Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Văn học miền Nam 54-75 (448): Túy Hồng (18)

Tôi nhìn tôi trên vách (kỳ 15 – hết)

– Năm ngoái vừa mới bị người ta đánh, năm nay lại đi đánh người ta. Mẹ phàn nàn.

– Cái con Khanh e rồi phải xích tay xích chân lại. Đàn bà giao thiệp với nhau mà cũng đổ máu.

– Chắc có ngày nó cầm dao đâm người ta, chắc có ngày nó ở tù. – Mẹ tiếp.

Tôi đi vào phòng nhìn tấm gương lớn ở tủ áo quần. Hai miếng băng keo dán trên trán, mấy vệt thuốc đỏ chạy trên mũi trên chân mày, má cũng dán băng keo, cánh tay mặt sái khớp xương, quấn vải qua cổ trao bất động. Chắc tôi sốt thêm một độ rưỡi, mũi thuốc trừ phong đòn gánh xáo động cơ thể trên tay chân tê tê nhức mỏi, trên gân cốt rã rời. Tôi thèm khát vô số ly nước chanh tươi thật lạnh, một ly nước chanh tươi thật lớn uống một hơi quên thở.

Có tiếng giày đế cứng, cánh cửa sịch mở, người bước vào là Nghiễm. Không có một đống trấu lớn nào để cho tôi vùi mặt, không có một đụn rơm nào để cho tôi giấu người. Tôi mắc cỡ, tôi xấu hổ, tôi sượng sùng như người võ sinh Đại Hàn biểu diễn đấm gạch thẻ không bể. Toàn thân Nghiễm là một cơn giận hồng, đôi má chàng như nhuộm nhẹ một lượt phẩm điều, cặp mắt chàng long tròn, hai môi chàng bặm nhau cau có, Nghiễm đứng trước mặt tôi, Nghiễm đi tới đụng cái tủ, Nghiễm đi lui đụng cái giường rồi Nghiễm ngồi xuống hai tay chống đùi nhìn mặt tôi hỏi gặng:

– Em còn vết thương nào chưa bôi thuốc không?

– Không có vết thương nào ở chỗ kín hết, toàn ở tay chân mặt cổ. Tôi cười nhỏ.

Nghiễm nhìn tôi. Tôi cảm thấy ánh sáng của cái nhìn, tôi sờ mó được góc cạnh của cái nhìn, tôi đo được kích thước và tôi cân được sức nặng của cái nhìn. Nghiễm lặng im, lấy thuốc lá ra đưa lên môi, bật hộp quẹt. Những vết thương của tôi đang mấp máy dưới băng keo, mấp máy hết sức nhẹ nhưng cũng đủ làm tôi tê tê ớn ớn. Những vết thương vươn mình, những vết thương hô hấp, những vết thương sống đời sống của chúng. Tôi cảm thấy lạnh, đứng dậy kiếm manh áo ấm quàng qua vai không thọc tay vào.

Lời của Nghiễm:

– Trông em cao bồi du đãng thật!

– Trông mặt mà đoán hay là dọ tình dọ tính bấy lâu nay? Tôi hỏi.

Nghiễm đạp chân xuống nền nhà:

– Tình thế đã nghiêm trọng thế này rồi, cô nên nghiêm trang lại.

Tôi nhướng mắt:

– Nghĩa là không cười phải không anh?

– Điên cha cái đầu rồi đừng giỡn nữa… Cô phải nói cho tôi biết, mấy tháng trước cũng xảy ra như thế này, mấy tháng trước cô khai là cô bị đụng xe. Còn lần này, cô đi đánh bậy. Thế thì, lần trước là đụng xe hay là do đi đánh bậy?

– Lần trước, em bị cao bồi đánh, lần này em đánh cao bồi.

– Lần trước, cô làm gì để bị người ta đánh? Lần này người ta làm gì mà cô đánh?

Thôi tôi bây giờ đang ở phút nói thật, thôi tôi bây giờ đang đứng cuối một bức tường.

