Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

KÝ ỨC LÀNG CÙA

Tiểu thuyết

Đặng Văn Sinh

PHẦN HAI

Chương 10 (tiếp theo)

7

Lê Văn Khải và Lê Văn Nghiên được Lái Lự coi như cháu nội cho ăn học suốt những năm mẹ con bà hai sang sông.

Năm bốn tám sau khi đỗ bằng tiểu học hai anh em được lên tỉnh học trung học đệ nhất cấp. Khải giỏi hơn được học bổng. Hè năm năm hai, sau khi ra Hải Phòng thi tốt nghiệp, tất cả học sinh nam lớp đệ tứ đều phải đến nhà thương khám sức khoẻ, nếu được sẽ lên Đà Lạt vào quân trường học lớp sĩ quan cấp tốc. Trong lúc làm hồ sơ, Deuxième Bureau phát hiện ra bố đẻ của Lê Văn Khải và Lê Văn Nghiên là Việt Minh. Hai anh em lập tức bị bắt. Ông Lái Lự phải chạy ngược chạy xuôi, lo lót các cửa mất một món tiền khá lớn mới lôi được hai thằng cháu ra khỏi trại giam Tại Xá. Về làng Bòng, một số thanh niên rủ Khải vào chiến khu Đông Triều nhưng anh ta vốn có mặc cảm trong quá khứ với ông bố Việt Minh nên xem ra không hào hứng lắm. Ông lái bảo:

- Phải học lấy một nghề mà kiếm sống. Ta xem các cháu không hợp với nghiệp binh đao.

- Hay là chúng cháu lại ra tỉnh? - Lê Văn Nghiên ngập ngừng hỏi.

- Ra tỉnh không bằng vào rừng. - Ông lái khuyên. - Thời buổi nhiễu nhương này ở nơi đô hội dễ hỏng người.

Mấy hôm sau Khải rủ Nghiên vào trại Vân Quan học nghề thợ mộc với ông Phó Đằng. Ông Đằng khó tính mà lại dữ đòn, lơ mơ là lấy dùi đục quật ngay. Có những hôm hai anh em thâm tím cả người. Tối nào ông Phó cũng đánh xóc đĩa. Dân xóc đĩa toàn phường buôn bán đủ mánh khoé lừa lọc, có những hôm thua cháy túi ông Đằng phải gán cả cưa đục. Được khoảng nửa năm, nghề chẳng thành mà lại hay bị đòn oan, hai anh em đành bái biệt ông thày cờ bạc xuôi xuống mạn Yên Cư. Đến ngã ba Dốc Cây Thị, Nghiên bảo:

- Anh em ta tạm chia ra mỗi người một hướng mà đi, hẹn đến tết gặp nhau tại nhà, vạn nhất có chuyện gì xảy ra sau này còn có người nuôi mẹ.

Khải gật đầu :

- Em nói phải. Thực ra đi tìm việc như thế này chỉ là bất đắc dĩ không hợp với chí hướng của anh.

Hành lý được chia làm đôi. Nghiên đi về phía thượng nguồn sông Vệ còn Khải rẽ sang vùng Sàn Lạng. Trời sắp tối mà đường có vẻ còn xa mới đến được thị trấn Gôi, Khải đang muốn tìm chỗ nghỉ qua đêm thì thấy giữa cánh đồng có mấy lò gạch đang toả khói. Anh ta tìm đến nơi gặp bọn phu lò đang ăn cơm tối. Khi biết được ý định của Khải, một bác rậm râu đã luống tuổi, gầy hõm mắt, chỉ vào ngôi nhà cạnh đầm nước cách đây chừng hai ba trăm thước bảo:

- Cô chủ ở trong ấy vào mà xin, ở đây không có chỗ ngủ đâu.

Bọn thợ gạch nghe xong cười hô hố làm Khải sinh nghi định bỏ đi. Một gã mặt tròn, da xù xì như da cóc, cái mũi chẳng khác gì tẩu thuốc lá nháy mắt với bác rậm râu rồi hỏi:

- Có biết chữ không?

Khải ngẫm nghĩ một lúc rồi gật đầu:

- Biết chút ít.

- Thế thì vào nhà đi, cô chủ đang cần người quản lý đấy.

Khải làm ra bộ ngây ngô hỏi lại:

- Người ta cần sao các bác không làm lại đẩy tôi vào?

- Là vì trông cậu có dáng thư sinh. - Người rậm râu cười bảo - Chúng tôi toàn loại vai u thịt bắp cứ đến gần là cô chủ nhăn mặt, chun mũi.

Đã vậy thì cứ thử xem cô chủ là ai mà bọn thợ lò thích đem ra giễu cợt đến thế. Mà tại sao lại là cô chủ chứ không phải bà chủ? Đường cũng không khó đi lắm nhưng vì Khải đã cuốc bộ suốt ngày, đôi chân mỏi rã rời nên phải lê bước khá lâu mới đến khu nhà có ánh đèn. Người ra mở cổng là một bà già bé loắt choắt chẳng khác gì đứa trẻ nhưng chân tay luôn ngọ nguậy không lúc nào yên. Bà ta nhìn một thoáng từ đầu tới chân cùng chiếc tay nải nhuộm vỏ già của ông khách trẻ hỏi:

- Cậu là người ở đâu ta?

- Tôi ở xa, được mấy bác lò gạch chỉ vào xin nghỉ nhờ.

- Mời cậu vào để tôi báo với cô chủ.

Lại cô chủ Khải thầm nghĩ, sao ở một nơi đồng không mông quạnh như thế này lại có một phụ nữ dở hơi nảy ra ý định kinh doanh lò gạch, cái nghề đáng ra phải của đám mày râu. Chừng mấy phút sau, một cô gái, đúng hơn là một người đẹp chừng hăm mốt hăm hai, tóc bồng rẽ đường ngôi lệch, mặt trái xoan, mũi dọc dừa, cặp môi ướt, từ trong đi ra. Cô ta nhìn Khải một thoáng rồi hỏi người ta bằng thứ ngôn ngữ rất là Liêu trai[1]:

- Quý khách chắc là từ xa đến đây?

Khải bật cười :

- Dạ thưa chị, tôi là thư sinh nghèo, gặp thời loạn lạc phải bỏ nhà đi kiếm việc làm.

Mắt người phụ nữ chợt sáng lên :

- Quý anh có biết tính toán không ?

- Thưa...tôi đã tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp.

Cô chủ bỗng nhiên thẫn thờ, mắt mơ màng như đang chìm trong giấc mộng đêm hè. Lúc ấy Khải mới để ý trên tay chị ta vẫn còn cầm cuốn Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng và Nhất Linh.

