Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

Biểu tượng điêu khắc trong kiến trúc thuộc địa ở Sài Gòn

Hà Vũ Trọng

Quy hoạch đô thị và kiến trúc ở Đông Dương hiện thân cho quyền lực chính trị, kinh tế và văn hoá của Pháp thời thuộc địa. Những công trình kiến trúc quan trọng và tráng lệ này trong thời kì ban đầu từ những năm 1880 cho tới 1900 đều du nhập những phong cách thiết kế từ ‘mẫu quốc’, như Beaux-Arts, Chiết trung, hoặc Tân Cổ điển, qua hai kiến trúc sư trưởng là August-Henri Vildieu (ở Hà Nội) và Alfred Foulhoux (ở Sài Gòn) đã tạo nên hình hài một kinh đô Pháp thu nhỏ ở Đông Dương. Cho tới những năm 1920, mất 60 năm, vớiErnest Hérbrard mới thực sự hình thành một phong cách mới gọi là Indochinois hay ‘Đông dương’ bắt kịp chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc thế giới nhưng độc đáo hơn qua sự phối hợp những yếu tố kiến trúc Âu Tây với những mẫu thiết kế bản địa theo triết học phương Đông; phong cách Indochinois đã tiên đoán cho phong cách đa nguyên văn hoá hiện nay trên thế giới để giải toả trung tâm châu Âu. Tất cả di sản to lớn trong quy hoạch và kiến trúc thời thuộc địa, mà riêng Đông Dương được xem như cuộc đầu tư mạo hiểm cho ‘sự hùng vĩ điên rồ’ của chính quyền Pháp với những dự án và kinh phí khổng lồ cũng như mất rất nhiều thời gian và sự tranh cãi.

Trong loạt khảo sát dưới đây, sẽ không chú trọng về kiến trúc, mà mời gọi một cuộc dạo ngắm nhìn ‘cận cảnh’ vào các hình tượng điêu khắc, chủ yếu trên các bề mặt (façade) các công thự trọng yếu nằm dọc trên những trục lộ trung tâm Sài Gòn, với cố gắng tìm ra ý nghĩa của chúng. Trong khi về mĩ thuật, có một mối tương quan nội tại không thể phủ nhận giữa kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ và trang trí cùng ý nghĩa [chính trị] của chúng được duy trì chặt chẽ trong các phong cách nghệ thuật, mà ở đây là phong cách Tân Cổ điển thời Cộng hoà Đệ Tam Pháp. Những khảo sát và ghi chú dưới đây giới hạn trong một số công thự chính được xây dựng vào cuối thế kỉ 19 cho tới đầu thế kỉ 20, giờ đây chúng là những biểu tượng lịch sử quý giá của Sài Gòn, mặc dù thời gian đã làm cho bề mặt của chúng có biến dạng ít nhiều, cùng với mối lo một số công trình kiến trúc lịch sử khác đã và đang có nguy cơ bị đe doạ xoá sổ.


*

Dinh Phó Toàn quyền (Palais du Vice-Gouverneur) hay Dinh Thống đốc Nam kì (Palaise du Gouverneur de la Cochinchine), nay là Viện Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (toạ lạc tại số 65 Lí Tự Trọng, quận 1) có thể xem là biểu tượng cho ‘thiên chức khai hoá’ của Pháp vào cuối thế kỉ 19. Dinh này do kiến trúc sư Alfred Foulhoux vẽ kiểu và hoàn thành vào năm 1890 theo phong cách Tân Cổ điển (thay cho trước đó định dùng để làm bảo tàng triển lãm thương mại). Dinh thự đồ sộ này đặc biệt mang nhiều biểu tượng nghệ thuật cổ điển Hi-La lẫn bản địa Đông Dương. Dinh Phó Toàn quyền đã chứng kiến rất nhiều biến cố lịch sử: nơi ở của 13 Phó Toàn quyền và 16 Thống đốc Nam kì, của thống đốc Nhật Bản, đặc phái viên của vua Bảo Đại, của Việt minh và phái đoàn quân sự Anh giám sát việc trở lại của chính quyền thực dân Pháp sau Thế Chiến Hai, và là nơi ở và làm việc của Tổng thống Ngô Đình Diệm sau khi Dinh Độc lập (tức Dinh Thống đốc hay Dinh Toàn quyền) bị hai phi công của Việt Nam Cộng hoà dội bom làm đổ nát khoảng 50% vào năm 1962 (mà sau đó ngay tại nền móng ấy đã được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ kiểu và tái thiết lại hoàn toàn với cấu trúc và ý thức giải trừ thực dân; sau 1975 nó trở thành Hội trường Thống nhất; đáng tiếc dinh này không còn nữa để khảo sát về biểu tượng điêu khắc). Như vậy, Dinh Phó Toàn quyền hiện còn tồn tại với phong cách chiết trung điển hình của Pháp được chọn khảo sát về biểu tượng.

