Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

Hội chứng X.

Trần Đĩnh

Tôi mắc bệnh này quá đột ngột.

Đang họp chợt thấy tiếng gà vịt dưới chân bàn. Tôi khẽ nhòm xuống: chỉ có dôi giày da đen của tôi và ba bốn đôi dép nhựa Tiền Phong trong suốt bọc những bàn chân đang ngó ngoáy đều như nhau các cái ngón đen đủi, bẩn. Tôi nói tiếp thì lại tiếng gà vịt. Ngay dưới ghế tôi. Tôi cau mày:

- Cậu nào đấy?

- Chúng em có mang gì vào đâu, ngoài thần xác!

Đám cấp dưới nhòm cả xuống gầm bàn, gầm ghế. Chừng để chấm dứt nghi ngờ, những con gà vịt vô hình bèn cùng lúc lục cục lạc quạc ran lên. Tôi gần như hốt hoảng:

- Cái gì thế này?

Cái gì ấy, tiếng gà vịt, hình như trong nguời tôi. Vừa sợ vừa bực tôi hỏi:

- Có nghe thấy cái gì không?

- Dạ, thủ trưởng…, có… có… Tiếng gà vịt… ở… ở…

Tôi cho nghỉ ngay. Hết tâm trí họp.

Y tế cơ quan khám. Bình thường cả. Họ nói tôi làm việc quá căng. Tiếng gà vịt là sản phẩm của thần kinh quá suy nhược.

Ba ngày ở nhà vừa lo vừa buồn cuời. Bất chợt toáng lên một hồi. Mới đầu bọn con tôi thích lắm cười phá, vỗ tay họa theo. Thằng lớn vỗ tay vào mông nhảy quẫng lên kêu: “Vừa đau vừa rát, cục ta cục tác…, quạc quạc quạc”.

Tôi thấy rõ cái ngực tôi đang thành hòm cộng hưởng của một bầy gia cầm bí ẩn.

Thế này là bệnh rồi. Nhưng chưa có y thư nào nói tới thứ bệnh quỷ quái này. Và như thế là không thể chữa nổi nó! Nằm thì một là lo quẩn, hai là cố tìm ra nguyên nhân. Bệnh từ mồm mà vào, cổ nhân từng dạy. Tôi vô tình cũng lần mò theo cái tuyến cửa khẩu ít được bảo vệ chặt chẽ nhất trên cơ thể con người. Đúng thế. Mắt mũi còn có lông mi, lông mũi, tai còn có màng nhĩ, những cái khe cái lỗ khác thì kín hẹp. Vậy chẳng phải cửa khẩu này trống trải nhất không? Và quả là lạ. Nghĩ đến tuyến xâm nhập mong manh này thì tự nhiên bật ra ý nghĩ: phải chăng vừa mới cả tuần qua, không, đến phải mười ngày, tôi ăn gà ăn vịt liền tù tì mà lại với số lượng hơi nhiều đấy không? Mới đầu ý này mơ hồ vì nó phi lý. Có cơ sở khoa học nào cho việc thịt vào bụng lại chuyển hóa ra thành âm thanh chứ? Thế nhưng nó cứ lởn vởn, dai dẳng vặn tôi: - Vậy anh tìm ra một nguyên nhân nào khác đi xem!

Không đưa được cái nào khác ra vì xét đến cùng thấy nó lại là hợp lý hơn cả, dĩ nhiên trong trường hợp cụ thể của tôi. Nhưng có một khâu quan trọng trong quá trình chuyển hoá prô-tít sang âm thanh mà tôi không dám khẳng định: ấy là prô-tít này vào tôi nhờ tôi ăn nhảm. Tôi vừa xơi nhảm hai lồng gà vịt, khoảng hai chục con.

Đêm đó, chúng tôi chặn khám một xe tải tắt đèn phóng bạt mạng. Mặc còi chúng tôi, nó cứ thế nó chạy và để cản đường hay để mua chuộc không rõ nữa, nó quẳng xuống mấy lồng gà vịt. Tất nhiên phải dừng xe lại thu dọn chứ không thì đuổi tiếp làm sao? Đám cấp dưới đề xuất ngay cách giải quyết gọn nhẹ:

- Báo cáo thủ trưởng, chiến lợi phẩm tanh hôi này đem nộp cho khê người đi à. Thôi, xin để thủ trưởng hai lồng, còn ba thì chúng em.