– Anh Nghiễm ơi, trên cuộc sống của em thưa thớt một vài mối tình, rải rác ở Huế và rải rác ở Saigon có một vài người đàn ông nào đó ưa em, yêu em. Có hai người đàn ông yêu em đã mang bệnh dại, một thứ bệnh dại của loài người, chứ không phải bệnh dại của loài thỏ, loài chó, nên em đã bị họ đánh một cách ngắc ngoải, một cách đau đớn. Anh Nghiễm ơi, em đã đập lộn với một người đàn bà rất giàu có. Mười ngón tay của em không đeo một món đồ trang sức nào nên con mẹ nghĩ rằng cả mười ngón tay em đều tham lam thèm khát một chiếc nhẫn hột xoàn và mười ngón tay em ăn cắp. Em đã làm cho cuộc đập lộn xảy ra, em giằng em cấu áo, em tát mặt, em bóp cổ và em chưa sát nhân được vì không có một con dao phay bên cạnh.

Nghiễm chồm lên:

– Ra là ngoài những giờ phút sống chung với tôi, cô còn biến thành một con người khác để đi vui chơi riêng.

Tôi tiếp lời:

– Vâng, ngoài những giờ phút sống chung với tôi anh mọc ra ba đầu sáu tay để ôm ấp một thân hình khác.

Nghiễm đưa bàn tay ra xoa cằm nắn nót vạt râu đã cạo nhẵn. Tôi mệt mỏi ngả người xuống nệm nhắm mắt nghĩ đến một phép yoga. Qua ba hồi bảy hiệp lặng im, Nghiễm nói:

– Em có mệt lắm không? Mấy vết thương có hành hạ em nhiều không?

Tôi mở choàng đôi mi nhỏ nín lặng nhìn Nghiễm hết sức êm đềm. Đôi mắt tôi đong đầy nước cũng như cuộc tình duyên tôi đong đầy nước. Nước từ hai vũng mắt chảy ẩm ướt đời làm vợ, chảy trên hạnh phúc và chảy trên phản bội. Tôi thoáng nghe từ nhà bên cạnh một tiếng hát buồn có một giọt nước mắt rơi vào trên môi, trên lưỡi và trên mũi…

Nghiễm đưa tay gãi mạnh đầu một cái vò hư chỗ tóc chải bồng:

– Gia đình sắp tan nát đến nơi rồi, em đã nghĩ lại chưa Khanh?

Tôi tỉ tê:

– Anh gieo tai nạn cho em!

Bỗng dưng tôi đắm đuối nghĩ đến một vụ tự tử, tôi đắm đuối nghĩ đến những vụ tự tử, những vụ tự tử hụt không đạt được kết quả. Con Loan, con Thủy bạn tôi, những cô bạn và ông bạn của Nghiễm, những cô bạn của Thảo và Trâm, những kẻ bị đời đồn đã qua một lần tự tử. Cắt gân máu ở tay, nuốt vài chục viên Optalidon, uống ừng ực cả chai thuốc ngủ khổ lớn, chất hoa huệ đầy phòng. Những vụ tự tử có kê rõ nguyên nhân: lấy chồng có mang ba tháng rồi chồng đánh, vợ chồng không hạp tính hạp tạng, chồng đã có vợ rồi, chồng lừa dối, người yêu không chịu cưới… Những nguyên nhân có khổ lớn của những vụ tự tử làm nên tai hại suốt đời: suốt đời, mặc dầu người tự tử là tự tử cho mình, vì mình. Sống thì sống cho mình, chết thì cũng là chết cho mình, và, sau vụ tự tử hụt, kẻ chán đời bỗng trở nên lì, cố gắng che giấu bưng bít mọi mặt. Sau vụ tự tử, có lẽ cuộc đời héo sẽ tươi lại… sau vụ tự tử, có lẽ cuộc đời héo sẽ héo thêm.

Tôi vùi mặt vào mền, nghĩ thầm: Nếu mình tự tử thử một lần, mình có thể giải quyết được vài chuyện đối với Nghiễm, ít nhất là giải quyết được với Nghiễm. Sau đó ra sao thì ra, và sau đó không ra sao cũng được. Nước mắt tôi chảy ra nhanh như chớp.

Tôi mở mắt ra nhìn Nghiễm như nhìn một người đàn ông hết sức xa lạ, nói với Nghiễm như nói với một người đàn ông hết sức xa lạ:

– Anh đến thăm em như vậy đủ lắm rồi, em mãn nguyện lắm rồi. Bây giờ anh hãy về cho em ngủ.

Tôi chong mắt chờ Nghiễm một vẻ mặt, chờ Nghiễm một tiếng nói.

– Em ăn nói ngu si và bé bỏng không thể chịu được.

