Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

Đêm giữa ban ngày (kỳ 2)

Vũ Thư Hiên

2

Vừa lôi thốc tôi lên xe, tên ngồi bên phải lập tức bẻ quặt tay tôi ra sau lưng. Bàn tay y cứng như thép. Một nòng súng lục thúc mạnh vào sườn tôi bên trái. Tôi nhăn mặt vì đau.

Trong đợt này, cùng với tôi, còn có những ai bị bắt? Đó là ý nghĩ đầu tiên đến với tôi, không hiểu sao lúc ấy lại dửng dưng với số phận mình đến thế.

Người lái xe quặt mạnh vô-lăng. Chiếc xe lạng sang một bên, xoay nửa vòng rồi lao về phía Tràng Thi.

Tôi vẫn cầm bông hồng Nam Dương, quà tặng của một người bạn vong niên, trong bàn tay trái còn được thả lỏng.

Nghe tin nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu ốm nặng, anh mắc chứng lao phổi đã nhiều năm, sáng hôm ấy tôi đạp xe đến thăm anh. Như vậy, Trần Văn Lưu là người cuối cùng và duy nhất gặp tôi hôm đó. Không thấy tôi trở về, chắc chắn vợ tôi sẽ tìm đến anh Lưu và gia đình tôi sẽ đoán được tôi mất tích vào lúc nào. Nhưng biết tôi chỉ ở nhà anh một lát rồi đi,mọi người có thể nghĩ sau khi ở nhà anh Lưu ra tôi còn đi nơi nào khác, sẽ nháo nhào tìm khắp nơi để rồi cuối cùng mới hiểu rằng tôi đã mất tích.

Chao ôi, mẹ tôi, vợ tôi sẽ hốt hoảng lắm đây. Tại sao bọn khốn nạn không bắt tôi ở nhà, như thế có đàng hoàng hơn không? Trong tay chúng nó có cả bộ máy đàn áp khổng lồ, chúng giở trò bắt cóc làm gì? Để thủ tiêu chăng? Có lẽ không phải. Nếu muốn thủ tiêu tôi thì bắt cóc giữa Hà Nội là quá dở. Việc đó làm ở một nơi đèo heo hút gió nào khác tốt hơn nhiều. Mà tôi thì lại thường công tác xa nhà.

Hay có chuyện gì xảy ra với cha tôi?

- Không cần phải nắm chặt như thế. - tôi cục cựa cánh tay bị bẻ quặt.

Có vẻ câu nói của tôi có tác dụng - những ngón tay của tên anh chị dao búa ngồi bên phải tôi lỏng ra được một chút.

Tôi đưa bông hồng lên ngắm nghía. Nó nhỏ hơn hẳn hoa hồng ta thường gặp, chỉ nhỉnh hơn bông nhài một chút, nhưng thật là đẹp. Cánh của nó trắng lên một màu trắng tinh khôi, mịn màng, cho ta cảm giác cánh hoa hơi xốp. Cách phân bố các cánh rất hài hòa với đường cong mĩ miều của đài. Anh Lưu khoe anh cậy cục mãi mới xin được một cành hồng Nam Dương làm giống. Anh giâm nó trong một bồn nhỏ, nâng niu chăm bẵm mấy tháng trời. Cành hồng con lớn lên chậm chạp thành một cây hồng mảnh mai và trổ bông đầu tiên. Từ bông hoa bé bỏng trên tay tôi bay lên một mùi thơm dịu dàng.

Lướt nhanh về phía sau là những ngôi nhà đóng kín. Phố Tràng Thi trong buổi sáng hôm ấy vắng tanh vắng ngắt. Hè phố ngập lá vàng không người quét dọn. Tôi chú mục nhìn những người thưa thớt đạp xe ngược chiều, nhưng không gặp một ai quen.

Bị kẹp chặt cứng giữa hai tên công an, trước mặt tôi chỉ có một khoảng trống hẹp. Tôi buồn rầu ghi vào trí nhớ như thể lần cuối được nhìn thấy những cảnh đang lướt qua. Mọi cái đều quen thuộc, quen thuộc tới mức không còn để ý tới chúng. Kia, những con đường trải sỏi vàng dưới bóng râm những hàng đại thụ quanh Thư viện Quốc gia. Còn đây là ngôi nhà quét vôi hồng nằm trong khu vườn rộng đầy cỏ mần trầu một thời tôi đã ở sau ngày tiếp quản Hà Nội. Lướt nhanh bên phải là Cửa hàng mô-tô xe đạp thường xuyên đóng cửa im ỉm. Ở đây tôi mua chiếc xe đạp đầu tiên cho vợ. Tôi nhớ tới kỷ niệm liên quan tới cửa hàng này. Chả là vợ tôi thích chiếc Mercier bằng đuy-ra, còn tôi thì ngang bướng nhất định chọn chiếc Thống nhất nội hóa. “Ta phải ủng hộ hàng nội hóa, em ạ. Nếu ta mà cũng không chịu ủng hộ hàng nội thì nền sản xuất nước mình sẽ ra sao?” tôi nói với vợ bằng giọng gia trưởng. Chiếc Thống nhất được chọn bởi lập trường hỏng lên hỏng xuống, năm ngày ba tật. Nhìn tôi dắt xe đi sửa vợ tôi tủm tỉm cười, nhưng không trách tôi một lời. Kia nữa, hiệu cắt tóc quen thuộc của tôi, nay là một hợp tác xã cắt tóc. Qua tấm kính lớn tôi thấy bác phó cạo già hay chuyện đang lúi húi tỉa tót mái đầu muối tiêu của ông khách đứng tuổi, chắc cũng loại khách quen như tôi... Vào thời gian này khách hàng đi cắt tóc phải lấy số, đến số mình thì vào ngồi ghế vừa trống. Để chờ được bác phó cạo quen cắt cho mình có khi mất cả giờ.

Chiếc com-măng-ca rẽ vào đường Phủ Doãn, quặt sang Lý Thường Kiệt, chạy thêm một quãng ngắn rồi lại rẽ trái.

Đến đây thì tôi hiểu mình được đưa đi đâu. Trước mặt tôi sừng sững bức tường đá Hỏa Lò.

Cái nhà ngục nổi tiếng khắp nước này được thực dân Pháp xây dựng trong những năm cuối thế kỷ thứ XIX[1], đồng thời với Nhà Dây Thép (nay là Bưu Điện Trung Tâm) và nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh Viện Quân Y 108) cầm giữ bên trong những bức tường đá của nó nhiều thế hệ cách mạng Việt Nam, từ những nhà ái quốc Cần Vương, Văn Thân, Đông Kinh Nghĩa Thục, cho tới những đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng thời anh hùng Nguyễn Thái Học[2], và tất nhiên, những đảng viên cộng sản. Năm 1925 nhà ái quốc nổi tiếng Phan Bội Châu[3] cũng bị giam ở đây. Trong gia đình tôi, Hỏa Lò được nhắc tới luôn do sự có mặt thường xuyên trong đó của các bạn cha tôi và của chính ông, hết người này đến người khác.

Mặc dầu nổi tiếng là thế, Hỏa Lò không phải là nhà ngục kiên cố nhất Việt Nam. Bằng chứng là tại đây đã xảy ra nhiều cuộc vượt ngục, lớn nhất là cuộc vượt ngục đông đảo cả trăm người vào tháng 3 năm 1943.

