Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2022

Lục chồng tư liệu cũ: Thư của nhà văn Nguyễn Khải ngày 1-9-1988 gửi Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam

Lời dẫn của Bùi Minh Quốc:

Trong quá trình chuẩn bị đại hội lần thứ 4 Hội Nhà văn Việt Nam (họp vào tháng 10.1989), Ban thư ký Hội gửi đến các hội viên bức thư của nhà văn Nguyễn Khải viết ngày 1.9.1988 gửi Ban chấp hành Hội.

Tôi nhận được một bản bức thư ấy và còn lưu gữ trong cặp tư liệu, nay đưa lên đây để mọi người tham khảo. Xin mạn phép gợi ý: đọc xong thư cũng nên đọc luôn “Đi tìm cái tôi đã mất” mà nhà văn Nguyễn Khải viết lúc cuối đời.

THƯ CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN KHẢI GỬI HỘI NGHỊ LẦN THỨ 7 BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1-9-1988

Thưa các anh các chị trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn thân mến

Tôi tự biết là rất có lỗi vì không ra dự cuộc họp của Ban Chấp hành lần này nhằm xét duyệt hàng loạt công việc chuẩn bị cho Đại hội nhà văn lần thứ tư. Một phần vì tôi đang đau bệnh, phần nữa vì một lý do mà tôi sẽ xin nói rõ ở cuối thư.

Trong kỳ họp lần trước, Ban Chấp hành đã Quyết định bổ sung tôi vào Ban Thư ký để thêm người lo việc chuẩn bị Đại hội. Tôi đã vui vẻ nhận nhiệm vụ, dầu tôi vốn rất lười, lại không thạo việc tổ chức, quản lý. Vì bầu không khí chính trị chung đã rất thoáng, có thể bày tỏ, bàn bạc, tranh luận về nhiều chuyện xưa kia vẫn bị xem là cấm kỵ. Lại thêm hai ngày gặp gỡ giữa đồng chí Tổng bí thư của Đảng với hơn một trăm anh em văn nghệ sĩ. Sau đó ít lâu là nghị quyết của Bộ Chính trị về văn hoá văn nghệ. Trong tình hình ấy, mỗi chúng ta có quyền hy vọng vào chính mình, vào văn học và vào sự cải tổ Hội Nhà văn theo tinh thần mới.

Tôi ra làm việc ngoài Hội đã được hơn năm thì một nửa đầu là rất thuận. Tuần báo Văn nghệ đã được tổ chức lại, Ban chuẩn bị cho Đại hội đã được thành lập và hoạt động khẩn trương, Ban thư ký Hội đã có nhiều cuộc tiếp xúc với hội viên tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và nhiều nơi khác để xin ý kiến anh em về sự chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội.