Tôi bưng mặt, tôi đạp chân trong mền:

– Anh về tổ ấm của anh đi, tôi sẽ tha hai đứa con đi làm ăn riêng… Anh ngồi đó, anh một mình, nhưng tôi hiện đang chứng kiến lại anh đang ôm Bích Vân, anh diễn lại hình ảnh vụ phản bội trước mắt tôi. Tôi đứng bên lề hạnh phúc của tôi để nhìn anh tách ra khỏi tôi, anh ôm báu vật… Tôi sắp lên cơn sốt đây, anh Nghiễm! Tại sao tôi không nghĩ đến một lần tự tử như con Loan, con Thủy. Chuyện tự tử người ta làm được sao tôi không làm được nhỉ?

Ông y tá chích dạo theo toa bác sĩ, Trâm đã mời đến tiêm trên mông tôi hai ống thuốc dồn một. Ngoài nhà có tiếng ồn ào không rõ rệt của nhiều người nói. Nghiễm bước ra, lát sau Nghiễm và mẹ cùng đi vào. Mẹ ngồi xuống bên giường:

– Ngồi đậy đi bác sĩ coi thử… Mi mệt lắm đó!

– Để con mang Khanh đi… Anh đem em đi bác sĩ nha? Lẩm cẩm ơi là lẩm cẩm! – Nghiễm lo âu.

Tôi có cảm tưởng mấy bà bác sĩ khi khám được ai có thai là mừng lắm, khi nói được vào mặt khách bệnh “bà có thai” là hả dạ lắm. Bà có thai, bà có thai, bà có thai. Mỗi năm nghe một lần câu nói đó thật buồn đến phát khùng lên, mỗi năm nghe một lần câu nói đó mới cảm thấy đời chỉ có đi tu mới có ý nghĩa, sám hối mới có ý nghĩa, tụng kinh mới có ý nghĩa. Tôi lấy chồng ba năm, con trước chưa thôi nôi, con sau đã đầy tháng… Rồi tôi sẽ lấy chồng bốn năm, sáu năm, tám năm, mười năm… cái xương sống của tôi ớn lắm rồi. Lạnh ở gáy và lạnh ở mông!

– Cái bà Khanh cũng có ăn, có học, mà sao lại nhà quê vậy không biết. Trâm nói.

Bích Khuê tỏ vẻ lo lắng:

– Tau cũng quên chỉ cho mi cái ông bác sĩ kín này, mỗi tháng chích hai ống là “líp”…, tha hồ “líp”.

Thảo chen vô:

– Thôi, lần ni kiếm một thằng cu.

Đêm thứ sáu, cả Saigon xem cải lương ti-vi, dòng điện câu chạy vào mỗi nhà trong xóm trông càng mệt mỏi tiêu điều. Tôi cũng mệt mỏi tiêu điều như dòng điện câu. Mấy lời ca của Phạm Duy từ đâu vẳng vọng “Đường em em cứ đi, đường quanh lối co, nhịp chân trói vo…”. Tôi đi đường nào đây? Bây giờ tôi mới biết là tôi không có một con đường nào mà đi cả. Tôi hết đường ròi, tiến cũng không được mà lui cũng không xong.

Cuộc đời là bàn cờ, lối ngang lối dọc, đường chéo, đoạn thẳng, ngả cong cười chít nên tôi mới bước tới một bước thì đã lui hai bước, chưa sang trái đã quay về phải. Kìa kìa, Bích Khuê đang dẫn tôi đi trở nên một đoạn thẳng bên dưới mấy vòng hoa giấy trưởng giả dọn bày những bàn tiệc sang trọng có ngỗng quay từ Hồng Kông mang sang còn nóng, có bồ câu ra ràng nhồi yến huyết hảo hạng, có gà mái non ninh với sâm bảo lường, có bào ngư, tôm hùm, nấm đông cô, măng tây ăn sống… Nhưng bên cạnh người ta nhai nhồm nhoàm người ta uống ọc ọc, tôi vẫn chống đũa ngồi lì lạnh tanh từ dạ dày đến miệng. Kìa kìa, Bích Khuê đang dẫn tôi đi qua lộ lớn nhìn những kẻ đứng hai bên lề mặt mày trơ tráo tay chân chai cứng cầm nhiều quân bài xòe hình cánh quạt rồi bỏ xuống chiếu xoa xoa xóc xóc rồi lấy tiền mình ra quãng cho người khác rồi hốt tiền người khác về túi áo mình. Kìa kìa, Bích Khuê đang dẫn tôi rong chơi phòng trà, dạ hội tửu điếm phạn điếm, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Ban Mê Thuột. Kìa kìa, trước mắt tôi là một xã hội thượng lưu thơm phức, một xã hội thượng lưu sáng choang hột xoàn, một xã hội được ướp bằng tiền và cân nặng bằng vàng diệp óng chuốt trong đó người giàu ôm khư khư những quyền uy vô biên ngoác miệng la hoảng con này ăn cắp cà rá kim cương của tao, thằng kia sang đoạt ái tình bất hợp pháp.

