Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

Thời đại Khai Sáng

Lời Giới thiệu Những con đường đến tính Hiện đại của Gertrude Himmelfarb (NXB Tri thức & IRED, 2021) và Sự hình thành Tinh thần Hiện đại [Chương 9, Quyển 3] của Herman Randall (NXB Tri thức & IRED, 2022)

Chu Hảo

image

Thời đại Khai sáng là tên gọi của giai đoạn lịch sử nhân loại từ cuối TK17 đến cuối TK18. Ba thế kỷ đã trôi qua, nhưng những nghiên cứu lịch sử hình thành và ảnh hưởng của phong trào Khai sáng đến tiến trình phát triển của các quốc gia vẫn mang tính thời sự.

Cho đến tận ngày nay khái niệm Khai sáng (hay Khai minh) thường gắn liền với nước Pháp, không phải chỉ vì nó là khởi nguồn của cuộc Cách mạng Pháp 1789, mà chủ yếu là bởi vì tại đó cụm từ “Thế kỷ Ánh sáng” lần đầu tiên được dùng trong các ấn phẩm khởi thảo của một công trình đồ sộ gồm 20 tập mang tên Bách khoa toàn thư (Encyclopédie) do các Philosophe (triết gia, nhà giáo dục, nhà văn, nhà xuất bản… ủng hộ tinh thần Khai minh) biên soạn. Trong khi đó ở Anh sự Khai minh không có danh từ tương hợp. Một thế kỷ sau đó thuật ngữ Khai minh mới xuất hiện lần đầu tiên trong ấn bản thứ 14 của bộ Bách khoa toàn thư của Anh. Trớ trêu thay, những nhà khai sáng của Pháp, tiêu biểu là Diderot, Voltaire và Rousseau, đã coi Isaac Newton và John Locke, những người Anh, là những nhà tư tưởng tiền bối vĩ đại của mình, thì tại ngay nước Anh giá trị khai minh của họ chưa được nhận thức rõ ràng. Thành ra thực tại khai minh xẩy ra Anh, nhưng khái niệm khai minh lại sinh ra ở Pháp. Đúng như nhận xét tinh tế của Himmenfarb trong tác phẩm được nhắc đến ở trên: “Ở đây, những nhà ‘hậu hiện đại’ khiến ta phải lắng nghe: ngôn ngữ đôi khi là thực tại, hay được xem là thực tại”.

Newton (với công trình Các nguyên lý Toán học, gọi tắt Principia) và Locke (Luận về giác tính con người) là hai thiên tài của Anh dưới thời Wiliam III (1680-1720). Họ đã hệ thống hóa các ý tưởng cấu thành khái niệm Khai minh như ngày nay chúng ta hiểu. Đúng như Herman Randall đã nhận xét: Họ đều đứng ở ngưỡng của một kỷ nguyên mới, Newton là nhà tiên tri của khoa học tự nhiên, còn Locke là tiên tri của khoa học về bản chất con người. Từ nguồn cảm hứng của họ mà những thành tựu của Kỷ nguyên Khai minh tuôn ra; dưới ánh sáng của họ con người tiếp tục chuyển hóa niềm tin và xã hội của mình thành những gì mà chúng ta chứng kiến hôm nay.

Bách khoa toàn thư là hiện thân cho tinh thần khai minh của các Philosophe. Chủ biên Diderot đã xác định sứ mệnh của nó là “phải thu thập tất cả các tri thức hiện còn nằm rải rác khắp mọi nơi trên trái đất, để làm cho cấu trúc chung của nó hiện ra rõ ràng trước những người sống cùng thời với chúng ta và truyền nó đến những hậu thế mai sau, vì thế luôn luôn và mãi mãi phải làm cho con người không chỉ minh triết hơn mà còn đức hạnh và hạnh phúc hơn”. Thời đại Lý tính bắt đầu từ đây, nguyên tắc đặc thù của Khai minh ở Pháp là Lý tính, như Diderot khẳng định: Bách khoa thư là công cụ của “thời đại suy luận”, “thời đại triết học”. Và như vậy, đúng như Himmelfarb nhân xét, Khai minh ở Pháp mang màu sắc ý thức hệ của lý tính. Không may thay, ý thức hệ lý tính này đối lập quyết liệt với Tôn giáo, mà họ cho là mê tín, giáo điều và nhảm nhí. Các Philosophe có thái độ thù nghịch đối với giáo hội Công giáo mà họ cho là đồng lõa với các nhà nước độc tài và áp bức.

