Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2018

Về những câu chuyện chiến tranh chân thật

Nguyễn Thanh Việt

Hồng Anh dịch

(từ Viet Thanh Nguyen, “On True War Stories”, (Re)Collecting the Vietnam War, special issue of Asian American Literary Review 6.2 (Fall 2015): 140-145)

Truyện chiến tranh thì không có truyện nào hay

Ao ước, Denise Duong

Chiến tranh là địa ngục. Giống như nhiều người Mỹ và mọi người trên khắp thế giới, tôi thích những câu chuyện chiến tranh xây dựng dựa trên cái có vẻ là một ý tưởng gây xáo động. Tôi có góp phần cá nhân vào những câu chuyện như vậy, khi được sinh ra tại Việt Nam nhưng được nuôi dạy, hay được tạo thành, tại Mỹ. Một cuộc chiến đã mang tôi từ bên đó qua bên này, một trải nghiệm tôi chia sẻ với hàng triệu người bạn Mỹ của mình. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi liệu hoàn cảnh của tôi, hay những gì mà ba mẹ tôi phải chịu đựng, có thể gọi là một câu chuyện chiến tranh không, và có thể kể câu chuyện đó như thế nào? Trong How to Tell a True War Story” [Làm thế nào kể một câu chuyện chiến tranh chân thật] trong The Things They Carried [Những thứ họ mang], Tim O’Brien nói:


Chiến tranh là địa ngục, nhưng như vậy còn chưa là một nửa của sự thật, bởi vì chiến tranh còn là bí ẩn và kinh khiếp và phiêu lưu và can đảm và khám phá và thiêng liêng và xót thương và tuyệt vọng và mong mỏi và tình yêu. Chiến tranh là tục tĩu và chiến tranh là đùa vui. Chiến tranh là rùng rợn; chiến tranh là lao dịch. Chiến tranh khiến bạn là một con người; chiến tranh khiến bạn chết. Các sự thật là trái ngược nhau.

Tôi chỉ trải nghiệm một nửa chiến tranh vốn không có bất kỳ niềm vui nào. Có lẽ đó là lý do những câu chuyện chiến tranh rùng rợn lôi cuốn tôi, là những câu chuyện “gore galore” [đẫm máu], từ dùng của nhà phê bình nghệ thuật Lucy Lippard. Nhưng những chuyện chiến tranh hay như vậy thì lại có lẽ lại không thật sự chân thật.

Một trong những lần đầu tiên tôi bắt gặp một câu chuyện chiến tranh chân thật là khi đọc Close Quarters của Larry Heinemann vào năm mười một, mười hai tuổi. Tôi bị sốc. Gần cuối cuốn tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam này, người lính Mỹ trẻ đưa khẩu súng vào đầu một cô gái điếm Việt Nam tên Claymore Face. Anh ta cho cô một lựa chọn: – hoặc anh ta và bạn bè của anh ta, hoặc tan xác. Cuốn tiểu thuyết không đưa ra lời phán xét nào về vụ cưỡng hiếp ấy, để tôi trơ trọi với cảm giác không thoải mái lẽ ra phải có nếu tác giả bảo hành động đó là sai. Tôi không thể tha thứ cho Heinemann vì đã gây cho tôi nỗi sợ về một cảnh xấu xí như vậy cho đến khi tôi tự viết một cuốn tiểu thuyết vài chục năm sau. Đó là khi tôi nhận ra rằng có một số điều thật đáng kinh tởm mà nhà văn chỉ nên đơn giản là miêu tả chúng như chúng là. Sự xấu xí là, và hẳn là, không thể quên được.

Cũng vậy, sẽ không thành vấn đề nếu Heinemann đặt sự đồng cảm vào Claymore Face, bởi vì câu chuyện thuộc về người lính Mỹ. Tôi lờ mờ nhận ra một số điều sẽ khiến tôi phải mất vài năm để ráp nối với nhau: Thứ nhất: làm người khác trở thành nạn nhân thì tốt hơn chính mình là nạn nhân. Đó là lí do vì sao các câu chuyện chiến tranh Việt Nam của Mỹ, vốn nhấn mạnh vào những điều xấu người Mỹ đã làm, thường biến người Việt Nam trở thành những diễn viên quần chúng. Như bất kì ngôi sao điện ảnh nào cũng sẽ thừa nhận, thà làm một nhân vật phản anh hùng chiếm trung tâm sân khấu còn hơn làm diễn viên quần chúng đức hạnh ở hai bên cánh gà. Đó là lí do vì sao những câu chuyện chiến tranh Việt Nam ảm đạm vẫn là tốt đối với một nước Mỹ mà đôi khi điều khó nhất là phủ nhận hành vi đôi khi kinh tởm của nó. Người Mỹ hoan nghênh những câu chuyện và những người kế tục kiểu như phim Zero Dark Thirty, ngay cả khi nếu chúng miêu tả người Mỹ tra tấn người khác, độc giả của chúng biết rằng tra tấn thì tốt hơn nhiều bị tra tấn. Hay là, như con quỷ Satan của Milton quan sát thấy, thà cai trị nơi Địa ngục còn hơn là phục dịch trên Thiên đàng.