Không, không, những con đường đó không phải dành cho tôi đi; không, không, những địa vị đó không phải dành cho tôi đứng. Tôi xấu lắm rồi, tôi trơ trẽn lắm rồi, số mạng tôi không được định ở đó, dời tôi không được đưa tới đó. Tôi ăn chơi không nổi, phá phách không nổi, truy hoan không nổi, quên đời không nổi và tôi quên tôi không nổi. Tôi nhớ địa vị của tôi quá, tôi quay về, tôi nhớ tôi quá, tôi quay về. Kìa, kìa, bàn cờ bày ra một con đường cùng có gió âm hàn heo hút lạnh, có nước mắt nhiều hơn nước mưa các ống cống tháo rút không kịp, có những đứa con cô đơn ôm cây thông mà gọi là cha, ôm cây tùng mà gọi là mẹ, những đứa con ngồi bên cửa sổ dợi ông cha không bao giờ tan sở, đợi bà mẹ không bao giờ về chợ. Ly dị, ly dị là một con đường của bàn cờ, tôi có ly dị được không? Hai đứa con ra đời đó, một đứa ngủ với mẹ, một đứa phải nằm trong nôi; hai đứa con ra đời đó, một đứa đang tập nói, gọi kẹo là “chẹo”, gọi gà là “chà”, gọi uống nước là “ú”, một đứa đang làm nghề phun nước mưa ướt nhẹt cổ áo và thèm khát được bồng bế trên tay cả ngày cả đêm. Hai đứa con đã ra đời, và một đứa còn mấp máy trong bào thai thốn đạp từng lúc làm êm mát cả miền da bụng.

Ba đứa con rồi, ba người gọi mình là mẹ, ba người gọi Nghiễm là cha, ba người đó đòi phải đủ cho họ cả cha lẫn mẹ. Ly dị được không, để bỏ được không? Bây giờ, giấy phép ly dị không phải do mình cấp cho mình, bây giờ giấy phép ly dị là ở tại ba người đó, tùy thuộc ba người đó. Mình đi đường nào đây? Bài hát sai rồi. “Đường em cứ đi, đường quanh lối co, nhịp chân trói vo, đường em cứ đi…”. Bài hát sai rồi, đường đâu mà đi, mình không có đường để đi, bài hát sai quá! Làm sao đây? Tự tử không phải là một con đường, tự tử một lần cũng vậy, tự tử hai lần cũng vậy.

Làm sao đây, làm sao đây? Tôi mệt mỏi tiêu điều, tôi yếu đuối nhão nhừ như nồi canh cà bung với bì với đậu, tôi bây giờ ôm một quả trứng gà trên vai cũng không nổi, xé một tờ giấy cũng không rách. Lưỡi tôi tê dại cứng đờ, tôi hát không được, tôi chỉ hình dung ra lời: “Đường em cứ đi. Hằng đêm bước qua. Nở những đóa hoa thơ, ôi dị kỳ! Đường em có khi. Chờ em bước qua. Là nghiêng giấc mơ ước thề… Ngàn sao sáng xa. Nhìn em thướt tha. Rụng rơi vướng mây tóc ngà…”. Con đường tươi quá, con đường dịu quá, lành quá, nhưng con đường đó dành cho ai chứ đâu phải để cho tôi đặt bước. Trời ơi! Đường của người khác sao mà đẹp… Thôi, tôi hãy rẽ sang lối này, thôi, chân tôi hãy giẫm lên ghềnh đá, trèo qua con dốc, bước hụt xuống ổ gà… Đó, con đường của tôi, con đường chờ tôi với những bóng ma tình ái, với những nụ hôn đen sẫm, với nguồn hạnh phúc khê khét, với cặn bã thương yêu, với bụi bặm tiếc nhớ. Nghiễm ơi, lấy anh, em đi trên con đường đó, em hổn hển trên con đường đó, em chạy rông trên con đường đó, gai góc bắt em giẫm, dây kẽm níu kéo cuống tóc dài, biểu ngữ kể tội phản bội của đàn ông giăng đầy qua mấy cành cây xương xẩu và đàn bà đau khổ ôm chầm lấy nhau khóc than chi siết. Em đã đem một thân phận rực rỡ đầu thú dưới bàn tay tạo phản, em đã đưa ra một căn phần xinh tươi để đổi lấy một giải thưởng bèo bọt. Nghiễm ơi, lấy anh, em trúng tuyển làm một kẻ tình bại; lấy anh, tình yêu hóa thành cuộc thi! Lấy anh, tình yêu biến thành cuộc phá giá!

