Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (99): DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH

Doãn Quốc Sĩ

Chương 9

Đêm trăng thuyền về bến cũ

Yến

Tình Yêu? Dù nay hay mai dù gần hay xa bao giờ và ở đâu anh vẫn yêu Yến như thuở nào mười sáu tuổi.

Có lẽ rồi ở đây anh sẽ làm quen với một người đàn bà nào, anh sẽ đi chơi với một người đàn bà nào, anh sẽ yêu một người đàn bà nào, nhưng chắc chắn là anh gần và yêu người đó qua Yến đấy.

Tại sao hình ảnh Yến tràn ngập trong anh đến thế?Anh cũng chẳng hiểu được nữa. Đành cho là tiền duyên nghiệp chướng chứ sao.

Yêu Yến.

Đó là lá thư duy nhất Thiệu gửi Yến khi chàng vừa chân ướt chân ráo tới Paris. Trong lá thư này chàng chẳng đề địa chỉ của mình.

Để làm gì - chàng nghĩ - vô ích! Nhận được thư Yến bây giờ cũng bằng thừa. Định mệnh đã như vậy, thuận theo dòng định mệnh, có khi lại là vươn lên khỏi định mệnh.

Thiệu đã được giới thiệu với ông giám đốc trường Mỹ Thuật.Chàng đã vào thăm trường ở đường Saint Pères, và trong khi chờ đợi ngày nhập học, chàng đã làm quen được vói một số sinh viên đương lục tục từ các nơi thực tập quay về. Tới đây Thiệu mới rõ, riêng về hai ngành hội họa và điêu khắc các sinh viên hầu như phải làm việc cả mười hai tháng. Ba tháng hè họ đi đây đi đó để hoặc dự các buổi diễn thuyết hoặc vào các viện bảo tàng hoặc đi tới các kinh thành có nhiều di tích lịch sử mà nghiên cứu nghệ thuật của người xưa.

Tại Quartier Latin, Thiệu cũng như các anh em khácthuê được một căn phòng trên từng thứ bảy. Chàng ăn ở tại Foyer des Beaux Arts, ngay trong trường. Cửa phòng ăn trông ra mấy hàng bán sách cũ bày theo dọc bờ sông Seine tới cầu Pont-neuf. Nhiều lần Thiệu theo bực cầu Pont-neuf xuống đảo Ile de la Cité, đi về khu vườn hoa nhỏ - Square du Vert Galant - đến ngồi trên bờ đá buông thõng chân nhìn thẳng xuống dòng sông.

Đây không có những hình ảnh quen thuộc như ở bến đò quê nhà, với quán tranh, khóm chuối bên đê, với con đò ngang tròng trành theo tay chèo của cô lái. Tuy nhiên cảnh sông nước quê người cũng không kém phần gợi cảm. Nằm dài đây đó là mấy anh ăn mày lãng tử. Trên những chiếc ghế đá, người chăm chú đọc sách, kẻ lơ đãng nhìn theo con tàu nhỏ chở du khách vừa lướt qua, những đợt sóng bị xô mạnh, đuổi nhau đập ùa vào bờ đá toé bọt trắng. Có cảnh người đàn ông cô độc miệng ngậm pipe, chân đi ủng cao, lội xuống buông câu. Có cảnh đầm ấm hơn: trên bờ chồng buông câu, vợ ngồi bên cạnh đan áo, dưới chân là con chó.

Mùa thu, những cây hạt dẻ gai cao vút trút lá vàng xuống đường ngổn ngang như một quãng đời nghệ sĩ tràn ngập kỷ niệm.

Có một buổi tối, Thiệu tới ngồi chỗ cũ chiếc tàu nhỏ lướt qua quét ánh sáng đèn pha lên đảo để các du khách trên tàu nhìn thấy những cặp nhân tình ngồi sát nép đầu lên vai nhau.

Ánh sáng đó giúp Thiệu thấy dòng sông Seine lặng lờ bên dưới... Rồi, vẫn cúi đầu, hình ảnh lặng lờ ấy như đẩy hồn Thiệu trôi về dĩ vãng ngoài ý muốn của chàng. Cũng may, kể từ ngày khai giảng trở đi, Thiệu phải làm việc miên man và chàng muốn làm việc miên man để hồn khỏi bị thâu hút về quá khứ như vậy. Ông giám đốc thoạt có cảm tình với chàng như đối với một người học trò tốt, rồi chẳng bao lâu ông quý mến chàng như con.