Trước Dinh Thống đốc Nam kì, qua hình ảnh trên bưu thiếp, ta thấy Vua Khải Định với Toàn quyền Albert Sarraut đứng trong xe hơi đang chào quốc ca. Trên hai bệ cao trước hiên là tượng hai nữ thần Địa Mẫu Demeter (Ceres) kích thước rất lớn, đây là nữ thần nông nghiệp, của sự thu hoạch dồi dào, của bảo hộ và ban phúc, tay ôm bó lúa mì, nuôi dưỡng con người bằng sự phì nhiêu của đất; còn pho tượng Địa Mẫu bên trái với biểu tượng một tay cầm cái cày, một tay thu hoạch, dạy con người biết cày cấy hoa màu.

Trên đầu hồi (pediment) trung tâm toà nhà trang nghiêm với tượng đầu nữ thần Athena (Minerva) là nữ thần chiến binh, của trí tuệ, thi ca, y học, và âm nhạc.

Nhìn cận những chi tiết cho thấy nữ thần Athena đội nón sắt cùng những biểu tượng gắn liền như ngựa chiến, hai bên là chim cú và thêm một biểu tượng Pháp là con ‘gà trống Gaulois’, hai con rắn bảo vệ, và nhánh cây olive do nữ thần sáng tạo ra làm tặng vật cho thành Athens để sản sinh ra dầu olive đem lại thịnh vượng lâu bền. Bên dưới Athena là đầu tượng thần biển hoang dã Poseidon (Neptune) – Poseidon là vị thần từng tranh đua với Athena nhưng bị thất bại và khuất phục. Ở đây tượng nữ thần Athena là biểu tượng hàm nghĩa sự toàn thắng của văn minh đô thị và sự thuần hoá lẫn khai hoá.

Ở hai bên góc cùng, là chim cú, con vật tinh tường của ban đêm, một thuộc tính biểu tượng cho trí tuệ của nữ thần Athena; bên kia là con gà, con vật của ban ngày báo tin bình minh cũng ý nghĩa sự phục sinh ở đây là ‘con gà trống Gaulois’ của dân tộc Pháp. Cặp rắn xoắn cuộn hai bên là con vật bảo vệ cho thành trì Acropolis của thành phố Athens.

Hai biểu hiện của thần Hermes với đôi cánh trên mũ là sứ giả truyền tin của chư thần; với mũ sắt chiến binh và vành nguyệt quế. Hermes cũng là vị thần thương mại.

Cây trượng của thần Hermes với đôi cánh và cặp rắn xoắn ý nghĩa cho sự cứu trị trong y học, và hoạ tiết lá cây ô rô xoắn ý nghĩa cho sự sống và may mắn. Ngành Tây y, hay việc vệ sinh chống dịch lây nhiễm luôn được thực dân Pháp đề cao là sự văn minh ở những xứ thuộc địa vùng nhiệt đới.


Hoa huệ biểu tượng quốc gia Pháp và sư tử tượng trưng sức mạnh.

Những hình tượng bản địa trong những tuyệt tác phù điêu như cá chép hoá rồng; cá sấu trên đầm lầy thuở còn nguyên sơ của đất rừng phương Nam; Vạc bắt mồi. Cạnh hai bên những hình tượng bản địa này luôn có môtíp bông hoa nha phiến - loại cây mà Pháp độc quyền sản xuất và bán thuốc phiện.

*

Toà Thị chính (L’Hotel de Ville), nay là Trụ sở Uỷ ban Nhân dân Thành phố (toạ lạc tại số 86 Lê Thánh Tông), với những biểu tượng điêu khắc có thể xem như thể hiện những giá trị của nền Cộng hoà Pháp. Hình mẫu kiến trúc của Toà Thị chính Sài Gòn tiếp thu từ Toà Thị chính ở Paris theo phong cách Phục Hưng, được xây theo bản vẽ của nhà kiến trúc sư Fernand Gardès, khởi công từ 1898 nhưng mãi đến 1908 mới hoàn thành do lịch sử xây cất mất nhiều năm tranh cãi để đi đến quyết định, còn việc trang trí nội thất rất đa dạng và cầu kì do nghệ nhân Ruffier đảm nhiệm. Toàn bộ mặt tiền 30m của Toà Thị chính Sài Gòn được xem là rút ra từ hầu hết các yếu tố tạo thành phong cách kiến trúc của thời Đệ Tam Cộng hoà Pháp. Trước đây toà nhà mang nhiều phong cách này từng bị ví như một phụ nữ đeo quá nhiều đồ trang sức, nhưng giờ lại trở nên duyên dáng và được thưởng ngoạn đầy thú vị.

