Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

Thiện thua

Trần Đĩnh

Nhà vua hầm hầm giơ tay. Nhưng rồi chỉ du mạnh cái lồng ngà. Vừa chuyển giọng hót từ buồn sang giận, con yến đã hoảng hốt bay loạn. Chiếc cóng ngọc màu lòng trứng lăn long lóc, nước sâm bên trong tung toé.

Những cơn giận của nhà vua dạo này đến mau. Bây giờ ngài ngán cả con yến quý mà một đại gia đảo quốc xa đã dâng để xin mở một thương điếm. Con yến màu huyết dụ, nhanh nhánh một sắc lông lúc đen thăm thẳm lúc đỏ găn gắt. Bộ lông đã hiếm nhưng tiếng hót mới là có một không hai! Nó diễn đạt đủ thất tình hỉ nộ ái lạc… của nhà vua. Mỗi khi nhà vua đứng ở trước lồng ngà, nó liền thông báo ngay tâm cảnh nhà vua, không sai một li. Ngự sử nhất đẳng!

Lâu nay nhà vua xa con yến. Nó “ghi sử” hơi lạm tự do! Chẳng chọn lọc, cứ tóe loe nỗi niềm, cơn cớ nhà vua ra, trong khi vua muốn giọng hót của nó mang tính vua, nghĩa là tối thiểu phải biết đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại.

Hừ, ông tể tướng già đã có lần can nghị rằng hoàng thượng rất nên canh chừng hàng ngoại. Văn hoá họ thường là uế thư – phi dạy làm tình thì làm loạn. Vật dụng của họ dễ thành bùa chú, đã xài là lệ thuộc. Nhưng nhà vua không chối được con chim lách chách như hạt tiết đông bóng mịn biết chuyền nhảy trong chiếc lồng ngà này. Buồn cười, máu tươi trông thì nóng mà tiết đông thì lại mát. Nhắm mắt sờ vào dễ lầm là da con gái…

Có thể lấy cái chết mới đây của lão tể tướng, vị công thần khai quốc cuối cùng còn sót lại, làm mốc cho sự chuyển làn điệu tâm sinh lý nhà vua: từ thường xuyên bình ổn sang thường xuyên nhiễu loạn.

Tể tướng chết đi mang theo mất tiếng tung hô quen thuộc. Bọn công thần tuyến hai mới đôn lên lại tưởng là phải cả hơi dài sức! Đem vào triều phong cách lính tập, chúng đã phá vỡ môi trường khí quyển từng đầm ấm ôm bọc nhà vua bấy lâu.

Đó là cớ khiến vua dạo này chán.

Còn một cớ sâu. Qua hệ thống đặc vụ dày đặc trong nước, nhà vua vừa bắt được mạch dân. Dân bây giờ dửng dưng với tất cả. Ngán, oải.

Vua đã đích thân thẩm vấn viên Thống quản đặc vụ:

- Thế có ca thán không? Có làm vè, đặt tiếu lâm không? Tụ bạ thì nói năng gì? (Hừ, tụ bạ cũng chỉ ngồi im nhìn nhau!)

Vua cau mày vặn:

- Im cả thì tốt chứ sao lo?

- Dạ, bẩm có khác thường. Là khắp nước nay không còn thấy tiếng reo, tiếng cười, tiếng khóc, tiếng chửi. Y như rừng cây lặng gió…, lặng gió… trước… trước bão vậy.

Thống quản đặc vụ thấy vua tư lự bèn mạnh dạn tâu: Các học sĩ môn tâm lý thuộc hệ thống ông cho rằng trong cơ chế xúc động của dân, thần kinh thực vật đã bị héo, dạ, đúng thuật ngữ là đã hoá thạch thành thần kinh khoáng vật.

Tào lao! Ta biết quá. Dân đang chán ta. Chán thì hay muốn đổi phận. Dân đổi phận thì phận vua phèo. Nghĩ đến triển vọng này vua nổi giận hơn. Dân không cười thì bấy lâu ta mở ngạch Nghè Hài ra để làm gì? Phong có đến hàng nghìn Nghè Hài rồi. Mà không cậy ra được một tiếng khì ở miệng dân ư? Nghĩ đến đội ngũ Nghè Hài đông đảo mà ăn hại, nhà vua thêm thịnh nộ. Ai ngờ đầu vua nóng lên thì đã làm rụng đi lớp gỉ ở một mối hàn nơ rôn nào đó trong óc ngài và nó liền vận hành loang loáng. Vua bỗng vùng dậy, đi ra trước lồng yến.