Chẳng tuần nào là Thiệu không nhận được thư chị Hoa và chẳng lần nào đọc thư chị Hoa xong mà chàng không khỏi mỉm cười, vì cuối thư nào chị cũng nhắc lại điệp khúc muôn thuở, lời tuy có đổi khác nhưng ý đại khái vẫn là:

"Cậu nhớ đừng chơi bời cậu nhé, mình đã trưởng thành, giời bắt tội cha mẹ mất sớm ... "

Tạo cũng viết thư đều nhưng thưa hơn, thường thì một tháng một lần kèm theo với thư của các anh em khác. Tới lá thư thứ tư, Tạo báo cho chàng biết cửa hiệu bào chế của Yến không còn ở đường Bonard nữa. Tạo còn ghi thêm rằng đích thân Tạo vào hỏi chủ mới mà chủ mới cũng không biết "bà dược sĩ" dọn đến phố nào.

Thiệu rất cảm động về cử chỉ chu đáo của Tạo và buồn thấm thía khi nghĩ đến Yến. Yến dời khỏi đường trống lớn? Bóng Yến như dời bỏ một dĩ vãng để đi vào một dĩ vãng sâu hơn.

Ba tháng hè cuối niên học, Thiệu cùng các bạn thoạt vào nghiên cứu các trường hội họa trong viện bảo tàng Vienne. Khi trở về chàng có một tập croquis về Vienne: đài kỷ niệm của Mozart, đải kỷ niệm của Strauss, nhà thờ Saint Charles, lâu đài Schonbrunn cùng những cảnh đẹp trong vùng Prateraen bên bờ sông Daunube. Với những tài liệu đó, Thiệu làm được mấy bức sơn dầu mà đường nét, màu sắc đã khiến ông giám đốc phải ngạc nhiên quá đỗi.

Ông đem chàng đến giới thiệu với một họa sĩ Việt ở Pháp đã lâu năm và có tranh ở viện bảo tàng Le Louvre, giáo sư Hoàng Ph. Giáo sư ở một biệt thự khá rộng tại ngoại vi thành Paris, ông đã tổ chức nơi này vừa là xưởng vẽ vừa là một phòng triển lãm thường xuyên. Nhờ sự giới thiệu này Thiệu được biết thêm một đồng bào nổi tiếng, đó là một khuyến khích lớn về phương diện tinh thần, thêm nữa giáo sư Hoàng Ph. đã thân ái chỉ dẫn giúp chàng thêm nhiều kinh nghiệm quý báu.

Tuy niên học mới bắt đầu, còn xa ngày mãn khóa mà cả ông giám đốc lẫn giáo sư Hoàng Ph. đều tin tưởng ở tài nghệ sớm vững trãi của Thiệu, cả hai coi Thiệu như một họa sĩ thực thụ đã ra trường. Một số tác phẩm chọn lọc của chàng trưng bày tại phòng triển lãm thường xuyên của giáo sư Hoàng Ph., bán được giá cao đến không bao giờ chàng dám ngờ tới. Thế là tuy Thiệu vẫn ở trên lầu gác hẹp từng thứ bảy Quartier Latin (không có thang máy), nhưng đã có "đồng ra đồng vào" để đi Opéra mỗi khi có cuộc trình diễn hoặc nhạc kịch của Verdi, Wagner ... hoặc bi kịch, hài kịch cổ điển, hoặc vũ khúc Nga ... Thiệu không chịu bỏ lỡ buổi hòa nhạc lớn nào, nhất là những buổi do các nhạc sĩ tên tuổi độc tấu dương cầm hay vĩ cầm tại phòng Pleyel. Mùa hè, nếu có dịp, chàng đi về các tỉnh miền Nam Lyon đổ xuống để xem diễn kịch giữa trời trên những hý trường La Mã cổ. Nếu vào dịp nghỉ mà không tỉnh nào có lịch chàng vẫn rủ bạn rời khỏi Paris cho hả "nhu cầu chuyển dịch." Tới tỉnh nhỏ nào đó, mỗi người bỏ ra năm trăm quan thuê ghế ngồi dưới gốc cây, mua chiếc kem xinh - glaçon - của một cô đầm, hay một gói lạc của một anh Ả Rập, rồi vừa ăn vừa nghe ban nhạc thành phố góp vui không mất tiền.