Cũng không khó khăn gì trong việc tìm hiểu cô chủ lò gạch. Chị ta tên là Trâm, tốt nghiệp tiểu học, sau khi đọc hàng loạt tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thì thêm một mỹ tự vào phía trước tên là Kiều Trâm . Kiều Trâm là con vợ bé một ông Phán Dây thép. Bà vợ cả có một sạp vải ở chợ Lớn, thỉnh thoảng nổi máu sư tử Hà Đông lại thuê bọn anh chị đến đánh ghen. Bà hai không có con trai, chỉ được mỗi Kiều Trâm, bị lép vế, không ở được phải dắt díu nhau về Đa Hội mở một quầy tạp hoá kiếm sống. Ông Phán tuy sợ vợ cả một phép nhưng vẫn dấm dúi chu cấp cho hai mẹ con. Mấy năm gần đây, Việt Minh nổi lên lập vùng tự do, việc đi lại giữa thành thị và nhà quê rất khó khăn, bà cảnh nhờ ông em ruột đứng ra mở lò gạch, thuê nhân công đốt, bán cho dân địa phương. Đang làm ăn phát đạt thì ông em bị cảm mạo lăn đùng ra chết, vậy là hai mẹ con đành phải cáng đáng lấy công việc.

Kiều Trâm được chiều từ bé, suốt ngày con sen dẫn đi chơi, lớn lên lại ham đọc sách nhất là loại tiểu thuyết diễm tình mà nhân vật chính là chàngnàng con nhà khá giả ở thành phố có chút học vấn, thích vượt ra khỏi khuôn khổ lễ giáo phong kiến, đòi nam nữ bình quyền và hôn nhân tự do. Nhưng ở vùng quê thâm sơn cùng cốc này, người dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho giời kiếm đâu ra ý trung nhân như cô vẫn hằng tưởng tượng qua những trang sách của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo? Ngày tháng qua đi, Kiều Trâm chờ người trong mộng đến mỏi mòn sinh ra tính trầm uất làm bà mẹ phát hoảng phải mời thầy lang đến bốc thuốc. Ông nào bắt mạch xong cũng lắc đầu bảo:

- Bệnh của cô nhà là tâm bệnh, lũ người trần mắt thịt chúng tôi không chữa được.

Ngày nào Kiều Trâm cũng mang Tắt lửa lòng, Lạnh lùng, Cô giáo Minh, Đoạn tuyệt rồi Hồn bướm mơ tiên ra đọc. Có hôm đang giữa trang sách cô khóc rưng rức như trẻ con bị đánh oan. Nhìn bề ngoài Kiều Trâm không có vẻ gì là bệnh hoạn, nhưng cứ cầm cuốn tiểu thuyết Tự lực văn đoàn nào đó lên là ánh mắt cô ta trở nên thảng thốt, lúc thì đầy vẻ chán chường lúc lại cháy bỏng một thứ đam mê tưởng như có thể thiêu trụi bất cứ thứ gì bị nó chiếu vào.

Khải đến, bà cảnh mừng thầm ngỏ ý với anh ta ở lại vài ngày để Kiều Trâm có bạn. Đối với Khải, cuộc chu du trên đường thiên lý là vô định chẳng có gì phải vội. Việc làm đẹp lòng một tiểu thư hơn mình hai ba tuổi bằng cách tán nhăng nhít những đoạn văn sướt mướt trong Nửa chừng xuân hoặc Đời mưa gió chỉ là chuyện vặt. Cuối cùng Khải cũng nhận lời làm quản lý lò gạch, nghĩa là thay mặt bà chủ xuất gạch chín, đếm gạch mộc, ghi chép số hàng bán ra và quyết toán sổ sách. Công việc quá dễ đối với một chàng tú tài bán phần. Kiều Trâm thích lắm, suốt ngày hát Đêm đông rồi Suối mơ, Thiên thai học được thời còn ở thành phố. Ngày nào cô chủ cũng ra lò gạch kể cả những lúc trời mưa.

Khải thấy cô ta làm vướng công việc của mình nên nói khéo :

- Trâm về đi, ở ngoài này dầm nước mưa sẽ bị cảm lạnh.

- Anh đuổi tôi đấy à?

- Là tôi sợ chị bị ốm bà chủ quở trách.

- Em không đồng ý anh gọi em bằng chị đâu, nghe nó khách sáo thế nào ấy.

- Tôi chót lỡ lời, chị ..

- Lại chị rồi. Trông Trâm già lắm phải không?

- Không, Trâm đẹp lắm, đẹp hơn cả Mai trong “Nửa chừng xuân”.

- Anh thấy Trâm đẹp thật à ?

- Thưa tiểu thư, tôi không dám nói dối .

Trâm cười rất hồn nhiên rồi lại hỏi :

- Anh thấy Tuyết trong Đời mưa gió như thế nào?

- Đáng trách. - Khải cố tình nói khác với ý mình để thử phản ứng của cô chủ đối với nhân vật này.

- Anh đúng là đồ không có tim.- Trâm phụng phịu ra vẻ giận dỗi. - Đấy thực sự là người con gái đáng thương bị hoàn cảnh đẩy vào con đường lầm lạc. Trâm cho rằng các tác giả khi viết đã tìm được một nguyên mẫu trong đời thực. Thân phận đàn bà khổ quá phải không anh?

- Vâng. Khổ thật.

- Anh sao thế?

- Tôi vẫn bình thường mà.

- Này đầu óc để đâu thế ? Hay là anh vẫn bị mấy trăm viên gạch vỡ ám ảnh.

- Đâu có.

Ở lò gạch đến năm thứ hai thì tình hình ngày càng phức tạp. Đó là việc Kiều Trâm nhất quyết đòi Lê Văn Khải phải làm rể bà cảnh. Chuyện này xem ra khá nghiêm trọng nếu chưa nói là nguy hiểm, vì thực chất anh em Khải vâng lời mẹ đi học nghề chứ không phải tìm vợ. Bây giờ đùng một cái mang cô tiểu thư hàng ngày chỉ có mỗi việc đọc tiểu thuyết ái tình về làng Bòng thì còn mặt mũi nào nhìn ông Lái Lự đã đã cưu mang mấy mẹ con bà cháu từ gần hai chục năm nay. Phải tìm cách chuồn thôi, nếu không mình mắc thêm một món nợ nữa. Nợ tiền còn trả được chứ nợ tình thì muôn đời không thể. Công bằng mà nói, đây là một đám khá giả. Bà mẹ gốc gác kẻ chợ mà làm ăn cơ chỉ, đối xử với người làm công rất có tình. Cô con gái tuy hơn anh ta hai tuổi nhưng vừa xinh đẹp lại vừa có của hồi môn, nhiều chàng trai dẫu nằm như mơ giữa ban ngày cũng chẳng dám tơ tưởng. Đã mấy lần bà chủ bảo :

-Em Trâm nó mến cậu là người thật thà lại có học, cậu thấy thế nào?

Khải tìm kế hoãn binh:

- Nhà cháu gia cảnh bần hàn lại cách sông cách đò, chưa được phép của mẹ cháu chưa dám nghĩ đến chuyện trăm năm.

- Tưởng gì, chuyện ấy không ngại, mấy hôm nữa cậu đưa tôi về quê thăm bà cụ.

- Cứ để thư thư đã bà ạ. - Khải không ngờ bà chủ sốt sắng đến thế nên trong lòng thực sự hoảng sợ. - Từ đây về vùng quê cháu phải đi mấy ngày đường, lại qua bao nhiêu đồn bốt, nguy hiểm lắm, đi lúc này không tiện.

Bà cảnh vẫn tỏ ra rất kiên quyết:

- Hay là cậu chê nhà tôi không xứng?