Điều thứ hai tôi rút ra từ Heinemann: cưỡng hiếp thì thật khó để giải thích trong một loại truyện chiến tranh nhất định, loại mà độc giả khen “hay”. Trong một câu chuyện chiến tranh hay, nếu chiến tranh khiến cho bạn trở thành đàn ông, thì việc cưỡng hiếp có khiến cho bạn trở thành phụ nữ? Nếu việc cưỡng hiếp không làm người ta trở thành phụ nữ (như nạn nhân nam giới của cưỡng hiếp), thì Close Quarters cho thấy rằng loại người trở thành đàn ông bằng hành vi cưỡng hiếp không phải là loại người bất kì ai cũng muốn ở gần. Đó là lí do tại sao người Mỹ chào đón người lính của họ về nhà mà không muốn nghĩ quá nhiều về những gì những người lính này đã làm ở đó. Giết người thì không phải là vấn đề. Không ai bận tâm rằng Clint Eastwood, trong phim của mình, tán dương một tay bắn tỉa người Mỹ đã giết một trăm sáu mươi người theo cái cách khá quen thuộc, nhìn khuôn mặt nạn nhân qua tầm ngắm. Nhưng hãm hiếp ư? Quay chỗ khác đi. Đó là phe khác, không phải chúng tôi.

Điều cuối cùng tôi nhận biết được từ Claymore Face là trong cô ấy, có và không có gương mặt của chính tôi. Cô là người Việt Nam và là một người da vàng mũi tẹt. Tôi cũng vậy, trong mắt một vài người Mỹ. Một loạt nhà biên kịch và đạo diễn Hollywood đã giết nhiều người Việt Nam trên màn ảnh cũng nhiều như số người chết trong chiến tranh. Nhưng tôi cũng là một người Mỹ. Những người như tôi, người Việt Nam chạy thoát đến Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc, là nhân chứng sống cho sự thành công của một trong những ham muốn vĩ đại nhất của nước Mỹ, là thu phục trái tim và tâm trí của tha nhân. Khả năng ấy của nước Mỹ là thông điệp trung tâm của bộ phim tuyên truyền đặt bối cảnh tại Việt Nam, The Green Berets của John Wayne. Sự ngoan cố trong ham muốn này vô tình thể hiện ở cảnh phim cuối đầy tai tiếng. Wayne, một lính Mỹ, đi về phía hoàng hôn với một đứa trẻ mồ côi người Việt đang nương tựa vào lòng nhân từ phụ tử của anh ta. Mặt trời lặn xuống Biển Nam Trung Hoa, nhưng biển nằm ở phía Đông Việt Nam. Người Mỹ đôi khi không thể nhìn nhận đúng đắn lí do tại sao nhiều người nghĩ rằng Iraq đối xử với những kẻ xâm lược họ như những người đi giải phóng, mặc dù bản thân người Mỹ không bao giờ làm bất cứ điều gì như vậy.

Tôi nghe một kiểu truyện chiến tranh khác khi tôi lớn lên trong những người tị nạn Việt Nam. Đó là câu chuyện về một người đàn ông giữ cửa hàng trong một thị trấn nhỏ ở Việt Nam với một quả lựu đạn. Hay là chuyện về một bà mẹ chạy trốn khỏi thị trấn nhỏ khi cộng sản đến, mang theo những đứa con trai nhưng bỏ lại đằng sau đứa con gái nuôi đang tuổi thiếu niên để trông coi cửa hàng, tin là mình sẽ sớm trở về. Người mẹ và đứa con gái không còn thấy nhau nữa trong hai mươi năm. Hay còn là chuyện về khoảng thời gian mà người mẹ ấy và chồng bà mở một cửa hàng khác ở San Jose, California và bị bắn vào đêm Giáng Sinh trong một vụ cướp có vũ trang? Hay là về chuyện họ đã khóc như thế nào khi nhận được thư báo ba mẹ mình đã qua đời trên quê hương nay đã mất? Hay về chuyện họ làm việc mười hai giờ mỗi ngày trong năm trừ Giáng Sinh, Phục Sinh và Tết ra sao?

