Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

Đêm giữa ban ngày (kỳ 6)

Vũ Thư Hiên

 

9

Chiến thắng Cao-Bắc-Lạng (1950) của Quân đội Nhân dân Việt Nam không chỉ xóa sổ hai binh đoàn cơ động dưới sự chỉ huy của hai đại tá Pháp Le Page và Charton, giải phóng một vùng rừng núi rộng lớn, nó còn mở tung cửa biên giới phía Bắc, chấm dứt tình trạng cô lập của nước Việt Nam kháng chiến.

Ngay lập tức sau khi biên giới hai nước được nối liền, người anh em cộng sản phương Bắc đã viện trợ cho nước Việt Nam kháng chiến đủ thứ - lương thực, vũ khí, quân dụng. Cùng với các thứ hàng hóa thiết yếu, đời sống tinh thần của chúng tôi phong phú hẳn lên với những điệu Ương ca tưng bừng, những buổi chiếu bóng lưu động ngoài trời với những bộ phim hấp dẫn: Bạch Mao Nữ, Nam Chinh Bắc Chiến, Chiến Sĩ Gang Thép... Chúng tôi được phát bát men, ca men thay cho cái gáo dừa khổ hạnh của nhà chùa. Trên ngực chúng tôi chói sáng huy hiệu Mao chủ tịch.

Chẳng bao lâu sau tôi phát hiện ra rằng kèm theo những niềm vui mới, sự nối liền biên giới Việt-Trung còn đem đến cho chúng tôi vô số điều khó chịu.

Đập vào mắt chúng tôi là sự phân biệt phẩm trật kỳ cục trong Giải phóng quân. Đàng sau khẩu hiệu “tất cả để phục vụ cách mạng”, những anh lính trơn và hạ sĩ quan Trung Quốc sống như trâu ngựa, cúc cung tận tụy phục vụ cấp trên, bảo gì làm nấy, như những cái máy. Cuộc cách mạng Việt Nam khởi đầu bằng một lối sống khác hẳn, không có sự phân biệt quá đáng giữa cấp chỉ huy và chiến sĩ như thế. Chúng tôi sững sờ trước cảnh tượng khó hiểu nọ. Sững sờ, rồi buồn. Chúng tôi không đến nỗi ngu đần để không thấy được các lãnh tụ Việt Nam hoàn toàn tin theo hình mẫu Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là nếp sống của quân đội Trung Quốc sẽ là nếp sống tương lai của quân đội Việt Nam.

Thời kỳ này tôi đang theo học khóa 6 Trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn. Đây là nơi quân kỷ quân phong được tôn trọng và thi hành khắt khe hơn hẳn ở các đơn vị khác, quân chính quy cũng như quân địa phương. Nhưng kỷ luật sắt của bộ đội Việt Nam không có gì giống trật tự phong kiến trong quân đội nước bạn.

Như ở mọi đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi sống với nhau như trong một gia đình lớn, ăn cùng mâm, nằm cùng lán, mọi tiêu chuẩn gần như ngang nhau. Những cái đó hoàn toàn không thể có trong Giải phóng quân Trung Quốc, ít nhất thì cũng trong các đơn vị Giải phóng quân đầu tiên qua Việt Nam.

Lần đầu tôi được thấy tận mắt trong quân đội cách mạng cũng có lính hầu là ở trạm Quảng Nạp, một trong những cửa ngõ vào ATK[1] từ ngả Thái Nguyên. Trước đó tôi không bao giờ hình dung có người đi làm cách mạng chỉ để hầu ai đó. Trong quân đội Việt Nam cũng có các vệ sĩ, hồi mới kháng chiến còn gọi là gác-đờ-co[2] nhưng họ không phải lính hầu. Một cơn sốt rét rừng bất chợt buộc tôi phải nằm lại trạm này đã cho tôi có dịp quan sát mấy đoàn cố vấn Giải phóng quân đi ngang. Những cố vấn Trung Quốc, thường là cấp tướng, đến Việt Nam mang theo cả đoàn lính hầu nhộn nhịp, nào bảo vệ, nào cần vụ, nào cấp dưỡng, nào giám mã. Khi một cố vấn lên đường, anh cấp dưỡng quảy nồi niêu xoong chảo, anh cần vụ lỉnh kỉnh gánh chăn, màn, gối, đệm, anh giám mã lon ton chạy tới, gập mình xuống làm cái kê cho cấp trên đạp lên lưng mình mà lên ngựa. Cố vấn đến nơi cần nghỉ ngơi thì cần vụ hối hả kê giường trải nệm, bày ra nào chậu nào thau cho cấp trên rửa mặt rửa chân, cấp dưỡng te tái lo nấu cơm nấu nước, bảo vệ lăm lăm súng đứng gác, giám mã ù té đi cắt cỏ ngựa. Răm rắp, răm rắp, không chê vào đâu được.

Nhìn cảnh đó, tôi vừa phục vừa tởm. Phục cái kỷ luật chưa từng thấy. Tởm cái thói nô lệ trong người lính. Có lẽ không có quân đội nào trên thế giới có thứ lính hầu khốn khổ khốn nạn như lính cần vụ Trung Quốc.

Ăn uống trong quân đội Trung Quốc cũng phân biệt rõ rệt theo cấp bậc, hay nói đúng hơn, theo đẳng cấp. Nó như thế này:

Lính trơn cho tới cấp chỉ huy trung đội ăn theo tiêu chuẩn “đại táo” - đại ở đây không phải là nhiều nhất, lớn nhất, mà là mức ăn phổ thông, quảng đại, áp dụng cho cấp thấp.

Trên “đại táo” là “trung táo”, dành cho cấp chỉ huy đại đội tới tiểu đoàn.

“Tiểu táo” dành cho cấp trung đoàn trở lên.

Cao nhất là “đặc táo”, chỉ dành riêng cho các nhà lãnh đạo, hoặc để đãi khách. Được ăn đặc táo còn là một vinh dự. Đó là yến tiệc vua ban.

Nỗi kinh ngạc của chúng tôi kéo dài không lâu - về mặt này những người chỉ huy quân đội Việt Nam học theo quân đội đàn anh rất nhanh. Trong rừng Việt Bắc tôi đã được thấy những thứ “táo” ấy - những người đi cùng nhau trên đường công tác cùng ăn với nhau một cách bình đẳng ở hàng quán hoặc nấu cơm nhờ nhà dân, nhưng khi đến cơ quan cần đến thì lại chia ra ngồi ở những bàn khác nhau với những chế độ ăn khác nhau.

May mắn thay, sự phân biệt các thứ “táo” khốn nạn tồn tại ở Việt Nam không lâu, và ở mức độ thấp hơn nhiều. Ở ngoài mặt trận không kẻ nào dám liều lĩnh sao chép nguyên bản cái trật tự đẳng cấp kỳ cục trong quân đội Trung Quốc. Trước mặt người lính là kẻ thù xâm lược, anh ta là người thực hiện sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Không thể có sự phân biệt mang tính chất nhục mạ giữa những người đang thực hiện sứ mệnh cao cả ấy. Sự phân biệt có thể làm người lính nổi giận. Mà ở chiến trường chẳng ai dám nói chắc anh ta sẽ hành xử thế nào một khi anh ta nổi giận. Điều có thể biết được, là sức chiến đấu của quân đội sẽ giảm sút vì sự phân biệt ấy.

Tiếp đến là chỉnh huấn. Ở quê hương nó, nó mang tên chỉnh phong, gọi tắt cuộc vận động chỉnh đốn tam phong: học phong, văn phong, đảng phong trong Đảng cộng sản Trung Quốc[3].

Chỉnh huấn là chuyện hết sức lạ lùng đối với chúng tôi, những chàng trai vừa xếp bút nghiên lên đường kháng chiến. Chúng tôi hình dung mình tựa những tráng sĩ thanh gươm yên ngựa ra sa trường, như tổ tiên mình đã làm. Đến chỉnh huấn mới ngã ngửa ra rằng cuộc chiến đấu chống ngoại xâm giành độc lập không đơn giản như thế. Từ bộ phận đầu não của cuộc kháng chiến truyền xuống các cấp dưới một chân lý chưa từng biết - muốn đi theo cách mạng, muốn được cách mạng thu nạp mình vào hàng ngũ của nó, trước hết phải cải tạo những tư tưởng thối tha, bao giờ cũng sẵn có trong mỗi người, như trái táo Adam, như tội tổ tông truyền. Phải ra sức cải tạo tư tưởng để trở thành con người mới, trong sạch, vững vàng, xứng đáng là người của Đảng, của xã hội mới. Tất cả ưu điểm các anh có được là nhờ ơn Đảng, nhờ ơn cách mạng, người ta giảng giải. Tất cả các khuyết điểm các anh mang trong mình là do phong kiến, đế quốc truyền cho.

Nhờ chỉnh huấn chúng tôi mới biết ngoài thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai, cách mạng còn một lũ một lĩ kẻ thù khác – chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cục bộ địa phương, đầu óc gia trưởng, đầu óc quân phiệt, đầu óc lãnh tụ, đầu óc công thần… Vân vân và vân vân. Hy vọng rồi đây sẽ có người viết kỹ về chỉnh huấn, dưới dạng nghiên cứu hoặc hồi ức, thậm chí dưới dạng chuyện hài hước, bởi vì kể về hiện tượng quái đản không biết nảy sinh từ lúc nào, sáng kiến đẻ ra nó là của ai, thì không thể nói ngắn được. Không điều tra, phân tích, không nghiên cứu kỹ về chỉnh huấn thì không thể hiểu cái cơ địa tâm thần kỳ lạ, cái não trạng điên rồ hình thành rất tự nhiên từ trên xuống dưới của vài thế hệ cách mạng, không giải thích được vì sao con người Việt Nam sau những cuộc tẩy não bắt buộc có, tự nguyện có, lại có thể trở thành ù lì trong một thời gian kéo dài mấy thập kỷ, và di chứng của nó còn tồn tại cho đến tận bây giờ. Gọi đơn giản bằng hai chữ tẩy não chẳng những không đủ, mà còn không đúng. Chỉnh huấn là một cái gì lớn hơn nhiều. Nó là một phép phù thuỷ không tiền khoáng hậu, làm tê liệt nhận thức của con người, tạo ra sự lười biếng suy nghĩ đến cùng cực, tước đoạt mọi khả năng phản kháng, biến con người thành một thứ robot của Đảng, chỉ biết một mực trung thành với Đảng.

Tôi được biết chỉnh huấn lần đầu tiên vào năm 1951, trong một hội nghị cán bộ của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam. Trong hội nghị này, Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam được thành lập, thay cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc có trước, trong vai trò trợ thủ và hậu bị của Đảng, trên ngực mỗi đoàn viên từ nay sẽ sáng chói huy hiệu tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên do họa sĩ Tôn Đức Lượng vẽ.

Cuộc chỉnh huấn được tổ chức trong hội nghị nằm ngoài chương trình đã được thông báo trong công văn triệu tập. Một số cán bộ vừa được dự cuộc chỉnh phong của Đảng cộng sản Trung Quốc ở Hoa Nam trở về làm hướng dẫn viên. Những người này, mặt mũi nghiêm trang, cử chỉ trầm trọng, trong bộ đồng phục cán bộ Trung Quốc, với cây bút Kim Tinh gài trước ngực, với cuốn sổ tay có hình Mao chủ tịch phương phi, xuất hiện trước các học viên ngỡ ngàng giống như những sứ giả đến từ một thế giới khác. Họ phải thực hiện một sứ mạng trọng đại: cải tạo tư tưởng cho những kẻ đầu óc còn đầy ắp “tư tưởng địch”.

Thoạt đầu các hướng dẫn viên giới thiệu một số tài liệu – những bài giảng về cách mạng phản phong phản đế của Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Bành Chân, Ngãi Tư Kỳ… Sau khi đọc các tài liệu, mỗi học viên phải liên hệ những điều đã học được với tư tưởng và hành động của bản thân, trình bày thu hoạch học tập của mình trước tổ học tập (thường khoảng trên chục người) để tập thể góp ý, phân tích phê phán. Trong chúng tôi với nhau, chúng tôi gọi những buổi phê phán như thế là những buổi “tự xỉ vả”. Ai đạt được sự “tự xỉ vả” nhiều, và ở mức độ cao, thì được coi là “thành khẩn”. Những bản cung khai tội lỗi xuất sắc nhất được báo cáo trước toàn hội nghị, gọi là “báo cáo điển hình”.

Cái chuyện khai báo tội lỗi này kỳ cục lắm.

Đã đành, ai chẳng có một cái tội nào đó, nhưng phải là tội với cách mạng kia, mới là tội, mới khó tìm. Vắt óc mãi không nghĩ ra được tội gì khả dĩ coi được, tôi đành bộc lộ một vài cái tội lăng nhăng. Rằng tôi có tư tưởng thương địa chủ, giai cấp thù địch của cách mạng. Bằng chứng là trong cuộc giảm tô giảm tức ở Thanh Hoá tôi đã lén lút đem khoai lang cho mấy đứa con của kẻ thù đói lả. Rằng tôi có tư tưởng sợ địch khi tình cờ thấy trong tờ Paris Match nhặt được trong một đồn địch bức ảnh chụp hàng đàn máy bay cường kích với những trái bom bay ra như trấu vãi dưới bụng chúng. Mặc dầu đã tố thêm cho ra vẻ thành khẩn, tội lỗi của tôi vẫn chưa ăn thua gì với tội lỗi những người cùng tổ.

Chao ôi, sao mà họ giỏi thế, tài thế, sao mà họ nghĩ ra được lắm tội thế! Người này bộc lộ cha mẹ là phú nông, địa chủ, và anh ta đã cùng với cha mẹ bóc lột nông dân như thế nào. Người kia khai đóng quân ở đâu là hủ hóa[4] ở đó, với đủ mọi loại đàn bà, không chừa cả cán bộ, đảng viên. Có anh còn khai đã ngủ với em ruột mình...