Khải vội thanh minh:

- Cháu đâu dám, chỉ sợ trên đường gặp chuyện không may thì biết ăn nói thế nào với cô nhà. Bà đã có lòng thương thì để ít bữa nữa cháu về mời mẹ lên đây thưa chuyện.

Kế ấy xem ra tạm thời có kết quả. Ba tháng sau, lúc ấy đã hết mùa khô chuyển sang mùa mưa, thợ phơ được nghỉ đồng thời cũng đến hạn cuối cùng Lê Văn Khải không thể trì hoãn được nữa. Ngày mai anh ta phải về làng Bòng đón bà hai lên Đa Hội xem mặt con dâu. Cả nhà đang chuẩn bị hành lý cho Khải thì có hai người đàn ông vận âu phục, mũ phớt, giày Bottines đánh xi bóng nhoáng đột ngột xuất hiện. Chỉ một nhoáng mọi người đã biết chuyện. Ông Phán Dây thép về thăm vợ con mang theo anh bạn vong niên trạc hăm chín, ba mươi làm Ký ga từ Hải Phòng sang đang rắp ranh làm khách đông sàng. Nghe được tin này Khải vừa buồn vừa vui. Buồn vì người đẹp sắp lên xe hoa dù sao tâm trạng cũng có chút luyến tiếc, vui vì thoát được cuộc tình chênh lệch mà thực ra anh ta cảm thấy mình vô duyên, kệch cỡm chẳng khác gì chàng Vọi gặp cô Hiền trên bãi biển trong tiểu thuyết Trống mái. Tiểu thuyết lãng mạn như thế thì đẹp thật, nhưng cuộc đời thực mà rập khuôn theo kiểu ấy thì chẳng biết rồi chuyện gì sẽ xảy ra.

Sáng hôm sau Lê Văn Khải dậy thật sớm, chẳng từ biệt ai, lặng lẽ xách khăn gói rời Đa Hội, mãi đến nửa buổi mẹ con bà cảnh mới biết. Tiểu thư Kiều Trâm vội chạy tắt qua cánh bãi để nói lời chia tay nhưng lúc ấy anh ta đã cách khu lò gạch cả chục dặm đường.

Khải về làng Bòng được nửa tháng thì Nghiên cũng bất ngờ xuất hiện. Anh chàng này sau hàng tháng lang bạt, một hôm dạt vào làng gốm Phù Lãng xin chân phụ việc. Làm được ít lâu, một hôm hỏi về gia cảnh, ông thợ cả biết Nghiên đã học trung học, nói tiếng Pháp làu làu với viên đồn trưởng đồn Châu Cầu liền bảo :

- Cậu có vốn học vấn như thế làm nghề này nó phí đi, hãy nghe tôi, ra thành phố xin vào trường Bách nghệ hoặc Canh nông mà học, sau này giúp ích cho đời.

Nghe ông cụ, Nghiên về nhà. Mấy tháng sau hai anh em đang định khăn gói quả mướp ra Hà Nội thì Hiệp định đình chiến được ký sau khi Việt Minh đánh cho quân đội Pháp một trận tơi bời ở Điện Biên Phủ. Hoà bình được lập lại, hy vọng ra Hà Nội học càng mong manh khi vùng Ba Tổng bắt đầu Cải cách ruộng đất.

8

Hai anh em vừa đi thả lưới ngoài bãi sông về, thấy mấy người lạ khoác súng bước vào nhà, Khải đã linh cảm có cái gì đó bất thường, ngập ngừng hỏi:

- Các ông… tìm ai?

Xã đội trưởng Cung Văn Luỹ hất hàm:

- Chúng tôi cần gặp Lê văn Khải và Lê văn Nghiên con trai tên Quốc dân đảng Lê Văn Vận.

- Có việc gì?

- Đội Cải cách mời các anh sang làng Cùa. Giấy đây, đọc đi.

Khải liếc mắt nhìn những dòng chữ mất lỗi chính tả trên tờ giấy kẻ chấm xanh bên dưới có con dấu đóng bằng mực đen bỗng tái mặt.

- Chúng tôi bị bắt?

- Bà con bần cố nông nghi hai anh có dính líu đến vụ ném lựu đạn vào cuộc họp cốt cán ở làng Cùa, yêu cầu các anh sang bên ấy để làm sáng tỏ vấn đề.

Lê Văn Nghiên trừng mắt:

- Các người có điên không đấy? Suốt mấy ngày qua, anh em tôi vun ngô ở Bãi Nổi, làm thế nào lại vượt sông Lăng sang làng Cùa gây án được.

- Cứ về bên ấy sẽ biết.

- Này các ông có kiểu bắt người gì lạ thế?

Cung Văn Luỹ quay lại phía sau hất hàm bảo mấy dân quân:

- Dẫn họ đi!

Mẹ con bà hai lúc ấy vẫn còn ngoài cồn Láng chỉ có ông lái đang lúi húi ở vườn chuối. Nghe thâý tiếng người qua lại có vẻ gay gắt, ông đoán chắc đã xảy ra chuyện gì liền chạy bổ về nhà nhưng không kịp.

Sang đến làng Cùa hai anh em họ Lê lập tức bị tống giam. Tối hôm ấy, đội Lạc, Xã đội trưởng họ Cung, Ứng Thị Sót, Lê Thị Chĩnh và mấy ông công an huyện lần lượt thẩm vấn Khải và Nghiên. Ông công an mặc quần Áo đen, dép cao su, mũ lưới khoảng ba tư ba nhăm, bàn tay có những ngón rất to, hỏi Lê văn Khải có lẽ đã đến lần thứ năm mươi:

- Đêm hôm mồng chín tháng chạp từ bảy đến mười giờ đêm anh đi đâu?

-Tôi đã nói rồi, lúc ấy cả nhà tôi phải ngồi ở đình làng Bòng để nghe bần cố nông ôn nghèo kẻ khổ.

- Ai có thể làm chứng cho anh?

- Tất cả người xóm Bãi.

- Thế mà đồng chí Sự, đội trưởng Cải cách làng Bòng lại nhìn thấy các anh lảng vảng ở bờ sông Lăng từ chiều.

Khải cười khinh bỉ:

- Vậy ra ông đội Sự có mắt lửa con ngươi vàng của Tôn Hành Giả nhìn thấu ngàn dặm. Từ làng Bòng ra đến bờ sông theo đường chim bay ít nhất cũng ba cây số. Theo tôi được biết, chiều hôm ấy họ họp ở nhà ông Chủ tịch Phạm Công Vằn đến chập tối rồi uống rươụ thịt chó mãi gần tám giờ mới ra đình, vậy thì làm thế nào thấy chúng tôi ngoài bờ sông?

- Chúng mày thích lý mấu hả? - Ông Áo đen bất ngờ đổi giọng - Bà con bần cố nông là chuỗi rễ, tai mắt của Đội, chúng mày ở đâu, làm gì bọn ta đều biết, hiểu chưa? Muốn sống thì khai thật ra.

- Ông bảo khai cái gì?

- Không chúng mày thì đứa nào lém nựu đạn vào nhà đồng chí Sót giết chết bốn người làm bị thương năm người tối hôm mồng chín tháng chạp.