Tên chính thức của Hỏa Lò là Maison Centrale (Nhà lao Trung ương), nhưng cái tên đó chỉ tồn tại trong các văn bản hành chính thuộc địa. Với dân chúng nó mãi mãi là Hỏa Lò, cái phố tí hin từ thời “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”, nơi phường gốm sản xuất một mặt hàng duy nhất là hỏa lò, thứ bếp dùng than tàu (than hoa) mà ngày nay họa hoằn ta mới gặp. Tuy nhỏ bé, nó vẫn được gọi là một phố, với một số nhà duy nhất. Phần lớn người Hà Nội không biết gốc tích dung tục của Hỏa Lò, nghĩ rằng nó là tên gọi tượng trưng cho sự khủng khiếp bên trong cái nhà tù nổi tiếng. Tên gọi của nó gợi lên liên tưởng gớm ghiếc về hỏa ngục Thiên chúa giáo hừng hực lửa vạc dầu và nhung nhúc quỷ sứ.

Hai cánh cửa sắt đuợc mở ra với một tiếng rít lanh lảnh, kéo dài. Chiếc com-măng-ca rồ máy chui tọt vào trong cái miệng kim loại há hốc của nó.

Hai tên cô hồn nhảy xuống, hất hàm:

- Xuống!

Tôi xuống. Trước mặt tôi là một cái sân mênh mông, vắng ngắt.

- Đợi đây!

Đó là tên ngồi bên trái tôi nói. Mặt nhâng nháo, y nhét súng vào cạp quần rồi kéo vạt áo sơ-mi phủ lên. Cử chỉ của y làm tôi nhớ tới điệu bộ của những tên côn đồ nhâng nháo trong những bộ phim đấm đá rẻ tiền. Đồ vật hóa ra có khả năng làm cho con người trở thành giống nhau. Tôi dám chắc cái tên du côn trong biên chế nhà nước kia chưa hề được xem dù chỉ một phim thuộc loại đó.

Chiếc com-măng-ca được lái đi. Hai tên cô hồn biến mất, để lại sau chúng mùi khói thuốc sừng bò hôi rình. Tôi không biết chúng đi lúc nào.

Có lẽ đây là góc im ắng nhất thành phố. Trong vòm cổng Hỏa Lò, hai chàng trai trong quân phục công an nhân dân vũ trang mải mê đánh bóng bàn, chẳng thèm nhìn tôi lấy một lần. Ngoài tiếng lách tách của bóng nhựa đập xuống mặt gỗ trong cả một vùng tĩnh lặng không còn tiếng động nào khác. Tưởng chừng cái nhà tù lừng danh một thuở nay đã trở thành Viện bảo tàng tội ác của chế độ thực dân.

Không thấy bị canh chừng, tôi lững thững thả bộ trong cái sân rộng và sạch bong, với những bồn hoa trống trơn đặt trước những khối nhà dài.

Tôi có cảm thấy sợ hãi không khi bị đưa tới nhà ngục nổi tiếng này?

Trong phút đó, không hiểu vì sao, chính tôi cũng ngạc nhiên, lẽ ra phải run sợ thì tôi không thấy một chút xao xuyến nào. Mới hay lòng mình chai sạn quá rồi, tâm hồn mình lạnh lẽo quá rồi, lại do mình đã biết chắc cái sự khốn kiếp này nhất định sẽ xảy ra, chẳng cách nào tránh được, chỉ có sớm hay muộn mà thôi, nay nó xảy ra rồi, coi như số phận mình đã an bài, khỏi cần lo nghĩ nữa.

Từ vài tháng nay, tôi biết mình bị theo dõi chặt. Vừa bước chân khỏi nhà đã thấy một lũ công an mật bám theo. Phát hiện chúng chẳng có gì khó. Chỉ cần rẽ ngoặt nhiều lần trong mạng nhện phố xá là đã nhận ra những kẻ bám sát mình không rời.

Tôi thường đi cùng Vũ Thu Hòa, em gái áp út của tôi. Thu Hòa đặc biệt sáng ý, chỉ cần đảo mắt nhìn qua em tôi đã biết xe nào đang theo xe mình. Nhà tôi ở góc đường Hai Bà Trưng - Phan Chu Trinh, trạm quan sát của mật thám đặt trên tầng thứ ba trường phổ thông trung học ở góc đường đối diện, hơi chếch về tay trái.. Từ trên gác ấy, những tên “cá chìm” làm nhiệm vụ cảnh giới liên lạc bằng điện thoại với đám trinh sát chực sẵn trong một ngôi nhà nằm trên đường Lý Thường Kiệt. Khi được báo tôi rời nhà lũ “cá chìm” ở Lý Thường Kiệt lập tức phóng xe ra để bám theo. Thu Hoà còn ghi được cả số xe bọn chúng. Có vẻ, bọn mật thám thấy việc theo dõi như thế này chỉ là trò hề, một sự doạ nạt lấy lệ, chứ để bắt chúng tôi thì chúng bắt lúc nào mà chẳng được, cho nên những tên mật thám chẳng buồn che giấu công việc phải làm. Về phía tôi, tin mình chẳng làm gì phạm pháp, tôi chẳng sợ chúng chút nào. Bực mình lên, thỉnh thoảng hai anh em tôi còn trêu chọc chúng nữa kia.

Tôi bình thản được còn vì tôi ý thức được thân phận mình. Trong chuyện này tôi phải cảm ơn Lênin (hay Engels?). Nếu tôi nhớ không lầm thì trong tập Bút Ký Triết Học của ông, Lênin có nói: “Tự do là sự ý thức được cái tất yếu”. Chí lý thay!

Cái tất yếu trong chế độ này là thế nào tôi đã biết. Tôi, hay bất cứ ai, đều là chim trong lồng, là gà trong chuồng, nhà cầm quyền độc tài muốn lôi ra cắt tiết lúc nào được lúc ấy. Con người chẳng là cái gì hết trước Đảng độc nhất, độc tôn, toàn năng và toàn quyền. Đảng là trên hết – trên giai cấp, trên nhân dân, trên tổ quốc.

Trước đó mấy ngày, linh cảm thấy khả năng bị bắt tăng lên rất nhiều, tôi đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Vợ tôi sẽ tìm thấy trong ngăn kéo bàn viết của tôi, nếu không ngay lập tức thì một thời gian sau, bức thư tôi dặn dò mọi việc trong nhà. Tôi muốn vợ tôi giúp tôi thực hiện trách nhiệm của người con cả đối với gia đình. Đó là gánh nặng, nhưng tôi biết vợ tôi sẽ không từ nan.

Nghĩ mà bực mình. Tôi dính vào vụ trấn phản này một cách thậm vô duyên, chẳng ra làm sao. Tôi là cái gì kia chứ? Một nhà báo quèn, không tên tuổi, không cả bề dày cách mạng, nghĩa là chẳng có gì đáng để bọn lãnh tụ phải gờm, để có thể trở thành kẻ thù của chúng. Tôi cũng chẳng làm gì để chúng phải điều một lô một lốc những tên ăn không ngồi rồi lẵng nhẵng theo tôi cả ngày lẫn đêm.

Sách lược “nhổ cỏ phải nhổ tận rễ” vốn có tính truyền thống trong các quốc gia châu Á. Chỉ ở châu Á mới có những án hình tàn bạo như chu di tam tộc, chu di cửu tộc. Những triều đại phong kiến ở Trung Quốc, ở Việt Nam đều dùng cách này xử tội những quần thần bất tuân. Cái xã hội tôi đang sống trong đó được gọi là xã hội chủ nghĩa, hàm ý lợi ích của các thành viên của nó phải tốt hơn bất cứ xã hội nào trước nó, nhưng nhà cầm quyền của cái xã hội ấy lại xử sự với dân chúng tồi tệ hơn rất nhiều. Từ lâu rồi nhà cầm quyền áp dụng cách đối xử rõ ràng không công bằng chẳng những đối với các phần tử bị nghi ngờ có đầu óc chống đối mà cả với con cái của những người ấy. Những đứa trẻ chưa kịp có ý thức về cách mạng thì đã bị cái gọi là cách mạng ấy chi cho một khoản căm thù tạm ứng trước khi bị đạp xuống tận bùn đen, không cho ngóc đầu dậy.