Tôi nạt, tôi chửi tục để ngăn chúng nhưng chúng chờ tôi đi làm mới mang đến nhà tôi. Tôi biết chuyện lìền cự chúng. Chúng cười:

- Có ma mới biết, thủ trưởng. Thôi, lần sau chừa, xin hứa…

Mình tôi đoán ra nguyên nhân bệnh nhưng chả lẽ tôi dại sao mà chủ động phun ra. Có ma mới biết!

Ba hôm sau, cơ quan yêu cầu tôi đi bệnh viện, Bệnh nặng hơn. Tần suất xuất hiện âm thanh gà vịt tăng lên nhiều. Cường độ âm thanh, ác thế, mạnh lên cũng nhiều hơn. Đêm qua, vợ tôi nằm bên bỗng thì thào:

- Chúng mổ dữ quá anh ạ.

Nghĩ mổ là ăn cắp, tôi hỏi:

- Mổ ở phố nhà mình à?

- Mổ ở đây này. - Vợ tôi ấn ngón tay vào bụng tôi - Nằm cạnh em cũng còn nghe thấy. Mổ liên hồi.

Tôi thót tim gan. Cảm giác cái gì vướng víu khó chịu trong bụng bỗng cụ thể hoá thành những cái chân gà vịt, những cái chân có cứt, đang đi lại quanh quẩn trong bụng tôi. Đi nhẩn nha, vừa đi vừa mổ khe khẽ…

Thằng út mách tôi là mẹ nó đi xem hẳn hai ông thầy. Cả hai ông đều nói năm nay bố bị ông gì Bạch quét sạch cửa nhà đấy, phải cúng…

Còn tôi cứ nghĩ đến các chân gà vịt đầy cứt đi lại trong bụng. Thảo nào các cụ chửi đồ ăn bẩn. Ăn cứt đó thôi! Một cách phẫn uất tự xỉ vả có làm tôi khuây.

*

* *

Đi bệnh viện.

Ngượng nhất và khó nhất là khai triệu chứng. Các bác sĩ nghe đều phì cười. Một cô chắc thực tập sinh cúi rạp xuống cắn bút nhịn cười, hai mắt bồ câu nhìn tôi như nói: - Bác pha trò độc đáo nhất.

Tôi cảm thấy con mắt bồ câu này dễ thành thân mật nhưng lúc này tôi sợ bất cứ thứ gì dính đến gia cầm…

Đám bác sĩ cũng không biết nên hỏi tôi như thế nào. Đã có trường hợp bệnh nào như thế này ở nước ta đâu, họ dám cam đoan với tôi như thế. (Xin lỗi anh, nếu có thì lại sang khoa thú y mất rồi…). Nhưng họ cứ phải hỏi. Công an và bác sĩ giống nhau ở cái đận dò hỏi như không đâu ấy mà.

- Thế kêu thành… thành tiếng? Cúc cu cu hay thế nào? (Miệng hỏi, đầu ngón tay gập lại, bổ xuống đánh nhịp. Tôi đọc thấy trong mắt họ cái ý: bảo là kêu là oan cho , đúng ra phải hỏi anh kêu thế nào). Thế ở ngoài nghe thấy rõ? Bút múa một lúc trên quyển y bạ rồi mới hạ xuống ghi Kêu ra tiếng vịt với ba cái gạch bên dưới rất đậm.

- Thế lúc kêu thì bác tỉnh hay mê?

- Dạ, nếu mê thì có lẽ tôi chả dám phiền đến các bác sĩ.

- Thường xảy ra lúc nào? Lúc đói? Có đau, có tức, có vướng, có khó thở, có nôn nao không? Hừ, hừ… chiếu X quang thì chẳng phát hiện thấy cái gì bất thường, hừ… Được, bác cho thử kêu lên xem nào.

Khổ tôi! Đám khốn nạn này chúng hưởng quy chế tự trị. Bụng tôi là tô giới của chúng. Nhưng cô bác sĩ thực tập lại quay đi, ngỡ tôi ngượng với người đẹp.