- Thế ra các người định ép cung à?

Tay công an mặt lạnh như đá chẳng nói chẳng rằng túm tóc Khải bạt tai liền mấy cái rồi rít qua kẽ răng:

- Chính quyền từ nay ở trong tay bần cố nông, bà con muốn chúng mày chết cũng phải chết, muốn chúng mày sống thì được sống, đừng có đem cái mớ lý sự cùn của bọn đế quốc thực dân nhồi nhét ở trường về đây loè bịp.

Đầu đình bên kia, đội Lạc và Cung Văn Luỹ dùng hết mọi mánh khoé truy bức Lê Văn Nghiên. Anh ta vốn rất bình tĩnh, ông Xã đội đánh đến mỏi tay vẫn cứ trơ ra với một câu nhắc đi nhắc lại nhiều lần:

- Tôi không ném lựu đạn, tôi bị oan.

Đêm hôm ấy hai em thức trắng vì rét. Gần sáng có tiếng nổ ở khu Cầu Đá. Dân quân bị dựng dậy, anh nào cũng mắt nhắm mắt mở càu nhàu vác súng chạy đi. Lại một quả lựu đạn chày ném vào phòng Ứng Thị Sót trong ngôi nhà mới được chia. Rất may đêm ấy Sót không ở nhà mà nằm với đội Lạc ở thùng trấu căn hộ cũ. Bà mẹ già nghễnh ngãng bị mảnh gang chém vào đầu phọt óc ra dính nhớp nháp trên chiếc chăn dạ. Một góc chiếc sập gụ vỡ toác, cánh cửa buồng bật bản lề đổ kềnh ra đè lên hũ gạo. Làng Cùa lại một phen nháo nhào. Đèn đuốc, súng ống, gậy gộc được đám thanh niên mẫn cán sử dụng như những phương tiện chuyên chính chà đi xát lại không biết bao nhiêu lần những nơi nghi ngờ bọn Việt gian phản động ẩn náu sau khi gây án. Cánh bần nông thì dùng cần vó, đinh ba, con sào chọc xuống những bờ ao bèo tây. Họ đã có kinh nghiệm lẩn trốn bọn lính bót Tuần mỗi lúc chúng đi càn, hy vọng tóm được thủ phạm một khi chúng chưa thể ra khỏi làng. Các hầm bí mật hai tầng, hai mề và cả trảng- xê đào từ thời chống Pháp đều được khui ra. Dân quân có quyền được xộc vào tất cả các nhà khám xét từ buồng ngủ cho đến thùng trấu, hố xí mà không cần phải có lệnh của Chủ tịch xã. Sau một ngày đêm, mọi người mệt phờ anh nào cũng lấm từ đầu đến chân trong khi chiến lợi phẩm thu được chỉ là một mớ vài chiếc quần lót rách hoặc yếm diềm bâu tàng tàng được các cặp tình nhân vứt lại sau những cuộc ân ái vụng trộm mà nguồn gốc của nó bắt nguồn từ những tối nhảy sol mi và nắm tay nhau hát Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa.

Vụ án trở nên bế tắc. Làng Cùa hoang mang. Đội Cải cách và cán bộ xã Đoàn Kết lúng túng còn huyện Nam Thành ngày nào cũng cử công an về nhưng vẫn không tìm ra kẻ địch giấu mặt. Anh em Lê Văn Khải được tha sau tám ngày bị tạm giam.

Nếu kể cả Lê Văn Vận thì từ khi phát động Cải cách đến thời điểm này, làng Cùa đã có năm án tử hình, chưa đủ chỉ tiêu huyện giao. Những người đang bị giam như ngồi trong chảo lửa, lúc nào cũng lo ngay ngáy, qua một đêm thấp thỏm sáng ra mới biết mình còn sống, đã có hai người tự sát, gần đây nhất là ông Phó hội Bảng. Ông Bảng có hơn chục mẫu ruộng, nhà ngói năm gian cửa bức bàn, bên trong treo la liệt hoành phi, câu đối chẳng khác gì điện thờ. Sau khi Đội Cải cách thu toàn bộ gia sản, ông Phó hội bị giam cùng dãy với khoá Kiệt, Lý Quỳnh, bà cả Huê chờ xét xử, vợ con phải ra đồng Chó Đá, cạnh bãi tha ma, ở trong những chiếc lều tùm hum như lều chăn vịt. Hàng ngày các cô cậu vốn là con cái nhà giầu này chia nhau đi khắp nơi mò cua, bắt ốc, tát vét hoặc cắt cỏ mang nên trên chợ Từ Đường bán. Nhưng bán được cua cá không phải dễ. Dân Ba Tổng lúc ấy tránh con cái địa chủ như tránh hủi. Có hôm cô Tính cô Tình đứng từ trưa đến xế chiều lại mang mấy giỏ cua về nấu canh, cả nhà húp trừ bữa. Ông Phó hội mắc chứng táo bón ngày nào cũng phải ăn vài củ khoai lang, giờ bị cấm cố trong nhà giam ẩm thấp, lắm lúc đau bụng, ngồi chồm chỗm hàng hai ba giờ, rặn ra toàn máu lấy nhầy, người xọp hẳn đi trông rất thảm hại. Một tối, thằng cháu nội, không biết làm cách nào qua mắt bọn dân quân gác cổng đình, mang vào cho ông hơn chục củ khoai luộc. Được khoai, ông Bảng mừng lắm đưa ngay cho khoá Kiệt và Ngô Quỳnh mỗi người mấy củ. Khoá Kiệt thường xuyên bị đói vì không có người tiếp tế, thỉnh thoảng mới được anh dân quân xóm Cầu Đá, goị bằng bác họ, giấu cho nắm cơm bằng nửa quả bòng, còn toàn phải ăn nhờ. Khoai ngon lắm. Ngô Quỳnh vừa nhai vừa ao ước :

- Thế này mà đựơc thêm bát nước chè xanh nữa thì nhất trần đời.

Khúc Kiệt bảo:

- Xem ra ông lý vẫn còn lạc quan.

- Cùng lắm là bị dẫn xuống đồng Đấu lĩnh viên đạn chứ gì? - Lý Quỳnh bị nghẹn, giọng trở nên sin sít - Đối với tôi bây giờ sống chết không còn ý nghĩa gì nữa. Chỉ tiếc hồi đánh Nhật tôi theo ông Khoá thì chưa chắc cả nhà bị chết cháy.

- Nhắc đến chuyện ấy làm gì, bây giờ chúng ta cùng chung cảnh ngộ.