Tiếng khóc của Mimi dựng tôi ngồi dậy, đến bên nôi con vén màn thay quần áo cho con đái. Tôi cúi xuống hôn vào cổ con ngửi thấy mùi chua chua của mồ hôi. Mồ hôi của con tôi chua, vì con tôi bú sữa chua Pélargon.

Tôi cúi xuống nựng Mimi:

– Mi chua. Mi chua như mận Đà Lạt. Mi chua ngoan quá!

Mẹ chợt đi vào gắt nhỏ:

– Răng không kêu người ta vô thay tã cho… Cứ ngồi dậy động đến cái thai. Trước khi bước ra, mẹ còn nhắc: Pha ly sữa uống nghe!

Tôi hỏi với:

– Không chồng với mất chồng cái nào buồn hơn?

– Con thì đẻ mắn như máy, lò dò năm một mà chồng thì mở miệng ra là nói liều, vợ mở miệng ra là nói ẩu. Mẹ bĩu môi.

– Anh Nghiễm với con không hợp tính, hợp tình, hợp tuổi, hợp tạng…

Mẹ cười nửa nụ đi ra.

Tôi rót một cốc đầy nước lọc, dừng lại, lắng nghe. Hình như mùa mưa đang đến nhưng tôi chưa nghe rõ những hạt nước rơi trên mái ngói. Tôi mở hộp thuốc ngủ in hình đôi mắt nhắm, dừng lại, lắng nghe. Rất nhiều bâng khuâng trong hồn. Hình như ngoài kia có hai phát súng lẻ nổ lách tách. Chắc là trò đùa của mấy anh nhân dân tự vệ. Người ta gọi trò đùa đó là truyện-dài-nhân-dân-tự-vệ. Nhân-dân-tự-vệ giỡn hoài, đùa hoài. Tôi đổ mấy viên thuốc ngủ vào lòng bàn tay, tay kia cầm ly nước lọc lên, dừng lại, lắng nghe. Hình như có dội bom ở xa vì mấy cánh cửa kính rùng mình. Quả bom là một niềm kiêu hãnh. Tôi đổ những viên thuốc ngủ vào lại trong hộp in hình con mắt nhắm, chừa lại hai viên trên lòng bàn tay. Tôi hớp một hớp nước lọc dọn đường, uống thêm một hớp nữa, ngửa cổ lên cho hai hườn thuốc vào mồm nuốt nhanh. Ai cũng bảo thuốc ngủ có hại vì thuốc ngủ uống nhiều là một cuộc tự tử. Ôi thôi… mai sau rồi hãy có hại, uống thuốc ngủ là một điều sướng khoái vì ngủ được còn hơn không ngủ.

Tôi cảm nghe đói bụng rạo rực như có một bàn tay đùa nghịch cào dạ dày tôi. Có thai ăn phải nhiều để nuôi hai mạng. Trong tủ lạnh còn đích đáng hai miếng fromage con bò cười và một quả chuối không lùn. Chuối không lùn tức là chuối dài, chuối già, chuối tiêu. Bé Hiền đang ngủ chợt khóc thét lên. Tôi ôm con dỗ dành, thôi thôi mẹ đây con ngoan, con ngoan, con khóc oang thế này chắc là vừa nằm mơ thấy cái gì dữ lắm. Thôi thôi… nín đi mà, lớn rồi, lớn rồi… Cha mày bốn chục tuổi rồi, cha mày lớn quá rồi, vì vậy mày cũng lớn rồi… Thôi thôi nín đi… cha mày bốn chục tuổi rồi.