Tôi nói tôi mất quyền kỉểm soát rồi ạ, xin phép cho tôi chờ ở đây rồi sẽ đến lúc nó giở trò, các bác sĩ sẽ tha hồ quan trắc lâm sàng. Họ nói như thế không tiện. Bệnh nhân vào khám đều phải cởi áo quần, tôi hãy về buồng nghỉ đã.

Tôi vừa ngồi xuống giường bệnh ở buồng mình thì kêu. Chắc là to vì đám bác sĩ đánh nhoáng đã xúm xít đầy đủ quanh giường tôi và tôi đã nằm thẳng cẳng ra cho họ tai nghe, tay nắn, tay ấn, tay bắt mạch, chỉ có trói nữa thôi là tôi giống y hệt giặc lái bị bắt vậy. Rồi đám cấp dưỡng, lái xe, tài vụ cũng nhào đến ghé nhìn vào. Bạn là quái vật rồi thì kỷ luật nào cũng không ngăn nổi tật hiếu kỳ của thiên hạ.

Tôi thành một tiết mục hấp dẫn. Túc trực bên tôi mấy bác sĩ, y tá. Nhiều cuộc giáo sư hội chẩn. Ba lần thử nước dãi. Năm lần soi họng, vòm miệng. Hai lần cạo lưỡi, cạo mũi. Tất nhiên soi dạ dày, soi ruột thì xoành xoạch. Tôi lo nhất là gà vịt trong tôi thuộc loại di hay ngoại, móng nó dài hay ngắn, chúng nó ỉa đái vào đâu và nhất là chúng nó ăn gì mà sống?

Nay các bác sĩ với tôi đã thành bạn thân quen. Tôi có hẳn một hồ sơ bệnh án mang dòng chữ Đề tài quốc gia và dưới nó là Hội chứng X. Tôi hỏi X là âm tiết đầu của chữ La Tinh hay Hy Lạp nào thì cô bác sĩ trẻ đẹp nói đó là chỉ ẩn số. Tôi thở dài: Gà vịt ẩn, đến bệnh cũng ẩn nốt!

Bây giờ tiếng gà vịt trong tôi ngày một mang tính cách. Của riêng từng con cũng như của cả bầy đàn. Lúc chúng phởn phơ, lúc chúng sợ hãi, lúc chúng tức giận. Tôi đã phân biệt được mấy con gà trống, con nào thiến sót hoa, con nào hay gạ mái, con nào gạ mái thì hào hiệp, con nào thì kẹt xỉn… Đặc biệt nghe tiết tấu cộc cộc cộc tôi biết được diễn biến cuộc say đắm, từ mở đầu gấp gáp đến sắp kết thúc nhỏ nhẻ, dịu dàng. Cô bác sĩ trẻ theo dõi các quá trình sinh hoạt của lũ gà vịt đã thôi đỏ mặt. Điều duy nhất làm tôi yên lòng là hiện tượng bình thản trở lại này của cô. Còn đỏ mặt là tôi rất khổ.

*

* *

Rồi tôi có bạn đồng bệnh. Nói thế cho tiện thôi chứ âm thanh phát ra ở người ông là tiếng chó béc-giê. Ông làm ở H. Q. và ông rất thạo nuôi béc-giê, giống đã được người ta suy tôn tình chung thủy. Chưa đôi hồi, ông đã thuyết trình tôi nghe gần như toàn bộ cẩm nang kỹ thuật nuôi chó cũng các thông tin mới nhất về loại đặc khuyển này. Lúc ngoạm, lực của hàm nó lên tới bao nhiêu ki lô gam trên một cen ti mét vuông. Mũi nó ngửi xa bao nhiêu? - Dạ, một cây số. Và bộ nhớ của nó thì tuyệt vời, bền đến độ kỳ diệu. Nhưng anh ơi, ông nói, cái tình cảm của nó mới ghê, xin lỗi anh, tình của nó làm gương được cho khối người noi theo.

Rồi ông ghé vào sát tai tôi nói rất khẽ:

- Anh thấy bao nhiêu thằng chỉ hôm trước hôm sau đã quay lại cắn chủ đấy…

Ông béo đỏ, ăn mặc sang trọng. May ô lụa ngoại. Giày Adidas da nai ba sọc da cam, đồng hồ đeo tay có nhạc báo thức. Nhưng lắm lúc ông lại làm tôi muốn ngã bổ chửng. Bất chợt ông “hực” một tiếng đe nẹt. Hoặc quăng ra một chập rất dữ. Tôi nhát chó cho nên ít khi dám ngồi cạnh ông.

