Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Xin đừng gọi THAM NHŨNG là NỘI XÂM! (Bàn về hai sự chệch hướng của Tổng Bí thư)

Hà Sĩ Phu

1/ Câu chuyện Tuổi Thân-Tý-Thìn tam hợp

Xin mở đầu vấn đề rất nghiêm túc và hệ trọng này bằng một mẩu chuyện tầm phào, nửa đùa nửa thật:

Có lần một anh bạn chỉ tận mặt tôi mà khôi hài:

- Bác đáp ứng trúng tiêu chuẩn của ông TBT rồi nhá, bác là “người miền Bắc, có ní nuận” mà! Chỉ có điều người ta thì ní nuận xây dựng đảng, còn bác thì “xây dựng” gì nhỉ, xây dựng con người, xây dựng đất nước… hả?

Tôi phì cười:

- Mình là phó thường dân, ông ấy là Cộng sản đệ nhất quyền lực, liên quan làm gì?

- Liên quan quá đi chứ, giống nhau lắm. Một ông tuổi Thân một ông tuổi Thìn. Thân Tý Thìn tam hợp. Nhiều cái liên quan bác thấy không? Năm 2000 bác bị Công an và viện Kiểm sát khởi tố tội Phản quốc nhưng không xử được. Còn ông Trọng vừa rồi bị hàng trăm ngàn công dân “đả đảo” cái tội Phản quốc vì là người chủ chốt cho kẻ thù chiếm cứ ba đặc khu, chẳng biết rồi có xử được không?...

Tôi vốn không tin chuyện Tử vi, số mệnh do ngày sinh tháng đẻ, nhưng ngẫm ra anh bạn nói sao mà có lý. Thân Tý Thìn liên quan thật. Ngay bây giờ đây, khi trên báo nhà nước vừa trích lời ông Trọng “cuộc chiến chống giặc Nội xâm đang ở giai đoạn quyết liệt” thì quả thực tôi (HSP) cũng đang muốn nói một câu y như vậy! Chỉ có điều nội hàm trong câu nói thì khác hẳn nhau, mỗi bên chỉ tay vào mặt một bọn “Nội xâm” khác nhau để nói những điều khác nhau. Thân Tý Thìn vừa tương đồng vừa tương khắc mới đúng, có lẽ thế. Cùng người Việt nói chuyện với nhau mà đôi lúc cứ như hai người ngoại quốc “ngôn ngữ bất đồng”! Bất đồng trước hết ở nội hàm “Nội xâm” mà tôi xin nói rõ dưới đây.

2/ Sự ví von giữa Tham nhũng và Nội xâm có mặt trái nguy hiểm

Tham nhũng rất đáng ghét, đáng phải trị tội thật nặng nề, nhưng xin các vị đừng gọi Tham nhũng là Nội xâm nữa! Nói như vậy bọn Nội xâm nó sướng lắm!

Gọi Tham nhũng là Nội xâm chỉ là sự ví von, thể hiện được lòng căm ghét và sự nguy hiểm của Tham nhũng, nhưng sự đồng nhất hai khái niệm này khiến người ta quên đi kẻ Nội xâm thật, Nội xâm theo đúng nghĩa, và quên rằng tội của bọn Nội xâm thật thì to lớn và nguy hiểm hơn nhiều. Vậy Nội xâm đúng nghĩa là gì?

Cách đây 11 năm (1907) ba khái niệm Mất nước, Ngoại xâm, Nội xâm lúc nào cũng lởn vởn trong đầu óc tôi. Trong bài Vừa nội xâm vừa ngoại xâm, phải làm gì trước? tôi đã nêu định nghĩa sự mất nước và nạn Nội xâm như sau:

“Xuất phát từ quan điểm Dân là gốc của nước thì ngày nay phải hiểu “mất nước” là tình trạng nhân dân bị mất quyền làm chủ đất nước của mình. Nước vẫn còn đó nhưng dân không làm chủ thì đấy là mất nước!