Ở Pháp hồi này, cũng như ở Hà Nội hồi nào, cuộc sống đó chỉ giúp nguồn cảm hứng của chàng thêm phong phú. Có đêm ở ngay Paris, sau khi xem đoàn Folies Bergères biểu diễn chưong trình mới, chàng còn la cà vào Moulin Rouge vui với một số bạn. Lúc ra về Thiệu mỉm cười nghĩ đến chị Hoa. Chị Hoa mà ở đây, lại biết chuyện này, thế nào hôm sau chị chẳng đến tìm chàng từ sớm rồi vừa thấm nước mát vừa nói:

-"Giời bắt tội cha mẹ mất sớm, cậu đã trưởng thành cậu không tu tỉnh, chị chẳng biết làm thế nào..."

Dịp hè cuối năm học đó nhà trường dự định cho các sinh viên đã tốt nghiệp đi Florence (Tây Ban Nha) nghiên cứu trước một số họa phẩm của Boticelli, Raphael, tượng Pensée của Cellini, tượng Davis khoả thân của Michel-Ange, để rồi sau đó đến Barcelon nghe một vị họa sư danh tiếng người Tây Ban Nha thuyết trình về "Sự tiến triển của nến mỹ thuật Ý Đại Lợi từ thời Thượng Cổ tới thời Phục Hưng."

Trong khoảng một tuần lưu trú ở Florence, Thiệu có ghi được một ít croquis rất gợi cảm: căn nhà của Dante, ngôi nhà thờ lớn của tỉnh Florence với chiếc gác chuông cao hơn trăm thước và nhất là con sông Arno uể oải với hai hàng cây chêne cao vút ở hai bên bờ, cành cây mảnh khảnh nhưng lá cây um tùm đổ bóng xuống dòng sông. Về tới Pháp, Thiệu ghi ngay lên khung vải những màu sắc thanh tú của dòng Arno còn ủ tươi mát trong tâm hồn chàng. Thiệu đặt cho họa phẩm sơn dầu này một cái tên nửa như dí dỏm nữa như triết lý: "Tiếng Sông Im Lặng". Vẽ xong Thiệu mới tự khám phá ra rằng chàng vẫn có cảm tình đặc biệt với những dòng sông và phải chăng vì chẳng bao giờ cả, chàng có thể quên được Yến?

Tất cả sinh viên mỹ thuật vừa mãn khóa nghành hội họa cũng như nghành điêu khắc, mỗi người đều mang theo đi Barcelone một tác phẩm của mình để sẽ tổ chức tại đó một cuộc triển lãm bất ngờ, theo sáng kiến của ông giám đốc viện Mỹ Thuật Quốc Gia.

Sau bài thuyết trình rất giá trị, rất tỉ mỉ của vị giáo sư khả kính người Tây Ban Nha về "Sự tiến triển của nền mỹ thuật Ý Đại Lợi từ Thượng Cổ tới thời Phục Hưng," ông Giám đốc viện Mỹ Thuật Quốc Gia (Pháp) đạt giấy mời vị giáo sư cùng một số quan khách có công, hoặc có thẩm quyền về mọi nghành văn nghệ tại Barcelone, đến Câu Lạc Bộ Pablo dự tiệc trà và tiện thể dự một "cuộc triển lãm bất ngờ."

"Cuộc triển lãm bất ngờ" đó đã gây được rất nhiều cảm tình trong giới sành nghệ thuật Tây Ban Nha.

Thiệu thấy có một thiếu nữ - chắc là thiếu nữ Tây Ban Nha - dừng lại rất lâu trước bức "Tiếng Sông Im Lặng" của chàng, rồi ghé mắt lại gần chăm chú, chắc hẳn để đọc dòng chữ Tây Ban Nha ghi bên dưới: El ruido silencioso del rio (Tiếng im lặng của dòng sông).