Trong khi đó ở Anh, theo Himmelfarb, Khai minh bắt nguồn từ “các cảm xúc xã hội” và “những tâm thế Tôn giáo”. Tại đây những người tiên phong trong phong trào Khai minh lại là các triết gia Đạo đức học. Các cảm thức đạo đức xã hội như lòng nhân từ - bác ái, sự cảm thông - tình đồng loại, và bản tính vị tha… thấm đượm trong các diễn ngôn triết học và đạo đức tại Anh trong suốt TK18. Bên cạnh đó, không có “một dự án khai minh” nào ở Anh nhằm lật đổ Tôn giáo, vì bản chất của triết học đạo đức mà họ xiển dương mang tính phi bạo lực. Tinh thần triết học đạo đức đã thể hiện rõ ngay trong các tác phẩm kinh điển khai nguồn Khai minh là Những nguyên lý Toán học của Newton và Luận về giác tính con người của Locke. Những thành viên ưu tú tiếp theo của phong trào Khai minh như Shaftesbury, Gibbon, Hume còn đi xa hơn trong khuynh hướng hợp nhất thế giới Tôn giáo với thế giới Chính trị và sự Tự do. Ở đây còn phải kể đến một trường hợp đặc biệt khác, đó là Adam Smith. Thường ông chỉ được biết đến qua tác phẩm trứ danh Sự giàu có của các quốc gia, học thuyết kinh tế về Thị trường tự do, xuất bản năm 1776. Nhưng trước đó, vào năm 1759 ông đã công bố công trình Lý thuyết về những tình cảm đạo đức hòa vào trào lưu triết học đạo đức học xã hội của phong trào Khai minh, nhưng theo một hướng khác: sự hợp nhất giữa Tôn giáo, Thương mại và Tự do.

Vì vậy, vào hồi đầu TK18, Montesquieu đã nhận xét: người Anh biết giỏi hơn bất kỳ dân tộc nào trên trái đất về cách thức xem trọng giá trị đồng thời của ba lợi ích song song là Tôn giáo, Thương mại và Tự do. Sau hơn một thế kỷ, một học giả Pháp khác là Tocqueville lại hoan hỉ chia sẻ: Tôi đã tận hưởng ở Anh những gì mà một thời gian dài đã bị cướp mất, đó là sự hợp nhất giữa thế giới Tôn giáo và thế giới Chính trị, giữa Đức hạnh cộng đồng và Đức hạnh cá nhân, Giữa Ki-tô giáo và sự Tự do.

Chương cuối cùng cuốn sách của Himmelfarb có tựa đề là Khai minh của người Mỹ: Chính trị của Tự do. Thường Phong trào Khai sáng chỉ được gắn với các nước Đức, Anh, Pháp và Tây Ban Nha, tuy ảnh hưởng trực tiếp của nó đến Cách mạng Mỹ chống lại “mẫu quốc” Anh (1775-1783) là không phải bàn cãi. Nhưng cuộc cách mạng tư tưởng và chính trị diễn ra trước đó, từ năm 1765 đến năm 1773, trong nội bộ nước Mỹ đã chuẩn bị sẵn mọi tiền đề cho cuộc đấu tranh dành Độc lập - Tự do diễn ra sau đó. Himmelfarb đã tóm tắt bản chất của phong trào Khai minh ở Mỹ một cách tài tình như sau: “Ở Anh, đức hạnh xã hội luôn đứng ở hàng đầu của tư biện triết học và chính sách xã hội, chúng là điều cốt lõi của sự thiện lành nơi cộng đồng. Tại Mỹ, chúng thuộc về hậu cảnh, là điều kiện cần thiết nhưng chưa phải là điều kiện đủ. Cái đứng trước tiền cảnh là Tự do chính trị - động lực Khai minh của người Mỹ”. Và chính lý thuyết chính trị này đã khơi nguồn cảm hứng cho việc sáng tạo bản Hiến pháp Mỹ 1789 – bộ Luật tối cao của một nền Cộng hòa kiểu mới cho “hai mươi hay ba mươi triệu người tự do mà chẳng có một vị quý tộc hay vị vua nào ở đó”, như John Adams, một trong những nhà lập quốc Hoa Kỳ, hình dung. Tác giả của bản Hiến pháp bất hủ này là 55 đại biểu, đại diện cho 13 tiểu bang đầu tiên, nhiều người trong số họ là những người đã từng tham gia soạn thảo Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776. Ba trong những người này là Alexander Hamilton, John Jay và James Madison, các tác giả cuốn Người liên bang (The Federalist). Đây là cuốn sách đóng vai trò Khai minh ở Mỹ tương tự như công trình Bách khoa thư ở Pháp của Diderot, Voltaire và Rousseau; nhưng với mục tiêu khiêm tốn hơn nhiều: không phải thâu tóm tri thức toàn nhân loại mà chỉ nhằm xây dựng một thể chế chính trị - xã hội phù hợp với nguyện vọng của dân chúng đã được họ khai minh.

Lời bạt của người giới thiệu

1. Chúng ta đau lòng được chứng kiến sự băng hoại của phong trào Khai minh TK18 ở chính các nước quê hương của nó, nhất là ở Mỹ. Chưa bao giờ số phận của nền dân chủ Mỹ lại liên quan đến số phận của nhân loại như hiện nay. Liệu còn có thể có, hay không bao giờ, một phong trào Khai minh khác cho nhân loại, kể cả đến khi nó đủ khả năng di cư đến một hành tinh khác trước khi hệ sinh thái Hành tinh xanh này hoàn toàn sụp đổ?

2. Có phải Việt Nam ta vẫn ở vùng trũng của phong trào Khai minh của Nhân loại từ trước và cả sau TK18? Điều đó có phải là định mệnh?

Hà Nội, 14-2-2022