Lệnh của Đội Cải cách, cứ hai ngày người nhà mới được đem cơm nước vào cho phạm nhân một lần, ai cố tình vi phạm sẽ bị cắt tiếp tế một tuần. Họ làm thế để khủng bố cả tinh thần và thể xác người bị giam, làm cho cái đầu phải mềm ra, ý chí dần dần tiêu ma, tự nguyện từ bỏ ý thức hệ bóc lột, tiếp nhận tư tưởng mới, thừa nhận chân lý cách mạng sau đó vui vẻ bước lên đoạn đầu đài. Chẳng hiểu ông Phó hộicó biết được ý đồ rất khôn ngoan của Đội Cải cách không mà mấy ngày gần đây xem ra có phần đăm chiêu, nhất là từ khi thằng cháu nội cũng bị tống giam. Thằng bé thấy mấy lần đưa khoai trót lọt, sinh chủ quan. Cách đây mấy đêm, nó lại mang một làn đầy trèo qua tường phía đầu đình đưa vào cho ông. Tất nhiên đây là số khoai mẹ nó rỡ trộm ở ruộng nhà mình rồi cũng lại giấm giúi luộc trộm để cả nhà ăn cầm hơi. Nhưng lần này thằng bé không may. Nó bị hai dân quân bắt sống trong lúc vừa tụt xuống sân đình. Tay dân quân cổ lang ben tên là Phạm Ổn trước vẫn cấy rẽ nhà ông Bảng, mặt hằm hằm quất thằng bé túi bụi bằng chiếc roi mây làm cho nó khóc thét lên. Ông Phó hộithương cháu, cắn chặt răng, nước mắt trào ra. Được một lúc Ổn xách tai thằng bé kéo lê trên nền gạch:

- Vào trong chuồng giam kia, chiều nay ông đội Lạc sẽ nói chuyện với mày, riêng cái tội bới trộm khoai của bà con bần cố nông mang tiếp tế cho địa chủ đã đủ điều kiện tử hình rồi.

Ông Bảng không nhịn được nữa gọi Phạm Ổn bảo :

- Này anh kia, có đánh thì đánh tôi đây này, cháu nó còn bé làm gì nên tội mà hành hạ dã man thế.

Tay tá điền lé mắt nhìn ông Phó hộigiọng khiêu khích :

- Ông không phải chờ lâu đâu, chỉ mấy hôm nữa là được ra đồng Xưa ở chung với Chánh Bang thôi.

Nói xong hắn nhấc làn khoai luộc quay quay mấy vòng lấy đà rồi quẳng ra thật xa. Chiếc làn bay đến "vù" một cái xuống ao đình làm con bói cá khoác bộ lông xanh biếc có cái mỏ dài, to bè như gọng kìm đang đậu trên đỉnh cọc tre bờ bên kia, giật mình bay vút lên. Ngô Quỳnh lầm rầm chửi:

- Quân khố rách áo ôm vô liêm sỉ.

Khúc Kiệt thở dài:

- Chúng không vô liêm sỉ đâu mà đang đấu tranh giai cấp đấy.

Khoá Kiệt không ngủ được. Ông ta có linh cảm ngày mai sẽ đến lượt mình ra đứng trước vành móng ngựa bằng gỗ lim nhẵn bóng trong đình kia. Ông không phải địa chủ, tài sản cũng chẳng có gì ngoài mấy gian nhà bẹp và năm sào ruộng đồng Quan không người cày cấy sau khi con gái bỏ làng ra đi. Tội của Khúc Kiệt chắc Đội Cải cách chẳng thể nào nhẹ tay, bởi trong vòng mười lăm năm qua, ông đã làm cho vùng Ba Tổng, đặc biệt là làng Cùa mấy lần thành bãi chiến trường. Trong ông, có cả phẩm chất của một kẻ lưu manh chính trị lẫn máu giang hồ lục lâm theo kiểu anh hùng hảo hán thời trung đại. Bản chất của hành động phiêu lưu ấy chính là sự bất đắc chí của loại nhà nho cuối mùa bất tài nhưng lắm tham vọng. Từ lòng đố kỵ đã dẫn đến sự căm thù Khúc Đàm, Khúc Kiệt muốn làm một cái gì đó chứng tỏ bản lĩnh không tầm thường của mình. Ý nghĩ bệnh hoạn ấy dẫn ông ta đến hàng hoạt hành động đẫm máu. Kết quả là dân Ba Tổng căm thù ông ta, những oan hồn luôn hiện về đòi mạng và sau hết, Đội Cải cách xem ông ta như một tên phiến loạn cứng đầu, một kẻ bán linh hồn cho Quốc dân đảng, cần phải trừng trị nghiêm khắc.

Về phần gia đình, coi như khoá kiệt không còn gì kể cả hai đứa con thoát chết sau vụ chạm súng với quân Nhật. Khúc Thị Nhân bỏ làng ra đi, không biết lúc này đang phiêu bạt phương trời nào, còn sống hay đã chết? Khúc Văn vốn không chấp nhận ông bố vì quan điểm chuyên chính mà bắn giết vô tội vạ, đã trốn vào Nam với đám tàn quân sau khi các bên ký hiệp định Geneve. Phải, bây giờ đã đến lúc đánh giá lại toàn bộ công việc của mình trong những năm qua.

Nghĩ đến đây, bất giác Khúc Kiệt giật mình. Là kẻ có máu sĩ diện, ông ta chỉ thích khoe khoang chiến tích trước thiên hạ chứ không thể cúi đầu trước đám bần cố nông chân đất mắt toét một chữ bẻ đôi không biết. Thà chết còn hơn. Ai cũng như bọn chúng thì lấy đâu ra độc lập hôm nay? Thật là một lũ vô ơn, bạc tình bạc nghĩa.

Đêm đã khuya. Trời lạnh. Trong đời có lẽ chưa bao giờ Khúc Kiệt thấy một đêm tháng chạp huyền ảo như đêm nay. Vành trăng thượng tuần mỏng như chiếc lá non, uốn cong hệt cánh diều vàng chập chờn giữa những cụm mây xốp trắng hình vẩy cá. Sân đình loang loáng ánh trăng. Một con quạ già chẳng biết từ đâu bay ngang qua, kêu lên ba tiếng nghe rất là ai oán. Phạm Ổn, vai khoác súng tay xách đèn chai soi vào cửa luồng giam, thấy các phạm nhân mặt mũi phờ phạc nằm co quắp trên phản gỗ, anh ta yên tâm vào đình đánh lửa hút thuốc lào. Sang đầu canh tư Khúc Kiệt ngồi dậy, dựa lưng vào vách một lúc rồi lần vạt áo xé rách đường chỉ khâu lấy ra gói thuốc độc giấu được từ trước hôm bị bắt từ từ bỏ vào miệng.

Sáng ra, Ngô Quỳnh thấy người Khúc Kiệt đã cứng, khoé miệng còn dính mấy giọt máu đen, liền gọi Phó hộiBảng, nhưng ông này cũng đã cắn lưỡi chết từ lúc nào không biết. Được tin, Cung Văn Luỹ sợ lắm vội cùng với mấy dân quân vào khênh hai cái xác đặt giữa sân đình. Thằng cháu ông Phó hộivừa được thả ra ôm lấy xác ông nội khóc váng lên.