  Toà Thị chính (L’Hotel de Ville) trên bưu thiếp đầu thế kỉ 20

Toà Thị chính Nay là UBND TPHCM.

Trên trán những tháp Toà Thị chính nổi bật với ba cụm điêu khắc phong cách cổ điển về ba hình tượng người nữ. Dựa trên hệ thống hình tượng và đặc trưng của phần lớn các toà thị sảnh Pháp, ta có thể đoán rằng bộ ba này là hình tượng nhân cách hoá nữ tính về một Marianne hiện thân cho nền Cộng hoà Pháp biểu hiện cho những giá trị thường hằng gắn bó với công dân nền Cộng hoà: Tự do, Bình đẳng, Bác ái (Liberté-Égalité-Fraternité). Tên Marianne [Marie-Anne] là cái tên phổ thông và quen thuộc của phụ nữ tầng lớp lao động Pháp.

Hình tượng nữ thần Marianne của Bác ái (Charity/Fraternity) đặt ở trọng tâm dưới tháp chuông và trên trán tường Toà Thị chính. Marianne trong tư thế và trang phục Phrygia, gần giống với tượng nữ thần Chiến thắng Samothrace, tà áo bay linh động hài hoà với tất cả chi tiết nằm trong cụm điêu khắc. Thuộc tính về sự Bác ái thường mô tả hai đứa bé dìu hai con sư tử ách chung với nhau.

Trên trán tháp bên phải là Marianne của Tự do tay dựng thanh gươm (biểu tượng công chính) và tấm bia luật, với chim câu hoà bình đậu trên mũ Tự do Phrygia, một nhánh cọ biểu tượng sự chiến thắng, và khẩu đại bác và cây súng dưới chân nhắc đến cuộc Cách mạng Pháp. Marianne ngực trần đội mũ Phrygia như nữ thần Tự do trong tranh của Delacroix dẫn đầu cuộc Cách mạng Pháp.

Marianne Bình đẳng, đội vành nguyệt quế, tay cầm trục bản hiến pháp, sau lưng là cụm olive tươi tốt, dưới chân là cây tích trượng của thần Hermes (tượng trưng sự truyền tin, hướng dẫn và cứu chữa) và đống lúa mì với cái liềm gặt. Có lẽ trình hiện ở đây Marianne như một hiện thân của sự nuôi dưỡng và giáo dục bình đẳng với mọi công dân.

Mũ Tự do Phrygia, vành nguyệt quế, và nhà cách mạng, là mô típ lập lại suốt mặt tiền Toà Thị Chính

*

Pháp đình Sài Gòn Tribunal de Saigon, nay là Toà án Nhân dân TP HCM, toạ lạc tại số131 Nam Kì Khởi Nghĩa, quận 1. Tòa nhà hoàn tất năm 1885, là một trong những công trình nổi bật của kiến trúc sư Alfred Foulhoux.

Pháp đình Sài Gòn vào đầu thế kỉ 20. Trên hai trụ cổng uy nghi với tượng đầu người lính La Mã canh gác. Bên dưới là phù điêu quốc huy Cộng hoà Pháp RF (République française), và thêm hai biểu tượng là thanh kiếm và cán cân pháp luật.

Trên đầu hồi Pháp đình là bức phù điêu khắc nổi theo phong cách Phục hưng. Ngồi giữa là nữ thần Công lí (Justitia) được miêu tả đeo vương miện có những tia chiếu sáng (có phần giống hình tượng nữ thần Tự do Libertas trong Cách mạng Pháp), tay phải cầm kiếm tượng trưng quyền uy của toà án, tay trái cầm sách Bộ luật (Code). Hai bên nữ thần là hai người Việt đặc trưng Nam bộ ngồi nghiêng mình, tư thế nói chung thoải mái, y phục áo dài truyền thống, một nam một nữ búi tóc, một tay cầm nón còn tay kia tựa lên một trụ thấp, họ chăm chú hướng tới nữ thần với vẻ của công dân thượng tôn pháp luật. Hoạ tiết trang trí hai bên nữ thần là cành dừa hay cành cọ, nhành olive, và đặc biệt góc bên phải là những tàu lá chuối và bụi môn.