Học viên vận dụng kiến thức vừa học được xỉ vả thậm tệ những người bộc lộ. Nào là với tư tưởng bóc lột của cha mẹ truyền lại, đồng chí không xứng đáng là cán bộ cách mạng. Nào là hủ hóa với con gái nông dân lao động, là quân chủ lực của cách mạng, khác nào con hủ hóa với mẹ. Vân vân và vân vân. Nói chung, sự suy diễn theo luật tam đoạn được tha hồ đẩy tới mọi tầm phi lý. Tôi nhớ mãi một buổi báo cáo điển hình, khi một anh chàng hùng hổ đứng lên xơi xơi xỉ vả người báo cáo: “Đồng chí có biết với tư tưởng như thế, với hành động như thế, đồng chí là cái giống gì không? Đồng chí là... là... con chó, là… là con chó ghẻ..., con chó ghẻ lang thang... trên... trên... ” Đến đó anh ta ngắc ngư mãi không tìm ra đoạn tiếp cho câu ví. Thế rồi đánh liều, anh ta nói một hơi: “... lang thang trên... cánh đồng... cánh đồng xanh”.

Tôi nhìn quanh. Mặt người nào người ấy đỏ lựng. Không phải vì căm thù tư tưởng địch, mà vì nhịn cười.

Thâm ý của các tác giả chỉnh huấn, theo tôi nghĩ, nhằm làm cho con người tự ti đi, hạ mình xuống mức thấp nhất bên cạnh Đảng cao vòi vọi, đấng cứu thế vô song, để trở thành dễ trị.

Cái mớ tạp pí lù made in China ngày một lớn sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Một phái bộ Trung Quốc với La Quý Ba (cố vấn tối cao về chính trị), Vi Quốc Thanh (cố vấn tối cao về quân sự) đặt bản doanh trong ATK, tham gia vào mọi công việc của ban lãnh đạo Đảng (La Quý Ba và Vi Quốc Thanh còn tham gia các cuộc họp của Bộ Chính trị) khẳng định thêm vị trí hình mẫu Trung Quốc trong mọi mặt sinh hoạt ở khu kháng chiến. Họ đều có mặt trong những bức ảnh cha tôi giữ, với ông Hồ, với Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh.

Tôi phải nói lại chuyện cũ, có hơi lạc đề một chút, chỉ cốt để giải thích việc đang xảy ra trong Hỏa Lò.

Đùng một cái, Huỳnh Ngự bảo tôi:

- Ta ngừng ở đây. Anh viết lý lịch cái đã.

Lại lý lịch! Tôi muốn kêu trời. Chúng bắt tôi viết lý lịch làm gì khi chúng có thể lấy lý lịch cán bộ của tôi tại cơ quan?

Cần phải làm dân Trung Quốc hoặc dân Việt Nam mới biết đến tận cùng nỗi bực mình do chứng lý lịch cuồng gây ra. Trước hết, đó là cái sự phải khai không chỉ cuộc đời mình, cha mẹ anh em mình, mà cả chú bác cô dì nội ngoại, khai đầy đủ chi tiết họ tên, thành phần, nghề nghiệp, trước cách mạng làm gì, ở đâu, sau cách mạng, làm gì, ở đâu v. v... Những thế hệ đã nằm yên dưới mộ cũng bị dựng dậy để khai trước Đảng họ là ai.

Mà có phải viết một lần mà xong đâu. Thỉnh thoảng lại có lệnh viết lại lý lịch, không biết để làm gì. Trong kháng chiến, lý lịch thường xuyên bị mối xông, bị thất lạc khi cơ quan chuyển địa điểm, phải viết lại đã đành, hòa bình rồi vẫn cứ phải viết và viết. Thuyên chuyển công tác - viết, chuyển cơ quan - viết, đi học nghiệp vụ - viết, vào Đoàn - viết, vào Đảng - viết. Để khỏi phải viết quá nhiều, tôi nhờ cô văn thư cơ quan đánh máy sẵn cho một tập. Khốn nỗi người ta lại không nhận lý lịch đánh máy mới cực.

Tôi còn khổ sở với sự khai lý lịch ở chỗ tôi cảm thấy mình là kẻ dối trá. Để tránh bị lục vấn lôi thôi, tôi lờ tịt một ông bác bên nội, một ông bác bên ngoại. Từ khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, nào tôi có biết hai ông ở đâu, làm gì? Chỉ biết hai ông dinh tê[5] vì không chịu được gian khổ, thế thôi. Nghe nói một ông buôn bán chi đó, ông kia làm thư ký Nhà Dây thép (Bưu Điện). Có anh cán bộ tổ chức chẳng hiểu tình cờ thế nào lại biết tôi có hai ông bác ấy, nhưng anh ta là người dễ tính, hoặc là người tốt bụng, anh ta lờ đi cho tôi. Thế là tôi đâm ra mắc nợ anh ta, tuy anh ta chẳng bao giờ lợi dụng cái nợ ấy.

Sự quản lý cán bộ và dân chúng nói chung bằng lý lịch là đặc điểm chung cho tất cả các nước xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam, trong hai thập niên 50 và 60 nó được đẩy tới mức cao nhất nhờ chủ nghĩa thành phần. Nếu anh là bần nông, cố nông nữa càng tốt, ba đời không dính dấp gì với các giai cấp bóc lột, không có thân thuộc làm việc cho chính quyền cũ, đi lính chẳng hạn, thì anh được coi là cán bộ có lý lịch trong sạch, anh cứ yên tâm thẳng tiến. Ngược lại, chẳng may anh ra đời trong một gia đình giàu có, phú nông hoặc địa chủ, hoặc tệ hơn, cường hào gian ác, thì đời anh ra tóp. Một anh bạn cùng công tác với tôi có ông chú ruột ở miền Nam. Chẳng hiểu anh ta nghe ai nói, mới thành khẩn khai trong lý lịch rằng anh ta có một ông chú làm việc cho chính quyền Sài Gòn. Từ đó anh không được giao một công việc quan trọng nào nữa, mỗi lần xét tăng lương là một lần lý lịch anh được giở ra, rồi vì có người nhà trong hàng ngũ địch, lần nào anh cũng bị xếp cuối bảng, lên lương rất chậm. Sau khi đất nước thống nhất mới biết ông chú làm cho địch của anh chỉ là một ông tùy phái trong một trường tư thục, gọi nôm là loong-toong.

Nhà báo Chính Yên cay đắng kể:

- Thế đấy, khi nào có suất đi nước ngoài, nhất là các nước tư bản, thì y như rằng chúng nó rêu rao: thằng Chính Yên là con quan tuần phủ[6], để nó đi Tây cho nó chạy sang với địch à? Còn khi nào phải sang Lào viết phóng sự chiến tranh thì chúng nó khiêm tốn nhường ngay cho đồng chí Chính Yên, đồng chí ấy có kinh nghiệm chiến đấu. Tổ sư đời!

Chính Yên làm biên tập viên báo Nhân Dân, một nhà báo có tài theo chúng tôi đánh giá, một “bồi bút siêu hạng” theo anh tự nhận. Anh tham gia tổng khởi nghĩa Tháng Tám, tham gia chiến đấu bảo vệ thủ đô, là sĩ quan lâu năm trong quân đội. Nhưng suốt cuộc đời đi với cách mạng (đi theo cách mạng, nói cho đúng cách thời ấy), anh chỉ là kẻ ăn nhờ ở đậu, gánh vác mọi khó khăn, phần ngon anh chưa kịp nhường đã có kẻ khác cướp mất.

Chẳng phải chỉ chúng tôi khổ về chuyện lý lịch. Ngay thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng khổ. Ông Đặng Xuân Thiều, anh em con chú con bác với nguyên tổng bí thư Trường Chinh, không rõ từ đâu lại biết được câu chuyện hi hữu trong lịch sử nước ta, rằng do sự trớ trêu của số phận, vị thủ tướng thâm niên cao nhất thế giới lại... chưa từng gia nhập Đảng cộng sản[7].

Huỳnh Ngự hài lòng. Tôi hoàn thành bản lý lịch một cách xuất sắc, không nói gì tới hai ông bác. Chắc hẳn y cũng chẳng đọc bản lý lịch bắt tôi viết. Tôi viết, nghĩa là tôi đã cuộc nghe lời.

- Anh thấy đó! Anh sinh trưởng trong một gia đình cách mạng nòi, có lý mô anh lại đi với bọn phản cách mạng? Con đường anh đi đã được Đảng vạch sẵn. Đó là con đường duy nhất: đi theo sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ vĩ đại. Được đi dưới lá cờ vinh quang của Đảng, của Bác là hạnh phúc vô cùng lớn lao của mỗi cán bộ cách mạng!

Từ trên bức tường đối diện, ngay trên đầu Huỳnh Ngự là Bác Hồ tiên phong đạo cốt, với vầng trán cao lồng lộng, cặp mắt anh minh và chòm râu thưa phơ phất, đang hiền từ nhìn xuống đứa cháu bị bỏ tù. Bên dưới chân dung Bác là lời Bác dạy “Công An Là Bạn Dân” viết nắn nót, chữ đỏ rực trên nền giấy vàng!

Chúa ơi, tôi đang ở đâu thế này? Phải sống với một ông bác và những ông bạn dân thế kia mà gọi là hạnh phúc được ư?

Tôi buồn. Hy vọng mau chóng được ra khỏi đây nguội dần.

Thành tìm cách an ủi tôi. Nhưng anh không vẽ ra một viễn cảnh dễ chịu, mà làm ngược lại - cho tôi quen với sự thật.

- Ai sa chân vào đây mà mang tội chính trị là coi như đời tàn. Anh chỉ có một lựa chọn: hoặc là quyết sống, hoặc là tự sát.

Nghe mà tuyệt vọng.

- Anh cho rằng với tù chính trị người ta cứ giam miết, không thả?

- Sao không? Có thả chứ. Nhưng người ta chỉ thả khi nào tin chắc tên tù đã mất hết ý chí. Mà biết đến mùa quít nào người ta mới tin chắc rằng họ đã đạt được điều đó?

Trong những cuộc học tập chính trị, giảng viên bao giờ cũng nhấn mạnh mục đích tiêu diệt ý chí của địch. Tiêu diệt sinh lực đã đành là quan trọng, nhưng tiêu diệt ý chí mới là cơ bản. Tiêu diệt sinh lực cũng nhằm mục đích cuối cùng là tiêu diệt ý chí. Nói về mặt binh pháp, tôi cho rằng đây là một sách lược tuyệt vời.

Bây giờ tôi là địch rồi. Họ sẽ sử dụng đối sách như đối với địch. Mà tôi thì có ý chí quái gì đâu cơ chứ!

- Anh có hay nhận được thư nhà không? - tôi hỏi Thành.

- Thỉnh thoảng.

- Chị với các cháu lười viết à?

- Đâu phải. Chấp pháp người ta có cho nhận thì mới được nhận chứ. Trong thời gian mới bị bắt, tôi không được phép nhận thư, họ sợ sự thông cung. Sau, họ cho nhận, nhưng kiểm duyệt kỹ lắm, cái nào đúng lập trường, người nhà khuyên mình cải tạo tốt thì họ cho nhận, thư nào có giọng oán trách Đảng thì họ hủy. Được nhận thư hay không còn phụ thuộc vào thái độ cải tạo của mình nữa...

Tôi rõ ràng không phải là tù cải tạo tốt rồi. Ngay từ ngày đầu tiên.

Cái sự vô công rồi nghề làm tôi rầu rĩ. Không rầu rĩ sao được khi cả ngày ngồi bó gối nhìn vào bức tường trước mặt và không sao xua đuổi được hàng đống bòng bong những ý nghĩ quậy lộn trong đầu.

Huỳnh Ngự cho quản giáo mang vào cho tôi mấy tờ Nhân Dân có đăng “Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng”. Tôi hiểu: y muốn cho tôi thấy chúng tôi là loại tội phạm nào theo pháp lệnh này.

Khi đã ra tù tôi có ý tìm lại, mới biết Trường Chinh ký cái “Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng” ấy vào ngày 30. 10. 1967, nhưng hồi đó tôi không chú ý, tôi chỉ nhớ rất rõ rằng tôi được đọc nó trong Hỏa Lò, tức là vào cuối tháng 12 chứ không sớm hơn. Sự việc Trường Chinh ra sức hợp pháp hóa việc làm của Lê Duẩn và Đức Thọ chứng tỏ Trường Chinh đã biết điều mà cum cúp tuân lệnh Duẩn-Thọ rồi, chứng tỏ chúng đã kết lại với nhau thành một băng rồi. Như vậy, chúng tôi chẳng còn gì để mà trông đợi. Giọng hàn lâm phố huyện của pháp lệnh này, mang dấu ấn bút pháp Trường Chinh, với những câu chữ rất mơ hồ về sự quan hệ với “nước ngoài” và “người nước ngoài” xới lên mảnh đất mầu mỡ cho những hành động tự tung tự tác không gì kiềm tỏa của bọn độc tài.

Thành nhìn tôi ái ngại. Bằng những câu chuyện xa xôi, anh khuyên tôi đừng tuyệt vọng. Người tù mang tâm trạng tuyệt vọng sẽ thua ngay từ trận đầu trong cuộc chiến dai dẳng với những nỗi khốn khó trong cuộc sống giam cầm. Người tù chỉ có thể sống được đến ngày ra khỏi nơi tù ngục nếu anh ta không để nỗi tuyệt vọng hủy hoại. Cách tốt nhất là buộc mình quên mình đi, tự xóa sổ mình đi trong tâm thức, như cách các đạo sĩ yoga thường làm.