Cô gái đi xem một vài bức khác gần đấy, rồi lại quay về đứng trước bức họa của Thiệu như để so sánh hoặc khám phá ra một điều gì.Vì đứng cách xa quá, Thiệu không rõ khuôn mặt cô gái ra sao, nhưng chỉ nhìn dáng nàng đi, Thiệu cũng đoán trước là nàng đẹp.Thiệu thấy nàng nói lâu với François, anh bạn học về điêu khắc. Bỗng François quay lại ngơ ngác tìm quanh phòng. Thiệu vờ ngẩng nhìn chăm chú một bức tượng ... Có tiếng giày song song bước lại gần, một của đàn ông một của đàn bà, rồi tiếng François (nói bằng tiếng Pháp):

- Ê này Thiệu, xin giới thiệu một senorita mến phục tài anh.

Thiệu quay lại cúi chào, hôn tay người con gái và nói một trong mấy câu Tây Ban Nha xã giao cửa miệng mà chàng đã viết kỹ từ khi còn ở Paris.

- Senorita, qué encuentre más agradable (Thưa cô, tôi rất hân hạnh được gặp cô!)

Người con gái mỉm cười trả lời bằng tiếng Pháp:

- Hân hạnh được gặp anh.

Mắt Thiệu sáng lên:

- Trời, cô là người Pháp?

Vẫn giữ nụ cười khả ái, nàng đáp:

- Vâng tôi là người Pháp!

- Nếu thế thì thật hay - Thiệu nói - không gì buồn hơn là đứng bên một người đẹp như cô mà rủi ngôn ngữ bất đồng.

Ba người cùng cười, rồi François lảng đi chỗ khác. Quả Thiệu đoán không sai, người con gái đẹp lắm. Vóc nàng vừa phải, dáng nàng uyển chuyển, tóc nàng đen chứ không hung và đặc biệt cũng cắt ngắn và chải lật không có đường ngôi như Yến. Có lẽ vì tóc nàng giống Yến nên Thiệu thấy thêm mũi nàng cũng dọc dừa giống Yến.

Thấy nàng mỉm cười nhìn lại, Thiệu giật mình sực nhớ mình đã chăm chú nhìn nàng quá lâu, chàng vội nói:

- Xin cô tha lỗi, thật tình cô có một vẻ đẹp rất gần Á Đông.

- Cảm ơn anh - nàng nói - tôi tên là Suzanne, Suzanne Tennyson!

Thiệu hơi ngẩng mặt nhìn xa xa:

- A ... Suzanne! Phải, năm ngoái qua Vienne, vào viện bảo tàng, tôi có được ngắm bức "Suzanne au bain" (nàng Suzanne tắm) của Tintoret;

Suzanne cười đón câu nói đó:

- Trời, anh quá khen, tôi đâu có sắc đẹp quyến rũ như nàng Suzanne Do Thái.

- Tôi là Thiệu, Nguyễn Quang Thiệu, nhưng cô cứ gọi là Thiệu không thôi cho tiện.

Suzanne chỉ về phía bức tranh:

- Vâng, bức tranh của anh đẹp lắm, anh Thiệu ạ.

Hai người tiến lại phía đó, trong khi Suzanne nói tiếp:

- Vẻ thơ mộng của khúc sông làm tôi nghĩ đến bức "Les baigneuses" (Những thiếu nữ tắm) của Corot, nhưng màu sắc của anh có cái gì lạ lắm, lạ đặc biệt, bây giờ thì tôi được biết anh là người Á Đông.

Hai người đã đứng trước bức "Tiếng sông im lặng". Suzanne nghiêng đầu ngắm lại bức tranh, Thiệu nghiêng đầu ngắm lại Suzanne. Tia nhìn của chàng dừng lại ở mớ tóc, tóc của Yến! - chàng nghĩ thầm.