Cái chết bất ngờ của Khúc Kiệt và Phó hộiBảng làm đội Lạc phát điên lên. Anh ta ra lệnh cho Xã đội trưởng Cung Văn Luỹ giam mấy dân quân gác đêm lại chờ công an điều tra. Như vậy là kế hoạch đấu tố ông cựu Trưởng ban An ninh dự kiến vào sáng ngày mai đương nhiên bị huỷ bỏ. Sau hai vụ ném lựu đạn, đây là vụ thứ ba làm Đội Cải cách và Uỷ ban hành chính xã Đoàn kết phải đau đầu. Vết thương ở lưng Bùi Quốc Tầm chưa khỏi, anh ta vẫn phải nằm bẹp ở nhà . Bí thư Lại Quang Nghinh thì ấm ớ hội tề, chẳng quyết định được việc gì, mấy ông bà cốt cán chỉ to mồm, thành thử những việc hệ trọng như thế này đội Lạc không nhúng tay vào không xong. Chiều hôm ấy, sau khi khám nghiệm xong, công an cho phép chôn xác ở đồng Đấu là nghĩa địa dành cho bọn tội phạm nhưng chỉ bó chiếu, không được đóng quan tài. Thân nhân khoá Kiệt không còn ai, Cung Văn Luỹ xin ý kiến Đội Cải cách rồi cử mấy dân quân khiêng đi. Huyệt đào vội, nông choèn choẹt, lấp đất xong, tay Mạn đánh một vầng cỏ úp ngược lên rồi vén quần đái một bãi lên mộ, miệng lầm rầm :

- Đáng đời quân phản động.

Nửa đêm hôm ấy, người đàn bà mặc đồ tang cùng hai gã đàn ông mấy hôm trước lại xuất hiện với cỗ quan tài mộc. Họ nhanh chóng lôi Khúc Kiệt lên mặc cho bộ quần áo gụ rồi đưa vào quan tài, sau đó chuyển sang chiếc huyệt mới đào cạnh mộ Lê Văn Vận. Bó nhang được thắp lên lúc mờ lúc tỏ làm khuôn mặt người đàn bà biến dạng như ma hiện hình. Bà ta lấy trong làn bát cơm quả trứng đặt lên mộ, cúi đầu đầu khấn thì thầm mấy câu rồi cùng hai người đàn ông vác cuốc xẻng quay về.

*

* *

Cuối tháng chạp, Đội Cải cách chưa kịp xử bà cả Huê và Ngô Quỳnh thì làng Cùa xảy ra hai vụ bê bối. Vụ thứ nhất liên quan đến Cấn Viết Tham còn vụ thứ hai, liên quan đến Ứng Thị Sót. Vợ chồng Cấn Viết Tham được chia một nửa ngôi nhà ngói năm gian của chánh tổng Lê Bang. Sau khi Lê Bang bị xử bắn, Đội Cải cách cho vợ con ông ta ở tạm dãy nhà ngang Ba gian phía bên phải, giáp với bờ ao. Từ ngày Cải cách đến giờ, cô Tẽo, vợ Tham béo phây phây, chẳng làm ăn gì, suốt ngày hết họp đoàn thể phụ nữ, nông hội, bình xét thành phần giai cấp lại rủ nhau ra sân đình tập múa hát. Tẽo là con bà phó Vện. Ông Vện làm thợ rèn mắc bệnh xơ gan cổ trướng, bụng phình ra bằng cái chum rồi chết năm mới ba mươi hai tuổi. Cô con gái rượu của ông Phó rèn càng lớn càng xấu, nhà lại nghèo rớt mồng tơi, thành ra đã xấp xỉ ba chục xuân xanh mà không một chàng trai làng Cùa nào thèm để mắt tới . Khiếp nhất là dáng đi, cứ vài ba bước cô ta lại giật một cái như là dẫm phải bọ cạp làm bà mẹ cũng phải phát bẳn chửi :

- Mày đi đứng như thế thì có chó nó lấy.

Cô con gái hứ một tiếng, đánh cặp mắt cùi nhãn lườm mẹ rồi gieo cái mông lặc lè như mông lợn ỷ xuống tấm phản đánh rầm một cái. Tẽo có tật thích tán chuyện, gặp đám chị em cùng hội cùng thuyền thì trưa không vội tối không cần mặc cho bà mẹ già ở nhà tha hồ mà chờ. Khi ấy Cấn Viết Tham đã chớm ngưỡng tam thập, bố mẹ mất sớm, không tấc đất cắm dùi phải đi ở nhờ nên chẳng dám nghĩ đến chuyện cưới vợ. Chính đội Lạc đứng ra làm mối và tổ chức đám cưới cho cặp uyên ương này sau khi anh ta về làng Cùa được già nửa tháng. Đây là đám cưới đời sống mới đầu tiên ở vùng Ba Tổng mà chú rể tặng hoa cô dâu và dắt tay nhau nhảy sol mi làm các ông già bà cả đang móm mém nhai trầu xuýt nữa bị nghẹn. Lấy nhau xong đôi vợ chồng được chia nửa ngôi nhà ngói, bảy sào ruộng đồng Quan và một chân trâu.

Vợ con Lê Bang không còn ruộng, bà Chánh phải đi quét những hạt thóc rơi vãi mang xuống ao đãi sạch rồi đưa ra phơi. Hết vụ gặt họ đi tát thùng, vũng hoặc đánh giậm kiếm cá tép mang ra chợ chiều bán. Một hôm cô Thời đi mót khoai về, đang định nấu cháo thì phát hiện ra số gạo ít ỏi trong chum bị vơi đi già nửa. Cô ta vội rỉ tai mẹ. Bà Chánh hỏi hai đứa cháu vừa đi móc cua về, đứa nào cũng lắc đầu. Lần khác, chính thằng cháu lớn lại hỏi cả nhà xem có ai bắt hai con cá trê to nhất nó thả trong chum để dành bán lấy tiền mua dầu thắp.

- Vậy là nhà này có ma rồi... - Bà mẹ lẩm bẩm.

- Không phải ma đâu.- Cậu Thể, con trai út ông chánh chuyên đánh lưới bén ở ao Quan ngó ra ngoài một lúc rồi bảo - Mấy hôm trước, con vừa về để rổ cá cạnh bể nước, mới ra cầu ao rửa chân quay lên đã mất con chép già nửa cân.

Bà Chánh hất hàm chỉ lên phía nhà ngói:

- Chẳng lẽ lại là...

Cô Thời chép miệng:

- Còn ai vào đây nữa. Đồ ăn bơ làm biếng.

- Khẽ mồm chứ! – Bà mẹ xua tay – Chuyện này không được hở ra, Đội Cải cách mà biết sẽ cho mẹ con ta ra đồng Chó Đá đấy.

- Nhưng mà con tức lắm . – Cô con gái vẫn hậm hực - Ky cóp cho cọp nó ăn. Được rồi, con sẽ có cách.

Mấy hôm sau, như thường lệ, cả nhà bà Chánh ra đồng. Cánh cửa chỉ khép hờ. Cô Thời vác gầu sòng với cái cuốc ra đến cổng thì tạt ngay qua bờ rào, lách khe chuồng lợn vào nhà bằng lối cửa mạch, nép phía sau bồ khoai khô ngồi rình. Quả nhiên không đầy một khắc, bà cốt cán đẩy cửa bước vào tự nhiên như là nhà mình. Chị ta nhìn trước nhìn sau thấy xung quanh không có gì đáng nghi liền mở nắp chum xúc luôn mấy bơ gạo mà bà Chánh phải đãi suốt ngày hôm trước mới gằn được hết sạn. Cho gạo vào khăn vuông xong, Tẽo túm lại định bước ra khỏi cửa thì Thời bất ngờ xuất hiện. Bà cốt cán tái mặt, cái miệng rộng há ra chưa nói được câu gì thì Thời đã chặn lại :

- Hôm nay bắt được quả tang, hết đường chối cãi nhớ!