Tôi buồn rượi. Làm sao học được cách biến mình thành gỗ đá vô tri vô giác đây? Con người từ tấm bé vốn chỉ quen học sự khẳng định mình, bằng mọi cách nó nhắc nhở mọi người rằng nó có, nó đang hiện diện trong cộng đồng, nó không phải vô hình vô ảnh, thế mà giờ đây nó lại phải học cách quên mình đi, xóa mình đi, khốn nạn là thế!

Phải mất bao nhiêu thời gian tôi mới học được nghệ thuật đó?

Viên cai ngục không nhắc nhỏm gì tới việc tôi nhờ anh ta nữa. Tôi nghĩ anh ta chưa có thời gian. Sau mới biết lời hứa của cai ngục với tù là thứ lời hứa tào lao nhất trần đời. Chẳng bao giờ anh ta nhắn hộ tôi cả.

Sau mấy ngày hỏi cung liên tục, với những câu hỏi lăng nhăng nhảy từ đề tài này qua đề tài khác, đề tài nào cũng xa cách cái mà tôi muốn biết - họ định buộc tôi vào tội gì - Huỳnh Ngự bỗng nhiên bỏ bẵng, không gọi tôi ra đi cung tiếp.

Một hôm tôi lại bị điệu ra. Lần này không phải đi cung. Đón tôi là mấy tay công an trẻ, lạ hoắc, trong đó có một tay da trắng bóc, căn cứ vào quần áo và dáng dấp thì biết y vừa từ Cộng hoà Dân chủ Đức về. Họ đưa tôi tới một góc sân đầy rêu, bảo tôi ngồi xuống một cái ghế đẩu, đàng sau là một mảnh vải xám bẩn thỉu mắc vào một sợi dây phơi quần áo.

Thì ra họ đưa tôi ra chụp ảnh, lăn tay. Một phó nháy ra lệnh cho tôi ngồi trong mọi tư thế thẳng, nghiêng phải, nghiêng trái. Tôi phải đeo một biển số trước ngực, đúng cách chụp ảnh tội phạm. Một người khác, phụ việc cho anh ta, ép mười đầu ngón tay tôi vào cái bảng mực in đen xì để lấy dấu. Tên công an ở mới vềchỉ đóng vai quan sát. Chắc đây là một tay chân tin cậy của Lê Đức Thọ đến để giám sát việc làm của đám công an nọ. Sau đó tôi được đưa đi rửa tay. Không có xà phòng, tôi phải chà tay vào đất cát đến khi hai bàn tay đỏ ửng. Thế mà cái mực in quái ác vẫn không đi. Cả tuần sau tay tôi vẫn còn đen.

Thế là rõ. Đây là cách người ta làm với tù chứ chẳng phải “xử lý nội bộ” gì hết.

Tôi cho rằng diễn biến của tình hình có chiều hướng xấu đi, chí ít thì cũng không tốt lên. Là đoán vậy thôi, chứ làm sao biết được ở ngoài kia cái gì đang xảy ra. Từ khi vào xà lim tôi không được đọc một tờ báo nào.

Que sera sera[8], ngồi bó gối trong cái chuồng chật hẹp tôi hát khẽ, tự an ủi, cảm thấy lòng mình dần tĩnh lại. Bên ngoài, bầu trời mùa đông vẫn xám xịt một mầu chì bức bối.

Thường một lần đi cung kéo dài cả buổi sáng hoặc chiều, thành thử tôi cứ đinh ninh trong lúc tôi vắng mặt những người tù ở xà lim bên cạnh cũng bị gọi ra đi cung như tôi. Hóa ra không phải. Chỉ những người mới bị bắt mới đi cung nhiều. Sau một thời gian làm việc liên tục, thỉnh thoảng họ mới bị gọi ra. Thành nói anh không đi cung đã hơn hai tháng. Có xà lim cả năm không đi cung.

Cũng Thành cho biết, ở Hỏa Lò có vài khu xà lim nằm rải rác ngoài rìa, giữa là trại chung gồm những nhà giam lớn mà tôi đã đi qua. Nơi chúng tôi đang ở gọi là xà lim 3, nằm ở khu vực bên trái Hỏa Lò, tính từ cổng vào, gần nhà bếp. Con đường gần xà lim 3 nhất là đường Hai Bà Trưng. Nhà tôi nằm ở đầu đường đàng kia con đường này, phía sông Hồng. Từ đây đi bộ về nhà tôi mất chừng mười lăm phút.

Tù xà lim Hỏa Lò không được đi dạo hàng ngày. Cũng không được đọc báo, không được mượn sách. Hỏa Lò, như sau này tôi được biết, không có cả thư viện cho công an, đừng nói gì thư viện cho tù. Nói tóm lại, nó chẳng giống như cái nhà tù mà tôi hình dung qua sách báo và phim ảnh nước ngoài một tẹo nào.

Một ngày cửa xà lim được mở ra năm lần: buổi sáng một lần cho tù ra đổ bô, rửa ráy; trưa và chiều mỗi bữa hai lần cho tù ra nhận cơm và trả bát rếch.

Thay vào viên cai ngục nông dân hôm trước là một người đàn ông, cũng dáng nông dân nhưng đã được cách tân, rất hách dịch, rất ít lời, tù sợ một phép. Thành nói y tên Hách, nhưng tôi đồ rằng đó là biệt hiệu tù đặt cho y chứ không phải tên thật. Quả vậy, về sau này tôi mới biết tên cúng cơm của y là Dư, chắc hẳn cha mẹ y đặt cho với hy vọng đời y sẽ sung sướng trong thừa thãi.

Cai ngục thường không tự giới thiệu tên họ với tù. Phép lịch sự ở đây đại khái cũng giống như phong tục nước ngoài đối với người Việt, biết thì biết, nhưng không theo. Viên cai ngục tôi gặp khi thoạt vào Hỏa Lò có hai biệt hiệu: Sứ giả Hòa bình hoặc Điền Mũi đỏ. Tên Sứ giả Hòa bình là do tù đặt. Viên quản giáo này bao giờ cũng thân mật đáp lễ khi tù chào chứ không kênh kiệu lặng thinh như các quản giáo khác. Đi kiểm tra khu xà lim anh ta luôn dừng lại ở các judas, nói một câu hỏi thăm, cho tù lửa hút thuốc hoặc vui vẻ đáp lại một câu hỏi về ngày giờ. Người tù cảm thấy mình được an ủi với một viên quản giáo như thế. Điền là tên thật. Anh ta có cái mũi lúc nào cũng đỏ lựng như mũi người nát rượu, mặc dầu anh ta không phải dân nghiện.

Tôi thích quan sát Hách. Tôi nghĩ nếu rồi đây tôi có may mắn được làm phim về nhà tù Việt Nam thì anh ta sẽ là nguyên mẫu không chê vào đâu được. Cai ngục phải như anh ta mới đúng là cai ngục chứ. Một cai ngục giống Sứ giả Hòa bình thì thể nào cũng bị khán giả chê, cho là không giống, không đúng. Thế mới biết cuộc đời phong phú hơn trí tưởng tượng, còn chúng ta thường nô lệ cho những hình dung giáo điều.

Thấp bé, với số tuổi đáng trọng, Hách đi những bước đĩnh đạc, khoan thai, rõ ràng là vay mượn, nhưng đã nhập thần. Người tù cúi đầu len lén chui qua cái nhìn lừ lừ bên trên cặp tròng kính lấp loáng của viên quản giáo quyền uy. Hách đứng đó, nhìn những con vật ở trong chuồng chui ra, mái đầu còn xanh của y hơi cúi, như thể sức nặng của vẻ đường bệ đè xuống, đôi giày tây khẽ nhún nhảy trong một nhịp chậm chạp cố ý. Tôi khoái mẫu người của Hách đến nỗi nhiều lần tôi nghịch ngợm bắt chước dáng điệu trịnh trọng của anh ta cho Thành xem. Thành cười rúc rích khen tôi bắt chước khéo, còn tôi thì hình dung nếu có lúc phải hướng dẫn cho diễn viên thì phải biết cách đóng thế nào cho thật giống.

Khi mở cửa xà lim bao giờ Hách cũng lùi ra xa, nhún nhẩy ở bức tường đối diện. Tôi nghĩ y cẩn thận, lo bị tù tấn công bất ngờ.

- Dào, không phải thế đâu - Thành giải thích - Trong xà lim hôi thối lắm. Mình ở quen không nhận thấy chứ người ở ngoài vào uế khí xộc vào mũi, chịu không nổi.

Niềm mong ước của cha mẹ Dư đã thành. Y không giàu, nhưng so với các quản giáo khác, y có nhiều thứ sang trọng hơn người. Trong Hoả Lò mọi thứ đều rẻ - một phong thuốc lào có thể đổi lấy một cái quần simili mới, một bao Tam Đảo là giá cho một cái áo len. Thành kể, cặp kính gọng đồi mồi của Hách giá ba cái bánh mì. Đổi chác là một hình thức thương mại phổ biến trong mọi trại tù.

Kể ra ở trong xà lim ngày này qua ngày khác mà không có lần đi cung nào cũng chán. Đi cung cũng ví như một sự đổi gió, cho dù nó căng thẳng. Căng thẳng thì căng thẳng, vẫn còn hơn là sự đơn điệu kéo dài. Người tù ở hàng năm trong xà lim không đi cung hệt như con thú bị nhốt trong chuồng.

Nằm trong xà lim những ngày đầu tiên, ngoài nỗi nhớ vợ con, tôi bỗng nổi cơn nhớ Hà Nội da diết. Ai đời nằm giữa lòng Hà Nội mà nỗi nhớ cứ bổi hổi bồi hồi như thể mình đang ở nơi nào tít tắp bên kia địa cầu. Nhớ cồn cào. Nhớ lắm lắm. Bỗng thấy Hà Nội như một người. Bỗng phát hiện Hà Nội có bộ mặt không lẫn với bất cứ bộ mặt nào khác. So sánh Moskva với Hà Nội, tôi thấy Hà Nội đáng yêu vô cùng. Có lẽ chỉ có người Hà Nội mới coi thành phố là ngôi nhà của mình. Người Moskva coi Moskva là thành phố, là tài sản của nhà nước, không phải của mình. Người Moskva chỉ ra đường khi có việc. Người Hà Nội bắc cái chõng ra hè, ngồi đấy mà cảm thấy như ngồi trong nhà. Sau 1954 người tứ chiếng theo chân đoàn quân chiến thắng ùa vào, người Hà Nội tản mát khắp bốn phương trời, kẻ di cư vào Nam, người bị đẩy đi mạn ngược lập vùng kinh tế mới. Tưởng chừng Hà Nội không còn là Hà Nội nữa, thế mà không - Hà Nội vẫn là Hà Nội. Nó nuốt chửng những người xa lạ vào lòng, nhào nặn họ theo kiểu của nó, biến họ nếu không thành người Hà Nội hẳn thì cũng thành người của hè phố, nhưng là hè phố của nó. Chỉ có tiếng nói của Hà Nội là biến đổi cùng với âm sắc của những phương ngữ mới nhập cư – nó cao vống lên.

Tôi là người Hà Nội tính theo đàng mẹ. Hà Nội là quê ngoại của tôi, là nơi tôi ra đời, vì mẹ tôi là “con gái Hàng Bạc”. Người Việt quen với phụ hệ, tính theo bên nội, mà như thế thì tôi lại là người của đồng bằng đất thịt.

Để về quê, tôi phải đáp xe lửa tới Nam Định, qua Đò Quan sang hữu ngạn sông Hồng, đi ô tô theo đường hàng tỉnh số 21 tới thị trấn Cổ Lễ rồi từ đó cuốc bộ vài cây số nữa theo con đê Vàng mới về đến làng. Tôi cũng gắn bó với cái quê nội đất thịt lắm, một phần tuổi thơ của tôi đã trôi qua ở đó. Thỉnh thoảng ở đâu đó bên ngoài Hỏa Lò người ta đốt lá rụng đầu đông, gió đưa khói những đống lá cháy âm ỉ lọt vào tận xà lim, y như khói những đống rấm ở nông thôn, và thế là nỗi nhớ cái quê đất thịt lại nổi lên xao xuyến lạ lùng.

Những ngày đầu tiên trong tù tôi không hề nghĩ tới một thời hạn giam giữ lâu tới vài năm. Chỉ vài tháng thôi, trong cái chuồng người gọi là xà lim, đã đủ chết rồi.

Suốt ngày anh bạn tù của tôi ngồi bó gối nhìn chòng chọc vào một điểm nào đó rất xa, mặc dầu trước mặt anh là bức tường xám xịt lốm đốm máu muỗi máu rệp và những tên người, trái tim bị mũi tên xuyên thủng, hai cổ tay bị xích, ngày bị bắt, những lời than vãn, những lời nguyền rủa, những câu chửi đời... Thành thử bức tường giống như những vách đá Chùa Hương hoặc ở hang Đầu Gỗ trên vịnh Hạ Long.

Lâu lâu đang ngủ Thành choàng tỉnh, ngồi dậy cục cựa một lát để sửa soạn cái nghi thức trang trọng của sự hưởng lạc trong xà lim. Trước hết, anh sờ soạng lấy cái điếu và gói thuốc giấu trong bọc quần áo ra, vê rất lâu những sợi thuốc màu cánh gián cho tới khi chúng xoắn vào nhau thành một viên tròn xoe đúng kích cỡ và tiêu chuẩn ngầm định rồi mới từ tốn nhồi vào nõ. Những sợi rơi ra ngoài được anh thu vén nhặt cho bằng hết cho khỏi phí. Đoạn, anh khẽ khàng quẹt diêm lấy lửa, châm vào mảnh giấy đã vê sẵn thành đóm, dùng đóm này hút thuốc. Hút xong, Thành từ từ nhả khói rồi gục mặt vào hai đầu gối hồi lâu, người hơi đung đưa. Đó là anh đang ngụp mình trong khoái lạc mà điếu thuốc mang lại.