Vừa lúc đó Suzanne quay lại. Hai người yên lặng nhìn nhau, Suzanne mỉm cười nụ cười vừa như gần gũi vừa như xa xôi, vì Suzanne nhận thấy Thiệu nhìn mình như nhìn ai. Đã đọc nhiều sách nói về nếp sống, tính tình, tín ngưỡng của người Á Đông, Suzanne nghĩ thầm: "Nếu mình không nhầm thì anh chàng đương tìm ở mình những nét quen thuộc của một người mà anh chàng đã gặp tự kiếp nào". Khi nụ cười trên môi nàng chìm đi như nắng chiều chìm xuống chân trời, thì chính Suzanne cảm thấy đến lượt nàng chìm vào để rồi trôi nổi bình bồng trong cái nhìn của Thiệu.

Tiệc trà bắt đầu. Mọi người sang phòng bên. Thiệu và Suzanne không rời nhau một bước. Thiệu được biết Suzanne cũng vừa mới sang Barcelone thăm cha mẹ mở cửa hàng bán các dụng cụ về tàu bè ở đây. Suzanne thích cả hoạ lẫn nhạc nhưng nàng chuyên về nhạc. Nàng đã theo xong lớp học tám năm về dương cầm tại âm nhạc viện quốc gia Paris và đỗ thứ nhì trong kỳ thi mãn khóa một tháng trước đây. Trong khi tiếp chuyện, Thiệu luôn luôn chăm chú nhìn mớ tóc của nàng. Đúng mớ tóc của Yến!

Khi chia tay, Suzanne ngỏ ý sẽ đón Thiệu đến thăm cửa hàng, tiện thể giới thiệu với cha mẹ nàng, Thiệu nhận lời. Chiều hôm sau Suzanne tới như đã hẹn trước. Nàng nói vì thấy Thiệu đã hai năm nay xa gia đình nên muốn mời chàng ở hẳn với gia đình nàng trong một tuần lễ.

- Tôi đã thưa chuyện với ba, má - lời Suzanne - các người rất lấy làm hân hạnh lần đầu tiên được tiếp đón một họa sĩ Việt Nam trong nhà.

Thiệu gặp ông giám đốc để xin phép ở lại Barcelone.

Ông cười hóm hỉnh:

- Anh có thể ở lại đây suốt đời vì chuyến đi này là chuyến đi cuối cùng của anh với nhà trường. Anh chỉ cần cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gửi văn bằng đến cho anh.

Ba, má Suzanne tiếp đón Thiệu niềm nở ngay bữa cơm chiều hôm đó. Thiệu ngồi vào bàn ăn mà tưỏng như mình đã đến ở gia đình này tự bao lâu rồi. Câu chuyện về nước Việt xưa và nay, về nước Pháp hiện giờ, về văn học giữa Âu Châu với Mỹ Châu, về văn hóa giữa Tây phương và Đông phương ... nhóm khởi từ lúc bắt đầu ăn, qua lúc dùng đồ nước, kéo dài cho mãi tới mười giờ khuya. Khi câu chuyện vừa tạm dứt, Suzanne lên tiếng:

- Xin phép ba má, con đưa anh bạn đi xem kinh thành Barcelone.

- Nên đi chứ - ông bố nói - Barcelone giờ này mới bắt đầu vui.

Bà mẹ ghé tai Thiệu giải thích thêm:

- Ở đây ban đêm dân chúng đổ cả ra đường đi khiêu vũ, đi lượn, một giờ khuya còn đông.

Quả nhiên khi Thiệu cùng Suzanne ra tới đường phố thì người đi tấp nập hơn ban ngày nhiều.

Suốt hai tiếng đồng hồ đi chơi trên các phố đông của Barcelone, Suzanne luôn miệng giải thích:

- Anh thấy không ... đàn bà con gái ở đây ăn mặc kín đáo chứ không hở hang như ở mọi nơi.

Anh thấy không ...

Con trai ở đây, đúng hơn bất cứ người con trai nào ở đâu mà có dòng máu Tây Ban Nha chảy trong huyết quản, đều có cái nhìn sắc như vậy. Mấy hôm đầu mới tới đây khi ra phố tôi cứ phải hết sức tránh để khỏi gặp cái nhìn của họ. Sau rồi cũng quen dần.

Anh thấy không ... người con trai nào trạc mười tám tuổi trở lên đều để tí râu mép. Anh chàng vừa đi qua chúng ta đó tuy cao lớn thế mà chưa đề râu mép là chưa đầy mười tám tuổi đâu.