Hai viên thuốc ngủ uống vào, cặp mắt vẫn mở trao tráo, tăng cường một viên nữa, tăng cường một viên nữa. Đêm dày quá không cho tôi nhìn thấy mộng, đêm nhắm mắt tôi cho đến mười giờ sáng thì tôi thức dậy thấy Nghiễm đang thay tã cho con.

Nghiễm mở tủ lạnh lấy ly nước cam tươi vắt sẵn đưa tận tay tôi ân cần hỏi:

– Ngủ được không? Khoẻ không?

Tôi nheo mắt che miệng ngáp:

– Em uống thuốc ngủ nhiều quá nên kể như ngủ được.

Nghiễm ngồi xuống đầu giường:

– Em đã suy nghĩ kỹ chưa?

Tôi thở mạnh ở mũi:

– Tôi đã suy nghĩ hết đường rồi, tôi không làm gì được cả.

– Em chỉ làm vợ anh là được thôi chứ ngoài ra em không làm được thứ gì cả.

Tôi gật đầu:

– Có thể vậy… em không làm được gì cả nên em mới làm vợ anh. Anh chê em cũng vì đó, anh sa thải em cũng vì đó.

Nghiễm cười hề hề. Tôi ứa nước mắt. Tình yêu đã qua đi như một tia chớp rồi, vợ chồng hình như chỉ yêu nhau một thời rồi bình tĩnh, rồi lắng xuống, rồi già. Hạnh phúc hình như chỉ ngọt trong một thời kỳ, rồi hạnh phúc nhạt đi, rồi hạnh phúc trong vữa ra, rồi hạnh phúc chua như mồ hôi.

Nghiễm đi ra ngoài một lát rồi trở vào nói:

– Anh đã kiếm ra nhà… chạy long chân mới kiếm ra nhà… Thế chân ba trăm, tiền mỗi tháng năm nghìn.

Tôi định buột miệng chê đắt nhưng ngậm môi lại kịp:

– Nhà ở đâu?

– Ở Tân Định, hẻm hơi nhỏ nhưng sạch lắm!

– Nhà có rộng không?

– Ở sướng lắm. Mười lăm tây này dọn lại. Anh dọn về đấy hết rồi, trả cái phòng ở đường Hai Bà Trưng lại rồi.

Nghiễm và đồ đoàn đã về đấy, căn phòng nhỏ như cái lon sữa bức bối bốn bề mà đến hai vợ chồng với hai đứa con ở với nhau. Tôi gật đầu:

– Lúc em còn con gái, đối với em, nhà cửa không quý. Sự thiếu thốn một chỗ ở tiện nghi em có thể dễ dàng chịu được. Bây giờ…

Tôi ngừng lại, Nghiễm tần ngần đưa tay xoa cằm, tôi tiếp:

– Nhu cầu vật chất cũng tạo nên được hạnh phúc, em nghĩ thế…

Nghiễm bảo tôi gắng ngủ, chàng đi mấy việc cần, chàng ra ngoài độ năm phút thì trời mưa. Những cơn mưa đầu mùa chiếm sự chú ý. Những cơn mưa bứt rứt có những giọt nước nũng nịu bàn tay, những cơn mưa tằn tiện không đủ ướt mặt đất. Tận cuối lòng gợn lên một cái gì như xao xuyến, như xót xa không hẳn, một cái gì như khắc khoải như cách trở không hẳn, nhưng tôi vẫn cảm thấy tỉnh táo hẳn ra sau bao ngày tháng rầu rĩ vì hanh nắng.

Tôi cũng như thảo mộc mát dưới trời mưa. Dưới cơn mưa, tôi và thảo mộc cùng trời đất như đồng tình; dưới cơn mưa tôi và Nghiễm thuận hòa; dưới cơn mưa tôi và Nghiễm sum họp, nhưng dưới cơn mưa, chúng tôi không hạnh phúc. Vì tình yêu đã qua đi như một tia chớp rồi, hạnh phúc chỉ có một phen thôi, bây giờ chỉ còn trơ lại hai cái mặt vợ chồng. Nhiều khi ngán nhau không thể tưởng tượng. Nhiều khi cảm thấy cái mặt này cũng cần cái mặt kia. Nhiều khi cần tiền một cách tàn nhẫn. Nhiều khi tỏ ra bần tiện.