Tất cả những lời lẽ đạo đức giả chỉ được dùng như một nước sơn qua quít. Những lãnh tụ cách mạng phán truyền toàn những lời đạo đức trong khi họ không tin chính lời từ miệng họ phát ra. Tôi thích tính cách Lê Duẩn. Dù sao mặc lòng Lê Duẩn vẫn là một tên độc tài thẳng thắn, so với những tên độc tài mang mặt nạ nhân nghĩa

“Kẻ nào không theo ta, kẻ đó chống ta”, Lê Duẩn nói toạc móng heo trước bàn dân thiên hạ. Không quanh co, không uốn éo. Tôi nhớ Hồ Chí Minh, Trường Chinh không bao giờ nói được một câu thẳng thắn như thế. Hồ Chí Minh, Trường Chinh thích nói đến nhân dân trong mọi khái niệm mơ hồ: nhân dân cách mạng, nhân dân lao động, quảng đại quần chúng Quan niệm chuyên chính hiện đại về kẻ thù được đương kim tổng bí thư rất tâm đắc. Nó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, ở nhiều cuộc họp, trước đông đảo cán bộ ngồi im phăng phắc nghe lãnh tụ huấn thị, bằng giọng tự hào, chính tai tôi được nghe.

Chuyên chính, chuyên chế hay độc tài, những từ đồng nghĩa làm nhân loại hết hồn, kinh tởm, ở nơi khác thường được che phủ bằng ngôn từ hoa mỹ, nhưng trong chế độ xã hội chủ nghĩa hiện tồn lại có dáng dấp một đức tính sang trọng, lại là cái được nhiều người lấy làm hãnh diện phô ra. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Quốc Hoàn[4] phụ họa theo tổng bí thư: “Nhiều đồng chí chúng ta còn tỏ ra thiếu kiên quyết trong việc trấn áp bọn phản cách mạng, thiếu nhiều lắm. Họ run tay. Họ sợ nhầm. Họ không biết rằng trong công tác của chúng ta lợi ích của cách mạng là cao hơn hết, là thiêng liêng hơn hết! Sai thì sửa, việc gì mà sợ!” Đi ngược chiều lịch sử ta thấy trong Cải cách ruộng đất, Trường Chinh cũng đã từng khuyến dụ “Nhầm mười (người vô tội) còn hơn sót một (tên địch)”. Biện pháp phòng ngừa chưa từng tỏ ra không hữu hiệu. “Sát nhất nhân vạn nhân cụ”[5], lời cổ nhân nói không sai.

Tôi còn phải chờ hơn một tiếng đồng hồ nữa mới thấy Huỳnh Ngự dẫn xác đến. Y xuống xe, xăm xăm bước tới, hất hàm hỏi tôi:

- Anh đang mần chi đó?

Tôi cau mặt nhìn y.

Huỳnh Ngự không phải người xa lạ đối với gia đình tôi. Chính y dẫn thuộc hạ đến nhà tôi đêm 18 tháng 10 để bắt cha tôi. Sau khi đưa cha tôi đi, y còn quay lại chỉ huy việc lục soát tới tận sáng. Phòng vợ chồng tôi ở cũng bị khám kỹ, chỉ chừa một cái tủ. Vợ tôi nói tôi sơ ý mang chìa khóa theo khi đi công tác Nam Định, nếu muốn khám thì cứ việc phá ra mà khám. Chúng ngần ngừ rồi không phá, mà niêm phong lại, đợi tôi về khám tiếp.

Mẹ tôi kể, khi Huỳnh Ngự khám nhà, y thấy mẹ tôi cứ đứng lì ở khung cửa giữa hai căn phòng đang bị lục soát, y khuyên mẹ tôi: “Chị cứ ngồi xuống, mặc chúng tôi làm việc”. Đáp lại, mẹ tôi nói: “Tôi phải đứng ở đây để xem các người có bỏ tài liệu gì vào nhà tôi không. Cái lối chôn rượu lậu trong vườn người khác, chúng tôi biết lắm. Chúng tôi không khờ”. Huỳnh Ngự nuốt giận, coi như không nghe thấy câu nói vỗ mặt. Chúng tôi không biết tên y, cho tới khi một người quen tôi làm trong Bộ Nội Vụ cho biết y có tên là Huỳnh Ngự, giữ chức cục phó Cục chấp pháp.

Trong vai trò người hùng đã chặn đứng một mưu toan lật đổ ban lãnh đạo Đảng, trưởng Ban tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ được dư luận nhắc tới nhiều nhất. Những thông báo số 1 rồi số 2, được chính Lê Đức Thọ soạn thảo, nghe cứ oang oang như những bản tin chiến thắng. Hai bản thông báo này, với những lời lẽ nửa kín nửa hở về một cuộc nổi loạn bất thành được phổ biến trong các cuộc họp hạn chế, nửa công khai nửa bí mật trong các tổ chức đảng ở cấp Trung ương.

Không khí khủng bố đè nặng lên mỗi cán bộ trước nay vốn không được Đảng tin tưởng.

Khi không được Đảng tin, có nghĩa là anh bị Đảng nghi ngờ đấy. Mà khi anh đã bị Đảng nghi ngờ thì điều đó có nghĩa là anh có thể bị Đảng trấn áp bất kỳ lúc nào..

Số đông cán bộ lão thành, tức là những những cán bộ đã tham gia phong trào giải phóng dân tộc từ trước và trong thập niên 30, rất xót xa các đồng chí chẳng may rơi vào tay Sáu Búa[6].

Không ai hi vọng Lê Duẩn, kẻ cùng giuộc với Lê Đức Thọ, sẽ làm điều gì đó ngược lại. Trong tình hình như thế người ta chỉ biết còn biết trông chờ chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ có ý kiến. Họ hi vọng Ông Cụ, với tư cách bộ óc sáng suốt của cách mạng, sẽ không để xảy ra thêm một sai lầm khốc liệt nữa. Một Cải cách ruộng đất, một Chỉnh đốn tổ chức đã quá đủ cho Đảng rồi.

Từ Nam Định về, tôi sửng sốt biết cha tôi đã bị bắt. Mẹ tôi gục vào vai tôi. Bà gầy rộc. Cú đánh tàn nhẫn làm bà kiệt lực.

Tôi thương mẹ quá! Ở xa mọi diễn biến trên chính trường, bà không biết cuộc cách mạng của bà từ lâu rồi đã rẽ sang nẻo khác.

Bên cạnh bà, tôi hoàn toàn bình tĩnh. Tôi nhìn mọi việc vừa xảy ra bằng con mắt lạnh lùng, ráo hoảnh..

Trong chuyện này sự bình tĩnh ấy không có gì đặc biệt, nó chẳng phải do sáng suốt mới có. Chẳng qua thế hệ tôi ít ảo tưởng hơn về cách mạng so với các thế hệ đàn anh và cha chú, lại không bị cái gọi là ý thức tổ chức làm cho mù quáng, cho nên tôi mới không bị đòn đánh làm cho tê tái, làm cho mất khả năng suy nghĩ. Nhìn ngôi nhà bị xáo trộn tan hoang như vừa qua trận giặc càn, tôi chỉ rùng mình. Nó càng lạnh lẽo khi vắng bóng cha tôi. Hồi ông chưa bị bắt, ngôi nhà không lúc nào vắng khách. Bây giờ chẳng còn ai lai vãng.