Xem ý ông khổ não hơn tôi. Ông nói “của anh” (tức là gà vịt) nghe nó hơi nông nghiệp lạc hậu nhưng vô hại, còn “của tôi” nó làm xung quanh khiếp đảm. Ông thậm chí có lúc còn ca ngợi khung cảnh vườn trại thanh bình ở bụng tôi.

Sáng qua ông không ăn cơm. Ông thấy như có lỗi với hai cô y tá đem khay thuốc đến lấy mạch tim và đo huyết áp vào đúng lúc con quái trong ông nó “hực” một tiếng hung dữ, khiến cho hai cô y tá quăng luôn khay thuốc ù té chạy, một cô đập cả đầu vào tường…

Con người vẫn có một góc ác tâm trong hắn. Vừa ái ngại cho ông, tôi vừa phỏng đoán ông phải xơi đến bao nhiêu béc-giê thì kiểu sủa và gầm gừ đe dọa mới phong phú và đa dạng đến như thế được.

Như nhận ra ý nghĩ tôi, ông nói ông hiện tại nuôi năm con béc-giê, toàn thuần chủng alơmăng, trong đó có hẳn hai con đực, gần như dân chơi béc-giê của nửa thành phố này đến xin giống của chó ông… Mỗi lần cho giống bao nhiêu? Tôi hỏi. Một trăm đồng. Tôi ngẩn ra. Bằng lương tháng anh chuyên viên 1! Mua đâu ra à? Nói thật với anh, toàn là biếu. Tôi đã cho đi không dưới mười con, anh tính xem thời giá này thì ra bao nhiêu. Nói đến thu hoạch, ông lại tỏ ra rất khoái.

*

* *

Lại thêm một đồng bệnh, chứng một tuần sau. Hội chứng X. đã thôi là trường hợp cá biệt.

Ông mới đến này làm ở Cục Th. Chưa ra mắt ông đã gây chú ý.

Đúng hơn là gây bực rồi gây cười tiếp liền nhau.

Hai giờ chiều, hành lang yên tĩnh bỗng ầm ầm tiếng xe máy nổ chạy về phía buồng chúng tôi. Rất to, chỉ thiếu có mùi xăng. Tất cả người bệnh, nhân viên y tế đều giận dữ ngó ra xem kẻ nào mà ngang tàng như vậy. Thì “xe” ầm ầm tới cửa phòng bệnh hai chúng tôi mắc Hội chứng X. Ông bạn lập túc thanh minh và xin lỗi ông không ngăn được nó! Nó cứ thế từ trong bụng ông mà phát ra. Trong khi ông thanh minh, tiếng máy nhẹ dần nhưng thay vào đó là tiếng còi bấm pin pin lia lịa – hệt cảnh chủ về đến nhà gọi cổng.

Âm thanh sinh học đã có thêm âm thanh cơ khí. Bệnh chứng đang phong phú, đa dạng thêm lên. Thế này rồi sẽ còn nhiều bạn đồng bệnh nữa đây! Thế giới có AIDS, ta khéo có cái hội chứng khỉ này.

Ba chúng tôi một phòng, phát thanh loạn xạ, khi tréo ngoe khi hiệp đồng. Có đêm cùng lúc gà vịt kêu, chó sủa, xe nổ rú hết cỡ. Y tá vào phát cho mỗi kẻ phá quấy hai viên thuốc ngủ mạnh. Ngủ nó im, hôm sau nó truy kêu, truy sủa, truy nổ nhưng dẫu sao ban ngày vẫn dễ chịu đựng hơn. Ba chúng tôi ngao ngán bảo nhau: Nếu thành một dịch lớn ở trong nước thì khéo cả nước đành ngừng sản xuất, công tác vì lúc ấy khắp nơi sẽ biến thành một cái chợ mất trật tự nhất.