Tẽo lắc đầu ấp úng:

- Cô nói quả tang... cái gì?

- Cái túm gạo chị đang cầm ở tay đấy. Thế mà cũng là cốt cán.

Tẽo biết thế của mình đang rất bất lợi liền đổi giọng:

- Chị trót nhỡ tay cô bỏ qua cho.

Thời còn đang phân vân vì không muốn làm to chuyện thì Tẽo nhanh tay quẳng túm gạo ra sân kêu toáng lên:

- Ới làng nước ơi! Con gái Chánh Bang xúc trộm gạo nhà tôi.

Cấn Viết Tham lúc ấy đang họp ở đình nhưng chỉ một lúc sau đã có mặt tại nhà cùng với mấy dân quân đầy đủ súng ống và dây thừng. Người ta không cho Lê Thị Thời thanh minh mà chỉ nghe lời khai báo của thị Tẽo :

- Từ lâu tôi đã biết con Thời có tính gian vặt nhưng mấy lần rình nó đều thoát được. Sáng nay tưởng tôi đi vắng, nó dám lẻn vào buồng xúc gạo rồi lấy ngay chiếc khăn trên lao màn bọc. Cũng may tôi về kịp nếu không nó còn già mồm cãi. Đấy các anh xem, gạo còn đổ tung toé khắp nơi, chối làm sao được.

Tất nhiên không Đội Cải cách nào tin lời con gái địa chủ nhất là loại địa chủ đã bị Toà xử tử hình. Chân lý thuộc về bần cố nông, là những ngưòi lúc này có thứ vũ khí rất mạnh trong tay đó là chuyên chính vô sản.

Đúng như bà Chánh đã tự đoán, ngay ngày hôm ấy mấy mẹ con bị trục xuất khỏi làng đến cư trú ở đồng Chó Đá. Riêng cô Thời bị dân quân dẫn ra đình Cả. Đội Lạc chỉ thị cho Cung Văn Luỹ:

- Canh giữ cẩn thận kẻo nó trốn mất, ngày mai sẽ có công an về điều tra.

Vụ thứ hai xảy ra sau đó gần một tháng. ấy là cái bụng Ứng Thị Sót phình ra. Đây là sự kiện động trời, bởi chồng cô ta là Lê Bản con cả Chánh Bang đã chết trong trận Việt Minh đánh đồn Gừa từ năm năm hai. Hiển nhiên người không thể có chửa với ma, mà đấy là kết quả tất yếu sau những buổi hội ý chớp nhoáng hay lâu dài với đội Lạc trong suốt thời gian họ sát cánh bên nhau vì công cuộc "Cải cách ruộng đất". Chẳng mấy chốc trống cơm của bà cốt cán lộ rõ đến mức không thể giấu được nữa, thành thử gần đây cô ta không dám xuất hiện trước đám đông mà cứ đóng cửa ru rú ở nhà. Đội Lạc sợ lắm hẹn Sót buổi tối về nhà cũ có chuyện cần bàn. Lúc hai người bước vào sân hoàn toàn không biết có một bóng đen nấp đằng sau vách.

Tiếng đội Lạc:

- Tay Nghinh gọi ra đình bảo thế nào?

Sót:

- Hắn bảo có chửa với ai cứ khai thực ra, chi bộ sẽ giảm nhẹ hình thức kỷ luật.

Đội Lạc:

- Chớ có dại, khai ra là mất hết, có khi còn đi tù nữa.

Sót:

- Làm thế nào bây giờ? Cái thai mỗi ngày một to không che mắt được người làng nữa rồi.

Đội Lạc:

- Cứ nói là một đêm đi họp về bị một kẻ bịt mặt cưỡng bức.

Sót:

- Liệu họ có chịu tin không?

Đội Lạc:

- Họ phải tin. Đợi chuyến này anh về cắt đứt với cô ta rồi cưới em một cách đàng hoàng. Em mà hở ra quan hệ của chúng mình là sự nghiệp của anh đi tong.

Sót bất ngờ nổi tam bành:

- Thế lúc nằm trên bụng tôi anh có nghĩ đến sự nghiệp không? Nếu anh có ý định chạy làng thì lành làm gáo vỡ làm muôi, gái này không chịu lép đâu.

Đội Lạc cuống quýt:

- Khẽ chứ em, cứ chịu đựng ít hôm rồi đâu vào đấy cả.

Nhưng sự việc không đơn giản như đội Lạc nghĩ. Mấy hôm sau có người đàn bà bịt khăn mỏ quạ, mặc áo bông Tàu, quần láng đen từ Mạc Điền sang làng Cùa. Chị ta tìm vào sân đình hỏi thăm rồi rẽ lên xóm Cầu Đá. Nhìn thấy Phạm Ổn là người được chia chung nhà với Ứng Thị Sót, người đàn bà lạ đánh tiếng :

- Bác làm ơn cho em hỏi có phải đây là nhà cô Sót Bí thư phụ nữ?

Ổn thấy chị ta ăn mặc nền nã, nói năng dễ nghe biết là người tốt liền gật đầu bảo :

- Cô ấy đang ở trong kia.

Người phụ nữ đẩy cửa. Sót thoáng giật mình. Cô ta chưa bao giờ gặp người đàn bà này.

- Chị hỏi ai?

- Cô là cô Sót, cốt cán làng Cùa phải không?

- Nhà chị là ai? Có việc gì?

- Chị ở mãi huyện Nam An, có chút việc, nhân tiện rẽ qua đây nhờ cô.

Cách nói ngọt như mật cùng với thái độ kẻ cả của người đàn bà lạ làm Sót sinh nghi. Chỉ vài ba câu, chị ta đã buộc đồng chí Bí thư phụ nữ dù không muốn cũng phải nói rõ thân phận của mình. Khi đã nắm được những thông tin cần thiết người đàn bà bỗng nhiên trở mặt:

- Bây giờ thì không giấu cô nữa, tôi chính là vợ anh Lạc.

- Thì ra chị... lừa tôi.

Vợ đội Lạc thay đổi cả cách nói năng, giọng chị ta trở lên đanh quánh:

- Cái thai được mấy tháng rồi đồng chí cốt cán?

Sót hiểu tình thế của mình, kiểu này xem ra chị ta đã biết chuyện liền cười nhạt bảo:

- Việc này không liên quan đến chị. Tôi bị kẻ lạ mặt cưỡng hiếp ban đêm.

- Bị cưỡng hiếp ở đâu? – Chị ta mát mẻ hỏi. – Trong thùng trấu nhà cô hay hậu cung đình Cả?

- Chị ra khỏi đây ngay, nếu không tôi kêu lên bây giờ.

- Kêu lên đi! – Vợ đội Lạc bất ngờ túm tóc Sót kéo ra cửa vừa tát cảnh cáo mấy cái vào mặt vừa rủa - Đồ quạ tha ma bắt. Hôm nay bà phải cho con đĩ cướp chồng người khác một trận rồi muốn ra sao thì ra.