Nghiễm nhảy vào nhà, hai vai áo ẩm ướt, chàng ngồi thật sát tôi, nói mau và nhỏ:

– Tiền vốn mình sang nhà lên tới hai trăm nghìn rồi. Bây giờ chỉ còn một trăm nghìn nữa thôi. Bây giờ mượn bạn, mượn bè.

– Phải rồi, mình phải vay tiền bạn bè.

Tôi cười. Nghiễm gật:

– Vay loạn cả lên, gặp thằng nào vay thằng đó. Được thì tốt, mà không được cũng không xấu.

– Đừng vay cả vào một người… Cứ vay người này năm nghìn, người kia chục nghìn.

– Ừ, rồi lờ đi. Nghiễm gục gặt.

– Ẩu… họ chửi nhức xương! Dân “Cái bang” là hàm hồ lắm.

Nghiễm đưng lên đi thay bộ đồ ngủ màu xanh, chàng thọc hai tay vào hai túi chê đồ tồi quá, mấy thằng bạn cứ hỏi thăm chàng còn bộ đồ thứ hai nào như vậy nữa không. Tôi kêu lên, mệt quá! và tôi thốt nhớ ra cả đời tôi chưa bao giờ kêu lên: Khoẻ quá! Khoẻ quá!

Nghiễm quay đầu lại:

– Uống sữa chưa? Ăn gì chưa?

Tôi lắc đầu. Nghiễm nói:

– Có thai mà không chịu ăn, để con nó đói, nó xòe bàn tay ra cào ruột.

– Từ sáng đến giờ em chưa ăn gì cả, hai mẹ con cùng đói meo đói mốc, pha cho em ly sữa.

Tôi nốc một hơi cạn nửa ly sữa, nhìn lên bức tranh sơn nữa có đôi mắt buồn như núi Châp lòng lui lại một thuở con gái chỉ biết uống sữa để làm đẹp, uống cả một suối sữa vào người, sữa Con chim, sữa Núi tuyết, sữa Ông già, sữa Kim cương Foremost. Từng thùng sữa chất ngất thành một chiều cao buồn, hình như bao nhiêu người con gái độc thân như tôi đều uống sữa để tiêu buồn.

Nghiễm lau cái tủ lạnh, làm mấy việc vặt trong nhà rồi đi ra ngoài đọc sách, Nghiễm về đây rồi, mấy đứa em út hết lên lầu gỗ, nhà vắng hoe tiếng chí chóe nói chuyện, tiếng khúc khích cười giỡn.

Buổi tối, tôi đề nghị Nghiễm hãy kê ghế bố ngủ ở nhà ngoài vì trong phòng bây giờ hai đứa con thi nhau đái dầm khai um.

Nghiễm vào uống nước lạnh hai lần trước khi ngủ. Tôi nằm tỉnh táo ôm mền chứ không đắp.

Đêm như túi mực vỡ ra và nhuốm đen cả từng tư tưởng lẻ của tôi. Thôi, tôi bây giờ chỉ nên nghĩ đến căn nhà mình sắp dọn về ở Tân Định. Thôi, tôi bây giờ đừng háo thắng nữa! Mọi người đàn bà hãy nên chủ bại. Mọi người đàn bà nên nghĩ rằng mình là kẻ bại trận và hãy muôn đời ôm chầm lấy cái thế trận muôn đời thua sút của mình. Có lẽ rằng bao nhiêu người đàn bà đều đang bại trận như tôi, họ là những kẻ an phận và vui vẻ bại trận. Bại trận mà không biết mình bại trận có nghĩa là anh hùng mà không biết mình anh hùng. Xã hội này hầu hết đàn ông đều ngoại tình và hầu hết đàn bà đều anh hùng. Nghiễm bảo rằng chàng sẽ lấy cái gác lửng để làm việc, chàng sẽ làm cửa lưới để ngăn muỗi, tôi và các con ngủ ở phòng dưới, cái tủ lạnh kê ở phòng trong, cái ti-vi đặt ở phòng khách, chàng sẽ mua thêm cái tủ chè đựng tách bát cho đẹp và để cái ti-vi lên trên cho con bé Hiền khỏi nghịch vào những cái nút. Nghiễm bảo rằng về đó tôi sẽ đi chợ Tân Định. Chợ Tân Định thức ăn ngon lắm, mấy bà đi chợ trước hết là ngồi xuống điểm tâm đầy một bụng no nê rồi mới đứng dậy mua đồ về làm bếp cho chồng con ăn. Nghiễm bảo rằng về nhà mới chắc anh sẽ làm việc được nhiều vì mình ở xa bạn bè không đến. Tôi ngậm ngùi trả lời chàng:

– Em đang thấy em anh hùng đây! Vâng, về nhà mới, đầu tiên em sẽ mua bột giặt Mỹ về chùi nhà, trải chiếu cho con nằm chơi.