Những tháng gần đây thì tình hình không còn được tốt đẹp nữa, có sự không nhất trí ngày một nghiêm trọng hơn giữa bộ phận thường trực của Ban Thư ký với đồng chí Tổng biên tập của tuần báo Văn nghệ. Tuần báo Văn nghệ là diễn đàn chính trị và nghề nghiệp của Hội ta, là tiếng nói chính thức của toàn Hội đối với những nhiệm vụ chính trị của đất nước cũng như những công việc hàng đầu của Hội. Cho nên sự nhất trí giữa Ban phụ trách báo và Ban Thư ký Hội phải là hoàn toàn. Sự trục trặc đầu tiên là tờ báo đã ghi lại và cho đăng lời phát biểu miệng của tôi tại cuộc thảo luận bàn tròn do báo Văn nghệ tổ chức mà không hề xin phép và cho tác giả xem lại bài ghi, gây nên những xôn xao đáng tiếc trong nhiều giới bạn đọc. Trong thời gian đồng chí Tổng biên tập đi công tác, tôi đã phải xét duyệt một số bài, chính tôi đã đề nghị cắt bỏ một số câu của một bản tham luận đã được tác giả xem lại và đồng ý cho đăng. Vì nói trong một cuộc họp hẹp cả mọi người đều hiểu nhau thì được, nhưng đăng lại trên báo cho công chúng rộng rãi đọc lại chưa hay vì nó chưa được diễn giải đầy đủ. Đó là trách nhiệm của người làm báo với tác giả, với bạn đọc. Tôi đề nghị đăng bài Nói thêm, báo có đăng nhưng không có lời cáo lỗi. Ai bị hiểu lầm người đó rán chịu, Ban biên tập đứng ngoài. Tôi cũng bỏ qua. Báo không xin lỗi, nhưng người ghi bài và là một cộng tác viên thân thiết của báo thì viết thư bỏ ngỏ chửi rủa tôi thậm tệ. Đọc xong thư tôi kết luận: đã có chia rẽ, có phe nhóm thực sự trong Hội, và sự chia rẽ này có thể đã được đánh giá từ đâu đó là tự nhiên, là bình thường. Tôi có viết thư gửi lên Ban Văn hoá văn nghệ. Trong thư tôi có nói là tờ báo Văn nghệ phải chịu sự lãnh đạo của Ban thư ký, không nên biến nó thành tờ báo của Ban Văn hoá văn nghệ, lại càng không nên là một Hội Nhà văn nhỏ, như thế là nguy hiểm, là gây sự chia rẽ, bè phái trong Hội, sẽ rất không tốt cho sự chuẩn bị Đại hội.

Ngày 21-5-1988, văn phòng Trung ươnng Đảng gửi công văn cho Ban thư ký Hội, đồng gửi Băn Văn hoá văn nghệ yêu cầu Ban thư ký Hội báo cáo bằng văn bản với Ban Bí thư về công việc chuẩn bị Đại hội nhà văn. Có anh nói việc báo cáo này là không bình thường. Tất nhiên là rất không bình thường – Trong lần gặp anh Trần Độ vào ngày 7 tháng 5, tôi có nói thật những lo lắng của tôi về tờ báo của Hội. Tôi nói: “Cái khuynh hướng quá khích của tờ báo những số gần đây là rất đáng lo ngại trong cái không khí oi ngạt vì nạn đói, vì những tệ lậu xã hội chưa được sửa chữa kịp thời. Nếu có chuyện gì xảy ra thì Hội Nhà văn sẽ phải lãnh đủ”. Trong lần gặp thứ nhất giữa Ban bí thư với bộ phận thường trực của Ban thư ký Hội, có đồng chí đã nói thẳng: “Nếu có chuyện gì, chúng tôi chỉ hỏi các anh thôi. Ban thư ký phải chịu trách nhiệm về mặt chính trị của Hội, của tờ báo trước Ban Bí thư”. Thế là rõ. Cho nên tôi không thích người khác thì làm, còn chúng tôi phải đưa đầu ra chịu trách nhiệm. Tôi cũng không thích bỗng nhiên có nhiều ông cố vấn, nhiều ông quân sư, nhiều ông Mạnh thường quân chạy vòng quanh Hội, vòng quanh tờ báo của Hội với những lời lẽ xu mị về cái thiên chức cao cả của các nhà văn. Hình như họ muốn nhờ chúng ta nói hộ điều gì đó, viết hộ điều gì đó. Nhưng nguyện vọng sâu xa nhất của họ là gì? Cho tới hôm nay mỗi lần nghĩ lại một vụ án văn ba mươi năm trước, thường vẫn gọi là vụ án “Nhân văn – Giai phẩm”, tôi lại thương cho cái thân phận nghệ sĩ của chúng ta. Những nghệ sĩ chân chính không bao giờ có tham vọng về chính trị, về quyền lực, họ chỉ có một mong muốn được hít thở trong bầu không khí tự do, được sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật tự do, là một nguyện vọng rất chính đáng. Nhưng những người lãnh đạo văn nghệ của thời ấy chưa thể thông cảm nổi. Nên đòi cũng không có. Bỗng nhiên có một nhà làm chính trị, cũng là dân làm văn làm báo của Đảng từ trước cách mạng, nhưng đã mất ngôi, mất quyền, liền đứng ra tổ chức một tờ báo cho những nghệ sĩ ham chuộng tự do được tự do bày tỏ nỗi niềm. Mình thì nói tự do về nghệ thuật, họ thì nói tự do về chính trị, họ muốn giành quyền, muốn đòi quyền, nhưng tự họ không thể làm được những chuyện đó, thân phận họ tầm thường, tài nghệ thì vớ vẩn, tập hợp sao được dư luận và công chúng, nhất là công chúng của chúng ta, mượn cả tiếng kêu thống thiết đòi tự do để sáng tạo của chúng ta nữa. Nhà chính trị ấy là ông Nguyễn Hữu Đang, ông ấy mới là linh hồn, kẻ xúi giục và tổ chức ra mọi sự của cái thời ấy. Mưu mô bị vỡ lở, kẻ chủ mưu phải ngồi tù, mấy anh em mình không phải ngồi tù nhưng bị treo bút mấy chục năm. Còn đau đớn khổ cực hơn cả đi tù. Mấy ông chính trị thất thế, lắm tham vọng, lắm mưu mô, có đi tù tôi cũng không thương. Chỉ thương anh em mình lòng trong dạ thẳng, nông nổi thơ ngây, cứ nghĩ bụng dạ họ cũng như mình, nào ngờ họ lại nghĩ ngợi sâu xa đến thế.