Yến vươn cổ cười khanh khách. Óng ánh hệt một dòng thác thủy tinh. Nó thông qua diệu kế.

*

* *

Từ chuỗi cười thủy tinh của yến quý, nhà vua bước vào giai đoạn thanh thản. Dân nước đã vui! Tiếng cười lại vang lên trên đường phố, nhất là trên các sới vật vừa mới cho mở cửa trở lại, sau mười mấy năm biến thành hoang địa, bãi thả trâu ban ngày, sân chơi của trai gái vụng trộm.

Vua đã cải trang làm nhân viên khuyến mãi tăm răng bằng lông gáy lợn lòi bạch tạng để vi hành. Ít nhất lần này báo cáo của đám cận thần đúng. Dân vui thật và vua hả hê. Nhất là dân vui được lại là nhờ công vua, đúng hơn, sáng kiến của vua.

Sáng kiến vĩ đại ấy đơn giản: cho sống lại tập quán vật lâu đời mà khi lên ngôi báu, vua đã cấm. Ngài không thích dân sính võ. (Có chính biến nào không dính đến một thằng võ biền? Lật đổ với vật đổ, hai món đó cùng vần, và cùng một hệ quả là hủy bỏ chiều thẳng đứng vật lý của đối thủ, chỉ khác ở ý nghĩa thì một thể thao, một chính trị mà thôi, vua quá biết.) Cho nên ngài lệnh cấm. Với cớ chấn hưng đạo đức bởi xét lâu nay đấu vật đã mất công bằng. Cho nên cái Thiện thắng hoài, thắng dễ quá hoá nhàm. Nhà vua cho đó là xếp đặt, ngài không muốn nói là gian giảo. (Chỗ này quá là oan cho dân nước và giới đô vật.)

Phải nói qua đến môn vật ở nước này. Đâu có chỉ là võ? Dân tìm thấy ở đấy trước hết chữ lễ, chữ văn. Nói như khoa học bây giờ thì vật đã đi vào tâm linh. Đặc điểm của môn vật nước này là hai đô vào sới đều đeo mặt nạ, một Thiện một Ác, sau khi xin âm dương, thể hiện cuộc giằng co, giành giật trường kỳ trong mỗi con người, trong mỗi xã hội. Nhưng không được vì thế mà thiếu ngay thẳng. Đô đeo mặt Ác vẫn thắng nếu tay nghề siêu hơn. Đô nào thắng liền mười keo thì được quyền chọn mặt nạ. Bất kể bên nào, đã vào sới là phải trổ hết tài hết sức. Riêng người xem được phép thiên vị tùy ý. Thiện thắng dĩ nhiên tốt. Nó báo hiệu cái Thiện đã đồng hành với mỗi người. Và mỗi người lại ngỡ như chính mình vừa nhận giải thưởng vật vậy. Còn chẳng may Thiện thua, thì nó nhắc mọi người rằng thời gian qua chắc mình sống chưa tử tế như thần linh mong mỏi, vậy hãy cố tu nhân tích đức hơn nữa từ nay.

Bản sắc tâm linh đậm đà này đã đóng góp lớn vào đạo đức. Các phiên vật, mỗi tháng bốn phiên, đều vô cùng náo nức, hân hoan, ngang lễ hội lớn. Những ngày đó, kinh thành ầm ầm tiếng hò reo.

Nhưng vật sống lại chưa bao lâu, vua lại chán!

Ngài kết luận mình hố. Với vua, cho môn vật sống lại chính là nhà vua kinh doanh. Mà đã kinh doanh thì không thể bỏ qua hạch toán. Vua đã hạch toán và thấy mình quá lỗ. Đấy, hãy hạch toán đầu ra, đầu vào xem. Đầu ra, tháo khoán cho vật sống lại, nhà vua đã chơi một quả liều (chưa biết sao thì đã phục hồi trước tiên nỗi canh cánh về chuyện vật đổ dễ lẫn với lật đổ) để rồi đầu vào, đầu về của vua thì lỗ quá, lỗ to!

Đấy thôi, dân hoan hô cái Thiện nào chứ đâu phải hoan hô Vua? Cái Thiện được dân hưởng ứng kia nó đâu có thuộc về vua? Phải mò tới quyền sở hữu mới đụng tới cốt lõi vấn đề. Sách chẳng dạy có thay đổi sở hữu mới thay đổi được thân phận đấy thôi. Giặc giã bọn ấy chính là thuộc lòng nguyên tắc vàng này…

Cái Thiện trên sới vật do đó đã trở thành một quyền uy tồn tại độc lập mà nhà vua thấy ghét. Cố nhiên ở nhà vua, cái ghét trước tiên đều phải dính dáng đến một mặt đen tối nào đó về an ninh.