Tôi cho rằng cuộc tổng khủng bố mới chỉ bắt đầu. Sau cha tôi sẽ đến lượt nhiều người khác. Trong đó có thể có tôi.

Ngày hôm sau, tôi tới Bộ Nội Vụ để báo tôi đã về. Tôi làm đúng như lời dặn của nhà chức trách để họ không có cớ gây sự thêm với tôi, chứ có cả một lũ công an mật đông đảo theo sát tôi từng bước, họ thừa biết tôi ở đâu. Tôi cũng chuẩn bị sẵn để có bị bắt cũng không bị bất ngờ.

Vợ tôi nước mắt rưng rưng, giúp tôi xếp hai bộ quần áo, bàn chải răng, khăn mặt và vài đồ dùng lặt vặt khác vào ba-lô[7]. Khi tôi dắt xe ra khỏi nhà, mẹ tôi lặng lẽ đặt tay lên vai tôi và nhìn lâu vào mắt tôi. Trong giây lát, mắt bà nhòa lệ.

Vợ chồng tôi đạp xe tới thẳng phòng thường trực Bộ Nội Vụ ở số 16 Trần Bình Trọng. Chúng tôi đi trong im lặng. Tôi đạp, vợ tôi ngồi ủ rũ trên đèo hàng.

Vợ tôi cũng có mặt trong buổi nói chuyện giữa tôi với anh Nguyễn Trọng Luật. Ngoài miệng vợ tôi đồng ý với tôi, nhưng trong thâm tâm vợ tôi vẫn phân vân - nếu anh Luật đã giúp cho một chỗ trốn thì tại sao tôi lại không chịu trốn, lại để mặc cho bị bắt? Ngồi sau tôi, vợ tôi úp mặt vào lưng tôi thổn thức.

Đó là cuộc tiễn đưa của người vợ đưa chồng đến cõi chết.

Trên đường Nguyễn Du rẽ sang Trần Bình Trọng, tôi gặp Nguyên Hồng[8] đi ngược chiều. Trên người anh vẫn cái áo pi-gia-ma xanh nhạt đã ngả sang cháo lòng, vẫn cái quần ximili xám vén gấu, vẫn cái xà-cột đựng bản thảo tòn ten bên hông. Chòm râu anh mới nuôi năm trước giờ chấm cổ áo. Đang tư lự trên hè, nhác thấy tôi anh giật mình đứng lại. Tôi xuống xe, định đến bắt tay anh thì bỗng thấy Nguyên Hồng hấp tấp lùi lại, tránh sang vệ cỏ. Đôi mắt anh bùi ngùi nhìn tôi. Rồi rất trịnh trọng, anh chắp tay xá tôi, xá dài theo kiểu người xưa, môi mấp máy nói gì không rõ. Tôi đứng lặng, không biết nên ứng xử thế nào? Nguyên Hồng đùa hay thật? Không, anh không đùa. Mặt anh nghiêm trang như những lúc anh nghiêm trang. Đành cúi đầu xá anh, đáp lễ.

Nguyên Hồng làm thế là phải. Anh không thể, không nên làm khác. Đã mấy tháng nay nhất cử nhất động của gia đình tôi đều bị theo dõi. Rất có thể anh đã phát hiện những tên theo dõi tôi, và anh sợ. Hoặc chính anh cũng bị doạ nạt nếu có quan hệ với tôi. Tôi hiểu tâm trạng Nguyên Hồng. Không cứ anh, ai trong trường hợp đó cũng phải làm như thế[9].

Nguyên Hồng lẳng lặng đi, đầu cúi. Nhìn anh lầm lũi trên phố vắng, vợ tôi hỏi:

- Ông nhà quê nào đấy hả anh?

Khổ, chòm râu dài, cái mũ lá sụp xuống trán, nước da đen nhẻm của anh đã làm cho vợ tôi không nhận ra Nguyên Hồng. Vợ tôi đã gặp anh, đã ăn cơm với anh ít nhất cũng vài lần ở nhà tôi và nhà Bùi Ngọc Tấn[10], những lần chúng tôi đến Hải Phòng. Anh thay đổi nhiều kể từ ngày về Yên Thế. Anh đã tin nhiều để rồi không tin nữa cũng trong những năm ấy.

Tôi nhìn theo tác giả Bỉ Vỏ. Anh đi không ngoảnh lại. Cuộc gặp gỡ Nguyên Hồng để lại trong tôi cảm giác xót xa. Tôi không giận Nguyên Hồng. Tôi chỉ buồn. Buồn lắm. Buồn tê tái. Trong những ngày ấy, mọi người đều xử sự như thế cả. Như thế mới là khôn ngoan[11]. Chẳng bao giờ tôi được gặp lại Nguyên Hồng nữa, mặc dầu khi tôi ra tù anh còn sống. Tôi yêu mến Nguyên Hồng hơn bất cứ nhà văn nào cùng thời. Anh là người có trái tim trong sáng và tư cách kẻ sĩ. Anh sợ, cái đó có, là sự thật, nhưng anh không nhập bọn với đạo tặc.

Huỳnh Ngự lạnh nhạt ra tiếp tôi. Y gườm gườm nhìn cái ba-lô tôi mang theo, nhưng không nói gì. Bằng giọng không gay gắt như tôi chờ đợi ở y, y hẹn ngày khám tủ, như nói về một công việc không quan trọng, rồi lạnh nhạt bảo tôi cứ về, ngày nào y đến được y sẽ báo sau. Vợ tôi đồ rằng đó là dấu hiệu tốt, rằng căn cứ cách đối xử nhẹ nhàng của Huỳnh Ngự, chắc nhà cầm quyền sẽ không đụng tới tôi.

Đúng hẹn, vào buổi tối Huỳnh Ngự đến mang theo hai nhân viên. Nhìn con người nhỏ thó, gày còm trong bộ dạ đen, tiếng cười chua loét chọc thẳng vào màng nhĩ, tôi không ngờ rồi đây tôi sẽ còn phải đối mặt với y nhiều, trong một thời gian dài.

Mắt hoay hoáy sau cặp kính lão gọng sừng trâu, y vừa khám xét, vừa cười he hé tự tán thưởng những câu bình luận vô duyên. Tiếng mỗi cuốn sách bị quăng xuống sàn trong yên lặng dội vào tim tôi. Được cha mẹ giáo dục từ nhỏ thái độ kính trọng đối với sách báo, và nói chung đối với mọi sản phẩm của trí tuệ, tôi không ngớt ngạc nhiên trước hành động vô văn hóa của bọn mật thám ngày trước và bọn công an bây giờ. Về mặt này chúng không khác nhau. Dường như chỉ có loại chúng sinh đặc biệt này mới có cái thích thú được dày đạp lên trí tuệ. Chỉ có chúng mới cảm thấy hạnh phúc được phỉ nhổ trí tuệ.

Cuối buổi khám xét, chúng thu được một bị lớn gồm tất cả những gì có chữ viết - bản thảo, thư từ, sổ ghi chép của tôi và của vợ tôi. Cả những băng ghi âm và bộ đầu từ dự trữ cho máy ghi âm chúng cũng thu tuốt.

- Máy ghi âm đâu? Huỳnh Ngự hỏi.

- Bán rồi. - tôi đáp.

Y không bằng lòng thấy tôi trả lời trống không. Nhưng y hỏi trống không thì tôi cũng trả lời trống không. Lịch sự với y chỉ có thiệt.