Tôi thèm thuốc lá lắm nhưng làm sao có được nó trong bốn bức tường xà lim bây giờ? Thành mời tôi thuốc lào, nhưng lần nào hút tôi cũng ho sặc sụa.

Tôi không thể không nói thêm vài lời về cái điếu tự tạo của anh bạn tù. Nó là một cái hộp dẹt, hình chữ nhật, làm bằng hai vỏ bao diêm ghép lại, được bồi cho cứng thêm bằng giấy. Nõ điếu là khúc đầu của ống kem răng lộn ngược. Cái điếu có bề ngoài sặc sỡ bởi những ảnh màu cắt trong họa báo, chắc hẳn từ giấy gói đồ tiếp tế. Tuy không có nước bên trong nhưng cái điếu kín hơi thỏa mãn được cơn ghiền chẳng kém gì điếu ống hoặc điếu bát.

Để tiết kiệm diêm, Thành chẻ một que thành hai, dùng tới đâu chẻ tới đó. Khi tôi vừa vào anh còn kín đáo quay mặt vào tường để chẻ diêm, cái chăn lòa xòa che khuất hành động giấu giếm. Trong xà lim chỉ có hai người với nhau, giấu cũng chẳng được, cuối cùng anh đành tiết lộ:

- Trong tù cấm ngặt không được giữ dao hoặc vật gì có thể dùng làm dao. Chết nỗi con dao ở đây lại cần lắm, bao nhiêu việc phải dùng nó, không có không xong: cắt móng chân móng tay, vót que tăm hay là chẻ diêm thế này chẳng hạn... - anh rì rầm giải thích - Không phải người ta sợ mình dùng dao đâm cán bộ đâu, thứ dao này thì đâm chết ai, cơ mà người ta sợ cái khác...

Anh cho tôi xem con dao anh chế tạo. Nó là một mẩu sắt đai thùng dài lối bốn năm phân, rất bén. Tôi không hiểu anh làm cách nào để cho mẩu đai thùng nọ trở thành cứng và bén như thế. Trong xà lim tất nhiên không có lửa để tôi, không có đá để mài. Với kích cỡ liliput con dao dễ dàng chui gọn vào nẹp quần nẹp áo.

- Họ sợ cái gì?

- Còn cái gì nữa? Con dao bé tí này chẳng giết được ai, nhưng tự giết mình thì được.

- Họ cũng sợ tù tự sát cơ à?

- Cũng chỉ trong thời kỳ giam cứu thôi, ông ạ. - Thành lắc mạnh cái đầu bù xù - Trong thời kỳ này, là khi còn đang hỏi cung, người ta cần tù sống cho việc điều tra, cán bộ chấp pháp phải chịu trách nhiệm về mọi mặt. Có trường hợp cán bộ chấp pháp dọa dẫm thế nào không biết, anh tù vừa mới vào được mấy ngày đã treo cổ chết tốt. Điều tra xong mới biết anh ta chẳng có tội tình gì ráo. Dĩ nhiên, trách nhiệm là liên đới - không riêng cán bộ chấp pháp, cả cán bộ quản giáo, cả bộ đội gác cũng có khuyết điểm.

- Chỉ là khuyết điểm thôi ư? Có ai trong bọn họ bị truy tố không?

- Làm gì có! Tất nhiên, cũng có khi bị lôi thôi tí chút. Giả thử anh tù nọ bà con với cán bộ cỡ, người ta moi móc ra, cố tình kiện cáo thì cũng phiền đấy. Nhưng kiện công an thì phải coi chừng, công an họ bênh nhau lắm, có khi đã chẳng được gì mà còn mắc vạ. Con kiến mà kiện củ khoai. Với dân đen thì họ chẳng lo, cứ lờ tịt đi là xong. Thằng tù ấy mà, cái mạng nó có giá gì!

- Anh tù lấy đâu ra thừng mà treo cổ?

- Xì, có gì khó, xé cái quần ra, hoặc cái chăn, bện lại một loáng là xong.

Thảo nào, người ta phát cho tôi cái quần không có dải rút.

- Còn xong cung rồi thì xin mời, muốn tự sát tự sinh gì mặc mẹ mày. Càng đỡ tốn gạo. Ấy là nói tù xà lim, chứ tù ở các trại làm ra của cải gấp bao nhiêu lần tiền nuôi họ ấy chứ. Thử tính mà xem, nuôi thằng tù hết có mười hai ký rưỡi gạo một tháng, mà bắt nó làm như trâu. Thằng tù chẳng cần ai nuôi, tự nó làm ra cái để nuôi nó, nhà nước chẳng mất gì sất. Nước sông công tù, đã có câu như vậy.

- Thế thì nhà nước lợi nhỉ? Càng nhiều tù càng lợi.

- Thời Pháp thuộc chỉ có mấy trại ai cũng biết - Hỏa Lò là một, Chí Hòa là hai, Sơn La là ba, Ban Mê Thuột là bốn, Lao Bảo là năm, Bá Vân là sáu, Côn Đảo là bẩy... - Thành thủng thẳng liệt kê các nhà tù của Tây - đếm đầu ngón tay còn thừa. Thời ta thì sao? Trung ương hàng chục trại, tỉnh nào cũng trại... Chẳng nói đâu xa, ngay ở Hà Nội ngoài cái Hỏa Lò ra, còn có một nhà tù nữa, cũng lớn lắm, thuộc Bộ quản lý, là trại B, hay là trại Thanh Liệt. Ông có nghe nói đến trại Thanh Liệt bao giờ không?

- Không.

- Ông không nghe nói là phải. Chẳng ai biết cái trại này đâu, người ta giữ kín lắm. Nó đâu ở gần thị xã Hà Đông. Xà lim ở đấy mới thật ác, không có chút ánh sáng nào lọt vào. Diện tích còn hẹp hơn xà lim Hỏa Lò nhiều. Mấy ngày rồi ông chưa đi cung nhỉ?

- Bốn.

Anh gật gù.

- Lạ thật. Thường tù mới bắt vào người ta hỏi cả ngày lẫn đêm, cho đến khi mệt lử ra rồi họ còn chưa tha, đàng này... Cái ông chấp pháp của ông có dễ chịu không?

- Tôi không rõ anh cho thế nào là dễ chịu? Có thể tay này là dễ chịu cũng nên, phải qua vài tay tôi mới so sánh được. Mà này, anh có biết vì sao người ta gọi cái anh công an hỏi cung là chấp pháp không? Trước kia người làm việc hỏi cung là dự thẩm, nếu tôi không nhầm.

Thành suy nghĩ một lát.

- Tôi nghĩ đó là do mấy chữ chấp hành pháp luật nói tắt.

Cách Thành giải thích không đủ thuyết phục tôi.

- Chấp hành pháp luật thì mọi công dân đều phải chấp hành, ở nước nào chả vậy. Nếu anh ta thừa hành pháp luật thì sao không gọi là thừa pháp, hoặc hành pháp? Lại còn cái lối nói đi cung nữa, nghe chướng không chịu được.

- Thoạt kỳ thủy, tôi cũng không hiểu như ông, nghe cũng chướng lắm, nghe mãi rồi quen, thấy nó cũng bình thường. Ngôn từ trong ngành công an này tựa như tiếng lóng của lưu manh, không ở trong nghề của họ nghe cứ như vịt nghe sấm. Thế mà ở tù ít lâu là hiểu hết, chẳng cần ai giải thích.

Cách so sánh của Thành làm tôi bật cười.

Thành kiên nhẫn giải thích cho tôi những điều đối với tôi là lạ lẫm, anh độ lượng không coi lỗ hổng kiến thức của tôi là sự đần độn. Mà làm sao tôi có thể biết được những từ quỷ quái ấy kia chứ, khi trại giam là một thế giới cách biệt hoàn toàn với thế giới đời thường. Người Việt Nam hầu như chẳng biết gì về cái thế giới đóng kín ấy. Đề tài trại giam là đề tài cấm kỵ. Các nhà báo không được phép thò mũi vào công việc của ngành trừng phạt, xin lỗi, tôi nói nhầm, ngành cải tạo, đừng nói gì viết về nó. Trong những người tôi quen chỉ có anh Trần Đĩnh, phóng viên báo Nhân Dân, là đã có dịp tham quan Hỏa Lò để lấy tư liệu cho cuốn hồi ký Bất Khuất anh ghi chép cho ông tù cách mạng Nguyễn Đức Thuận. Trần Đĩnh chưa đi tù bao giờ. Anh được vào xem Hoả Lò vì anh cần hình dung ra cái xà lim nó thế nào. Vài năm sau khi cuốn Bất Khuất ra đời, Trần Đĩnh cuối cùng lại bị rơi vào số những phần tử xét lại hiện đại, nhưng anh chỉ bị ép về hưu non, bị trù úm dài dài, chứ không bị đưa vào ở trong những cái xà lim anh đã được xem trong Hỏa Lò.

Về sau tôi mới biết thảng hoặc cũng có vài nhà văn nhà báo được mời đi xem để viết về trại giam xã hội chủ nghĩa. Họ ngồi trên com-măng-ca phóng vù vù qua những cánh đồng, những xưởng thợ, những lán sản xuất thủ công của tù, để tối đến dự các cuộc chè chén say sưa với Ban Giám thị, với tư cách khách quý của ngành. Để hiểu tâm tư người tù, các nhà văn nhà báo vừa ngồi xỉa răng vừa nghe một anh tù nào đó do Ban Giám thị chọn cho gặp. Anh tù được lựa chọn tất nhiên một mực ca tụng hệ thống cải tạo của Đảng và Nhà nước tốt đẹp là thế nào. Về sau tôi có được đọc mấy bài báo loại này. Cứ như mấy nhà văn nọ miêu tả thì hệ thống cải tạo của Việt Nam là tuyệt hảo, là một sáng tạo không tiền khoáng hậu của Đảng, nói tóm lại là cây gậy thần gõ vào đầu tên tội phạm nào là tên ấy lập tức cải tạo tốt, thành người tử tế, thành công dân lương thiện, thậm chí thành công dân gương mẫu.

Trong thời gian ở trại Phong Quang (Lao Cai) tôi biết nhà văn Bùi Huy Phồn tức Đồ Phồn[9] có đến thăm trại này. Chắc chắn ông ta phải biết tôi đang ở đó, nhưng Đồ Phồn không gặp tôi, hoặc vì người ta can gián, hoặc chính ông coi tôi là tên cầm bút phản động, hoặc đơn giản vì ông ta sợ. Những người tù được Ban Giám thị lựa chọn trong số cải tạo tốt sau cuộc gặp gỡ kể rằng họ vừa gặp “một thằng nhà văn nói láo nhà báo nói điêu”.

- Thế còn cai ngục? Bây giờ được gọi là quản giáo, có phải ngoài việc canh giữ tù, anh ta còn phải dạy dỗ chúng mình không?

Thành cười toác. Anh có tiếng cười thật hồn hậu.

- Làm gì có chuyện dạy dỗ! Trình độ của họ thường chỉ trên mức thoát nạn mù chữ thì giáo dục ai? Giáo dục cái con khỉ!

Anh cho biết ngành công an đặc biệt coi trọng lý lịch cán bộ. Người được chọn vào ngành này nhất thiết phải thuộc thành phần cơ bản (tức là bản thân hoặc cha mẹ thuộc các tầng lớp vô sản - công nhân, nông dân hoặc bộ đội). Hơn thế, phải tuyệt đối trong sạch, tức là không có dây mơ rễ má gì với các giai cấp bóc lột bởi huyết thống, trực hệ cũng như bàng hệ. Người ta nói vào ngành công an bị truy xét lý lịch bốn đời là chuyện không ngoa, nếu không phải bốn thì cũng ba. Nếu anh đã là công an thì con anh, cháu anh được nhận vào công an dễ hơn hẳn so với người khác, cho dù họ cũng con bần cháu cố. Cũng theo Thành thì trong ngành này đông nhất dân Thanh Nghệ Tĩnh, những tỉnh không có chiến sự trong kháng chiến chống Pháp, cán bộ sống dai. Những cán bộ đắc thọ này, kháng chiến thành công rồi, mới dắt díu con cháu vào theo. Trong ngành quản lý trại giam nhiều người Sơn Tây và Thanh Hóa, cái đó cũng có ý nghĩa truyền thống - hai tỉnh này có những trại giam đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Tôi nghe Thành dẫn giải, phục lăn. Càng ngày tôi càng tin Thành không phải một tên giết người. Anh phải là cán bộ đã lăn lộn nhiều, hiểu biết rộng, có cách nhìn nhận, phân tích sự việc sắc bén, quyết không phải cán bộ thường. Dần dà, qua những câu chuyện tâm tình tôi thấy trong anh lộ ra hình ảnh một cán bộ quân đội dày dạn. Bằng cách gợi đến những chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp, nhắc đến những người tôi quen ở các cấp tiểu đoàn, trung đoàn, Thành cho biết anh đã từng gặp ai trong những người đó. Quan hệ giữa chúng tôi vì thế càng thêm gần gũi. Điều tôi không hiểu là nguyên nhân nào làm anh không dám thổ lộ với tôi về vụ án của anh?