Tôi vươn vai ngồi dậy ăn hai quả chuối không lùn, hai miếng fromage và một cốc nước lạnh đầy ắp, để ý nhận nghe nhà bên cạnh đang xem ti-vi chương trình “Thép súng”. Mới hơn mười giờ đêm mà mọi người trên gác dưới nhà đã ngủ im ỉm.

– Em phải cố gắng ngủ thật nhiều, hồi này em tiều tụy quá. Nghiễm bảo.

Trong tôi xa lắc những khước từ mơ hồ và những chấp nhận mơ hồ khi Nghiễm vòng hai ngón tay lại đo cổ tay tôi. trong vòng tay gồm hai ngón đó có những buồn bã, có những bóng mát, có chất thương yêu và có mùi phản bội. Tôi nhớ lại lời của một ông bạn nói rằng đừng cho đàn bà quyền đứng trên một mô đất cao để nhìn xuống tội lỗi chúng ta. Hình như rằng mọi kẻ làm vợ đều đang sống với những người có tội. Hình như tôi đã mách với Nghiễm rồi là tôi sẽ trở nên một anh hùng, một anh hùng ngoan ngoãn, một anh hùng mù, một anh hùng điếc. Có anh hùng như vậy mới sống nổi với những kẻ có tội. Hình như mấy ngày hôm nay, Nghiễm bận suy nghĩ đến đoạn kết một truyện dài chàng đang đăng báo. Viết đoạn kết thật dễ, viết ngắn dài tùy thích.

Tôi nhìn lên con thằn lằn đầy thiện cảm. Đời sống cái và đực của mấy con thằn lằn có vẻ lạnh và đàng hoàng. Nghiễm tắt cây đèn ở phòng ngoài đi vào nói:

– Chiều nay em đã đi khám thai chưa?

– Nó bình thường quá anh ạ! Tôi cười.

Nghiễm nhìn sang chỗ hai đứa con ngủ:

– Trông hai chị ngủ phây phây.

Tôi gật đầu:

– Ngủ một cách sung sướng như vậy người Huế gọi là “phơi” đấy anh ạ!

Nghiễm tỏ một vẻ bằng lòng lai láng trong nụ cười:

– Cái chị trưởng nữ nhà mình hư quá!

Tôi ngước nhìn cây roi mây nhỏ xíu dài bằng hai gang tay treo ở cái đinh nơi cầu thang, cây roi mây của bà cô chồng mua cho trong chợ Tân Định để phết vào mông con bé Hiền, nó quá thể lắm rồi. Cây roi mây thật dễ thương cũng như cái mông bé Hiền thật dễ thương. Tôi thắt vào cây roi một cái nơ và cột lòng thòng dải ruy-băng đỏ.

Nghiễm lắc đầu:

– Con bé láo quá, lúc bị đánh biết lấy tay che đít.

Tôi ngước lên:

- Mình sắm roi mây có sớm quá không anh?

Nghiễm lại ngồi bên bé Hiền:

– Ông ngoại bé Hiền mà biết mình đánh bé Hiền chắc là giận lắm đấy nhé… giận lắm đấy nhé, nhất là biết lục bị đánh con bé lấy tay che đít lại…

Tôi nhìn tôi trên vách

tiểu thuyết của Túy Hồng

bìa Duy Thanh

do Đồng Nai xuất bản lần thứ hai. In xong ngày 18 tháng 10 năm 1972, tại Nhà in Quế Lâm, 31, Huỳnh Quang Tiên – Saigon.

Giấy phép xuất bản số 3278-BTT/PHNT, Sài Gòn ngày 21 tháng 9 năm 1972.

Xuất bản và phát hành: Đồng Nai, 270, Đề Thám, Sài Gòn, ĐT: 20942

Giá: 500đồng

Bản điện tử của Văn Việt