- Ghê thật, dám chơi máy ghi âm. - y dài giọng - Anh có biết rằng phải có giấy phép mới được chơi máy ghi âm không?

- Không biết. Tôi dùng chứ không chơi.

- Trừ các cơ quan đặc biệt, tư nhân không ai được phép sử dụng máy ghi âm. – y dằn giọng - Quy định của Nhà nước là thế, rõ chưa?

- Tôi chưa được thấy quy định này trên báo chí.

- Không phải quy định nào cũng cần phải đăng báo.

Nhân chứng hình thức cho cuộc khám xét là bà tổ trưởng dân phố, người quen của chúng tôi. Bà này tính tình hiền lành, bà chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra, đành ngồi yên một góc với vẻ mặt buồn phiền vì phải tham gia vào một việc làm bắt buộc. Bà ngồi quay mặt đi, tránh nhìn những gì đang diễn ra.

Bây giờ, đứng giữa sân Hỏa Lò, trong lãnh địa của y, Huỳnh Ngự bé nhỏ khuỳnh khuỳnh hai tay chống nạnh, cái mặt quắt vênh lên:

- Tôi hỏi: anh đang mần chi?

- Các anh đưa tôi đến đây bảo đợi thì tôi đứng đây tôi đợi, chứ còn làm gì? - tôi nhún vai - Đợi ai, đợi cái gì, để làm gì, thì lại không thấy nói. Đứng chán, tôi đi dạo. Anh muốn biết tôi làm gì à? Thì đấy, tôi đang ngắm cảnh. Xem nó có gì khác trước...

- Nè, anh đừng có láo nghen! Anh chưa từng bị bắt vô Hỏa Lò khi mô mà phách lối: coi nó có chi thay đổi?

Ơ hay, cái lối gì thế này? Câu chuyện giữa chúng tôi vừa mới bắt đầu, hà tất phải giở giọng quát nạt? Một thứ đòn phủ đầu, có lẽ thế. Về sau mới biết, tôi hiểu lầm từ “láo” của Huỳnh Ngự - ở quê hương y nó có nghĩa là không đúng sự thật chứ không phải hỗn láo. Còn thói lớn giọng, như sau này tôi được biết, là cố tật của y.

- Tôi sẽ giải thích cho anh hiểu: tôi đã vào đây một lần vào năm 1939 - không phản ứng, tôi thản nhiên đáp - Hồi ấy Mặt Trận Bình dân[12] ở bên Pháp vỡ, bên này bọn thực dân tổng khủng bố. Cha tôi bị bắt. Bọn mật thám giở đủ ngón tra khảo không ăn thua, chúng cho phép mẹ tôi mang con vào thăm, hy vọng cha tôi sẽ đổi ý. Nhưng ông vẫn im lặng. Tôi còn nhớ chỗ này có một bức tường ngăn, còn ở góc đằng kia có một giàn nho điếc...

Huỳnh Ngự hiểu ẩn ý trong câu nói. Y khịt mũi mấy cái, tìm câu đối đáp. Tìm không ra, y sẵng giọng:

- Nè, anh có hiểu anh đang đứng ở nơi mô không đó? Nơi ni kêu bằng Hỏa Lò, rõ chưa? Anh biết nó là cái chi không? Biết, hả? Nói thiệt cho anh hay: anh bị bắt rồi đó!

Tôi bật cười:

- Ủa, anh tưởng đến giờ tôi còn chưa biết sao? Anh báo khí chậm: tôi biết ít nhất cũng cách đây hai tiếng đồng hồ rồi!

- Theo tui!

Y hầm hầm ngoắc tay ra hiệu cho tôi đi theo.

Tôi lẳng lặng theo y về phía ngôi nhà dài và thấp, đối diện với cổng Hỏa Lò.

Gần tới nơi Huỳnh Ngự đi chậm lại, nói với tôi:

- Nói thiệt cho anh hay: cơ quan an ninh thật ra cũng chưa muốn bắt anh mô! Loại cán bộ tép riu như anh bắt làm chi cho uổng công. Đảng đã ra thông báo, đã cho các anh thời gian để các anh xin tự khai báo. Nhiều người đã đến xin Ban tổ chức Trung ương cho họ được thú tội, những người nớ có sao mô. Họ vẫn sống yên lành với vợ con. Còn anh thì bị. Anh bị là bởi anh không biết điều. Nghĩ mà coi: trước Đảng, anh là cái thứ chi? Anh chẳng là cái thá chi hết trọi. Một con muỗi mắt. Một hạt cát... Nhân tiện tôi cũng cho anh hay: đích thân anh Sáu ra lịnh bắt anh đó!

Tôi bật cười:

- Anh thật sự nghĩ rằng nếu tôi được Trưởng ban Tổ chức Trung ương đích thân hạ lệnh bắt thì tôi có hân hạnh nhiều hơn người khác hay sao? Ai hạ lệnh bắt thì cũng thế cả thôi, anh hay anh Sáu, anh Ba, anh Năm[13], hay anh nào khác. Chưa tới lúc các anh phải đổ lỗi cho nhau.

Huỳnh Ngự đứng phắt lại:

- A! Anh láo! - y gầm lên, nếu như cái giọng the thé của y có thể gọi là gầm - Vào đến đây rồi mà vẫn còn láo! Anh nhớ lấy: đây là Hỏa Lò! Hỏa Lò, anh hiểu chưa?

Lần này tôi không lầm. Chữ “láo” mà y dùng lúc này chính là “hỗn láo”. Tôi quắc mắt nhìn lại y. Cái đồ cóc nhái nhảy lên làm người này làm tôi nổi nóng thực sự.

Y hất hàm ra hiệu cho tôi theo y. Chúng tôi bước vào một căn phòng không có cánh cửa, thay vào đó là một hàng song sắt có thể đẩy qua đẩy lại. Hai tên cô hồn đã có mặt, như từ dưới đất chui lên. Không hiểu chúng vào bằng đường nào, từ bao giờ. Chúng xun xoe bên Huỳnh Ngự, nhưng Huỳnh Ngự gạt ra.

- Cởi quần áo!

Giọng nói hách dịch của Huỳnh Ngự làm tôi lộn ruột. Trước nay chưa có ai nói với tôi bằng cái giọng như thế. Tôi quắc mắt nhìn y, cởi phăng áo bông, nhưng không đưa cho Huỳnh Ngự mà quăng nó xuống sàn.

Y lườm tôi rồi nhẫn nhục nhặt cái áo bông lên, lật qua lật lại, lộn trái các túi, bỏ các vật tìm thấy lên bàn: chùm chìa khóa, khăn mu-soa, ví tiền, các thứ giấy tờ lặt vặt...

Tôi có thói quen ghi những điều cần nhớ lên những mẩu giấy bất kỳ rồi sau đó để vãi lung tung. Trong mấy mẩu giấy Huỳnh Ngự thu được, có một mẩu ghi số biển đăng ký xe đạp của lũ “cá chìm”[14]. Tôi ghi lăng nhăng chơi, chứ chẳng để làm gì. Của đáng tội, tôi cũng có ý định chuyển cho các bạn tôi, những người cũng bị coi là “phần tử không đáng tin cậy”, để các bạn để ý xem họ có bị theo dõi hay không, nhưng chưa kịp.