Khi tôi làm ra vẻ tình cờ nói tới tướng Đặng Kim Giang, hỏi anh có biết tướng Giang không thì anh nói:

- Ông ấy, tôi biết chứ. Ông ấy còn có một cái tên nữa là Lý Giang. Chả là trước ông có chân lý trưởng hay là phó lý trong hội đồng kỳ mục[10]. Thế mà tác phong lại rất chi là bình dân mới lạ, lính tráng lắm. Hồi Điện Biên ấy, tiếng là ông Trần Đăng Ninh làm tổng cục trưởng, chứ toàn bộ công tác hậu cần cho mặt trận này, tôi biết, là do một tay ông Giang làm chủ nhiệm lo, công to lắm. Anh cũng biết ông Giang à?

Tôi lắc đầu:

- Tôi không quen.

Lát sau tôi nói lửng lơ:

- Nghe nói ông Giang vừa bị bắt.

Đang nằm gối đầu trên đôi tay, Thành bật dậy:

- Sao? Anh nói sao?

Tôi nhắc lại.

- Bậy, làm sao có thể có chuyện ấy được? Ông Giang là bậc lão thành cách mạng, hoạt động chống Pháp từ trước khi có Đảng, là bậc khai quốc công thần, công lao còn hơn cả mấy ông lãnh đạo bây giờ, ai bắt được ông ấy?

Nhìn vẻ mặt Thành, tôi hiểu tin này làm anh choáng váng.

- Vừa qua nhiều người bị bắt lắm. Cùng bị với tướng Đặng Kim Giang còn có một số người nữa, như viện trưởng Viện Triết học Hoàng Minh Chính...

Thành chằm chằm nhìn tôi:

- Anh nghe nói hay biết chắc?

- Tôi nghe, nhưng chuyện đó là chắc chắn. Cả Hà Nội biết.

- Lạ thật! Lạ thật! - Thành lắc đầu mấy lần rồi lẩm bẩm - Phải anh Hoàng Minh Chính trước kia làm công tác thanh niên không?

- Chính anh ấy. - tôi đáp.

- Tôi không quen Hoàng Minh Chính, nhưng nghe tiếng anh ấy thì nghe nhiều - anh nói, tư lự - Anh Chính này hồi xưa lãnh đạo một đội quyết tử quân đánh sân bay Gia Lâm mà, người giỏi lắm, được ông Trường Chinh quý lắm. Sao lại thế được? Chà chà, chuyện gì đang xảy ra ở ngoài kia vậy? Anh còn nghe nói những ai bị nữa?

- Cục trưởng Cục quân báo Lê Trọng Nghĩa, anh biết chứ?

- Anh Nghĩa, cục trưởng Cục 2[11]?

Thành kêu lên. Lần này anh nhảy hẳn sang bên phản tôi, nhìn chăm chăm vào mắt tôi.

- Thật thế không? - anh thì thào.

- Thật. Anh biết anh Nghĩa à?

Thành vỗ đùi đánh đét.

- Biết quá đi chứ. Ai nữa?

- Còn ai nữa nhỉ? À, còn ông này, không biết anh có biết không: ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao?

Thành trợn mắt.

- Cả ông Vũ Đình Huỳnh nữa ư?

Tôi giả bộ ngạc nhiên:

- Anh cũng quen ông ấy?

- Không. - Thành thần ra, lắc đầu - Tôi cũng chỉ biết tiếng. Trước ông này làm bí thư cho cụ Hồ.

- Đúng đấy.

Thành bậm môi suy nghĩ rồi thở dài:

- Tôi biết tiếng ông ấy là do thế này. Tôi có anh bạn thân, anh ấy chịu ơn ông ấy lắm. Nếu không có ông Vũ Đình Huỳnh thì ông cụ anh ta đã bị bắn. Công ông ấy là công sống tết chết giỗ với gia đình bạn tôi. Hồi Cải cách ruộng đất nghe nói ông ấy còn cứu nhiều người nữa, không phải chỉ mình gia đình anh bạn...

- Chuyện ông Huỳnh bị bắt là chính xác. Nhà ông chú tôi ở sát nách nhà ông ấy, không sai được. Ông chú tôi còn trông thấy công an xích tay ông ấy giải đi cơ mà.

- Chà chà, - Thành buồn bã lắc đầu - Chẳng lẽ cụ Hồ còn đấy mà để mặc cho người ta muốn làm gì thì làm?

Tôi im lặng một lát rồi nói:

- Biết đâu chả phải chính cụ Hồ muốn thế? Anh thử nghĩ xem: Cụ là lãnh tụ tối cao cơ mà, ai dám qua mặt Cụ.

- Anh nghĩ thật vậy à?

Anh nhìn tôi như nhìn một tên khiêu khích.

- Tôi không biết, - tôi lắc đầu - nhưng trước nay có việc gì quan trọng ở đất nước mà không có sự chỉ đạo của cụ Hồ?

- Ừ nhỉ.

Thành thở dài:

- Tội nghiệp quá!

Đúng là Thành chẳng biết gì về vụ án chúng tôi. Anh không đóng kịch. Và anh thương những người bị bắt.

- Anh có nghe vì sao các ông ấy bị bắt không?

- Ban Tổ chức Trung ương Đảng có thông báo gì đó, nhưng chỉ trong phạm vi nội bộ Đảng. Tôi không được dự, cũng không biết đích xác là thế nào. Nghe nói các ông ấy bị buộc tội có âm mưu phản loạn...

- Bậy quá. Anh có tin thế không?

- Chuyện quốc gia đại sự ai thèm cho dân đen chúng tôi biết. Thông báo vậy thì biết vậy, biết có thật hay không?

Thành buồn xỉu. Anh bò về phản mình hút hai điếu thuốc liền.

- Không hiểu nổi! Chịu! Không thể tưởng tượng được!

Suốt hôm ấy anh không nói gì nữa. Một nỗi buồn, mà cũng có thể nỗi lo âu, xâm chiếm lòng anh. Trước khi đi ngủ, anh xem xét mọi xó xỉnh trong xà lim, rồi ngồi xuống bên tôi.

- Này, anh đừng có nói gì về chuyện hôm nay nhá! - anh thì thào - Nói chẳng có lợi gì đâu, mà chỉ có hại. Cho cả hai. Ở trong nhà tù, tốt nhất là câu trả lời: không. Không biết, không nghe, không thấy.

- Tại sao vậy?

Thành nhát gừng, không giải thích:

- Trong tù nó thế.

Tôi ngạc nhiên:

- Mình có nói chuyện gì ghê gớm đâu.

- Rồi anh sẽ hiểu. Nhà tù, nó phức tạp lắm. Phức tạp vô cùng. Tôi không dọa anh đâu, có khi chỉ vì những chuyện không đâu mà mình đâm ra thêm tội. Tôi đã có một tội kinh tế rồi, thêm một tội chính trị nữa là tàn đời...

10

Con người có số mệnh hay không có số mệnh?

Câu hỏi này luẩn quẩn suốt trong óc tôi vào những ngày tù đầu tiên. Tôi ghi lại ở đây câu chuyện về một hiện tượng thoạt nhìn có vẻ chẳng ăn nhập gì với cuốn sách, nhưng là cái làm lung lay tận gốc thế giới quan tưởng chừng đã vững chắc trong tôi, ảnh hưởng tới tâm trạng tôi trong những năm tù sau này.

Trước hết, cần phải nói ngay rằng hồi ấy tôi duy vật từ đầu đến chân. Tuy nhiên, chủ nghĩa duy vật trong tôi có nguồn gốc tầm thường chứ không cao quý gì. Cha mẹ tôi duy vật thì tôi duy vật, như lẽ đương nhiên phải thế. Nghe mẹ tôi kể thì vào thời con gái của bà, chủ nghĩa duy vật đặt chân lên nước ta không phải với tư cách một triết thuyết mà như một cái mốt. Nó như ánh sáng điện bỗng bừng sáng trong ngôi nhà xưa nay leo lét đèn dầu. Phàm người thuộc thế hệ bà mà có chút ít tây học đều trở thành duy vật tuốt. Chí ít thì họ cũng khoe mình là như thế. Người có chân trong tổ chức cách mạng lại càng duy vật hơn ai. Duy vật vào hồi ấy đồng nghĩa với cách mạng. Bạn bè cha mẹ tôi đều duy vật cả, trừ ông Tiến cố. Ông có số phận rất long đong. Vốn là một nhà duy vật cuồng nhiệt, đảng viên Đảng cộng sản Pháp, không hiểu sao ông khi trở về Việt Nam ông lại nhảy sang Thiên Chúa giáo. Rồi trong một mưu toan đầy thiện chí nhằm làm mai cho hai thứ mà ông yêu, Thiên Chúa giáo bác ái và chủ nghĩa cộng sản bạo hành, ông bị các đồng chí tống ra khỏi hàng ngũ[12].

Tôi chưa bao giờ tin cả thần thánh lẫn ma quỷ. Bà ngoại tôi sùng Phật, thích đi lễ chùa và ăn chay, làm việc bố thí. Bên nội hãnh diện về mấy đời theo Thiên Chúa giáo, xưng mình đạo gốc, chăm đọc kinh, chăm xưng tội chịu lễ. Bên ngoại lặng lẽ nhập đạo Phật với đạo thờ cúng tổ tiên, coi hai thứ là một.

Cha tôi bỏ đạo khi thành cộng sản. Việc cha tôi bỗng dưng không đi nhà thờ nữa, không xưng tội chịu lễ nữa, làm cho ông bà tôi rụng rời chân tay, cả họ nhớn nhác. Người làng xì xào cha tôi vào hội kín, vì thế ông bỏ đạo. Cha tôi nói: ông bỏ đạo vì ông cho rằng thực dân Pháp đã dùng Thiên Chúa giáo để thôn tính nước ta. Mẹ tôi giải thích việc cha tôi bỏ đạo bằng sự tiếp xúc của cha tôi với ông Đinh Chương Dương[13] và phong trào cách mạng. Cha tôi cho rằng người cách mạng phải dứt khoát với mọi cái gắn liền với những mưu mô của thực dân.

Cái còn lại của đạo Chúa trong cha tôi là lời dạy của Đức Chúa Giê-su Ki-ri-xi-tô: “Hãy thương yêu người ta như mình vậy”. Ông thường căn dặn chúng tôi rằng nhân vô thập toàn, con người ta ai cũng có khuyết điểm, mình cũng vậy, cho nên phải độ lượng với nhau, phải sống khoan dung, nhân ái. Gặp hồi chỉnh huấn, cán bộ luôn miệng nói phải vì nhân dân quên mình, thì cha tôi cười. Ông nói rằng chẳng bao giờ ông tin những người khoe họ yêu nhân dân hơn yêu bản thân. “Yêu người bằng yêu mình là tốt lắm rồi! - ông dạy tôi - Chúa cũng chỉ dám mong người ta yêu người bằng yêu mình mà còn không xong. Hai ngàn năm rồi nhân loại vẫn chưa thực hiện được lời Chúa dạy, mà nay muốn thực hiện điều hơn thế là nói khoác”.

Mẹ tôi thờ ơ với cả hai thứ đạo. Bà không từ chối đi nhà thờ, không chăm chỉ đi chùa, nhưng cũng không phản đối các bà chị chồng đưa các con bà đi rửa tội, chịu Mình Thánh Chúa. Cả bên nội lẫn bên ngoại đều không trách được mẹ tôi, bà chỉ không siêng năng chứ không báng bổ đạo như cha tôi, nhưng cả hai bên đều ngấm ngầm không hài lòng về bà. Bà ngoại không chịu được những lời sàm báng của con gái đối với giới sư sãi, nhưng nhất quyết bắt mẹ tôi phải trung thành với đạo thờ cúng tổ tiên thuần Việt, là thứ đạo mẹ tôi bao giờ cũng tôn trọng.

Vào thời gian xảy ra vụ xét lại chống Đảng, tôi đang viết tiểu thuyết Pháo Đài Xanh, cuốn sách được ấp ủ từ nhiều năm. Đó là cuốn biên niên sử của một làng. Nó cũng sẽ là hình ảnh của sự thay đổi diễn ra trên đất nước. Ngôi làng trong cuốn sách chính là quê nội của tôi. Tôi sống lâu hơn, nhiều hơn với cái quê nhà gạch và đường nhựa, nhưng trong tình cảm tôi gắn bó nhiều hơn với cái quê nghèo bùn lầy nước đọng.

Quê nội để lại dấu ấn đậm nét trong tuổi thơ của tôi. Nó là miền đất ruột rà của tôi. Nó chiếm hết tình yêu bé bỏng của tôi.

Tôi được mẹ tôi đưa về quê nội năm tôi lên sáu. Cha tôi vừa bị Pháp bắt. Mẹ tôi không thể cùng lúc vừa nuôi mấy anh em tôi, vừa đi làm thuê, vừa hoạt động cách mạng. Bà đưa tôi về quê cho bà chị chồng nuôi đỡ. Đó là một bà già cô độc, cao lớn, mặt mũi dữ tợn, đuồn đuỗn như một cái phất trần, tên là bà Gái. Cô tôi sống trọn đời đồng trinh trong ngôi nhà ông bà tôi để lại khi đàn em của bà đã tứ tán phương xa. Trong thời gian mấy năm ở với cô Gái, tôi quyến luyến bà, và qua những lời dẫn tích của bà, nhà ái quốc chân chính của làng mình, tôi quyến luyến mảnh đất của cha ông.

Chúng tôi ở trong một ngôi nhà gỗ năm gian, với mấy gian nhà ngang bằng tre nứa mọc ra ở một đầu hồi, kết thúc bằng một gian bếp thấp tè và một chuồng lợn lụp xụp. Nơi đây các bác tôi, các cô tôi (tức là các bà chị của cha tôi) ra đời và lớn lên trong sự ấp ủ của cha mẹ, một ông nhà nho không gặp thời làm nghề bốc thuốc, với một bà vợ không biết chữ, nhưng tần tảo và đảm đang như bất cứ người vợ nào trong những năm xa xưa ấy. Trong ngôi nhà trước kia hẳn rất ồn ào, nay vắng lặng vì chỉ còn lại hai cô cháu tôi, tôi tìm thấy những quyển vở bằng giấy bản với những chữ nho ngòng ngèo - vở học của cha tôi khi ông bắt đầu ê a Tam thiên tự của một nền học đã chìm trong quá khứ.