Vùng đất, nhân khẩu, ta thôn tính như bỡn cả nhưng sao ta không thôn tính được cái Thiện? Nhà vua lại đêm đêm thao thức vấn nạn này. (Cái thuật ngữ này bọn chuyên gia chúng đặt ra nghe lâu lại thấy như có tí triết học kỳ bí nên ngài cũng dùng nó.) Ngài biết tất cả “vấn nan”chỉ nằm ở khâu đăng ký. Cái này quan trọng vô cùng vì đăng ký là gắn liền ngay với sở hữu. Có những kẻ cả đời không hề đăng ký cái gì: hai bàn tay trắng mà cả đến mồm cũng trống không! Bây giờ làm sao đăng ký được vương hiệu vào cái Thiện là xong hết. Cọp dữ ta trói lại đánh số vào mông rồi nhốt cũi dễ ợt nhưng chưa ai mách được ta cách cộp quốc ấn vào cái Thiện để vương triều hoá nó. Không nằm trong túi ta, nó là đứa lêu lổng, vô kỷ luật khó trị và như vậy xét cho nghiêm thì nó chính là kẻ đang trắng trợn phạm pháp. Theo ý vua, nó phải được hợp pháp hóa mà muốn thế thì không gì bằng cho nó mang vương hiệu! Thiện là vua, vua là thiện. Đẹp biết bao! Nhưng nó như không khí cứ đang nhởn nhơ, chẳng chịu kiểm soát quản lý của ta. Không, không khí, cái thứ nhởn nhơ nhất này, ta vẫn trị được cơ mà. Treo cổ thằng đang sống lên thì tức là bóp chết không khí ở trong người thằng khốn kiếp ấy rồi còn gì? Nhà vua lắc đầu. Nếu như hoà đồng được ta với cái Thiện trên sới vật? Đứa nào hôm nọ nói ta tài trí lấp được biển là nói láo. Có mỗi khoảng trống giữa ta và cái Thiện mà còn chưa khoả bằng được nữa là.

Thế nào rồi tư duy mãi nhà vua lại đã nghĩ ra diệu kế.

Con yến lần này cười ròn tan, óng ánh hơn lần trước khi thông qua diệu kế quốc vương hoá cái Thiện. Theo mẹo này từ nay cái Thiện dứt khoát thuộc về nhà vua, thuộc về danh nghĩa, thuộc bằng xương bằng thịt. Thậm chí mang diện mạo vua!

Cố nhiên chỉ Thống quản đặc vụ, Thống quản vật mới được vua rỉ tai cho biết diệu kế này. Kẻ nào để lộ ra thì hết chỗ đội mũ, vua nghiến răng lại báo trước cho hai người.

*

* *

Cả kinh thành xôn xao: có đô mới tài quá! Lên sới là thắng! Đô Tuột chăng? Không, Đô Tuột từ năm cấm vật đã thề bỏ sới rồi mà? Người ta tìm Đô Tuột:

- Mừng đô giải nguyền, chúng tôi mừng lắm!

Hỏi cho đỡ thấp thỏm thôi chứ người hiểu vật nhận thấy ngay cách vật của đô mới này không giống cách của Đô Tuột chút nào. Còn bị hỏi như thế thì Đô Tuột buồn quá. Sao ông lại bỉ báng môn vật thiêng liêng bằng lối vật nhố nhăng như thế được nhỉ? Nhưng dần dà ông không thể không chột dạ. Vật nhố nhăng mà sao cứ toàn là thắng hết! Đô thua xuống sới, kể cả những đô từng nghiêng ngửa với Đô Tuột, cũng đều lắc đầu nói không vật lại được, giỏi thật đấy, chớ để cho cái bề ngoài không thành bài thành bản quen thuộc kia nó lừa… Đô Tuột nghĩ bụng chắc là một tài nghệ xuất chúng từ phương nào đến cố tình giấu mặt, ẩn tên! Ông bắt đầu thấy ngứa ngáy…

Ông đến Thống quản vật xin ghi tên lên đấu với Đô Thiện thắng liền suốt vài tháng nay.

- Tôi giải nguyền từ hôm nay, ông nói.