Trông cái cách Huỳnh Ngự lần từng đường chỉ ở nẹp áo bông, tôi nghĩ hẳn y ngờ tôi có mang một cái gì đó có thể dùng làm bằng chứng buộc tội tôi, một bức thư mật chẳng hạn. Nhưng chẳng có cái gì hết. Vừa khám y vừa chun mũi lại, chỉ dùng ngón cái và ngón trỏ, còn những ngón khác vểnh lên, như sự đụng chạm với quần áo của tôi làm y gớm. Tôi nhớ tới tên mật thám Pháp khám nhà chúng tôi năm 1939, cung cách cũng y như vậy.

- Cởi nốt!

Tôi lột nốt sơ-mi, quần, quăng tuốt xuống đất.

Đứng mãi cũng mỏi, Huỳnh Ngự ngồi thụp xuống, lần mò khám xét đống áo quần dưới chân tôi. Trong bộ cánh mùa đông bằng dạ đen, hai cổ tay gày gò với những ngón tay khô xác thò ra ngoài hai ống tay áo cũn cỡn, trông y giống một con ruồi.

- Há mồm!

Tôi há mồm. Cặp mắt nhỏ và khô của Huỳnh Ngự nghiêng ngó qua tròng kính viễn nhìn sâu vào hốc miệng tôi.

Chẳng lẽ y thực sự nghĩ trong đó có gì?

Y có vẻ mặt thất vọng. Cuộc bắt cóc giữa đường được tổ chức chu đáo, một cách bất ngờ nhất, với những tính toán chi li nhất, đã không mang lại kết quả.

Trên người tôi chỉ còn áo may-ô, quần đùi. Để chơi chướng, tôi cởi tuốt tuột vứt nốt cho y.

Căn phòng không có cửa, gió thông thống. Trong bộ cánh Adam tôi phải cố gắng để không run rẩy. Mùa đông đến muộn, thời tiết mấy ngày qua đặc biệt khó chịu, nay nóng, mai lạnh. Mới hôm trước còn nóng như đầu thu, hôm nay từ nửa đêm về sáng trời đột nhiên trở rét. Càng về chiều nhiệt độ càng xuống thấp.

Một anh công an đứng bên bàn ái ngại nhìn tôi rồi lẳng lặng bỏ ra ngoài. Quay lại, anh ta đưa cho tôi bộ đồng phục tù mới tinh: áo cánh, quần dài chân què, với những sọc lớn mầu huyết dụ trên nền nâu non. Thứ quần áo tù này tôi đã nhìn thấy trên báo, trên người các phi công Mỹ. Nhưng báo chỉ in hình đen trắng, cho nên không biết là chúng màu gì.

Huỳnh Ngự cho anh ta một cái nguýt dài.

- Cảm ơn anh. - tôi nói.

Bộ quần áo mới tinh, còn chua mùi hồ. Tôi lóng ngóng mặc. Không hiểu Bộ Nội vụ đã sáng tạo ra thứ quần áo kỳ cục này từ khi nào: áo không cúc cài, quần không dải rút, hồ lại quá dày làm cho nó cứng như mo nang. Trong phòng không có gương, nhưng tôi cũng hình dung ra hình ảnh tức cười của tôi trong bộ cánh mới: áo vắt chéo vạt lại cho kín mà vẫn hở ngực, quần thắt lá tọa kéo cả hai ống lên cao để lộ đôi cẳng chân.

Không thấy gì có gì đáng ngờ trong số đồ vật thu được, Huỳnh Ngự chuyển sự chú ý qua bông hồng Nam Dương. Y gỡ tờ pơ-luya mà anh Lưu bọc cuống hoa (anh thích làm đẹp cho bất cứ cái gì), soi nó lên nền trời xám xịt. Bỏ kính ra, đeo kính vào cũng chẳng thấy gì nốt, y sai một tên cô hồn bật đèn để y soi nó lên ánh điện. Cũng chẳng có gì. Một trong mấy tên phụ tá dùng ngón trỏ và ngón giữa cặp lấy tờ giấy, nhẹ nhàng bỏ nó vào một bao polyethylen, hẳn để đem đi xét nghiệm. Cảnh tượng diễn ra trước mắt tôi giống đoạn tả vụng về trong một truyện trinh thám ba xu.

Huỳnh Ngự hỏi tôi:

- Bông hồng ni ở mô ra?

Tôi nhún vai. Y dằn giọng lặp lại câu hỏi.

- Một người bạn tặng tôi.

Ngó nghiêng bông hồng thêm một phút, y nheo mắt nhìn tôi:

- Mật hiệu, hử?

Cái lối nhìn thấy gián điệp ở bất cứ chỗ nào của các nhà thực hành chuyên chính vô sản làm tôi ngán quá. Biết trả lời tên này thế nào cho y vừa lòng? Tôi ném cho tên Sherlock Holmes[15] nội hóa một cái nhìn khinh bỉ.

- Bông hồng ni ở mô ra, tui hỏi?

- Tôi nói rồi: một người bạn tặng tôi.

- Ai?

Nói hay không nói cho cái thằng quan cách mạng này biết bông hồng là của anh Lưu? Biết thế thà chẳng nhận bông hoa cho xong.

- Tôi đợi mãi cây hồng mới trổ bông này để tặng cụ nhà. - anh Lưu nói khi cắt cho tôi cành hoa - Phải là người sành thưởng hoa như cụ mới đánh giá được công sức tôi chăm bẵm cây hồng quý. Tiếc quá, đến lúc có được bông đầu tiên thì cụ lại bị rồi. Thôi thì anh thay mặt cụ nhận món quà mọn này cho tôi, kể như tôi thực hiện được ý mình muốn.

Trong cái sân rộng bốn thước vuông đầy ắp cây cảnh, dưới ánh sáng mờ mờ lọt qua tấm ni lông rách thay cho mái che, trông anh gày quá, xanh quá. Tôi không nghĩ rằng anh còn sống được lâu với chúng tôi.

- Tôi rất quý cụ. Hồi 45, cụ nhà ta có cấp cho tôi một cái giấy ra vào Bắc Bộ phủ để chụp ảnh Cụ Hồ đấy. Cụ nhà khoáng đạt lắm, đối với văn nghệ sĩ thì ba chê[16] được... Chà, thật là buồn. Tôi không sao hiểu nổi: những bậc tiền bối cách mạng ngày trước vào sinh ra tử có nhau, sao mà bây giờ lại có thể tàn nhẫn với nhau đến thế? Cụ Hồ bây giờ ở đâu? Tôi còn giữ được tấm phim chụp cụ Hồ với cụ nhà ta bên nhau trên tàu Dumont Durville năm 46, khi tàu vừa cập bến Hải Phòng... Tôi sẽ in tặng anh một tấm.

- Cảm ơn anh. Bây giờ nó không còn giá trị gì đối với tôi nữa.

- Ừ nhỉ! Tôi không nghĩ ra.

Liệu tôi nói ra tên anh Lưu, tên nhà quê này có làm phiền anh không? Anh đang mang bệnh, gia đình đang gặp khó khăn, có thể nói là túng quẫn. Nhưng không nói ra còn lôi thôi hơn. Chúng nó theo dõi tôi từng bước, có thể chúng đã biết tôi đến nhà ai trong buổi sáng nay. Chắc chắn, nếu nghi ngờ, chúng sẽ đến tận nhà anh Lưu, sẽ cật vấn anh, sẽ khám xét... Giữa lúc anh đang ốm yếu như thế!

Sau một lát ngần ngừ, tôi quyết định nói:

- Có gì đáng giấu đâu. Bông hồng do một nghệ sĩ nhiếp ảnh tên là Trần Văn Lưu tặng tôi. Các anh có thể dễ dàng xác minh chuyện này.

Có vẻ cái tên Trần Văn Lưu chẳng nói lên điều gì.