- Ối làng nước ơi! Cứu tôi với!

Sót gào khá to. Dân xóm cầu đá kéo đến rất đông nhưng chỉ để đứng xem.

Từ lâu họ đã ghét cô ta cậy thế đội Lạc hống hách, vu oan giá hoạ cho bao nhiêu người lương thiện khiến nhà tan cửa nát, phải bỏ làng đi tha hương. Bà cả Phê còn rỉ tai mọi người:

- Tiếc là cái hôm lựu đạn nổ con nặc nô ấy không tan xác.

Hai kẻ tình địch lúc này đã ôm cứng lấy nhau lăn xuống sân. Vợ đội Lạc quấn chặt tóc Bí thư phụ nữ vào tay lấy hết sức bình sinh giật đi giật lại, còn cô ta vung hai nắm tay cứ nhằm mặt đối thủ mà đấm. Vật nhau một lúc, vợ đội Lạc khoẻ hơn dằn ngửa được Ứng Thị Sót ra, ngồi đè lên bụng, hai tay tì lên xương quai xanh nhổ vào mặt “đồng chí cốt cán”:

- Con đàn bà đĩ dài đĩ rạc, mày muốn chết thì tao cho mày chết.

- Đồ thần đanh đỏ mỏ, bà mà dậy được thì mày sống cũng thành tật.

Hai mụ đàn bà vừa võ mồm vừa võ tay trông rất là hài hước khiến bà cả Phê ngứa mắt bảo Phạm Ổn:

-Chúng mày cứ trố mắt ra mà nhìn à? Vào lôi hai đứa ra. Cái con bé mông to ngồi trên kia khéo làm con Sót truỵ thai mất.

Tay Ổn lảng ra giọng nhát gừng :

- Cứ để cho chúng nện nhau chán đi, không sao đâu bà ạ.

Có người báo khẩn cấp, không đầy nửa giờ đội Lạc, Cung Văn Luỹ, Lê Thị Chĩnh và mấy dân quân đã kịp thời có mặt. Nhìn thấy vợ ngồi chồm chỗm trên bụng nhân tình, Lạc sững người giọng mất hết cả thần khí.

- Sao... sao lại... thế này?

Bà Đội bấy giờ mới từ từ đứng dậy bĩu môi lườm chồng :

- Sao với giăng gì. Tôi phải mất công từ kẻ La sang đây là để cho con đĩ cướp chồng người khác này bài học.

Đội Lạc vừa tức vừa xấu hổ. Tình thế lúc này thật là bi hài, nhưng để vớt vát chút sĩ diện anh ta đành phải quát vợ:

- Cô không được làm càn, hành hung người khác là phạm pháp, tôi hô dân quân trói lại bây giờ.

Chị vợ cũng không phải tay vừa cất giọng châm chọc:

- Vậy tôi hỏi anh, cán bộ Cải cách hủ hoá với nữ cốt cán có mang rồi bàn nhau về quê bỏ vợ thì phạm tội gì?

- Cô đặt điều vu khống ai đấy? - Đội Lạc quắc mắt - Đồng chí Sót bị kẻ xấu rình lúc đi họp về bắt cóc cưỡng bức, chúng tôi đang phối hợp với dân quân truy tìm thủ phạm, đừng có nói càn.

Vợ đội Lạc cười gằn, rút từ trong túi ra tờ giấy đưa cho Lê Thị Chĩnh bảo :

- Đây là một trong những lá thư người làng Cùa gửi cho tôi, nhờ cô đọc to lên để bà con cùng nghe.

Chĩnh Con bỗng nhiên tái mặt, cầm bức thư xoay ngang xoay dọc một lúc lại đưa cho thằng Đại con ông đồ Sách. Cậu này đang học tiểu học nhìn qua một lượt rồi cất giọng ê a hệt ông bố giảng Tam tự kinh:

- Kính gửi chị Hoàng Thị Nhâm tức là vợ ông đội Mai Đăng Lạc đang làm Cải cách ruộng đất ở làng Cùa, xã Đoàn Kết, huyện Nam Thành. Tôi xin báo cho chị một việc quan trọng có liên quan đến hạnh phúc gia đình, là ông Đội nhà ta, trong thời gian ở làng Cùa, đã có quan hệ luyến ái với nữ cốt cán Ứng Thị Sót....

- Thôi, không đọc nữa! –Từ nãy đến giờ Sót vẫn nằm ăn vạ giữa sân, giờ thấy tình thế đã xoay chuyển, chợt nhận ra đội Lạc hoàn toàn là tay Sở Khanh liền ngồi dậy, kéo vạt áo che cái bụng lùm lùm rồi dõng dạc bảo. - Chẳng có thằng đàn ông nào bắt cóc cả, chính anh Lạc đã ngủ với tôi. Đứa con trong bụng này là của anh ta.

Đội Lạc gầm lên:

- Đề nghị đồng chí Sót ăn nói cho nghiêm chỉnh, không được vu khống.

- Anh có giỏi thì làm đơn bỏ vợ ngay đi tôi sẽ rút lại lời tố cáo.

- Cô ép tôi đấy à?

- Thôi, đừng làm ra vẻ đạo đức nữa, anh ngủ với tôi bao nhiêu lần còn nhớ không?

Sau vụ đánh ghen mấy ngày Ứng Thị Sót bị khai trừ khỏi đảng, cách chức Bí thư phụ nữ và uỷ viên Nông hội. Đội Lạc cũng mất sạch chức tước phải rời Đoàn Cải cách về kẻ La đi cày.

Người về thay đội Lạc tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cải cách ruộng đất làng Cùa là đội Ngọ. Anh này người xứ Nghệ, có chút học vấn, làm việc khá thận trọng, chính vì thế bà cả Huê, Lý Quỳnh và một số địa chủ khác không bị tử hình mà chỉ lãnh mức án mười đến hai mươi năm tù.

Làng Cùa sau cơn biến động dữ dội lại tạm thời yên tĩnh. Bùi Quốc Tầm khỏi vết thương. Từ đó anh ta không bao giờ dám cởi trần vì đám sẹo nhăn nhúm trông rất gớm ghiếc sau lưng. Dạo này Tầm chịu khó đi học bình dân học vụ đã đọc được chữ in tuy đôi lúc vẫn phải đánh vần ngắc ngứ. Lê Thị Chĩnh Con đột nhiên biến khỏi làng chẳng biết vì lý do gì mặc dù lúc ấy cô ta đã thay Ứng Thị Sót làm Bí thư phụ nữ xã Đoàn Kết. Cốt cán Sót đẻ con gái. Đứa bé rất bụ, tóc đen và dầy, cặp má phính phính, hai bàn tay ếch lúc nào cũng khua múa như đánh võ. Mấy bà đồng bóng chuyên nhảy nhót ở đền Sòng kháo nhau: bố mẹ nó nửa đêm vào hậu cung làm chuyện báng bổ thánh thần thế mà được đứa con gái đẹp như Ngọc Nữ, nhưng chớ vội mừng, đời còn dài lắm.


[1] Tên tác phẩm “Liêu trai chí di”, ghi chép những chuyện ma quỷ của Bồ Tùng Linh