Anh thấy không ... càng về khuya dân chúng đổ ra đường càng đông. Nếu anh ở khách sạn, anh sẽ thấy chín giờ sáng người ta mới rục rịch ăn điểm tâm; một, hai giờ chiều mới bắt đầu ăn trưa; tám chín giờ tối mới sửa soạn ăn chiều, ăn xong là bắt đầu cuộc đời ngoài phố.

Anh từ Paris tới đây bằng xe hỏa chớ gì?

Khi đã qua Toulouse tới biên giới Pháp - Tây Ban Nha và nhất là khi xe đã bắt đầu đi sâu vào rặng Pyrénée thì hành khách nào là người Tây ban Nha mới lên có thể nhận ra ngay. Anh có biết nhận ra bằng cách nào không?

Thiệu lắc đầu là không, vì toa chàng đi là toa dành cho sinh viên mỹ thuật.

Suzanne bèn giải thích tiếp:

- Khi còi tàu thét lên, chuyển bánh rời ga, người hành khách Tây Ban Nha mới lên làm dấu cầu nguyện để tránh tai ương. Người Tây Ban Nha ngoan đạo lắm nhé chứ không vô thần như các con cháu của Voltaire đâu.

Anh có thấy không ...

Thiệu chú ý cứ mỗi lần Suzanne hỏi một câu như vậy để rồi có dịp giải thích thao thao bất tuyệt, nàng thường bất chợt xoay người, ngẩng nhìn chàng khiến những nếp váy xòa ra, xoay nhịp nhàng thành hình vòng tròn như đường đi của một hành tinh nghệ sĩ. Tiếng đàn lục huyền cầm thoát ra đâu đây làm gợn da thịt.

Và rồi cứ mỗi lần nghe Suzanne nói "Anh có thấy không ..." Thiệu tức khắc dừng lại rất kịp thời để tiếp nhận ánh mắt của Suzanne và hình vòng tròn nhịp nhàng của ... hành tinh nghệ sĩ vô hình.

Mười hai giờ khuya, đường phố chật ních người. Đợi cho dứt một dịp giải thích: " Anh có thấy không ..." Thiệu bèn đề nghị với Suzanne trở về.

- Không phải tôi sợ mỏi chân - lời Thiệu phân trần - nhưng tôi vừa nhớ ra rằng tại phòng khách ở nhà có chiếc dương cầm và tự nhiên tôi thấy thèm nghe tiếng đàn của Suzanne vô cùng.

Suzanne có vẻ ưng ý... Nàng nghiêng đầu nhìn Thiệu nửa tình tứ nửa như muốn xét lại một lần nữa xem lới đó có thực không, rồi nàng gật đầu:

- Thì chúng ta về!

Tới nhà, Thiệu ngồi vào góc phòng chênh chếch với góc có dương cầm. Suzanne giơ tập nhạc khá dầy thấp thoáng có dòng chữ lớn Album Chopin và nói:

- Nghe Chopin anh Thiệu nhé?

- Được lắm - Thiệu đáp - đêm hôm khuya khoắt nghe Nocturnes của Chopin là phải.Nhưng Suzanne hãy chờ tôi một phút.

Thiệu về phòng mình lấy giấy và bút chì than rồi trở lại.

- Anh định vẽ tôi đánh đàn? - Suzanne hỏi.

Thiệu lắc đầu mỉm cười.

- Không, tôi vẽ tiếng đàn của cô.

Thiệu chỉ kịp thoáng nghe tiếng cười của Suzanne thì sau đó tiềng cười đã chìm nghỉm ngay trong tiếng đàn xô dồn vừa bắt đầu. Rồi từng chuỗi âm thanh khi nhanh khi khoan, khi trong sáng, khi âm thầm. Khi nỉ non thánh thót, khi rên xiết nghẹn ngào.Có lúc tiếng đàn như những tiếng nấc thưa dần, yếu dần của một người ... không, của một buổi chiều ... không, của một vũ trụ đương hấp hối.

Đồng hồ điểm hai tiếng ... Suzanne lơ đãng gập tập nhạc quay lại, gương mặt còn ngập trong âm thầm và nụ cười muôn vàn xa xôi.

Hai người nhìn nhau giây lát. Tiếng Suzanne:

- Anh vừa vẽ vừa nghe nhạc có mệt không?