- Trần Văn Lưu, hử? Được!

Y hí hoáy ghi sổ tay. Cái cách y chú ý ghi tên anh chứng tỏ Huỳnh Ngự không biết Trần Văn Lưu là ai. Với y văn nghệ sĩ là thứ công dân hạng bét, là bọn xướng ca vô loài. Thế nhưng bọn ngu xuẩn này có thể làm phiền anh lắm, tôi nghĩ. Mình ngu hay hèn khi nói ra tên anh?

Trần Văn Lưu là một lãng tử chính cống trong nghệ thuật. Cả cuộc đời anh, anh không ngớt mơ ước về một salon ảnh nghệ thuật, một salon của riêng anh, trong đó anh sẽ là chúa tể trong các thứ ánh sáng làm ra Cái Đẹp. Đến ngày đó anh sẽ trở thành Mạnh Thường quân cho chúng tôi, đám nghệ sĩ thất cơ lỡ vận, hay là “thất cơ lơ vận”, theo cách nói đặc biệt Hà Nội của anh. Chúng tôi chờ mãi cái ngày mai tươi sáng ấy, khi “salon Trần Văn Lưu” ra đời. Tiếc thay, nó chẳng bao giờ ra đời cả.

Không, chúng chẳng làm được gì hơn vài lần gọi Trần Văn Lưu đi thẩm vấn, tôi tiếp tục nghĩ. Không thể không nghĩ được vì điều mình coi là thường rất có thể sẽ có những hậu quả không ngờ. Không, chúng chẳng làm gì được anh. Bởi vì thực sự anh chẳng có gì để chúng gây sự. Sẽ có vô số người bảo đảm cho anh, rằng với chính trị anh không có quan hệ thân tình. Và anh sẽ có thêm một chuyện cười để kể cho bạn bè.

Tôi nhớ đến lần chót tôi và hai anh Trần Văn Lưu,Bùi Xuân Phái[17] ngồi với nhau ở quán cà phê Lâm Toét trên đường Nguyễn Hữu Huân. Chẳng hiểu ai đã gieo vào đầu Trần Văn Lưu và Bùi Xuân Phái vào lúc nào ý nghĩ sản xuất mực bút máy. Thời kỳ này mực bút máy rất hiếm. Mực tốt, nhất là mực ngoại, hầu như không có ở bất cứ hiệu nào. Làm được mực để bán là lời lắm. Bùi xuân Phái là tác giả của dự tính ấy. Trần Văn Lưu chỉ là đồng tác giả, gọi thế cho sang. Bùi Xuân Phái rất tự hào về kỹ thuật làm mực xanh đen của mình. Anh nói so với rất nhiều loại mực đặc chế cho ký họa bút sắt mà anh đã dùng thứ anh tìm ra là thứ tốt nhất. Mực cho bút máy không là cái gì với nó. Mực của anh đạt được cả hai chỉ tiêu nhất thiết phải có: nó không nhòe cũng không phai. Mực Parker nổi tiếng cũng chẳng hơn.

Tôi hân hạnh được tham gia mấy cuộc họp sản xuất của hai anh. Cứ nghe hai doanh nhân bất đắc dĩ tuyên bố thì tương lai của thứ mực hai vị sản xuất sẽ vô cùng sán lạn. Trong một buổi họp cho việc chuẩn bị sản xuất, Bùi Xuân Phái hứng lên vẽ ngay tại chỗ một bức tranh quảng cáo: một ngòi bút máy cách điệu và bên dưới nó một dòng suối mực chảy quanh co. Màu đen nhánh của mực tàu cứ lung linh trên nền giấy vàng nghệ. Chị Lưu phấn khởi xuất vốn, giúp hai đấng nam nhi rửa chai lọ và nấu mực theo công thức Bùi Xuân Phái. Mẻ mực đầu tiên vừa nấu chưa bán được lọ nào, nhưng chị vẫn hồ hởi ứng tiền cho hai ông chủ tương lai uống cà phê, cộng với tôi được ăn theo là ba. Chúng tôi nhâm nhi cà phê đen của Lâm Toét, thả hồn theo khói thuốc, mơ màng về một tương lai huy hoàng của hãng mực Lưu-Phái.

- Anh cười cái chi? - Huỳnh Ngự vặn.

- Tôi chợt nhớ tới một câu chuyện vui.

Có lẽ còn lâu (hay chẳng bao giờ nữa?) tôi mới được trở lại quán cà phê quen thuộc của các văn nghệ sĩ nghèo ở Hà Nội.

Lâm Toét, tên thật là Nguyễn Văn Lâm, chủ quán, là người đặc biệt yêu mến văn nghệ sĩ, nhất là các họa sĩ. Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao[18], Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân,... hết thảy đều là khách quen của Lâm Toét. Các họa sĩ đều nghèo. Họ thường uống chịu, ghi sổ. Ông chủ quán gầy còm, nhỏ bé, mắt hấp him, không bao giờ muối mặt đòi nợ họ. Dào, các vị cứ dùng đi, đáng bao nhiêu đâu, không có tiền thì trả bằng tranh cũng được, tranh của các vị thiên hạ không biết giá trị thì các vị cứ đưa lại đây, tôi nhận hết. Các vị đưa cho tôi giữ là các vị cho tôi, chứ tiền nào mua nổi tác phẩm của các vị. Nhận tranh của các họa sĩ gán nợ, Lâm Toét không bao giờ trả giá, không bao giờ cò kè bớt một thêm hai.. Ông bảo các vị cho ông tranh để ông treo là quý rồi. Tranh gì cũng được, ông không phải cán bộ tuyên giáo, ông không xét nét phê bình, không khe khắt lựa chọn. Hiện thực, siêu thực, lập thể, nguyên khai hay đa đa... đối với ông thì cũng thế cả thôi, miễn được mắt ông.

Lâm Toét yêu hội họa bằng tình yêu bản năng. Cũng bằng bản năng, ông biết phân biệt tranh đẹp với tranh rất đẹp, tranh sáng tạo và tranh đường mòn. Ông có con mắt tinh đời trong sự cảm nhận cái đẹp, chí ít thì cũng hơn những nhà phê bình hội họa quan phương. Một bức sơn dầu cỡ nhỏ (các họa sĩ không có tiền để làm tranh to) của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng có giá tương đương sáu, bẩy chục bữa sáng gồm hai quả trứng lập là, một miếng lạp xưởng bằng ngón tay và một ly cà phê đen (còn gọi là cà phê bít tất). Ai cũng biết rằng tranh mà giá có thế thôi thì mạt quá. Nhưng thử hỏi, liệu có ai là người đã dám giúp các họa sĩ qua cơn đói lòng mỗi sáng, kèm theo cả cà phê, thuốc lá? Mà trong túi các họa sĩ lại thường xuyên không có tiền. Với một ông chủ quán như Lâm Toét, các họa sĩ sẵn sàng biếu không tranh của họ. Nhờ vậy mà Lâm Toét có cả một phòng tranh trên tầng hai của quán cà phê. Chỉ những người được ông trọng nể lắm mới được ông mời lên thưởng tranh. Ông không chỉ có tranh của khách ăn chịu mà còn có tranh và phác thảo của những bậc thầy quá khứ: Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tiến Chung..., thậm chí cả Tardieu[19], hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương.

- Có đúng là không có chi trong bông hồng ni không?

- Anh cứ khám cho kỹ! - tôi cười hòa nhã - Bông hồng là bông hồng. Nó không phải khẩu súng. Để mang một bông hồng, theo tôi hiểu, không cần có giấy phép.