Đáng chú ý, ở gian sảnh pháp đình có hai pho tượng đồng cao khoảng 2m đặt trên bệ ở hai bên cánh cầu thang, bên phải là tượng nữ thần Công lí (Justitia), một tay chống thanh kiếm, tay kia cầm cái cân. Còn pho bên trái [vì người viết chưa có điều kiện được quan sát trực tiếp chỉ xem qua hình tìm được trên mạng, nên đoán] có lẽ là nữ thần Tự do Libertas, một tay cầm kiếm, tay kia cầm nhánh nguyệt quế.

*

Bưu điện trung tâm Sài Gòn (Hôtel des postes), tọa lạc tại số 2 Công trường Công xã Paris, quận 1. Đây là công trình được xem là kiệt tác của kiến trúc sư Alfred Foulhoux, hoàn thành vào năm 1891 theo phong cách Tân-Baroque kết hợp với những hoạ tiết trang trí trên những nóc mái lấy cảm hứng từ nghệ thuật đền đài Khmer (như ta cũng thấy ở Ngân hàng Đông dương).

Bưu điện trung tâm Sài Gòn trên bưu thiếp Decoly đầu thế kỉ 20

Cụm phù điêu chính trên vòm cửa Bưu điện Thành phố là đầu thần Mercury (Hermes) với mũ có đôi cánh – trong thần thoại Hi Lạp là vị thần đưa tin, biên giới và di chuyển, của đường sá, truyền thông, thần của du khách, và cũng là thần thương mại. Trang trí đầu thần Mercury, một bên là nhành nguyệt quế biểu tượng vinh quang và chiến thắng, bên kia là nhành sồi biểu tượng cho nghị lực, bền vững và cao quý.

Trên các đầu cột giữa những nhịp vòm cửa là những phù điêu Poseidon (Neptune) thần ngựa và thần biển; và Nike, nữ thần chiến thắng và tốc độ.

Giữa đại sảnh của Bưu điện trước đây có pho tượng nữ thần Iris ngồi trên quả địa cầu với đôi cánh và tay giương ngọn đuốc– nữ thần này là sứ giả của các vị thần trên đỉnh Olympus, một trong những nữ thần của trời và biển, bay bằng tốc độ của gió đi khắp thế giới. Nữ thần này được Pháp chọn làm biểu tượng cho ngành bưu điện, nhưng pho tượng đẹp này vào những năm 1950 đã bị tháo gỡ mất tăm tích.

Foulhoux cũng muốn nắm bắt được tinh thần khoa học và sự tiến bộ của con người, như ta thấy liên tục ở mặt tiền và hai bên toà nhà Bưu điện có 34 tấm bảng khắc tên những nhà khoa học vật lí tên tuổi như Morse, Gramme, Faraday, Ohm, Bell, Franklin,…

*

Nhà Hát Lớn (L'Opéra de Saïgon/Grand-Théâtre de Saigon) được khánh thành vào đúng ngày đầu năm của thế kỉ 20 do hai kiến trúc sư Felix Olivier và Egène Ferret thiết kế theo phong cách flamboyant (hình lửa uốn lượn) Cộng hoà đệ Tam, với vòm cửa mặt tiền lấy cảm hứng từ Petit Palais (Cung Điện Nhỏ) ở Paris. Nhà Hát Lớn qua những thay đổi như từng được dùng làm Quốc Hội trong thời Việt Nam Cộng Hoà sau 1956, tới năm 1975 được dùng trở lại làm nhà hát, năm 1995 được khôi phục gần như diện mạo ban đầu.

Nhà Hát Lớn trên bưu thiếp vào đầu thế kỉ 20.

Vòng bán nguyệt quanh bức phù điêu của nữ thần Erato được trang trí bằng tranh tường vẽ khuôn mặt năm vị nữ thần nghệ thuật khác về sân khấu kịch nghệ, ca múa, sử thi…  Biểu tượng chính trên đầu hồi nhỏ hình tam giác trước nhà hát (và hai bên hông nhà hát) là đầu tượng phù điêu một trong chín nữ thần nghệ thuật (Muses) là Erato, nữ thần của thơ ca trữ tình, cùng với những biểu tượng đi cùng là vòng hoa sim, tràng hoa hồng, và cây đàncithara (hay đàn lyre) mà ta thấy trong cụm điêu khắc trên vòm mái phía trước nhà hát với hai thiên thần giang cánh nâng nhạc cụ này lên.

