiller, người bạn đồng hành của Wolfgang von Goethe, đã làm bài thơ này năm 1801, lúc Pháp tiến hành các cuộc chiến tranh cách mạng. Schiller dự định phát triển những ý tưởng của ông về một Quốc gia văn hóa Đức (deutsche Kulturnation) trong một bài thơ lớn có tính triết lý−chính trị mang tên “Cái lớn lao của Đức”. Nhưng ông đã không thực hiện được, mà chỉ để lại một bản thảo nghiên cứu. Nhưng những ý tưởng được dịch ra dưới đây đã nói rõ tư tưởng mà ông muốn nhắm tới. Schiller muốn khẳng định giá trị của người Đức biệt lập với chính trị: “Vương triều Đức có sụp đổ trong lửa đạn/ Thì cái lớn lao của Đức vẫn vững bền.” Và trong khi “Vương quốc chính trị chao đảo/Vương quốc tinh thần vẫn tiếp tục được dựng xây” Thực tế, Quốc gia Đức về văn hóa, với Weimar là “kinh đô văn hóa”, đã hình thành trước Quốc gia Đức về chính trị một thế kỷ. Và nền văn hóa phát triển cao đã là động lực quan trọng trong cuộc Đại cải cách của nước Đức thế kỷ 19. (Xem thêm Nước Đức Thế Kỷ XIX). Các văn hào Đức thiếu quốc gia, nên đã thành lập ra các Nhà hát quốc gia, Nationaltheater, để thể hiện tính quốc gia bằng con đường văn học. Bao lâu sự tham gia của công dân vào những quyết định chính trị bị từ chối, thì nhà hát trở thành sân khấu chính trị ảo, sân khấu trở thành “nơi chốn thiêng liêng” (Wolf Lepenies). Các văn hào, hay triết gia trở thành những con người thống nhất. Trong “Năm Schiller” 1859, nhà văn Theodor Fontane tuyên bố: “Schiller đến và nước Đức được thống nhất.” GS Xanh viết tiếp, “Đó là một sự tương phản bi thảm trong dân tộc này của thời đại này: Ở chiều sâu của cái thống khổ không có nhà nước (staatlsloses Elend), dân tộc (Đức) đứng trên đỉnh cao của văn hóa tinh thần cá nhân” như một nhà chính trị tiến bộ thời Cộng hòa Weimar viết (Hugo Preuβ). Chẳng phải các nhà thơ không chính trị, nhưng “càng cảm nhận sống động về chính trị, thì họ ý thức rõ hơn, rằng họ là những đứa con của dân tộc chính trị (politisches Volk), mà các tài năng tốt nhất của họ không thể phát triển trong nhà nước, mà ngoài nhà nước thôi”. Cho nên cũng không ngạc nhiên khi Wilhelm von Humboldt trong một bức thư từ Paris gửi cho Goethe tháng 3, 1799, có đoạn viết: “Ai hoạt động trong lãnh vực triết học và nghệ thuật, người đó thuộc về Tổ quốc của anh ta đích thực hơn những người khác.” Trên vũ đài chính trị lớn, Đức không có tiếng nói, nhưng Nhân phẩm của nó được thể hiện trong Văn hóa (Kultur). Văn hóa là trường tồn, trong khi quyền lực giành được nhanh, và mất cũng nhanh.”

Kế tiếp là bài điểm sách khá dài của Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm đối với tác phẩm “Tổng quan về Nghiệp”, một công trình triết học Phật giáo của Tuệ Sỹ vừa mới được xuất bản đầu năm nay. Sau khi trình bày về nội dung của sách, GS Liêm nêu lên 10 vấn lý để phản biện những gì mà Tuệ Sỹ đưa ra theo truyền thống luận giải Phật học từ Long Thọ đến Thế Thân. Từ đó, GS Liêm viết rằng Phật giáo cần phải có một cuộc cách mạng tư tưởng mới, một chuyển pháp luân lần thứ Năm. Đây là một tiểu luận có thể gây tranh cãi và bất bình đối với giới trí thức và tăng lữ nhà Phật vốn quan niệm giáo lý nhà Phật là chân lý vĩnh hằng.

Cuối cùng là bản dịch tiếng Việt của GS Trần Đình Thắng cho luận đề quan trọng của nhà luận lý học lừng danh Alfred Tarski, “The Semantic Conception of Truth: and the Foundations of Semantics.” (Khái niệm Chân lý theo Ngữ nghĩa và những cơ sở của Ngữ nghĩa học). Cho các độc giả tìm hiểu về triết học ngôn ngữ hiện đại ở Mỹ và Âu, đây là bản dịch công phu, hàn lâm, không thể bỏ sót.

Cũng như các số trước, tiểu sử các tác giả đều được kèm theo từng bài viết. Chủ nhiệm Nguyễn Hữu Liêm viết ở cuối “Thư Chủ nhiệm” rằng, “Từ những số TRIẾT đầu trong thập niên cuối của thế kỷ trước, chúng tôi đã biểu dụ chuyện làm tập san triết học như là kẻ thức khuya ra bến sông gọi con đò tiếng Việt cập bến khi thôn xóm đang say giấc. Nhìn lại, tiếng gọi đò của TRIẾT đã kéo dài trên 25 năm, hơn cả một thế hệ đời người. Mong quý độc giả tiếp tay cho TRIẾT còn được tiếp tục.”

Xin trân trọng giới thiệu.

******

tapchitriet.com

- Từ bàn viết Chủ nhiệm – Nguyễn Hữu Liêm

- Paul Ricoeur và Triết học thông diễn – Lưu Hồng Khanh

- Karl Popper cố chấp – Trần Đình Thắng

- Sartre, triết gia của Tự do – Nguyễn Hoài Vân

- Sơn Hậu Diễn Truyện – Phạm Trọng Chánh

- Về Chân lý – Nguyễn Xuân Xanh

- Lý thuyết nhà nước trong Thời đại Khai sáng – Tôn Thất Thông

- Cái lớn lao của Đức – Friedrich Schiller – Nguyễn Xuân Xanh (dịch)

- Đọc và phản biện Tuệ Sỹ: Tổng quan về Nghiệp – Nguyễn Hữu Liêm

- Khái niệm Chân lý theo Ngữ nghĩa và những cơ sở của Ngữ nghĩa học – Trần Đình Thắng (dịch)