Tình yêu đối với đất nước ở mỗi con người cũng khó giải thích như tình yêu trai gái. Trong sáu anh chị em của cha tôi chỉ có mình ông đi làm cách mạng. Với đất nước ông có một tình cảm ruột thịt lạ lùng, khó hiểu đối với chính tôi, đứa con ông. Dường như ông không thể sống không có tình yêu dâng hiến đó, như tình yêu Chúa trong lòng tín đồ tử vì đạo. Tôi nhớ ông đã bực bội như thế nào khi đọc được trong cuốn sách giáo khoa của con gái tôi lời phán truyền của một nhà lãnh đạo dạy học sinh rằng “các cháu phải yêu nước vì “nước ta giàu và đẹp”. Đó là tình yêu vụ lợi, chứ đâu còn là yêu nước, ông kêu lên, nếu nước ta nghèo và xấu thì sao? Không cần yêu nữa à?

Mặc dầu rời bỏ quê hương từ khi còn nhỏ, cha tôi lúc nào cũng quyến luyến nó, và ông truyền tình yêu đối với mảnh đất ruột rà lại cho những đứa con mình.

Trong cuốn sách dự định, khởi đầu bởi tình yêu đó, tôi muốn ghi lại những số phận người trong làng tôi, như là hình ảnh thu nhỏ của cách mạng giải phóng dân tộc qua những thời kỳ tiền khởi nghĩa, kháng chiến chống Pháp, Cải cách ruộng đất... Tôi hy vọng qua những sự kiện xảy ra, qua những số phận người trong một làng bình thường ở châu thổ sông Hồng mà dựng lại một mảng lịch sử với những bước thăng trầm không phải chỉ của một thế hệ nông dân mang trong mình khát vọng truyền nối về một cuộc sống no đủ, thanh bình.

Mấy cuốn sổ tay của tôi kín đặc tên người tên đất, phong tục, tập quán, thổ ngữ, gia phả, thần phả, những phác họa nhân vật, tính cách, tiểu sử của những nhân vật ấy, cả những tư liệu về chức vụ, quân hàm của quân đội lê-dương, quân đội viễn chinh Pháp v. v...

Kể chuyện này ra thì buồn cười, nhưng đúng thế: cái mà tôi còn thiếu cho cuốn tiểu thuyết là một ông thầy bói. Tôi đã chọn được một ông. Ông này, theo tư liệu thu được, phụ trách một cơ sở kháng chiến trong thành phố. Nhà chiêm tinh phương Đông được viên đại tá tư lệnh xếch-tơ[14], một cựu sinh viên toán-lý ham nghiên cứu phương Đông thần bí, coi như thầy học. Ông thầy bói cũng đem lòng yêu mến đệ tử của mình. Trong ông tình yêu cuộc kháng chiến và tình yêu anh học trò đánh nhau chí tử. Cuối cùng tình yêu cuộc kháng chiến thắng. Ông thầy bói làm nội ứng cho quân Việt Minh đánh vào chỉ huy sở của xếch-tơ. Trong ánh lửa của đồn cháy, ông ôm lấy xác người học trò mà khóc.

Tôi không biết gì về bói toán, nhất là khoa tử vi. Từ ngữ của cái nghề cổ xưa nhất thế giới, tên gọi các vì sao không có thật trên bầu trời thế tục hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Để có được những nhân vật sinh động tôi không ỷ vào trí tưởng tượng vốn không được giàu có, mà thường tìm kiếm trong đời thực những nguyên mẫu cho tới khi có thể, như các nhà văn thường nói, sờ thấy được nhân vật tương lai. Hemingway chia sẻ kinh nghiệm viết văn cho người đi sau “Cái bịa lớn bao giờ cũng giống thật”. Tôi bịa kém. Tôi nghĩ khác Hemingway: cái thật phong phú hơn cái bịa. Nói cách khác, cuộc đời mới là người bịa chuyện giỏi nhất.

Đúng vào lúc tôi đang viết mấy chương đầu cho cuốn sách thì cha tôi bị bắt, nhà tôi bị khám, bản thảo bị tịch thu. Vào thời điểm rối ren như thế mà tiếp tục viết thì thật gàn dở, nhưng tôi không muốn công việc bị gián đoạn. Tôi chán nản, tôi hụt hẫng, tôi có cảm giác mình chẳng còn lúc nào để viết nữa. Tôi chạy tới với sáng tác như thể nó là cứu cánh. Mà cũng có thể tôi cần được ngụp lặn trong bận rộn để tách mình khỏi những ý nghĩ đen tối về tai họa đang đến.

Tôi đã gặp kẻ hủy diệt thế giới quan của tôi trong bối cảnh như vậy.

Đồn rằng gần đền Hàng Trống có một ông thầy bói giỏi. Ông có thể nói vanh vách chuyện quá khứ của mình, còn những gì ông nói về tương lai thì sau nghiệm ra thấy đúng cả.

Người khuyên tôi đến xem bói là cô em dâu tôi, rất tin ở bói toán, và vợ tôi, vốn chẳng bao giờ mê tín dự đoan.

Được chứng kiến cảnh nửa đêm công an hùng hổ tới nhà bắt cha tôi, vợ tôi lo cho số phận của tôi. Mà số phận tôi cũng tức là số phận cái gia đình bé nhỏ của chúng tôi. Nếu tôi cũng bị bắt thì gia đình tôi tan nát. Lương vợ tôi không đủ nuôi thân, nói gì nuôi hai đứa con. Trong hoàn cảnh chúng tôi, bất cứ ông thầy bói nào cũng đáng tin nghìn lần hơn một chính quyền dối trá.

Ông thầy bói mù cảm thấy sự có mặt của chúng tôi qua những tiếng dép bước rón rén vào nhà. Ông nói, giọng sẽ sàng:

- Xin các vị chờ cho một lát.

Chúng tôi đã đến sớm, nhưng có người còn sớm hơn. Ông thầy bói đang xem cho một bà đứng tuổi mặt mày thiểu não, luôn miệng vâng dạ, thỉnh thoảng lại suỵt soạt khấn khứa.

Nhà chật, ông hành nghề trên cái phản. Người trong nhà đi lại loẹt xoẹt, ra đụng vào chạm ầm ĩ, coi như không có ông. Chúng tôi ngồi ghé vào mép cái phản không mấy sạch sẽ. Tôi thất vọng. Tôi tưởng sẽ gặp một cụ đồ nho thất thế với cặp mắt sáng anh minh, giọng nói sang sảng, chứ không phải ông già mù với đôi tay xương xẩu sờ soạng trên chiếc chiếu bẩn để tìm cái đĩa ông vừa đặt xuống. Giọng ề à ông nói với bà khách những chuyện tương lai tầm phào: tháng này bà có lộc, nhỏ thôi, nhưng cũng là lộc, còn tháng sau thì phải cẩn thận kẻo mất cắp, tháng sau nữa sẽ có người nhà ở xa về mang đến tin vui...

Ông không có chỗ trong cuốn tiểu thuyết của tôi. Ông sẽ lạc lõng trong đó như một nhân vật quặt quẹo. Đã định đứng lên ra hiệu cho vợ tôi lẻn về thì quẻ bói của bà khách đến trước cũng vừa xong.

- Mời ông bà ngồi.

Vẫn yên vị, xếp bằng tròn, ông thầy bói quay mặt về phía chúng tôi, hướng rất đúng, như thể đàng sau cặp kính đen là đôi mắt sáng.

Đành lê chân ngồi vào chỗ bà khách vừa bỏ đi.

- Sáng nay tôi độn, biết ông sẽ đến. - cặp kính đen nhìn tôi - Thánh dạy: có quý nhân đến nhà!

Trời đất quỷ thần ơi, tôi mà là quý nhân của ông ư, ông thầy bói? Quý nhân theo cái nghĩa nào vậy? Ông nhầm rồi. Tôi chẳng có thể là quý nhân trong bất cứ nghĩa nào, cho bất cứ ai. Thậm chí tôi cũng chẳng còn tiền để đặt quẻ cho hậu hĩ.

- Không dám. - tôi lúng túng - Chúng tôi đến phiền cụ xem cho một quẻ.

- Vâng. Ông muốn xem hung cát? Hay công danh, tài lộc?

- Cụ cứ nói những gì cụ thấy, xin lỗi, những gì Thánh dạy...

Một nụ cười độ lượng thoảng qua mặt ông thày.

- Xin ông cho biết ngày sinh tháng đẻ.

Tôi nói. Nhìn xéo qua cặp kính đen, tôi thấy một đôi mắt trắng đục - ông già bị lòa thật. Ông ngẩng đầu lên, trán nhăn lại, lẩm bẩm một hồi rồi sờ soạng tìm cái đĩa. Bằng hai bàn tay thành kính, ông nâng cái đĩa lên ngang trán, suỵt soạt khấn. Rồi hạ cái đĩa xuống, ông trầm ngâm gieo tiền. Ba đồng trinh rơi xuống mặt đĩa kêu rổn rảng. Sau khi rờ rẫm sờ từng đồng một để biết sấp ngửa, và hẳn cũng để kéo dài thời gian suy nghĩ, ông xoa xoa chúng trên mặt đĩa một lát rồi chậm rãi nói với tôi:

- Tôi sẽ nói ba điều. Nếu ông thấy tôi nói đúng thì xem tiếp. Nếu sai, tức là Thánh không cho, xin ông lại đây vào bữa khác.

Tôi sẽ không trở lại đây nữa, bất kể Thánh cho hay không cho.

- Xin cụ cứ nói.

-Thứ nhất, ông đã từng xuất ngoại.

Một câu chẳng quan trọng, không có ý nghĩa. Nhưng kể cũng lạ, căn cứ vào đâu mà ông già mù kia đoán được tôi đã từng ở nước ngoài? Giọng nói của tôi tố cáo tôi? Không, tôi không ở nước ngoài lâu tới mức giọng nói bị thay đổi. Một mùi lạ, xà phòng thơm hoặc nước hoa? Cũng không thể có chuyện đó. Tôi vừa mới từ những hố bom trở về. Ở thành phố Nam Định nước lúc chảy lúc không. Trước khi về Hà Nội tôi ở vùng Chợ Chùa, huyện Nam Trực, nơi chịu mấy trận bom liên tiếp, ở đó tôi tắm nước ngòi, nước ao tù, không xà phòng, chỉ cốt gột sạch bùn đất. Người mù có khứu giác tinh tường, nhưng ông không thể thấy ở tôi mùi nước ngoài nào.

- Có đúng vậy không?

- Dạ, thưa cụ cứ nói tiếp.

- Thứ hai, mùa thu năm nay nhà ông có hỉ, hỉ qua tiếp đến hạn.

- Dạ?

- Hỉ đây ứng vào anh em ông, hoặc em trai lấy vợ, hoặc em gái lấy chồng. Còn hạn, nó ứng vào cụ thân sinh ra ông.

Ông thầy bói nhẩn nha nói trúng vào những sự kiện vừa xảy ra trong gia đình tôi - mùa thu em trai kế tôi lấy vợ, sau đó đến cha tôi bị bắt. Tôi sững sờ.

- Sao mà lại có người số lận đận thế! - ông già ngẩn người, tư lự - Lạ thật, lạ thật!

- Là sao, thưa cụ?

- Cứ như Thánh dạy thì hiện nay cụ thân sinh ra ông đang mắc hạn tụng đình, tức là có chuyện lôi thôi nơi cửa quan...

Tôi vờ ngạc nhiên, phản bác:

- Sao có chuyện nhưthế được, thưa cụ? Cụ thân sinh tôi đã về hưu, hiện sơ tán ở Tam Đảo. Cụ đã có tuổi, chẳng làm gì để có thể mắc vào chuyện lôi thôi.

Ông thầy bói nghiêng đầu kiên nhẫn nghe.

- Vậy mà cứ như quẻ này thì cụ nhà bị bắt rồi.

Ông nói sau một lát im lặng, như thể khi tôi nói ông bận lắng nghe ai đó đang nói với ông, chứ ông không nghe tôi.

Tôi lặng đi. Có thể có sự thật như thế không: một ông già xa lạ, và ông ta biết được những việc xảy ra trong nhà người khác?

- Nhưng...

- Lận đận quá! - ông già lắc đầu ái ngại - Tính ra thì thời Tây Tây bắt, thời Nhật Nhật bắt, đến thời ta cũng không yên. Con người sao mà khốn khổ thế! Cương cường quá, thẳng tính quá, nên mới bị tai vạ. Cự môn đắc địa lại gặp Hỏa tinh, Thất sát... Lại còn thêm mấy hung tinh nữa, mới nguy... Cứ như tôi suy thì cụ nhà không vướng vào chuyện kinh tế đâu, mà đây là chuyện chính trị...

Tôi không còn muốn chối nữa. Nhưng tôi chỉ nói:

- Tôi sẽ đi Tam Đảo thăm cụ ngay.

- Ông đi đi! Tuy chẳng giúp gì được cụ nhà đâu, nhưng đạo làm con ông phải đi. Mà lạ, cụ nhà gặp nạn ít ra cũng gần cả tháng rồi mà sao không ai báo cho ông biết?

- Thưa cụ, tôi vừa đi công tác khu 4 về.

Vợ tôi đưa mắt cho tôi.

- Bây giờ phiền cụ xem cho tôi.