Sâu xa đằng sau mối lo này là một chờ đợi gần như pha chút an ủi: không nói ra, ba chúng tôi biết rất rõ không phải chỉ ba chúng tôi ăn nhảm. Căn bệnh này nó phát tác dữ nữa thì cháy nhà ra mặt chuột ráo…

Chưa tới một tuần lại thêm người bệnh thứ tư. Ông phát ra âm thanh điện tử thì kiểm soát được âm lượng cho nên có khi nó tác quái mà chúng tôi không biết. Ngỡ ông mở một cát xét con con nào trong túi ngực ông. Ông làm ở Bộ N. đi nước ngoài còn nhiều hơn tôi ra hồ Hoàn Kiếm. Vật dụng của ông toàn là đồ tí hon mà đa năng: cây bút viết mà kiêm đồng hồ, đèn pin, la bàn, bật lửa, dao cạo râu, bàn chải, lược…

Ông ít lời. Vào buồng là nằm kềnh ngay ra, lim dim mắt nghe mê mệt những tiếng nói thì thầm cất ra từ bụng ông. Chúng tôi không thể ghé tai vào tận nguồn phát âm thanh để dò ra chúng nói gì được.

Nhưng bác sĩ đến khám thì chúng tôi vỡ lẽ. Phát ra ở người ông là tiếng nói trong các đĩa video, thứ sang trọng cao cấp chúng tôi không dám mơ tưởng đến. Và chúng là những phim con heo tục tĩu hết xảy. Âm thanh này cũng cao cấp hơn âm thanh súc vật, máy móc ở chúng tôi. Nó có cố sự, có tình tiết, có dàn cảnh, có cao trào và thoái trào… chứ không thô thiển ở dạng nguyên sơ như các “sản phẩm” hạng bét của chúng tôi.

Rất phiền cho các bác sĩ y tá theo dõi bệnh trạng của ông. Càng thăm khám, mặt mũi càng đỏ bừng lên, nhất là các bác sĩ, y tá nữ. Họ cố giữ cho xa nguồn phát âm thanh và tư thế ý tứ này bắt đầu mang nét hài kịch trong khi ông phim con heo lại tựa hồ quên hết tất cả xung quanh, cứ nằm lim dim, hai ngón chân cái và cạnh vặn xoắn vào nhau ngỡ như đang muốn giằng đứt nhau ra.

Biết ông chẳng thiết “bí mật”, tôi hỏi ông:

- Cả caméra lẫn đầu đọc, màn hình bao nhiêu tiền?

Ông chỉ chỉ vào bụng ông xe máy:

- Bằng năm cái kia!

Những ngày điều trị vô vị không thể kéo dài mãi. Sau ba tháng, một hôm bác sĩ chủ nhiệm khoa để lộ ra là chúng tôi sắp được sang nước bạn chữa.

Mấy cô y tá cho hay lẽ ra chúng tôi về chữa ngoại trú nhưng đùng một cái một vị lãnh đạo rất tên tuổi lại cùng bệnh với chúng tôi. Nhờ ông yêu cầu có người trong nước đi theo cho nên chúng tôi đã được tháp tùng chữa ké.

*

* *

Máy bay sắp cất cánh, chúng tôi mới thấy bệnh nhân thứ năm.

- Các đồng chí cũng theo điều trị chuyến này hé?

- Dạ, vâng.

- Bệnh gì hé?

- Dạ, chưa xác định được ạ…

- Ở ta y học còn kém chứ sang bên kia thì nó cũng chỉ hơn bệnh ghẻ nước tí chút thôi he!

Ngừng một lát, ông chợt thấp giọng nói, vẻ bí mật:

- Các đồng chí đừng lộ ra he… Tôi nói cho mà biết hè… Hai phe không chừng đang chiến tranh lạnh ở trên thân thể mấy anh em chúng ta đấy. Nghe các anh trên nói thì đâu như Mỹ nó đã thả một loại vi rút tấn công vào thần kinh để làm cho người bệnh nói tầm bậy tầm bạ hòng làm mất uy tín của đảng. Chúng đã có loại hoá chất tác động vào thần kinh khiến người mắc phải cứ nằm bò ra mà cười suốt rồi đấy. Nó độc hiểm lắm, cái gì nó cũng làm được. Liên Xô đang nghiên cứu tìm cách bẻ gãy đòn hiểm này của Mỹ đây…

Tôi nghe không phấn khởi mà sợ. Biết đến bao giờ Liên Xô mới nghiên cứu ra cách trị loại vi rút kinh hoàng này nếu như có loại vi rút ấy thật? Thật tình tôi vẫn coi khoa học Mỹ hơn khoa học Liên Xô một bậc tuy chẳng bao giờ tôi dám thú ra. Công an mà lại phục Mỹ hơn Liên Xô sao? Bụng nghĩ thì mồm cũng nói khác.