- Tôi muốn - Thiệu đáp - đêm nay là đêm đầu tiên ở Bắc Cực để đêm còn kéo dài sáu tháng nữa.

Suzanne bật cười, ánh đèn trong căn phòng như tới lúc đó mới bừng sáng, nàng nói:

- Nào anh cho tôi xem tôi ra sao nào?

Thiệu gấp tấm bìa cứng lại, lắc đầu:

- Không được, tôi đã bảo tôi vẽ tiếng đàn chứ có vẽ Suzanne đâu.

- Anh không cho xem, tôi giận.

- Nói đùa vậy chớ tôi định thế này: hôm nay Suzanne chơi Chopin, mai Mozart, một Beethoven v...v... Tôi vẽ. Rồi hôm cuối cùng Suzanne sẽ tìm nhận xem Suzanne nào Chopin, Suzanne nào Mozart, Suzanne nào Beethoven ...

Suzanne vỗ tay:

- A, ý kiến anh hay đấy!

Thiệu chỉ lên đồng hồ:

- Thôi khuya rồi, chúc Suzanne nhiều mộng đẹp.

- Cám ơn anh - Suzanne đáp - chúc anh ngủ ngon giấc. Mai chín giờ hãy dậy anh nhé. Cho đúng tác phong Barcelone!

Rồi kể từ hôm sau, ban ngày Thiệu cùng Suzanne lần lượt đi xem các nhà thờ, các nhà tu cổ xây từ thế kỷ XIV. Có hôm hai người ra khỏi kinh thành đưa nhau tới miền cửa sông Lobrega xem những vết tích tàn phá còn sót lại sau cuộc nội chiến giữa các chiến sĩ Cộng Hòa với quân đội chính phủ khoảng từ năm 1937 đến 1939 là năm Barcelone thất thủ vào tay tướng Franco. Ban đêm hai người dắt nhau gia nhập đám đông hè phố Barcelone và tới đâu họ cũng thấy bị vây bọc bởi tiếng đàn lục huyền cầm gờn gợn, tiếng đàn trong đấy mà đục đấy, như lời nhắn nhủ quyến rũ của ái tình. Thường thì tới mười hai giờ khuya họ đã có mặt trong phòng khách.

Và Suzanne đánh đàn.Thiệu vẽ.

Cách xưng hô của họ đã thân mật lắm.

Ban ngày, rất nhiều khi chẳng có chuyện gì quan trọng, nhưng Thiệu cũng cất tiếng gọi Suzanne "Hélo, ma chère ZiZi" (ZiZi thân mến đâu!) để được thấy Suzanne hốt hoảng chạy lại sau khi đã đáp: Oui, J' arrive! (Vâng em lại đây!)

Đêm cuối cùng của tuần lễ Suzanne đòi xem "những nét vẽ tiếng đàn" hai người đứng gần nhau bên dương cầm. Thiệu tuần tự đặt từng bản croquis một lên giá đàn trước mặt Suzanne để nàng đoán:

- Dáng mơ màng soải tay xuống cung trầm thế này, đúng là hôm Chopin phải không anh? - Những bông hoa xinh nở trên phím đàn những con bướm xinh đậu trên mái tóc đúng là hôm Mozart phải không anh - Ủa, sao bức này người đánh đàn lại quay lưng vào đàn? Kỳ quặc hơn nữa sao nàng không ngồi vào ghế? Nàng ngả người thế này thì lẽ ra nàng mất thăng bằng và ngã xuống đất từ lâu rồi.

Suzanne ngẩng lên, hơi thở nàng ấm má Thiệu:

- Ủa, sao anh vẽ kỳ quặc vậy?

Thiệu toan âu yếm nâng cằm Suzanne lên, nhưng sau lại thôi. Chàng chỉ giải thích, giọng vẫn có vẻ đùa, nhưng dễ dàng và khúc triết:

- Zizi có thấy không ... lúc đó nàng đang chơi bản Valse Le Désir của Beethoven. Chàng họa sĩ nhắm mắt lại nghe tiếng đàn thoạt nhỏ rồi lớn dần, để sau cùng tới một tiếng kêu thất thanh, như người con gái trong đôi tay tình nhân thoạt mơn man rồi điên dại. Chàng họa sĩ đâu có vẽ kỳ quặc, người con gái đâu có mất thăng bằng, nàng nằm trong tay người tình nhân vô hình.