Ông thầy bói cúi đầu xuống. Ngón cái đi những bước chậm chạp trên những ngón tay xương xẩu.

- Tôi nói thẳng ra nhá?

- Vâng, cụ cứ nói thẳng.

- Thế này: chính ông cũng sẽ gặp hạn, ông ấy, nhưng không phải ngay bây giờ. Qua tháng này đã, trong tháng sau...

Tôi liếc vợ tôi. Mặt nàng nhợt đi khi nghe câu nói đó.

Tội nghiệp, vợ tôi thương tôi biết bao nhiêu!

- Hạn sẽ xảy ra bất ngờ... - ông ta nói tiếp - Tôi biết, ông không tin đâu, nhưng nó sẽ đến đấy. Hạn này là hạn có kẻ gắp lửa bỏ tay người, việc không có nó bảo là có, việc xong rồi nó bảo là chưa...

Tôi suy nghĩ. Thế là thêm một người khẳng định tôi sẽ bị bắt. Khác ở chỗ người này không nhìn vào tình hình chính trị mà căn cứ ở những vì sao không có thật.

- Hạn liệu có dài không, thưa cụ? - tôi hỏi.

Ông thầy bói lắc đầu:

- Tôi không nói trước được. Nếu ông cúi mình xuống, không cãi lại, người ta nói gì cũng gật, buộc cho mình cái gì cũng ừ, cứ nhận hết thì xong. Bằng không hạn sẽ kéo dài: hai thành bốn, bốn thành tám, tám thành mười sáu... cứ thế nhân lên mãi...

Vợ tôi nước mắt đã lưng tròng.

Xong quẻ, tôi đưa cho ông thầy bói nhiều hơn số tiền tôi định đưa. Tôi hỏi ông về chữ quý nhân mà ông dùng cho tôi thì ông nói:

- Quý nhân là người đáng quý, không có nghĩa nào khác. Không phải ông cho tôi tiền hay cho tôi quà mới là quý nhân. Mong còn có dịp gặp lại nhau.

Trước khi ra về tôi đặt câu hỏi cuối cùng:

- Thưa cụ, cụ đã xem cho nhiều người, biết nhiều số phận, tôi muốn hỏi cụ: có phải thời nay người xấu nhiều hơn người tốt không?

Ông cười khà khà:

- Cuộc đời phải có âm có dương, có đực có cái, có xấu có tốt, mới là cuộc đời chứ. Dĩ nhiên, có hồi âm thắng dương, có hồi dương thắng âm, tựu trung chông chênh là thường tình, cân bằng là hãn hữu. Ông có số nhìn xa trông rộng, ông thừa hiểu sự đời, còn hỏi tôi làm gì?

Trong khi đối thoại với Huỳnh Ngự ở sân Hỏa Lò tôi lại nhớ đến lời tiên tri của ông thầy bói mù: hạn này là hạn có kẻ gắp lửa bỏ tay người, việc không có nó bảo là có, việc xong rồi nó bảo là chưa...

Vậy cái kẻ gắp lửa bỏ tay người kia là ai?

Rõ ràng không phải cái anh chàng thư lại đang đứng trước mặt tôi rồi. Y bất quá là một tên công sai nhiệt tình.

Kẻ gắp lửa bỏ tay người là chủ của y kia. Tôi nghĩ tới Lê Đức Thọ. Nhưng cả khi đó, cả bây giờ tôi vẫn không hiểu: Thọ muốn gì ở tôi?

Tôi không thích chính trị. Tôi làm việc, như bất cứ ai trong bất cứ xã hội nào. Tôi thích chủ nghĩa xã hội bởi nó hứa hẹn một tương lai đẹp - tự do, công bằng xã hội, kinh tế phồn vinh. Nhưng những thứ bán kèm với nó như đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, ý thức tổ chức, dân chủ tập trung không được lòng tôi.

Cuộc đấu tranh gọi là “chống chủ nghĩa xét lại hiện đại” mà nhà cầm quyền vừa dấy lên không phải của cái chủ nghĩa xã hội mà tôi hình dung. Càng không phải của nhân dân Việt Nam, không phải của dân tộc Việt Nam. Lại càng không phải cuộc đấu tranh của tôi, vì tôi, cho tôi. Tôi chẳng thích chủ nghĩa xét lại nào hết, hiện đại cũng như không hiện đại.

“Hạn này có kẻ gắp lửa bỏ tay người, việc không có nó bảo là có, việc xong rồi nó bảo là chưa... ”. Tôi không thích chính trị mà nhà cầm quyền cứ lôi tôi vào với nó là trúng với câu “việc không có nó bảo là có”. Tôi đã xa lánh chính trị mà nhà cầm quyền cứ đính tôi vào nó, rồi giữ rịt tôi trong nó, là ứng với câu “việc xong rồi nó bảo là chưa”...

Rất có thể người ta không ưng được tôi vì tôi đã vi phạm không phải một lần những điều cấm kỵ. Lần đầu với truyện ngắn Đêm Mất Ngủ[15] (báo Văn Nghệ, 1961), tôi bị Tố Hữu lên án “Vũ Thư Hiên lộ rõ tâm trạng bất mãn với chế độ hiện hành”, trong bài viết “Giương cao ngọn cờ tính Đảng, chống chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn nghệ”. Cùng bị vạch mặt chỉ tên như những tên xét lại hiện đại trong văn học còn có Nguyên Ngọc và Ngô Ngọc Bội. Tố Hữu coi Nguyên Ngọc nói móc họng Đảng, ví lòng dân như mạch nước ngầm (trong truyện ngắn Mạch Nước Ngầm), không dễ thấy nhưng lại quật đổ được những công trình lớn. Ngô Ngọc Bội (với truyện ngắn Chị Cả Phây) bị Tố Hữu gọi là freudiste[16]. Ở Việt Nam chẳng mấy ai biết freudisme là cái gì, nhưng bị Đảng coi như freudiste là nặng lắm.

Lần thứ hai tôi bị đánh là vì kịch bản Đêm Cuối Cùng, Ngày Đầu Tiên, tôi đã kể trong chương trước. Lần thứ ba nhẹ hơn cả, do truyện ngắn Đêm Mùa Xuân. Nó không bị đánh trên mặt báo, nhưng tập truyện ngắn cùng tên (Nhà xuất bản Lao Động, 1963) bị lẳng lặng thu hồi.

Đòn nặng nhất là bài báo của Tố Hữu. Nó xuất hiện trên báo Nhân Dân, sau đó được tất cả các báo nhất tề đăng lại, không trừ cả báo Văn Nghệ đã đăng truyện ngắn này. Giáo sư Hoàng Xuân Nhị[17] còn gán thêm cho tôi một tội mà nhà lãnh đạo văn nghệ bỏ sót: “Vũ Thư Hiên đã phất cao ngọn cờ ấn tượng chủ nghĩa nhằm chống lại đường lối văn nghệ xã hội chủ nghĩa của Đảng”. Trong trận đòn hội chợ, nhà phê bình văn học Phong Lê bồi thêm cho tôi một quả đấm muộn trên tập san Nghiên cứu Văn Học, cũng với ý ấy. Tôi giận Phong Lê hơn giận vị giáo sư khả kính. Phong Lê thuộc lớp trẻ chúng tôi, lẽ ra anh không đến nỗi bảo thủ như thế mới phải. Anh em nói Phong Lê chậm hiểu, nhưng không cơ hội. Hai chục năm sau quả nhiên anh cũng bị đánh vì những ý nghĩ vượt ra ngoài khuôn phép.

Từ sau những sự kiện đó tôi không được in nữa.

Nói chung, nhà văn, nhà thơ nào một lần lỡ bút hoặc lỡ lời đều bị như vậy. Vũ Bão[18], tác giả cuốn Sắp Cưới, một cuốn sách hay về Cải cách ruộng đất vì giọng văn dân dã hiếm có, để cho nhân vật nói Trường Chinh bị mất chức tổng bí thư bằng câu “mất bay cái chức Đảng trưởng”, mà nhiều năm bị treo bút, còn hơn cả Lev Tolstoi bị Nhà Thờ Chính giáo Nga phạt vạ anaphema[19] vì tội báng bổ.

Cái khác là khi phạt vạ một con chiên, Nhà Thờ có thông báo hẳn hoi, có cha đạo cao rao trên tòa giảng cho hết thảy đàn chiên được biết, còn chúng tôi thì bị rút phép thông công ngầm, bằng chỉ thị ngầm, bằng những lệnh miệng.

Năm 1964, theo tinh thần Nghị quyết 9, tại tất cả các cơ quan văn hoá thông tin người ta tổ chức những cuộc rà soát mọi ấn phẩm để tìm ra những cái có tư tưởng xét lại hoặc bị ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại.

Ai nấy sợ xanh mắt. Bói ra ma quét nhà ra rác, đầu chẳng phải cũng phải tai. Đến nhà văn Đỗ Quang Tiến ở báo Văn Nghệ, người chọn đăng truyện ngắn Đêm Mất Ngủ của tôi, vốn hiền lành, “xét đi” chẳng biết, “xét lại” chẳng hay, không ai có thể buộc ông có xu hướng “xét lại”, cũng chối phăng, đổ vấy mọi tội cho tập thể. Tất nhiên, truyện ngắn được in phải qua mấy người duyệt, Đỗ Quang Tiến đã ranh mãnh cho nó qua được những con mắt cảnh giác lúc chúng mệt mỏi. Đỗ Quang Tiến cười hì hì bảo tôi: “Không làm thế truyện ngắn của cậu không thể ra được, nó ra rồi mình chối phăng, làm gì nhau tốt?”

Tôi quý Đỗ Quang Tiến không phải chỉ vì ông đã tìm cách “lăng xê”[20] tôi. Đối với người mới vào nghề đó là cái ơn lớn. Năm 1956 tôi mới có vài truyện ngắn in trên các tờ Văn Học, Tổ Quốc và Độc Lập. Đỗ Quang Tiến, với tư cách biên tập viên báo Văn Học, đã chọn in Đường Số 4 và sau đó Đêm Mất Ngủ, vào năm 1961. Ông nhà văn xuất thân công chức, trước Cách Mạng Tháng Tám ở Nha Thương chính hay Ty Kiều lộ tôi không nhớ rõ, đã có sự hy sinh thầm lặng cho việc vun xới các mầm non văn nghệ. Tôi và các bạn văn trẻ thường tới nhà ông. Chúng tôi chen chúc nhau trên chiếc chiếu hẹp, uống trà đặc, nói chuyện văn chương. Đỗ Quang Tiến có nhiều ý hay, nhiều câu chuyện dí dỏm và rất nhiều dự định viết không thành. Có người chê Đỗ Quang Tiến hèn. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi tiếc những tác phẩm không ra đời của anh. Tôi không coi sự hèn chút ít, tức là hèn nhưng không hại ai, được lịch sự gọi bằng không có gan, là thói xấu. Hầu như các nhà văn vào thời kỳ đó đều hèn một chút, nếu không hèn nhiều. Đó là bản năng tự vệ có sẵn trong bất cứ sinh vật nào. Không hèn, chính anh sẽ rơi vào sổ đen của Đảng, nhẹ thì không được lên lương, hoặc mất đứt cơ may ra nước ngoài một chuyến. Nặng, anh có thể bị đẩy đi lao động, chuyển công tác, hoặc bị tống ra ngoài biên chế.

Không kể vụ Nhân Văn - Giai Phẩm xảy ra đã hơn chục năm, với Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Phan Tại, Hoàng Công Khanh, Phùng Cung[21] bị đi tù, hình thức bắt giam chưa được dùng cho văn nghệ sĩ. Trừ trường hợp Tuân Nguyễn[22], nhà thơ, cán bộ Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, bị bắt mùa hè năm 1965.

Một sáng chủ nhật tôi đến rủ Tuân Nguyễn đi ăn sáng thì thấy cửa nhà anh khóa trái. Tôi ngạc nhiên. Bình thường vào ngày nghỉ nhà thơ lười của chúng tôi chẳng bao giờ dậy sớm. Chủ nhật, mười hai giờ trưa anh vẫn còn trên giường. Tuân Nguyễn có thói quen đọc sách khuya.

Uống cà phê một mình thì buồn, tôi dong xe đi tiếp, đến Vũ Huy Cương[23]. Cương rầu rầu báo cho tôi tin dữ: Tuân Nguyễn bị bắt rồi. Đầu đuôi câu chuyện là thế này: Tuân Nguyễn hớ hênh đưa cho một ông bạn nào đó cuốn sổ tay trong có mấy bài thơ anh mới làm. Cuốn sổ rơi vào tay công an. Ông bạn của Tuân Nguyễn, hoặc là một nhà mác-xít chân chính, hoặc là một tên chỉ điểm, trong trường hợp này rất có thể là hai cùng một lúc. Đáng tiếc, chẳng bao giờ chúng tôi được biết kẻ làm việc nhơ bẩn đó là ai.

Chúng tôi đoán và đoán không sai: Tuân Nguyễn bị bắt vì bài thơ Trái Tim Hồng Ngọc. Nó được làm nhân đám tang ông Dương Bạch Mai. Anh rất quý ông, gọi ông bằng thầy, ví trái tim ông như viên hồng ngọc vĩnh viễn ngời sáng: “Một tiếng nói chúng tôi chờ đã mất. Đau đớn này đau đớn nào hơn. Chân lý không muốn nằm dưới đất... ”. Tôi tiếc không tìm được bài thơ của anh để giới thiệu ở đây. Nó vĩnh viễn biến mất. Bài thơ gây xúc động sâu sắc trong chúng tôi hồi ấy. Vì bài Trái Tim Hồng Ngọc, và vì một số bài thơ khác chưa từng đăng báo, anh bị tù tám hoặc chín năm tôi không nhớ rõ.