Đó là cha mẹ tôi. Câu chuyện của họ là điển hình của người tị nạn, mặc dù khi tôi kể về họ với những người Mỹ khác, một sự im lặng không thoải mái thường xảy ra, vì những điều này không xảy ra với hầu hết người Mỹ. Nhưng không phải những câu chuyện này cũng là chuyện chiến tranh sao? Với nhiều người, và theo định nghĩa của O’Brien, thì không. Không có gì vui trong chuyện mất nhà, mất việc, gia đình, sức khỏe, tinh thần, hay đất nước, một số hoặc tất cả những điều này đã xảy ra đối với nhiều người Việt Nam mà tôi biết. Bạn không được nhận huy chương cho những điều này, ít nhiều cũng là một cuộc diễu hành hay tưởng niệm muộn, và khó lòng được dựng thành phim. Những gì bạn nhận được là những câu chuyện chiến tranh kể về những người lính đã đến đất nước bạn và cứu thoát bạn khỏi chủ nghĩa cộng sản, cũng giống như những câu chuyện chúng ta nhận được về những người lính đã đến Iraq và Afghanistan. Tiểu thuyết của Heinemann là một phần của toàn bộ làn sóng những câu chuyện về chiến tranh Việt Nam lại lần nữa chiến đấu trên trang giấy và màn ảnh. Những câu chuyện này là cách mà hầu hết khán giả toàn cầu biết về cuộc chiến này, cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử mà kẻ bại trận đã viết nên lịch sử cho thế giới. Trong khi đó người Việt Nam cũng viết lịch sử, nhưng những câu chuyện của họ ít có cơ hội chống lại cú sốc và nỗi kinh sợ của nền công nghiệp phức hợp quân sự-điện ảnh Hoa Kỳ. Nhưng như tiểu thuyết gia Gina Apostol đã nói về phức cảm này: “Chẳng phải nó cho thấy không chỉ một trật tự kinh tế mà còn là một rối loạn tâm thần đó ư?”.

Hành trình đến Xứ Chưa biết, Denise Duong

Rối loạn này phát triển mạnh do sự kích động từ những câu chuyện chiến tranh hay, là những câu chuyện như O’Brien, bỏ qua ít nhất hai điều của cuộc chiến. Thứ nhất: chiến tranh sinh lợi. Ít người kể chuyện muốn bàn về điều này bởi vì chiến tranh giúp người ta thu một số tiền khổng lồ, thực tế ấy làm hỗn loạn hầu hết người Mỹ hoặc không gây xáo động chút nào, do sự rối loạn đã nói ở trên. Thứ hai, chiến tranh là một việc buồn tẻ. Cuốn sách American Sports, 1970: Or How We Spent the War in Vietnam (Thể thao Mỹ, 1970: Hay là cách chúng ta đã trải qua cuộc chiến tại Việt Nam) của nhiếp ảnh gia Tod Papageorge, cho thấy chiến tranh là tầm thường như thế nào đối với nhiều người Mỹ. Các bức ảnh chỉ đơn giản là chụp lại cảnh người Mỹ chơi hay xem các sự kiện thể thao. Duy có bức ảnh cuối chụp Đài tưởng niệm Chiến tranh tại Indianapolis ghi công về cuộc chiến với chú thích trên trang đối diện: “Năm 1970, 4221 lính Mỹ đã bị giết tại Việt Nam”. Ngay cả khi lính Mỹ chết ở nước ngoài, cuộc sống vẫn tiếp diễn tại nhà. Cũng như vậy với cuộc chiến của Mỹ tại Trung Đông, cũng na ná như một sự kiện thể thao với những người Mỹ không trực tiếp tham gia, là nói đa số vậy [which is to say the overwhelming majority]. Ảnh của Papageorge là những câu chuyện chiến tranh chân thật về cuộc sống bên trong cỗ máy chiến tranh của những thường dân, mà hầu hết họ, nếu không nói là tất cả, không chú tâm nhiều đến các cuộc chiến chiến đấu nhân danh họ. Điều đáng lo ngại nhất trong loạt ảnh này là ngụ ý rằng nếu chiến tranh là địa ngục, thì địa ngục trông như thế này đây, người Mỹ dường như đang thưởng thức trò giải trí vô tội.

