Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2022

Luận đề của một tiểu thuyết lịch sử

Hoài Nam

Có thể là hình ảnh về văn bản

Tiểu thuyết lịch sử, ở đây, là cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Hồ Anh Thái, nhan đề “Đức Phật, Nữ chúa và Điệp viên” (NXB Trẻ, 2022). Gọi là tiểu thuyết lịch sử, vì đây là tiểu thuyết được dựng trên nền một bối cảnh quá khứ rất xa, không phải quá khứ của nước Việt Nam, mà là quá khứ của Ấn Độ cổ đại, thời Đức Phật còn tại thế và đang nỗ lực hoằng dương đạo pháp. Gọi là tiểu thuyết lịch sử, vì trong hư cấu nghệ thuật này có những con người có thực, cũng như có những sự kiện đã thực sự xảy ra vào thời đó, ví như Đức Phật – Đấng Giác Ngộ, đại vương Pasenadi của vương quốc Kosala, vua Udena của tiểu vương quốc Vamsa, hoàng hậu Samavati và quý phi Magandiya của vua Udena, rồi những lộn xộn bất hòa trong giáo đoàn của Phật, ác cảm của những tôn giáo cũ trước một tôn giáo mới (Phật giáo), v.v.

Một cốt truyện hấp dẫn với bề bộn những sự kiện, những chi tiết móc vào nhau, đan dệt thành những mối quan hệ phức tạp giữa các nhân vật, tưởng là phải viết dài, nhưng nhà văn Hồ Anh Thái đã nén tất cả vào một dung lượng khá khiêm tốn, khoảng hai trăm trang sách khổ 13 x 20cm. Câu văn trong tác phẩm chủ yếu là câu kể - dưới dạng lời tự bạch và dòng tâm trạng của các nhân vật – ngắn gọn, rất ít mệnh đề phụ. Nhưng chỉ cần thế cũng đủ để tác giả phác dựng từ tiểu thuyết hình ảnh của một tiểu lục địa Ấn Độ thời cổ đại, với những liên minh chính trị rắc rối giữa các nước lớn và các nước nhỏ, những tranh quyền đoạt lợi tàn khốc chốn cung đình, những bất công xã hội truyền kiếp đẻ ra từ một chế độ phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt và vô cùng vững chắc, những thảm kịch đầy nước mắt mà người phụ nữ phải hứng chịu trong một xã hội sùng thượng nam quyền, những phong tục tập quán khác lạ trong đời sống thế tục và trong sinh hoạt tôn giáo ở một nền văn minh phong nhiêu và lâu đời bậc nhất thế giới.

Người ta có thể đọc được trong cuốn tiểu thuyết lịch sử đẫm vị “hương xa” (exotique) này những câu chuyện đời và những câu chuyện đạo. Chuyện đời, là chuyện tình yêu chung thủy của chàng võ sỹ Ekanga với công chúa Samavati, chung thủy đến mức khi Samavati trở thành hoàng hậu của nước láng giềng, chàng đã bỏ nhà đi theo, trở thành điệp viên đội lốt nhà sư Govinda, chỉ để được kín đáo ở gần và bảo vệ cho nàng. Chuyện đời, là chuyện của nàng Manju, do phải chịu quá nhiều áp bức trần ai mà đã từ một cô gái quê chất phác trở thành một nữ tướng cướp lừng danh, hiện thân của nữ thần trừng phạt Durga, kẻ cắt vật dương của bất cứ tên phú hào nào đã phạm tội cưỡng hiếp con gái nhà lành. Chuyện đời, còn là chuyện của nàng Magandiya, người con gái thuộc đẳng cấp hạ tiện đã một bước lên bà, trở thành quý phi của vua Udena, rồi đã vì ganh ghét mà xuống tay tàn độc với hoàng hậu Samavati và phải chịu một cái kết thảm khốc. (Ở nhân vật hoàn toàn là hư cấu này dường như có sự lặp lại hình ảnh của Nguyên phi Ỷ Lan trong lịch sử và dã sử Việt Nam: từ cái cách đứa con gái bần hàn dựa lưng vào cây vô ưu asoka mà hát để gây sự chú ý của vua, đến sự hãm hại tình địch không ghê tay trong chốn hậu cung. Đó là phiên bản Việt Nam trung đại trên cái nền Ấn Độ cổ đại. Một sự “viết lại” có chủ ý).

Và chuyện đạo. Thật ra, trong “Đức Phật, Nữ chúa và Điệp viên”, chuyện đạo không chỉ là những chuyện về giáo đoàn của Đức Phật – được/ bị dân chúng và các bậc vua chúa ủng hộ hay nghi ngại ra sao, sinh hoạt như thế nào ở thời kỳ mới thành lập, nảy sinh những mâu thuẫn rạn nứt gì trong nội bộ, v.v. – mà toàn bộ chuyện đời cũng đều bị hút về và hút vào chuyện đạo. Để phục vụ cho một luận đề ngầm ẩn. Rằng Đức Phật và tôn giáo giác ngộ, cứu vớt chúng sinh khỏi luân hồi khổ hải của ngài đã xuất hiện trên cõi thế, đã sẵn đấy soi đường, nhưng loài người thì muôn kiếp vẫn bất ngộ, vẫn đắm chìm trong lầm lạc u mê, vẫn bị thiêu đốt trong lửa tam muội. Không nói tới những nhân vật như vua Udena và quý phi Magandiya, những kẻ vốn coi đạo của Đức Phật là tà giáo, mà với một “nhân vật tốt” như Govinda chẳng hạn, thì tu Phật chỉ là cái áo khoác, là phương tiện để thực hiện mục đích khác. Vẫn còn nguyên đó ở chàng cái cuống rốn gắn với sự Tham: tham ăn (nhà sư mê món cá rán sông Hằng), tham dục lạc (yêu nàng Samavati và vẫn lén tới lui chốn lầu xanh). Đặc biệt là nhân vật Nữ chúa Manju. Câu thành ngữ “Buông đao thành Phật” tỏ ra vô cùng lạc lõng với tỳ kheo ni xuất thân tướng cướp này, bởi cho đến cơn hấp hối cuối cùng nàng vẫn sống trong sân hận, vẫn nuôi chí báo thù, vẫn âm mưu kéo những sinh mạng khác vào cuộc tương tàn bất tuyệt. Nói tóm lại, con người là loài không còn khả năng giác ngộ được nữa.

Từ tiểu thuyết “Đức Phật, nàng Savitri và tôi” của hơn mười năm trước đến tiểu thuyết “Đức Phật, Nữ chúa và Điệp viên” của bây giờ, có thể thấy nhà văn Hồ Anh Thái đã trả được thêm, một cách đáng kể, món nợ tiểu thuyết với lịch sử Ấn Độ cổ đại nói riêng và nền văn minh Ấn Độ vĩ đại nói chung. Không còn một người kể chuyện của thời hiện đại, kẻ lục tung và xáo trộn giữa quá khứ với hiện tại như ở “Đức Phật, nàng Savitri và tôi”, cuốn tiểu thuyết “Đức Phật, Nữ chúa và Điệp viên” này hoàn toàn thuộc về lịch sử của một quá khứ rất xa, mà càng chìm vào nó, tác giả càng hiện diện như một người hoài nghi triệt để về tương lai đạt tới đại đạo Giác Ngộ của con người.

 

Nguồn: FB Anh Tai Ho