- Bỏ nghề lâu rồi, thượng đài e có liều lĩnh không? Ông tiếng thơm còn vang, phải chăng nên làm kẻ tri giả rút lui đúng lúc để giữ được vẹn tròn chứ kẻo có khi mất hết.

- Tôi rời sới không rời nghề. Ngày còn ba bữa ăn ngày còn ba bữa tập. Còn dạ xin thưa lại, con nhà võ là vốn phải liều. Tiện đây xin mạn phép…

Chưa dứt lời đã xoạc cẳng, vươn tay quàng lấy chiếc cóng đại đựng nước mưa giữa sân dinh nhấc bổng lên, đảo một vòng quanh người rồi hạ xuống, nước trong cóng không sớt ra ngoài một giọt.

Thống quản hẹn ba ngày sau trả lời.

Tức tốc báo vua.

- Sao tái mặt? - Vua hỏi.

- Bẩm hoàng thượng, Đô Tuột xin thượng đài.

- Cho thượng, hẹp hòi làm gì.

- Dạ, tên này lưng mềm khó tóm mà đầu cứng khó bảo.

- Lưng mềm… Vua ngạc nhiên, cái bản lề định hạng nhân cách này mềm là tốt quá chứ còn gì?

- Lưng hắn có thể thót lại nhỏ bằng cái chét tay rồi trườn đi như rắn khỏi mọi thế khoá do đó hắn có tên là Đô Tuột.

Vua trầm ngâm. Khó không phải vì lưng mềm. Khó vì đầu cứng chứ! Ngài bèn hỏi kỹ tính khí, gia cảnh Đô Tuột. Con cái đều làm ăn xa, sống cùng bà vợ hiền lành, nhút nhát. Để thật yên tâm, nhà vua đòi phải đưa ra thật nhiều bằng chứng về chỗ nhút nhát, hiền lành của bà Đô Tuột. Khi nắm chắc rồi, nhà vua ra hiệu bảo Thống quản vật dịch cái tai của hắn lại bên miệng mình.

*

* *

Bao lâu trở lại sới, Đô Tuột khá xúc động. Nhưng rồi khi giây phút náo nức qua đi, đứng trước Đô Thiện trên sới, ông chợt thấy thấp thỏm. Tại sao bắt được tia mắt đối thủ sau mặt nạ, ông lại thấy người lảo đảo? Bùa phép ư? Ông thoáng nghi và khẽ vặn người. Thì liền chột dạ. Lưng ông cứng như bị vài miếng mo nang cạp chặt.

Sau bái tổ, hai đô vào cuộc. Thiện đàng hoàng tiến đến. Thế vật đứng thẳng băng này Đô Tuột chưa thấy ở ai. Người này là thế nào? Tài nghệ thật ra sao? Đô Tuột thầm hỏi thì cùng lúc thấy đầu váng, chân nhủn. Cùng lúc nhận ra chữ vương: ba vạch ngang đỏ lòm và một vạch dọc chia đôi ở giữa trán đô mang mặt nạ Thiện. Đô Tuột hơi mỉm cười. Đã lên sới thì trong con mắt ta, vua cũng chỉ là thằng đóng khố, ta sẵn sàng cho một ngoéo cẳng ngã lăn cu lơ.

Nhưng Thiện đã vươn tay ra túm lấy tay Đô Tuột giật mạnh trong lúc quét chân vào cẳng Đô Tuột. Miếng trẻ con đùa nhau, Đô Tuột nhếch mép rồi giơ tay quàng cổ đối phương thì đổ kềnh, giữa tiếng reo như sấm của người xem. Người ta reo hò Thiện thắng nhưng người ta cũng hỏi nhau:

- Tư thế bái tổ đúng là Đô Tuột nhưng mới vào đã ngã thì không phải. Hay là Đô Tuột hết thời thật rồi.

Đô Tuột về nhà khá hoang mang. Ông chưa bao giờ thua. Mà lại thua thảm thế này! Ông ôn lại keo vật quá ư chớp nhoáng, cố nhớ lại sơ ý của mình ở chỗ nào. Nhưng ông chỉ thấy mung lung, mờ mịt. Thua đúng hay oan? Còn lại câu hỏi cay đắng. Nhưng người lớn mà kiện tụng thì ra làm sao?

Mỗi đô được đấu ba lần để cho thật công bằng.

Trận thứ hai Đô Tuột thua nốt. Cũng nhanh, cũng ấm ớ như lần trước. Rất khó hiểu, thậm chí Đô Tuột đã có chiều lo lắng. Đụng phải một quái chiêu rồi hay sao? Ông tự hỏi thầm.