- Sang đó chữa bệnh cần phải vững lòng tin, cần phải lạc quan thoải mái. Cái quan trọng nhất trong chữa bệnh là ở cái này (ông chỉ vào đầu mấy chúng tôi)… phải vững. Như kìềng ba chân ấy.

- Dạ, thủ trưởng nói chí phải, chúng tôi đồng thanh nói. Trong khi tôi chua chát nghĩ: Chả biết loại vi rút nào của Mỹ nó khiến chúng tôi nhất tề nịnh ông to này?

Thư ký nói gì vào tai ông và sau đó ông ngả lưng ra ghế nhắm mắt lại. Vẻ loại người dễ ngủ dễ ăn…

Tôi nhìn ra ngoài, cố đoán những mỏm núi biếc ẩn hiện sau biển mây bồng bềnh. “Những hiệp sĩ cao quý và cô đơn, ít nhất là không sa vào những cái khốn nạn trần tục như mấy chúng tôi ngồi đây… ”, tôi buồn rầu nghĩ.

Bỗng tiếng đàn bà run rẩy: - Em van bác, em van em xin bác… em biết ơn bác nhưng bác thương em… thôi…, thôi…

Tôi nhận ra ngay nguồn phát âm. Ông to trước mặt!

Một nỗi sợ lạ lùng cứ giữ chặt lấy đầu tôi không cho quay lại nhìn ông to. Tôi biết mình không là những hiệp sĩ hùng vĩ cao quý ở giữa biển mây trắng trong sạch kia!

Kinh ngạc, bàng hoàng thét lên trong tôi cùng với tiếng người đàn ông hè hè he he đầy tự tin, đầy kiên nhẫn và cười cợt: - Thương đây, thương thế này đây mà lại còn đòi thương gì mà thương… Van em nào, cứ để anh thương… À, chúng nó tăng lương cho chưa? Chưa à? Bọn này láo toét! Anh chỉ thị bao phen rồi… Khoá học bên Đức tới đây thì dứt khoát là em đi thôi… Thế thế, ừ, để anh thương… Xíu xìu xiu thôi. Xế xế

Ông thế là hoàn toàn khác chúng tôi. Ông vừa cho thuê rạp vừa tham gia đạo diễn, diễn xuất ở vai chính. Chúng tôi đã miễn cưỡng cho thuê rạp mà lại toàn phải ẩn sau cánh gà.

Chẳng hiểu sao khi ông tỉnh dậy, chúng tôi nhìn ông đều lúng túng như mắc lỗi, Như đã đường đột bước vào phòng ngủ của ông mà không được phép vậy. Còn ông thì luôn tự tin, vui vẻ, ông nhoẻn cười:

- Chưa đi máy bay bao giờ ư? Phải ngủ, lên máy bay phải tranh thủ ngủ hè hè…

Tôi dám cược cái đầu tôi là ông thừa biết chúng tôi đều nghe tự sự của ông nhưng ông cũng thừa biết rằng cho kẹo chúng tôi cũng không dám hé môi. Ông quái lắm! Ông đại diện cho uy tín của tổ chức cơ mà. Làm mẻ uy tín tổ chức có mà chết. Ông cũng biết lên đến chức này như chúng tôi là phải rất giỏi ngậm miệng để ăn gà, ăn chó, ăn xe máy, phim con heo …