Trở nên thích ứng với địa ngục là một phần trong sự rối loạn của chúng ta. Nhưng hãy lắng nghe cẩn thận. Bạn không thể nghe thấy tiếng rền ảm đạm của cỗ máy chiến tranh mà chúng ta đang sống trong đó, tiếng ồn trắng[1] của một cơ chế đồ sộ được bôi trơn bởi những điều sáo rỗng, kết hợp với nhau bởi những điều tầm thường và được kích hoạt bởi sự tán thành thụ động sao? Trong “The Brother Who Went to Vietnam” từ cuốn China Men, Maxine Hong Kingston viết:

Bất cứ khi nào chúng ta ăn một thanh kẹo, khi nào chúng ta uống nước ép nho, mua bánh mì (ITT làm ra bánh mì Wonder[2]), bọc thực phẩm bằng nhựa, gọi điện thoại, gửi tiền vào nhà băng, làm sạch lò, rửa bằng xà phòng, bật điện, trữ lạnh thức ăn, nấu nó, sử dụng máy tính, lái xe, đi máy bay, phun thuốc trừ sâu, chúng ta đã hỗ trợ các tập đoàn để chế tạo xe tăng và máy bay ném bom, napalm, chất độc hóa học và bom. Cho chiến dịch ném bom trải thảm.

Từ thảm đến ném bom trải thảm, chiến tranh được dệt thành tấm vải của xã hội, mà không ai là không tìm thấy chiến tranh ngay dưới chân mình, dù ở trong nhà. Đối với nhiều người, đây không phải là câu chuyện chiến tranh hay, mà là một câu chuyện tệ hại họ muốn tránh. Câu chuyện này nói rằng toàn bộ chiến tranh, trong cùng một ý nghĩa, là một cuộc chiến tranh tổng thể. Mở tủ lạnh là có một câu chuyện chiến tranh chân thật. Việc trả thuế của người ta cũng vậy. Đồng phạm [complicity] là câu chuyện chiến tranh chân thật nhất, đó là lí do tại sao một bộ phim đẫm máu như Apocalypse Now chỉ kể một nửa câu chuyện chân thật về chiến tranh. Đó là về trái tim của bóng tối ở nơi đó, trong khu rừng nơi một người da trắng phát hiện ra rằng anh ta cũng là một kẻ man rợ, trái tim đen tối đập trong lồng ngực anh ta. Nhưng nửa kia của câu chuyện chân thật về chiến tranh sẽ cho thấy rằng trái tim đen tối cũng là nơi chúng ta trú ngụ, ở đây, tất cả xung quanh ta. Người Mỹ không muốn đối mặt trực tiếp với điều khủng khiếp bên trong này, đó là lí do tại sao họ thay nó bằng những truyện về xác sống và kẻ giết người hàng loạt và những thứ tương tự. Bạo lực hư cấu và sự kinh dị quái dị thì dễ tiêu hóa hơn là việc hiểu làm thế nào mà mở tủ lạnh hay xem bóng đá lại kết nối ta đến chiến tranh, không li kì chút nào. Câu chuyện chiến tranh chân thật không chỉ cho thấy chiến tranh là địa ngục, một khẳng định không bao giờ ngăn cản chúng ta dấn vào cuộc chiến mà luôn khiến ta chạy đến rạp chiếu phim hay chọn một quyển sách. Câu chuyện chiến tranh chân thật cũng cho thấy chiến tranh là bình thường, đó là lí do tại sao chúng ta luôn đi vào cuộc chiến. Chiến tranh là tẻ ngắt, một câu chuyện tồi mà hầu hết mọi người đều muốn nghe. Chiến tranh liên quan đến tất cả chúng ta, và nó làm ta bối rối hơn bất kì câu chuyện kinh dị nào ở đây hay câu chuyện ác liệt nào ở kia.