Người ta chất vấn ông. Ông chỉ biết nói Đô Thiện này có lẽ ra từ một lò lạ lắm, các miếng các thế xuất ra nom chênh va chênh vênh cứ như thuyền thúng gặp sóng lớn vậy mà lại lợi hại…

Ông nói đúng nhũng gì ông nghĩ. Chỉ giấu một điều là ông bắt đầu ngờ vực. Đó là lên sới thì váng đầu, cứng lưng, mềm oặt giò mà về nhà, ngay trong hôm đó, tất cả lại bình thường.

Ông ngoi ngược lên từng việc ông làm một hai ngày trước khi lên lại sới. Vẫn từng ấy nếp cũ bấy lâu. Nhưng mà… nhưng mà…, ông chau mày. Mà kìa, có phải cái ấy là sự lạ không? Tự nhiên như có một làn khói vụt tan đi ở trước mắt ông.

Sự lạ ấy là bàn tay người vợ. Bàn tay đưa cho ông bát nước chè xanh, thứ bao giờ ông cũng uống rồi mới đi ra sới, bàn tay ấy hai lần đưa bát chè xanh đều run rẩy.

Mà phải rồi! Chè có vị lợ, ông ngẩn ra nghĩ lại…

Trước phiên vật thứ ba ngã ngũ, Đô Tuột hỏi vợ:

- Sống làm vợ tôi bà biết tôi nặng duyên nặng kiếp với vật, với vợ, với con. Đôi khi tôi có đa mang hơn với vật. Hôm nay tôi xin lỗi bà, nhân thể hỏi luôn có phải bà đang muốn cho tôi tuyệt đường vào sới hay không?

- Tôi nỡ nào…

- Tôi chưa thua như thế này bao giờ.

- Ông buồn tôi biết. Bà rơm rớm nước mắt nói.

- Chả hiểu sao thua? Bà biết gì bảo tôi với.

- Cả đời tôi một lòng với ông, với các con nhưng bây giờ… nhưng bây giờ ông thua tôi lại mừng…

- Phải là đáng thua cơ chứ, đằng này…

- Thua đáng lắm đấy, ông ạ.

- Bà bảo là đáng? Mắt Đô Tuột tròn xoe.

- Đáng mạng mấy bố con ông. Với tôi cái ấy là đáng hơn cả.

Bà vợ kể đầu đuôi.

Triều đình đã gặp. Đòi bà giúp một tay để Đô Tuột thua. Nếu bà không ưng thì mạng chồng con bà và của cả bà nữa chớ hòng nguyên vẹn. Đây là ý vua, bà hiểu chứ? Làm thế nào ư? Dễ thôi. Thuốc mê đây, chỉ gây choáng váng một lúc rồi đâu lại hoàn đấy. Không, nếu nghe lời thì không phải đâu hoàn đấy mà sẽ khác… khác nhiều… những thứ bà không thể ngờ đến được đâu…

Đô Tuột im lặng mấy ngày. Suy nghĩ lung.

Sáng hôm đấu keo thứ ba, khi vợ đưa bát chè xanh ra, ông nói:

-Tôi biết ơn bà đã nói tất cả ra. Hôm nay bà cho phép tôi không uống. Không uống nhưng nhà này vẫn vẹn toàn vì tôi vẫn xin thua, tôi hứa với bà. Cho tôi trước khi được thua vạch mặt đối thủ ra xem nó là ai rồi cho nó dăm ba đường lễ độ…

*

* *

Đô Tuột tìm ánh mắt đối phương sau khe mặt nạ. Tia đắc thắng của nó khiến ông ghê tởm. Hèn hạ! Ô danh làng vật! Ông khẽ vặn lưng. Cơ bắp như những sợi chão bện bằng rễ đằng la tía trói cọp nằm im thin thít trên rừng liền nổi sóng. Ông vào sới. Bái tổ. Hai tay múa như rồng vàng dồn khúc trong mây, thân người uy nghi như bài vị sơn son thiếp vàng trong đền miếu.