Quyền làm chủ ấy của nhân dân bị mất vào tay người nước ngoài thì gọi là nạn ngoại xâm, mất vào tay kẻ thống trị độc tài trong nước thì đó là nạn nội xâm. Giặc ngoại xâm hay nội xâm đều cướp mất của dân quyền làm chủ đất nước, trong đó có quyền quan trọng nhất là quyền làm chủ đối với đất đai, lãnh thổ. Cả hai trường hợp đều do thiếu dân chủ, thiếu bình đẳng, hoặc là thiếu dân chủ giữa các quốc gia, hoặc do thiếu dân chủ trong nội bộ một nước.”

clip_image002

Xem như vậy thì làm sao có thể gọi bọn Tham nhũng là giặc Nội xâm được? Tham nhũng là tội ác phải trừng trị nhưng chưa hẳn đã làm cho nhân dân mất quyền làm chủ đất nước. Tham nhũng tiền bạc là tội về đạo đức, tội hình sự về kinh tế, còn tội làm mất quyền làm chủ của nhân dân là tội Chính trị, chỉ những kẻ có quyền lực Chính trị lớn, bọn “tham quyền lực” đầu sỏ mới mắc được tội Nội xâm, tức tội “cướp nước” của dân. Khi đã cướp được nước của dân thì kẻ Nội xâm sẵn sàng “sang nhượng” tức bán nước cho ngoại bang là việc quá dễ dàng mà nhân dân đành cam chịu.

Với một nhân vật Chính trị thì “con người cá nhân” không quan trọng bằng “con người chức năng”. Chức năng của họ là dẫn dắt, điều hành dân tộc, nếu dẫn dắt đi lầm đường, đi vào ngõ cụt, đi vào nguy hiểm thì tội cực lớn, trong khi có thể hắn không tham nhũng nhiều về kinh tế, và có thể vẫn giữ được tư cách đạo mạo, không mắc những điều đạo đức thông thường hoặc những khiếm khuyết dễ thấy về tác phong ứng xử.

Cho nên, trong khi ông Tổng Bí thư nói “cuộc chiến chống giặc Nội xâm đang ở giai đoạn quyết liệt” thì tôi cũng muốn nói một câu hệt như thế nhưng nội hàm hoàn toàn khác. Nói cách khác, theo tôi, câu nói rất mạnh nói trên của ông Tổng Bí thư có hai sự chệch hướng:

- Bọn Nội xâm là bọn tội phạm chính trị như vừa định nghĩa ở trên, chứ không phải bọn Tham nhũng!

- Chống bọn Nội xâm theo đúng định nghĩa như vậy quả là “đang ở giai đoạn quyết liệt” nhưng “giai đoạn” ở đây là giai đoạn mà toàn dân đang phải khẩn trương đoàn kết lại thành sức mạnh đập tan sự kết hợp giữa bán nước và cướp nước để bảo toàn lãnh thổ và chủ quyền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, chứ không phải giai đoạn hừng hực đốt lò chống Tham nhũng của ông Tổng Bí thư.

Chống Tham nhũng tuy là việc quan trọng và rất cần thiết nhưng điều quan trọng là phải chống cơ chế chính trị độc quyền là nguyên nhân phát sinh, đồng lõa và bảo vệ cho Tham nhũng [*] và phải tiến hành tại thời điểm thích hợp sao cho không làm lu mờ nhu cầu bức thiết số một là nhu cầu tập trung sức mạnh toàn quốc vào việc chống nạn ngoại xâm kiểu mới của Tàu Cộng (mà Luật Đặc khu đang là đòn quyết định trong chiến lược cướp nước và bán nước ấy).

Một khi chủ quyền của Tổ quốc không còn thì kết quả chống Tham nhũng dẫu có “vĩ đại” đến mấy cũng trở thành vô nghĩa! (Ấy là cứ giả thiết việc “đốt lò” là nhằm chống Tham nhũng thật, chứ không nhằm dọn dẹp nội bộ, tập trung quyền lực để việc trao ba Đặc khu nhượng địa cho Tàu Cộng làm “một vành đai” xiết chặt Việt Nam được thực hiện suôn sẻ!).

H.S.P. (10-7-2018)



[*] Quyền lực tuyệt đối thì Tham nhũng tuyệt đối, đó là nhận thức cơ bản của nền Chính trị hiện đại, và chính ông Tổng Bí thư cũng công nhận “Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. Một cơ chế quyền lực độc đảng, lãnh đạo một cách “trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối” thì chính là cội nguồn bất tận tuôn ra bạt ngàn những dòng thác trào tham nhũng, tràn ngập khắp chốn thị thành và làng quê xóm ngõ, sức nào mà chống cho hết được? Trong khi “lò chống tham nhũng” đang cháy rừng rực nơi cung đình thì khắp nơi, tận hang cùng ngõ hẻm tham nhũng vẫn thản nhiên bủa vây cuộc sống.