Sang nước bạn mới biết bệnh ông quá ư trầm trọng. Ông thương không biết bao nhiêu đàn bà con gái, nhờ toàn lương Nhà nước và học bổng các nước anh em. Gặp nạn nhân ông gầm gừ, chút chít, liếm láp, hồng hộc… Một con thú. Ông nhận không biết bao nhiêu Cúp, béc-giê, camera. Gà vịt như tôi thì ông mửa ra chẳng thèm từ tám hoánh rồi. Ông mấy biệt thự trong nam ngoài bắc. Ông mấy miệt vườn. Xoài, sầu riêng của ông đánh số từng cây và ông gọi điện thoại từ Hà Nội vào chỉ đạo chăm bón, thu hoạch, chở bằng gì ra…

Ông bạn xe máy một lần lên khám cùng ông to về lè lưỡi bảo chúng tôi:

- Thật xấu hổ. Cô người Nga ngồi nghe ông độc tấu để dịch mà mặt cứ như muốn chín rạn… Thế nhưng ông thì cứ hơn hớn nhìn cô ta…

- Thì dĩ bất biến ứng vạn biến là như thế đấy, tôi nói.

… Điều trị chừng hai tháng, chúng tôi được bạn thú thật không có vi rút gì của Mỹ đánh phá nhưng bạn cũng không chữa trị nổi và chúng tôi sẽ về nước.

Ông to bảo chúng tôi:

- Thằng Nga dạo này có vẻ muốn hoà hoãn với Mỹ cho nên không nhảy vào trận chiến chống vi rút của Mỹ đây mà. Chúng ta lại đành hy sinh vì lợi ích ích kỷ của họ vậy thôi…

Lần đầu tiên tôi thấy giọng ông buồn. Lợi ích quốc tế đã bị phái hữu nó coi chẳng ra quái gì hết…

*

* *

Chúng tôi nhận quyết định về hưu non. Nghe nói ông to cũng sẽ về nhưng trước mắt chưa có ai thay ông cho nên ông tạm ngồi lại. Tìm ra nguời thay được ông quả là khó quá. Ông đành tạm ngồi lại mãi rồi lâu dần cái Hội chứng X. xem ra cũng chẳng ảnh hưởng gì tới sự lãnh đạo của ông. Cán bộ cấp dưới chỉ cần biết gạn đục khơi trong, bỏ đi những cái bố láo ông quăng ra khi lên cơn bệnh…

Về hưu, một sáng buồn tình, tôi mở đài thì thấy Ông To đang nói trên diễn đàn. Sau ông trên nền phông là băng đơ rôn mang dòng chữ Kỷ niệm trăm năm ngày sinh của X. X. X.

Ông đã khỏi bệnh? Hy vọng lóe lên le lói nhưng cũng đủ làm cho tôi… hy vọng. Tôi tìm ông có cỗ máy phim sex trong người, báo ông chuyện Ông To đăng đàn khuyên mọi người học tập theo gương một vị tiên liệt.

- Ông ta khỏi rồi ư? Tôi hỏi, trong người có chút tấp tểnh.

Ông bạn lắc đầu:

- Khỏi thế quái nào được. Một người làm việc gần ông ta bảo tôi là ông ấy vẫn theo lệ đọc bài của thư ký viết. Nhưng ghi âm xong người ta tẩy xoá đi những chỗ tầm bậy rồi khi ông lên diễn đàn nói thì cho ông ngậm một thiết bị Nhật chỉ bằng cái cúc áo nó triệt tiêu ngay tại cổ họng mọi âm thanh buột ra khác với bài thư ký đã viết sẵn cho ông. Vẫn cần đến tên tuổi và uy tín của ông ấy trong những dịp kêu gọi học tập thế này mà… Vả chăng có thế mới thực sự là đảng lãnh đạo toàn diện! Có cái bệnh không chết người kia mà đã khuất phục rồi sao? Phải lãnh đạo cả nó chứ!

Ngừng một chút, ông bạn khẽ nói:

- Bảo đâu Mỹ sẽ chữa được bệnh ăn nói lảm nhảm không thể kiềm chế này. Nhưng cái nhục trong người nó lại thành ra hẳn một cục thối inh trên trán …

- Nhưng đời nào ta lại xài khoa học Mỹ chuyên bêu xấu chế độ ta…

Hai chúng tôi cùng nói và cùng biết tỏng thằng kia nó đang mong ước như mình được rơi vào một giường bệnh từ thiện Mỹ. Và cùng lúc nhận ra là kẻ nào một khi đã ăn bẩn thì đều nói dối nói trá hết…

1989