Lại thêm một kinh nghiệm nữa, của riêng tôi thôi. Năm 74, một nhà chính trị đương quyền có nhờ tôi viết một loạt bài chống cách sống tiêu cực, góp phần xây dựng một cách sống thật cộng sản. Tôi nhận lời ngay, và đã viết một loạt bài báo trong tâm trạng hào hứng và xúc động. Vì nó cần thiết. Vì nó thoả lòng. Bỗng dưng bài gửi tiếp không được đăng nữa, những bài đã đăng được các cơ quan có trách nhiệm duyệt xét lại, và tôi trở thành tên cầm đầu của một nhóm “Nhân văn – Giai phẩm” gì đó, nhưng nguy hiểm hơn là đã lấy chính báo Đảng để để làm diễn đàn để truyền bá tư tưởng chống đối của mình. Người phê phán tôi gay gắt nhất là người đã yêu cầu tôi viết bài. Tôi không nói lại một lời nào, cũng không oán giận một ai cả. Mỗi người một nghề. Phải thông cảm với những người làm nghề khác. Họ đâu có ý phản mình. Chẳng qua cái nghề ấy buộc phải có cách xử sự ấy. Nhưng tôi tự thề với mình là từ nay chỉ viết bằng vào sự suy nghĩ độc lập của chính tôi, không nghe lời dẫn dụ của bất cứ ai, cho dù là người mình vốn rất quý mến. Mình là người tử tế, chẳng lẽ những suy nghĩ riêng lại không tử tế hay sao? Tôi không thích một lần nữa Hội Nhà văn và lãnh vực văn nghệ lại trở thành trận địa quyết chiến của mấy ông lắm mưu tranh bá đồ vương. Tôi không nói vu đâu, cái sự chửi bới, bôi nhọ, vu khống tất cả những ai dám nói ngược, viết ngược, đe doạ ra mặt, hoặc bắn tin đe doạ bất cứ ai bất cứ ai tỏ vẻ lạnh nhạt, hoài nghi, cái sự tàn sát, tận diệt, gây một không khí căng thẳng hung bạo ấy là sặc mùi chính trị. Cứ bảo văn nghệ với chính trị phải chia ra, không được nhập làm một, chúng ta chỉ làm có văn nghệ thôi, nói thế là chính trị lắm đấy, chính trị từ gót chân đến đỉnh đầu, vì những người hò hét phải xua đuổi chính trị ra khỏi văn nghệ lại rất thích nắm quyền, rất thích quyền lực, nói ra miệng chứ không phải nghĩ thầm, mà quyền lực là mục tiêu cao nhất của chính trị rồi. Rõ thật là cái vòng luẩn quẩn!