Sự thật là câu chuyện về gia đình tị nạn của tôi trở thành bằng chứng sống của Giấc mơ Mỹ cũng là một câu chuyện chiến tranh chân thật, cha mẹ tôi giàu có, anh tôi là bác sĩ ở một ủy ban Nhà Trắng, và tôi là một giáo sư và tiểu thuyết gia. Đối với nhiều người Mỹ, chúng tôi là bằng chứng cho thấy chiến tranh là đáng giá vì nó cho chúng tôi cơ hội trở thành người Mỹ tốt hơn nhiều người Mỹ khác. Nhưng nếu chúng tôi là minh chứng cho câu chuyện nhập cư, thì chúng tôi ở đây vì Hoa Kỳ đã chiến đấu một cuộc chiến giết chết hàng triệu người Việt Nam (không kể đến ba triệu người khác đã chết ở nước láng giềng Lào và Campuchia trong và ngay sau chiến tranh). Người Philippines ở đây vì chiến tranh Hoa Kỳ đã giết chết một triệu người Philippines năm 1898. Người Triều Tiên ở đây vì chiến tranh Triều Tiên đã giết chết ba triệu người. Chúng ta có thể tranh luận về trách nhiệm, nhưng danh sách vẫn tiếp tục, như Junot Díaz cũng hiểu vậy. Trong The Brief Wondrous Life of Oscar Wao, anh kể với chúng ta:

Ngay khi Mỹ đẩy mạnh sự can thiệp vào Việt Nam, LBJ[3] lao vào cuộc xâm lược bất hợp pháp nước Cộng hòa Dominica (28 tháng Tư, 1965) (Santo Domingo[4] là Iraq trước khi Iraq thành Iraq). Đó là một thành công lớn về quân sự đối với Hoa Kỳ, và trong các đơn vị và các nhóm tình báo tham gia vào việc “dân chủ hóa” Santo Domingo, nhiều người đã ngay lập tức được lên tàu chuyển đến Sài Gòn.

Nhiều người Mỹ đã quên hay chưa từng biết câu chuyện chiến tranh thật sự này. Nếu người Mỹ có nghĩ đến sự xuất hiện của người Dominica ở Mỹ, thì có lẽ họ nghĩ đó là một câu chuyện nhập cư.

Nhưng nếu chúng ta hiểu chuyện nhập cư chính là chuyện chiến tranh? Và nếu chúng ta hiểu rằng những câu chuyện chiến tranh còn làm xáo động nhiều hơn ngay cả khi chúng không đề cập về người lính, khi chúng cho thấy chiến tranh bình thường như thế nào, và cách mà chiến tranh chạm đến và biến đổi mọi thứ và mọi người, bao gồm, hầu như tất cả, thường dân? Những chuyện chiến tranh li kì có thể là thật, nhưng chúng chỉ làm cho chiến tranh lôi cuốn hơn, cái gì đó xảy ra ở đâu đó khác, ở đằng kia. Một loại  truyện chiến tranh chân thật khác nhắc nhở ta về điều gì đó khó chịu hơn nhiều: rằng chiến tranh bắt đầu, và kết thúc, ở đây, với sự hỗ trợ của người dân cho cỗ máy chiến tranh, với sự xuất hiện của những người tị nạn sợ hãi, chạy trốn khỏi cuộc chiến mà chúng ta đã xúi giục. Kể loại chuyện này, hay học cách đọc, xem và nghe những chuyện nhàm chán như chuyện chiến tranh, là một cách quan trọng để điều trị rối loạn phức cảm quân sự-công nghiệp của chúng ta, thay vì bị rối trí với ý tưởng rằng chiến tranh là địa ngục, là cái mà loại phức cảm này đã dựa vào để phát triển.

[1] Tiếng ồn trắng (white noise) là dạng âm thanh được tạo ra bằng cách kết hợp nhiều loại âm thanh với tần số khác biệt lại với nhau, dùng để che đậy những tiếng ồn không mong muốn. (ND)

[2] ITT là một tổ hợp công ty khổng lồ của Hoa Kỳ, thành lập năm 1920, sản xuất nhiều thứ, trong đó có bánh mỳ. ITT từng làm ăn với chế độ Hitler, thậm chí có cổ phần trong các công ty sản xuất máy bay, radar của Đức Quốc xã. ITT còn dính líu vào các vụ đảo chính năm 1964, lật đổ Tổng thống Brasil João Goulart, năm 1973 lật đổ tổng thống Chile Salvador Allende. (ND)

[3] Viết tắt của Lyndon Baines Johnson, Tổng thống Hoa Kỳ từ năm 1963 đến năm 1969. (ND)

[4] Thủ đô của Cộng hòa Dominica. (ND)

Nguồn: http://breadandrose.com/blog/ve-nhung-cau-chuyen-chien-tranh-chan-that/