Khi bị bắt Tuân Nguyễn là người ốm yếu. Anh em đồn anh bị lao phổi. Các đồng chí quẳng anh vào tù, ở trong tù anh lại được các bạn tù, phần đông là lưu manh, chăm sóc. Đêm đầu tiên từ trại tù trở về Hà Nội anh ngủ gục ở ga Trần Quý Cáp. Một cô điếm đi ăn sương gặp anh, thương tình đưa anh về túp lều của cô trong khu ổ chuột đàng sau phố Khâm Thiên. Cô an ủi anh, cưu mang anh trong những tháng đầu tiên trở về với cuộc sống, khi anh quá chán nản, không muốn gặp mặt bè bạn, thậm chí muốn tự sát. Tuân Nguyễn đứng lên được là nhờ cô. Cảm động trước lòng nhân ái của người con gái không quen biết, anh ngỏ ý muốn gá nghĩa cùng cô, nhưng cô từ chối: “Anh ơi, chúng mình khác nhau nhiều quá, anh làm sao có hạnh phúc với em được. Anh sống sao nổi trong xã hội này nếu vợ anh là em, một con điếm?!”

Thời kỳ này là thời kỳ phần lớn những cây bút trẻ im tiếng. Họ không chịu gò mình vào nền văn nghệ quan phương khô xác và kênh kiệu.

Trong bầu không khí ngột ngạt đầy những cấm kỵ khó ai có hứng để mà viết. Nguyễn Tuân phân trần về những cái ông viết để trả nợ cho những chuyến đi: “Khi ngồi vào bàn nhà văn phải thấy thoải mái trong lòng thì may ra, may ra thôi, hắn mới viết được một cái gì đó ra hồn. Ngòi bút khi viết mà ngập ngừng, mà run rẩy thì chỉ cho ra những văn phẩm nước ốc, có khi lại còn bốc mùi thum thủm. Khốn nỗi, thời nay im lặng không xong. Im lặng người ta bảo mình không bằng lòng họ. Cho nên anh đừng lấy làm lạ thấy tôi viết mấy cái lăng nhăng. Chẳng qua là thỉnh thoảng tôi phải nhảy ra mà hô présent[24] một cái cho phải phép, để cho người ta khỏi bẻ hành bẻ tỏi... ”.

Ông thầy bói đúng. Có kẻ gắp lửa bỏ tay người...

Sau khi bị bắt, tôi tin có thật một Nostradamus[25], cũng như có thật một Trạng Trình.

Nhưng nếu mọi hành động của con người đều nằm trong tiền định thì con người còn là cái gì? Nó chẳng quyết định được gì hết sao, loại sinh vật có trí khôn là chúng ta? Nó chỉ là con rối trong tay định mệnh sao? Nguyễn Du của chúng ta đúng hay sai khi ông nói “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”?

Và còn cái mà người ta thường gọi là vận nước? Nước có vận hay không có vận, và con người trong đó có thể làm được gì một khi mọi sự đã là tiền định?

Trong nhà tù tôi còn gặp một số hiện tượng lạ thuộc lĩnh vực con người chưa giải thích được. Tôi đã gặp được người có khả năng đọc được ý nghĩ người khác. Tôi đã gặp được người biết được sự việc xảy ra hai năm trước và cách nơi người đó ngồi cùng chúng tôi 500 cây số đường chim bay, với đầy đủ chi tiết.

Nhà tù, về mặt nào đấy, có ích cho tôi lắm. Nó gỡ cho tôi cái màng che đồng tử, giúp tôi nhìn thế giới bằng cái nhìn tỉnh táo và phóng khoáng.

Tôi nhớ tới ông Nostradamus của tôi không phải một lần trong những năm tù lê thê. Tôi lấy làm tiếc ông đã không nói, hoặc không nói được cho tôi cái hạn của tôi kéo dài bao lâu?

Tuy nhiên, tôi quyết định lựa chọn thái độ ngược với lời khuyên của ông. Tôi thà chết chứ không chịu quỳ gối cho dù ông có báo trước rằng do đó mà hạn kéo dài: hai thành bốn, bốn thành tám, tám thành mười sáu... cứ thế nhân lên mãi...

Tôi đã và sẽ còn mất nhiều để có được cái mà mỗi con người cần có: lòng kính trọng đối với bản thân.


[1] Tên gọi tắt Khu An Toàn (ATK=An Toàn Khu) của chính phủ kháng chiến tại địa bàn hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên (Liên khu Việt Bắc). Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng nằm trong khu vực này.

[2] Garde de corps, vệ sĩ (tiếng Pháp)

[3] Ngày 1. 2. 1942, trong lễ khai giảng trường Đảng của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc tại Diên An, Mao Trạch Đông đã đọc diễn văn về “chỉnh đốn tác phong của Đảng”. Đó chính là cuộc vận động chỉnh phong đầu tiên ở Trung Quốc nhằm chống chủ nghĩa giáo điều, về thực chất là chống ảnh hưởng của Quốc tế Cộng sản.

[4] Xin hiểu hủ hóa ở đây không có nghĩa gốc là tồi tệ đi, xấu đi, hư hỏng đi. Nó có nghĩa hoàn toàn khác là sự ăn nằm trái phép với phụ nữ, thí dụ ngủ với người không phải là vợ mình (ngủ với vợ hoặc chồng chưa cưới cũng bị coi là hủ hóa). Trong các cuộc chỉnh huấn người ta thường lục vấn nhau chuyện hủ hóa, dường như nó quan trọng hơn những khuyết điểm khác.

[5] Bỏ vùng kháng chiến về nội thành, do tiếng Pháp entrer.

[6] Thực ra Chính Yên cũng không phải con quan tuần phủ. Tôi quen thân với Chính Yên nên biết rõ: cha anh chỉ là một ông huyện, nhưng quê ở ngay thành phố Hà Nội, nhà cửa khang trang, khiến những cán bộ không biết gì về hệ thống hành chính thời Pháp thuộc đôn ông lên làm ông tuần phủ.

[7] Ông Đặng Xuân Thiều (1909-1965) tham gia cách mạng rất sớm, bị tù nhiều năm. Theo cha tôi, có lẽ ở đây chỉ có vấn đề thủ tục kết nạp không được rõ ràng (ngày tháng, người giới thiệu), chứ cuối năm 1940 các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan cùng dự một lớp huấn luyện ở Hoa Nam do ông Hồ Chí Minh tổ chức, có nghĩa là ngay từ hồi ấy ông Đồng đã hiển nhiên là đảng viên cộng sản. Chuyện Phạm Văn Đồng không phải đảng viên chắc hẳn đã được Lê Đức Thọ lợi dụng để khống chế Phạm Văn Đồng nhân dịp rà soát lý lịch đảng viên, chứ sự việc do ông Đặng Xuân Thiều nói ra hoàn toàn không có ác ý.

[8] Muốn ra sao thì ra (tiếng Tây-ban-nha), lời một bài hát.

[9] Đồ Phồn, tên thật Bùi Huy Phồn (1911-1990), nhà văn trào phúng, viết văn từ lâu trước Cách mạng Tháng Tám. Những tác phẩm sau 1945 của ông biểu hiện tính xu nịnh chế độ ở mức độ cao.

[10] Một hình thái quản lý hương thôn cổ, gồm những người có uy tín trong làng, được tập hợp lại theo sự tiến cử của những bậc tiền nhiệm và các bô lão chứ không phải do dân cử, có nguồn gốc từ xã hội bộ lạc.

[11] Cục tình báo quân đội, nay là Tổng cục tình báo quân đội. Tên Cục 2 sở dĩ có là do bắt chước tên cơ quan 2è Bureau của quân đội Pháp, ta thường gọi là Phòng Nhì.

[12] Ông Tiến Cố (tên thật là Nguyễn Văn Tiến) có lần bị mật thám bắt tại nhà tôi, hồi ấy ở phố Huế, khoảng năm 1937. Lúc mật thám Pháp đến gia đình tôi sắp ăn cơm. Mẹ tôi đề nghị viên thanh tra mật thám người Pháp tên là Lanèque để ông Tiến ăn xong bữa cơm đã rồi hãy bắt vì “Trời đánh còn tránh bữa ăn”. Mẹ tôi còn mời Lanèque dùng cơm cùng gia đình tôi. Lanèque nhận lời. Bữa cơm chia tay được chụp ảnh kỷ niệm nhưng bức ảnh này đã bị mất trong vụ công an khám nhà năm 1967. Mẹ tôi nhận xét: “Mật thám Pháp đối với kẻ thù lịch sự và tử tế hơn công an bây giờ đối với dân”. Do quan hệ với các chức sắc Thiên Chúa Giáo ông Tiến bị chính quyền bắt đi cải tạo nhiều năm. Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện có một thời gian là bạn tù của ông Tiến Cố.

[13] Đinh Chương Dương (1885-1972) là một trong những người sáng lập Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, người tổ chức và đào tạo rất nhiều nhà cách mạng có xu hướng cộng sản tại Việt Nam. Một số cán bộ trẻ được Đinh Chương Dương gửi sang Tàu dự các lớp huấn luyện do Hồ Chí Minh tổ chức. Quê ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Bị Pháp cầm tù nhiều lần tại nhiều nhà tù khác nhau với số năm tù tổng cộng là 33 năm. Sau Cách mạng Tháng Tám, Đinh Chương Dương ít được nói đến. Trong một bài viết về phong trào cách mạng ở Nam Định đầu thế kỷ 20 có đoạn nói đến ông như sau: “Giữa năm 1925, Lê Hồng Sơn, phái viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ Quảng Châu về Nam Định gặp Đinh Chương Dương đặt vấn đề vận động thanh niên yêu nước ở Nam Định sang Quảng Châu học tập. Sự kiện này diễn ra tại ngôi nhà số 7, phố Bến Ngự và một số cơ sở ở Cát Đằng, huyện Ý Yên”.

[14] Tiếng Pháp secteur: quân khu, thường bao gồm lãnh thổ của một vùng, một tỉnh (province) chẳng hạn, thời thuộc Pháp. Không có khái niệm tương đương trong thuật ngữ quân sự Việt Nam.

[15] Đêm Mất Ngủ - truyện ngắn nói về một thương binh đã chuyển ngành. Vết thương ở đầu gây ra chứng mất ngủ triền miên. Trong một đêm không ngủ được anh đi lang thang trong thành phố. Trên đường anh phát hiện một bóng đen bám sát anh lẵng nhẵng. Anh hiểu đó là một anh công an. Họ chạm trán lúc trời hửng, trò chuyện với nhau và nhận ra nhau là hai người lính ở hai đơn vị chiến đấu đã từng phối hợp đánh một đồn địch.

[16] Người theo chủ nghĩa Freud, theo tên của Sigmund Freud (1856-1939), nhà tâm thần học người Áo. Freud là người xây dựng ngành tâm thần học, chủ trương bản năng dục bị dồn nén vào vùng vô thức chỉ huy cách hành xử của con người. Ông là tác giả những cuốn Khoa Học Các Giấc Mơ (1901), Ba Khảo Nghiệm Về Lý Thuyết Tình Dục (1905), Tâm Lý Tập Thể Và Sự Phân Tích "Cái Tôi" (1923).

[17] Hoàng Xuân Nhị (sinh 1914), giáo sư khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đóng góp nhiều cho nền phê bình văn học xã hội chủ nghĩa,, nhất nhất theo quan điểm bảo thủ mác-xít.

[18] Vũ Bão, tên thật là Phạm Thế Hệ (1931_2006), một nhà văn với lối viết trào lộng, không được lòng các các nhà lãnh đạo. Cuốn tiểu thuyết Sắp Cưới của Vũ Bão, trong đó tác giả gọi tổng bí thư Trường Chinh là “đảng trưởng” bị thu hồi. Trong thời gian dài sau vụ "Nhân Văn - Giai Phẩm", Vũ Bão không được in sách.

[19] Lev Nikolaevich Tolstoi (1828-1910), nhà văn cổ điển Nga, tác giả Chiến Tranh Và Hòa Bình, Anna Karenina. Do những tư tưởng tiến bộ, Lev Tolstoi bị Giáo Hội Chính Thống Nga rút phép thông công.

[20] Từ tiếng Pháp lancer = ném ra, tung ra, ở đây có nghĩa là giúp đỡ vào văn đàn, để làm quen với độc giả.

[21] Những nhà văn hóa và văn nghệ sĩ bị đi tù liên quan tới vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, trong đó có những người có án và những người không có án.

[22] Tuân Nguyễn, (1931-1983), nhà thơ. Sau khi được tha, vì trước khi bị bắt anh là cán bộ miền Nam tập kết, cho nên anh được hưởng trợ cấp hàng tháng. Trở về thành phố Huế quê hương sau năm 1975, Tuân Nguyễn vào Sài Gòn sinh sống, rồi mất vì một tai nạn giao thông. Trong lời điếu anh, một người bạn thân của Tuân Nguyễn nói về anh "Thời đại như ngã ba sông. Anh như con thuyền giữa dòng nước xoáy. Thuyền anh vượt thẳng mà sông lại cong. Chạm bờ sông nước dìm anh tận đáy... "

[23] Biên tập viên Xưởng phim hoạt họa. Sau bị bắt trong vụ "nhóm xét lại chống Đảng" vào đầu năm 1968.

[24] Có mặt! Tiếng đáp lại khi điểm danh (tiếng Pháp).

[25] Nostradamus (tên thật Michel de Nostredame, 1503-1566) nhà vật lý và thiên văn Pháp, nổi tiếng với cuốn Thế Sấm Ký, gồm những lời tiên tri từ năm 1500 tới ngày tận thế, được coi như sẽ xảy ra vào năm 3797.

(Còn tiếp)