Thêm nữa, chỉ trong phạm vi của Hội ta thôi, suốt mấy chục năm qua, hễ lúc nào có lắm sự ồn ào, hò hét, đe doạ, tung hô là y như lúc đó có lắm sự nhảm nhí. Chẳng liên quan gì đến những lo lắng đích thực của người cầm bút. Hận thù, oán giận ghen ghét chỉ sinh ra những tính cách ti tiện chứ không thể tạo nên một sự nghiệp văn chương. Một lần nữa, với mấy anh em muốn mượn Hội Nhà văn để xây mộng công hầu, tôi xin có lời kêu gọi khẩn thiết: “Hãy buông tha chúng tôi, đừng xúi giục anh em tôi đánh lẫn nhau nữa, đừng quấy nhiễu chúng tôi, đừng lợi dụng chúng tôi!”.

Thưa các anh các chị

Trên đây là những bày tỏ chân thực của tôi về những rối ren hiện tại của Hội ta trước ngày vào Đại hội. Tờ trình là báo cáo tập thể của Ban Thư ký, về thực chất vẫn còn rụt rè lắm, là muốn cố giữ sự êm đẹp trong việc giải quyết các mối quan hệ. Mà nào có được. Sự công kích vẫn tiếp tục, bây giờ là chửi rủa, vu khống những người đã ký tên vào tờ trình. Vẫn là lấy sự hung dữ, sự to tiếng làm vũ khí chính. Và không một ai dám ngăn cản. Kể cả Ban Văn hoá văn nghệ, là nơi phải bảo vệ tính đúng đắn của tờ trình đã được tập thể Ban Bí thư nhất trí, cũng không ngăn cản. Mũi tên đã đặt trên rãnh nỏ, không thể không bắn đi, bất chấp ý muốn của người cầm nỏ. Thêm một mũi tên nữa đã lao đi rồi. Đó là truyện PHẨM TIẾT. Đọc xong nghĩ cứ buồn. Lúc mở đầu thì cao sang là thế, bây giờ lại tự hạ nhơ nhớp đến vậy sao?

Thưa các anh các chị

Mấy trang thư này đồng thời cũng là tờ trình của một cán bộ của Hội đã được Ban Chấp hành uỷ nhiệm lo phần việc chuẩn bị cho Đại hội. Nếu tờ trình này sai với sự thật, tôi tình nguyện xin Ban Chấp hành cách chức tôi ra khỏi chức vụ Uỷ viên Ban Thư ký. Tôi không ra họp là có ý để các anh các chị được bàn luận thanh thản về trường hợp của tôi, khỏi phải phân vân nếu như tôi có mặt. Còn nếu nó có thể là một căn cứ cho một cuộc thảo luận nghiêm trang thì phải chấm dứt mọi hoạt động phi văn học, phi nghề nghiệp đang làm rối loạn những lo toan đích thực của mỗi chúng ta về nghề văn, và những công việc của Hội Nhà văn, trong một tình hình mới.

Xin kính chúc kỳ họp lần này của Ban Chấp hành thành công tốt đẹp. Xin kính chúc các anh các chị có nhiều sức khoẻ.

Kính Thư

Nguyễn Khải.

Ghi chú của Bùi Minh Quốc:

Cuộc họp ngày 15 tháng 9.1988 của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã “thành công tốt đẹp” đúng như lời chúc của nhà văn phó tổng thư ký Nguyễn Khải với nghị quyết phê phán báo Văn Nghệ “lệch lạc nghiêm trọng” dẫn đến việc mất chức của hai nhân vật đi đầu trong Đổi mới là Tổng biên tập báo Văn nghệ Nguyên Ngọc và trưởng Ban Văn hoá văn nghệ Trần Độ. Hẳn bức thư của nhà văn phó tổng thư ký Nguyễn Khải đã góp phần quan trọng vào sự “thành công” ấy.