Đối thủ quen mui cứ thế tiến thẳng tới, lừng lững như con gấu ngựa. Toan hạ ông rất nhanh. Liều thuốc mê hôm nay nặng hơn hai lần trước, hắn biết. Đô Tuột vờ hoa tay rồi như chớp chộp cứng lấy hai cổ tay hắn. Ô hay! Bấy, nhão, bệu mỡ… Thế mà láo xược, dám làm nhục ta hai phen…

Đối thủ quá tự tin, không cần biết Đô Tuột nghĩ gì. Hắn giật phắt cổ tay ra rồi cứ thế xô vào choàng hai tay vào lưng Đô Tuột, cơ địa lợi hại nhất của ông. Đợi cho đối thủ xiết chặt tay lại nghiến răng ghì, Đô Tuột mới thình lình thả cho cơ bắp lưng ông chùng hết lại và thoắt một cái ông đã lẻn được ra đằng sau đối thủ, hai tay ôm lấy quanh bụng hắn. Thật là còn dễ hơn vật trẻ, ông thầm nghĩ, có phần ngao ngán, tiếc công lên sới dính vào một chuyện tầm phào. Như mọi lần, hễ đã ra được sau lưng đối phương và khoá lại thì cho ngã chổng kềnh. Nhưng hôm nay, ông nhả khoá, khẽ vỗ vào vai đối thủ. Hắn gầm lên tức tối, quay lại nhào vào ông như muốn vồ mồi, ôm chặt lấy ông. Ông lại trườn khỏi hắn ra đứng ở sau lưng và lần thứ hai vỗ vai gọi hắn. Sang đến lần vỗ vai thứ ba, chuẩn bị chấm dứt trò mèo vờn chuột, ông khẽ nói vào tai đối thủ: “Bấy lâu thuần dựa tà quyền, hôm nay thì nếm mùi chính quyền Đô Tuột này!”.

Miệng nói tay bốc đối thủ lên, đặt hắn nằm úp sấp xuống mặt sới rồi thong thả nằm đè lên người hắn.

- Mày muốn chết cả nhà sao, thằng khốn? Lời dọa nạt láo xược thốt ra ở miệng đối thủ.

Người Đô Tuột như muốn vỡ toang. Ông vận khí làm cho thân thể nặng ngang một quả non bộ bày chật một gian nhà rồi ông cảm thấy người đối thủ bẹt dần xuống cùng tiếng xương kêu răng rắc. Cùng cả tiếng đối thủ rên rỉ:

- Ôi, ta chết mất, ta đau quá, ta không thở được… Thằng kia, sao ngươi dám hỗn láo với quốc vương? Đô Tuột, hãy mau để cho ta quật ngã, để cho ta thắng… ta sẽ trọng thưởng… còn không…

Đô Tuột rợn người. Máu như đông lại. Ông đã rắp sau khi nhận ra đối thủ là ai và cho hắn vài đường lễ độ rồi ông sẽ thua như bàn với vợ. Ông ngỡ đối thủ là một viên võ tướng háo danh nào, ai ngờ! Ôi, vua trăm họ! Ôi, đấng cầm cân nảy mực của muôn dân! Ôi, vầng nhật nguyệt soi rọi sơn hà xã tắc! Sao lại chính quốc vương làm ô uế chữ văn chữ lễ? Ta ô uế theo ư?

Trong ông tràn ngập một tuyệt vọng. Đúng hơn, một tan hoang.

Ta buông quốc vương rồi giữ riêng bí mật này cho ta? Theo gót các đô trước chứ? Thảo nào đều võng lọng xênh xang, lên xe xuống ngựa…

Người xem nín lặng thấy Đô Tuột đứng dậy, quắp Đô Thiện cho nằm ngửa mặt về đằng trước rồi một tay bóc tấm mặt nạ Thiện ra ném xuống đất.

Đám đông chết cứng. Liền sau đó tiếng reo hò bật lên:

- Vua!

Toàn kinh thành rền vang niềm vui chưa từng bao giờ có. Lần đầu tiên dân mừng Thiện thua lấm mặt.

*

* *

Đêm ấy Đô Tuột bị xử trảm. Phạm tội lợi dụng xới vật vi phạm luật bảo mật quốc gia.

Một làng hẻo lánh nhặt ông về chôn cất rồi thờ ông làm thành hoàng.

Bà vợ Đô Tuột cứa cổ chết ngay đêm ông bị chém. Bằng mảnh sành bát nước chè xanh bà đập vỡ khóc chồng.

Trước đình Đô Tuột có một đầm nước trong xanh leo lẻo. Đất chỗ vợ ông đập cái bát đã sụt xuống mà thành. Bà sẽ luôn được ở bên ông để đưa bát nước chè xanh cho ông ra xới…

Những đêm trời tĩnh khí, người tĩnh tâm, nghe thấy đất quanh đầm rung chuyển. Dân nói những nỗi oan rèn quân diễu binh trong lòng đất.

T. Đ.

1991