]Riêng phù điêu nữ thần Erato cũng lập lại với kích thước lớn hơn ở hai bên hông nhà hát trên trán cửa của balcon.

Trước hiên nhà hát có hai pho tượng người đàn bà ngực trần đứng với hai cánh tay nâng mái, thật ra là cột thức thứ tư của Hi-lạp gọi là Caryatid ít khi thấy, là loại cột có hình dạng người đàn bà.

Ở hai bên mặt tiền nhà hát, dưới cụm trang trí cây đàn cithara là cụm phù điêu khuôn mặt của thần Dionysos với hoạ tiết dây nho – là vị thần của rượu nho, của lễ hội cuồng hoan, thần của kịch nghệ, có hai thiên thần bé con nhảy múa với cây đàn cithara. Motip khuôn mặt thần Dionysos ta sẽ thấy lập lại suốt dải trang trí bên dưới mái nhà hát.

*

Trụ sở Thuế và Hải quan (Direction des Douanes et Régies hay Hôtel des Douanes) gọi nôm na là ‘Nhà Đoan’, toạ lạc ở số 2 Hàm Nghi bến Bạch Đằng, nay là Hải quan TP HCM, do kiến trúc sư Alfred Foulhoux xây xong năm 1887. Thực ra Foulhoux tái thiết lại từ toà nhà có tên Hôtel Wang-Tai hay Nhà Vương Thái đã xây từ năm 1867, sau đó trở thành khách sạn Cosmopolitan theo kiểu châu Âu to lớn và sang trọng nhất Sài Gòn, trước cả khi chính quyền thuộc địa xây bất cứ công thự đồ sộ nào. Vương Thái là thương nhân người Quảng Đông giàu có bậc nhất thời đó nhờ độc quyền buôn bán thuốc phiện ở Nam Kì từ 1861-1881 (đây là thời cơ ngàn vàng của Vương Thái sau Chiến tranh Nha phiến và trước khi Pháp và nhà Thanh kí Hiệp ước Thiên Tân 1885). Nhưng kể từ năm 1881, Pháp độc quyền kiểm soát, chế biến và buôn bán thuốc phiện, thì nguồn lợi to lớn này đã từ Vương Thái chuyển qua tay chính quyền thuộc địa, và trở thành doanh thu quan trọng nhất của chính phủ Nam Kì thời đó. Thương gia Vương Thái đã chuyển địa bàn sang Chợ Lớn và bán toà nhà của ông cho chính quyền Pháp để làm trụ sở Thuế và Hải quan, và gần ngay đó, Pháp cũng cho xây một xưởng chế biến thuốc phiện (xem hình) cung cấp cho những động hút ở những khu vực Sài Gòn và Chợ Lớn. Do vậy, cây nha phiến là biểu tượng chính trên khắp mặt tiền ‘Nhà Đoan’ kể từ khi kiến trúc sư Foulhoux thiết kế lại.

Trụ sở Thuế và Hải quan hay ‘Nhà Đoan’ đầu thế kỉ 20 trên bưu thiếp đầu thế kỉ 20

Nay là Hải quan TP HCM

Phù điêu motif hoa và quả nha phiến trên đầu cột ở tầng ba. Cũng vậy, trên các vòm cửa ở xung quanh tầng trệt, cũng như hoa nha phiến được cách điệu ở dải trang trí dưới cột phù điêu ở tầng ba trong những vuông gốm màu, và được gắn trang trí ở diềm song song bên dưới nữa.

Bức ảnh xưa cho thấy chiếc xe Malabar của hãng đậu trước cổng Xưởng Thuốc phiện (Manufacture d'Opium).

Chiếc cổng và một phần khuôn viên khu xưởng hiện vẫn còn, đặc biệt hoạ tiết những đoá hoa, quả nha phiến cách điệu theo phong cách Art Nouveau rất đẹp trên trán vòm cổng trong khuôn tô cắt bằng kim loại.  Xưởng Thuốc phiện (Manufacture d'Opium) toạ lạc ở số 74 Hai Bà Trưng, khoảng sau lưng Nhà Hát Lớn.
*


Nguồn: Bài này đã in trong sách SÀI GÒN - NHỮNG BIỂU TƯỢNG, nhiều tác giả, Nxb Văn hoá Văn nghệ Phanbook, 2018