Ôi chao, đôi mắt Suzanne sáng lên nồng nàn, nàng hé miệng kêu: "Trời ơi",Thiệu chỉ kịp giơ tay đón nàng vừa gieo mình tới. Rất nhanh họ đã đã hôn nhau say sưa và cả hai cùng chịu không biết rằng ai đã định hôn ai trước.

Sau cái hôn dài đầu tiên đó, Suzanne úp mặt vào ngực Thiệu nói khẽ:

- Bây giờ người tình của nàng không còn vô hình nữa!

Giây lâu Suzanne ngẩng lên, nàng nói:

- Thôi anh lên phòng nhé.

Thiệu lẳng lặng đi lên... rón rén ... khuôn mặt quay về Suzanne, mỉm cười. Với cái mũi Hy Lạp ấy, với mái tóc ấy, Suzanne đúng là Yến!

Bóng Thiệu đã khuất trên đầu cầu thang, Suzanne lơ đãng ấn một phím đàn. Tiếng đàn vang vang ... hồi hộp yếu dần... Chợt tiếng đàn như thổn thức tràn ngập không gian ... Không, tiếng đàn ngừng bặt đã từ lâu.Đó chính là lòng Suzanne thổn thức và không gian tràn ngập hình ảnh Thiệu, chàng họa sĩ Á Đông.

Đậy nắp đàn lại, Suzanne bước vội vào phòng như đương rượt theo hạnh phúc, và đóng cửa phòng lại như để giữ lấy bóng hạnh phúc bên trong. Nàng mỉm cười, nụ cười khoẻ mạnh bồng bột, nhưng khi gục mặt xuống, nàng thấy có những giọt nước mắt làm ướt cánh tay, đồng thời bao nhiêu kiến thức về tính tình tập quán Á Đông ùa tới tràn ngập ý nghĩ. Nàng tự nhủ thầm: "Có thể là mình đã yêu Thiệu tự kiếp nào".

Hôm sau Thiệu chưa về Paris, chàng ở lại Barcelone, mười ngày sau chàng làm lễ thành hôn với Suzanne tại nhà thờ lớn nhất đường Cervantès.

Đêm tân hôn, Thiệu và Suzanne ở ngay gian phòng lầu bên trên phòng khách.

- Phải, mớ tóc của Yến! - Vừa lùa tay vào mớ tóc mềm của Suzanne, Thiệu vừa tự nhủ thầm như vậy.

Thiệu cúi xuống hôn mái tóc mềm của nàng rồi môi vẫn đặt nguyên chỗ đó chàng nói khẽ, nửa như nói với nàng nửa như tâm sự với năm ngón tay:

- Hồn anh là dòng sông phân làm năm nhánh, cả năm nhánh cùng lạc lối mất hút trong một khu rừng tơ liễu mà dáng mềm phủ kín cả vũ trụ.

Suzanne ngẩng đầu lên.Thiệu thấy đôi môi của mình bị đôi môi thắm mọng hút lại. Nhớ đến đôi vai rung động buổi biệt ly đêm nào, bất giác Thiệu ôm gọn Suzanne trong vòng tay như muốn đem hết sức yêu đương tràn đầy trong lòng mà gột rửa một vết thương sầu hận.

Tiếng chàng nồng nàn:

- Anh yêu em vô cùng!

Tiếng Suzanne hỏi:

- Anh nói gì?

Thiệu sực nhớ mình đã nói câu trên bằng tiếng Việt, chàng dịch lại sang tiếng Pháp:

- Anh yêu em vô cùng!

Suzanne đã là Yến, Yến đã là Suzanne. Hai người đã đồng hóa vào nhau thành một, nên Thiệu cũng chẳng cần tự vấn xem câu đó chàng nói với Suzanne hay với Yến.

Và trong phút xúc động nhất của ái ân, Thiệu thấy hồn chàng như cánh buồm no gió của một con thuyền, trong một đêm trăng, bỗng thấy mình trở về bến cũ.