- Hừm! Anh giỏi đối đáp đó! - Huỳnh Ngự lườm tôi - Được, để coi ở Hỏa Lò anh còn giỏi được bao lâu? Đưa nó đi!

Huỳnh Ngự ký sổ tù. Anh công an lúc lắc chùm chìa khóa, ra hiệu cho tôi đi theo. Tôi giơ tay định cầm lấy bông hồng, nó hiển nhiên là của tôi, nhưng Huỳnh Ngự đã giơ tay phác một cử chỉ ngăn lại.

Nhìn bông hồng mảnh mai nằm cô đơn trên mặt bàn lạnh lẽo lần cuối, tôi buồn rầu chia tay với nó, lững thững đi theo anh công an.


[1] Từ năm 1880, người Pháp bắt đầu xây dựng lại Hà Nội theo quy hoạch mới. Nhà ngục nổi tiếng này được xây dựng trên đất làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Tường, trên một diện tích khoảng 2 hecta., được khai trương vào năm 1886. Lúc đầu nó được đặt tên là Prison Centrale, sau đổi thành Maison Centrale. Theo Bách khoa Toàn thư Việt Nam thì Hoả Lò được khởi công năm 1901.

[2] Nguyễn Thái Học (1902-1930), người sáng lập Việt Nam Quốc dân đảng, chủ trương dùng bạo lực cách mạng để đánh đuổi thực dân Pháp, tổ chức cuộc khởi nghĩa bất thành tại Yên Bái, bị thực dân Pháp xử tử.

[3] Phan Bội Châu, tên thật Phan Văn San (1867-1940), Khi còn ít tuổi, chủ trương đánh Pháp giành độc lập, khôi phục nền quân chủ, thành lập Duy Tân Hội, khởi xướng phong trào Đông Du, xuất ngoại đi Nhật, Trung Quốc tìm cách phục quốc. Đến đầu thế kỷ 20 ông bỏ chủ trương khôi phục quân chủ. Bị Pháp bắt, xử khổ sai chung thân, rồi đưa về Huế giam lỏng cho đến chết.

[4] Tên thật: Nguyễn Trọng Cảnh, biệt hiệu Cảnh Con (1916-1986), quê ở Nam Đàn, Nghệ An. Xuất thân là tên ăn cắp vặt, năm 1945 Trần Quốc Hoàn là bí thư xứ uỷ Bắc Kỳ. Trong Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ II (1951) Hoàn được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Vào thập niên 60 Trần Quốc Hoàn là bộ trưởng Bộ Nội vụ, ủy viên Ban bí thư, ủy viên Bộ Chính trị.

[5] Sát nhất nhân vạn nhân cụ trong tiếng Hán có nghĩa: Giết một người vạn người sợ.

[6] Trong thời kỳ công tác tại miền Nam Lê Đức Thọ được cán bộ đặt biệt hiệu “Sáu Búa”. Biệt hiệu này ít được nhớ đến khi Lê Đức Thọ ra Bắc, trở thành cánh tay phải của Lê Duẩn. Nhưng khi nói đến Lê Đức Thọ và những hành động xảo quyệt, tàn bạo của y, biệt hiệu này liền được nhắc tới.

[7] Tôi ngây thơ đến nỗi mang theo cả dao cạo, cả bút máy và vài cuốn sách để đọc. Sau mới biết trong nhà tù xã hội chủ nghĩa người tù không được phép đọc hoặc viết, đừng nói gì đến được sử dụng bất cứ đồ vật kim khí nào nhọn hoặc sắc.

[8] Nguyên Hồng (1918-1982), bắt đầu viết văn từ năm 1936, nổi tiếng từ thập niên 40 với những tiểu thuyết hiện thực Bỉ Vỏ, Qua Những Màn Tối, Những Ngày Thơ Ấu… Tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) ở Hải Phòng; năm 1940 bị chính quyền thuộc địa bắt đi trại tập trung ở Bắc Mê (Hà Giang). Năm 1943 Nguyên Hồng tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng với Nam Cao, Tô Hoài,Nguyễn Huy Tưởng...

[9] Quả nhiên, tại Hỏa Lò người ta bắt tôi phải viết một báo cáo về Nguyên Hồng. Phải chật vật lắm tôi mới thuyết phục được họ rằng tôi không biết gì về quan điểm chính trị của Nguyên Hồng. Không nhà văn nào thoát khỏi con mắt Tào Tháo của cơ quan an ninh.

[10] Bùi Ngọc Tấn (sinh năm 1934) tác giả của nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn được độc giả hâm mộ. Bị bắt tù 6 năm không xét xử vì “có quan điểm xét lại”. Nhiều năm sau khi ra tù anh có cho in hai cuốn Một Thời Để Mất (về Nguyên Hồng), và Những Người Rách Việc, và về sau này Chuyện kể năm 2000.

[12] Mặt trận Bình Dân (Front Populaire), bao gồm các đảng cánh tả của Pháp, trong đó liên minh hai đảng xã hội – cộng sản là nền tảng. Năm 1936 Mặt trận giành thắng lợi, chính phủ Léon Blum của Mặt trận Bình dân giải tán các tổ chức phát-xít, ấn định tuần làm việc 40 giờ cho người lao động, ngăn chặn các hành vi phát-xít trong sự đối xử với nhân dân các nước thuộc địa... Năm 1938 Mặt trận Bình dân yếu dần rồi tan vỡ do những mâu thuẫn bên trong.

[13] Các bí danh: Sáu, tức Sáu Thọ (Lê Đức Thọ), Ba, tức Ba Duẩn (Lê Duẩn), Năm (Trường Chinh).

[14] Công an mật, do chữ CA được biến thành CÁ mà ra.

[15] Nhân vật thám tử tư của nhà văn Anh Conan Doyles (1859-1930), rất nổi tiếng với những cuốn tiểu thuyết trinh thám trong đó Sherlock Homes là vai chính.

[16] Không chê vào đâu được. “Chê” là từ Việt, “ba” là từ gốc Pháp pas = không, một cách nói thịnh hành vào những năm 40 tại Hà Nội.

[17] Bùi Xuân Phái (1921-1988), hoạ sĩ tài danh, người khám phá một Hà Nội chưa ai biết. Vì những bức tranh này nhà văn Nguyễn Tuân đặt tên cho các phố cổ Hà Nội là phố Phái. Nguyễn Sáng (1923-1988), hoạ sĩ có công đưa nghệ thuật sơn mài lên một bước đáng kể bằng sự sử dụng những gam màu trước nay tưởng chừng chỉ có thể tồn tại trong sơn dầu. Nguyễn Tư Nghiêm (1922), hoạ sĩ nổi tiếng với phong cách độc đáo, đặc biệt trong tranh đề tài nông thôn. Dương Bích Liên (1924-1988), lãng tử trong tranh sơn dầu. Bốn hoạ sĩ này được vinh danh là tứ trụ trong hội hoạ Việt Nam.

[18] Văn Cao (1923-1995), nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ nổi tiếng, tác giả Tiến Quân Ca, một bài hát rất phổ biến trong những ngày nổ ra cuộc Cách Mạng Tháng Tám, được chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất và Quốc Hội nước VNDCCH chọn làm quốc ca. Sinh thời ông bị chính quyền bạc đãi vì những tư tưởng tự do.

[19] Victor Tardieu, họa sĩ Pháp, từng đoạt giải hội họa Đông Dương năm 1920. Là bạn học của các danh họa Rouault và Matisse, ông đã tích cực vận động chính phủ bảo hộ cho thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Khóa đầu tiên của trường này (năm 1925) đã cho ra các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Thứvv...